TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

XƯNG HÔ TRONG ĐẠO

Thứ bảy - 29/05/2021 00:11 | Tác giả bài viết: Lm Pet. Bùi Trọng Khẩn |   940
XƯNG HÔ TRONG ĐẠO

XƯNG HÔ TRONG ĐẠO

Một lần về quê giúp lễ, sau khi chia sẻ Lời Chúa với cộng đoàn, một cụ ông thuộc hàng cao niên nhất trong làng (gọi là trưởng làng) lại là người trong họ hàng bà con nói với tôi rằng: “Cháu đừng gọi tất cả cộng đoàn là anh chị em, vì trong đó còn có các cụ đáng kính ngồi dưới. Nghe khó chịu lắm. Mà cháu chỉ là bậc con cháu. Ngay các cha về đây dâng lễ cũng phải thưa đầy đủ là “kính thưa quý cụ ông, cụ bà và toàn thể anh chị em”. Tôi suy nghĩ nhiều lắm. Thực ra thì không phải là mình không biết điều ấy. Song chỉ vì muốn cho việc thưa gửi được gọn gàng mà thôi. Không ngờ lại đụng chạm tới tính tự ái của các cụ cao tuổi. Nhưng dù sao lời nhắc nhở ấy cũng là một bài học đầu đời để rút kinh nghiệm về sau.

Nhân khi đọc bài “Chúa ở cùng anh chị em” của Cha Đỗ Xuân Quế trong tài liệu Thánh Nhạc và Phụng Vụ “Hát Lên Mừng Chúa” số 88, tôi liền mở sách lễ Rôma và các sách phụng vụ thì thấy đúng là Giáo hội không có câu chào nào khác ngoài câu “Chúa ở cùng anh chị em”. Mà cũng chẳng có dự trù công thức nào khác nữa. Vì thế, xưa nay người ta chỉ dám phổ nhạc câu này mà thôi, chứ chưa ai dám phổ nhạc câu “Chúa ở cùng quý cụ ông, cụ bà và anh chị em…” hay “Chúa ở cùng cộng đoàn”. Có lẽ những câu xưng hô này mới được áp dụng gần đây, nên Giáo hội còn đang phải cân nhắc chăng hoặc chỉ nói “anh chị em” là đầy đủ nghĩa rồi. Tuy nhiên thực tế thì xảy ra vấn đề như vừa nói trên. Chắc còn nhiều điều thắc mắc khác nữa trong vấn đề này.

Theo cá nhân tôi nghĩ thì có lẽ cũng do lòng tự trọng của mỗi người hoặc do kiến thức giáo lý, phụng vụ và thần học nên người giáo dân của ta hay thắc mắc xem ra có vẻ như là mình đòi hỏi điều gì thì Giáo hội phải làm theo ý muốn của mình. Lại nữa, tuổi tác là điều khá quan trọng đối với các cụ nên không được… vơ đũa cả nắm! Vì vậy, việc xưng hô trong khi cử hành phụng vụ bây giờ xem ra cũng là để tự do tùy vị chủ tế sao cho phù hợp với tương quan với cộng đoàn. Chẳng hạn, thánh lễ toàn thiếu nhi mà Cha cứ thưa là “anh chị em thân mến” thì cũng không phù hợp hay lại cứ thưa một cách máy móc gồm cả quý cụ ông, cụ bà và toàn thể anh chị em thì tức cười lắm! Hoặc thánh lễ an táng mà linh mục chủ tế chẳng có câu thưa nào với tang gia thì…. lơ là quá! Tôi hiểu thêm rằng ngoài ý nghĩa thần học của chữ “anh chị em” dùng trong phụng vụ nó còn bị ảnh hưởng bởi văn hóa của Tây nữa. Vì tiếng nước ngoài không có kiểu xưng hô rắc rối như của ta. Trong khi đó, công thức phụng vụ là của Rôma áp dụng cho toàn thể Giáo hội.

Tôi đi tham dự những thánh lễ lớn thấy vị chủ tế nhiều khi thưa phải nói đầy đủ “Kính thưa các cha bề trên, các cha quản hạt, các cha xứ,… các chủng sinh, các nam nữ tu sĩ và toàn thể anh chị em thân mến”. Câu này dài quá. Nếu một thánh lễ vị chủ tế chỉ cần thưa 3 lần như thế là giáo dân đã đủ mệt rồi! Tuy nhiên có lúc không thể bỏ hoàn toàn kiểu thưa như vậy. Nhưng làm sao đừng máy móc rập khuôn quá. Điều ấy còn dễ tạo ra trong ý thức của cộng đoàn một sự phân biệt tầng lớp trong Giáo hội nói chung và khi cử hành phụng vụ nói riêng. Bởi vậy, nếu vị chủ tế lỡ miệng nói sai trật tự thứ cấp là người  giáo dân cười hoặc xì xèo ngay. Cách riêng trong phụng vụ thì thôi tốt nhất là đơn giản hóa bao nhiêu có thể. Vì trong thánh lễ sau đó chúng ta cùng nhau đọc kinh Lạy Cha và xưng hô với Chúa là ‘Lạy Cha chúng con,…’ Chúng ta là con Chúa cả với nhau thì phải là anh chị em với nhau. Còn cứ theo nghĩa của tiếng Việt: cụ, ông, bà là cấp trên cha! Nhưng nếu mình có cầu nguyện riêng tư mà xưng hô cho đầy đủ vai vế thì đâu có sao. Chẳng hạn ta cầu xin Chúa cho cụ nội, cụ ngoại, bố mẹ con, cha xứ của con, v.v… thì lại là điều tốt quá.

Rồi trong thực tế cuộc sống hằng ngày nhiều khi cũng lắm chuyện rắc rối từ vấn đề xưng hô theo kiểu nhà đạo của ta. Làm linh mục rồi nhưng người ta không biết nên cứ gọi là thầy thì cũng tự ái, không vui; nhiều khi còn mất cảm tình hoặc cáu gắt với người ta. Khấn dòng rồi mà người ta không biết nên cứ gọi là đệ tử thì cũng buồn, xem như mình bị hạ thấp phẩm giá! Là Cha bề trên tổng quyền, cha Quản hạt, Cha tuyên úy, Cha văn phòng, Cha quản lý, Cha cố rồi mà người ta chỉ gọi là Cha không thì nhiều khi cũng bị đánh giá là không tế nhị; có khi bị Cha… không trả lời! Cho nên trong phụng vụ chúng ta cũng chỉ đáp “Và ở cùng Cha” sau tiếng “Chúa ở cùng anh chị em” dù chủ tế có là Đức Thánh Cha, Đức Hồng Y, Đức Giám Mục, Cha bề trên,… đi nữa. Chính vị chủ tế đại diện cho Chúa Kitô mà cũng không đòi phải thưa rườm rà, thế thì đâu có cần phải thưa với cộng đoàn phụng vụ một cách đầy đủ vai vế, tuổi tác? Vì nếu phải thưa đầy đủ vai vế, chức vị của cộng đoàn thì còn nhiều, như là: giáo sư, bác sỹ, kỹ sư, tiến sĩ, cử nhân, giám đốc,… Mà điều này khi cử hành phụng vụ đã có vị chủ tế nào thưa cho đầy đủ đâu, có phải là thiếu sót không?

Hầu như quan niệm của chúng ta vẫn còn đặt nặng vào việc xưng hô thế nào cho lễ phép do ảnh hưởng lâu của thời đại phong kiến. Từ cái quan niệm ấy làm cho thái độ của ta cũng vậy mà nhiều khi lệch lạc nữa. Như là quen khúm núm sợ sệt trước mặt các đấng các bậc trong hội thánh; ví dụ: hễ Cha mà kiệu Mình Thánh Chúa đi ngang qua thì giáo dân thinh lặng quỳ rạp xuống đất thờ lậy; còn khi thừa tác viên bình thường cũng kiệu Mình Thánh Chúa đi qua, có giúp lễ rung chuông hẳn hoi mà người ta cứ tỉnh bơ! Trong nhà thờ, thiếu nhi sợ Cha xứ hơn sợ Chúa!

Đổi mới một quan niệm khó lắm, nhất nữa là quan niệm ấy đã ăn sâu vào ý thức của ta. Chúa Giêsu dạy ta rằng: “Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa” (Ga 13, 13).

Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn

Gp. Bùi Chu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây