TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Mùa Vọng – Năm C

“Mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. (Lc 3, 1-6)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sự sống thai nhi – Hồng ân bị loại bỏ

Thứ hai - 29/05/2023 20:01 | Tác giả bài viết: Phêrô Dương Văn Hải, S.D.B |   730
Nhiều nước đã cho phép phá thai, vì đó là quyền của con người. Vậy tại sao con thấy Giáo hội Công giáo luôn ngăn cấm việc phá thai?
Sự sống thai nhi – Hồng ân bị loại bỏ

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

Bài 87: SỰ SỐNG THAI NHI – HỒNG ÂN BỊ LOẠI BỎ
 

Hỏi: Nhiều nước đã cho phép phá thai, vì đó là quyền của con người. Vậy tại sao con thấy Giáo hội Công giáo luôn ngăn cấm việc phá thai?

Trả lời:

Trong thời đại chúng ta hôm nay, nhiều người vẫn luôn đòi hỏi cho mình có được những quyền chọn lựa căn bản cho cuộc sống. Đó là một đòi hỏi chính đáng của đời sống nhân loại. Thế nhưng, không phải điều nào mình thấy có lợi cho bản thân, thì quyền đòi hỏi đó phải được đáp ứng. Những quyền chọn lựa căn bản của đời sống con người phải đặt nền tảng trên chân lý và sự thiện, cũng như phải gắn kết vào mối tương quan với Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, và với cả tha nhân.

Một trong những đòi hỏi của nhiều người, đặc biệt là nhiều bạn trẻ ngày nay, đó là có quyền được phá thai. Một số nước đã cho phép phá thai, vì thế, nhiều bạn trẻ cũng đòi hỏi Giáo Hội chấp nhận điều này. Thế nhưng, chúng ta cần phải xét xem sự cho phép đó có phải đang đặt nền trên một chọn lựa sự thiện, cũng như nó có chiếm lấy quyền của Thiên Chúa hay không. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu điều này để có thể thấu hiểu một cách rõ ràng hơn về giá trị của sự sống con người.

Hồng ân sự sống

Sự sống là một hồng ân, bởi do chính Thiên Chúa là Đấng tác tạo nên. Vì thế, con người được đón nhận sự sống từ tình yêu thương của Thiên Chúa, để rồi đi vào mối tương quan trong tình yêu và hạnh phúc với Ngài. Kinh Thánh cho chúng ta thấy: “Con người giống hình ảnh Thiên Chúa” (St 1,27; 2,7), nghĩa là con người được Thiên Chúa tạo dựng để được chia sẻ sự sống với Ngài. Sự sống con người thuộc về Thiên Chúa và chỉ mình Ngài mới có quyền tối thượng quyết định trên sự sống (x. Đnl 32, 39).

Chính Thiên Chúa đã dựng nên con người, “thổi sinh khí” (St 2,7) cho con người có được sự sống. Từ đây, sự sống con người mặc lấy thần tính của Thiên Chúa, một sự thông ban để con người được hiệp thông vào sự sống vĩnh cửu. Vì thế, sự sống chính là một quà tặng vô giá, là hồng ân cao quý mà Thiên Chúa đã thương ban cho con người, nên: “Sự sống con người phải được coi là điều linh thánh, vì từ lúc khởi đầu của mình, sự sống đó ‘đòi phải có hành động của Đấng Tạo Hóa’ và mãi mãi được liên kết một cách đặc biệt với Đấng Tạo Hóa, là cùng đích duy nhất của mình” (GLHTCG, 2258).

Con người không thể muốn có sự sống là có, và sự sống không phải là sản phẩm do con người tạo ra, như một kiểu chế tạo theo ý riêng của mình. Sự sống là thánh thiêng, là quyền tuyệt đối không bị lệ thuộc vào bất kỳ một quyền nào khác. Chính Thiên Chúa là Đấng tác tạo nên sự sống, và cũng là nguồn sống cho con người. Mỗi sự sống đều có giá trị cao quý trong ý định của Thiên Chúa. Quyền sống của con người được xây dựng trên chính sự sống Thiên Chúa: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con. Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu! Hồn con đây biết rõ mười mươi. Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì, khi con được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu” (Tv 139,13-15).

Sự sống của con người được Thiên Chúa tạo dựng, yêu thương và bảo vệ, dù đó là những con người nhỏ bé và yếu đuối nhất, như chính lời Chúa Giêsu đã nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng” (Mc 10, 14). Chúa Giêsu đón nhận tất cả mọi người, tôn trọng và yêu thương họ. Đặc biệt, Ngài đề cao sự hiện diện của trẻ nhỏ trong thế giới nhân loại, và ví các em như các thiên thần trên trời đang được chiêm ngưỡng nhan Chúa Cha (x. Mt 18,10). 

Quyền được sống của các thai nhi

Như chúng ta thấy, sự sống là một hồng ân cao quý mà con người được đón nhận từ Thiên Chúa. Con người không có quyền quyết định trên sự sống của mình hay của người khác: “Quyền được sống là quyết bất khả nhượng của mỗi người vô tội… Quyền này không tùy thuộc vào các cá nhân, không tùy thuộc vào các cha mẹ, cũng không phải là một nhân nhượng do xã hội và nhà nước làm ra, nhưng những quyền này thuộc về bản tính con người và gắn liền với nhân vị do chính hành động tạo dựng, là nguồn gốc của con người” (GLHTCG, 2273). Do đó, dù là một sinh linh bé nhỏ, thì các thai nhi vẫn có quyền được sống, vì quyền sống đó phát xuất từ Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa là Đấng có quyền trên sự sống này mà thôi: “Chỉ có Thiên Chúa là Chúa của sự sống từ khi sự sống khởi đầu cho tới khi kết thúc: không ai, trong bất cứ hoàn cảnh nào, có thể dành cho mình quyền trực tiếp đem cái chết đến cho một thụ tạo nhân linh vô tội” (GLHTCG, 2258).

Hơn nữa, vì các thai nhi là những sinh linh nhỏ bé và yếu đuối, nên rất cần đến sự yêu thương và bảo vệ từ những người thân yêu: “Vì phải được đối xử như một nhân vị từ lúc tượng thai, nên phôi thai phải được bảo vệ, chăm sóc và chữa trị trong sự toàn vẹn của nó” (GLHTCG, 2274). Không ai, dù là những người thân yêu nhất của thai nhi, có quyền phán quyết trên sự sống của chính thai nhi: “Thiên Chúa là Chúa của sự sống, đã giao phó cho con người nhiệm vụ cao cả là bảo tồn sự sống, và họ phải chu toàn nhiệm vụ đó cách xứng đáng với con người. Vì vậy, sự sống ngay từ lúc tượng thai, phải được bảo vệ hết sức cẩn thận: việc phá thai và giết trẻ sơ sinh là những tội ác ghê tởm” (Công đồng Vatican II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 51). Khi thực hiện hành vi phá thai, con người đang tước đoạt quyền làm chủ sự sống của Thiên Chúa, cũng như quyền sống bất khả xâm phạm của mỗi người.

Việc phá thai luôn là một tội ác luân lý. Trên con đường bảo vệ sự sống, hẳn nhiên Giáo hội mời gọi mỗi người bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống. “Ngay từ thế kỷ thứ nhất, Hội Thánh đã khẳng định mọi vụ phá thai đều là tội ác luân lý. Giáo huấn đó không thay đổi. Giáo huấn đó vẫn luôn luôn không thể thay đổi. Việc phá thai trực tiếp, nghĩa là, hoặc được muốn như mục đích hoặc được muốn như phương tiện, đều trái ngược một cách nghiêm trọng với luật luân lý” (GLHTCG, 2271). Chính vì lẽ đó, Giáo Hội luôn bảo vệ sự sống của tất cả mọi người, đặc biệt là với các thai nhi, những sinh linh nhỏ bé nhất, cần được yêu thương và che chở hơn hết.

Do đó, Giáo Hội luôn ngăn cấm việc phá thai dưới bất kỳ hình thức nào, và những ai “Cộng tác chính thức vào việc phá thai là một trọng tội” (GLHTCG, 2272). Cũng như Giáo Hội phạt vạ tuyệt thông cho tội ác chống lại sự sống của con người: “Người nào thi hành việc phá thai, và nếu việc phá thai có hiệu quả, thì bị vạ tuyệt thông tiền kết” (Giáo luật, 1398).

Mong rằng trong đời sống nhân loại, con người luôn ý thức về hồng ân sự sống của chính mình và của người khác. Từ đó, luôn biết sống trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, cũng như biết yêu thương, nâng đỡ và bảo vệ sự sống cho nhau, đặc biệt là đối với các thai nhi. Qua đó, sự sống của các thai nhi sẽ mãi là quà tặng tình thương mà Thiên Chúa dành cho con người.

Phêrô Dương Văn Hải, S.D.B
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 5, Nxb Tôn Giáo, 05/2021)

WHĐ (29.5.2023)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây