TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hai Giám mục tiên khởi tại Việt Nam

Thứ sáu - 22/10/2021 19:20 | Tác giả bài viết: Gm Giuse Đỗ Mạnh Hùng |   1311
Công cuộc truyền giáo ở Việt Nam thời kỳ đầu được thực hiện chủ yếu bởi Dòng Tên dưới quyền bảo trợ của người Bồ Đào Nha.
Hai Giám mục tiên khởi tại Việt Nam

CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO
CỦA HAI GIÁM MỤC TIÊN KHỞI TẠI GIÁO HỘI VIỆT NAM

DẪN NHẬP

“Phần các Giám mục, các ngài được Chúa Thánh Thần cắt cử để kế vị các Tông đồ làm mục tử chăn dắt các linh hồn, đồng thời, hợp nhất với Đức Giáo hoàng và dưới quyền ngài, các Giám mục được ủy thác sứ mạng duy trì luôn mãi công trình của Chúa Kitô, vị Mục tử vĩnh cửu” (Sắc lệnh Giám mục, Christus Dominus số 2 – 28/10/1965)

1. Công Cuộc Truyền Giáo Tại Việt Nam Dưới Chế Độ Bảo Trợ Bồ Đào Nha

Công cuộc truyền giáo ở Việt Nam thời kỳ đầu được thực hiện chủ yếu bởi Dòng Tên dưới quyền bảo trợ của người Bồ Đào Nha. Các nhà truyền giáo đã gặt hái được những thành công đáng kể: số tín hữu gia tăng với tinh thần sống đạo sốt sắng, Hội Thầy giảng được thành lập, khai mở nền văn chương Công giáo trên đất Việt, v.v… Tuy nhiên, những cuộc bách hại Đạo và việc trục xuất các thừa sai ngoại quốc, cùng với những cản trở từ phía Chế độ Bảo trợ luôn là những thách đố lớn cho công việc truyền giáo tại đây.

Theo thỉnh nguyện của cha Đắc Lộ được đệ trình lên Toà thánh sau khi bị trục xuất khỏi Việt Nam năm 1645, ngài nhấn mạnh hai đề xuất chính:

- Do tình trạng thiếu linh mục để chăm sóc các tín hữu, nâng đỡ họ trong những cuộc bách hại, xin Toà thánh sớm gởi các Giám mục qua để thành lập hàng Giáo phẩm địa phương, đào tạo và phong chức các linh mục bản xứ;

- Ban đầu, ngài dự định xin Đức Thánh cha bổ nhiệm các Giám mục Chính tòa, nhưng khi hiểu được kế hoạch của Tòa thánh trong chương trình gửi các Giám mục Đại diện Tông tòa, để tránh rắc rối với Chế độ Bảo trợ, cha Đắc lộ đệ trình một bản ‘ghi nhớ’ xin gửi Giám mục in partibus (trong phần đất dân ngoại) và không cần cho Vua Bồ Đào Nha biết[1].

2. Đường Hướng Của Toà Thánh

Dù phải công nhận rằng Chế độ Bảo trợ có những đóng góp nhất định cho công cuộc truyền giáo chung, nhưng Toà thánh ngày càng nhận ra những bất cập, lạm dụng, thậm chí trở thành những khó khăn và nguy hại, nhất là khi các vua chúa đặt quyền lợi chính trị và kinh tế lên hàng đầu.

Để thoát ra khỏi tình trạng trên, Toà thánh muốn trực tiếp đảm trách và điều hành công cuộc truyền giáo qua việc thiết lập Thánh bộ Truyền bá Đức Tin vào năm 1622. Từ đây, đường hướng truyền giáo ở các nơi đều phải tuân theo sự hướng dẫn của Thánh Bộ, cụ thể qua Huấn Thị năm 1659 trao cho hai Giám mục đầu tiên được gửi đến Đàng Ngoài, Đàng Trong và Trung Hoa[2].

Riêng đối với công cuộc truyền giáo tại Việt Nam, ngày 13.05.1658, Thánh Bộ Truyền bá Đức Tin đề nghị bổ nhiệm hai cha François Pallu và Pierre Lambert làm giám mục và được Đức Thánh cha Alexandre VII phê chuẩn ngày 08.06.1658. Một năm sau, ngày 09.09.1659, ngài ký Sắc chỉ Super Cathedram thiết lập hai Địa phận Tông toà: trao cho Đức cha François Pallu cai quản Đàng Ngoài, năm tỉnh của Trung Hoa: Vân Nam, Quý Châu, Hồ Quảng (nay là Hồ Nam, Hồ Bắc), Quảng Tây, Tứ Xuyên, và nước Lào; tiếp đến trao cho Đức cha Pierre Lambert cai quản Đàng Trong và một số vùng của Trung Hoa: Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, Giang Tây và đảo Hải Nam[3].

Thánh Bộ còn gửi cho hai tân Giám mục bản Huấn Thị khá chi tiết với những điểm đáng chú ý ở phần III như:

+ Thiết lập Hàng Giáo sĩ bản địa qua việc phong chức linh mục cho người địa phương;

+ Cẩn trọng trong việc phong chức giám mục; không tự tiện làm nhưng phải thỉnh ý và chờ sự chấp thuận của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin;

+ Mở trường học, dạy tiếng La tinh và Giáo lý để từ đó có thể tìm ra các ơn gọi linh mục;

+ Hội nhập văn hoá;

+ Không can dự vào chính trị;

+ Giữ liên hệ chặt chẽ với Toà Thánh[4].

Tòa thánh cũng bổ nhiệm Cha Cotolendi làm Đại diện Tông Tòa Giáo phận Nam Kinh (Trung Hoa). Ngài được tấn phong Giám mục ngày 07.11.1660, hiệu tòa Métellopolis và lên đường truyền giáo ngày 03.9.1661 nhưng không may đã từ trần tại Ấn Độ ngày 26.08.1662[5]. Vì thế, chỉ còn hai vị Đại diện Tông Tòa đảm trách công cuộc truyền giáo vùng Viễn Đông.

3. Hai Giám Mục Tiên Khởi Tại Việt Nam

Đức Cha Pierre Lambert de la Motte sinh ngày 28.01.1624 tại Lisieux vùng Normandie nước Pháp, trong một gia đình thuộc giai cấp thượng lưu, giàu sang. Lớn lên, ngài học ngành luật và hành nghề luật sư, sớm trở thành thẩm phán, khi mới 22 tuổi, với phép miễn tuổi của Vua Louis XIV. Được thúc đẩy bởi ơn gọi linh mục, ngài theo chương trình thần học và được thụ phong linh mục ngày 27.12.1655. Đức cha Pierre Lambert được bổ nhiệm làm Giám mục và thụ phong ngày 11.06.1660 tại Paris với hiệu toà Bérithe. Ngài đã dâng cúng tài sản mình để lo cho chương trình truyền giáo Viễn Đông được tiến hành nhanh chóng[6].

Ngày 27.11.1660, Đức Cha Pierre Lambert và hai linh mục thừa sai rời Pháp lên đường sang Việt Nam, không theo hành trình đường biển dành cho các thừa sai được Vua gửi đi, nhưng theo lộ trình mà Thánh bộ Truyền Bá Đức Tin đề nghị: “Hành trình đất liền xuyên qua xứ Syria và vùng Mésopotamia sẽ an toàn cho chư huynh hơn nhiều so với đường biển Đại Tây Dương và mũi Hảo Vọng”[7]. Sau chuyến đi đầy gian nan vất vả, phái đoàn đã tới Ayutthaya ngày 22.08.1662. Ngài chưa thể đến Đàng Trong được vì lúc đó đang có cuộc bách hại dữ dội.

Đức Cha François Pallu chào đời năm 1626[8] tại thành phố Tours, nước Pháp, trong gia đình quý tộc và vị vọng. Ngài được rửa tội ngày 31.08.1626. Sau khi học xong chương trình ở chủng viện, ngài thụ phong Linh mục vào tháng 09.1650 và tiếp tục học để lấy bằng tiến sĩ dân luật và giáo luật. Đức cha François Pallu được thụ phong Giám mục ngày 17.11.1658 tại Rôma với hiệu toà Héliopolis.

Đức cha Pallu là thành viên Nhóm Bạn Hiền và Hiệp hội Thánh Thể, là những tổ chức góp phần vận động Toà thánh gởi các Giám mục sang Việt Nam và Trung Hoa cũng như hỗ trợ cho việc hình thành Chủng viện Thừa sai Paris[9].

Ngày 02.01.1662, Đức cha Pallu rời Pháp đi Việt Nam với bảy linh mục và hai giáo dân bằng con đường bộ. Sau hai năm, ngày 27/01/1664 phái đoàn của ngài đã tới được kinh đô Ayutthaya, nhưng chỉ còn hai linh mục và một giáo dân[10].

Hai tâm hồn – một chí hướng:

Khi còn là linh mục, Đức cha François Pallu và Pierre Lambert gặp nhau và trở thành đôi bạn thân trong kế hoạch truyền giáo tại Rôma vào năm 1657. Các ngài đã cùng soạn ra một chương trình để thỉnh xin Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin cho lập một chủng viện chuyên lo việc truyền giáo Đông Nam Á[11]. Đó là bước khởi đầu của chủng viện Hội Thừa Sai Paris.

Sau khi được Toà Thánh bổ nhiệm trong chức Giám mục và lãnh trách nhiệm trên hai Địa phận của Việt Nam, với tâm hồn đạo đức và đầy nhiệt huyết của vị tông đồ truyền giáo, hai Đức cha François Pallu và Pierre Lambert luôn cộng tác tích cực với nhau trên hành trình truyền giáo với tinh thần liên đới trách nhiệm. Các ngài đã sống và chết cho sứ vụ được trao phó là xây dựng Giáo hội Việt Nam trong tình say mến Đức Kitô Chịu-Đóng-Đinh.

Phần I. HAI MẪU GƯƠNG QUẢ CẢM TRONG SỨ VỤ GIÁM MỤC

I. ĐỨC CHA LAMBERT

1. Các Cuộc Kinh Lý

Trên hành trình sang Việt Nam, hai Đức cha Pierre Lambert và François Pallu không thể đến địa sở của mình được vì đang có cuộc bách hại lớn. Các ngài phải dừng chân ở Ayutthaya, Thái Lan và điều hành công việc quản trị từ xa. Riêng Đức cha Lambert, ngài đã thực hiện được ba cuộc kinh lý mục vụ sang Việt Nam nhằm củng cố và phát triển hai Giáo phận Đàng Trong và Đàng Ngoài.

a. Kinh Lý Đàng Ngoài (1669 – 1670)

Miền truyền giáo Đàng Ngoài thuộc trách nhiệm của Đức cha François Pallu. Nhưng vì nhiều lý do, ngài đã không thể đến Đàng Ngoài được. Từ ngày 30.08.1669 đến ngày 14.03.1670, Đức cha Lambert thay mặt Đức cha Pallu kinh lý mục vụ miền truyền giáo Đàng Ngoài. Trong chuyến đi này, bên cạnh việc thăm viếng và rửa tội cho giáo dân, Đức cha đã thực hiện được 4 việc quan trọng[12]:

+ Phong chức linh mục cho bảy thầy giảng Đàng Ngoài (1670) trên chiếc thuyền được coi như nhà thờ Chánh Toà tiên khởi của Giáo hội Việt Nam;

     1) Thầy Martinô Mật (68 tuổi)

     2) Thầy Giacôbê Chiêu (46 tuổi)

     3) Thầy Simon Kiên (60 tuổi)

     4) Thầy Antôn Quế (56 tuổi)

     5) Thầy Philipphê Nhân (52 tuổi)

     6) Thầy Lêô Trụ (46 tuổi)

     7) Thầy Vitô Trị (30 tuổi)[13]

+ Tổ Chức Công đồng Phố Hiến (14.02.1670);

+ Thành lập Hiệp hội Tín hữu Mến Thánh Giá.

+ Thành lập Dòng Nữ Mến Thánh Giá tại Đàng Ngoài.

b. Kinh lý Đàng Trong Lần Thứ nhất (1671 – 1672)

Ngày 20.07.1671, Đức cha Lambert thực hiện chuyến kinh lý Đàng Trong cùng với hai thừa sai Pháp là Guillaume Mahot va Claude Guiart và hai linh mục người Đàng Trong là Giuse Trang và Luca Bền. Sau hơn một tháng vượt biển đầy gian nan do bão tố và hải tặc, thuyền của Đức cha đã cập bến Nha Trang ngày 31.08.1671 (sợ bị lộ diện, ngài vẫn ở trong thuyền, tối hôm sau, tín hữu kín đáo đưa ngài đến Lâm Tuyền, một xóm chài nhỏ; sau đó ra An Chỉ, Quảng Ngãi). Ở đây, Đức cha Lambert đã thực hiện những công cuộc quan trọng[14]:

       + Thăm viếng các giáo điểm, ban các Bí tích và gặp gỡ các chức sắc và giáo dân;

       + Thành lập Dòng Nữ Mến Thánh Giá tại Đàng Trong (tại xứ An Chỉ, Quảng Ngãi);

       + Tổ chức Công đồng Hội An (năm 1672).

        c. Kinh lý Đàng Trong Lần Thứ Hai (1675 – 1676)

Ngày 23.07.1675 (ba năm sau), Đức cha Lambert và hai linh mục thừa sai trở lại Đàng Trong lần thứ hai. Các công việc của Đức cha trong chuyến kinh lý này gồm có[15]:

       + Dành nhiều thời gian tiếp đón các linh mục, giáo dân đến với ngài, giải quyết các vấn đề mục vụ và ban các Bí tích cho đoàn chiên;

       + Nhận lời khấn của các nữ tu Mến Thánh Giá đầu tiên tại Đàng Trong;

       + Phong chức linh mục cho thầy Louis Đoan tại Quảng Ngãi;

       + Giải quyết những mâu thuẫn giữa các vị thừa sai thuộc Chế Độ Bảo Trợ với các vị Đại diện Tông Toà;

       + Gởi sứ điệp kêu gọi các Giáo đoàn hiệp nhất với nhau và phục quyền vị chủ chăn hợp pháp.

2. Tổ Chức Các Công Đồng Địa Phương

a. Công Đồng Ayutthaya

Trong thời gian hai Đức cha François Pallu và Pierre Lambert ở Thái Lan, các ngài đã tổ chức Công đồng Ayutthaya[16], khai mạc ngày 29.02.1664 với tám thành viên, gồm hai Giám mục, năm linh mục và một giáo dân.

Công đồng đã thảo luận và quyết định ba việc quan trọng, đó là:

+ Soạn thảo “Huấn Thị Gởi Các Thừa Sai”, còn gọi là Huấn Thị Ayutthaya hoặc Monita

+ Xây dựng chủng viện chung cho cả vùng Viễn Đông;

+ Lập Hội Tông Đồ gồm các thừa sai và giáo dân.

b. Công Đồng Phố Hiến

Trong chuyến kinh lý Đàng Ngoài, ngày 14.02.1670, Đức cha Lambert triệu tập Công đồng Phố Hiến[17] gồm chính ngài, ba linh mục thừa sai và chín linh mục Việt Nam. Nghị quyết gồm 34 điều với những điểm chính:

+ Ấn định vùng trách nhiệm cho mỗi linh mục bản quốc;

+ Xác định nhiệm vụ của các thầy giảng;

+ Lập quỹ chung để trang trải các nhu cầu mục vụ và lo cho người nghèo;

+ Khuyến khích các linh mục bản xứ nuôi dạy các thiếu niên đạo đức để gởi vào chủng viện;

+ Kêu gọi các linh mục quản xứ quan tâm đặc biệt đến các nữ tu Mến Thánh Giá;

+ Khuyến khích giáo dân tập suy gẫm chung và riêng; đồng thời giới thiệu những người thích hợp vào Hiệp hội Mến Thánh Giá Tại Thế.

+ Quyết định nhận Thánh Giuse làm bổn mạng Giáo hội Đàng Ngoài.

c. Công Đồng Hội An

Trong chuyến kinh lý Đàng Trong, ngày 19.01.1672, tại Hội An[18], Đức cha Lambert khai mạc Công đồng với sự hiện diện của ba vị thừa sai Châu Âu, hai linh mục bản xứ và một số thầy giảng. Công đồng thông qua một nghị quyết gồm mười điều với những vấn đề chính như:

+ Công bố các sắc dụ của Toà Thánh về quyền bính các Đại diện Tông Toà mà mọi thành phần Dân Chúa phải tùng phục;

+ Xác định nhiệm vụ của các thầy giảng và ban Quý chức trong giáo xứ;

+ Nhắc lại một vài quy tắc về đời sống hôn nhân;

+ Kêu gọi tín hữu can đảm tuyên xưng đức tin ra bên ngoài (điều này xây dựng niềm tin mạnh mẽ để lãnh phúc tử đạo sau này).

3. Xây Dựng Chủng Viện và Đào Tạo Linh Mục Bản Xứ

a. Xây Dựng Chủng Viện Ayutthaya

Việc đào tạo và thiết lập Hàng Giáo sĩ bản xứ là một trong những sứ mạng quan trọng mà Toà thánh mong đợi hai vị Giám mục thực hiện ở miền truyền giáo Viễn Đông.

Công đồng Ayutthaya (1664) đã quyết định thành lập một chủng viện chung cho cả vùng Viễn Đông nhằm đào tạo các ứng sinh linh mục tương lai do các nước trong khu vực này gởi về.

Năm 1665, Đức cha Lambert đã tiến hành xây dựng một chủng viện tại Ayutthaya và bắt đầu chương trình đào tạo linh mục ngay khi hoàn tất[19]. Đây là nơi đào tạo nhiều linh mục Việt Nam sau này.

b. Thiết Lập Hàng Giáo Sĩ Địa Phương

Chỉ vài năm sau khi xây dựng chủng viện tại Ayutthaya, Đức cha Lambert đã phong chức linh mục cho các chủng sinh đầu tiên vào năm 1668, trong đó có cha Giuse Trang từ Đàng Trong qua (Cha Giuse Trang là linh mục người Việt đầu tiên). Sau đó vào tháng Sáu cùng năm, Đức cha truyền chức linh mục cho hai thầy giảng người Đàng Ngoài là Bênêđictô Hiền và Gioan Huệ. Đầu năm 1669, sau một lần tìm cách sang Đàng Trong không thành, Đức cha Lambert truyền chức linh mục cho thầy Luca Bền, người Đàng Trong.

Vì không thể đến được Việt Nam, Đức cha Lambert luôn nhắc nhở các cha Tổng Đại diện, các vị thừa sai Tông toà phải quan tâm đến việc quy tụ và huấn luyện các thầy giảng, dạy tiếng Latinh, và chuẩn bị cho họ chịu chức linh mục. Các ngài thường chọn những thầy giảng xuất sắc và gởi sang Thái Lan cho Đức cha Lambert phong chức linh mục.

Nhân chuyến viếng thăm Đàng Ngoài, tháng 01.1670, Đức cha Lambert phong chức linh mục cho bảy thầy giảng trên chiếc thuyền được coi như nhà thờ Chánh Tòa.

Cũng vào dịp đi kinh lý Đàng Trong lần thứ hai, ngài cũng phong chức cho thầy Louis Đoan tại Quảng Ngãi vào ngày 21.03.1676. Cha Louis Đoan được xem là tác giả cuốn Sấm Truyền Ca, viết bằng chữ Nôm năm 1670, với bút hiệu là Lữ Y Đoan.

Với việc phong chức linh mục cho các thầy giảng, Đức cha Lambert đã khai sinh ra hàng giáo sĩ Việt Nam, mở đầu cho bao thế hệ linh mục tiếp nối. Các linh mục là những trụ cột vững chắc của Giáo hội Việt Nam, là chỗ dựa tinh thần cho các tín hữu trong những thời điểm khó khăn nhất[20].

4. Thành Lập Dòng Mến Thánh Giá

        a. Hiệp Hội Nam Nữ Tín Hữu Mến Thánh Giá Đức Giêsu Kitô Chúa Chúng Ta

Sớm nhận ra vai trò chứng tá của người giáo dân trong việc loan báo Tin Mừng, Đức cha Lambert đã lập ra “Hiệp hội Nam Nữ Tín hữu Mến Thánh Giá Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” tại Ayutthaya, Thái Lan vào năm 1668, và tại Đàng Ngoài, Việt Nam vào năm 1669-1670. Mục đích của Hiệp hội là “để thôi thúc các tín hữu khắp nơi hướng tới tình yêu thực tiễn đối với Thánh giá Con Thiên Chúa” trong đời sống đạo đức của họ[21].

b. Dòng Nữ Mến Thánh Giá tại Đàng Ngoài

Khi đến Đàng Ngoài, Đức cha Lambert được cha Deydier giới thiệu hai nhóm thiếu nữ và một số bà góa muốn sống chung với nhau, có thể tập hợp gần 30 người[22]. Họ đã được cha Deydier dạy dỗ hướng dẫn từ lâu trên đường nhân đức. Sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng, Đức cha quyết định thành lập Dòng Mến Thánh Giá, qua việc đích thân nhận lời khấn của hai nữ tu tiên khởi Anê và Paula tại Phố Hiến ngày 19.02.1670, và trao cho hai chị Bản Luật do ngài soạn thảo sẵn. Đó là ngày khai sinh Dòng Nữ Mến Thánh Giá Việt Nam[23].

c. Dòng Nữ Mến Thánh Giá tại Đàng Trong

Tại An Chỉ - Quảng Ngãi, vào tháng 12.1671, Đức cha Lambert chính thức thành lập Dòng Nữ Mến Thánh Giá với mười chị tiên khởi (trong đó có em gái của cha Giuse Trang được đặt làm Bề trên đầu tiên; lúc ấy chị khoảng 30 tuổi). Ngài trao cho chị em một Bản Luật giống như ở Đàng Ngoài. Vì tình hình khó khăn, Đức cha cho phép các chị mặc thường phục như các phụ nữ địa phương[24].

Trong chuyến kinh lý lần hai, Đức cha đã tới thăm các chị em Mến Thánh Giá ở Quảng Ngãi và nhận lời khấn của bốn nữ tu tại Bàu Tây (Quảng Ngãi) vào ngày 13.12.1675 và một nữ tu thuộc nhà An Chỉ, ngày 18.12.1675[25].

d. Dòng Nữ Mến Thánh Giá tại Thái Lan

Năm 1672, tại Ayutthaya, Thái Lan, Đức cha Lambert lập một Dòng Mến Thánh Giá với 4 hay 5 nữ tu đầu tiên là Việt kiều gốc Đàng Trong[26].

II. ĐỨC CHA FRANÇOIS PALLU

Cũng giống như Đức cha Lambert, Đức cha François Pallu không thể đến được Địa phận Đàng Ngoài vì cuộc bách hại đạo dữ dội. Thiên Chúa nhân lành đã muốn cho ngài thi hành sứ vụ theo một cách riêng. Đức cha Pallu còn phải thực hiện những chuyến đi về giữa Âu – Á trong nhiều năm để xin sự chuẩn nhận của Toà Thánh cho các hoạt động khởi đầu của Giáo hội Việt Nam cũng như vận động thêm nhiều nguồn tài trợ cho công cuộc truyền giáo Viễn Đông.

1. Hành Trình Á - Âu Lần Thứ Nhất (1665 – 1673)[27]

Sau khi kết thúc Công đồng Ayutthaya, hai Đức cha thấy rằng những quyết định này cần phải được sự chuẩn nhận sớm của Toà thánh. Thay vì trao đổi qua thư từ chiếm nhiều thời gian, các kế hoạch sẽ được xúc tiến nhanh hơn nếu một trong hai vị trở lại Rôma để trình bày trực tiếp lên Toà thánh; đồng thời cũng cho Toà Thánh hiểu được rõ nét những khó khăn mà các vị Đại diện Tông Toà đang gặp phải. Đức cha Pallu đã tự nguyện quay trở lại Châu Âu vì cảm thấy sức khoẻ tốt hơn.

Đức cha Pallu trao quyền điều hành Đàng Ngoài cho Đức cha Lambert, ngày 17.01.1665, ngài lên đường về lại Châu Âu và đến Rôma, ngày 20.4.1667.

Tại Rôma, những đệ trình của Đức cha Pallu được Thánh Bộ cứu xét cẩn thận. Năm 1669, Toà thánh đưa ra quyết định:

+ Chấp thuận, đánh giá rất cao, tài trợ kinh phí in ngay tại Roma[28] bản “Huấn Thị Gởi Các Thừa Sai”;

+ Tán thành việc lập chủng viện chung cho cả vùng truyền giáo Viễn Đông;

+ Đặt Xiêm La dưới quyền cai quản của các Giám mục Pháp. Các ngài có thể tiếp nhận và huấn luyện các linh mục cho vùng Viễn Đông;

+ Không đồng ý việc duy trì Hội Tông Đồ.

Ngày 13.09.1669, Toà Thánh ban hành sắc lệnh Speculatores, chỉ thị cho mọi thừa sai khi tới các địa sở của các vị Đại diện Tông Toà phải trình bày bài sai riêng của mình và vâng phục các ngài; nếu không, sẽ bị vạ tuyệt thông.

Trong chuyến đi này, Đức cha Pallu nỗ lực tìm kiếm thêm nhân sự cũng như nguồn tài trợ cho công cuộc truyền giáo.

Ngày 03.02.1670, Đức cha Pallu trở lại Châu Á, với sáu linh mục và bốn giáo dân. Tại Surate - Ấn Độ, sau khi nhận được tin tức, bản ký sự về chuyến đi Đàng Ngoài của Đức cha Lambert (1669-1670), Đức cha Pallu quyết định gửi Cha Charles Sevin quay về Pháp và Rôma, đệ trình hồ sơ xin Toà Thánh phê chuẩn các quyết định của Công đồng Phố Hiến và Tu hội nữ Mến Thánh Giá. Ngày 27.5.1673, Đức cha Pallu tới Ayutthaya.

Trong Đoản sắc Apostolatus Officium (được ban hành ngày 23.12.1673), Đức Giáo hoàng đã xác nhận Công đồng Phố Hiến.

2. Hành Trình Á - Âu Lần Thứ Hai (1674 – 1681)[29]

Ngày 21.08.1674, Đức cha Pallu từ biệt Đức cha Lambert tại Ayutthaya để lên đường sang Đàng Ngoài. Nhưng tàu của ngài bị bão đánh dạt cảng Cavite, Philippines. Đức cha và thuỷ thủ đoàn bị chính quyền Tây Ban Nha bắt giữ và giải về kinh đô Manila với tội danh “đi truyền giáo mà không có phép của triều đình Tây Ban Nha”.

Ngày 04.04.1675, chính quyền Manila đưa Đức cha Pallu về Madrid, Tây Ban Nha để xét xử, và ngài được tuyên bố trắng án. Rời Madrid, Đức cha Pallu sang Pháp rồi từ đó đi Rôma.

Thời gian ở Rôma, Đức cha Pallu luôn bận rộn với việc làm các bản tường trình, thỉnh nguyện để trình lên Toà thánh, cách riêng về hai vấn đề của Giáo hội Việt Nam: sự chống đối của Chế Độ Bảo Trợ truyền giáo Bồ Đào Nha; thứ hai là thái độ không vâng phục Toà Thánh nơi các cha thừa sai Dòng Tên người Bồ Đào Nha.

Ba năm ở Rôma, Đức cha Pallu thỉnh nguyện được hai mươi hai sắc lệnh của Toà thánh; Ngài cũng trình bày lên Toà thánh về Dòng nữ và Hiệp hội Tín hữu Mến Thánh Giá do Đức cha Lambert thành lập. Ngày 02.01.1679, Đức Giáo hoàng Innôxentê XI đã ban Tông thư Cum Sicut công nhận các tổ chức Mến Thánh Giá.

Nhờ hoạt động của Đức cha Pallu tại Rôma, ngày 25.11.1679, Toà thánh đã bổ nhiệm cha Deydier[30] và cha Bourges[31] làm Giám mục và Đại diện Tông toà xứ Đàng Ngoài. Ngài cũng được Toà Thánh chấp thuận cho từ chức Đại diện Tông toà Đàng Ngoài, và được bổ nhiệm làm Đại diện Tông toà xứ Phúc Kiến với quyền giám quản một số tỉnh ở Trung Hoa.

Ngày 25.03.1681, Đức cha Pallu rời Pháp đi Thái Lan và đến nơi ngày 04.7.1682. Ngài ở lại Ayutthaya một năm rồi lại tiếp tục đến Giáo phận Phúc Kiến, địa sở mới của ngài vào ngày 14.01.1684.

III. HAI CÁI CHẾT LÀNH THÁNH

1. Đức Cha Lambert

Trở lại Thái Lan vào giữa tháng 05.1676, sức khoẻ của Đức cha Lambert kém dần. Chứng bệnh đường ruột và sạn thận hành hạ khiến Đức cha đau đớn nhiều.

Vào những ngày cuối đời, Đức cha muốn dành thời gian yên tĩnh để cầu nguyện và kết hợp mật thiết với Chúa Kitô Chịu-Đóng-Đinh.

Khoảng 4 giờ sáng ngày 15.06.1679, Đức cha Pierre Lambert de la Motte đã an nghỉ lành thánh trong Chúa tại Ayutthaya (55 tuổi)[32].

2. Đức Cha François Pallu

Lúc 03 giờ 30 sáng Chúa nhật ngày 29.10.1684, Đức cha François Pallu nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng tại Giáo phận Phúc Kiến, Trung Hoa với tuổi đời 58[33].

IV. TÓM LẠI

Trong công cuộc truyền giáo và xây dựng Giáo hội Việt Nam, những hoạt động của Đức cha Pierre Lambert và Đức cha François Pallu là một sự kết hợp hài hoà, không thể tách rời nhau. Nếu như Đức cha Lambert chuyên về hoạt động để xây dựng và củng cố Giáo hội về mặt thể chế, phẩm trật, đời sống, thì Đức cha Pallu đảm nhận vai trò kết nối giữa Toà Thánh với Việt Nam. Nhờ ngài, các hoạt động của Đức cha Lambert được Toà Thánh chuẩn nhận và hướng dẫn hành động. Nhờ vậy, dù trải qua nhiều thời kỳ chia cắt, Giáo hội Việt Nam vẫn hiệp nhất và thống nhất.

Hương thơm nhân đức của hai vị Giám mục Tiên Khởi được toả ra từ : (1) đời sống thánh thiện của các ngài; (2) hoa trái thánh thiện mà các ngài để lại[34].

1. Đời sống thánh thiện của các ngài được thể hiện qua quyết tâm chu toàn Thánh Ý Chúa qua bổn phận được trao phó là xây dựng Giáo hội Việt Nam trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, phức tạp, trong sự đan xen giữa tôn giáo, chính trị và kinh tế. Đồng thời, tìm mọi cách củng cố, động viên các thừa sai và cộng đoàn Kitô giáo giữ vững niềm tin, kiên trung trong mọi thử thách và bách hại. Hai ngài đã sống và chết cho sứ mạng truyền giáo và xây dựng 2 Giáo phận Tông tòa đầu tiên tại Việt Nam.

Điều này đã được thực hiện qua một đường hướng truyền giáo hết sức rõ ràng và cụ thể với 3 điểm nhấn:

        + Nền tảng của việc truyền giáo và xây dựng Giáo hội là “Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh”;

        + Luôn hiệp thông với Tòa Thánh và tuân theo những hướng dẫn của Tòa Thánh;

+ Mời gọi và nối kết mọi thành phần Dân Chúa để xây dựng Giáo hội, xây dựng Giáo phận: linh mục (thành lập Chủng viện), nữ tu (lập Dòng Mến Thánh Giá), giáo dân (lập Hiệp hội Tín hữu Mến Thánh Giá);

2. Hoa trái thánh thiện của các ngài để lại chính là Giáo hội Việt Nam:

+ Với hơn 100.000 tử đạo gắn bó với Thập giá Chúa Giêsu;

+ 27 giáo phận với các chủng viện đào tạo linh mục;

+ 30 Hội Dòng Mến Thánh Giá;

+ Các Hiệp Hội Tín hữu Mến Thánh Giá.

Như vậy, khi “được ủy thác sứ mạng duy trì luôn mãi công trình của Chúa Kitô, vị Mục tử vĩnh cửu” (Christus Dominus 2), Đức cha Pallu và Đức cha Lambert đã cộng tác tích cực với nhau để “xây dựng Thân Thể Chúa Kitô” (Ep 4,12) là Giáo Hội” (Christus Dominus 1) tại Việt Nam.

PHẦN II. HƯỚNG TỚI VIỆC PHONG THÁNH CHO HAI VỊ GIÁM MỤC TIÊN KHỞI TẠI VIỆT NAM

Việc xin phong Chân phước và phong Thánh cho hai vị Đại diện Tông toà đầu tiên của Việt Nam, Đức Cha François Pallu và Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, là thao thức mong mỏi chung của Hội đồng Giám mục và đặc biệt của các Nữ tu Dòng Mến Thánh Giá. Thao thức này đang được thực hiện qua việc nỗ lực tìm kiếm, sưu tầm, viết lại các chứng từ sống động liên quan đến Đức cha Pierre Lambert de la Motte và Đức cha François Pallu để hoàn tất bộ hồ sơ xin phong thánh.

Các chứng từ về các ngài bao gồm:

I. “Chứng Từ Lịch Sử Trên Văn Bản”: do Nhóm chuyên viên phụ trách

1. Thủ bản của Đức cha Lambert và của Đức cha Pallu

2. Các linh mục thừa sai đương thời với hai Giám mục viết về các ngài.

3. Các sử gia đương thời, các sử gia uy tín hay những luận án tiến sĩ, thạc sĩ... về các ngài.

II. “Chứng Từ Lịch Sử Sống Động”

Đức cha Lambert và Đức cha Pallu đã xây dựng Giáo hội Việt Nam trên những nền tảng chung, cả về thể chế tổ chức và về tinh thần lẫn phương thức sống đạo. Hai Đức cha đã hết mình sống và chết cho sứ mạng loan báo Tin Mừng và xây dựng Giáo hội tại Việt Nam. Sự hy sinh của hai ngài đã và đang sinh hoa kết trái là một Giáo hội ngày càng trưởng thành đi lên trong dòng máu anh hùng của các chứng nhân đức tin. Có rất nhiều dấu tích của các ngài trong đời sống của Giáo hội Việt Nam suốt 350 năm qua.

1. Chứng Nhân Tử Đạo

Lịch sử Giáo hội Việt Nam ghi nhận hàng trăm ngàn Kitô hữu được phúc tử đạo, trong đó có 117 vị được nâng lên bậc hiển thánh và 1 chân phước Anrê Phú Yên. Một số Giáo phận hiện nay vẫn đang tiếp tục làm hồ sơ xin phong thánh cho các vị tử đạo trong Giáo phận của mình.

2. Một Giáo Hội Trên Đà Trưởng Thành

Trải qua 350 năm, từ 2 Giáo phận Tông tòa đầu tiên, giờ đây Giáo hội Việt Nam đang trên đà phát triển, gồm :

       + 3 Giáo tỉnh với 27 Giáo phận: Trên 120 Giám mục được tấn phong, trong đó có 6 vị nhận tước Hồng y;

       + Hơn 4.000 Linh mục;

       + 11 Đại Chủng viện với 2.803 chủng sinh trong niên khóa 2021-2022.

       + Khoảng 310 Dòng tu với tổng số tu sĩ gần 35.000;

       + Trên 4.500 Giáo xứ với khoảng hơn 7 triệu Giáo dân;

3. Gia Đình Mến Thánh Giá

       + 24 Hội dòng Mến Thánh Giá trong nước và 6 Hội dòng Mến Thánh Giá ở nước ngoài;

       + Khoảng 10.000 nữ tu và gần 1.000 tập sinh, với sự liên kết “đặc biệt” giữa Hội dòng Mến Thánh Giá và mỗi Giáo phận. Hầu hết các Giáo phận đều có lập Dòng Mến Thánh Giá. Và rất nhiều giáo xứ có cộng đoàn Nữ tu Mến Thánh Giá hiện diện và phục vụ trong giáo xứ.

       + Trên 15.000 hội viên Tín Hữu Mến Thánh Giá. Hiệp hội này luôn là cánh tay nối dài của Dòng Nữ Mến Thánh Giá trong cuộc sống để làm dậy men Phúc Âm ngay trong lòng giáo xứ của họ.

Quy tụ mọi thành phần dân Chúa trong Đại gia đình Mến Thánh Giá, Đức cha Lambert ước muốn xây dựng một Giáo hội truyền giáo xuyên qua Linh đạo Thánh Giá, nhấn mạnh chiều kích truyền giáo của tình yêu Thánh Giá[35]. Đó là một Giáo hội canh tân vì mục đích Phúc Âm hóa, “đến nỗi thiên hạ nói về họ như xưa dân ngoại đã nói về Israel : Dân Thiên Chúa chính là đây[36].

Một hình ảnh sống động về “hoa trái thánh thiện” của Đức cha Lambert de la Motte là chứng từ của các nữ tu Mến Thánh Giá khấn trọn hằng năm: quyết định “khấn trọn” là 1 hành vi thánh thiện. Đây là quyết định “dâng hiến trọn cuộc đời mình cho Thiên Chúa để phục vụ chương trình cứu độ của Ngài”. Mỗi năm có trên 200 nữ tu khấn trọn, thuộc 30 Hội Dòng Mến Thánh Giá. Những nữ tu này đã được tác động bởi “linh đạo Mến Thánh Giá” của Đức cha Lambert. Ngoài ra, còn có chứng từ của các nữ tu đã sống lâu năm trong dòng Mến Thánh Giá: đặc biệt dịp kỷ niệm 25,50,60 năm khấn dòng với những chứng từ sống động được khơi nguồn từ Linh đạo Mến Thánh Giá. Điều này cho thấy linh đạo Mến Thánh Giá do Đức cha Lambert khởi xướng vẫn đang sống động trong lòng GHVN.

III. Phúc Lành Của Thiên Chúa qua các phép lạ

Một điều phải có trong hồ sơ phong thánh đó là các phép lạ như là dấu chỉ phúc lành đến từ thiên Chúa. Ước mong rằng sẽ có những người nhận được “phép lạ” qua sự chuyển cầu của 2 Giám mục tiên khởi François Pallu và Pierre Lambert de la Motte.

KẾT LUẬN

Ghi khắc công ơn của Đức cha Pierre Lambert de la Motte và Đức cha François Pallu, Giáo hội Việt Nam luôn ao ước sớm thấy các ngài được vinh hiển trong hàng ngũ các thánh. Đây là công việc chung của cả Giáo hội Việt Nam. Công việc này rất cần sự đóng góp của nhiều thành phần: (1) Các chuyên viên; (2) Mọi thành phần Dân Chúa : các Giám mục, các Linh mục, các Đại Chủng viện, các Hội Dòng Mến Thánh Giá và anh chị em Giáo dân, nhất là các Hiệp Hội Mến Thánh Giá Tại Thế.

Ước mong rằng vào năm 2034, kỷ niệm 375 năm Giáo hội Việt Nam được chính thức hình thành với sự bổ nhiệm hai Giám mục tiên khởi François Pallu và Lambert de la Motte[37], chúng ta sẽ dâng lời tạ ơn Thiên Chúa cách đặc biệt vì hồng ân đức tin mà Thiên Chúa đã ban tặng. Niềm vui này sẽ được tròn đầy hơn nếu hai vị Giám mục đầu tiên được tôn vinh qua cuộc đời “thánh thiện, hy sinh trọn vẹn” để chu toàn nhiệm vụ Loan báo Tin Mừng và xây dựng Giáo hội Việt Nam trên niềm tin son sắt vào Đức Giêsu Kitô Chịu-Đóng-Đinh, hầu mang ơn cứu độ cho nhân loại.

Nguyện xin Thiên Chúa nhân lành, qua lời chuyển cầu của Đức cha Pierre Lambert de la Motte và Đức cha François Pallu, chúc lành cho công việc tốt đẹp này sớm được hoàn thành.

+ Giuse Đỗ Mạnh Hùng
Giám mục Gp. Phan Thiết

WHĐ (22.10.2021)

 

Tài liệu tham khảo:

1. P. LAMBERT DE LA MOTTE, Abrégé de Relation, AMEP, T. 121, T. 677 ; Journal 12/1675, AMEP, T. 877.

2. Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin, Huấn thị 1659 dành cho các vị Đại diện Tông tòa đi đến các Vương quốc Trung Hoa tại Đàng Ngoài và Đàng Trong.

3. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Tiểu Sử Đức cha François Pallu & Đức cha Pierre Lambert de la Motte, NXB Tôn Giáo, 2020.

4. Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá, Lịch Sử Dòng Mến Thánh Giá, 2018.

5. Đào Quang Toản, Đức Cha Pallu và Dòng Mến Thánh Giá, 2010.

6. DEYDIER François, Thư gửi Đức cha Pallu, ngày 01.11.1667, AMEP, T. 677.

7. Đỗ Quang Chính, SJ., Hai Giám mục đầu tiên tại Việt Nam, 2005.

8. FAUCONNET-BUZELIN Françoise, Người Cha bị lãng quên của công cuộc truyền giáo hiện đại, Pierre Lambert de la Motte, Đại diện Tông tòa tiên khởi Đàng Trong, Nxb. Phương Đông, 2015.

9. LAUNAY Adrien, Histoire générale de la Société des Missions Étrangères de Paris, t. I, Les Indes Savantes, 2003.

10. Marie Fiat Trần Thị Tuyết Mai, Sứ mạng liên tục của Chúa Giêsu, theo quan điểm của Đức cha Lambert de la Motte (1624-1679) và công cuộc canh tân việc Phúc Âm hóa tại Châu Á, 2018.

11. Marie Fiat, Về với cội nguồn Giáo hội Việt Nam, 2009.

12. MOUSSAY Gérard et APPAVOU Brigitte , Répertoire des membres de la Société des Missions Étrangères (1659-2004), ordre alphabétique suivi de l’ordre chronologique, Paris, AMEP, 2004.

13. VACHET Bénigne, Chuyện Đức Cha Lambert, chuyển ngữ: Cao Kỳ Hương, 2005.

 

 

 


 

[1] Đỗ Quang Chính, SJ., Hai Giám mục đầu tiên tại Việt Nam, Tp. HCM, 2005, tr. 55-56, 59-60.

[2] Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin, Instructio vicariorum apostolicorum ad regna sinarum Tonchini et Cocincinae proficiscentium 1659 (Huấn thị 1659 dành cho các vị Đại diện Tông tòa đi đến các Vương quốc Trung Hoa tại Đàng Ngoài và Đàng Trong).

[3] Adrien Launay, Histoire générale de la Société des Missions Étrangères de Paris, t. I, Paris, Les Indes Savantes, 2003, tr. 41-43.

[4] Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin, Huấn thị 1659, III: Tại nơi truyền giáo.

[5] Gérard Moussay et Brigitte Appavou, Répertoire des membres de la Société des Missions Étrangères (1659-2004), ordre alphabétique suivi de l’ordre chronologique, Paris, AMEP, 2004, tr. 50 (Trong lược sử của hai Cha đi cùng với Đức cha Cotolendi là Louis Chevreuil và Antoine Hainques, chúng ta cũng thấy ghi cùng một ngày, họ rời Paris ngày 06.01.1661, nhưng xuống tàu ở Marseille, vĩnh viễn rời nước Pháp, ngày 03.09.1661).

[6] Nhóm Nghiên cứu Linh đạo Mến Thánh Giá (NNCLĐMTG), Lịch sử Dòng Mến Thánh Giá, 2018, tr. 60.64.75.93.

[7] Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin, Huấn thị 1659, II, 1: Lộ trình

[8] Gérard Moussay et Brigitte Appavou, Répertoire des membres de la Société des Missions Étrangères, tr. 52.

[9] Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN), Tiểu sử Đức cha François Pallu và Đức cha Pierre Lambert de la Motte, Nxb. Tôn giáo, 2020, tr. 10.12.14.22.

[10] Françoise fauconnet-buzelin, Người Cha bị lãng quên của công cuộc truyền giáo hiện đại, Pierre Lambert de la Motte, Đại diện Tông tòa tiên khởi Đàng Trong, Nxb. Phương Đông, 2015, tr. 347.

[11] Đào Quang Toản, Đức cha Pallu và Dòng Mến Thánh Giá, 2010, tr. 78.

[12] HĐGMVN, Tiểu sử Đức cha François Pallu và Đức cha Pierre Lambert de la Motte, tr. 87-88.

[13] Pierre Lambert de la Motte, Abrégé de Relation (Giản yếu ký sự), AMEP, T. 677, tr. 204.

[14] HĐGMVN, Tiểu sử Đức cha François Pallu và Đức cha Pierre Lambert de la Motte, tr. 89-90.

[15] NNCLĐMTG, Lịch sử Dòng Mến Thánh Giá, tr. 150-156.

[16] Nt., tr. 113-118.

[17] Nt., tr. 139-141.

[18] Nt., tr. 145-148.

[19] Nt., tr. 115-116.

[20] Nt., tr. 116.133-134.136.138.155.

[21] Nt., tr. 119.

[22] François Deydier, Thư gửi Đức cha Pallu, ngày 01.11.1667 (AMEP, T. 677, tr. 27).

[23] NNCLĐMTG, Lịch sử Dòng Mến Thánh Giá, tr. 170-173.

[24] Nt., tr. 185.

[25] P. Lambert de la Motte, Journal (Nhật ký) tháng 12/1675, AMEP, T. 877, tr. 574.

[26] NNCLĐMTG, Lịch sử Dòng Mến Thánh Giá, tr. 187.

[27] HĐGMVN, Tiểu sử Đức cha François Pallu và Đức cha Pierre Lambert de la Motte, tr. 34-39.

[28] Bénigne Vachet, Chuyện Đức cha Lambert, Cao Kỳ Hương chuyển dịch, Đào Quang Toản giới thiệu, 2013, tr. 38.

[29] HĐGMVN, Tiểu sử Đức cha François Pallu và Đức cha Pierre Lambert de la Motte, tr. 39-46.

[30] Cha François Deydier sinh ngày 28/9/1634 tại Toulouse, Pháp; chịu chức linh mục ngày 23/4/1657. Cùng với Đức cha Lambert và Cha Bourges, ngài rời quê hương đi truyền giáo vào ngày 27/11/1660. Sau bốn năm ở Xiêm La, ngài được Đức cha Lambert gởi sang Đàng Ngoài vào năm 1666, và được tấn phong Giám mục trong căn nhà bếp của mình ở Phố Hiến vào đêm ngày 21/12/1682. Với tư cách Giám mục hiệu tòa Ascalon và Tổng Đại diện Đàng Ngoài, ngài dấn thân phục vụ Tin Mừng 27 năm và an nghỉ trong Chúa vào ngày 01/07/1693 tại Phố Hiến. Ngài là người lập Chủng viện Việt Nam đầu tiên cũng như góp phần xây dựng Hàng Giáo Sĩ và Dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam.

[31] Cha Jacques de Bourges sinh năm 1634 tại Pháp. Sau khi chịu chức linh mục ngài lên đường truyền giáo với Đức cha Lambert và Cha Deydier năm 1660. Sau đó, ngài được gởi sang Đàng Ngoài năm 1669 và được bổ nhiệm làm Giám mục Đại diện Tông Tòa Tây Đàng Ngoài năm 1679, nhưng bị trục xuất khỏi Việt Nam năm 1713 và qua đời tại Thái Lan năm 1714, thọ 83 tuổi.

[32] HĐGMVN, Tiểu sử Đức cha François Pallu và Đức cha Pierre Lambert de la Motte, tr. 96-99.

[33] Nt., 48-49.

[34] Phần này dựa trên những ý kiến của các Giám mục trong cuộc họp Thường Niên của HĐGMVN vào tháng 4.2021 tại Nha Trang, do tác giả ghi lại.

[35] Marie Fiat Trần Thị Tuyết Mai, Sứ mạng liên tục của Chúa Giêsu, theo quan điểm của Đức cha Lambert de la Motte (1624-1679) và công cuộc canh tân việc Phúc Âm hóa tại Châu Á, 2018, tr. 22. 454.

[36] P. Lambert de la Motte, Abrégé de Relation (Giản yếu ký sự), AMEP, T. 121, tr. 759.

[37] Theo Cha Maurice Vidal và Cha Laurent Villemin, hai chuyên viên Giáo hội học thuộc Viện Đại học Công Giáo Paris : Giáo hội Việt Nam được chính thức hình thành vào ngày 09/09/1659 với sự bổ nhiệm hai Giám mục đầu tiên François Pallu và Lambert de la Motte. Về phương diện thần học và Giáo luật, ngay khi hội đủ ba yếu tố : Tin Mừng, Thánh Thể và Giám mục, lúc đó một Giáo hội địa phương được thành hình (Lumen Gentium 26 ; Giáo luật, điều 368-369. 371, § 1), (Marie Fiat, Về với cội nguồn Giáo hội Việt Nam, 2009, tr. 9-18).

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây