Ngàn đời nay, người Việt có Văn hóa thờ cúng ông bà, tổ tiên. Tuy nhiên, không ít người Công giáo Việt Nam đang làm cho nó khác đi. Sự khác biệt này làm cho đạo Công giáo bị hiểu lầm, mang tiếng, đồn ác ý – không thờ kính ông bà.
Điều này làm cản trở việc loan báo Tin Mừng, tiếp nhận đức tin Công giáo trên đất Việt.
Chuyện người Công giáo quê tôi
Ngày 12/12 âm lịch vừa rồi, mỗi gia đình trong xóm tôi đã cử một người cùng đi sửa sang lại những ngôi mộ vô chủ trong khu vực đất của xóm. Một số bà ở nhà chuẩn bị đồ ăn. Đây công việc từ bao đời này của người dân quê tôi – xã Tam Thành, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.
Khi những người đi sửa sang mộ trở về, cùng đưa đồ ăn ra lăng xóm. Một người cao tuổi trong xóm sẽ cáo nói về việc làm hôm nay của của người dân để tỏ lòng thành kính với những người mất không còn ai chăm sóc. Sau đó cùng ăn những món đã được chuẩn bị. Ngày này được gọi là việc xóm. Làng có nhiều xóm và các xóm khác cũng làm như vậy.
Tuy nhiên, từ hai chục năm trước cha xứ hướng dẫn, người Công giáo chỉ tham gia sửa sang mồ mả, không được tham gia tại lăng xóm. Vì như thế là “cúng ma quỷ.”
Cũng trong thời gian này, cha xứ hướng dẫn, trong dịp giỗ, Tết gia đình người Công giáo không được dọn đồ ăn lên bàn trờ, hoặc trước bàn thờ. Chỉ cần xin lễ ở nhà thờ, ngày giỗ đọc kinh tại nhà, sau đó dọn lên ăn như một đám tiệc.
Cách làm này đã bỏ mặc những bà con lương dân, khác tôn giáo có họ hàng với người quá cố được giỗ trong sự thiêu thiếu của một đám giỗ. Họ thiếu một nơi để thể hiện lòng thành kính với người quá cố. Thường với người có họ hàng sẽ đến trước bàn thờ, mâm cơm vái lạy người quá cố được giỗ.
Đạo Công giáo dạy tôn kính ông bà tổ tiên
Chương 3 sách Huấn Ca của Cựu Ước chỉ nói về sự thảo kính cha mẹ, “Ai thờ cha thì bồi đắp lỗi lầm. Ai kính mẹ thì tích trữ kho báu.” (Hc 3: 3 – 4).
Trong Tân Ước, thánh Phaolô đã khuyên, “Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6,2).
Giáo lý của đạo Công giáo có thể được tóm vào trong hai từ, “mến Chúa” và “yêu người”. Trong 10 điều răn của Thiên Chúa, điều thứ tư là, “thảo kính cha mẹ”. Thảo kính cha mẹ, không chỉ với người trực tiếp nuôi nấng, mà cần hiểu với nhiều thế hệ trước đó – ông bà, tổ tiên.
Trong mọi Thánh lễ, linh mục thay mặt cho cộng đoàn cầu nguyện, “Xin Chúa cũng nhớ đến anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại, và mọi người, đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con đã ly trần trong tình thương của Chúa. Xin cho hết thảy được vào hưởng ánh sáng Tôn Nhan Chúa.”.
Trong ba ngày Tết, người Công giáo Việt Nam dành ngày mùng 2 Tết để kính nhớ, cầu nguyện cho ông bà tổ tiên.
Công đồng Vaticano II hướng dẫn, “Những gì tốt đẹp trong tâm hồn và tư tưởng của loài người, hoặc trong lễ nghi và văn hoá riêng của các dân tộc, hoạt động của Hội Thánh không nhằm tiêu diệt, nhưng làm cho lành mạnh, nâng cao và kiện toàn, hầu làm vinh danh Thiên Chúa và mưu cầu hạnh phúc cho con người” (GH 17,1).
Dưới sự hướng dẫn của Công đồng Vaticano II, trong Thư chung của Hội đồng Giám mục vào năm 1980, các vị Giám mục đã, “Xin anh em hãy cùng với chúng tôi đưa Hội Thánh ở Việt Nam đi vào con đường đã lựa chọn: là sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”.
Trên tinh thần này, đã có dòng tu chọn áo dòng là áo dài dân tộc. Trong nhiều gia đình Công giáo có đặt bàn thờ tổ tiên dưới bàn thờ Chúa, luôn có đèn nến, hương hoa trước di ảnh của các ngài. Thỉnh thoảng cũng bày biện trái cây, đồ ăn thể hiện sự thành kính với ông bà trong các dịp giỗ, Tết.
Tuy nhiên, có không ít nơi giáo dân vẫn được dạy, không nên dọn đồ ăn lên nơi thờ kính ông bà. Vì ông bà không ăn được. Chỉ cần xin lễ tại nhà thờ, đọc kinh là đủ. Quan niệm này không sai. Nhưng nó làm cho đức tin bị hiểu hẹp và không đẹp. Thực hành theo cách này, người Công giáo đã loại bỏ nét văn hóa thờ kính tổ tiên của người Việt.
Người Công giáo nên tham gia trong hoạt động văn hóa, gắn kết
Hai câu chuyện ở đầu cho thấy người Công giáo quê tôi và không ít xứ đạo đang làm tương tự. Điều này là chưa phù hợp với tinh thần của Công đồng Vaticano II, và Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Câu chuyện đầu tiên, là cách người trong xóm tưởng nhớ, không bỏ quên với những người đã khuất không có người chăm sóc mồ mả. Vì khoảng thời gian đầu tháng 12 âm lịch là thời gian các gia đình, dòng tộc đi tảo mộ.
“Cúng” tại lăng xóm, chỉ là cách gọi theo thói quen. Đúng hơn đó chỉ là nghi thức cáo. Đây là tâm tình, lòng biết ơn, cảm tạ, thành kính của người đang sống nói với người qua đời không còn ai chăm sóc. Cách gọi, “cúng” đã bị các vị có trách nhiệm hướng dẫn đức tin lo sợ mà đi đến cấm.
Việc người Công giáo cào bằng cúng ngoài lăng, ngoài miếu, không gian chung của xóm, làng là “cúng ma quỷ” là hồ đồ và không đúng.
Bởi bất cứ người dân nào cũng hiểu, ngày “việc xóm”, là ngày người dân trong thể hiện tấm lòng với những người đã qua đời không còn ai chăm sóc. Trong thực tế của việc làm, suy nghĩ nhân văn này người Công giáo nên tham gia.
Tại sao không ít người Công giáo lại gán vào đó là “cúng ma quỷ” để tự mình tách ra? Phải chăng người Công giáo đang tỏ ra mình phải khác biệt?
Đành rằng Giáo hội Công giáo dành riêng tháng 11 để tưởng nhớ, cầu nguyện đặc biệt cho những người đã qua đời, các linh hồn mồ côi. Nhưng điều đó không có nghĩa đã đủ.
Người theo đạo Công giáo nên tham gia vào những nét văn hóa đẹp tại cộng đồng mình sinh sống. Đây còn là cơ hội để người dân trong xóm giữ kết nối với nhau trước thực tại tình làng nghĩa xóm đang vơi đi, quan hệ ngày càng dựa trên đồng tiền hơn giúp nhau, bị lối sống thị thành thiếu gắn kết xâm chiếm.
Dọn đồ ăn trong dịp giỗ, chạp (cúng) không trái với đức tin Công giáo
Trong ngày giỗ, Tết, chạp mả… việc dọn đồ ăn lên nơi tôn kính là sự thể hiện tấm lòng biết ơn, kính trọng, yêu mến với ông bà, tổ tiên.
Đây cũng là sự tôn trọng của chủ nhà với những người họ hàng được mời, những người khác đức tin thể hiện lòng thành, niềm tin trong văn hóa của người Việt.
Cách giải thích, “Vì ông bà không ăn được”, nên không cần dọn đồ ăn lên bàn thờ là một sự ngộ nhận, loại bỏ văn hóa thực hành truyền thống hiếu đạo.
Tại sao trong nhiều nhà thờ, trong các dịp lễ, Tết có dâng lễ là bánh chưng, bánh tét…? Thiên Chúa đâu có ăn được mà chúng ta dâng lên?
Không chỉ người Công giáo, mà ngay cả tín đồ Phật giáo, Cao Đài… hoặc không lương dân vẫn hiểu – Phật, Thần, đấng họ thờ, hay ông bà đều không ăn được món tín đồ, con cháu dâng lên. Cách gọi mời ông bà trước, hay tổ tiên hưởng hương hoa… chỉ là biểu thị của lòng kính trọng.
Trong ngày cưới tại sao người Công giáo vẫn có nghi thức bái lạy trước bàn thờ tổ tiên. Như nghi lễ ra mắt với ông bà. Dù các vị ấy chết rồi không thấy được. Chúng ta làm việc này để nói lên lòng thành kính, báo với tổ tiên từ đây gia đình có thêm thành viên mới.
Việc dọn đồ ăn lên bàn thờ về phương diện giáo lý cũng không sai. Vì đức tin Công giáo tin vào mầu nhiệm các thánh thông công.
Điều này có nghĩa, ông bà, tổ tiên chúng ta ở bên Chúa cũng thấy được lòng thành, sự hiếu thảo của con cháu. Ông bà ở trên thiên đàng nhờ công trạng, lời cầu xin của con cháu, sự cứu rỗi của Thiên Chúa sẽ chúc phúc lại cho con cháu.
Văn hóa khác với mê tín
Các phân tích trên để thấy đó là văn hóa của người Việt thể hiện qua các lễ nghi, tạo thành phong tục, tập quán. Tôn kính tổ tiên là những điều tốt đẹp của văn hóa, không trái với đức tin Công giáo, hướng dẫn của Giáo hội.
Gần đây nhất, năm 2019, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đưa ra bản hướng dẫn về tôn kính tổ tiên. Có hướng dẫn về việc này như sau:
Các hướng dẫn này cho thấy, việc dọn đồ ăn lên bàn thờ, đốt đèn, rót trà, thêm rượu là cách sống đức tin trong văn hóa, thể hiện lòng thành kính. Làm theo cách này, giúp cho người lương dân, khác tôn giáo có cái nhìn thiện cảm hơn với Công giáo, tại sao chúng ta lại không?
Chắc chắn nó sẽ giúp tốt hơn cho việc loan báo Tin Mừng. Xóa bỏ được hiểu lầm, cái nhìn thiếu thiện cảm, định kiến, đạo Công giáo không thờ cúng ông bà, tổ tiên.
Truyền thống thờ cúng ông bà của người Việt trong quá khứ tại Việt Nam đã bị một số nhà truyền giáo hiểu lầm như một tôn giáo của sự mê tín nên đi đến cấm. Những hệ lụy đó còn ảnh hưởng đến hôm nay.
Điều này có thể bắt nguồn từ việc nghi thức cúng gia tiên bị hiểu là đọc thần chú. Và không ít nơi pha trộn nhiều thực hành mê tín trong nghi thức tang ma, giỗ chạp.
Cách hiểu chưa đúng, lo sợ trong việc thờ kính tổ tiên qua việc dọn đồ ăn lên bàn thờ như truyền thống của người Việt đã được Giáo hội uốn nắn, sửa chữa từ hơn nửa thế kỷ qua. Điều này giúp cho người Công giáo giữ được truyền thống thờ kính tổ tiên mà không trái với đức tin.
Trước đây, khi sự hiểu biết còn hạn chế, hướng dẫn chưa đủ, để có sự an toàn trong đời sống đức tin, việc lo sợ đi đến cấm là chấp nhận được.
Tuy nhiên, ngày nay dân trí đã khá hơn, các định nghĩa, giải thích, nghiên cứu, phân tích về văn hóa, truyền thống đẹp của xã hội, Giáo hội đã rõ ràng, thông tin dễ dàng cập nhật.
Đáng tiếc, nhiều giáo sĩ, tu sĩ, những người có trách nhiệm trong các giáo xứ vẫn chưa cập nhật, hiểu ra để giải thích cho giáo dân. Tiếp tục gây ra sự hiểu chưa đúng, cản trở việc rao giảng Tin Mừng. Làm cho người không có đức tin hiểu sai rằng đạo Công giáo đối nghịch với văn hóa Việt Nam. Cản trở việc nhiều người tiếp nhận đức tin Công giáo.
Tuy nhiên, người Công giáo không được rải, đốt vàng mã, hồn bạch, cúng ngoài sân trong dịp giỗ, Tết, xem ngày, giờ, tuổi tác, cúng ông địa, thần tài… Hoặc các hình thức mê tín khác trong các dịp giỗ, Tết. Bởi các hình thức mê tín, điều trái với đức tin. Nó càng không phải truyền thống, hay văn hóa. Chỉ là một thói quen của một số người.
Thờ kính tổ tiên và thực hành sự kích trọng đó theo truyền thống luôn được Giáo hội tôn trọng, khuyến khích. Điều này giúp Tin Mừng đến với nhiều người hơn.
Anrê Võ Ngọc Ánh
(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)
https://dongten.net/2022/02/01/ton-kinh-ong-ba-theo-truyen-thong-nguoi-viet-la-loan-bao-tin-mung/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn