Khóa Tĩnh Huấn Ban Thường vụ HĐGX và Ban Hành Giáo Giáo họ biệt lập -2025
KHAI MẠC
Sáng thứ Năm, ngày 17.7.2025, lúc 08g30, tại Trung tâm Hành hương Đồi Thánh Tâm, Ban Mục vụ Giáo dân tổ chức khai mạc Khóa tĩnh huấn Ban Thường vụ HĐGX và Ban hành giáo Giáo họ biệt lập toàn Giáo phận. Khóa tĩnh huấn được tổ chức từ sáng ngày 17 đến chiều ngày 18 tháng 7 năm 2025 với chủ đề: PHỤC VỤ TRONG HY VỌNG.
Về dự lễ khai mạc, có Đức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Huy Bắc -Giám mục Giáo Phận; Cha Phêrô Nguyễn Văn Thái -Linh mục TĐD; Cha Giảng huấn, Quý Cha Quản hạt; Cha Giám đốc TTHH Đồi Thánh Tâm; Quý Cha đặc trách Ủy Ban MVGD; Quý Cha trong Giáo phận; Quý Sơ đồng hành; Và 1.182 quý chức từ các giáo xứ, giáo họ biệt lập đã về tham dự tĩnh huấn.
Trong bài huấn từ, Đức Cha Giáo Phận chào mừng quý chức đã về tham dự Khóa Tĩnh huấn; đặc biệt là Quý chức thuộc 16 giáo xứ mới. Vậy, Tĩnh huấn là gì? Tĩnh huấn là dịp để cho tâm hồn lắng đọng qua Thánh lễ, qua cầu nguyện; đồng thời, là dịp gặp gỡ, học hiểu để yêu mến sứ mạng, yêu mến Thiên Chúa và yêu mến con người. Cầu chúc 2 ngày tĩnh huấn gặt hái được thành quả tốt đẹp. Xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn, đồng hành, thúc đẩy và soi sáng cho chúng ta.
Đức Cha Giáo Phận tuyên bố khai mạc Khóa Tĩnh Huấn.
Bản tin và hình ảnh: JB. Ngô Thành Vinh
Video trực tuyến: Nhóm Media
Video THÁNH LỄ
Đầu giờ chiều, Cha Phêrô Nguyễn Văn Thái -Lm Tổng Đại Diện, hướng dẫn Quý Chức học họi về Quy Chế Giáo Xứ.
HỌC HỎI QUY CHẾ
Giới thiệu về Hội đồng Mục vụ Giáo xứ Ban Mê Thuột
Hội đồng Mục vụ Giáo xứ tại Ban Mê Thuột, thường được gọi là Hội đồng Giáo xứ. Đây là một cơ cấu đã xuất hiện từ lâu, với tên gọi và cấu trúc khác nhau tùy theo truyền thống và nhu cầu mục vụ của từng địa phương. Vai trò chính của Hội đồng là cộng tác với Linh mục trong các hoạt động mục vụ giáo xứ.
Lịch sử và Sự phát triển của Hội đồng Mục vụ
Trước Công đồng Vatican II và Giáo luật năm 1963, các cơ cấu tương tự đã tồn tại. Từ năm 2012, Ủy ban Giáo dân đã đưa ra bản gợi ý quy chế Hội đồng Mục vụ Giáo xứ, và một số giáo phận đã ban hành quy chế chính thức. Tuy nhiên, nhiều giáo phận, bao gồm Ban Mê Thuột, vẫn giữ tên truyền thống là “Ban Hành Giáo” hoặc “Hội đồng Giáo xứ”.
Quy chế năm 2016 của giáo phận Ban Mê Thuột quy định rõ có hai cơ quan: Đại Hội đồng Giáo xứ (cơ quan lập pháp, quyết định) và Hội đồng Giáo xứ (cơ quan chấp hành, thực hiện).
Giáo luật 1983, điều 536, đề cập đến Hội đồng mục vụ giáo xứ, xác định đây là cơ quan có quyền tư vấn và được thiết lập bởi Giám mục Giáo phận sau khi tham khảo ý kiến của Hội đồng Linh mục.
Tầm quan trọng và Chức năng
Hội đồng Giáo xứ đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện tinh thần hiệp hành, giúp Cha xứ tổ chức sinh hoạt mục vụ, góp phần xây dựng Giáo xứ hiệp nhất và truyền giáo. Chức năng chính của Hội đồng là tư vấn và cộng tác trong các hoạt động mục vụ trong giáo xứ.
Các văn kiện của Giáo hội như Huấn thị Linh mục mục tử (2002) cũng nhấn mạnh trách vụ căn bản của Hội đồng là phục vụ sự cộng tác của tín hữu trong việc phát triển hoạt động mục vụ của Linh mục. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Hội đồng không phải là cơ quan lập pháp mà chỉ là cơ quan tư vấn, và không có quyền thay thế hoặc lấn quyền Cha xứ. Mọi hoạt động của các thành viên đều phải dưới quyền của Cha xứ.
Yêu cầu đối với Thành viên Hội đồng
Các thành viên của Hội đồng cần có đức độ và tài năng. Họ phải là những người gương mẫu trong đời sống cá nhân và gia đình, không có gương xấu công khai, và có khả năng phục vụ cộng đoàn một cách hiệu quả.
Việc học và hiểu rõ quy chế này giúp các Linh mục và Hội đồng Giáo xứ làm việc đồng bộ hơn, giúp công việc mục vụ xuôi chảy và tránh được những ý kiến trái chiều.
Sau giờ Học Hỏi Quy Chế, Cha Phêrô Nguyễn Đức Trí -Giảng viên Học viện Dòng Tên, gặp gỡ Quý Chức qua bài Giảng Huấn 2.
GIẢNG HUẤN II
Chiều nay, chúng ta cùng nhau suy tư về một chủ đề rất quan trọng trong đời sống đức tin của mỗi người Kitô hữu, đặc biệt là những ai đang dấn thân phục vụ trong Hội đồng Mục vụ Giáo xứ hay các ban ngành đoàn thể. Đó là tinh thần phục vụ và những cám dỗ chúng ta có thể gặp phải.
1. Tinh thần phục vụ đích thực: Là môn đệ của Chúa Kitô
Điểm này rất quan trọng đối với chúng ta. Với kinh nghiệm của những người sống đời dâng hiến như chúng tôi, đôi khi chúng tôi cũng tự hỏi: Tại sao mình phải vất vả như vậy? Nếu không có một tinh thần đúng đắn, chúng ta sẽ rất mệt mỏi. Có những lúc tôi ước mình là giáo dân để được ngủ tiếp, vì làm linh mục thì phải dậy sớm đi làm lễ. Nhưng rồi, tôi nhận ra đó là sứ mạng của mình. Từ đó, tôi cũng hiểu và thông cảm hơn khi thấy giáo dân vắng nhà thờ. Có lẽ họ cũng mệt mỏi. Không sao cả, khi nào mạnh khỏe, chúng ta lại cùng nhau tiếp tục.
Sáng nay, chúng ta đã chia sẻ về con người môn đệ của Chúa. Sứ mạng của quý anh chị trong Hội đồng Mục vụ không phải chỉ là do chúng ta muốn hay do người khác bầu ra. Sâu xa hơn, đó là một sứ mạng mà Thiên Chúa đã mời gọi và sai chúng ta đi. Giống như Chúa đã gọi Môsê và nhờ Môsê gọi những người khác. Khi ý thức được điều này, việc phục vụ của chúng ta sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn, dù vẫn có những lúc mệt mỏi về thể xác và cảm xúc.
Vậy thì, tinh thần phục vụ của người môn đệ bao gồm ba khía cạnh quan trọng:
- Phục vụ khiêm tốn: Khi chúng ta khiêm tốn, mọi người trong giáo xứ sẽ dễ dàng lắng nghe, tôn trọng nhau, và không tranh giành địa vị. Một mục tử khiêm tốn sẽ lôi cuốn cộng đoàn, làm cho mọi người trở nên sinh động và hạnh phúc.
- Phục vụ quảng đại: Tinh thần quảng đại khiến mỗi người sẵn sàng chia sẻ công việc, nâng đỡ nhau, và không giữ lại điều gì cho riêng mình.
- Phục vụ vô vị lợi: Đây là điều Chúa Giêsu đã dạy: “Con người đến không phải để được người ta phục vụ nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình cứu chuộc muôn người.” Trong cuộc sống này, người ta thường nói “không ai cho không ai cái gì bao giờ”.
Phục vụ vô vị lợi là con đường mà chúng ta, những môn đệ của Chúa, đang bước theo. Chúng ta nhìn vào Đức Giêsu, một Thiên Chúa đã yêu thương con người đến mức hiến mạng sống mình trên thập giá, không vì lợi ích cá nhân nào cả, mà chỉ vì để cứu chuộc chúng ta. Ngài phục vụ vì tình yêu tinh tuyền dành cho Chúa Cha và cho nhân loại.
Trong gia đình chúng ta, có rất nhiều tình yêu phục vụ vô vị lợi mà đôi khi chúng ta không nhận ra, đó là tình yêu của cha mẹ dành cho con cái, và khi con cái lớn lên cũng dành tình yêu ấy cho cha mẹ. Tình yêu này đạt đến đỉnh cao khi chúng ta nhìn vào Thiên Chúa, vào Chúa Giêsu. Mẹ Têrêsa Calcutta và biết bao dòng tu đã và đang bước theo con đường yêu thương và phục vụ vô vị lợi này.
2. Phần thưởng và Hoa trái của tinh thần phục vụ
Khi phục vụ với tinh thần khiêm tốn, quảng đại và vô vị lợi, chúng ta sẽ gặt hái được những hoa trái tốt đẹp:
a. Nên thánh và làm gương sáng
Khi dấn thân phục vụ, chúng ta tự nhiên trở thành người tốt hơn, bình an hơn, hạnh phúc hơn. Chúng ta được rèn luyện các nhân đức Kitô giáo, đặc biệt là ba nhân đức đối thần: đức tin, đức cậy và đức mến. Qua những hành động phục vụ, đức tin của chúng ta được củng cố mạnh mẽ. Giống như các tông đồ xưa kia, khi gặp thử thách, đức tin của họ mới được thử luyện và trưởng thành.
Khi sống với tinh thần này, quý anh chị sẽ trở thành gương sáng cho con cái, cho gia đình và cho những người xung quanh. Tôi nhận thấy rằng, đa số con cái của những người dấn thân phục vụ đều trở nên tốt đẹp. Không phải là thành công về tiền bạc, nhưng là thành công về con người. Các tu sĩ chúng tôi đều nhận ra rằng cha mẹ mình là những người rất quảng đại trong giáo xứ. Những gia đình có cha mẹ quảng đại, dấn thân vô vị lợi thì con cái dễ có động lực bước theo đời tu. Ngược lại, nếu cha mẹ ích kỷ, tính toán, con cái sẽ khó lòng dấn thân cho Chúa.
b. Giáo xứ hiệp nhất và yêu thương
Khi các thành viên trong Hội đồng Giáo xứ phục vụ với tinh thần khiêm tốn, quảng đại và vô vị lợi, giáo xứ của chúng ta sẽ có sự hiệp nhất và yêu thương. Thiếu tinh thần này, giáo xứ dễ bị chia rẽ. Tinh thần khiêm tốn giúp mọi người lắng nghe và tôn trọng nhau; tinh thần quảng đại giúp chia sẻ công việc và nâng đỡ nhau; sự vô vị lợi loại trừ ganh tỵ, hơn thua. Từ đó, Hội đồng Giáo xứ sẽ trở thành một gia đình hiệp nhất, và cả giáo xứ cũng sẽ trở thành một gia đình lớn.
Nếu giáo xứ chúng ta đang gặp vấn đề về sự chia rẽ, xin mời quý vị nhắm mắt lại và suy niệm: Lý do tại đâu? Có thể bắt đầu từ việc Hội đồng Mục vụ và các ban nhóm chưa thực sự có tinh thần phục vụ đích thực.
c. Cộng đoàn sống động có tính truyền giáo
Khi sống tinh thần này, chúng ta sẽ xây dựng được một cộng đoàn sống động có tính truyền giáo. Ở những vùng như Ban Mê Thuột, nơi có nhiều giáo dân toàn tòng, việc truyền giáo là rất quan trọng. Tại giáo xứ của tôi ở Thủ Đức, có rất nhiều người ngoại đạo. Họ là những người sẽ nhìn vào cách sống của chúng ta. Tạ ơn Chúa, trong tháng vừa qua, giáo xứ tôi có nhiều gia đình đã xin trở lại đạo Công giáo. Lý do không phải vì chúng tôi, mà vì cách sống và tương quan của quý anh chị giáo dân. Họ đã theo dõi lâu năm và khi có cơ hội, họ đã xin trở lại.
Khi chúng ta sống tinh thần phục vụ yêu thương, vô vị lợi và khiêm tốn, quảng đại, chúng ta đang truyền giáo cho Chúa một cách hữu hiệu, đem Chúa đến cho những người xung quanh. Hội đồng Mục vụ sống tinh thần phục vụ đích thực chính là nền tảng cho một giáo xứ sống động, có sức thu hút những người lương dân, và thúc đẩy mọi thành phần trong giáo xứ cùng tham gia sứ vụ truyền giáo.
d. Chiếu tỏa gương mặt Đức Kitô
Cuối cùng, khi sống tinh thần phục vụ, chúng ta sẽ chiếu tỏa gương mặt của Đức Kitô cho mọi người. Người ta sẽ nhìn vào giáo xứ của chúng ta và thấy Thiên Chúa, thấy một Đức Kitô đang sống động. Ngược lại, nếu một giáo xứ luôn có sự chia rẽ, hận thù, thì người ngoại sẽ không thấy Chúa, và mọi nỗ lực truyền giáo của chúng ta sẽ trở nên vô nghĩa.
3. Những cám dỗ khi phục vụ
Tuy nhiên, trong quá trình dấn thân phục vụ, chúng ta cũng dễ vấp phải những cám dỗ. Tôi muốn chia sẻ một vài cám dỗ thường gặp để chúng ta cùng ý thức và tránh xa:
a. Tìm kiếm quyền lực và địa vị
Cám dỗ đầu tiên là tìm kiếm quyền lực và địa vị. Nhiều người xem việc phục vụ như một phương tiện để khẳng định uy tín cá nhân. Có câu chuyện vui rằng: “Ông cứ ra làm ông trùm khu đi, bạn bè mình được gọi là trùm hết rồi, còn mỗi mình ông là chưa thôi”. Dù là lời nói đùa, nhưng đâu đó vẫn có một phần sự thật. Chúng ta muốn được người khác nhìn nhận, ca ngợi, trọng vọng vì công việc mình làm. Đây là yếu tố con người, rất khó từ chối, nhưng chúng ta cần suy nghĩ lại về tinh thần khiêm tốn, quảng đại và vô vị lợi.
Cám dỗ này cũng dẫn đến thái độ hơn thua, cạnh tranh, ghen tỵ. Ví dụ, một người đang làm Phó Một, tự nhiên khóa sau bị Cha xứ đưa xuống Phó Hai là bắt đầu buồn. Hoặc cảm thấy “cỡ tôi mà lại phải làm phó cho thằng đó”. Đôi khi, người cũ ganh tỵ với người mới, hay người sau hậm hực với người trước. Đây là những cám dỗ mà nếu không để ý, chúng ta dễ bị cuốn vào.
b. Tự cao, tự kiêu, kiêu ngạo
Cám dỗ thứ hai là sự tự cao, tự kiêu, kiêu ngạo. Chúng ta thường lấy câu chuyện của người Pharisêu và người thu thuế để minh họa. Người Pharisêu rất giỏi, họ ăn chay, bố thí, dâng một phần mười lợi tức, tất cả đều đúng. Nhưng họ lại tự hào, so sánh mình với người khác và coi thường người thu thuế. Khi xét lại, chúng ta thấy những điều mình làm là đúng, không sai.
Tuy nhiên, trong cuộc sống, mọi chuyện không chỉ dừng lại ở đúng và sai. Chúng ta thường hay cãi nhau để tìm ra ai đúng ai sai. Nhưng cuộc sống mà chỉ tìm đúng sai thì rất mệt mỏi. Có một điều vượt lên trên đúng sai, đó là gì?
Tôi xin kể câu chuyện về Khổng Tử và vị quan trẻ: Một vị quan trẻ tài giỏi, một hôm thấy hai người cãi nhau: một người nông dân tên Giáp và người bán hàng tên Ất. Ông Giáp cho rằng 3x7=20, còn ông Ất khẳng định 3x7=21. Vị quan trẻ bênh ông Ất. Cuối cùng, họ quyết định lên hỏi Khổng Tử. Ông Giáp thề nếu Khổng Tử nói 3x7=21 sẽ chịu mất đầu. Vị quan trẻ cũng thề nếu Khổng Tử nói 3x7=20 thì sẽ từ chức quan. Khổng Tử nghe xong, đã nói: “3x7=20”. Vị quan trẻ rất sốc và tức giận. Khổng Tử nói với vị quan rằng: “Nếu ta nói 3x7=21, thì một người sẽ mất đầu, một gia đình sẽ mất chồng, mất cha. Vậy đúng sai để làm gì?”
Tôi rất thích câu chuyện này. Đúng sai để làm gì? Chúng ta thường cãi nhau vì đúng sai mà quên mất ý nghĩa đằng sau. Đúng sai không quan trọng bằng tình nghĩa và sự sống. Trong việc phục vụ, đôi khi chúng ta cũng cãi nhau vì những điều nhỏ nhặt, ai đúng ai sai. Công việc có thể tốt, nhưng tình nghĩa lại mất đi. Vợ chồng cãi nhau, một người thắng thì tình nghĩa mất. Cãi nhau với khách hàng mà thắng thì mất khách hàng. Cãi nhau với bạn bè mà thắng thì mất tương quan.
Vậy thì, đừng trở nên kiêu ngạo vì cái “đúng” của mình. Hãy bắt chước người thu thuế: “Lạy Chúa, con là kẻ có tội, xin thương xót con.” Sự khiêm tốn sẽ giúp chúng ta vượt qua cám dỗ về đúng sai.
c. Làm việc hình thức
Cám dỗ cuối cùng là làm việc hình thức. Chúng ta thích được khen, được công nhận. Nếu không được như ý, chúng ta dễ buồn chán, dễ dỗi, dễ bỏ cuộc. Đây là một yếu đuối của con người. Có những người khi làm việc gì, họ cứ mặc đẹp, cứ luẩn quẩn ở những nơi dễ được nhìn thấy, dễ được khen ngợi. Còn những việc phục vụ âm thầm ở nhà bếp hay hậu trường, họ không bao giờ chịu làm. Đó cũng là một cám dỗ, khi chúng ta nghĩ rằng làm Hội đồng Mục vụ, làm Hội đồng Giáo xứ thì phải “ăn trên ngồi chớp”, phải được người ta khen ngợi.
Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Những chia sẻ trên đây không nhằm mục đích phán xét hay chỉ trích, mà là để mỗi chúng ta cùng nhìn lại bản thân, nhìn lại cách chúng ta đang dấn thân phục vụ. Hãy luôn ghi nhớ sứ mạng cao cả mà Thiên Chúa đã mời gọi và sai chúng ta đi, và hãy mặc lấy tinh thần khiêm tốn, quảng đại, vô vị lợi của Đức Kitô để việc phục vụ của chúng ta thực sự mang lại hoa trái cho bản thân, cho giáo xứ, và cho công cuộc truyền giáo của Giáo hội.
Bài giảng huấn 2 kết thúc, Quý Chức nghỉ giải lao đến 16g15. Sau đó, sẽ tiếp tục học hỏi về Quy Chế Giáo xứ do Cha Tổng Đại Diện phụ trách.
Bản tin và hình ảnh: JB. Ngô Thành Vinh
Video trực tuyến: Nhóm Media
ĐỨC CHA GẶP GỠ QUÝ CHỨC
Sau giờ cơm tối, vào lúc 19g00, trong 45 phút gặp gỡ Quý Chức, Đức Cha Giáo Phận phổ biến ba nội dung chính:
I. Thông Báo và Cập Nhật
1. Chuyển đổi Linh mục:
- Việc thuyên chuyển linh mục và bổ nhiệm Cha Quản xứ hiện nay đã dễ dàng hơn vì không còn yêu cầu lý lịch tư pháp.
- Các Cha phó, bình thường sẽ chỉ làm Phó xứ 3 năm (1 năm đầu với Cha xứ, thêm 2 năm nữa), sau đó sẽ được lên làm Cha xứ. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm này sẽ được Ban nhân sự xem xét kỹ lưỡng (thậm chí hỏi ý kiến Cha xứ về năng lực của Cha phó), trước khi trình lên Ban tư vấn và Đức Giám mục.
- Đức Giám mục không trực tiếp thuyên chuyển linh mục mà ủy quyền cho Ban nhân sự (gồm 3 vị từ Ban Thường vụ của Ban Tư vấn), sau đó trình danh sách lên Ban tư vấn và cuối cùng là Đức Giám mục tái thẩm định và ký quyết định.
- Việc thuyên chuyển được thực hiện với sự đồng thuận của các Cha để bảo đảm bình an trong tâm hồn. Đức Giám mục khuyến khích các Cha, nếu không đồng thuận thì báo lại, nhưng cũng lưu ý rằng, ngài tôn trọng quyết định của Ban tư vấn và sẽ không can thiệp.
- Hệ thống quản trị của Giáo phận hoạt động theo nguyên tắc hiệp hành:
* Hội đồng Linh mục (gồm 17 linh mục được bầu từ các khóa, thêm đại diện các Cha dòng, Cha hưu) họp và đưa ra các quyết định lớn của Giáo phận (ví dụ: linh mục không ở quá 6 năm tại một xứ, các nữ tu không trực tiếp chăm sóc Cha già mà mời dòng tu nam).
* Ban Tư vấn (8 vị được bầu từ Hội đồng Linh mục) là cơ quan hành pháp.
* Ban Thường vụ (3 vị từ Ban Tư vấn) được đặc cử làm Tiểu ban nhân sự, phụ trách việc thuyên chuyển.
* Đức Giám mục cũng bổ nhiệm các Ban chuyên trách: 3 Cha có bằng quản trị kinh doanh lo tài chính, 3 Cha kiến trúc sư lo xây dựng công trình (và đã cử đi khảo sát các trung tâm mục vụ, nhà hưu để học hỏi kinh nghiệm), 3 Cha tiến sĩ, thạc sĩ thần học lo tĩnh huấn. Điều này giúp Đức Giám mục có thể tập trung vào việc thăm viếng các cộng đoàn, giáo xứ, giáo họ, giáo điểm để nắm bắt tình hình (thực hiện theo 5 động từ: ra đi, gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe, cùng phân định).
- Định hướng của Giáo phận là đào tạo giáo dân trưởng thành, để giáo dân tự đảm nhiệm các công việc phụng vụ, không còn phụ thuộc vào các Sơ (như tập hát, dâng lễ vật, dâng hoa...).
2. Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Giang Sơn:
Sau nhiều năm chờ đợi, ngày 15 tháng 8 này, Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Giang Sơn sẽ được cử hành long trọng. Chính quyền đã đồng ý việc xây dựng lễ đài (6,5 ha) và con đường lên đồi Đức Mẹ.
3. Thành lập Giáo xứ mới và Đổi tên Giáo xứ:
- Các giáo họ có cha quản nhiệm dần dần sẽ được nâng lên thành Giáo xứ nếu đáp ứng đủ 4 yếu tố:
a. Được công nhận là nơi sinh hoạt tập trung tôn giáo đông người.
b. Có đất tôn giáo và cơ sở thờ tự thiết yếu (nhà tiền chế).
c. Có đủ số giáo dân theo quy định giáo luật.
d. Có nhân sự phục vụ.
- Từ nay, các Giáo xứ trong Giáo phận Ban Mê Thuột sẽ đổi tên theo địa danh thay vì tên thánh (ví dụ: Giáo họ Mân Côi thành Giáo xứ Tân Châu, Giáo họ Phao Lô sẽ phải đổi tên, Trinh Vương thành Phúc Ân, Vinh Sơn thành Phúc Vinh...).
- Vấn đề đất đai tôn giáo rất quan trọng: Đất hiến cho nhà thờ cần được chuyển đổi từ đất có thời hạn (49 năm) sang đất tôn giáo có giá trị dài lâu.
- Chính quyền các tỉnh có thể chỉ cấp đất tôn giáo không quá 5000 m². Trên đất này chỉ được xây dựng tượng đài, nhà thờ và nhà giáo lý. Nhà xứ không nhất thiết phải xây trên đất tôn giáo và có thể là đất thổ cư riêng.
II. Những Nhắc Nhở Về Phụng Vụ và Giao Tiếp
1. Xưng hô trong Giáo phận:
- Nếu chỉ có một Đức Cha hiện diện, nên xưng hô đơn giản là “Trọng kính Đức Cha Giáo phận”.
- Nếu có nhiều Đức Cha, cần xưng danh đầy đủ để tránh nhầm lẫn.
- Với các Cha nguyên quản xứ khi về thăm lại giáo xứ cũ, cần thêm câu “Trọng kính cha nguyên quản xứ” sau “Kính thưa các cha khách” để tỏ lòng tôn trọng và tránh hiểu lầm.
2. Tránh lời lẽ sáo ngữ và hình thức rườm rà:
- Không nên dùng những lời lẽ sáo ngữ như “mặc dù đường xá xa xôi, Đức Cha trăm công ngàn việc...” vì những điều đó là hiển nhiên hoặc thuộc về cá nhân Đức Cha.
- Nên nói đơn giản: “Chúng con cảm ơn Đức Cha đã về thăm mục vụ giáo xứ và cử hành bí tích thêm sức cho con em chúng con.”
- Không dùng hoa để tặng (vì tiền mua hoa có thể là tiền Giáo phận cấp xuống).
- Khi cám ơn, nên liệt kê một vài thành phần chính hoặc cảm ơn chung chung (ví dụ: “cám ơn tất cả những ai vì cách này hay cách khác đã cộng tác...”) để tránh bỏ sót gây buồn lòng.
3. Thống nhất phụng vụ:
- Đức Giám mục đang nỗ lực thống nhất các nghi thức phụng vụ trong giáo phận:
* Đọc kinh trước và sau lễ.
* Cử hành nghi thức an táng (ví dụ: vị trí chân/đầu của thi hài linh mục và giáo dân trong nhà thờ).
* Vị trí di ảnh: Nên quay mặt xuống để cộng đoàn nhìn mặt người thân lần cuối.
* Vị trí tượng thờ: Tượng Đức Mẹ bên phải (hữu) bàn thờ, Thánh Giuse bên trái (tả) bàn thờ.
* Vị trí bục giảng: Phải đặt ở vị trí thuận mắt (góc nhìn phải), micro đặt vuông góc với người nói.
- Các Cha xứ mới cần giải thích cho giáo dân khi có sự thay đổi trong phụng vụ để tránh gây hoang mang, “xoắn não” cho giáo dân.
III. Phần Đối Thoại
Đức Cha Giáo Phận dành phần cuối cho đối thoại và mời gọi mọi người đặt câu hỏi. Một giáo dân đã hỏi về việc đọc Lời Chúa trong phụng vụ: có phải chỉ linh mục và phó tế mới được đọc Tin Mừng, và giáo dân có thể đọc Lời Chúa trong các buổi kinh đạo đức tại gia đình không?
Đức Giám mục đã trả lời:
- Cần phân biệt “tiếng nói của chuyên viên” (chỉ là ý kiến) và “tiếng nói của thẩm quyền” (phải là Giám mục Giáo phận ký Văn thư). Nhiều quy định không chính thức trên mạng xã hội hoặc từ chuyên viên đã gây hoang mang không cần thiết (ví dụ: cô dâu chú rể không được đọc sách thánh, phải mặc áo trắng khi đọc sách thánh, người mặc đồ tang không được đọc sách thánh, Cha không được mặc áo hồng khi dâng lễ cưới...).
- Về việc đọc Lời Chúa: Nếu có câu “Đó là Lời Chúa” ở cuối bài đọc, thì không được mở đầu bằng “Lời Chúa trong sách...”. Chỉ đọc “Bài trích sách...” hoặc “Bài trích thư...”.
- Trong các giờ kinh phụng vụ tại gia đình hoặc cộng đoàn, nếu không có câu “Đó là Lời Chúa” ở cuối, thì được quyền đọc “Lời Chúa trong sách...” (ví dụ như trong Sách Giờ Kinh Phụng Vụ).
20g00: Quý Chức Lần chuỗi Mân côi - Chầu Thánh Thể - Nghỉ đêm.
Bản tin và hình ảnh: JB. Ngô Thành Vinh
Video trực tuyến: Nhóm Media
GIẢNG HUẤN III
Ngày 18.7.2025, sau giờ ăn sáng, vào lúc 7g15, Cha Phêrô Nguyễn Đức Trí -Giảng viên Học viện Dòng Tên, tiếp tục hướng dẫn Quý Chức Bài Giảng huấn 3 với chủ đề: “Cảm thức cùng với Giáo hội”.
I. Ý nghĩa của “Cảm thức cùng với Giáo hội” (Sentire cum Ecclesia)
Cha giảng huấn gợi lại các chủ đề đã được trình bày ngày hôm qua: tinh thần phục vụ của môn đệ, những thách đố gặp phải trong sứ mạng và sự thay đổi của thế giới. Cha Phêrô giới thiệu chủ đề chính hôm nay là “Cảm thức cùng với Giáo hội” (tiếng Latinh: Sentire cum Ecclesia), một khái niệm được Dòng Tên và Thánh I-nhã Loyola đặc biệt nhấn mạnh.
Cụm từ này có nghĩa là có cùng suy nghĩ, cảm nhận và hành động với Giáo hội. Giáo hội ở đây được hiểu từ phạm vi nhỏ (Gia đình, Giáo khu, Giáo xứ) đến lớn hơn (Giáo phận, toàn thể Giáo hội). Điều này đòi hỏi một thái độ nội tâm sâu xa, đồng điệu với Giáo hội, vì Giáo hội là Thân Thể nhiệm mầu của Chúa Kitô, với Chúa Kitô là Đầu. Đây là lời mời gọi mỗi Kitô hữu sống tinh thần hiệp thông và hiệp hành cùng nhau.
II. Thực trạng đáng báo động: Phê bình, chỉ trích và chống đối Giáo hội
Cha Phêrô chỉ ra một thực trạng đáng báo động hiện nay là xu hướng phê bình, chỉ trích và chống đối Giáo hội, bao gồm cả hàng phẩm trật. Điều này không chỉ xảy ra trên mạng xã hội mà còn trong đời sống thường ngày, với một cái nhìn tiêu cực và thích chống đối. Thậm chí, một số tu sĩ và linh mục cũng rơi vào tình trạng này, đưa ra những thông tin sai lệch để chống đối, thiếu tinh thần hiệp thông.
Ví dụ, khi Giáo hội có thêm linh mục hay tu sĩ mới, thay vì vui mừng thì lại có những bình luận tiêu cực như “linh mục cho lắm vào, tu sĩ khấn cho nhiều vào mà có thấy ai đi truyền giáo đâu”. Tình trạng này cũng xảy ra ở cấp độ giáo xứ và cộng đoàn, nơi một số người tấn công, nói xấu Cha xứ hay Hội đồng Giáo xứ, thiếu “cảm thức thuộc về Giáo hội”.
III. Nguyên nhân của việc thiếu “Cảm thức cùng với Giáo hội”
1. Ảnh hưởng của truyền thông xã hội: Các nền tảng mạng xã hội khuyến khích người dùng bình luận, chia sẻ ý kiến tự do, dẫn đến việc nhiều người lợi dụng để nói những điều tiêu cực, thậm chí chửi bới mà không bị ràng buộc. Truyền thông thường chỉ đưa một phần sự thật, bóp méo thông tin để lôi kéo dư luận, kích thích cảm xúc của những người còn đơn sơ, chất phác, khiến họ dễ bị cuốn theo vào việc phê phán, chống đối. Cha Phêrô dẫn chứng những trường hợp đánh nhau ngoài đời thật chỉ vì tranh cãi trên mạng.
2. Không hiểu đúng về vai trò của phẩm trật Giáo hội: Nhiều người, do chưa được đào tạo đầy đủ về Kinh Thánh, giáo lý và nhân bản, đã hiểu sai về Giáo hội và hàng phẩm trật. Họ nhìn Giáo hội như một chính quyền độc tài hay một tổ chức trần thế, so sánh vai trò của Đức Giáo Hoàng hay Giám mục với nhiệm kỳ của các tổng thống, yêu cầu “dân chủ” trong Giáo hội. Cha Phêrô nhấn mạnh rằng các chức thánh trong Giáo hội là sứ mạng vĩnh viễn, không phải là chức vụ công việc tạm thời như ngoài đời, và mục tử là người được Chúa chọn gọi để phục vụ, không phải là quan chức chính trị.
3. Thiếu tinh thần thuộc về (hay thiếu cảm thức cùng với Giáo hội): Những người sống đạo một cách cá nhân, thiếu ý thức mình là chi thể trong Thân Thể Chúa Kitô (Giáo hội), dễ trở thành khán giả phê bình thay vì người đồng trách nhiệm. Những nỗi buồn đau, bất mãn hay hiểu lầm cũng có thể dẫn đến việc phê phán, chỉ trích, chống đối Giáo hội, cộng đoàn hay giáo xứ.
Cha giảng huấn minh họa sự thiếu cảm thức thuộc về bằng ví dụ về việc một số quốc gia rút khỏi hiệp định khí hậu vì cho rằng các nước khác không tuân thủ, dẫn đến việc ai cũng xả rác. Tương tự, trong một Giáo khu, nếu một người không có ý thức bảo vệ môi trường chung, người khác cũng sẽ làm theo, gây ô nhiễm cho cả cộng đồng. Trong gia đình cũng vậy, nếu con cái hoặc vợ chồng thiếu ý thức thuộc về, họ sẽ không có trách nhiệm bảo vệ và gìn giữ gia đình mình.
IV. Hậu quả của việc thiếu “Cảm thức cùng với Giáo hội”
Việc thiếu “cảm thức thuộc về” sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng:
- Gây chia rẽ trong cộng đoàn: Trong gia đình, giáo xứ, hay hội đồng mục vụ, việc thiếu ý thức bảo vệ nhau sẽ dẫn đến sự chia rẽ.
- Làm suy yếu đức tin và gây gương mù, gương xấu: Đặc biệt cho những người đức tin còn yếu hay chưa trưởng thành. Khi thấy các thành viên trong Giáo hội (Ban mục vụ, Ca đoàn, Tu sĩ...) nói xấu nhau hoặc chia phe phái, những người dự tòng hay đang tìm hiểu đạo sẽ mất niềm tin và không muốn gia nhập.
Cha giảng huấn kết thúc bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có “cảm thức cùng với Giáo hội” để bảo vệ và xây dựng Giáo hội, dù Giáo hội vẫn có những yếu đuối và sai phạm do con người. Việc bảo vệ Giáo hội cũng giống như bảo vệ người mẹ và gia đình mình, không phải là che đậy cái xấu mà là tìm cách yêu thương, bảo vệ trước, rồi sau đó mới cầu nguyện và tìm cách sửa đổi.
GIẢNG HUẤN IV
Sau giờ giải lao, Cha giảng huấn tiếp tục trình bày về “Phân định chung để tìm kiếm và thi hành ý của Chúa”:
I. Giới thiệu về “Phân định chung”
Chủ đề “Phân định chung để tìm kiếm và thi hành ý của Chúa” là một hành trình quan trọng để thi hành sứ mạng của Chúa, đặc biệt khi con người còn giới hạn và yếu đuối.
Cha Phêrô nhấn mạnh rằng, Chúa luôn hiện diện và sống động khi có nhiều người tập hợp nhân danh Ngài. “Phân định chung” là một quá trình cần thiết trong công việc mục vụ Giáo xứ, Giáo họ, khi phải đưa ra những quyết định quan trọng mà không phải lúc nào cũng rõ ràng. Trong những tình huống này, con người dễ tranh luận, cãi vã, và việc phân định giúp tìm ra ý Chúa là điều quan trọng nhất, tránh việc ý riêng xen lẫn vào.
Ví dụ điển hình là cuộc bầu cử Đức Giáo Hoàng, nơi hơn 100 Hồng Y từ khắp nơi trên thế giới phải cầu nguyện, suy niệm và phân định để tìm ra người mà Chúa muốn, bỏ qua ý riêng và những ứng viên “sáng giá” ban đầu.
II. “Phân định chung” là gì và không phải là gì?
Phân định chung là:
- Một hành trình, một tiến trình trao đổi, đối thoại, lắng nghe nhau, đặt mình dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
- Nhằm tìm ra ý định của Thiên Chúa trong một vấn đề cụ thể, đặc biệt giữa những điều tốt hoặc có vẻ tốt (không phải giữa điều tốt và xấu, vì điều xấu chắc chắn không phải ý Chúa).
- Đặt Chúa làm trung tâm trong mọi chọn lựa, cần có cầu nguyện, lắng nghe, đối thoại và hành động trong hiệp nhất.
Phân định chung không phải là:
- Chọn điều tốt hay điều xấu: Mà là tìm điều Chúa muốn, vì điều tốt theo ý con người chưa chắc đã là điều Chúa muốn.
- Lấy ý kiến theo số đông hay bỏ phiếu: Vì số đông có thể bị chi phối bởi phe nhóm hoặc sự hào nhoáng bên ngoài, không phải lúc nào cũng là ý Chúa.
- Tính toán theo lý trí thuần túy: Chỉ xem xét lợi hay không lợi.
- Quyết định độc đoán của một cá nhân: Dù là Cha xứ hay người có uy tín trong cộng đoàn, vì Giáo xứ là của chung giáo dân.
III. Tại sao cần “Phân định chung”?
1. Vì công việc mục vụ là của Chúa: Đây là sứ mạng của Chúa, không phải của riêng ai. Để làm đúng ý Chúa, cần phải phân định. Làm việc đạo đức mà không có Chúa vẫn có thể sai lệch.
2. Để tránh rơi vào ý riêng: Tránh ý riêng của cá nhân (Cha xứ, người có uy tín), quyền lợi của nhóm, hay sự thao túng của cảm xúc. Con người dễ bị cám dỗ hành động theo lối mòn cũ, truyền thống không còn phù hợp, hoặc bị chi phối bởi áp lực đám đông. Phân định giúp vượt qua những điều này để tìm ra điều Chúa muốn cho hiện tại và tương lai.
3. Vì Chúa Thánh Thần luôn hoạt động: Chúa Thánh Thần luôn sáng tạo, đổi mới và đồng hành cùng Giáo hội. Phân định chung là cách mở lòng đón nhận những tác động của Chúa Thánh Thần qua bản thân và qua người khác, tránh sự độc đoán, chủ quan cá nhân. Cha Phêrô cũng lưu ý về đặc tính của người Việt dễ buồn, tức giận, hận thù khi ý kiến không được lắng nghe, khác với người Châu Âu. Một nhà lãnh đạo tốt là người biết mời gọi mọi người cùng phân định để nhận ra điều Chúa muốn.
IV. Khi nào cần “Phân định chung”?
Phân định chung cần thiết khi:
- Cần có những quyết định quan trọng ảnh hưởng đến nhiều người, đến tập thể (ví dụ: xây dựng nhà thờ, nhà xứ, trung tâm mục vụ).
- Tổ chức các chương trình lớn trong Giáo xứ hoặc cộng đoàn.
Việc phân định chung giúp tránh những hậu quả đáng tiếc về sau, đảm bảo rằng các quyết định được đưa ra phù hợp với ý Chúa và nhu cầu thực sự của cộng đoàn.
Sứ mạng cốt lõi của Quý Chức là cùng nhau tìm và thực thi ý Chúa. Trong công việc mục vụ, quý chức không chỉ dựa vào tài năng mà còn phải lắng nghe và thực thi ý Chúa. Điều này được thể hiện qua lời cầu nguyện “Xin cho ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời” mà chúng ta vẫn đọc hàng ngày, với mong muốn ý Chúa chứ không phải ý riêng của mình được thực hiện. Khi Hội đồng Giáo xứ cùng nhau thực hiện phân định chung, họ sẽ trở thành khí cụ của Chúa. Nhờ đó, Giáo xứ sẽ phát triển thành một cộng đoàn hiệp nhất, yêu thương, trưởng thành và thánh thiện. Amen.
Bản tin và hình ảnh: JB. Ngô Thành Vinh
Video trực tuyến: Nhóm Media
Video THÁNH LỄ KÍNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
THÁNH LỄ KÍNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT và BẾ MẠC
Khóa Tĩnh Huấn khép lại sau Thánh lễ Tôn kính Lòng Chúa Thương Xót. Thánh lễ do Đức Cha Giáo Phận chủ tế.
Sau Bài Tin mừng, Đức Cha chia sẻ:
Các bài đọc trong Thánh lễ hôm nay, đặc biệt làm nổi bật Chúa Giêsu như biểu tượng sống động của lòng thương xót. Sau khi được gặp gỡ Chúa trên núi, chúng ta được mời gọi “xuống núi” để trở thành những tông đồ của lòng thương xót. Để trở thành tông đồ của lòng thương xót, chúng ta cần học hỏi và thực hành 3 chữ ‘K’, 3 đặc điểm nổi bật từ Chúa Giêsu:
1. Kiếm tìm
Khi Chúa Giêsu bị bắt, các tông đồ chạy tán loạn vì sợ hãi, chỉ còn duy nhất Thánh Gioan Tông đồ theo Ngài đến đỉnh đồi Canvê. Ngay cả khi Chúa sống lại, các tông đồ vẫn sống trong lo âu và sợ hãi, ẩn mình sau cánh cửa đóng kín. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã không bỏ cuộc; hành vi đầu tiên của Ngài là kiếm tìm các tông đồ đang lẩn trốn, kiếm tìm hai môn đệ bỏ cuộc trên đường Emmau. Ngài kiếm tìm họ khi họ đang sống trong bất an và lo sợ, và lời đầu tiên Ngài nói khi hiện diện là “Bình an cho anh em”.
Sự kiếm tìm này là biểu hiện đầu tiên của lòng thương xót: nhận ra nhu cầu của anh em mình và tìm đến họ để trả lại bình an, nâng đỡ, ủi an và khích lệ. Giống như Chúa Giêsu, Quý Chức cũng được mời gọi trở thành tông đồ của lòng thương xót, cộng tác với Chúa Kitô và Cha xứ. Điều này đòi hỏi sự quan tâm đến từng giáo dân, không chỉ một số người quen thuộc.
Đức Cha chia sẻ: ưu tiên của ngài trong 10 tháng làm Giám mục là đi thăm viếng các Giáo xứ, Giáo họ, Cộng đoàn để gặp gỡ, lắng nghe và nhận biết nhu cầu, hiện trạng của linh mục và giáo dân.
2. Kiên nhẫn
Khi Chúa Giêsu hiện đến lần thứ nhất mà Tôma vắng mặt, Tôma đã không tin lời các môn đệ khác. Nếu là con người, chúng ta thường sẽ khiển trách hay giận dữ trước thái độ hoài nghi này. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã không hề quở trách Tôma. Ngài đợi đến lần thứ hai, rồi đáp ứng ngay nhu cầu của Tôma bằng cách mời Tôma xỏ tay vào cạnh sườn và các vết đinh của Ngài.
Sự kiên nhẫn này phát xuất từ một trái tim cháy bỏng tình yêu. Nó đối lập với bản tính nóng nảy, dễ giận dữ của con người khi con cái đi hoang về hoặc khi người khác không làm theo ý mình. Quý chức, những người ở vị trí “trên” và “dưới” trong cộng đoàn, cần phải đặc biệt kiên nhẫn, sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu dù có phần bất thường của anh chị em mình.
3. Khiêm tốn
Sau khi được Chúa Giêsu đáp ứng nhu cầu, Thánh Tôma đã thốt lên lời tuyên xưng đức tin mạnh mẽ: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Từ “của con” trong lời tuyên xưng này mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện sự thuộc về và gắn kết cá vị: “Con thuộc về Ngài và Ngài thuộc về con.” Đây không phải là một lời tuyên xưng dễ dàng, đòi hỏi sự khiêm nhường sâu thẳm và tình yêu Thiên Chúa tràn ngập tâm hồn.
Người tông đồ của Lòng Thương Xót phải là người thuộc về Chúa và nhận Chúa làm gia nghiệp của mình. Họ được mời gọi xây dựng một cộng đoàn mà đặc điểm nổi bật là tình yêu thương nhau, giống như cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên được khen ngợi “Hãy xem kìa, họ yêu thương nhau là dường nào!”
Diễn giả bày tỏ ước mong rằng các giáo xứ, giáo họ cũng sẽ được khen ngợi như vậy, thay vì những lời phàn nàn về sự bất đồng hay mong muốn cha xứ mau đổi nhiệm sở. Quý chức được mời gọi hạ san xuống núi, trở về giáo xứ để kiếm tìm, kiên nhẫn và khiêm tốn, trở thành những hạt nhân tích cực xây dựng cộng đoàn thành một cộng đoàn của lòng thương xót, nơi tình yêu thương ngự trị. Với lòng yêu mến, mọi sự đều có thể.
Sau bài giảng, Đức Cha mời gọi cộng đoàn cùng đứng lên lặp lại Lời Tuyên hứa và cử hành Nghi thức Sai đi.
Cuối Thánh lễ, một vị đại diện thay lời cho Quý Chức cám ơn Đức Cha Giáo Phận, Cha giảng huấn, Ban tổ chức và tất cả những ai đã bỏ công sức giúp cho Ngày Tĩnh huấn thuận lợi, thành công mỹ mãn.
Đức Cha Giáo Phận bày tỏ sự hài lòng với Bài Cảm Ơn ngắn gọn và mong muốn những lần cảm ơn sau này cũng sẽ đơn giản, tránh rườm rà không cần thiết. Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của lòng quảng đại từ 1071 người tham dự khóa tĩnh huấn và cả những người ở nhà đã hy sinh, hỗ trợ công việc để quý chức có thể hiện diện tại đây.
Đức Cha gửi lời cảm ơn sâu sắc đến tất cả quý vị đã hy sinh thời gian và công sức để tham dự Khóa Tĩnh huấn, cũng như những “hậu phương” vững chắc ở nhà. Ngài hoàn toàn đồng ý với ý kiến của Cha Trưởng ban Mục vụ Giáo dân về việc sẽ không gia tăng giáo họ biệt lập nữa.
Trong tương lai, các Khóa Tĩnh huấn sẽ mời cả đại diện từ các Giáo điểm, bởi vì Giáo điểm có thể trực tiếp phát triển thành Giáo xứ mà không nhất thiết phải qua giai đoạn Giáo họ. Điều này tạo động lực cho các Giáo họ hiện tại phải phấn đấu. Đức Cha cũng yêu cầu quý vị về lập danh sách các Giáo điểm và Giáo họ gửi cho Cha xứ và Cha Chánh văn phòng để cập nhật, đảm bảo tất cả đều được mời tham gia các sự kiện quan trọng của Giáo phận, ví dụ như lễ tất niên cuối năm.
Đức Cha cũng bày tỏ lòng biết ơn đến quý Cha đã đồng hành trong suốt những ngày tĩnh huấn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến công việc mục vụ.
Khóa tĩnh huấn khép lại nhưng mở ra một chương mới cho đời sống phục vụ. Đức Giám mục chủ tế ban phép lành sai đi, nhấn mạnh rằng quý chức đã được tiếp thêm sức cho hành trình phục vụ phía trước. Với tinh thần của Thánh Anrê Kim Thông (Bổn mạng của Quý Chức) và lời tuyên thệ đã thực hiện, Quý Chức được mời gọi Lên Đường với ý thức trách nhiệm và sự cộng tác khôn ngoan với các mục tử của mình.
Đây là lúc để tiếp tục một hành trình mới, với sức sống và tinh thần mới, cho sứ mạng rao giảng Tin Mừng tại Giáo phận, Giáo hạt, Giáo xứ và Giáo họ thân yêu. Đức Cha ước mong rằng, với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, quý chức sẽ gặt hái được những hoa trái tình yêu từ Lòng Thương Xót của Chúa, làm cho cánh đồng Giáo xứ “nở hoa yêu thương” và mọi người đều phải trầm trồ khen ngợi: “Kìa, họ yêu thương nhau là dường nào!”
Chúc Quý Chức thành công trong sứ mạng phục vụ và lên đường trong niềm vui, hy vọng.
Bản tin và hình ảnh: JB. Ngô Thành Vinh
Video trực tuyến: Nhóm Media
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn