Hội nghị quốc tế của Tổ chức Centesimus Annus Pro Pontifice diễn ra trong hai ngày 21 và 22/10, với chủ đề “Liên đới, hợp tác và trách nhiệm: thuốc giải chống lại những bất công, bất bình đẳng và sự loại trừ”.
Nói với các thành viên của Tổ chức, gồm các nhà khoa học, kinh tế, các bộ trưởng, hồng y và giám mục, trước hết Đức Thánh Cha đánh giá cao hoạt động của Tổ chức, đồng thời lưu ý rằng phản ứng đối với bất công và khai thác trên thế giới không chỉ là lên án nhưng còn phải tích cực cổ vũ điều thiện.
Đức Thánh Cha nói, sự dấn thân của Tổ chức trong việc học hỏi và nghiên cứu về các mô hình phát triển kinh tế và xã hội mới, được truyền cảm hứng từ giáo huấn xã hội Công giáo “rất quan trọng và cần thiết”. Trên mảnh đất bị ô nhiễm bởi sự áp đảo của tài chính, cần gieo nhiều hạt giống nhỏ để có thể nảy mầm trong một nền kinh tế công bằng, đem lại ích lợi, nhân đạo và đặt con người ở trung tâm.
Đề cập đến các khái niệm về liên đới, hợp tác và trách nhiệm - trọng tâm của hội nghị, Đức Thánh Cha giải thích, đó là “ba trụ cột trong giáo huấn xã hội của Giáo hội. Giáo huấn xã hội của Giáo hội dựa trên sự tương tác giữa con người và hướng đến công ích, trái ngược với cả mô hình chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể. Giáo huấn này được đặt nền tảng nơi thế giới của Thiên Chúa, và tìm cách thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người dựa trên đức tin của chúng ta vào Chúa, Đấng đã trở thành người. Vì lý do này, Giáo huấn phải được thực hành, tôn trọng và phát triển, vì nó là một kho tàng truyền thống của Giáo hội!”
Đức Thánh Cha nói thêm rằng ba khái niệm trung tâm của các cuộc thảo luận gợi đến mầu nhiệm hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi, mời gọi chúng ta mở lòng quảng đại với người khác, qua sự cộng tác và dấn thân với họ. Ngài khuyến khích các tham dự viên “khi quảng bá những giá trị và cách sống này, chúng ta thường thấy mình đang đi ngược dòng, nhưng chúng ta hãy luôn nhớ rằng chúng ta không đơn độc. Chúa đã đến gần chúng ta. Là Kitô hữu, chúng ta được kêu gọi làm việc với tất cả những ai đang dấn thân vì công ích. Tất cả chúng ta có thể là anh chị em của tất cả. Và vì vậy chúng ta có thể và phải suy nghĩ và làm việc như tất cả anh chị em”.
Theo Đức Thánh Cha, mặc dù giấc mơ về một thế giới công bằng và bình đẳng hơn dường như không thể đạt được, nhưng chúng ta tin rằng đó là một giấc mơ có thể thành hiện thực, vì đó là giấc mơ của Thiên Chúa Ba Ngôi. (CSR_7111_2021).
Ngọc Yến - Vatican News