Nơi yên nghỉ vĩnh hằng
Có lẽ trên phần mộ người Việt không thường viết chữ “R.I.P” như những bia mộ ở nước ngoài. Tuy nhiên nhiều người quen thuộc với chữ viết tắt Latinh này. “R.I.P” là ba chữ đầu của cụm từ “requiescat in pace”, hoặc tiếng Anh là “rest in peace,” nghĩa là “yên nghỉ trong bình an”. Sách sử ghi lại chữ R.I.P xuất hiện từ thế kỷ thứ 8 nhằm để cầu nguyện cho những người đã khuất. Thời nay cũng vậy, đó là ước vọng của người còn sống mong cho hương hồn người chết được an nghỉ vĩnh hằng.
Thực ra nơi bia mộ của người Việt, nhất là của người Công giáo, chúng ta cũng thường thấy cụm từ tương tự như R.I.P. Đó là “nơi an nghỉ vĩnh hằng”, “nghỉ yên trong Chúa” hoặc “yên nghỉ trong bình an”. Hóa ra chết lại là chỗ người ta được yên nghỉ thiên thu, được trở về với cát bụi là nhà của mình. Nơi đó người chết không còn vương vấn trần đời nữa. Một cách nào đó chết lại giải thoát con người khỏi khổ đau bất hạnh. Là người Công giáo, chúng ta tin rằng chính Thiên Chúa sẽ đưa người thân của ta về nơi yên nghỉ vĩnh hằng. Trong Thiên Đàng người thân của ta không còn khổ đau, nhưng tràn đầy hạnh phúc bình an!
Nói thế không phải ai cũng bình an đón nhận cái chết của chính mình hoặc của người thân. Chết luôn là một cú sốc khiến không ít người gào lên vì sự vô lý của nó. Vô lý vì nó đến với bất kỳ ai, bất cứ khi nào và trong mọi hoàn cảnh. Nếu như con người yêu quý sự sống bao nhiêu, thì cái chết lại cướp đi tất cả của con người bấy nhiêu. Bởi đó ai cũng sợ hãi nó! Truyện xưa kể rằng có lần chú tiều phu vác bó củi từ rừng về nhà. Trên đường đi chú mệt mỏi, khát nước. Chú bực tức quăng bó củi và la lớn rằng: “Thà chết còn hơn là vác bó củi nặng nề như thế này!” Lúc đó thần chết hiện ra hỏi lại chú vừa nói gì. Chú trả lời: “Tôi muốn nhờ ông đưa bó củi kia cho tôi vác về nhà!” Không chỉ con người mới sợ chết. Trong Vườn Dầu năm xưa, chính Con Thiên Chúa cũng đổ mồ hôi máu trước cái chết. Tuy nhiên, trên thập giá chúng ta thấy Giêsu hoàn toàn phó thác tất cả trong chương trình cứu độ của Chúa Cha. Dầu phải chết, nhưng Giêsu tin rằng Cha không bao giờ bỏ Ngài. Rồi yên nghỉ trong ngôi mộ ba ngày, Đức Giêsu đã sống lại. Từ đó mở ra một trang sử mới cho nhân loại, cho những ai chết trong ân nghĩa với Thiên Chúa.
Phải thừa nhận rằng từ cổ chí kim cái chết luôn được nhìn từ nhiều góc cạnh rất khác nhau. Phật giáo cho rằng chết là lúc con người được đầu thai vào một kiếp khác. Kitô giáo tin rằng chết là con đường bước vào đời sống mới, nơi đó người con của Chúa thực sự được yên nghỉ vĩnh hằng. Triết gia Platô xem thân xác là “mồ chôn”, là “tù ngục” của linh hồn; linh hồn được mời gọi thoát ra khỏi thân xác để kết hợp với thần linh, tìm lại bản tính đích thực của mình. Triết gia Heidegger tiết lộ về thân phận con người là hữu thể hướng về cái chết. Trong khi đó, chắc nhiều người đồng ý với tư tưởng của Jean-Paul Sartre: “Trong vô vàn những phi lý của đời người, sự chết là phi lý hơn cả, phi lý vì chẳng những nó chấm dứt cuộc tại thế của tôi, mà còn phá hủy tất cả những dự phóng của tôi.” Trong sự phi lý ấy, Nietzsche và Schopenhauer còn cho rằng chết đưa người ta đến cái hư vô. Trong triết lý Á Đông, chúng ta cũng quen luận lý rằng: “sinh ký tử quy – sống gửi thác về”. Nói như Trịnh Công Sơn: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi.” Tựu chung, “Con người sinh ra trên đời theo lẽ tự nhiên, chết cũng tự nhiên.” (Lão Tử).
Chắc chúng ta không cần đi sâu vào những giải thích quá học thuật về cái chết! Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tế cho thấy cái chết thường khiến người ta hoang mang, nhất là những người có cái nhìn tiêu cực về sự chết. Trong niềm tin Kitô giáo, dường như cái chết không quá bi đát như nhiều người nghĩ, bởi nói như thánh Phaolô: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô, còn chết là một mối lợi.” (x. Pl1, 18-26). Sau này triết gia Heidegger xác quyết rằng: “Chỉ có Thiên Chúa mới cứu được chúng ta.” Nhưng dù không cùng niềm tin Kitô giáo, ai ai cũng ước mong cho người đã khuất được an nghỉ. Đó là lời chúc sau cùng của người sống dành cho người nằm xuống.
Trong tháng 11 này, ước gì khi nhớ đến những linh hồn đã khuất, chúng ta hằng cầu nguyện cho họ được Thiên Chúa rước vào Thiên Đàng. Lời cầu nguyện ấy có sức mạnh đưa những ai còn trong chốn luyện hình vào nơi an nghỉ thiên thu. Xin đừng quên các linh hồn! Ước gì vài cụm từ “nơi yên nghỉ vĩnh hằng”, hay “nghỉ yên trong Chúa” gợi nhắc ta đến phận người mỏng dòn và phải chết. Rồi nơi mảnh đất yên bình của nghĩa trang, chúng ta hy vọng những linh hồn ấy đang được hưởng hạnh phúc Nước Trời.
Xin Thiên Chúa đoái thương nhận lời khẩn nguyện của chúng con: “Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ cho các Đẳng linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi. Hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen.”
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn