TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đức tin bén rễ trong Chúa (phần 2)

Thứ hai - 01/11/2021 21:15 | Tác giả bài viết: Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế S.J. |   1249
Bạn và tôi phải làm gì để củng cố Đức Tin của mình trong cuộc sống đang phát triển ngày nay?
Đức tin bén rễ trong Chúa (phần 2)

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

Bài 26: ĐỨC TIN BÉN RỄ TRONG CHÚA & HOÀ ĐIỆU VỚI ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY (PHẦN 2)

Câu hỏi: Bạn và tôi phải làm gì để củng cố Đức Tin của mình trong cuộc sống đang phát triển ngày nay?

Trả lời:

4. Đồng hành và linh hướng

Trở về với kinh nghiệm thời gian đầu tiên ở đất khách quê người. Là người trẻ 21 tuổi đời, tôi khao khát đi tìm một cuộc sống có ý nghĩa cho mình. Trên hành trình này Chúa đã gởi đến cho tôi những người bạn Công Giáo thật tốt lành. Họ đồng hành với tôi trên từng chặng đường. Họ nghe biết về những khó khăn và thử thách mà tôi đang có, họ chú tâm thăm hỏi và cầu nguyện thật nhiều cho tôi. Họ còn tìm đủ cách để giúp tôi tháo cởi những nút thắt như đang siết cuộc sống tôi lại. Những lá thư khích lệ, ủi an, những cuộc điện thoại với tâm tình lắng nghe cảm thông, những lần gặp gỡ chân tình và sâu lắng, những giúp đỡ cả về mặt vật chất... Những sự đồng hành của bạn bè tốt luôn là sự nâng đỡ rất quan trọng đối với mỗi người trong hành trình củng cố Đức Tin. Vì thế, tình bạn tốt lành trên hành trình Đức Tin luôn là món quà cao quý.

Kế bên những người bạn trẻ cùng lứa, trong thời gian đó tôi còn “bạo gan” đi tìm sự đồng hành của những người lớn tuổi, đạo đức và khôn ngoan. “Khi nào con khoẻ thì con chạy, khi nào con yếu hơn thì con đi bộ, khi nào mệt thì con ngồi nghỉ và khi nào bệnh thì còn cần nằm để nghỉ ngơi và dưỡng bệnh cho mau khoẻ lại”. Đó là lời của vị mục tử linh hướng dành cho tôi, một người trẻ tràn đầy nhựa sống nhưng ngu ngơ chưa biết dùng nhựa sống như thế nào.

Thật vậy, Đức Tin cần được củng cố qua chính sự hướng dẫn thiêng liêng của người khác. Để có thể trở thành một dòng sông, luôn cần dòng nước từ biết bao nhiêu dòng sông khác hợp lại và trao ban. Đó là cuộc sống của chúng ta. Không ai là hòn đảo lẻ loi cô đơn một mình cả. Trong sự sống, mỗi người là người đón nhận và được chỉ dạy. Trong đời sống Đức Tin thì cần được đón nhận và hướng dẫn luôn mãi. Thành thật với chính bản thân, từ ngày bước vào đời tu đến giờ, nếu không được các người khôn ngoan và đạo đức hướng dẫn về đời sống tâm linh, thì đời tu đã trở nên kiếp phù du ngắn ngủi và vô vị lâu rồi.

Xã hội hiện đại thay đổi quá nhanh và quá tinh tế, nên thật khó lòng để phân định và chọn lựa những gì cần thiết, nền tảng và quan trọng, cũng như gạt bỏ những gì thừa thãi và không cần thiết và những điều rất tiêu cực ẩn đàng sau những vẻ đẹp hấp dẫn bề ngoài. Vì thế, để củng cố Đức Tin và để thăng tiến đời sống tâm linh, chúng ta luôn cần được hướng dẫn bởi các vị linh hướng đạo đức, khôn ngoan, nhiều kinh nghiệm và luôn sống trong Thánh Thần Chúa. Vị linh hướng sẽ giúp chúng ta nhiều điều, một trong những điều quan trọng là khả năng phân định thiêng liêng.

5. Bước vào trường học phân định thiêng liêng

Bơi trong dòng sông ô hợp với biết bao ý thức hệ người trẻ làm sao giữ vững được Đức Tin? Làm sao có thể nhận ra và phân định được tác hại của các ý thức hệ và làm sao có thể gạn lọc đi những bùn lầy nhơ bẩn có thể làm vẩn đục cuộc sống tâm linh và Đức Tin của người tín hữu đây? Rồi còn cả lối sống “nghiện công nghệ”. Mỗi ngày nên dành bao nhiêu thời gian cho facebook? Youtube nào nên coi? Cho con cái chơi game nào và chơi bao lâu mỗi ngày? Tin tức nào là fake news – tin giả và tin nào là tin thật? Dựa vào đâu để có thể phân biệt tin giả và tin thật? Làm sao để không bị lừa lọc bởi những trang mạng hấp dẫn khuyến dụ lòng người vào tròng gian ác của chúng? Bên trong Giáo Hội lại có cả những tiên tri giả thời đại xuất hiện. Nơi thì nổi lên một người tự cho mình có sức trừ ma diệt tà và chữa bệnh dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa. Chỗ thì có người tự xưng mình là người tuyển chọn của Chúa, được Chúa và Mẹ hiện ra, nói thế này thế khác.

Rồi trong đời sống thường ngày, người trẻ luôn phải đối diện với câu hỏi: “Tôi nên làm gì?”. Mỗi ngày, chúng ta phải đối diện với những quyết định lớn lao: học hành, nghề nghiệp, công việc, tình trạng sống, các mối tương quan, các cam kết quan trọng. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải đối diện với những quyết định nhỏ hơn về các ưu tiên, các mục tiêu, cách thức sử dụng thời gian, những gì cần phải chú ý và những gì cần phải hoãn lại đến ngày hôm sau. Làm thế nào để chúng ta có thể thực hiện tốt những lựa chọn này? Chúng ta có thể suy xét các giá trị được chọn lựa như thế nào? Làm thế nào để chúng ta có thể phân định đúng?

Giữa lòng một xã hội dường như không còn chuẩn mực và thước đo để định lượng, cũng như giữa dòng sông ô hợp của các ý thức hệ, và giữa những tiếng kêu gọi của các tiên tri giả, thì việc phân định thiêng liêng lại quan trọng hơn bao giờ hết. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhớ:

“Thời đại ngày nay đòi hỏi chúng ta phải phát huy một năng lực chiều sâu để phân định… Phân định để có thể nhận ra tiếng Chúa giữa biết bao tiếng nói, để tiếng nói của Chúa dẫn chúng ta đến sự sống Phục Sinh, để tiếng Chúa giải thoát chúng ta khỏi rơi vào thứ văn hóa sự chết. Chúng ta cần biết đọc thấy trong tâm hồn mình điều mà Chúa muốn, để chúng ta có thể sống trong tình yêu và trở nên những người tiếp nối sứ mạng tình yêu của Chúa. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện, để toàn thể Giáo Hội nhận ra tính khẩn thiết của việc huấn luyện phân định thiêng liêng, cả trên bình diện cá nhân lẫn cộng đoàn”.

Nhưng chúng ta nên bắt đầu học phân định thiêng liêng như thế nào? Có những cách thức nào giúp ích cho việc này? Trước hết, Phân định thiêng liêng là hành trình tâm linh để người Kitô hữu có thể nhận ra được thánh ý và tiếng nói của Thiên Chúa giữa bao âm thanh và ý muốn khác đang bao bọc xung quanh, đang vang lên và lôi kéo, hầu đưa người Kitô hữu ra xa khỏi Thiên Chúa. Trên hành trình này, Thầy dạy tuyệt vời nhất chính là Chúa Thánh Thần. “Hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thoả mãn đam mê của tính xác thịt nữa” (Gl 5,16). Để có thể sống dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và nhạy bén với tiếng nói và sự thúc đẩy của Ngài, chúng ta cần phải trở nên con người của Lời Chúa, cần phải mở lòng hoàn toàn cho Ngài hướng dẫn và uốn nắn. Hơn nữa, không phải mọi thần khí đều xuất phát từ Thiên Chúa. Cho nên đòi hỏi cấp bách cần có sự phân định (x.1Ga 4,1).

Thánh I–nhã thành Loyola được coi là gương mặt nổi bật của việc phân định thiêng liêng. Chính ngài đã trải nghiệm việc phân định này trong đời mình, để rồi ngài đã hệ thống hoá và kết tụ các quy tắc lại thành một “chặng đường” không thể thiếu được trên hành trình tâm linh và củng cố Đức Tin.

Với sự trợ giúp của phân định thiêng liêng, thánh I–nhã giúp cho chúng ta biết trả lời cho câu hỏi: Làm thế nào để theo Chúa được tốt hơn, làm thế nào để sống Phúc Âm tốt hơn? Trong một xã hội đã thật sự không còn tính cách tôn giáo, không còn các chỉ dẫn rõ ràng, dấu hiệu nào là dấu hiệu của Chúa Kitô Phục Sinh gởi đến cho tôi? Đó là câu hỏi mà Thánh I–Nhã đặt ra cho mình khi ngài dưỡng bệnh ở Loyola, lúc đó ngài là một thanh niên “chạy theo phù hoa thế gian”: tôi có quyết định đi theo Chúa Kitô trọn đời không? Trong phân định thiêng liêng, thánh I–nhã giúp chúng ta học để nhận ra những gì xảy ra trong lòng mình. Những chuyện làm cho tôi vui, làm cho tôi thích thú; những chuyện làm cho tôi ghê tởm, làm cho tôi khép mình, làm cho tôi đau…

Có người kết luận một cách nhanh chóng, rằng họ làm theo ý Chúa nếu lúc đó họ cảm thấy hạnh phúc; hoặc ngược lại, nếu chuyện đó gay go, thì họ cho rằng đó không phải là con đường của Chúa. Đừng vội vàng, và đừng đi nhanh quá, vì như thánh I–nhã hướng dẫn, chúng ta cần phân biệt được trong lòng mình cái gì đến từ Chúa, cái gì đến từ Quỷ. Đó là kinh nghiệm mà mỗi người có thể làm…

Ngoài ra, một thực hành tâm linh khác cũng sẽ giúp cho khả năng phân định thiêng liêng được lớn lên theo từng ngày. Đó là giây phút hồi tâm, mỗi ngày xem lại đời sống của mình, nhìn lại chính mình trong suy tưởng, trong lời nói, trong cảm xúc và trong hành vi cùng hành động. Suy xét toàn bộ những giao động đó để nhận ra xem ngày vừa qua hay thời gian vừa qua chúng ta đã bước đi và sống dưới sự hướng dẫn của Thần Khí chưa? Hay chúng ta vẫn còn sống trong cám dỗ và sống theo sự điều khiển của sự dữ.

6. Hơn nữa và không dừng bước

Trong một thế giới tiến bộ từng giây phút, chúng ta không thể dừng bước và hài lòng với kiến thức về Đức Tin. Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ Công Giáo trẻ gặp rất nhiều khó khăn về các câu hỏi của con cái liên hệ đến Đức Tin, đến các ý thức hệ đang lôi cuốn con cái mình. Hơn nữa, trước các trào lưu ô hợp của các ý thức hệ, các khuynh hướng sống hiện đại phớt lờ Thiên Chúa, làm sao người trẻ có thể giữ vững và củng cố Đức Tin, nếu người trẻ không chịu khó học hỏi và đào sâu hơn nữa? Chúng ta hãy để lời của một người Việt Nam đi trước chúng ta, một Vị thật Đáng Kính vang lên: Nếu mỗi ngày con học thuộc một danh từ thôi, nếu mỗi tháng con đọc thêm một cuốn sách thôi, đến nay con đã tiến nhiều. Nếu đến nay con chưa làm, hãy khởi sự ngay từ hôm nay”[1] Hãy khởi sự bằng cách ra khỏi cái biếng lười của mình, bằng cách ra khỏi con đường rộng thênh thang, để đi vào con đường chật với cửa hẹp là chịu khó học hành, chịu khó tìm tòi và học hỏi về đời sống Đức Tin.

Trong tác phẩm Tiểu Sự Tự Thuật, thánh Têrêsa Avila, dù là một nữ tu Dòng Kín, nhưng lại luôn nhấn mạnh đến việc cần đọc sách, trau dồi và học hỏi. Ngài viết: “Học thức là một kho tàng quý giá, vì nó khai quang cho những người ít hiểu biết và soi sáng chúng ta, để khi gặp chân lý trong Thánh Kinh, chúng ta phải hành động cho đúng. Nguyện xin Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi những lối đạo đức ngớ ngẩn”.

Có rất nhiều cách học hỏi và trau dồi Đức Tin. Một trong các cách đó là tham dự học hỏi các lớp học Lời Chúa, ít nhất học hỏi, đào sâu và cầu nguyện với các bài Tin Mừng Chúa Nhật. Lời Chúa là kho tàng vô cùng lớn lao và vô tận, không bao giờ chúng ta có thể múc cạn được. Hơn nữa, cũng không thể tuỳ tiện giải thích Thánh Kinh theo suy nghĩ của riêng mình. Vì thế việc học hỏi Lời Chúa dưới sự hướng dẫn của người có trách nhiệm trong Giáo Hội sẽ giúp ích biết bao. Ngoài ra, tham gia vào các phong trào trong Giáo Hội một cách nghiêm túc, cũng sẽ trau dồi được cách sống đạo tốt.

Thánh nữ Têrêsa Avila nói: “Những người theo con đường cầu nguyện lại càng cần có học thức hơn. Và càng tiến vào con đường thiêng liêng, càng cần đến sự hiểu biết”. Có những khoá học về Đức Tin, Thánh Kinh, Thần Học và Tâm Linh với chương trình lâu dài và đòi hỏi cách nghiêm túc, giúp thăng tiến đời sống Kitô hữu trưởng thành hơn. Nếu muốn và có thể, thì nên tham gia. Sẽ ích lợi.

Ngoài ra, việc tự tìm tòi học hỏi và đọc sách thiêng liêng cũng sẽ rất hữu ích cho việc củng cố Đức Tin, vì tư tưởng tốt lành khôn ngoan của các thánh nhân luôn là những món ăn ngon làm cho tâm hồn con người tìm thấy được sự dịu ngọt. Henri Nouwen viết: “Dẫu mỗi ngày ta chỉ đọc sách thiêng liêng 15 phút thôi, ta cũng sẽ sớm khám phá ra rằng tâm trí ta đang ngày một ít trở nên thùng rác và ngày một trở nên một bình đầy ắp những ý tưởng tốt đẹp”.

Khi nhắc đến việc đọc sách thiêng liêng, thì cũng đụng tới các mẫu gương sống đạo. Vì thế, điều khác thật đẹp cho việc củng cố Đức Tin là chúng ta hãy đi tìm những mẫu gương sống đạo[2], để họ có thể truyền cảm hứng cho mình. Những người này đã đi con đường Đức Tin trước chúng ta. Phúc cho chúng ta, khi được các ngài đồng hành hướng dẫn, gợi hứng và là gương mẫu. Có như thế, thì cuộc sống Đức Tin của chúng ta sẽ hoà điệu vào cuộc sống cách tốt nhất. Đó cũng là điều cuối cùng xin chia sẻ cùng bạn.

7. Đức Tin không là một mảnh rời, mà hoà điệu vào cuộc sống thường ngày

Đức Tin cần được hoà điệu và thẩm thấu vào từng giây phút của cuộc sống thường ngày. Nghĩa là, Đức Tin không được phép chỉ là một mảnh rời không ăn nhập gì với đời sống thường ngày, không liên hệ gì với vấn đề của cuộc sống, không ảnh hưởng gì đến suy nghĩ, lời nói và hành động.

Nhưng làm sao để Đức Tin hoà điệu, hội nhập vào trong cuộc sống thường ngày?

Tôi vẫn nhớ lời dạy ngày xưa của các sơ trong giáo xứ: Sáng dậy, điều đầu tiên cần làm trong ngày là cám ơn Chúa về một buổi tối an lành và sau đó là dâng ngày cho Chúa. Nhưng dâng ngày cho Chúa là gì cụ thể? Là dâng Chúa mọi công việc, mọi cuộc gặp gỡ, mọi lo toan và mọi phút giây của ngày sống, để Chúa hướng dẫn và đỡ nâng. Như thế, cả ngày sống chúng tôi được học sống luôn mãi trong sự hiện diện của Chúa. Đó là điều rất dễ thương và đơn sơ của các sơ dạy bảo. Khi  khi đi sâu vào chiều kích tâm linh, thì điều đơn sơ đó lại là điều rất quan trọng và quyết định. Thật vậy, khi mỗi giây phút trong ngày chúng ta liên lỷ sống trong sự hiện diện của Chúa, chính là dấu hiệu chúng ta sẵn sàng đón mời Thiên Chúa tham dự tích cực vào cuộc sống chúng ta.

Thánh Têrêsa Avila nhắc nhớ chị em và cũng rất tốt cho chúng ta lời sau đây: “Nếu có thể, mỗi ngày nhớ đến Chúa nhiều lần, không được thế, thì ít lần vậy. Hãy cố gắng tập thói quen ấy, sớm muộn gì rồi cũng thu hoạch được lợi ích”. Sau khi đã dâng ngày cho Chúa, bước vào ngày sống luôn tập nhớ đến Chúa. Giữa những lo toan của phận người vẫn có khoảnh khắc, vẫn có khoảng lặng để nhớ đến Chúa. Nhớ đến Chúa cũng có nghĩa là đi tìm Chúa trong mọi sự. Đó là điều nền tảng mà thánh I–nhã khuyên nhủ anh em Dòng Tên. Chúa ở khắp mọi nơi! Đó là điều chú bé ngày xưa được các Sơ dạy dỗ và trong đời sống tâm linh của người trưởng thành điều đó thật đúng. Chúa ở khắp mọi nơi, nhưng vấn đề là chúng ta có chịu đi tìm Chúa hay không thôi.

Đi tìm Chúa ở khắp mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh, mọi công việc… chính là “khuôn vàng thước ngọc” để Đức Tin được hoà điệu vào cuộc sống. “Chúa thấy con suy nghĩ như vậy được không? Lời con nói ra như thế có tương hợp với tinh thần Chúa chưa? Dự định cho việc này việc kia con định liệu Chúa thấy sao? Nếu con chọn lựa và quyết định theo hướng này, Chúa thấy có tốt và đúng ý Chúa chưa?” “Chính nhờ Chúa, với Chúa và trong Chúa” là điều nền tảng để Đức Tin hoà điệu với cuộc sống.

Ora et Labora–Cầu Nguyện và Lao Động. Tinh thần nền tảng của linh đạo Biển Đức và Xi–tô vẫn luôn thích hợp với chúng ta trong thời đại công nghệ này. Chúng ta cần kết hiệp cầu nguyện và làm việc thành một con đường xuyên suốt, nhờ đó Đức Tin thật sự hoà điệu với cuộc sống hằng ngày.

Tạ ơn là hành động cao quý của Bí Tích Thánh Thể. Eucharistia trong tiếng Hy–lạp là tạ ơn. Cuộc sống Đức Tin hằng ngày của chúng ta sẽ được củng cố, khi chúng ta được dâng Thánh Lễ mỗi ngày. Có thể nói Thánh Lễ với Lời Chúa và Bí Tích Thánh Thể thuộc về cuộc sống hằng ngày của con người, hoà điệu với từng khoảnh khắc. Một phụ nữ trí thức người Đức gốc Do–thái nhưng vô thần, sau đó trở lại công Giáo, trở thành nữ tu Dòng Kín, và trở thành một vị thánh quan thầy của Châu Âu, thánh Edith Stein chia sẻ:

“Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta chuẩn bị cho Bí Tích Thánh Thể. Trong Bí Tích Thánh Thể chúng ta chuẩn bị cho cuộc sống thường ngày. Qua đó Thánh Thể và cuộc sống hằng ngày của chúng ta quyện lại và trở nên lời tạ ơn Thiên Chúa luôn mãi”.

Cũng như xác không hồn là xác chết, thì Đức Tin không việc làm là Đức Tin chết (x.Gc 2,17). Thật vậy, củng cố Đức Tin cũng chính là sống Đức Tin cách cụ thể qua hành động và việc làm bác ái và yêu thương. Trung tâm điểm của đời sống người tín hữu là tình yêu của Thiên Chúa hoàn tất trong tình yêu của con người: tình yêu nồng nàn đối với Đức Kitô nơi anh em; từ bỏ mọi hình thức ích kỷ và gian trá; sẵn lòng chia sẻ; liên đới trong việc phục vụ mọi người, đặc biệt là những người nghèo…

Khi ngày sống chuẩn bị khép lại, chúng ta nên làm gì nữa? Cầu nguyện và hồi tâm để cám ơn Chúa, để cho ngày sống chạy lại như là thước phim, qua đó suy xét, sàng lọc và phân định xem cuộc sống hôm nay chúng ta đã củng cố đời sống Đức Tin như thế nào, Chúa có mặt trong cuộc sống ra sao? Trong cảm xúc, suy nghĩ, lời nói và hành động, Đức Tin đã được hiển lộ ra sao và hình ảnh của Chúa xuất hiện như thế nào? Trong cảm xúc, suy nghĩ, lời nói và hành động, hình ảnh của thần dữ và những gì tiêu cực đã xuất hiện và làm việc ra sao? Cuối cùng xin Chúa thánh hoá và hướng dẫn chúng ta “từ bỏ” con đường của xác thịt, của thần dữ, để tiếp tục bước đi trên con đường được Thánh Thần Chúa hướng dẫn.

Tóm lại, Đức Tin cần hoà điệu với đời sống hằng ngày. Đây là thử thách lớn và cũng là thiếu sót lớn của người Kitô hữu. Ước gì Đức Tin không còn là mảnh rời, mà Đức Tin trở nên “hồn sống” của mỗi người Kitô hữu chúng ta. Đó là đích đến của việc xây dựng và củng cố Đức Tin trong thế giới hiện đại với nhiều trào lưu phát triển đến chóng mặt.

Kết

“Bạn và tôi phải làm gì để củng cố Đức Tin của mình trong cuộc sống đang phát triển ngày nay?”

Cám ơn câu hỏi của bạn đã gợi hứng để suy tư đơn sơ ở trên được hình thành. Suy tư trên cố ý được gói trong “7 điểm”, vì số 7 là con số vô hạn, nên còn rất nhiều điểm khác cần được chú ý trên hành trình xây dựng và củng cố Đức Tin. Vì thế, bạn đặt câu hỏi, thì bạn cũng cần là người trả lời đầu tiên. Suy tư chỉ là chữ viết và để có giá trị, thì suy tư cần được sống. Quan trọng hơn, chúng ta cùng bước vào đời, để tập xây dựng và củng cố Đức Tin trong đời sống thường ngày, bạn nhé!

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế S.J.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây