TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thờ kính ông bà tổ tiên

Thứ hai - 19/07/2021 06:59 | Tác giả bài viết: Giuse Phạm Đình Ngọc SJ |   1418
Nhiều người vẫn cho là bên Công Giáo không thờ cúng ông bà tổ tiên. Vậy có cách nào cho họ hiểu đúng về đạo Công giáo về vấn đề này không?
Thờ kính ông bà tổ tiên
GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

Bài 12: THỜ KÍNH ÔNG BÀ TỔ TIÊN

 

Câu hỏi:

Tôi thấy đạo Công Giáo luôn nhớ xin lễ và cầu nguyện cho ông bà tổ tiên. Nhưng nhiều người vẫn cho là bên Công Giáo không thờ cúng ông bà tổ tiên. Vậy có cách nào cho họ hiểu đúng về đạo Công giáo về vấn đề này không?

Trả lời:

Bạn thân mến,

Trong câu hỏi trên, chúng ta đang đứng trước một vấn đề xảy ra đằng đẵng từ vài thế kỷ trước với nhiều tranh luận, đau thương và nước mắt. Điều này cho thấy đây là câu hỏi quan trọng cho Giáo Hội để suy nghĩ, thích nghi và hội nhập văn hóa. Chúng ta dễ thấy nhiều khác biệt giữa lương dân, người Phật Giáo và Công Giáo, nhất là trong vấn đề thờ cúng ông bà tổ tiên. Chỉ nhìn vào cách họ bài trí bàn thờ tổ tiên, niềm tin của họ về vấn đề người chết, về ông bà tổ tiên, chúng ta dễ dàng có những băn khoăn. Đúng sai chúng ta chưa bàn tới, nhưng trước thực trạng đó, Giáo Hội Công Giáo thực sự muốn đồng hành với con cái mình ngay trong những văn hóa, tâm tình thiêng liêng và cách biểu lộ niềm khao khát của mình.

Vế sau trong câu hỏi của bạn luôn là điều Giáo Hội quan tâm hướng dẫn mỗi tín hữu. Quan tâm vì trước những khác biệt trong cách thể hiện niềm tin: Làm sao để chia sẻ cho người Công Giáo hiểu điều họ đang thực hành? Làm sao để thấy những điều hợp lý và phi lý trong những thực hành tôn giáo đó? Dĩ nhiên Giáo Hội có những bản hướng dẫn cụ thể để chúng ta tự tin, mạnh dạn và yêu mến thực hành những gì Thiên Chúa mong muốn.

Khai triển dưới đây là chút tóm gọn từ nhiều nguồn tài liệu mà chúng ta dễ dàng tìm thấy trên Internet hoặc trong nhà sách Công Giáo.

Hy vọng khi nhìn lại chút lịch sử của “thờ kính ông bà tổ tiên”, mỗi người, nhất là những người trẻ, thấy được những điều thú vị và có câu trả lời cho riêng mình. Từ đó, hãy mạnh dạn sống những điều Thiên Chúa dạy và biết cách chia sẻ những thắc mắc về vấn đề này cho chúng bạn cùng trang lứa.

1. Những năm tháng tranh luận

Như bạn cũng biết Đạo Công Giáo vào Việt Nam từ đầu thế kỷ 17 (năm 1615). Cũng như bất kỳ tôn giáo nào, Công Giáo cũng gặp nhiều khó khăn để hội nhập vào mảnh đất phong phú về tâm linh, niềm tin, tín ngưỡng và văn hóa. Cụ thể, người Việt chúng ta luôn coi trọng đạo Hiếu. Thờ cha kính mẹ đã là truyền thống ngàn đời của người Việt. “Ðạo hiếu là một đặc tính của đạo tâm, làm cho con người tỏ lòng thành kính đối với cha mẹ, tiền nhân, nên chỉ nuôi dưỡng cha mẹ mà không có lòng hiếu thảo thì làm sao gọi là hiếu được!” (Lm. Giuse Vũ Kim Chính,  SJ). Ngày mất, ngày giỗ của ông bà cha mẹ luôn buộc con cháu phải quy tụ về để thắp nén nhang tỏ lòng thành kính. Tạ ơn Thiên Chúa vì tâm tình cao quý ấy của người Việt. Trước nghi thức này, nhiều nhà truyền giáo thời xưa đã thành công trong việc nối kết phong tục ấy với cách thờ phượng Thiên Chúa.

Đáng tiếc là một số nhà truyền giáo lại ngộ nhận vấn đề trên. Họ cho rằng việc thờ kính ông bà tổ tiên là một tôn giáo, nên cần loại trừ. Tôn giáo nghĩa là có một Đấng Tối Cao để tôn thờ, yêu mến. Phải chăng người Việt thờ kính ông bà tổ tiên như thờ Thiên Chúa của họ? Có sự ngộ nhận này là vì: “Nhiều người nghĩ trong khi thức cúng lễ gia tiên, người Việt đọc những lời thần chú gì đó.” Không! Chúng ta chỉ nói lên tâm tình của con cháu với ông bà tổ tiên của mình.

Lý do thứ hai, thời xưa nhiều người ngộ nhận rằng người Việt cử hành nghi lễ thờ kính ông bà tổ tiên, bởi chữ “lễ” ấy cũng giống chữ “lễ” bên tôn giáo (họ nghĩ thế). Người Việt hiểu chữ “lễ” này đơn giản là lễ phép tỏ lòng kính thờ ông bà tổ tiên. Kế đến, có thể đây là lý do đáng ngại nhất khiến Giáo Hội chần chừ trong việc chấp nhận nghi thức thờ kính ông bà tổ tiên: thờ “bài vị”, vốn là nơi cư trú của các vong hồn (nhiều người tin như thế), hoặc thờ “hồn bạch”, vốn là nơi hồn người chết nhập vào. Dĩ nhiên, nếu chiếu theo niềm tin ấy, Giáo Hội có lý để khuyên các tín hữu không thờ bài vị hoặc hồn bạch, vì sau khi ông bà tổ tiên chết, linh hồn của họ không còn “lảng vảng” trên dương thế nữa. Theo đó, người Công Giáo cũng không cúng đồ ăn, thức uống cho người đã chết.

Phải thừa nhận trong lịch sử Nước Nam, nhiều người Việt tin rằng việc thờ kính ông bà tổ tiên là một tôn giáo (Đạo Ông Bà). Tiếng Việt dùng danh từ “tôn giáo” để chỉ chung cho các tín ngưỡng (tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên). Họ “thờ” tổ tiên như “thờ” thần thánh hoặc Thiên Chúa, một Đấng Tối Cao. Theo đó, nhiều nghi thức được thêu dệt đến nỗi gây nhiều hiểu lầm, và có thể là cả mê tín dị đoan (đốt vàng mã, gọi hồn, của cúng...). 

Trước những tranh luận xôn xao ấy, Giáo Hội đành chọn cách tốt nhất là: quyết định cho người Công Giáo chỉ được tôn kính tổ tiên theo cách Giáo Hội quen làm, chứ không được thờ cúng theo hình thức cổ truyền địa phương. Quyết định ngày xưa ấy đã khiến nhiều người Việt nhìn người Công Giáo với con mắt khác. Tệ hơn nữa, nhiều người tẩy chay tôn giáo này và đó cũng là lý do biện minh cho các cuộc bách hại của nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn, và cả phong trào Văn Thân[1]. Đó là thời cuộc nhiễu nhương với nhiều ngộ nhận về vấn đề thờ kính ông bà tổ tiên. Kết quả là nhiều người tử đạo và quan điểm ấy vẫn còn liên lụy cho đến ngày nay. (Chẳng hạn trong chính câu hỏi của bạn nói lên ý đó!)

2. Những chỉ dẫn kịp thời

Trước trang sử đau buồn ấy, Giáo Hội cần hành động và đã đưa ra hướng dẫn kịp thời trong vấn đề hội nhập văn hóa. Thật dễ dàng để các bạn đọc lại những quyết định của Tòa Thánh về vấn đề này trong Huấn thị  “Plane compertum est” được Tòa Thánh đề ra cho Giáo Hội tại Trung Hoa ngày 08-12-1939. Đại ý trong đó cho phép Giáo Hội địa phương: “không hủy bỏ hay dập tắt những giá trị thiện hảo, liêm chính, chân thành của các dân tộc.”

Sau Công Đồng Vatican II, một trang sử mới mở ra không chỉ cho Giáo Hội hoàn vũ, nhưng đó cũng là cơ hội để Giáo Hội Việt Nam tiếp nhận vấn đề thờ kính ông bà tổ tiên. Các Giám mục hội nghị tại Đà Lạt trong những ngày tháng 6 năm 1965, nhằm đưa ra nhiều hướng dẫn. Chẳng hạn:

“Vì thế, những cử chỉ, thái độ và nghi lễ tự nó hoặc do hoàn cảnh, có một ý nghĩa thế tục rõ ràng là để tỏ tinh thần ái quốc, lòng hiếu thảo, tôn kính hoặc tưởng niệm tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ (như treo ảnh, hình, dựng tượng, nghiêng mình bái kính, trưng hoa đèn, tổ chức ngày kỵ, giỗ...) thì được thi hành và tham dự cách chủ động.”

Sau đó 9 năm, các Giám mục tiếp tục họp tại Nha Trang (1974) cũng đưa ra chỉ dẫn tương tự về các lễ nghi tôn kính Ông Bà Tổ Tiên. Sáu điểm chúng ta dễ dàng đọc trên mạng trong Quyết nghị về Lễ nghi tôn kính Ông Bà Tổ Tiên. Chẳng hạn, về cách bài trí bàn thờ gia tiên, về việc đốt nhang hương, đèn nến, ngày “cúng giỗ”, “lễ tổ, lễ gia tiên”, được vái lạy trước thi hài người quá cố, được tham dự nghi lễ tôn kính vị thành hoàng, v.v. Miễn là tránh mọi hình thức mê tín dị đoan.

Nếu còn bối rối về vấn đề này, chúng ta dễ dàng thấy nhiều chỉ dẫn trong: Văn kiện hướng dẫn việc tôn kính tổ tiên (công bố ngày 7 tháng 10 năm 2019).

Bạn nhận xét rất đúng khi nhắc lại việc người Công Giáo luôn thờ kính ông bà, cha mẹ, tổ tiên là những người đã khuất. Trên hết, đó là điều răn, là giới luật của Thiên Chúa: Thảo kính cha mẹ. Chúng ta cũng dễ dàng đọc thấy Thiên Chúa đòi hỏi người ta phải thảo kính với cha mẹ. Chẳng hạn sách Huấn Ca khuyên rằng: “Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Ðức Chúa nguyền rủa.” (Hc 3,16). Sau này thánh Phaolô khẳng định thêm: “Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này.” (Ep 6,2).

Ngoài ra, chúng ta dễ dàng nhận thấy lòng tôn kính, liên kết với ông bà tổ tiên trong cả tháng Mười Một, vốn là tháng con cháu kính nhớ, cầu nguyện cho những người thân yêu đã qua đời. Mồng Hai Tết - kính nhớ ông bà tổ tiên. Trong thánh lễ, chúng ta thường nghe Linh mục thay mặt cộng đoàn cầu nguyện cho: “anh chị em đã ly trần, và mọi người, đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc…”. Đó chưa kể đến nhiều người thường xin lễ, đọc kinh, viếng đất thánh, nhà hài cốt thường xuyên, để cầu nguyện cho những người thân đã khuất.

3. Hòa nhập chứ đừng hòa tan

Nhìn lại lịch sử vài thế kỷ trước, nhiều người vội trách Giáo Hội quá khắt khe và bảo thủ. Tại sao Giáo Hội không cho phép ngay việc thờ kính ông bà tổ tiên? Để bảo vệ con cái mình, trong hoàn cảnh đó, vấn đề này còn nhuốm màu mê tín dị đoan, nên Giáo Hội buộc phải e dè. Từ đó, người Công Giáo đã một thời bị chế giễu “theo đạo bỏ ông bà”. Thành kiến ấy, tạ ơn Chúa, ngày nay không còn nữa.

Ngoài ra, nhiều phong trào đã giúp cho người Việt tránh xa được mê tín dị đoan. Chẳng hạn, đạo Công Giáo cũng chỉ ra những vấn đề mê tín ở Việt Nam từ vài thế kỷ trước[2]. Có khi bị phản đối, nhưng mưa dầm thấm lâu, người Việt cũng dần nhận ra vấn đề. Đáng chú ý nhất là từ những năm 1930, phong trào trí thức của nhóm Tự Lực Văn Đoàn[3] với biết bao bài viết, sách báo, tiểu thuyết đã giúp thay đổi được não trạng quần chúng, phá đổ được nhiều tệ đoan của xã hội. Cụ thể những mê tín dị đoan trong các phong tục cũng được phong trào này chỉ ra. Khi não trạng người dân thay đổi, Giáo Hội cũng cởi mở hơn về vấn đề thờ kính tổ tiên.

Có rất nhiều điều phù hợp với giá trị Tin Mừng nơi các nền văn hóa. Việc thờ kính ông bà tổ tiên chẳng hạn. Bởi “đôi khi Thiên Chúa đã gieo mầm trong các nền văn hóa cổ xưa trước khi Tin Mừng được rao giảng”. Do đó, khi khám phá những chân lý trong các nền văn hóa, Giáo Hội cố gắng hòa nhập, chứ không hòa tan, lựa chọn cách tốt nhất để giúp các linh hồn. Hẳn nhiên là cách ấy có khi gây hiểu lầm cho nhiều người. Nhưng với thời gian, lý giải và đối thoại chân thành, hy vọng người ta hiểu hơn về những quyết định của Giáo Hội cần hợp với Tin Mừng.

Cụ thể, bạn hỏi có cách nào cho người khác hiểu đúng về vấn đề thờ kính ông bà tổ tiên của người Công giáo không?

Giáo Hội đã, đang và vẫn theo đuổi con đường đối thoại, gặp gỡ và tôn trọng những khác biệt. Tạ ơn Chúa vì trong tiến trình ấy, ngày càng có nhiều lương dân, người Phật Giáo hiểu hơn về cách người Công Giáo thờ kính ông bà tổ tiên. Nhất là nhiều người Công Giáo mời lối xóm, bà con bên lương đến chung vui trong dịp giỗ chạp. Trong tang lễ người Công Giáo cũng chia sẻ chút khác biệt trong cách họ cử hành. Chân thành và nhẹ nhàng. Rồi qua lối sống yêu thương, nhiều người nhận ra tấm lòng hiếu thảo của người con Công Giáo với tổ tiên của mình.

Nhất là khi trò chuyện, chúng ta cũng chân nhận một thời Giáo Hội cũng “luống cuống” trong vấn đề này. Bởi, trước giờ Giáo Hội ở Châu Âu chưa phải đối diện với vấn đề thờ kính ông bà tổ tiên. Nên trước vấn đề này, Rôma đã có những ngăn cấm. Chúng ta cũng nhận lỗi về những thiếu sót trong việc thờ kính ông bà tổ tiên, ít là về hình thức bên ngoài. Do đó nhiều người buông lời nhận xét tiêu cực về người Công Giáo trong vấn đề này cũng là có lý do.

Là người trẻ, những gia đình trẻ, chúng ta để tâm hơn đến chút hình thức bên ngoài về bàn thờ ông bà tổ tiên. Nơi đó, chúng ta tưởng nhớ đến linh hồn người đã khuất. Theo chân các ngài, con cháu tiếp tục sống trung thành với Thiên Chúa và nên chứng tá giữa đời. Những hình thức tỏ lòng thờ kính với tổ tiên, chúng ta dễ dàng tìm thấy nơi hướng dẫn của Giáo Hội. Chẳng hạn, quyển Kinh nguyện gia đình và Gia lễ Công giáo, sách Nghi Lễ An Táng, v.v.

Trong đối thoại liên tôn, thật đáng tiếc nếu chúng ta lên án các nghi lễ của nhau. Đương nhiên mỗi tôn giáo có những nghi lễ rất khác biệt. Ví dụ chúng ta cần tôn trọng nghi lễ thờ kính ông bà tổ tiên của người lương dân, của các tôn giáo khác. Mặt khác, chúng ta cũng xác tín và hãnh diện về những cử hành đức tin của người Công Giáo, cách chúng ta thờ kính ông bà tổ tiên. Tôn trọng trong khác biệt! Rồi với những nỗ lực trong hội nhập văn hóa, hy vọng mỗi người hiểu hơn về nhau.

Sau cùng, khi ngỏ lời với các bạn ngoài Kitô Giáo, tác giả cuốn 50 năm Thờ Kính Tổ Tiên, Linh mục Trăng Thập Tự chia sẻ như sau:

Tôi đang chia sẻ với bạn một Tin mừng, một niềm vui. Nếu bạn nghĩ rằng tôi đang làm công tác truyền giáo thì cũng chẳng sao. Bởi lẽ truyền bá một tôn giáo tốt lành thì chẳng có gì xấu xa. Lắm người làm như thể khi chúng tôi bảo nhau truyền giáo là chúng tôi đang âm mưu làm một chuyện gì đen tối, bậy bạ, chẳng khác nào đang lén lút rủ nhau phạm những tội ác gì quái gở! Ồ không, bạn thấy đó, chúng tôi chỉ muốn chia sẻ với mọi người một thông tin quan trọng và hữu ích: Đó là, tất cả chúng ta đều có chung một người Cha là Thiên Chúa Tạo Hóa, chẳng phải vì chúng ta xứng đáng gì để được làm con Ngài, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta đến nỗi đã tặng ban người Con duy nhất của Ngài là Chúa Giêsu Kitô cho chúng ta, đến làm Anh Cả của nhân loại, cho tất cả chúng ta thành em của Người Anh Cả ấy và thành con cái của Cha trên trời.

Tác giả viết tiếp:

Được biết Thiên Chúa là Cha, bạn sẽ sung sướng nhận ra rằng người Cha ấy ôm ấp trong lòng Ngài cả bản thân bạn và Tổ tiên bạn. Bạn trả lời cho tôi xem, mỗi khi nghĩ đến Ông Bà Tổ Tiên, bạn hình dung thấy họ ở đâu? Ở với Nguồn Cội nào? Nơi họ ở tối tăm hay rực sáng? Nếu rực sáng thì ánh sáng ấy do đâu?

Ước gì tâm tình trên đây cũng là câu trả lời cho một phần thắc mắc trên của bạn, cũng như của nhiều người liên quan đến việc thờ kính ông bà tổ tiên.

Xin Chúa chúc lành cho bạn, nhất là cho ông bà tổ tiên của chúng ta. Để ước mong các ngài cũng cầu thay nguyện giúp cho con cháu luôn sống gần gũi với Chúa Giêsu hơn. Từ đó, chúng ta yêu mến những nét đẹp của truyền thống dân Việt và để hạt giống Tin Mừng nảy mầm, phát triển trên quê hương con rồng cháu tiên này.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Đọc thêm:

 

Bài 11: Truyền giáo cho người trẻ ngoại đạo

Bài 10: Bền đỗ trong ơn gọi gia đình

Bài 09: Vấn đề “theo đạo rồi mới cho cưới”

Bài 08: Gieo suy nghĩ tốt

Bài 07: Nhanh từ từ thôi

Bài 06: Hiện tượng bóng ma

Bài 05: Vượt qua khủng hoảng!

Bài 04: Vấn đề rước Mình Máu Thánh Chúa

Bài 03: Đừng cám dỗ nhau nhé!

Bài 02: Sao lại kỳ thị người tu xuất?

Bài 01: Nhận định ơn gọi cho cuộc đời

 

(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 1, Nxb Tôn Giáo, 2020)

WHĐ (19.7.2021)

 


[1] Theo wikipedia: Văn Thân là một phong trào quần chúng do các nho sĩ Việt Nam lãnh đạo với mục tiêu  “bình Tây, sát tả” (nghĩa là: “dẹp người Pháp, giết người Công giáo”) để cứu nước. Phong trào này khởi phát từ năm 1864 bằng cuộc bãi thi của sĩ tử trong kì thi Hương tại các trường miền Bắc và miền Trung nhằm phản đối triều đình nhà Nguyễn ký Hiệp ước Nhâm Tuất (1862) nhượng 3 tỉnh miền Đông của Nam phần cho Pháp.

[2] Chẳng hạn Giáo Hội cho rằng: “Phải loại bỏ mọi hình thức bói toán. Nghĩa là khi ta cậy nhờ Xa–tan hay ma quỉ, gọi hồn người chết hay những cách khác ngỡ rằng sẽ đoán được tương lai. Thậm chí coi tử vi, chiêm tinh, xem chỉ tay, giải điều mộng, xin xăm, bói toán quá khứ vị lai, đồng bóng, đều là những hình thức che giấu ước muốn có quyền trên thời gian, trên lịch sử và trên cả con người, cũng như ước muốn liên kết với các thế lực huyền bí.” (Giáo Lý Công giáo số 2115).

[3] Khi học văn học, chúng ta cũng được học nhiều tác phẩm của nhóm này. Ví dụ, Hồn Bướm Mơ Tiên, Nửa Chừng Xuân, Thừa Tự –  đều của Khái Hưng, Đoạn Tuyệt , Lạnh Lùng , Đôi Bạn – đều của Nhất Linh, Con Đường Sáng (Hoàng Đạo), Mấy Vần Thơ (Thế Lữ), Gió Đầu Mùa (Thạch Lam), Dòng Nước Ngược (Tú Mỡ),v.v.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây