Xin thương xót con
Đối diện với Thượng đế cao cả và thánh thiện, con người cảm nhận được thân phận mỏng manh, tội lỗi của mình. Ý thức về thân phận nhỏ bé và bất xứng, họ thốt lên: “Xin thương xót con!”. Lời cầu nguyện ấy, vừa tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng quyền năng, vừa thú nhận thân phận tội lỗi của kiếp thụ tạo. Lời kêu van ấy cũng mang tâm tình tín thác, gửi gắm niềm hy vọng nơi Đấng có thể ban ơn che chở trong những lúc đau khổ ngặt nghèo.
Trong Tin Mừng, ta thấy các tác giả ghi lại nhiều lần lời cầu xin này. Đó là lời van xin thống thiết của những người phong cùi bị kỳ thị và xa lánh; của người sĩ quan có đứa con thập tử nhất sinh; của người bệnh liệt lào 38 năm bên bờ hồ Bếtđata; của người đàn bà xứ Canaan có con gái đang bị quỷ ám; của người cha có con gái vừa chết. Tóm lại, lời van xin này diễn tả nỗi thống khổ của những phận đời bất hạnh. Họ rất cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Trước những lời van xin này, Chúa Giêsu đã chữa lành họ. Người đã ban cho họ những điều họ đang khao khát tìm kiếm. Họ được chữa lành không chỉ nỗi đau thể xác, mà còn nỗi đau tinh thần. Nhờ các phép lạ Chúa Giêsu đã làm, họ tìm thấy sức mạnh, niềm tin và nghị lực cho cuộc sống. Lời kinh xin thương xót thật nhiệm màu, qua đó, Thiên Chúa lấp đầy khát vọng sâu xa của con người. Ngài ban cho họ những điều họ kêu xin.
“Xin thương xót con!” - lời kinh diễn tả sự hoàn toàn phụ thuộc vào Chúa. Qua lời kinh này, họ tuyên xưng Chúa là chỗ dựa duy nhất của cuộc đời, khi mà những nguồn phù trợ khác đã trở nên bất lực. Quả vậy, nếu Chúa không dựng nên ta và không giữ gìn che chở, con người chỉ là hư vô, như hạt cát trong sa mạc, tựa giọt nước giữa đại dương. Nhờ Chúa quan phòng, chúng ta hiện hữu và sống động trên đời. Cha mẹ sinh ra chúng ta, nhưng Chúa mới là Đấng tạo dựng nên chúng ta. Ngài tạo nên chúng ta nên hình hài trong dạ mẫu thân. Một ngày nào mà Chúa không giữ gìn che chở, vũ trụ và con người sẽ trở lại với hư vô và tan thành mây khói. Lời kinh xin thương xót nói lên mối tương quan căn bản ấy, để nhận ra Thiên Chúa là Cha, Đấng luôn đồng hành với phận người để san sẻ yêu thương và phù trì che chở. Xin Ngài thương xót còn là lời kinh của lòng hiếu thảo, như con cái thân thưa với cha mình. Những lời yêu mến, dù có được lặp lại ngàn lần trong ngày, vẫn không thừa, vì nó diễn tả sự gắn bó, tri ân, chứa đựng tình cảm ngọt ngào.
“Xin thương xót con!” - lời kinh diễn tả tâm tình sám hối. Vua Đavít sau khi phạm tội, đã đau đớn vì những sai lỗi của mình. Với lời khuyên của Ngôn sứ Nathan, Đavít đã khóc lóc ăn năn và viết nên áng thơ tuyệt vời mang tên “Xin thương xót con”. Lời kinh này diễn tả tâm trạng của một tội nhân, vì cảm thấy mình xúc phạm đến Chúa, phản nghịch cùng Ngài. Tác giả mang một tâm hồn tan nát, một trái tim quặn đau và thành tâm sám hối ăn năn, xin Chúa tha thứ mọi lỗi lầm. Nhận ra tội lỗi của mình, ông xin Chúa thanh tẩy và ban cho ông một trái tim mới. Lời kinh “Xin thương xót con” đã giúp Đavít đón nhận ơn tha thứ. Lời kinh ấy cũng làm cho ông trở thành mẫu mực cho lòng sám hối chân thành của các tội nhân (x. Tv 50). Lời kinh này được Phụng vụ của Giáo Hội xướng lên nhiều lần trong Mùa Chay thánh, để giúp các tín hữu có tâm tình sám hối, cầu xin Chúa ban một trái tim mới để tiếp tục những bước đường tương lai được ân sủng nâng đỡ phù trì.
“Xin thương xót con!” - lời kinh của niềm hy vọng. Nếu chúng ta xin Chúa thương xót, là vì chúng ta xác tín vào tình thương và tha thứ của Chúa. Mạc khải nói với chúng ta, “Người nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời” (Tv 29,6). Lịch sử dân Do Thái đã chứng minh với chúng ta, biết bao lần họ vấp ngã, phạm tội thử thách Chúa, nhưng mỗi lần họ sám hối ăn năn là Chúa lại thương tha thứ. Chúa Giêsu đã diễn tả tình thương của Thiên Chúa trong lời giáo huấn của Người, đặc biệt trong câu chuyện người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Chúa không lên án chị, nhưng khuyên chị hãy về và đừng phạm tội nữa (x. Ga 8,1-11). Vì thế, khi kêu cầu với Chúa để van xin lòng thương xót của Ngài, chúng ta tin vào quyền năng của Ngài với niềm xác tín Chúa sẽ ra tay cứu giúp chúng ta.
“Xin thương xót chúng con!” - lời kinh không chỉ nhân danh cá nhân, mà còn là lời van xin mang tính tập thể. Đó là lời cầu nguyện cho người khác và với người khác. Quả vậy, sống trên đời này, mọi người đều liên đới với nhau, trong tội lỗi cũng như trong công phúc. Tội lỗi làm tổn thương mối tương quan với Chúa và với anh chị em mình. Lời kinh thương xót, nếu được xướng lên cách thành tâm, sẽ như thuốc thiêng chữa lành bệnh tật và hàn gắn những đổ vỡ mất mát giữa con người với nhau, để cùng xây dựng một thế giới an hòa, nhân ái.
“Xin thương xót chúng con!” - lời kinh không chỉ hướng về con người, mà còn bao gồm cả các thụ tạo. Thánh Phaolô đã viết cho tín hữu Rôma: “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng chờ ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Người. Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt phải chịu vậy. Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến nay, muôn loài thụ tạo cùng rên xiết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8,19-23). Khi xướng lên lời kinh thương xót, con người thay lời cho thụ tạo, diễn tả nỗi quặn đau mong chờ được giải thoát. Đây cũng là lời mời gọi con người hãy quan tâm đến các thụ tạo và góp phần giải thoát chúng khỏi nguy cơ hủy hoại. Bởi lẽ, vũ trụ thiên nhiên đã bị nhuốm màu tội lỗi do con người gây ra. Chúng đã mất đi vẻ đẹp nguyên thủy do Thiên Chúa ban tặng. Lời kinh thương xót kêu cầu phúc lành của Chúa, với ước mong con người hãy đồng tâm hiệp lực để xây dựng một thế giới an bình, bảo vệ môi trường thiên nhiên để duy trì vẻ đẹp huy hoàng, phản ánh vinh quang Thiên Chúa.
“Xin thương xót chúng con!” - lời kinh giúp các tín hữu dọn mình trước khi cử hành phụng vụ Thánh Thể. Con người bất xứng và tội lỗi, muốn dâng lời ca tụng Chúa và đến gần Ngài, họ phải được thanh tẩy và gột rửa những lỗi lầm. Lời kinh thương xót được xướng lên ba lần, như tiếng kêu nài van xin ơn trên, để được thanh tẩy và an vui, xứng đáng dâng lên Chúa lời ca tụng. Nơi một số tôn giáo khác ngoài Công giáo, chúng ta cũng thấy những thực hành thanh tẩy trước cử hành việc thờ tự.
“Xin thương xót con!” - đó là lời kinh thiết tha của mỗi người tín hữu chúng ta trong Mùa Chay thánh. Hãy đọc lời kinh này với Đức tin vững vàng, với lòng cậy trông mạnh mẽ và với tâm tình yêu mến thiết tha. Lời kinh này không chỉ là một công thức được xướng lên ngoài môi miệng, nhưng phải là một tâm tình xuất phát từ tâm hồn, cùng với thiện chí sống xứng đáng để đón nhận lòng xót thương của Chúa. Cảm nhận được lòng Chúa xót thương, chúng ta cũng mang trong mình trái tim biết thương xót “như Chúa Cha”, để góp phần quảng diễn tình thương của Ngài đối mọi người.
17/3/2017
Gm Giuse Vũ Văn Thiên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn