TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Truyền giáo cho người trẻ ngoại đạo

Chủ nhật - 11/07/2021 22:49 | Tác giả bài viết: Giuse Cao Gia An, S.J. |   933
Giáo Hội có những cách thức hay phương thế nào để có thể lan toả Đức Tin của Chúa đến với những bạn trẻ ngoại đạo?
Truyền giáo cho người trẻ ngoại đạo
GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

 

TRUYỀN GIÁO CHO NGƯỜI TRẺ NGOẠI ĐẠO

Câu hỏi:

Giáo Hội có những cách thức hay phương thế nào để có thể lan toả Đức Tin của Chúa đến với những bạn trẻ ngoại đạo?

Trả lời:

Đây là một câu hỏi tốt, vì nó phản ánh mối bận tâm và tấm lòng của một người trẻ với Giáo Hội của mình. Hẳn bạn phải là một người trẻ hạnh phúc trong đức tin thì mới nghĩ đến chuyện lan toả đức tin của Chúa đến với những bạn trẻ ngoại đạo khác, phải không? Tại Việt Nam, người Công Giáo hãy còn là một thiểu số. Trong môi trường làm việc của mình, phần lớn những người mà các bạn trẻ Công Giáo gặp gỡ là những người không cùng tôn giáo với mình. Do đó, ước muốn chia sẻ với họ niềm tin của mình là một ước muốn chính đáng. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong thông điệp gởi cho Giới Trẻ Công Giáo Việt Nam dịp cuối năm 2019 đã nhắc nhở các bạn trẻ về sứ mạng làm chứng và truyền giáo cho người trẻ ngoại đạo tại quê hương đất nước mình. Họ là những người có quyền được nghe Tin Mừng của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, trước khi trả lời trực tiếp vào câu hỏi, có một điều nho nhỏ cần lưu ý. Khi đặt câu hỏi về “các thức hay phương thế của Giáo Hội”, có lẽ nhiều người trẻ sẽ liên tưởng đến hình ảnh một Giáo Hội cơ cấu và phẩm trật, trong đó việc việc vạch ra những cách thức và phương thế thuộc riêng về trách nhiệm của những người có thẩm quyền như các Giám mục, Linh mục, hay các Tu sĩ nam nữ. Lối liên tưởng ấy cần được nới rộng và quân bình hơn. Trong thực tế, những người có thẩm quyền như các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ… nói cho cùng chỉ là một thiểu số trong lòng Giáo Hội. Phần lớn thành phần làm nên Giáo Hội là cộng đoàn dân Chúa, là những người giáo dân sống ơn gọi giữa đời. Loan báo Tin Mừng và lan toả đức tin không chỉ là chuyện của những người “có trách nhiệm”. Bất cứ một bạn trẻ nào đã được rửa tội và được giáo dục trong đức tin Công Giáo cũng đều có trách nhiệm trong việc loan báo Tin Mừng và rao giảng về đức tin của mình cho những người chưa biết Chúa. Những người chịu trách nhiệm trong Giáo Hội có thể lập ra rất nhiều chương trình, nhiều hoạt động, nhiều định hướng, nhiều kế hoạch và chiến lược. Nhưng chính các bạn trẻ Công Giáo, những người thực hiện chương trình và tham gia các hoạt động ấy, mới là những chứng nhân trực tiếp có thể làm hoán cải tâm trí và trái tim của những bạn trẻ không Công Giáo chung quanh mình.

Vậy thì đâu là cách thức hay phương thế của Giáo Hội? Câu trả lời thuyết phục nhất có thể là thế này: Giáo Hội dựa vào những bạn trẻ Công Giáo của mình để lan toả Đức Tin của Chúa đến với những bạn trẻ ngoại đạo.

Những bạn trẻ Công Giáo là ai? Họ là những thành viên chính thức của Giáo Hội. Trong cuộc sống thường ngày, họ là những trực tiếp tiếp xúc với các bạn bạn trẻ ngoại đạo. Vì thế, bất cứ một bạn trẻ Công Giáo nào cũng có thể là gương mặt đại diện của Giáo Hội. Những bạn trẻ ngoại đạo có ấn tượng tốt hay xấu về đức tin Công Giáo, có muốn trở thành người Công Giáo hay không, phần lớn là do ấn tượng họ có về những người trẻ Công Giáo.

Có thể bạn sẽ phản đối thế này: trong Giáo Hội có những người được học hành đầy đủ, được trang bị rõ ràng về thần học, giáo lý, giáo huấn… Họ mới là những người thích hợp có khả năng chinh phục và giảng dạy cách thuyết phục cho những người trẻ ngoại đạo, chứ các bạn trẻ Công Giáo bình thường thì biết gì đâu mà nói! Lối suy nghĩ này là rất thường gặp, nhưng lại không đúng. Thật ra, người ta không phải lòng một Giáo Hội nhờ vào những lời giảng dạy thật hay, nhưng là nhờ những gương sống thật đẹp. Một trăm lời giảng hay chưa chắc đã có tác dụng cho bằng một gương sống tốt. Rất nhiều người trẻ đã “phải lòng” Giáo Hội không phải vì những chiến thuật, phương pháp hay cách thế khéo léo của Giáo Hội. Nhiều người trẻ ngoại đạo bước vào Giáo Hội đơn giản vì họ “phải lòng” những người trẻ khác trong Giáo Hội. Họ nhìn thấy nơi cách sống của những bạn trẻ Công Giáo cái đẹp, cái hấp dẫn, cái nét nhân cách mà họ muốn có và muốn trở thành.

Thế nên để lan toả đức tin đến những bạn trẻ không Công Giáo, Giáo Hội cần đến những người trẻ của mình. Giáo Hội cần đến những bạn trẻ Công Giáo dám sống đức tin của mình cách đẹp đẽ giữa lòng đời. Giáo Hội cần đến những nhân cách đẹp của các bạn trẻ Công Giáo để có thể nói với các bạn trẻ không Công Giáo về giá trị thực tiễn của đức tin và của những xác tín luân lý của Giáo Hội Công Giáo giữa xã hội hiện đại.

Trong bối cảnh của đất nước chúng ta ngày nay, một đất nước đang trên đà phát triển kinh tế nhưng phải đối mặt với tình trạng xuống cấp và suy đồi nghiêm trọng của đạo lý luân thường, trong gói hành trang vào đời của người trẻ không có gì quý cho bằng đức tin. Trong kho tàng đức tin Công Giáo, có những vô số bài học luân lý dạy người trẻ cách sống tốt và sống đẹp. Phải có đức tin các bạn mới có thể có một lối nhìn đủ thiêng liêng về cuộc đời. Việc có một đức tin làm trụ có thể giữ người trẻ giữa bao chênh chao xô đẩy của những cơn sóng đời đến từ tứ phía. Niềm tin khi được chia sẻ đúng cách sẽ có thể được đón nhận, và chắc chắn sẽ giúp cho những bạn trẻ sống bình an và hạnh phúc hơn, sống vui và sống tốt hơn.

Vậy nên, nếu bạn là một người trẻ Công Giáo, câu hỏi này thực chất là câu hỏi dành cho bạn. Giáo Hội là của bạn, và bạn là người làm nên Giáo Hội. Các bạn trẻ không Công Giáo có muốn bước vào Giáo Hội hay không, tuỳ thuộc vào cách sống đạo và thực hành đức tin của bạn. Không có một kiểu truyền giáo lý thuyết, nhất là truyền giáo cho những người trẻ. Cũng không có một chiến thuật thần kỳ nào để lan toả đức tin. Nếu bạn muốn mời người khác bước vào Giáo Hội của mình và cùng chia sẻ một đức tin với mình, hãy sống sao cho họ thấy được giá trị và nét đẹp của Giáo Hội mà bạn đang thuộc về, của đức tin mà bạn đang cưu mang, của những giá trị luân lý đã đào luyện nên con người và nhân cách của bạn.

Theo hướng này, Đức Giáo Hoàng Biển Đức đã từng dặn dò rằng: các bạn trẻ không phải là tương lai nhưng là hiện tại của Giáo Hội. Chính các bạn trẻ Công Giáo là những người chịu trách nhiệm chính, là những người tiên phong trong việc chinh phục các bạn trẻ ngoại đạo. Chinh phục bằng đời sống chứng tá tốt đẹp của mình, chứ không phải bằng quyến rũ hay dụ hoặc, như lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắn nhủ trong thông điệp gởi cho giới trẻ Công Giáo Việt Nam năm 2019.

Cụ thể hơn, câu hỏi có thể sẽ phải là thế này: làm cách nào để những bạn trẻ Công Giáo có thể thật sự trở thành những chứng tá hấp dẫn đối với những bạn trẻ không Công Giáo? Câu trả lời có lẽ nên được xét từ nhiều phía khác nhau.

Thứ nhất là từ phía những người có trách nhiệm trong Giáo Hội, những người có thẩm quyền và những bậc cha mẹ. Họ là những người có trách nhiệm phải lo cho con cái mình có một nền huấn luyện vững chắc về đạo nghĩa và đức tin, để con cái mình có thể lớn lên như những người trẻ Công Giáo đích thực. Ấy là việc duy trì trung thành các giờ kinh gia đình, các buổi cầu nguyện cộng đoàn, các hoạt động của Giáo xứ đặc biệt đặt trọng tâm vào người trẻ. Cần có một nền huấn luyện đức tin cởi mở và hướng đến đối thoại nhiều hơn với những người không cùng đức tin. Cần tránh những tranh luận vô bổ theo hướng đúng-sai, so sánh theo kiểu hơn-kém và phê bình đến từ thành kiến hơn là từ sự hiểu biết lẫn nhau. Các bạn trẻ Công Giáo cần có cơ hội để đào luyện khả năng diễn đạt đức tin của mình bằng ngôn ngữ thường ngày dễ hiểu, để cả những người không cùng đức tin với mình cũng có thể hiểu được. Quan trọng nhất là họ cần được dạy sống đời sống chứng tá. Một nhân cách đẹp có khả năng thu hút và rao giảng về đức tin nhiều hơn rất nhiều so với những lời nói hay.

Thứ đến là trách nhiệm từ phía các bạn trẻ Công Giáo. Một tiến trình huấn luyện tốt bao giờ cũng là một tiến trình hai chiều: huấn luyện và tự huấn luyện. Nếu bạn muốn giới thiệu đức tin của mình đến với những người trẻ không Công Giáo, hãy sống cho họ thấy đức tin của bạn thật sự có giá trị trong cuộc đời bạn. Vậy nên việc đào sâu tìm hiểu về đức tin mà mình đã được dạy dỗ từ nhỏ, áp dụng thực hành những lý thuyết và những bài học luân lý tốt đẹp, làm gương sáng giữa một môi trường có nhiều gương xấu và cám dỗ… tất cả thuộc về trách nhiệm của một người trẻ Công Giáo. Càng tự huấn luyện mình theo khuôn mẫu của đức tin Công Giáo, càng trở thành một nhân cách sống đẹp, bạn sẽ càng có khả năng thu hút và nói với những người khác về đức tin của mình.

Giáo Hội cần đến bạn và Giáo Hội đặt niềm tin vào bạn. Bạn chính là cách thức và phương thế để Giáo Hội vươn đến với những người trẻ khác.

Cũng đừng quên rằng bất cứ khi nào bạn cần trợ giúp, cần có ai đó hướng dẫn mình, trong Giáo Hội luôn có rất nhiều người sẵn sàng lắng nghe, đồng hành, và cố vấn cho bạn.

Chúc bạn can đảm và mạnh mẽ lên đường, làm lan toả đức tin của Chúa đến với những bạn trẻ ngoại đạo.

Giuse Cao Gia An, S.J.

Đọc thêm:

Bài 10: Bền đỗ trong ơn gọi gia đình

Bài 09: Vấn đề “theo đạo rồi mới cho cưới”

Bài 08: Gieo suy nghĩ tốt

Bài 07: Nhanh từ từ thôi

Bài 06: Hiện tượng bóng ma

Bài 05: Vượt qua khủng hoảng!

Bài 04: Vấn đề rước Mình Máu Thánh Chúa

Bài 03: Đừng cám dỗ nhau nhé!

Bài 02: Sao lại kỳ thị người tu xuất?

Bài 01: Nhận định ơn gọi cho cuộc đời

 

(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 1, Nxb Tôn Giáo, 2020)

 

WHĐ (12.7.2021)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây