TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sống sạch trong tinh thần

Thứ tư - 16/02/2022 18:17 | Tác giả bài viết: Sư Huynh Joseph Lê Văn Phượng, FSC |   1532
Sạch trong khía cạnh thể lý, sạch trong khía cạnh tinh thần, sạch trong khía cạnh thiêng liêng.
Sống sạch trong tinh thần
ĐỒNG HÀNH CÙNG NGƯỜI TRẺ: SỐNG SẠCH TRONG TINH THẦN

 

Tư Duy Tích Cực Trong Cuộc Sống
Để Tạo Nên Chất Lượng Cuộc Sống

Thông điệp Laudato Si của Đức Giáo Hoàng Phanxicô kích thích người ta suy nghĩ sâu xa và đổi mới trái tim Kitô hữu của mình, một trái tim “biết tiếp cận sự sống với một chú tâm thanh thản, một trái tim có khả năng hiện diện trọn vẹn với một ai đó mà không hề nghĩ điều gì sẽ xảy ra sau đó, một trái tim biết chấp nhận mỗi phút giây như một ơn phúc Chúa ban để sống cho trọn vẹn...”

Thông điệp Laudato Si, một cách nào đó mời gọi các tín hữu cũng như mọi người trên toàn cầu biết “sống sạch”: Sạch trong khía cạnh thể lý, sạch trong khía cạnh tinh thần, sạch trong khía cạnh thiêng liêng. Sống sạch về thể lý là ăn sạch, ở sạch, để tạo ra môi trường thiên nhiên trong sạch. Sống sạch về tinh thần là có những tư duy tích cực để tạo nên chất lượng cuộc sống. Sống sạch trong thiêng liêng là biết tuân theo những quy luật tự nhiên và mạc khải mà Thiên Chúa đã xếp đặt để tạo nên cuộc sống bình an thanh thản, thánh thiện.

***

Trong bài viết này tôi muốn chia sẻ suy tư cùng các bạn trẻ về “sống sạch trong tinh thần”, vì trong cuộc sống thường nhật tinh thần rất quan trọng. Theo Anthony Strano, một chuyên viên về tư duy tích cực, tinh thần, một cách ngắn gọn là “biết cách sống”. Một đời sống tinh thần thật sự là thái độ tích cực đối với chính bản thân và những người khác, điều đó làm cho cuộc sống trở thành một niềm hân hoan hơn là một cuộc chiến đấu.

1. Sống sạch trong tinh thần cho ta niềm hân hoan trong cuộc sống

Trong cuộc sống, chúng ta thường mong đợi điều tốt nhất đến với chúng ta từ bên ngoài. Chúng ta suy nghĩ để tìm cho được nhiều việc để làm, nhiều cách để đáp ứng nhu cầu đời sống hằng ngày trong gia đình, của bản thân, của công việc bổn phận, của danh lợi... Cách này hay cách khác, những bận rộn của cuộc sống lôi cuốn chúng ta bởi vô số những hoạt động, mà tất cả đều được xem là quan trọng, nó đòi hỏi chúng ta dành nhiều thời gian và nghị lực; đòi hỏi chúng ta phải có những hành động sáng tạo để phục vụ trong một thời gian dài, đôi khi những đòi hỏi ấy lại vượt quá khả năng chúng ta có. Vì thế, ngày này sang ngày khác, chúng ta thường cố sức thực hiện trong sự chịu đựng, rồi dần dần mất hết nghị lực, chúng ta trở nên như những cây bị bật gốc, rễ chơ vơ chổng gọng lên trời[1].

Người khác hay vật chất không thể mang đến cho ta hạnh phúc; vật chất không mang lại hạnh phúc cũng không mang đến bất hạnh, nó chỉ có thể góp phần hướng dẫn, kích thích; chính chúng ta mới tạo nên cuộc sống của chúng ta. Hạnh phúc không đến từ vật chất bên ngoài mà do từ nội tâm. Để chúng ta thật sự là những con người đúng với bản chất người, thì cuộc sống không chỉ là tồn tại, sống sót, thụ hưởng, hay vượt qua những trở ngại. Nó phải là điều gì đó sâu sắc hơn, điều đó chính là niềm hân hoan khi biết rằng cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa, khiến chúng ta yêu đời và yêu cuộc sống. Sống sạch trong tinh thần sẽ đem đến cho ta niềm hân hoan đó.

2. Cần phải biết kiểm soát tâm trí

Bạn hãy nghĩ về hạt giống... Hạt giống nhỏ xíu, nhưng chứa đựng cả một tiềm năng ở đó. Mỗi suy nghĩ là một hạt giống... Suy nghĩ có thể mang đến sự tích cực hay tiêu cực trong cuộc sống. Suy nghĩ tạo nên những cảm xúc và thái độ trong cuộc sống tương quan của chúng ta. Chúng ta có bao giờ dừng lại để quan sát suy nghĩ của mình chưa? Chúng ta có bao giờ đặt một dấu chấm để những suy nghĩ của mình được ngưng lại chưa?

Bạn hãy dừng lại giây lát xem... lúc này bạn đang suy nghĩ về những điều gì? Hãy liệt kê nó ra xem có bao nhiêu suy nghĩ...

Bạn hãy tưởng tượng bạn trên một chiếc xe đang phóng nhanh... không thắng lại được. Điều gì sẽ xảy ra với bạn lúc này?

Bạn cũng đang cho phép suy nghĩ của bạn “chạy tán loạn” lang thang trong mọi ngõ ngách tâm trí của chúng ta... Một tâm trí không được kiểm soát thì đầy căng thẳng, lo âu. Điều này gây ra nhiều tổn hại cho tinh thần và thể xác của bạn.

Vậy điều cần làm là biết dừng lại để kiểm soát tâm trí của chúng ta. Khi chúng ta biết kiểm soát tâm trí thì chúng ta sẽ làm cho tâm trí chúng ta hoạt động một cách tự nhiên. Một tâm trí hoạt động tự nhiên thì mang lại bình yên và sự sáng suốt. Dừng lại để kiểm soát tâm trí không bao giờ là lãng phí, nhưng đó là lúc chúng ta tiếp nhận thêm “nhiên liệu” cho hành trình cuộc sống. Nó rất quan trọng. Đó phải là kỷ luật trong cuộc sống bạn để bạn định hướng cho việc tổ chức đời sống của bạn trong hiện tại cũng như tương lai.[2] Khi tâm trí không còn bị chồng chất nặng nề bởi những suy nghĩ không cần thiết, ta sẽ nhìn sự việc một cách thông suốt và rõ ràng là không lãng phí chút nào.

Bạn hãy dừng lại giây lát trong thinh lặng... Lắng nghe những âm thanh, tiếng động bên ngoài phòng làm việc của bạn... Bạn nghĩ gì?

Căn bệnh tai hại nhất của tâm trí chính là suy nghĩ quá mức, đặc biệt là suy nghĩ quá nhiều về người khác, về những điều khác mà chính ta sẽ không quản lý được nó. Tiếng ồn của con tàu chạy trên sông vang vọng vào lớp học khi bạn đang nghe giảng bài, tiếng rồ ga của những người thợ ở tiệm sửa xe bên kia đường lúc bạn đang nói chuyện... Bạn suy nghĩ: Tại sao người ta làm vậy? Lẽ ra người ta nên làm thế này? Phải làm thế kia?... Những suy nghĩ ấy cướp đi sự thanh thản, bình yên trong tâm trí bạn.

Nghĩ quá nhiều, giống như ăn quá nhiều... bội thực! Khiến ta mắc kẹt vào những điều vụn vặt và dần dà những điều vụn vặt ấy trở thành những điều to tát mà ta không thể giũ bỏ nó đi được. Khi suy nghĩ quá nhiều, ta thường thổi phồng sự việc và có những phản ứng quá đáng. Và ngày này sang ngày khác, chúng ta thường cố sức thực hiện trong sự chịu đựng, rồi dần dần mất hết nghị lực, chúng ta trở nên như những cây bị bật gốc, rễ chơ vơ chổng gọng lên trời. Ta tạo nên cho mình những cảm xúc tiêu cực.

3. Nghệ thuật tư duy

3.1 Quan Sát = Xem xét trước khi phản ứng, hành động

Hãy phân tích hiệu quả nơi bản thân

giữa việc quan sát >< nghe - nói - phản ứng nhiều khi có vấn đề xảy ra.

- Quan sát sẽ tốt hơn nhiều so với tiếp thu mọi lời lẽ, cảm xúc và thái độ.

- Quan sát sẽ tốt hơn so với tham gia quá đáng hay phản ứng quá đáng.

- Quan sát mang lại cho ta lòng kiên nhẫn và sáng suốt để suy nghĩ và hành động thích hợp.

- Quan sát tạo nên một sự tập trung vào nội tâm vốn cho phép ta nhìn thấy sự thật.

Đứng trước một vấn đề cuộc sống, hãy dừng lại quan sát, xem xét các khía cạnh của vấn đề trước khi phản ứng hay hành động.

3.2 Tư Duy Trừu Tượng = Suy nghĩ trước khi nói

Chuyện kể rằng một ngày nọ thầy trò Khổng Tử dừng lại nghỉ chân qua đêm tại một địa điểm nọ, các học trò sau khi giúp thầy ngồi nghỉ thì chia nhau mỗi người một việc lo bữa ăn tối. Nhan Hồi có trách nhiệm thổi cơm nấu bếp... Cơm canh vừa chín, thầy trò quây quần bên mâm cơm, Nhan Hồi theo phép lịch sự mời thầy và các bạn dùng bữa... Nhưng Khổng Tử không cầm bát đũa... Các học trò im lặng nhìn thầy rồi nhìn nhau... Nhan Hồi lại cất tiếng lần nữa mời thầy và các bạn dùng bữa... Khổng Tử vẫn không cầm bát đũa... bầu khí im lặng... Rồi ông lên tiếng: Hồi nãy khi đọc sách thánh hiền, ngước lên ta thấy cơm đã có người ăn trước rồi còn mời làm gì nữa!!! Nhan Hồi hiểu ngay... quỳ dậy cúi đầu thưa: “Thưa thầy, hồi nãy nấu cơm, khi nồi cơm sôi con đã mở nắp vung để xới, vô tình có một con gió nhẹ thổi qua, tro bay vào phủ lên trên mặt nồi... Sợ thầy và các bạn do lỗi con mà ăn cơm có lẫn tro, nên con đã vô phép hớt lấy cơm ấy ăn trước. Phần con đã ăn rồi, mời thầy và các bạn dùng ạ. Ngay lúc ấy Khổng Tử liền tự trách mình: Sự việc thấy vậy mà không phải vậy. Trách miệng ta quá hàm hồ!

Theo tự nhiên, con người tiếp xúc và nhận biết thế giới bên ngoài bằng ngũ quan: thị giác, vị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác. Nhận biết của con người như vậy chỉ là mức độ tư duy cụ thể (theo cảm xúc = thấy sao nói vậy, thích gì nói đó, muốn sao thì làm vậy). Để trưởng thành nhân cách, con người cần được giáo dục để đạt tới tư duy trừu tượng, đạt tới sự hiểu biết của lý trí, cần biết nhận định, lý luận, phán đoán trước một vấn đề, một sự vật hay một sự việc... Tục ngữ Việt Nam có câu: “đánh lưỡi bảy lần trước khi nói” là thế.

Xem xét trước khi phản ứng; suy nghĩ trước khi nói, hành động giúp ta lấy lại quân bình và không lãng phí tiềm lực.

3.3 Hướng Vào Nội Tâm = Tập Thinh Lặng Bên Trong

Thiếu quan sát và tư duy trừu tượng, ta rơi vào sự quá khích của suy nghĩ, lời nói và hành động, ta sẽ không còn kiểm soát được mình, tạo nên nơi chính bản thân sự rối loạn về tình cảm, tinh thần và thể chất. Sự rối loạn này có thể dẫn ta đến mệt mỏi, stress, bất an và sợ hãi.

Thiếu quan sát và tư duy trừu tượng, ta không kiểm soát được chính mình, khi ấy người khác sẽ kiểm soát ta. Theo tự nhiên, con người vốn không thích bị người khác kiểm soát, do vậy ta bắt đầu phản ứng, than vãn. Tính khí ta lúc ấy có khả năng bùng nổ gây nên những ồn ào, mâu thuẫn, căng thẳng cho cuộc sống của chính ta và người khác.

Cần phải học hướng vào nội tâm và làm chủ chính mình. Như chiếc xe đang phóng nhanh cần phải thắng lại thì ta mới làm chủ được tốc độ. “Cái thắng” trong tâm trí chính là “cái thắng” ở miệng lưỡi. Suy nghĩ của ta có quan hệ mật thiết với lời nói của ta. Lời nói của ta thốt ra tích cực hay tiêu cực đều ảnh hưởng đến người khác, và họ sẽ phản ứng lại.

Hãy nghĩ về trò đánh bóng bàn. Người đánh qua, kẻ đánh lại... đánh qua càng nhanh, đánh lại càng mạnh... Cứ thế trận giao đấu ngày càng căng thẳng, người chơi ngày càng kiệt sức... Hãy tưởng tượng “trò đánh bóng bàn” về lời nói và cảm xúc diễn ra hằng ngày khi cứ lời qua tiếng lại và ngày càng gay gắt... Ta cố gắng suy nghĩ để tìm lời lẽ chỉ trích, nhục mạ, hạ gục người khác... nó sẽ làm ta kiệt sức mất hết nghị lực, chúng ta lại như những cây bị bật gốc, rễ chơ vơ chổng gọng lên trời.

Cần phải học để biết sống một mình trong thinh lặng. Chỉ trong thinh lặng, chúng ta mới tìm ra cách gặp gỡ Thiên Chúa trong một thái độ cởi mở và thân tình. Chỉ trong thinh lặng, chúng ta mới tái khám phá bản thân, bớt đi sự phàn nàn người khác, cũng chẳng ảo tưởng về cuộc sống. Ở một mình trong thinh lặng, trước hết chúng ta nên rút lui khỏi tất cả những gì vướng bận đang chiếm ngự tâm trí của chúng ta, thay vào đó tạo nên một không gian cần thiết để gặp gỡ chính Thiên Chúa. Khi sống trong bầu khí thinh lặng, ta sẽ cởi mở tâm hồn. Đó là con đường hẹp, con đường dẫn chúng ta đến một cuộc sống mới.

3.4 Tư Duy Tích Cực: Tập Suy Nghĩ Tích Cực

Như hạt giống gieo trên đất, ta gieo hạt giống nào thì sẽ mọc lên cây ấy. Cũng thế, nếu ta “đem trồng” những suy nghĩ trong sáng tích cực và tập trung vào những suy nghĩ này, nó sẽ bừng dậy, chuyển mình và lớn lên trong ta. Chúng ta suy nghĩ tích cực thì cuộc sống của ta sẽ như thế ấy.

Mỗi buổi sáng, trước khi ta bắt đầu hành trình một ngày mới của ta, hãy ngồi an nhiên tĩnh tại, trong thinh lặng và hãy gieo một suy nghĩ tích cực như một “hạt giống bình yên”. Nó có thể là một câu Kinh Thánh, một câu châm ngôn, một lời của thánh hiền. Suy ngẫm về “hạt giống bình yên” ấy... để hạt giống bình yên tìm thấy mái nhà của nó trong tâm trí ta.

Hãy để suy nghĩ đầu tiên trong ngày của ta đơn giản là một ý nghĩ bình yên. Hãy gieo hạt giống ấy trong “thửa đất” lòng ta. Hãy chăm tưới cho hạt giống tư duy này bằng sự chú ý và lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày (tâm niệm) và ta sẽ thu gặt được sự điềm tĩnh trước mọi vấn đề xảy ra cho ta trong cuộc sống.

4. Những hạt giống bình yên = những suy nghĩ tích cực

4.2 Lời Chúa (những câu gợi ý):

“Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.” (Mt 5,8)

“Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.” (Mt 5,9)

“Chính anh em là muối cho đời.” (Mt 5,13)

“Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.” (Mt 5,14)

“Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 5,20)

“Hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.” (Mt 5,37)

“Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.” (Mt 5,42)

[... ... ...]

4.2 Giá Trị Sống[3]

- Bình An: Bình an thật sự là khi bạn không nhận, không gây đau khổ - nghĩa là bạn cần phải có một trái tim trong sáng, không chút ác cảm hay giận ghét; một trái tim rộng lớn để có thể khoan dung và giúp đỡ người khác vượt qua nhược điểm của họ.

- Tình Yêu: Hãy nhớ, mối quan hệ đẹp đẽ nhất là khi tình yêu của bạn dành cho mỗi người vượt quá nhu cầu của bạn dành cho họ.

- Chấp nhận: Khi ai đó chê trách bạn, hãy bình tâm lắng nghe, khoan vội ngắt lời họ và biện hộ cho mình. Nếu lời chê trách ấy đúng - Đồng ý, xin lỗi và tìm xem bạn có thể làm gì để thay đổi. Nếu lời chê trách ấy không đúng - Vui vẻ nói: “Một ý hay, nhưng tôi có quan điểm riêng của mình.”

- Thông Thái: Hoàn cảnh vẫn thế; con người vẫn thế, nhưng tôi là người có quyền chọn: Hoặc yêu thương hoặc ghét bỏ. Hoặc chào mừng hoặc phớt lờ. Hoặc chấp nhận hoặc kháng cự. Hoặc hạnh phúc hoặc bất hạnh. Hôm nay tôi chọn gì?

- Sự giàu có: Để thấy mình giàu, hãy nhìn vào những gì bạn có. Hãy đếm từng điều và hãy để bạn biết ơn vì đã có chúng. Bạn sẽ ngạc nhiên thấy mình thành triệu phú.

- Biết ơn: Thái độ biết ơn là giao hưởng nội tâm của con tim. Nó hát lên lời cám ơn cho những điều nhỏ bé. Nghe một tiếng chim hót, ngắm một bông hoa đẹp, đón nhận tình thương của một ai đó - tất cả đều là ca từ của lòng biết ơn. Lòng biết ơn là một hình thức cảm tạ đầy tình nghĩa. Nó chạm vào trái tim người kia và rồi trái tim họ có không gian dành cho bạn.

- Khoan dung: Biển cả bao la là để cho những dòng sông đổ về. Trái tim rộng lớn là để chấp nhận, dung thứ và yêu thương tất cả, mà không làm mất chính mình.

- Tha thứ: Khi ai đó nói lời không hay với bạn, là lúc họ cần bạn giúp đỡ bởi họ không đủ thông minh để tìm ra những lời lẽ hay hơn. Bình tĩnh và tha thứ làm dịu mát tâm hồn họ để họ có thể phát huy khả năng ngôn ngữ của họ. Bạn có thể tìm mua hoặc làm cho mình những thẻ Lời Chúa, những tấm thẻ giá trị sống. Mỗi ngày hãy dành thời gian thinh lặng để gieo cho mình một hạt giống Lời Chúa, hạt giống giá trị và khi bạn có vài chục giây hay vài phút thảnh thơi trong ngày, hãy suy đi gẫm lại trong lòng hạt giống ấy một hai ba lần...

Chúc bạn thành công trong việc tạo ra một môi trường “sống sạch trong tinh thần” bằng những tư duy tích cực trong cuộc sống để tạo nên chất lượng cuộc sống. Để từ đó, bạn có thể “sống sạch trong khía cạnh thiêng liêng” khi nhận ra được ý định và lời mời gọi của Thiên Chúa qua những quy luật tự nhiên và mạc khải, qua các linh đạo trong Giáo Hội.

Tài Liệu Tham Khảo

- Vũ Văn An, Thông điệp Laudato Si, cách đọc Công Giáo. Nguồn: Vietcatholic News, 6/21/2015

- Anthony Strano, Chất Lượng Của Tư Duy Tạo Nên Chất Lượng Của Cuộc Sống

- Charles Ringma (1991). Dare to Journey with Henry Nouwen: Wasted Time và Loneliness. Brisbane, Australia xuất bản.

- Trung Tâm Inner Space, Living Values Educational Program

Sư Huynh Joseph Lê Văn Phượng, FSC
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 126 (Tháng 9 & 10 năm 2021)

WHĐ (16.02.2022)

 


[1] Charles Ringma (1991). Dare to Journey with Henry Nouwen: Wasted Time và Loneliness. Brisbane, Australia xuất bản.

 

[2] Charles Ringma (1991). Dare to Journey with Henry Nouwen: Wasted Time và Loneliness. Brisbane, Australia xuất bản.

 

[3] Trung Tâm Inner Space. Trang Web: www.innerspace.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây