Sơn Tùng M-TP đốt ảnh Thánh trong MV mới nhất
Ca sĩ Sơn Tùng ra mắt một MV mới sau một thời gian vắng bóng. Là người nổi tiếng với rất nhiều người hâm mộ, nhất là giới trẻ, MV của anh đã nhanh chóng đạt nhiều kỷ lục. “Fan” của anh hết lời ca ngợi và nhấn xem để đạt lượt “view” khủng. Tuy nhiên trong MV “Chạy Nhanh Đi” có một bức ảnh thánh “làm nền” vô cùng ý nghĩa và cũng từ tâm điểm này dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều.
Dọc theo MV, Sơn Tùng đã nhảy múa với những “vũ công sexy” trước một bức ảnh thánh. Đoạn cuối Sơn Tùng đã chính tay phóng hỏa đốt bức ảnh thánh này và tự thiêu chính mình. Đạo diễn MV xem đó là điều bình thường trong phương diện nghệ thuật; người khác xem đó như chìa khóa để câu like; nhưng người có cảm thức tôn giáo, nhất là nhiều người Công Giáo, lại thấy đó giống như là hành động phỉ báng tôn giáo. Là người tin theo Chúa Giêsu, dĩ nhiên tôi không mấy đồng tình về việc sử dụng ảnh thánh để đánh bóng tên tuổi bằng bất cứ giá nào, nhất là đốt ảnh thánh để đạt được mục đích nổi tiếng của MV này là điều đáng xem xét.
Bức ảnh Thánh bị Sơn Tùng đốt là bức họa nổi tiếng: “Pietà – Đức Mẹ Sầu Bi” của hoạ sĩ William Adolphe Bouguereau. Đó là cảnh Mẹ Maria đau buồn khi ôm xác Đức Giêsu, Người đã chịu chết để cứu chuộc nhân loại. Bức họa này không chỉ nổi tiếng về tính nghệ thuật, nhưng còn là biểu tượng cho tình yêu của những người theo đạo Kitô Giáo. Bất cứ người nào tin theo Chúa Giêsu, yêu mến Đức Mẹ Maria và Giáo Hội đều lấy làm tiếc vì hành động “vô tình hay cố ý” này của Sơn Tùng. Nhất là MV này cho ra mắt trong thời điểm mà dường như người ta, nhất là giới trẻ, đang bị “dư luận lèo lái” theo hướng bài xích Đạo Thiên Chúa. Trong đó phải kể đến những sự kiện đang diễn ra: “Hội Thánh Đức Chúa Trời”, hay những vụ việc liên quan đến chuyện đất đai của các nhà Dòng tại Hà Nội và Thủ Thiêm.
Nhắc lại năm tháng bách đạo hay những biến cố phỉ báng tôn giáo gần đây trên quê hương Việt Nam không phải để oán hờn hay gieo hận. Đấy là cơ hội để người tín hữu làm chứng cho đức tin và để thêm lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân. Chính Chúa Giêsu nhắc nhở những người đi theo mình rằng: “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.” (Lc 9, 44). Và chính trong cuộc Thương Khó Đức Giêsu đã chịu tất cả đau khổ mà người đời gây ra cho Ngài. Chính Ngài cũng đã bị đóng đinh vào Thập giá, nhưng vẫn thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).
Và đây là con đường người Công Giáo luôn chọn: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” (Mt 5,43-44). Bởi Đức Giêsu đã sống lại và mở ra một thời kỳ cứu độ dành cho những ai tin vào Đức Giêsu, dám đương đầu với những đau khổ, bách hại của người đời. Nơi đó, người con của Chúa lấy tình thương để hành xử. Hơn nữa, nhân dịp “Kỷ Niệm 30 Năm Phong Thánh Tử Đạo Việt Nam”, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam mời gọi mỗi người: “Làm việc lành phúc đức. Chiêm ngắm và học hỏi gương sống đức tin của các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Sống tinh thần tử đạo trong môi trường hiện nay.”
Tuy nhiên, tình thương và làm chứng cho sự thật luôn đòi người tín hữu dấn thân cho công lý và hòa bình. Sự dấn thân ấy có thể bằng lời cầu nguyện, có thể nói lên những bất công và phản ánh những điều xấu xa, thiếu văn hóa. Liên quan đến MV này của ca sĩ Sơn Tùng, ta có thể tự đặt câu hỏi: đâu là ranh giới của “tự do biểu đạt” và “nhạo báng tôn giáo?” Trong thời đại “thông tin giả” tràn lan và vấn nạn dùng truyền thông lèo lái dư luận, mỗi người cần tỉnh táo để không bị dư luận lôi kéo đến chỗ đồng hóa mọi thứ, để rồi dẫn đến thái độ phỉ báng tôn giáo.
Ước mong với những gì đang diễn ra trên quê hương Việt Nam liên quan đến đời sống tôn giáo, người con của Chúa gia tăng cầu nguyện, thêm lòng yêu mến và can đảm lên tiếng để làm chứng cho sự thật. Rồi giữa muôn vàn ý kiến khác nhau, Tin Mừng của Chúa luôn là nền tảng để ta đánh giá thông tin, nhận xét vấn đề.
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn