TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật -Lễ Thánh Gia Thất -Năm C

Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan (Lc 2, 41-52).
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Quản trị tài sản trong giáo phận

Thứ hai - 22/08/2022 19:56 | Tác giả bài viết: Lm. J.B. Lê Ngọc Dũng |   927
"Tài sản của Giáo Hội" được hiểu là tài sản của các pháp nhân công trong Giáo Hội, không phải là tài sản của Giáo hội phổ quát (đ. 1258).
Quản trị tài sản trong giáo phận

QUẢN TRỊ, CHUYỂN NHƯỢNG TÀI SẢN TRONG GIÁO PHẬN
 

WHĐ (22.8.2022) - "Tài sản của Giáo Hội" được hiểu là tài sản của các pháp nhân công trong Giáo Hội, không phải là tài sản của Giáo hội phổ quát (đ. 1258). Việc quản trị tài sản của Giáo hội thuộc về quản trị tài sản của các pháp nhân công trong Giáo hội và luôn mang tính hiệp đoàn.

Trong Giáo phận, Giám mục giáo phận, Bề trên, Giám đốc... khi có những quyết định quan trọng mang lại hệ quả lớn trong vấn đề tài chính luôn cần phải tham khảo ý kiến hoặc có sự ưng thuận của một số thành phần khác. Nếu không tuân theo, hành vi quản trị sẽ bất hợp luật hoặc bị vô hiệu (đ.127§2).

Hơn nữa, Đức Giáo Hoàng Phanxicô với Tông hiến Pascite Gregrem Dei, canh tân quyển VI của Bộ Giáo Luật 1983, công bố hôm 1/6/2021, và đã có hiệu lực từ ngày 8/12/2021, thêm hình phạt áp dụng cho những trường hợp vi phạm luật quản trị tài sản (đ.1376).

Bài này chú ý đến ba hành vi quản trị: hành vi quản trị quan trọng hơn, hành vi quản trị bất thường, chiếu theo điều 1277 và hành vi chuyển nhượng tài sản trong Giáo hội, chiếu theo điều 1292.

Trước khi khảo sát ba loại hành vi trên, cần hiểu biết một số khái niệm liên quan.

1. CHỦ THỂ QUẢN TRỊ

Pháp nhân

Pháp nhân trong Giáo hội được hiểu là những tập hợp người hay sự vật nhằm mục đích phù hợp với sứ mạng của Giáo Hội và là những chủ thể có những quyền lợi và nghĩa vụ (đ. 113§2, đ. 114§1).

Những pháp nhân trong Giáo hội có thể là pháp nhân công hay pháp nhân tư.

Có tư cách pháp nhân công nếu pháp nhân đó do chính luật hay do nhà chức trách có thẩm quyền minh nhiên thành lập (đ. 116§2). Ví dụ, Giáo phận (đ. 373) do Đức Giáo hoàng thiết lập; hoặc giáo xứ (đ. 515§3), đại chủng viện (đ. 238), tu hội đời sống thánh hiến (đ. 634§1), hiệp hội công (đ. 313) do Đức Giám mục giáo phận thiết lập.

Ngoài các pháp nhân công còn có các pháp nhân tư, không do nhà chức trách có thẩm quyền minh nhiên thành lập. Ví dụ, các Bề trên dòng, linh mục có thể thiết lập những pháp nhân, nhưng chỉ là pháp nhân tư. Tuy nhiên, không phải tất cả hiệp hội hay tập hợp người hay sự vật nào cũng có tư cách pháp nhân. Chỉ khi nào hiệp hội đó có quy chế được nhà chức trách có thẩm quyền phê chuẩn thì mới có tư cách pháp nhân (đ. 117), và là một pháp nhân tư.

Chủ thể quản trị

Điều 1255 quy định, Giáo hội toàn cầu và Tông Toà, các Giáo hội địa phương và tất cả mọi pháp nhân công hay tư, đều là những chủ thể có khả năng thủ đắc, duy trì, quản trị và chuyển nhượng tài sản vật chất chiếu theo quy tắc của luật (đ. 1255).

Theo nguyên tắc của điều 1255, các giáo xứ, tu hội... với tư cách pháp nhân công, mặc dù là thuộc một Giáo phận, họ vẫn là một chủ thể có quyền thủ đắc, duy trì, quản trị và chuyển nhượng tài sản vật chất riêng của mình chiếu theo quy tắc của luật. Nhà thờ, nhà nguyện, bất động sản... của những pháp nhân thuộc về chính pháp nhân đó, chứ không thuộc về Giám mục giáo phận hay Bản quyền địa phương, chỉ thuộc sự giám sát của Bản quyền địa phương (đ. 1276).

Của dâng cúng cho pháp nhân

Về của dâng cúng cho Giáo phận, giáo xứ, tu hội ĐSTH... đều cần phải theo quy định của điều 1276, trong đó, cần phải phân biệt rõ ràng là của dâng cúng cho pháp nhân hay cho cá nhân lãnh đạo pháp nhân.

Điều 1267

§1. Các của dâng cúng cho các bề trên hay cho các người quản trị của bất cứ pháp nhân nào trong Giáo Hội, dù là pháp nhân tư, thì được kể là dâng cúng cho chính pháp nhân ấy, trừ khi thấy rõ ngược lại.

§2. Không được từ chối các của dâng cúng được nói đến ở §l, trừ khi có một lý do chính đáng, và trong những việc quan trọng hơn, thì phải có phép của Đấng Bản Quyền, nếu là một pháp nhân công; cũng cần phải có phép của chính Đấng Bản Quyền này, để nhận những của dâng cúng có kèm theo một hình thức trách nhiệm hay một điều kiện nào đó, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 1295.

§3. Những của cải do các tín hữu dâng cúng vào một mục đích nhất định nào đó, thì chỉ có thể được sử dụng vào mục đích ấy mà thôi

2. NGƯỜI QUẢN TRỊ VÀ HỘI ĐỒNG KINH TẾ

Người quản trị, quản lý

Nên phân biệt giữa người quản trị tài sản (administrator) tức là người trực tiếp điều hành pháp nhân và người quản lý (oeconomus).

Người có nhiệm vụ quản trị tài sản là người trực tiếp điều hành pháp nhân có tài sản ấy, ví dụ như là Giám mục giáo phận, Bề trên tu hội ĐSTH, cha Sở...

Điều 1279

§l. Việc quản trị tài sản Giáo Hội thuộc về người trực tiếp điều hành pháp nhân có tài sản ấy, trừ khi luật địa phương, các quy chế hoặc một tục lệ hợp pháp quy định cách khác, và vẫn giữ nguyên quyền can thiệp của Đấng Bản Quyền trong trường hợp người quản trị xao lãng bổn phận.

Trong Giáo phận quản lý quản trị tài sản của Giáo Phận dưới quyền Giám Mục.

Điều 494§3:

Theo các chỉ thị do Hội Đồng kinh tế ấn định, quản lý quản trị tài sản của Giáo Phận dưới quyền Giám Mục và, từ nguồn vốn đã được thiết lập trong Giáo Phận, phải chi những khoản mà Giám Mục và những người khác được ngài uỷ quyền đã ra lệnh cách hợp pháp.

Giáo luật không buộc tất cả các pháp nhân đều phải có một vị quản lý riêng biệt với người điều hành pháp nhân. Tuy nhiên, buộc phải có vị quản lý riêng biệt đối với Giáo phận (đ. 494) và tu hội đời sống thánh hiến (đ. 636).

Nếu một pháp nhân công mà không có người quản trị, ví dụ pháp nhân sự vật, thiện quỹ do luật hay do quy chế, thì Đấng Bản quyền mà pháp nhân ấy trực thuộc phải chỉ định những người có khả năng lo việc quản trị với nhiệm kỳ 3 năm và có thể tái bổ nhiệm (đ. 1279§2).

Hội đồng kinh tế

Theo quy tắc chung, Giáo luật đòi buộc pháp nhân nào cũng phải có Hội đồng kinh tế hay ít nhất hai người cố vấn, để giúp người quản trị chu toàn nhiệm vụ chiếu theo quy chế (đ. 1280).

Cách riêng, Giáo luật quy định phải lập Hội đồng kinh tế của giáo phận (đ. 492) và của giáo xứ (đ. 537).

3. HÀNH VI QUẢN TRỊ QUAN TRỌNG HƠN VÀ NGOẠI THƯỜNG

Điều 1277 quy định một số hành vi quản trị tài sản cần phải có sự tham khảo ý kiến hoặc có sự đồng ý của Hội đồng kinh tế và Ban tư vấn, trong đó có hành vi quản trị "quan trọng hơn" và "ngoại thường".

Điều 1277

Xét theo tình hình kinh tế của giáo phận, Giám mục giáo phận phải tham khảo ý kiến của Hội đồng kinh tế và Ban tư vấn để thực hiện những hành vi quản trị quan trọng hơn; nhưng ngài cần có sự ưng thuận của Hội đồng kinh tế và Ban tư vấn để thực hiện các hành vi quản trị ngoại thường, trừ những trường hợp đã được luật phổ quát hoặc điều lệ thiện quỹ xác định cách đặc biệt. Hội đồng Giám mục ấn định những hành vi nào được coi là những hành vi quản trị ngoại thường.

3.1. Hành vi quản trị quan trọng hơn

Các nhà lập luật không đưa ra một định nghĩa cho hành vi quản trị quan trọng hơn, là vì tình trạng và hoạt động kinh tế các Giáo phận khác biệt nhau. Các quy chế của mỗi Giáo phận nên có quy định về những hành vi quản trị này. Theo nghĩa chung nhất, đó là hành vi quản trị mang lại hệ quả tài chánh mức trung bình.[1] Giáo luật chỉ đòi Giám mục giáo phận phải tham khảo ý kiến của Hội đồng kinh tế và Ban tư vấn.

John P. Beal nêu ra một số ví dụ cụ thể cho hành vi quản trị quan trọng hơn như sau:[2]

1. Thiết lập các nguyên tắc cho hội đồng kinh tế giáo xứ;

2. Ban hành các hướng dẫn việc quản lý tài sản trong Giáo phận;

3. Những đầu tư tài chánh dài hạn;

4. Cho thuê tài sản của giáo phận mà ngoài những quy tắc Hội Đồng Giám mục;

5. Khởi xướng kháng nghị gây quỹ hoặc chấp thuận việc tiến hành kêu gọi gây quỹ của các giáo xứ hoặc pháp nhân khác;

6. Cấp cho các mục tử và các nhà quản trị khác năng quyền thực hiện các hành vi quản lý đặc biệt.

3.2. Hành vi quản trị ngoại thường

Hành vi quản trị ngoại thường, nói chung là hành vi quản trị không thông thường, và là hành vi có hệ quả tài chính cao đáng kể. Ví dụ: xây dựng công trình nhà cửa, mua hay chuyển giao bất động sản, cho di dời thay đổi một tòa nhà, nhận một thừa kế nhưng với những nghĩa vụ nặng nề kèm theo.

Điều 1277 quy định Giám mục giáo phận, khi quyết định thực hiện hành vi quản trị ngoại thường, cần có ưng thuận của cả Hội đồng kinh tế và Ban tư vấn. Nếu không có sự ưng thuận đó, hành vi sẽ bị vô hiệu, chiếu theo nguyên tắc của điều 127§1.

Hội đồng Giám mục Hoa kỳ

Hội đồng Giám mục Hoa kỳ năm 1986 có quy định những hành vi quản trị bất thường như sau:[3]

1. Chuyển giao tài sản ổn định khi giá trị vượt quá giới hạn tối thiểu (đ. 1292§1).

2. Chuyển giao tài sản được hiến tặng cho Giáo hội thông qua lời thề, hoặc chuyển giao tài sản đặc biệt do giá trị nghệ thuật hoặc lịch sử của chúng bất kể giá trị đã được thẩm định (đ. 1292§2).

3. Để bị mắc nợ vượt quá giới hạn tối thiểu (đ. 1295).

4. Làm tổn hại tài sản ổn định vượt quá giới hạn tối thiểu (đ.1295).

5. Cho thuê tài sản của nhà thờ khi lợi tức cho thuê hàng năm vượt quá mức tối thiểu (đ. 1297).

6. Cho thuê tài sản nhà thờ khi giá trị tài sản thuê vượt quá mức tối thiểu và hợp đồng thuê kéo dài hơn 9 năm (đ. 1297).

Quy định về hành vi quản trị ngoại thường của HĐGM Hoa kỳ, nói chung, căn cứ vào mức giới hạn tối thiểu của mức chuyển nhượng, được nói ở điều 1292§1. Như vậy, hầu như HĐGM không phân biệt rõ giữa hành vi quản trị ngoại thường và hành vi chuyển nhượng tài sản ngoại thường.

Hội Đồng Giám Mục Canada

Hội Đồng Giám Mục Canada, để thích ứng với giá sinh hoạt, đã điều chỉnh định mức cho hành vi quản trị ngoại thường theo như Sắc lệnh số 38, vốn đã được Tòa Thánh phê chuẩn năm 1993, cho áp dụng từ năm 2020 như sau:

- Dưới 287.297 Đô la Canada (#5 tỉ đồng) (tối đa 5%): Giám mục giáo phận có thể thực hiện một mình các hành vi quản trị bất thường;

- Từ 287,297 Đô la Canada (#5 tỉ đồng) trở lên, Giám mục giáo phận cần có sự đồng ý của Ban Tư vấn và Hội đồng kinh tế (đ. 1277).

- Tuy nhiên, cần lưu ý theo điều 1277, Giám mục giáo phận phải xác định, dựa trên tình hình tài chính của giáo phận, những hành vi quan trọng nào cần có sự tư vấn của Ban Tư vấn và Hội đồng kinh tế.

4. CHUYỂN NHƯỢNG TÀI SẢN

4.1. Nguyên tắc Giáo luật

Chuyển nhượng là hành vi qua đó quyền sở hữu một tài sản, được chuyển sang một người hay pháp nhân khác. Việc chuyển nhượng có thể thực hiện dưới hình thức cho tặng hoặc hình thức trao đổi, mua bán... Giáo luật đòi hỏi các pháp nhân công phải có phép của Đấng Bản quyền để chuyển nhượng thành sự những tài sản có giá trị vượt quá mức luật định.

Điều 1291

Để chuyển nhượng thành sự những tài sản đã tạo thành gia sản ổn định của một pháp nhân công do sự chỉ định hợp pháp, và giá trị của những gia sản ấy vượt quá mức luật định, thì phải có phép của nhà chức trách có thẩm quyền chiếu theo quy tắc của luật.

Điều 1292 quy định về mức tiền tối thiểu và tối đa trong việc chuyển nhượng:

Điều 1292

§l. Miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 638§3 khi giá trị tài sản chuyển nhượng được dự kiến giữa mức tiền tối thiểu và tối đa, mà Hội Đồng Giám Mục phải ấn định cho miền của mình, đối với những pháp nhân không thuộc quyền Giám Mục Giáo Phận thì nhà chức trách có thẩm quyền là người do quy chế riêng chỉ định; nếu không, nhà chức trách có thẩm quyền là Giám Mục Giáo Phận cùng với sự chấp thuận của Hội Đồng kinh tế và ban tư vấn, cũng như của những người liên hệ. Chính Giám Mục Giáo Phận cũng cần phải có sự ưng thuận của những người nói trên để chuyển nhượng tài sản của Giáo Phận.

§2. Tuy nhiên, nếu là trường hợp những tài sản có giá trị vượt mức tiền tối đa, hoặc trường hợp những tài sản đã được dâng cúng cho Giáo Hội do một lời khấn, hoặc trường hợp những tài sản có giá trị nghệ thuật hay lịch sử, thì còn buộc phải có phép của Toà Thánh để việc chuyển nhượng được thành sự.

Mức tối thiểu và tối đa

Về quy định giữa mức tiền tối thiểu và tối đa thì có thể được giải thích cách cụ thể như sau:

a- Giả sử, khung mức chuyển nhượng hay giao dịch được HĐGM ấn định tối thiểu là 1 tỉ và tối đa là 50 tỉ đối với những pháp nhân thuộc quyền Giám mục giáo phận, như là giáo xứ, tu hội ĐSTH, thì:

- Khi chuyển nhượng hay giao dịch dưới 1 tỉ thì pháp nhân tự mình quyết định, không phải xin phép Giám mục giáo phận (đ. 1292§1).

- Khi chuyển nhượng hay giao dịch trong khoảng từ 1 tỉ đến 50 tỉ, thì pháp nhân phải xin phép Giám mục giáo phận. Tuy nhiên, Giám mục cũng không tự ý cho phép, mà cần phải có sự đồng ý của Ban Tư vấn và Hội đồng kinh tế, cũng như của những người liên hệ (đ. 1292§1).

Vì vậy, khi các pháp nhân công xin phép, Giám mục nên trao cho Hội đồng kinh tế xem xét và sẽ đệ trình ngài trong một cuộc họp, có thể là cuộc họp thường niên, bán niên hay theo quý để duyệt xét. Khi có sự đồng ý của Giám mục giáo phận, Ban tư vấn và Hội đồng kinh tế thì sự xin phép của pháp nhân công đó được chấp thuận và phải được ban bằng văn bản.

- Nếu chuyển nhượng hay giao dịch trên mức tối đa 50 tỉ, thì phải xin phép Tòa Thánh (đ. 1292§2).

Khi Giám mục giáo phận là chủ thể chuyển nhượng hay giao dịch trong khoảng 1 tỉ đến 50 tỉ thì cũng cần phải có sự ưng thuận của Ban Tư vấn, Hội đồng kinh tế và những người liên hệ (đ. 1292§2).

Trong trường hợp không chịu hỏi ý kiến hay không có sự ưng thuận mà luật đòi hỏi, sự chuyển nhượng hay giao dịch không chỉ bất hợp luật mà còn bị vô hiệu, theo quy tắc của điều 127§1. Khi đó, tài sản vật chất đã được chuyển nhượng vẫn thuộc về chủ sở hữu cũ; người làm thiệt hại sẽ phải bồi thường cho pháp nhân sở hữu.

Trong điều 1292§1 cũng quy định có sự ưng thuận của "người liên hệ". Người đó có thể là người đã dâng tặng tài sản, người thiết lập thiện quỹ, người được hưởng lợi hợp pháp từ tài sản sắp được chuyển nhượng[4]...

Trên đây là nói về các quy định đối với các pháp nhân thuộc quyền Giám mục giáo phận. Còn đối với những pháp nhân không thuộc quyền Giám mục giáo phận, ví dụ như các tu hội ĐSTH thuộc luật Giáo hoàng, thẩm quyền cho phép chuyển nhượng là do quy chế của pháp nhân đó ấn định (đ. 1292§1).

4.2. HĐGM ấn định mức chuyển nhượng tối thiểu và tối đa

Hội đồng Giám mục có nhiệm vụ ấn định mức tối thiểu và tối đa trong việc chuyển nhượng ngoại thường cho miền của mình (đ. 1292§1). Khi HĐGM ra sắc lệnh chung ấn định thì cần có sự đồng ý của 2/3 Giám mục liên hệ và sẽ không có hiệu lực khi chưa được Tông Tòa phê chuẩn (đ. 455§2).

Hiện nay HĐGM Việt Nam chưa có ấn định mức tối thiểu và tối đa trong việc chuyển nhượng ngoại thường.

Xin nêu ra vài con số của Giáo hội Canada và Hoa Kỳ để tham khảo và có thể đề nghị cho HĐGM Việt Nam.

HĐGM Canada

Hội Đồng Giám Mục Canada, để thích ứng với giá sinh hoạt, đã điều chỉnh định mức cho hành vi quản trị ngoại thường theo như Sắc lệnh số 38 của HĐGM, vốn đã được Tòa Thánh phê chuẩn năm 1993, cho áp dụng từ năm 2020 như sau:

- Dưới 574.593 đô la Canada (#10 tỉ vnd) (10% mức tối đa): Giám mục giáo phận có thể thực hiện những hành vi đó một mình.

- Từ 574,593 đến 5,745,931 đô la Canada (#10 - 103 tỉ vnd): Giám mục giáo phận cần sự đồng ý của Ban Tư vấn, Hội đồng kinh tế (đ. 1292§1);

- Trên 5,745,931 đô la Canada (#103 tỉ vnd) ngoài sự đồng ý của ba cấp được đề cập ngay trên đây, còn phải có sự đồng ý của Tòa Thánh (đ. 1292§2).

Như vậy, khung hạn chuyển nhượng hay giao dịch của Giáo hội Canada là khoảng 10 tỉ đến 100 tỉ.

HĐGM Hoa kỳ

Năm 1985 HĐGM Hoa Kỳ, xin Tòa Thánh chấp thuận mức tối đa là 5 triệu đô la và mức tối thiểu là 500.000 đô la. Tòa Thánh không chấp nhận, đề nghị hạ mức tối đa xuống 1 triệu đô la. HĐGM Hoa Kỳ, sau khi đã bàn thảo và bỏ phiếu, ấn định vào năm 1993, được phép định khung mức tối đa là 3 triệu, tối thiểu là 500.000 đô la[5].
Hội đồng Giám mục Hoa kỳ, ngày 1-12-2011, đã nâng định mức lên như sau:[6]

Phù hợp với các quy định của điều luật 1292 §1, Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ ra sắc lệnh rằng:

1- Giới hạn tối đa cho việc chuyển nhượng và bất kỳ giao dịch nào, theo quy tắc luật, có thể làm suy giảm đi tình trạng tài sản, là 7.500.000 đô la đối với các Giáo phận có dân số công giáo từ nửa triệu người trở lên. Đối với các Giáo phận khác, giới hạn tối đa là 3,500,000 đô la (xem đ. 1295).

2- Giới hạn tối thiểu cho việc chuyển nhượng và bất kỳ giao dịch nào, theo quy tắc luật, có thể làm suy giảm đi tình trạng tài sản là 750.000 đô la đối với các Giáo phận có dân số công giáo từ nửa triệu người trở lên. Đối với các Giáo phận khác, giới hạn tối thiểu là 250.000 đô la.

3- Đối với việc chuyển nhượng tài sản của các pháp nhân khác thuộc quyền của Giám mục Giáo phận, giới hạn tối đa là 3.500.000 đô la và giới hạn tối thiểu là 25.000 đô la hoặc 10% thu nhập hàng năm thông thường của năm trước, tùy theo mức nào cao hơn.

Định mức của HĐGM Hoa kỳ có thể chuyển sang tiền Việt Nam, cho dễ hiểu, như sau:

a- Đối với pháp nhân là Giáo phận, áp dụng khung hạn:

- Giáo phận trên nửa triệu tín hữu, là: 17 tỉ - 170 tỉ đồng.

- Giáo phận dưới nửa triệu tín hữu, là: 6 tỉ - 80 tỉ đồng.

b- Đối với các pháp nhân trong Giáo phận: giáo xứ, tu hội ĐSTH... áp dụng khung hạn: 600 triệu - 80 tỉ đồng. Mức tối thiểu 600 triệu, hoặc dựa theo thu nhập hàng năm, là 10% của thu nhập, nếu cao hơn 600 triệu.

Như vậy, HĐGM Hoa Kỳ có ấn định mức tối thiểu của các pháp nhân công trong Giáo phận thấp hơn 1/10 so với pháp nhân Giáo phận (600 triệu so với 6 tỉ). Tuy nhiên, mức tối đa thì như nhau (80 tỉ).

Đề nghị cho Giáo hội Việt Nam

Nếu so sánh bình quân thu nhập đầu người thì Việt Nam thấp hơn khoảng 1/20 của Hoa kỳ.

Nếu theo tỉ lệ đó, Giáo phận Việt Nam dưới nửa triệu tín hữu lấy theo 1/20 của khung hạn của Giáo phận ở Hoa kỳ, thì nó sẽ là 1/20 của 6 tỉ và 80 tỉ, tức là có khung hạn: 300 triệu và 4 tỉ.

Khung hạn 300 triệu và 4 tỉ thì có vẻ quá ít. Đề nghị khung hạn cho Giáo hội VN là 1 tỉ và 50 tỉ, áp dụng chung cho Giáo phận dưới 500 triệu tín hữu và cho các pháp nhân công thuộc quyền Giám mục Giáo phận.

Vậy, xin đề nghị khung mức chuyển nhượng giao dịch tối thiểu và tối đa của Giáo hội VN, mà cần có sự ưng thuận của Giám mục giáo phận, Ban Tư vấn, Hội đồng kinh tế và những người liên hệ là:

Giáo phận dưới 500 triệu tín hữu: 1-50 tỉ.

Giáo phận trên 500 triệu tín hữu: 2-100 tỉ.

Các pháp nhân trong Giáo phận: 1-50 tỉ.

5. ÁP DỤNG LUẬT HÌNH SỰ

Điều 1376 luật canh tân năm 2021 có thêm những trường hợp phạt liên hệ tới tài sản. Nếu vi phạm: "không có sự tham khảo ý kiến, sự đồng ý hoặc cho phép theo quy định, hoặc không thỏa mãn yêu cầu khác do pháp luật áp đặt về tính hữu hiệu hoặc hợp pháp" mà cứ thực hiện những hành vi quản trị tài sản thì bị phạt, chiếu theo điều 1376§1, 20.

Ðiều 1376

§1. Phải bị phạt với những hình phạt ở điều 1336 §§2-4, và vẫn phải giữ bó buộc bồi thường thiệt hại:

10 Người nào lấy cắp tài sản thuộc Giáo hội hay cản trở việc thu nhận những hoa lợi;

20 Người nào mà không có sự tham khảo ý kiến, sự đồng ý hoặc cho phép theo quy định, hoặc không thỏa mãn yêu cầu khác do pháp luật áp đặt về tính hữu hiệu hoặc hợp pháp, mà chuyển nhượng những của cải thuộc giáo hội hoặc thực hiện một hành vi quản trị trên chúng.

§2. Phải chịu hình phạt thích đáng, không loại trừ bị tước bỏ giáo vụ, vẫn phải giữ bó buộc bồi thường thiệt hại:

10 Người nào do lỗi nghiêm trọng của mình phạm đến tội nói tới ở §1, 20;

20 Người nào được nhận thấy, theo cách thức khác, là đã chểnh mảng nghiêm trọng trong quản trị tài sản của Giáo hội.

KẾT LUẬN

Trong một xã hội đang phát triển kinh tế, các Giáo phận, giáo xứ, tu hội ĐSTH càng ngày càng có nhiều hoạt động kinh doanh, mua bán bất động sản... liên quan đến tài sản vật chất của pháp nhân công. Vì vậy, những bất ổn về quản trị tài chánh có thể nẩy sinh, gia tăng và gây ra những thiệt hại cho Giáo Hội. HĐGM Việt Nam cần quy định những mức chuyển nhượng và giao dịch theo điều 1292 để làm cơ sở cho việc quản trị tài sản, và xin Tòa Thánh phê chuẩn. Việc tuân theo các quy định mà Giáo luật trong quản trị tài chánh là rất cần thiết và hữu ích trong việc xây dựng Giáo hội ngày hôm nay.

Lm. J.B. Lê Ngọc Dũng

[1] x. BEAL J.P. et alii, New Commentary on the Code of Canon Law, Paulist Press, New York 2000, 1478.

[2] x. JOHN P. BEAL, “Ordinary, Extraordinary and Something in between: Administration of the Temporal Goods of Dioceses and Parishes”, The Jurist 72 (2012), 124).

[3] x. JOHN P. BEAL et alii, New Commentary on the Code of Canon Law, Paulist Press, New York 2000, 1479.

[4] x. JOHN P. BEAL et alii, New Commentary..., 1499.

[5] x. Chú thích đáy trang số 148 trong J.P. BEAL et alii, New Commentary..., 1497-1498.

[6] x. https://www.usccb.org/beliefs-and-teachings/what-we-believe/canon-law/complementary-norms/canon-1292-1-minimum-and-maximum-sums-alienation-of-church-property

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây