TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tự cho mình một câu chuyện tốt hơn

Thứ tư - 10/11/2021 10:06 |   1008
Không một bác sĩ tâm lý nào giải quyết được vấn đề của chúng ta, nhưng họ có thể giúp chúng ta tìm được một câu chuyện rộng lớn hơn, cho nỗi đau khổ của chúng ta có ý nghĩa và chân giá trị hơn.
Tự cho mình một câu chuyện tốt hơn

 Tự cho mình một câu chuyện tốt hơn


Ronald Rolheiser, 2021-11-08

Trong quyển sách mới đây, Sống giữa các thế giới (Living Between Worlds), tác giả James Hollis đã cho chúng ta một ý tưởng thâm thúy. Một bác sĩ tâm lý nói với bệnh nhân, “Tôi không thể giải quyết vấn đề của anh, nhưng tôi có thể cho anh một câu chuyện hấp dẫn hơn về khổ sở của anh”. Đúng là một câu thâm thúy. Chúng ta thấy tốt hay tệ về bản thân thường dựa trên loại chuyện nào chúng ta nghĩ về cuộc đời mình.

Tôi nhớ một hội nghị chuyên đề với diễn giả chính là linh mục trẻ người Canada nói tiếng Pháp, Pierre Olivier Tremblay. Cha Tremblay mở đầu bài nói chuyện với những lời này: “Tôi là cha tuyên úy ở một trường đại học, làm việc với các sinh viên trẻ tuổi. Họ đầy sức sống, ước mơ và sinh lực, tuy nhiên, đáng buồn thay, họ hầu như không có hy vọng vì họ không có siêu-tuyến chuyện (meta-narrative). Họ khổ sở vì không có một câu chuyện với cái nhìn rộng hơn để hiểu bản thân và hiểu chuyện đời họ. Câu chuyện của họ, dù quý báu như bản thân họ, lại quá nhỏ bé và cá nhân đến nỗi họ khó mà rút ra được gì nơi đó mỗi khi gặp phải đau đớn và buồn sầu. Họ cần một câu chuyện rộng lớn hơn, một siêu tuyến chuyện. Dù cái đó không nhất thiết xóa bỏ được đau đớn và buồn sầu của họ, nhưng nó sẽ cho họ một cái gì đó rộng lớn hơn để từ đó họ hiểu được đau khổ của mình”.

Nghe những lời này làm tôi nghĩ về cha mẹ tôi và linh đạo đã góp phần nâng đỡ họ và thế hệ của họ. Cha mẹ tôi có một siêu-tuyến chuyện, cụ thể là câu chuyện lịch sử cứu rỗi của kitô giáo, và trong câu chuyện đó, thuở ban đầu, ông Adong và bà Evà đã phạm tội nguyên tổ gây méo mó hiện thực đến nỗi chúng ta không thể nào đạt được sự hòa hợp trọn vẹn trong đời. Khi cuộc sống khó khăn, mà chúng ta ai cũng từng gặp, họ có một quan điểm tôn giáo về lý do tại sao họ nản lòng và đau đớn. Họ hiểu mình được sinh ra trong một thế giới khiếm khuyết và bản chất  khiếm khuyết. Do đó, trong lời cầu nguyện của họ nói đến chuyện “khóc than trong thung lũng nước mắt”.

Ngày nay, chúng ta có vẻ không thích và xem đó là chuyện không lành mạnh, nhưng câu chuyện về Adong và bà Evà giúp giải thích và nêu ra ý nghĩa cho mọi khiếm khuyết trong cuộc đời cha mẹ tôi. Dù nó không xóa đi nỗi đau của họ, nhưng đã giúp cho họ thấy đau khổ của mình có một giá trị. Ngày nay, tôi thấy nhiều bậc cha mẹ cố thử những cách mới để cho con cái họ có một tuyến-chuyện rộng lớn hơn, chẳng hạn họ dùng chuyện phim Vua Sư tử. Cái đó thật sự có ích cho trẻ con, nhưng như cha Pierre Olivier Tremblay đưa ra, đến tận cùng, cần có một tuyến-chuyện rộng lớn hơn và thuyết phục hơn.

Câu chuyện bao trọn cả nỗi đau của chúng ta tạo nên sự khác biệt về cách chúng ta đối đầu với nó. Ví dụ như, tác giả James Hillman bảo chúng ta, có lẽ nỗi đau lớn nhất mà chúng ta trải qua khi già, chính là ý niệm về tuổi già của chúng ta.  Điều này cũng đúng với nhiều đấu tranh của chúng ta. Chúng cần được có chân giá trị của một quan điểm rộng lớn hơn, bao trùm hơn. Tôi thích ý của Robertson Davies khi ông than vãn rằng ông không muốn đấu tranh với một “bờ vực lớn dần”, ông thà “bị cám dỗ bởi ma quỷ” còn hơn. Ông muốn cho những cám dỗ mình chịu một chân giá trị cao hơn!

Một câu chuyện rộng lớn hơn cho chúng ta giá trị này, bởi nó giúp chúng ta phân biệt được ý nghĩa với hạnh phúc. Chúng ta thường nhầm lẫn hai điều này với nhau. Cái chúng ta cần tìm kiếm trong đời là ý nghĩa, không phải hạnh phúc. Thật vậy, hạnh phúc (như chúng ta thường hiểu) không bao giờ có thể là thứ để mưu cầu vì nó luôn là sản phẩm phụ của một thứ gì đó khác. Hơn nữa, hạnh phúc là chóng qua và có thời có điểm, nó đến rồi nó đi. Ý nghĩa là cái bất di bất dịch và có thể đồng tồn tại với đau đớn và thống khổ. Tôi không nghĩ Chúa Giêsu vô cùng hạnh phúc khi Ngài chết trên thập giá, nhưng tôi cho rằng trong mọi nỗi đau mà Ngài đã chịu đựng có một ý nghĩa thâm sâu, thậm chí là ý nghĩa thâm sâu nhất. Và không phải ngẫu nhiên mà Chúa Giêsu tìm được ý nghĩa thâm sâu tột cùng này, bởi vì Chúa hiểu bản thân mình tồn tại trong chiều sâu nhất của mọi câu chuyện.

Xét cho cùng, đức tin, tôn giáo, cộng đồng, tình bạn và chữa trị, chẳng thể nào xóa bỏ được các vấn đề của chúng ta. Hầu như luôn là thế, chẳng có bất kỳ giải pháp nào và chúng ta phải sống với vấn đề đó. Như lời của tác giả Gabriel Marcel, cuộc đời là một mầu nhiệm để sống chứ không phải một vấn đề để giải quyết. Câu chuyện bao trọn cả nỗi đau của chúng ta chính là chìa khóa để biến vấn đề thành mầu nhiệm.

Triết gia Arthur Schopenhauer từng viết, mọi nỗi đau có thể được mang lấy nếu nó có thể được chia sẻ. Sự chia sẻ mà ông nói đến không phải chỉ là sự chia sẻ trong tình bạn, cộng đồng hay tình ái. Mà nó còn là sự chia sẻ trong cùng câu chuyện chung. Nỗi đau có thẻ được chia sẻ một cách sinh sôi hơn nữa nếu nó tìm được vị trí trong câu chuyện rộng lớn hơn, khi nó chia sẻ cùng một siêu-tuyến chuyện, một chân trời đủ rộng để khiến sự cô đơn riêng biệt trở nên tầm thường.

Tác giả Hollis nói đúng. Không một bác sĩ tâm lý nào giải quyết được vấn đề của chúng ta, nhưng họ có thể giúp chúng ta tìm được một câu chuyện rộng lớn hơn, cho nỗi đau khổ của chúng ta có ý nghĩa và chân giá trị hơn.

J.B. Thái Hòa dịch

http://phanxico.vn/2021/11/10/tu-cho-minh-mot-cau-chuyen-tot-hon/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây