TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tuần lễ hiệp nhất các Kitô hữu -2021

Chủ nhật - 13/06/2021 06:37 |   833

TUẦN LỄ CẦU NGUYỆN CHO SỰ HIỆP NHẤT CÁC KITÔ HỮU 2021

 

 



WHĐ (20.1.2021) – Tuần lễ Cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu năm 2021 đã được Cộng đoàn Nữ Tu chuẩn bị. Chủ đề được chọn, “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy… để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại” (Gioan 15,1-17), diễn tả ơn gọi cầu nguyện, hòa giải và hiệp nhất trong Giáo hội và trong gia đình nhân loại.
Vào những năm 1930, những phụ nữ từ Giáo hội Cải Cách nói Tiếng Pháp ở Thụy Sĩ thuộc một nhóm người được ở đó gọi là “Dames de Morges” đã khám phá lại tầm quan trọng của sự im lặng để lắng nghe Lời Thiên Chúa. Đồng thời, họ làm sống lại việc thực hành các cuộc tĩnh tâm để nuôi dưỡng đời sống đức tin của họ, được soi dẫn bởi gương Chúa Kitô đến một nơi vắng vẻ để cầu nguyện. Họ sớm được tham gia cùng các thành viên khác, những người tham gia các khóa tĩnh huấn được thường xuyên tổ chức tại Grandchamp, một ngôi làng nhỏ bên bờ Hồ Neuchâtel. Cần có việc cầu nguyện thường xuyên và bảo đảm lòng hiếu khách đối với số lượng ngày càng tăng những vị khách và những người tĩnh tâm.
Ngày nay cộng đồng có năm mươi chị em nữ tu, năm mươi phụ nữ thuộc các thế hệ khác nhau, truyền thống giáo hội khác nhau, quốc gia và lục địa khác nhau. Trong sự đa dạng của mình, các chị em này là một dụ ngôn sống động về tình hiệp thông. Họ vẫn trung thành với đời sống cầu nguyện, đời sống cộng đoàn và công việc tiếp đón khách đến thăm. Các nữ tu chia sẻ ân huệ của đời sống tu viện của họ với những khách đến thăm và những người tự ý đến Grandchamp một thời gian để tĩnh tâm, tĩnh lặng, chữa bệnh hoặc những người đến đó chỉ để đi tìm ý nghĩa của cuộc đời.
Những chị em nữ tu đầu tiên cảm thấy nỗi đau do sự chia rẽ giữa các Giáo hội Kitô. Trong cuộc đấu tranh của mình, các nữ tu đã được khích lệ bởi tình bạn của họ với Cha Paul Couturier, người tiên phong của Tuần Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất các Kitô hữu. Vì vậy, ngay buổi ban đầu, lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu đã là trọng tâm của đời sống cộng đoàn của họ. Do đó sự cam kết này, cũng như sự trung thành của Grandchamp đối với ba trụ cột là cầu nguyện, đời sống cộng đoàn và lòng hiếu khách, đã tạo thành nền tảng của những bản văn này.
Ở lại trong tình yêu của Chúa là được hòa giải với chính mình
Từ tiếng Pháp monineniale xuất phát từ tiếng Hy Lạp μόνος có nghĩa là duy nhấtmột. Trái tim, cơ thể và tâm trí của chúng ta, không phải là một, thường phân tán, căng kéo theo nhiều hướng. Tu sĩ nam hay nữ mong muốn được nên một trong chính mình và được kết hợp với Chúa Kitô. Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em” (Gioan 15,4). Sống hiệp nhất giả thiết phải có một đường lối chấp nhận chính bản thân của ta, hòa giải với lịch sử cá nhân và lịch sử tập thể của ta.
Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Gioan 15,9). Người vẫn ở trong tình yêu của Chúa Cha, “Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.” (Gioan 15,10) và không mong muốn gì khác hơn là được chia sẻ tình yêu này với chúng ta: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.” ”(Gioan 15,15). Chúng ta được ghép vào cây nho chính là Chúa Giêsu và Chúa Cha là người trồng nho, người đã cắt tỉa chúng ta để làm cho chúng ta lớn lên. Đây là những gì diễn ra trong lời cầu nguyện. Chúa Cha là trung tâm của cuộc đời chúng ta, Đấng mang lại ý nghĩa cho cuộc đời chúng ta. Ngài cắt tỉa chúng ta, hiệp nhất chúng ta và những người đã được hiệp nhất sẽ tôn vinh Chúa Cha.
Sống trong Chúa Kitô là một thái độ nội tâm bắt rễ trong chúng ta theo thời gian. Để phát triển, cần có không gian cho thái độ đó. Thái độ nội tâm đó có thể bị khuất phục bởi cuộc đấu tranh cho những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống và bị đe dọa bởi những phiền nhiễu, tiếng ồn, hoạt động và những thách thức của cuộc sống. Tại Châu Âu đầy đau khổ của năm 1938, Geneviève Micheli, người sau này trở thành Mẹ Geneviève, người mẹ đầu tiên của cộng đoàn, đã viết những dòng này có tính thời sự đáng ngạc nhiên:
Chúng ta đang sống trong một thời kỳ vừa rắc rối vừa tráng lệ, một thời kỳ nguy hiểm mà không có gì bảo vệ được linh hồn, nơi mà mọi thành tựu nhanh chóng và hoàn toàn mang tính người trần dường như cuốn bay con người đi (…) Và tôi nghĩ nền văn minh của chúng ta sẽ chết trong sự điên rồ tập thể này đầy tiếng ồn, tốc độ, nơi mà không ai có thể suy tưởng ...
Chúng ta, những Kitô hữu, chúng ta biết giá trị của đời sống tâm linh, chúng ta có trách nhiệm lớn lao và chúng ta phải thực hiện trách nhiệm đó, hiệp nhất chúng ta lại, giúp đỡ nhau hình thành những sức mạnh điềm tĩnh, những nơi trú ẩn bình an, những trung tâm đầy sức sống, nơi đó sự im lặng của con người kêu gọi lời sáng tạo của Chúa. Đó là một vấn đề sống chết.”
Ở lại trong Chúa Kitô cho đến khi sinh hoa trái
Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.” (Gioan 15,8). Chúng ta không thể tự mình sinh ra hoa trái. Chúng ta không thể sinh hoa trái nếu chúng ta tách rời khỏi Cây nho. Chính nhựa sống, sự sống của Chúa Giêsu chảy trong chúng ta, sinh ra hoa trái. Ở lại trong tình yêu của Chúa Giêsu, vẫn cứ là một cành nho, đó là điều kiện cho phép sự sống của Ngài tuôn chảy trong chúng ta.
Khi chúng ta lắng nghe Chúa Giêsu, sự sống của Ngài chảy trong chúng ta. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy để lời Ngài ở lại trong chúng ta, và bất cứ điều gì chúng ta cầu xin sẽ được ban cho chúng ta, “Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý.” (Gioan 15,7). Nhờ lời Ngài mà chúng ta mang lại hoa trái. Với tư cách cá nhân, cộng đoàn, toàn thể Giáo hội, chúng ta ước muốn hiệp nhất với Chúa Kitô để tuân theo mệnh lệnh của Người là yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta, “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Gioan 15,12).
Bắt nguồn từ Chúa Kitô, nguồn của mọi tình yêu thương, sự hiệp thông của chúng ta phát triển
Hiệp thông với Chúa Kitô đòi hỏi chúng ta phải hiệp thông với người khác. Dorothée de Gaza, tu sĩ ở Palestine thế kỷ thứ VI, diễn tả thế này:
Giả sử một đường tròn được vẽ trên trái đất, nghĩa là có một đường được kéo ra thành hình tròn bằng compa và có một cái tâm. Hãy tưởng tượng rằng vòng tròn này là thế giới; tâm hình tròn là Thiên Chúa; và những nan hoa là những con đường hay cách sống khác nhau của con người. Khi các thánh, khát khao đến gần Thiên Chúa, đi về phía giữa vòng tròn, khi các ngài càng đi vào phía bên trong, các ngài càng tiến đến gần nhau; và khi các ngài càng tiến đến gần nhau, các ngài càng tiến đến gần Thiên Chúa. Và các bạn hiểu rằng việc đó cũng giống y như vậy khi ta đi theo chiều ngược lại, khi chúng ta quay ngược lại với Thiên Chúa để rút về phía bên ngoài, hiển nhiên là chúng ta càng xa Chúa thì chúng ta càng rời xa nhau, và chúng ta càng rời xa nhau, chúng ta càng rời xa Chúa ”.
Đến gần hơn với người khác, sống trong cộng đoàn với những người đôi khi rất khác với chúng ta là điều có thể khó khăn. Các nữ tu Grandchamp biết thách thức này nhưng lời dạy của Sư huynh Roger de Taizé[1] rất hữu ích đối với các sơ: “Không có tình bạn nào mà không có đau khổ, một thứ đau khổ có tính chất thanh luyện. Không có tình yêu nào dành cho người hàng xóm mà không có thập giá. Chỉ mình Thập giá mới có thể cho người ta biết chiều sâu khôn dò của tình yêu”.[2]
Sự chia rẽ giữa các Kitô hữu, điều khiến họ xa cách nhau, là một điều tai tiếng vì chúng cũng làm họ xa cách Thiên Chúa. Nhiều Kitô hữu, đau buồn vì tình trạng này, đã nhiệt thành cầu nguyện với Thiên Chúa ban cho sự hiệp nhất mà Chúa Giêsu đã cầu nguyện được tái lập. Lời cầu nguyện của Chúa Kitô cho sự hiệp nhất là một lời mời gọi quay về với Ngài và đến gần nhau hơn, vui mừng trước sự phong phú trong sự đa dạng của chúng ta.
Như cuộc sống cộng đoàn dạy chúng ta, nỗ lực hòa giải khiến chúng ta phải trả giá và đòi hỏi sự hy sinh. Chúng ta được chở che nhờ lời cầu nguyện của Chúa Kitô, Đấng mong muốn chúng ta nên một, như Ngài là một với Chúa Cha… để thế giới có thể tin, “để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con.” (Gioan 17,21)
Bắt rễ từ Chúa Kitô, hoa trái của sự đoàn kết, lời chứng của chúng ta mới lớn lên.
Dù người Kitô hữu chúng ta vẫn ở trong tình yêu của Chúa Kitô, chúng ta cũng đang sống giữa các thụ tạo đang rên rỉ với hy vọng được giải thoát, “Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở”. (Rôma 8: 21). Chúng ta là nhân chứng của những đau khổ và những xung đột đang xảy ra trên thế giới. Bằng cách liên đới với những người đau khổ, chúng ta cho phép tình yêu của Chúa Kitô tuôn chảy trong chúng ta. Mầu nhiệm Vượt qua được hoàn thành trong chúng ta khi chúng ta dâng hiến tình yêu cho anh chị em của mình và nuôi dưỡng một cái nhìn hy vọng về thế giới.
Sự sống tâm linh và tình đoàn kết không thể tách rời. Khi tuân theo Chúa Kitô, chúng ta nhận được sức mạnh và sự khôn ngoan để hành động chống lại sự bất công và áp bức mang tính cấu trúc của xã hội chúng ta, để nhận ra mình hoàn toàn là anh chị em nhân loại với nhau, và cổ võ một cung cách sống mới với lòng kính trọng và hiệp thông với tất cả mọi thụ tạo.
Câu nói tóm tắt quy luật sống[3] mà các nữ tu Grandchamp cùng nhau đọc lớn tiếng mỗi sáng, bắt đầu bằng những lời sau đây: “Hãy cầu nguyện và làm việc để Ngài trị đến”. Kinh nguyện và đời sống hàng ngày không phải là hai thực tại riêng biệt, nhưng trái lại, chúng được mời gọi để kết hiệp với nhau. Mọi sự chúng ta sống đều được mời gọi để trở nên một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa.
Ngày 1: Được Thiên Chúa kêu gọi
Không phải anh em đã chọn Thầy, mà chính Thầy đã chọn anh em” (Gioan 15,16)
St 12,1-4 Lời kêu gọi của Ápraham
Gioan 1,35-51 Việc kêu gọi các môn đệ đầu tiên
Ngày 2: Trưởng thành nội tâm
"Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em" (Gioan 15,4)
Ep 3,14-21 Xin Chúa Kitô ngự trong tâm hồn chúng ta
Lc 2,41-52 Đức Maria đã ghi nhớ tất cả những sự kiện này trong lòng.
Ngày 3: Tạo thành một thân thể hiệp nhất
Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Gioan 15,12)
Côlôsê 3: 12-17 Anh em hãy mặc lấy tâm tình cảm thông.
Gioan 13,1-15; 34-35 Anh em hãy yêu thương nhau.
Ngày 4 Cùng nhau cầu nguyện
Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa… Thầy gọi anh em là bạn hữu” (Gioan 15,15)
Rm 8,26-27  Thần Khí đến trợ giúp sự yếu đuối của chúng ta
Lc 11,1-4  Lạy Chúa, xin dạy chúng con cầu nguyện.
Ngày 5 Anh em hãy để Lời Thiên Chúa biến đổi anh em.
Anh em đã được Lời Thiên Chúa cắt tỉa...” (Gioan 15,3)
Dt 30,11-20  Lời Chúa ở rất gần anh em.
Mt 5,1-12  Phúc cho anh em.
Ngày 6: Tiếp đón người khác
Xin cho anh em mang lại hoa trái và hoa trái của anh em tồn tại” (Gioan 15,16)
St 18,1-5 Ábraham tiếp đón các thiên thần ở cây sồi Mamrê.
Mc 6,30-44 Lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu đối với đám đông.
Ngày 7: Lớn lên trong sự hiệp nhất
Thầy là cây nho, anh em là cành” (Gioan 15,5)
1 Cô 1,10-13; 3,21-23 Chúa Kitô bị phân chia hay sao?
Ga 17,20-23 Như Cha và Con là một.
Ngày 8: Đối chiếu với tất cả những gì được tạo ra
Xin cho niềm vui của Thầy ở trong anh em và niềm vui của anh em nên trọn vẹn” (Gioan 15,11)
Col 1,15-20  Tất cả đều tồn tại trong Người.
Mc 4,30-32  Nhỏ bé như hạt cải.


Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung
Từ: eglise.catholique.fr

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây