TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật - Lễ Chúa Hiển Linh

“Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu?” (Mt 2,1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

GIÁO XỨ VINH HÒA

Thứ tư - 31/03/2021 05:33 |   2281
Vinh Hòa
Vinh Hòa

GIÁO XỨ VINH HÒA

Thành lập ngày: 27.9.1956
Bổn mạng: Trái Tim Đức Mẹ
Địa chỉ: Xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk
Số Giáo dân: 10200
Số Gia đình: 2266

Giờ lễ:
Ngày thường: 4g30
Chiều thứ Bảy: 17g00 (lễ Chúa Nhật mừng trước)
Chúa Nhật: 4g30, 7g00, 9g00, 15g30 (tại Giáo họ Gioan)

(cập nhật ngày 31.12.2019)

 

GIÁO XỨ VINH HÒA

LƯỢC SỬ GIÁO XỨ VINH HÒA - 52 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
“Hãy chiêm ngưỡng những kỳ công Chúa đã làm cho chúng ta, mà lớn tiếng ngợi khen Người”. (Tôbia 13, 7)
* Tên Giáo xứ: Vinh Hòa
Địa chỉ: Xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk.
* Ngày thành lập Giáo xứ: 27/9/1956.
Ngày xây dựng Nhà thờ đầu tiên: 24 / 5 / 1959.
*Bổn mạng Giáo xứ: Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ.
Ngày kính: Thứ bảy sát kề sau Lễ Thánh Tâm Đức Chúa Giêsu.
* Số giáo dân lúc mới thành lập: 744 người.
Gốc: Nghệ Tĩnh Bình.
* Số giáo dân hiện nay: 13.509 người; Trong đó số giáo dân sắc tộc bản địa: 2.739 người
* Linh mục sáng lập Giáo xứ: cha cố Gioan Baotixita Phan Xuân Bang

I. NÉT TỔNG QUÁT:

1. Vị trí địa lý:
Giáo xứ Vinh Hòa (thường được gọi là làng Trung Hòa), nằm về hướng Đông Nam của thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk, thủ phủ Tây Nguyên, Việt Nam. Cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 15km, dọc theo Quốc lộ 27 đường đi thành phố Đà Lạt (Quốc lộ 21 cũ).
- Địa danh hành chính trước năm 1975:
Ấp Trung Hòa, xã Cư Edru, quận Ban Mê Thuột, tỉnh Đăk Lăk, thuộc Cao nguyên Trung phần, Việt Nam.
- Địa danh hành chính hiện nay:
Vùng trung tâm thuộc xã Ea Ktur và Ea Tiêu, và một phần thuộc xã Ea Bhôk, Cư Evi, huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk, thuộc Tây Nguyên, Việt Nam.

2. Nét đặc trưng:
Thiên Chúa đã an bài cho Giáo xứ Vinh Hòa được nằm trên một vùng đất đỏ Bazan rộng lớn, bằng phẳng, phì nhiêu và màu mỡ; có hồ, suối, khe, đập, giếng nước dồi dào rất thuận lợi cho việc trồng và chăm sóc nhiều loại giống cây trồng như: cà phê, cao su, hồ tiêu, ca cao, cây ăn quả các loại, lúa, hoa màu cùng với nhiều loại cây trồng khác…
Với những điều kiện thuận lợi như vậy nên ở trên địa bàn có nhiều Công ty, Công Nông trường, Xí nghiệp, Doanh nghiệp Quốc doanh và Tư nhân; Có chợ lớn, nhiều chợ nhỏ cùng với nhiều dịch vụ ngành nghề đa dạng khác… Nguồn điện lưới quốc gia trải rộng khắp, có nhiều trạm bưu chính viễn thông, ngân hàng… Trường học các cấp, trạm xá, bệnh viện, sân vận động; đường giao thông hầu hết là cấp phối và một số đường trung tâm đã được nhựa hoá.
Tất cả đã tạo ra công ăn việc làm, thu nhận được nhiều lao động phổ thông và ngành nghề trong bà con giáo dân, tăng thu nhập cho gia đình, tạo sự phát triển kinh tế chung toàn Giáo xứ và địa phương nhà.
Hiện nay Giáo xứ có Nhà thờ rộng lớn khang trang, nhà nguyện tại Giáo họ lớn, Hội trường cùng nhiều điểm học giáo lý. Các Giáo họ, các Đoàn thể, Hội đoàn được tổ chức quy củ nề nếp biểu hiện cho sự lớn mạnh về sinh hoạt đức tin và phát triển về cơ sở vật chất.
Giáo quyền và chính quyền địa phương luôn phối hợp hài hòa với nhau để cùng chăm lo đời sống đạo đời cho giáo dân và nhân dân trong địa bàn. Đa phần giáo dân thuộc gốc Nghệ Tĩnh Bình - Giáo phận Vinh vốn có truyền thống đạo đức, nếp sống hòa nhã, cần cù, siêng năng, sáng tạo và năng động… Đúng như tên gọi của Giáo xứ: Vinh Hòa có nghĩa là giáo dân Giáo phận Vinh - hòa thuận, thương yêu nhau. Cùng đồng tâm hiệp lực, đoàn kết thân ái dựng xây Giáo xứ phát triển về mọi mặt từ buổi đầu cho tới hiện tại và hướng tới tương lai…
Ngoài Giáo xứ Vinh Trung mới được tách ra, Giáo xứ Vinh Hòa hiện nay gồm có 11 Giáo họ, 01 Cộng đoàn sắc tộc. Tổng cộng có 2553 gia đình với 12314 giáo dân. Dưới sự coi sóc của Cha Quản xứ Giuse Trịnh Văn Hân, và Cha Phó Giuse Phùng Quốc Hiếu cùng với sự cộng tác của quý sœurs Cộng đoàn Nữ Vương Hòa Bình.

II./ QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH:

1. Nhớ về cố hương:
“Quê hương nếu ai không nhớ sẽ không lớn nổi thành người”
Trải qua bao đời, đa số những người con của quê hương mẹ Nghệ Tĩnh Bình lớn lên từng ngày thường bằng các nghề lao động chân tay như nghề nông, nghề biển, nghề muối và tiểu thủ công nghiệp v.v… lúa trĩu vàng bông hạt là lương thực hằng ngày nuôi sống dân lành, nhưng không phải khi nào cũng thuận trời mưa nắng. Có lúc thiên tai, lũ lụt, hạn hán v.v… Nhiều vụ mùa thu hoạch đã ngã về tay không. Nghề biển và tiểu thủ công nghiệp với dụng cụ đơn sơ nhỏ lẻ gặp nhiều bế tắc, cuộc sống đầy dẫy những khó khăn chồng chất…
Nạn đói khủng khiếp năm 1945 vẫn còn làm nhiều người khiếp đảm. Ý tưởng muốn tìm chốn thuận làm ăn sinh sống đã được nhen nhúm từ đây…
Ngày 20 tháng 7 năm 1954 hiệp định Genève ký kết – Đất nước Việt Nam chia cắt làm hai phân ranh tại vĩ tuyến 17, quy định chung cho đồng bào được tự do chuyển vùng làm ăn sinh sống…

2. Những buổi đầu khó khăn:
Sông Bến Hải - Cầu Hiền Lương - Bến Tàu - Xa Cảng là những điểm đầu tiên chứng kiến cảnh đoàn người gồng gánh, dắt dìu, bồng bế ra đi. Kẻ ra Bắc người vào Nam, nhóm lên rừng miền ngược, đoàn xuống biển miền xuôi ví như truyền thuyết Lạc Long Quân và nàng Âu Cơ tái hiện… Cũng tựa như ý Thánh vịnh 105 vậy:
“Dẫu họ là nhóm người số ít oi
Chẳng là bao, mà lại là khách lạ trong miền
Phải lang thang từ vùng này qua xứ nọ”… (Tv 105)
Vâng! Thời gian thấm thoát thoi đưa, ấy thế mà đã ngót nửa thế kỷ kể từ ngày ấy… Trong dòng người di cư từ Bắc vào Nam có một số gia đình thuộc Giáo phận Vinh, trong hoàn cảnh “tiến thoái lưỡng nan” ngày đêm bối rối, phân vân xao xuyến khi nghĩ đến cảnh kẻ ở người đi, bùi ngùi, luyến tiếc, nhớ thương khi phải rời xa quê cha đất tổ, mồ mả tổ tiên ông bà cha mẹ bởi quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi”.
Thời gian để lựa chọn không nhiều, rời xa nơi chôn nhau cắt rốn, xa mái đình, cây đa, bến nước, con đò, lũy tre… xa mãi làng quê yêu dấu. Nhìn hình ảnh thân thương của những người thân đang còn ở lại, ra đi là chia ly trong dòng lệ tuôn trào, nỗi lòng quặn đau, xót xa, quyến luyến vô ngần… Quê hương ta đó: Núi Hoành Sơn, núi Hồng Lĩnh, Sông Lam, Sông La, Sông Gianh v.v… không thể nào phai mờ trong tâm trí người con Nghệ Tĩnh Bình…
“Hãy phó thác đường đời cho Chúa,
tin tưởng vào Ngài, Ngài sẽ ra tay” (Tv 36, 5)
Thế rồi họ đã lên đường. Vâng! Tiền nhân đã quyết định ra đi trong tình cảnh như thế đó. Tin tưởng, cậy trông, phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, miệng nguyện kinh, lòng mong ước sớm tìm được vùng đất mới an lành mà định cư lập nghiệp.
Bước hành trình vào Nam kẻ trước người sau, kẻ xuôi Sầm Sơn, Thanh Hoá lên tàu thủy vào cảng Sài Gòn, người xuôi thành phố Vinh lên xe hơi qua cầu vĩ tuyến, những người đi đường bộ thường dừng chân tại hai trung tâm là Mỹ Thị và Chợ Cồn Đà Nẵng, tạm trú ở đó khoảng ít tháng, sau đó từng đợt, từng đoàn người lên tàu hoả đi tiếp vào Sài Gòn tạm trú tại các trại tạm cư như Xuân Trường, Tân Sơn Nhì, Bình Đông I, Bình Đông II, v.v… làm thuê như vác nước đá, kiếm củi, v.v… sống tạm qua ngày.
Ngày 22/7/1955 nhờ ơn trên đã xếp đặt cho 57 gia đình giáo dân thuộc Giáo xứ Trung Hòa và 22 gia đình giáo dân Giáo xứ Vạn Phần cùng Địa phận Vinh quy tụ lại một chỗ tại Bình Đông II. Với bao nỗi băn khoăn lo lắng khi sống dưới khung trời giữa đô thành tráng lệ mà lòng người cảm thấy cô đơn bởi lạ cảnh lạ người, mọi người còn bơ vơ lo lắng chưa biết cậy nhờ vào ai để trực tiếp dẫn đường chỉ lối, biết chỗ nào đây là đất lành cho chim đậu?…
Nhờ ơn Chúa quan phòng, may mắn có Cha Gioan Baotixita Phan Xuân Bang người đồng hương vào Nam trước đang tạm trú tại Faucault Sài Gòn, ngài đến dâng lễ tại Bình Đông II. Thế là Cha - Con gặp nhau… Sau cuộc gặp gỡ mừng mừng, tủi tủi thắm tình Cha - Con, đáp lại nguyện vọng của mọi người, ngài đồng ý nhận làm “Người Hướng Đạo” giúp bà con tìm chốn định cư lập nghiệp.
Ngày 15/8/1955, bà con Trung Hòa và Vạn Phần theo Cha Gioan Baotixita Phan Xuân Bang rời Sài Gòn đến Lagi, Hàm Tân, Bình Tuy. Ở đây ngài làm Quản xứ Giáo xứ Vinh Thanh… Sống tại Giáo xứ Vinh Thanh gần một năm đốn củi, làm thuê, cuộc sống làm ăn gặp nhiều khó khăn chưa ổn định. Lại gặp thêm một số gia đình Giáo xứ Yên Đại cũng thuộc Giáo phận Vinh đang muốn tìm nơi định cư khác, sau khi họp bàn, phân tích, Cha - Con lần nữa lại quyết định tìm về vùng đất mới, Cao nguyên Ban Mê Thuột vốn đã nghe tiếng từ lâu nay.
Đoàn người tiên phong được cử đi tìm đất mới gồm có: Cha Gioan Baotixita Phan Xuân Bang và ông Nghĩa, ông Tuyển, ông Phước, ông Mỹ, ông Lai, ông Đôn, ông Tứ, ông Tâm, ông Tuỳ, v.v…
Nhờ lời giới thiệu của Cha Nguyễn Viết Khai, vị đại diện chính quyền sở tại (ông Võ Khắc Văn là Tỉnh trưởng lúc bấy giờ) đã chấp thuận và hướng dẫn tìm đất… Cha Gioan Baotixita và mọi người đã hăng hái lên đường, rảo bước chân nhiệt tình và hy vọng băng qua các vùng Đăkmil, Buôn Hồ, Méval, Quảng Nhiêu, Tân Điền… để khảo sát thực địa, nhưng chưa thuận ý. Ông Võ Khắc Văn tiếp tục giới thiệu cho vùng đất hiện nay mà lúc bấy giờ được gọi là “vùng đất ưu tiên đặc biệt”, đã có nhiều đoàn đến xin mà chưa được. Nhờ sự giúp đỡ của đồng bào tại chỗ cùng với các chú voi dẫn đường, đoàn người đã đến tận nơi khảo sát tường tận. Nhận thấy vùng đất này quả là một “hứa địa” rộng lớn, bằng phẳng với rừng ngàn cổ thụ cao lớn, cây cỏ tốt tươi, một màu xanh tràn đầy nhựa sống, có mạch suối nước mát trong ngần như gương, có hồ rộng lớn hằng hà cá lội, muôn chim nhảy nhót, bay lượn như đón chào. Cha Gioan Baotixita và đoàn đại diện lấy làm vui mừng toại nguyện, lòng thầm dâng lời tạ ơn Thiên Chúa đã yêu thương an bài cho đoàn con bé nhỏ.
Trở về Lagi báo tin mừng cho mọi người đang nóng lòng ngóng trông chờ đợi - Sau khi cùng quyết định chọn vùng đất này để định cư Cha Gioan Baotixita cử đoàn người đại diện gồm có:
Họ Trung Hòa: Cố Quang, cố Cu Cháu, cố Chân, cố Ân, cố Tự, cố Thiệu, ông Tài, ông Tuỳ, ông Tuyển, ông Huấn, ông Khai, ông Dụng, ông Quyền, ông Ba, Cớn, ông Việt, ông Hòe, ông Tân, ông Tự, bà Hợi, O Yên, O Nghị, v.v…
Họ Vạn Phần: Cố Quyển, ông Tứ, thầy Yên, thầy Tâm, ông Nhất, chị Thái Đào, v.v…
Họ Yên Đại: Gia đình ông bà Trường và ông bà Huân, v.v…
Là những người tháo vát, nhanh nhẹn và có sức khỏe tốt đi trước để khai hoang, phát rừng làm lều lán chung để tạm trú, trong thời gian này đoàn người đại diện sáng đi làm chiều về tạm trú tại Trại gia binh Hòa Bình (Công ty phân bón Sông Gianh hiện nay)
Sau đó tiếp tục đưa bà con gồm có: Trung Hòa 57 gia đình, Vạn Phần 22 gia đình, Yên Đại 19 gia đình chính thức đến định cư. Vạn sự khởi đầu nan - Dưới sự điều hành của cha Gioan Baotixita, mọi người đồng tâm, hiệp lực ra sức phát dọn, phân lô mở đường, dựng lều tạm trú, dựng một nhà nguyện tạm thời bằng lều bạt để dâng thánh lễ và đọc kinh sớm tối, mỗi gia đình được cấp một vườn ở với diện tích 03 sào hơn (70m x 45m) và 05 sào đất rẫy. Cuộc sống mới được bắt đầu giữa đại ngàn hoang vu, khu rừng già nguyên thủy tưởng chừng như chưa một dấu chân người, là lãnh địa của chúa tể sơn lâm cùng với muôn loài thú dữ, nghĩ lại thật hãi hùng, nhất là khi đêm về thanh vắng tiếng hổ gầm, vượn hú, lợn kêu, mang toác sát bên lều…

3. Ban Định Cư:
Thời gian đầu điều hành các công việc chung là do cha Gioan Baotixita Phan Xuân Bang và các vị đại diện như các ông: Nguyễn Hữu Tự (Trưởng ban), Phùng Bá Tài (Phó ban) Nguyễn Tri Phương, Trần Văn Tuyển, Nguyễn Hữu Tuỳ, Phùng Bá Nghĩa, Nguyễn Hữu Phước, Phạm Thành Tâm, v.v…
Đã đến lúc cần hình thành một Ban định cư chính thức. Sau khi đề cử các vị sau đây đã được bà con tín nhiệm bầu vào các chức vụ chủ chốt: ông Nguyễn Hữu Tùy chủ tịch, ông Trần Văn Tuyển phó chủ tịch và ông Phạm Thành Tâm thư ký. Sau đó là ông Tài và ông Bảo thay ông Tùy và ông Tâm phải đi làm việc ở xa…
Dưới sự chỉ đạo của cha Gioan Baotixita, Ban định cư tổ chức: vẽ sơ đồ đường, vườn ở, khu canh tác, khu công cộng, khu Nhà thờ, Nhà xứ, trường học, trạm xá, nhà Uỷ ban, chợ, nghĩa trang, v.v… Cũng chính từ đây làng định cư này được vinh dự mang danh là “Làng Định Cư Kiểu Mẫu Trung Hòa”.

4. Ban định cư tiếp tục kiện toàn công việc:
Cha Gioan Baotixita và Ban Định Cư có nhờ nhân viên điền địa trợ giúp, để đường làng được phân ngang dọc ngay hàng thẳng lối, từng lô có cột mốc bê tông làm chuẩn, vườn từng vườn nối tiếp nhau như ô bàn cờ tuyệt đẹp. Nhà nguyện tạm thời được thay thế bằng Nhà nguyện mái tranh, vách nứa cũng được dựng lên để giáo dân có nơi kinh nguyện sớm tối. Tiếp tục là nhà Uỷ ban, nhà phát thuốc và trường học. Ngoài đất vườn, mỗi gia đình được cấp thêm đất rẫy. Có mở tiệc liên hoan giao lưu giữa giáo dân cùng với người đồng bào sắc tộc tại chỗ, Già làng Buôn Jung và già làng Buôn Khiết đã ký giấy nhường thêm đất rẫy cho Làng Trung Hòa. Từ đó cha Gioan Baotixita chuẩn bị sẵn cho con cháu một làng mới tương lai có đường ngang dọc mỗi vườn 03 sào… cách làng Trung Hòa khoảng 500m về hướng Đông theo đường ra Nghĩa trang.
Một số đường làng được đặt tên các Thánh tử đạo Việt Nam như đường: Phúc Lộc Điểm, Phúc Lộc Tự, Phúc Lộc Cao, Phúc Lộc Tuỳ, Phúc Lộc Khanh, Vũ Đăng Khoa, Bác Ái, v.v…
Ngày 27/9/1956 Giáo xứ Vinh Hòa chính thức được khai sinh thuộc Giáo phận Kon Tum. Nhận Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ làm Bổn mạng Giáo xứ. Hằng năm mừng kính vào ngày thứ bảy tháng sáu, sau lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Tháng 02 năm 1957 có thêm 16 gia đình với 64 người thuộc Giáo xứ Cầu Rầm, và 10 gia đình với 41 người thuộc Giáo họ Yên Lĩnh Giáo xứ Gia Hòa, Giáo phận Vinh xin gia nhập. Tiếp sau đó vào ngày 28 tháng 11 năm 1957 có 70 gia đình với 228 người thuộc Giáo xứ Thọ Ninh, 02 gia đình thuộc Giáo xứ Đông Tràng, 01 gia đình thuộc Giáo xứ Phú Linh cùng Giáo phận Vinh xin gia nhập Giáo xứ. Lúc này tổng số gia đình trong Giáo xứ đã lên đến 184 gia đình với 744 giáo dân.

III. PHÁT TRIỂN THEO DÒNG THỜI GIAN:
Từ năm 1956 – 1957, ngoài việc tổ chức các sinh hoạt đức tin, Cha Quản xứ đã thành lập các Giáo họ Trung Hòa, Vạn Phần, Yên Đại, Cầu Rầm, Yên Lĩnh, Thọ Ninh (Những chi tiết về các Giáo họ xin xem ở phần lược sử Giáo họ phần II). Cùng cộng tác với Ngài có 04 nhiệm kỳ HĐGX củng cố các sinh hoạt đức tin và thúc đẩy phát triển đời sống kinh tế cho giáo dân. (Danh sách HĐGX kèm hình xin xem ở phần IV)
Ngày 24/5/1959, cha Gioan Baotixita Phan Xuân Bang nhờ Cha Lê Như Hảo cho xe giúp kéo cây gỗ lim về và bắt đầu xây dựng ngôi Nhà thờ mới diện tích 336m2 thay thế nhà nguyện tạm, và Nhà xứ 03 gian mái lợp tôn, tường trét vữa xi măng, trường tiểu học bằng gỗ mái tôn vách ván được dựng lên để cho con em trong Giáo xứ được đến trường.
Về đời sống kinh tế, thời kỳ này khai hoang canh tác mùa màng, chủ yếu là sức người, sau đó dùng sức kéo trâu bò. Nhờ đất đai màu mỡ, khí hậu thuận hòa, mùa màng năm nào cũng bội thu. Học từ các đồn điền của người Pháp, ở các vùng lân cận, nhiều gia đình đã trồng cà phê. Nhờ thổ nhưỡng phù hợp, cây cà phê phát triển tốt và đạt năng suất, sau này trở thành nguồn thu nhập chủ yếu cho các gia đình. Bên cạnh việc bảo đảm lương thực hằng ngày các gia đình đã tích lũy để xây dựng nhà cửa thay dần nhà tranh vách nứa, mua sắm nông cụ, máy móc phục vụ sản xuất.
Năm 1964, xây Hang đá Đức Mẹ, dựng tháp chuông bốn cột lợp mái gỗ.
Sau một thập niên với lòng nhiệt thành cống hiến tài sức, trí lực dựng xây Giáo xứ và chăm lo cho đoàn chiên về mọi mặt… Ngày 27/7/1966, vì tuổi già sức yếu ngài được về nghỉ hưu tại vườn nhà của gia đình người cháu là ông bà Nguyễn Hữu Thi.
Ngày 02/8/1966, bề trên bổ nhiệm cha Antôn Vũ Thanh Lịch về làm Quản xứ.
Ngày 15/8/1967, Giáo phận Ban Mê Thuột chính thức được thành lập tách từ Giáo phận mẹ Kon Tum. Từ đây, Giáo xứ Vinh Hòa thuộc về Giáo phận Ban Mê Thuột.
Cha Antôn Vũ Thanh Lịch đã thành lập các Hội đoàn như: Hội Nghĩa Binh Thánh Thể, Hội Con Đức Mẹ, ngài tổ chức cho các Hội đoàn sinh hoạt định kỳ, đặc biệt là các ngày Lễ Trọng. Về cơ sở vật chất, ngài đã xây dựng trường học, vấn đề học vấn của con em được chú ý coi trọng, tháp chuông bằng gỗ lợp tôn được thay thế cho tháp chuông cũ, làm trần phần cung thánh bằng tôn. Có 02 nhiệm kỳ HĐGX cùng cộng tác với Ngài.
Ngày 03/7/1969, Ngài được thuyên chuyển đến trông coi Giáo xứ khác. Bề trên bổ nhiệm Cha Antôn Đỗ Văn Tài về làm Quản xứ. Trong giai đoạn này ngài thành lập Đoàn Thanh Sinh Công, Hùng Tâm Dũng Chí và tiếp tục bổ sung và kiện toàn các Hội đoàn đi vào sinh hoạt ngày càng lớn mạnh hơn. Văn hóa văn nghệ phát triển, thường xuyên có các chương trình chiếu phim khoa học và giáo dục.
Ngài xây dựng Hội trường Giáo xứ rộng 144m2, trường tiểu học tư thục Trung Hòa. Có 02 nhiệm kỳ HĐGX cùng cộng tác với Ngài.
Ngày 26/3/1973, Ngài được sai đi mục vụ nơi khác.
Ngày 02/4/1973, Cha Đaminh Hà Duy Khâm về coi sóc Giáo xứ. Ngài xây dựng thêm trường học, duy trì và thúc đẩy các Hội đoàn sinh hoạt đều đặn. Nhà thờ được nối thêm một gian và làm gác đàn bằng gỗ.
Ngày 30/4/1975, kết thúc chiến tranh, một bước ngoặt lịch sử, đất nước hoàn toàn thống nhất. Song song với những khó khăn của đất nước trong thời kỳ khôi phục và tái thiết sau chiến tranh, các sinh hoạt của Giáo xứ có lúc đã tưởng chừng như chững lại…
Trong năm 1975, Ngài thành lập ca đoàn Lớn và ca đoàn Nhỏ.
Ngày 13/12/1975, quý sœurs Cộng đoàn Nữ Vương Hòa Bình bắt đầu về giúp Giáo xứ cho đến nay. Dưới sự phân công của Bề trên Hội Dòng từng nhóm quý sœurs đã thay đổi luân phiên về Giáo xứ phụ giúp với các Cha và Hội đồng Giáo xứ các công việc phụng vụ, giáo dục nhân bản, đức tin và văn hóa, v.v… (Danh sách quý nữ tu giúp xứ xin xem ở bài CĐ NVHB Giáo xứ Vinh Hòa, phần II).
Từ ngày 29/9/1978 đến 27/9/1982, Giáo xứ vắng Linh mục coi sóc… Mọi công việc hầu như nhờ vào sự tận tình, nhiệt tâm của cụ trùm Phêrô Trần Văn Quế đảm trách, cùng với sự giúp đỡ của cha già Gioan Baotixita, quý sœurs Cộng đoàn NVHB, cùng quý chức việc trong Giáo xứ. Trong giai đoạn này đã hình thành nên các nhóm chia sẻ Phúc âm ngày Chúa Nhật.
Hoàn cảnh Giáo xứ lúc bấy giờ gặp khó khăn về nhiều mặt… Đây là giai đoạn khó khăn chung, kinh tế gia đình bị bó hẹp, các hàng hoá phục vụ sản xuất, đời sống thiếu thốn... do bị tác động bởi nhiều nguyên nhân, vấn đề học vấn của con em trong Giáo xứ sau bậc phổ thông gặp nhiều trở ngại, số lượng tốt nghiệp đại học ít ỏi.
“Phúc thay người đặt niềm hy vọng nơi Chúa” (Tv 39, 5a)
Sau 04 năm mong đợi, ngày 27/9/1982, bề trên bổ nhiệm Cha GB Hồ Sĩ Cai về trông coi Giáo xứ. Một đặc điểm của thời kỳ này là việc hình thành các Nông trường cà phê Việt Đức chung quanh Giáo xứ tạo nên các điểm dân cư mới. Đây là thời kỳ Giáo xứ phát triển nhanh nhất về số lượng giáo dân theo dân số cơ học, có thêm rất đông giáo dân từ miền Bắc và các nơi khác tập trung về lập nghiệp ở các vùng lân cận chung quanh Giáo xứ. Chính vì vậy ngài liên tiếp thành lập thêm các Giáo họ mới như:
- Năm 1984: Giáo họ Vạn Lộc I với 28 gia đình.
- Năm 1987:Giáo họ Vạn Lộc II với 22 gia đình.
- Năm 1989:Giáo họ Tân Hòa với 400 gia đình.
- Năm 1989:Giáo họ Vinh Trung với 30 gia đình.
Sau những năm đất nước đổi mới với sự năng động, cần cù, các gia đình đầu tư máy móc công cụ, mở rộng sản xuất, bộ mặt đời sống kinh tế phát triển, các sinh hoạt văn hóa giáo dục khởi sắc.
Sau nhiều năm tồn tại, ngôi Nhà thờ cột gỗ mái tôn của Giáo xứ đã xuống cấp, được sự cho phép của chính quyền xây dựng Nhà thờ mới. Dưới sự chỉ đạo của Cha Quản xứ và ban kiến thiết, sự quyết tâm cao độ của toàn thể giáo dân đóng góp sức người sức của, với sự ủng gia đình của các ân nhân và bà con Việt kiều. Một ngôi Nhà thờ mới đã được xây dựng là Nhà thờ lớn nhất, rộng nhất được Nhà nước cho phép xây dựng sớm nhất trên địa bàn Tây nguyên, diện tích 1.200m2.
Ngày 19/03/1990 đến 25/01/1991: Xây dựng Ngôi Nhà thờ Giáo xứ hiện nay.
Ngày 21/11/1991, Bề trên thuyên chuyển ngài đi mục vụ nơi khác. Có 02 nhiệm kỳ Hội đồng Giáo xứ cùng cộng tác với ngài.
Ngày 22/11/1991, Bề trên bổ nhiệm cha Augustinô Hoàng Đức Toàn về làm Quản xứ. Các Đoàn thể được lập lại theo từng lứa tuổi, có Thánh lễ dành riêng mỗi tuần, sinh hoạt thường xuyên rất đa dạng và phong phú, các Đoàn thể có Ca đoàn riêng của đoàn thể mình. Ngài đặc biệt quan tâm đến vấn đề ơn gọi, ngài kêu gọi thực hiện nếp sống văn minh, cụ thể như tác phong đi đứng, nói năng, ăn mặc, vệ sinh nhà ở, vệ sinh môi trường, v.v…
Ngày 15/01/1992 đến ngày 30/8/1992, Ngài xây dựng tháp chuông mới cao 32m.
Đời sống đức tin ngày càng phát triển, cộng đoàn Giáo xứ lớn mạnh với số lượng giáo dân đông đảo ở các Giáo điểm mới.
Ngày 13/02/1992, thành lập Giáo họ Việt Đức gồm 71 gia đình với 412 giáo dân.
Ngày 29/11/1992, Giáo họ Gioan Baotixita với 36 gia đình.
Ngày 10/02/1993 đến ngày 10/10/1993, xây dựng nhà mặc áo và sinh hoạt.
Ngày 01/02/1994 đến ngày 01/5/1994, xây dựng Nhà xứ, trải nhựa nền sân chung quanh Nhà thờ. Đời sống kinh tế đi lên, nhà cửa của nhiều gia đình được xây dựng khang trang, kiên cố, mua sắm tiện nghi… Cùng đóng góp kinh phí xây dựng và hoàn thành lưới điện, các công trình chiếu sáng công cộng phục vụ cuộc sống. Về giáo dục hưởng ứng chủ trương xã hội hoá giáo dục. Hầu hết các gia đình đã ý thức được tầm quan trọng của việc học, thể hiện qua nhiều đóng góp thiết thực góp phần vào sự nghiệp giáo dục tại địa phương. Hằng năm bà con tự nguyện đóng góp xây dựng trường, mua sắm bàn ghế trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học cho con em, nhờ vào sự quan tâm và đầu tư đúng mức, số lượng sinh viên đang theo học và tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng tăng đáng kể.
Sau đó ngài đi chữa bệnh ở nước ngoài, nhưng ngài vẫn chỉ đạo từ xa cho Ban thường vụ Hội đồng Giáo xứ tiếp tục xây dựng nhà Sœurs từ ngày 24/4/1995 đến 24/11/1995.
Do bệnh của ngài phải tiếp tục điều trị lâu dài nên trong thời gian này bề trên bổ nhiệm Cha Đaminh Hà Duy Khâm làm Giám quản coi sóc Giáo xứ.
Ngày 02/9/1995, Bề trên bổ nhiệm Cha Gioan Baotixita Nguyễn Đình San về làm Phó xứ. Các Cha đã chấn chỉnh các Hội đoàn đi vào sinh hoạt sôi nổi và thường xuyên hơn.
Ngày 24/11/1995, để tăng cường phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt phụng vụ, Ca đoàn Gia Đình Trẻ được thành lập kết hợp từ Ca đoàn Trung Niên và Ca đoàn Phụ Nữ.
Ngày 20/01/1996 đến 30/4/1996, xây dựng trường Mẫu giáo Dân lập Trung Hòa. Xây dựng và cải tạo vùng hồ thành điểm vui chơi giải trí sinh thái, trồng nhiều cây xanh và cây cảnh, cải tạo môi sinh. Thực hiện công trình chở đất đắp sình hoang thành sân vận động đa năng của Giáo xứ. Tổ chức các hoạt động thể dục thể thao như bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn v.v… Đặc biệt là trong các ngày Lễ Trọng.
Năm 1996, xây dựng tường rào khuôn viên Nhà thờ, Nhà xứ.
Ngày 01/3/1997 đến ngày 20/12/1998, sửa sang Cung Thánh và đóng trần Nhà thờ, xây dựng Tượng đài Thánh Gia Thất.
Ngày 24/10/1998, Cha già Gioan Baotixita đến nhà hưu dưỡng Tòa Giám Mục.
Năm 1999, Bề trên thuyên chuyển cha GB Nguyễn Đình San đến Giáo xứ Vinh Phước.
Ngày 25/9/1999, Bề trên bổ nhiệm cha GB Nguyễn Minh Hảo về làm Quản xứ và Thầy phó tế Phêrô Nguyễn Văn Thái về giúp xứ.
Ngày 01/3/2000, Thầy Phêrô Nguyễn Văn Thái được thụ phong Linh mục và được Bề trên bổ nhiệm làm Phó xứ.
Các sinh hoạt đức tin trong Giáo xứ được đẩy mạnh, Tông đồ đoàn được học tập và sinh hoạt nhiều đợt, có các giờ chầu đền tạ luân phiên, kêu gọi giáo dân đóng góp quỹ tình thương bác ái tự nguyện, đặc biệt là công việc truyền giáo cho đồng bào sắc tộc cùng đồng bào lương dân ở rải rác trong các Đội, Nông trường chung quanh địa bàn Giáo xứ, chính vì thế số đồng bào theo đạo tăng nhanh từng ngày. Trước tình hình đó các ngài thành lập một Cộng đoàn Sắc Tộc hoạt động ngang tầm với Giáo họ độc lập, hàng tuần và các ngày lễ trọng có Thánh lễ và các giờ chầu dành riêng, có các Đoàn thể như Phụ Huynh, Phụ Nữ, Trung Niên, Thanh Niên, đặc biệt là Đoàn Thiếu Niên với nhiều anh chị Giáo lý viên đã qua đào tạo cùng với đông đảo các em sinh hoạt sôi nổi, có Ca đoàn hát rất hay bằng cả hai thứ tiếng Ê Đê và tiếng phổ thông, có Đội Cồng Chiêng biểu thị đặc nét sắc thái văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Các ngài cũng mở các khoá đào tạo thêm nhiều Giáo lý viên cho Giáo xứ.
Năm 2000, Giáo xứ quy định xây mộ theo một kiểu ngay hàng thẳng lối với tinh thần tiết kiệm và hợp văn hóa.
Ngày 22/6/2001, cả Giáo xứ như chết lặng: do tuổi già sức yếu Cha già Gioan Baotixita Phan Xuân Bang vị sáng lập Giáo xứ đã mất trong niềm tiếc thương vô hạn của đoàn chiên, ngài ra đi để lại bao xót xa, bàng hoàng, nuối tiếc. Linh cửu của Ngài được quàn tại Nhà thờ Giáo xứ ba ngày đêm cùng với nhiều Thánh Lễ, nghi thức kính viếng, cầu nguyện trang trọng đặc biệt v.v… và ngài được an táng tại Tượng đài Thánh Gia Thất như lòng ước nguyện của ngài lúc sinh thời.
Niềm đau chưa vơi thì vào ngày 28/10/2002, một tai nạn bất ngờ lại cướp mất Cha nguyên Phó xứ Gioan Baotixita Nguyễn Đình San, một Linh mục trẻ năng nổ và nhiệt tình…
Thời kỳ này do sự xuống giá kéo dài của mặt hàng cà phê ảnh hưởng tới nguồn thu nhập của các gia đình, đời sống của giáo dân, sinh hoạt xây dựng và phát triển Giáo xứ và địa phương gặp những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, từ đây có sự chuyển biến được các gia đình chú trọng để tăng thêm thu nhập, trong đó đa dạng hoá cây trồng, mở rộng chăn nuôi, xây dựng trang trại, đầu tư vào các dịch vụ ngành nghề v.v… Thể hiện sự sinh hoạt năng động của bà con trong Giáo xứ, bởi vậy các sinh hoạt đức tin, các sinh hoạt cần sự đóng góp để phát triển Giáo xứ, phát triển xã hội luôn được các gia đình hưởng ứng và thực hiện.
Nhờ sự đóng góp của bà con trong Giáo xứ và những người con của Giáo xứ ở nước ngoài, năm 2003, trải nhựa đường ra Nghĩa trang xây dựng kiên cố tường rào, bê tông hoá các đường trong Nghĩa trang theo sơ đồ, xây dựng Lễ đài tại trung tâm để tiện việc dâng thánh lễ cầu nguyện cho các vị tiền bối và các tín hữu đã qua đời theo định quý và tháng 11 hàng năm.
Năm 2004, quý Cha thành lập các Liên gia (61 Liên gia) trong toàn Giáo xứ để đọc kinh chung và ngắm nguyện theo mùa, theo lịch, có chầu đền tạ dành riêng cho từng nhóm Liên gia mỗi tháng.
Với một cộng đoàn giáo dân đông đảo…
Ngày 03/9/2005, Bề trên bổ nhiệm Cha Giuse Phùng Quốc Hiếu về làm Phó xứ.
Trong năm này các Ngài tiếp tục thành lập thêm các Ban mới như: Ban Sinh hoạt Đức tin, Ban Lịch sử Truyền thống, Ban Văn hóa Thể thao, Ban Bác ái xã hội và Phát triển xã hội, Ban Xây dựng. Các Ban mới đã bắt đầu đi vào hoạt động, đặc biệt là các công tác chuẩn bị cho việc đón mừng Lễ Kim Khánh Giáo xứ.
Ngày 25/9/2005, Thánh Lễ khai mạc năm Hồng Ân Kim Khánh, nhằm giúp giáo dân sống tinh thần sám hối tạ ơn và canh tân, chuẩn bị đón mừng Lễ mừng Kim Khánh 27/9/2006.
Trong niềm vui đón mừng năm Kim Khánh thành lập Giáo xứ với sự quan tâm và đề nghị của quý Cha, Giáo họ Vinh Trung đã được Đức Cha Giuse Nguyễn Tích Đức nâng lên hàng Giáo xứ ngày 27/12/2005. Cha Phêrô Nguyễn Văn Thái làm Quản nhiệm coi sóc Giáo xứ Vinh Trung.
Đón mừng năm Hồng Ân Kim Khánh với sự phát triển nhanh chóng của Giáo họ Tân Hòa về cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác. Quý Cha đã chỉ đạo cho kiện toàn cơ cấu tổ chức để một ngày không xa, Giáo họ Tân Hòa được trở thành Giáo họ độc lập.
Như vậy, Giáo xứ Vinh Hòa từ ngày đầu khai sinh mới chỉ có 98 gia đình với 600 giáo dân, trải qua 50 năm tồn tại và phát triển. Hiện nay Giáo xứ Vinh Hòa có 2553 gia đình với 12.314 người. Đã sinh ra được một Giáo xứ Vinh Trung với khoảng 3.000 giáo dân, 11 Giáo họ, 01 Cộng đoàn Sắc Tộc, 05 Đoàn thể, nhiều Hội đoàn, Ban ngành, Ca đoàn hoạt động nhịp nhàng tích cực. Về văn hóa có giảng viên đại học, nhiều bác sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư và nhiều sinh viên đang theo học trong các trường Đại học, Cao đẳng. Nhiều Linh mục, Tu sĩ nam nữ, tu sinh, ứng sinh và thỉnh sinh…
Các Giáo họ trong Xứ:
1. Trung Hòa: 278 gia đình 1.381 nhân danh
2. Thọ Ninh: 299 gia đình 1.387 nhân danh
3. Vạn Phần: 82 gia đình 486 nhân danh
4. Cầu Rầm: 108 gia đình 516 nhân danh
5. Yên Đại: 46 gia đình 257 nhân danh
6. Yên Lĩnh: 60 gia đình 287 nhân danh
7. Tân Hòa: 874 gia đình 5.004 nhân danh
8. Vạn Lộc I: 66 gia đình 371 nhân danh
9. Vạn Lộc II: 80 gia đình 443 nhân danh
10. Việt Đức: 105 gia đình 479 nhân danh

IV. HƯỚNG VỀ TƯƠNG LAI:
Đúng theo chủ đề năm Kim Khánh, bước qua tuổi 50 Giáo xứ sẽ quyết tâm canh tân đời sống đạo cho phù hợp với nếp sống mới. Một thách đố phía trước, đòi hỏi giáo dân phải vượt qua đó là: Một xã hội mới bùng nổ thông tin, một thế kỷ của tin học. Tất nhiên sẽ có nhiều thông tin, hình ảnh xấu, nguy hại bào mòn, làm mai một đời sống luân lý, làm suy đồi đạo đức, tác động trực tiếp đến đời sống đức tin của giáo dân, đặc biệt là giới trẻ. Chính vì thế Giáo xứ luôn quan tâm tổ chức nhiều khoá với nhiều lớp học tập giáo lý, hăng say sinh hoạt đức tin, ra sức giữ đạo, sống đạo tốt hơn.
Truyền giáo là một công việc đáng được quan tâm hàng đầu của Giáo phận vùng cao, nơi có nhiều đồng bào sắc tộc và rất nhiều bà con lương dân và đồng bào khác đạo. Tượng Chúa Chiên Lành trên cao Tháp chuông Nhà thờ Giáo xứ đã nói lên quyết tâm của Giáo xứ và các vị mục tử như lời Chúa đã phán rằng:
“Ta còn nhiều đàn chiên khác chưa thuộc về đàn này, ta phải đem chúng về nữa và chúng sẽ nghe theo tiếng ta. Như vậy sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chăn” (Ga 10, 16)
Vốn là một trong những Giáo xứ có bề dày truyền thống về lãnh vực truyền giáo, sống mẫu mực luôn yêu thương tha nhân, được thể hiện qua lời nói, đặc biệt là hành động bác ái, luôn giúp đỡ sẻ chia với người khó nghèo, gian khổ, bệnh hoạn là phương thế hữu hiệu nhất để qua đó người lương dân nhận ra dấu chỉ mà tìm về với Chúa Chiên Lành. Nhờ ơn Chúa với sự nhiệt tâm trên cánh đồng truyền giáo của các vị chủ chăn cùng với sự cộng tác về tinh thần vật chất của toàn thể giáo dân. Tin tưởng công việc truyền giáo sẽ mang lại nhiều kết quả theo như mệnh lệnh Chúa truyền:
“Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng tin mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16, 15)
Quan tâm giáo dục, động viên và thúc giục con em trong Giáo xứ bước vào bậc Đại học và sau Đại học ngày càng nhiều để góp phần dựng xây Giáo Hội và xã hội…
Đẩy mạnh lao động, sản xuất, buôn bán cùng với nhiều ngành nghề đa dạng nâng cao đời sống kinh tế kịp theo đà phát triển của đất nước.
Quyết tâm xây dựng các công trình liên quan tới nhu cầu phát triển đời sống đức tin của giáo dân và của cộng đồng dân sinh…
Quyết tâm nhựa hoá dần đường làng song song với sự phát triển chung của Giáo xứ, của địa phương nhà và toàn xã hội…
Tổ chức xây dựng và hoạt động các chương trình học tập vui chơi giải trí, thể dục, thể thao tăng cường rèn luyện thân thể góp phần làm lành mạnh hoá xã hội…
Tiếp tục đầu tư cải tạo vùng hồ, vùng suối thành điểm vui chơi giải trí sinh thái văn hóa mang lại hữu ích cho cộng đồng sau những ngày lao động vất vả mệt nhọc…
Giáo dân tích cực đóng góp vào các công trình phúc lợi của Giáo xứ và của địa phương cả về tinh thần lẫn vật chất theo quan điểm tốt đạo đẹp đời…

V. LỜI KẾT:
“Uống nước nhớ nguồn, Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, đứng mát gốc cây nhớ người vun trồng”
Trên đây là vài nét lược sử Giáo xứ Vinh Hòa năm mươi năm qua dựa theo sử liệu của Giáo xứ, lời kể của các vị cao niên và Ban cố vấn lịch sử Giáo xứ cùng tinh thần Hội nghị ngày 24/8/2006. Bài viết này không tránh khỏi những thiếu sót, kính mong quý vị thông cảm và tha thứ cho chúng con.
Tất cả là Hồng ân mà Thiên Chúa, thương ban tặng cho Giáo xứ Vinh Hòa chúng con.
Chúng con xin tạ ơn Chúa, tạ ơn Đức Mẹ, tạ ơn các Thánh…
Chúng con xin tri ân Cha già cố Gioan Baotixita Phan Xuân Bang, Cha cố Gioan Baotixita Nguyễn Đình San, Quý cha tiền nhiệm, Cha Quản xứ và Quý Cha Phó cùng các bậc tiền bối, tiền nhân…
 
Phần bổ sung
Thành lập ngày 29.7.1956
Ngày 25.9.1991: Khánh thành Nhà thờ và cung hiến Bàn Thờ.
Linh mục Quản xứ tiên khởi: cha GB. Phan Xuân Bang
Linh mục đương nhiệm: cha GB. Nguyễn Minh Tâm.
Số giáo dân hiện nay: 9.327 nhân danh.
Từ năm: 2016
LM Chính xứ: G.B. Nguyễn Minh Tâm
Địa chỉ: Xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Dăk Lăk.
Trang web: GIÁO XỨ VINH HÒA



60 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN (1956-2016)

Giáo xứ Vinh Hòa thuộc Giáo phận Ban Mê Thuột, nằm về hướng Đông Nam dọc theo QL 27 (trước đây QL21 kép), cách thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk 15km, thuộc xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk
- Giáo xứ Vinh Hòa chính thức được thành lập ngày 27/9/1956 nhận Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ làm bổn mạng.
- Nhà thờ kiên cố đầu tiên bắt đầu được xây dựng ngày 24/5/1959
Nhà thờ hiện nay được Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Huy Mai làm lễ Đặt viên đá đầu tiên ngày 22/4/1990 và được Đức Giám mục Giuse Trịnh Chính Trực làm Lễ Cung hiến ngày 25/1/1991
Từ tháng 5/2015 bắt đầu trùng tu toàn bộ Nhà thờ hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập Giáo xứ.

I/ Quá trình hình thành:
1/ Sau năm 1954: 
Nhiều gia đình gốc Địa phận Vinh di cư từ Bắc vào Nam tìm nơi sinh sống, lập nghiệp. Trong đó, một số đông quy tụ tại La gi, thuộc Giáo phận Phan Thiết.
Năm 1956, Đoàn người tiên phong cùng với Cha Gioan Baotixita Phan Xuân Bang là các ông: ông Tùy, ông Nghĩa, ông Tuyển, ông Phước, ông Mỹ, ông Lai, ông Đôn, ông Tứ, thầy Tâm, và một số bà con. Từ La Gi quyết định đi tìm nơi định cư mới tại Ban Mê Thuột thuộc cao nguyên Đăk Lăk.
Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền sở tại và bà con đồng bào sắc tộc với các Nài voi dẫn đường, đoàn người đã đến thăm dò, khảo sát tường tận. Nhận thấy vùng đất này tương đối bằng phẳng, phì nhiêu, cây cối xanh tốt, dân cư tại chỗ còn thưa thớt. Bên cạnh đó ở đây còn có một hồ nước rộng, và một suối nước có thể đáp ứng được cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt. Cha Già Gioan Baotixita và đoàn đại diện quyết định chọn nơi đây làm chỗ định cư lâu dài.
Sau khi về lại La-Gi, Cha Gioan Baotixita cử một số người có sức khỏe, tháo vát trở lên Ban Mê Thuột đến tại địa danh mà sau này được đặt tên là Làng Trung Hòa để khai hoang, phát dọn, làm nhà tạm và đón bà con lên chính thức lập nghiệp, khai sinh nên Giáo xứ Vinh Hòa ngày nay…
Bước đầu đến định cư tại Vinh Hòa gồm có: Trung Hòa 57 gia đình, Vạn Phần 22 gia đình, Yên Đại 19 gia đình. Vạn sự khởi đầu nan, dưới sự điều hành của cha Gioan Baotixita, mọi người đồng tâm, hiệp lực ra sức phát dọn, phân lô mở đường, dựng một nhà nguyện tạm thời bằng lều bạt để có nơi dâng thánh lễ và đọc kinh sớm tối. Cuộc sống mới tuy còn khổ cực đã bắt đầu được hình thành.
2/ Ổn định cuộc sống
Ban Định Cư:
Để ổn định chỗ ở mới, Cha Gioan Baotixita Phan Xuân Bang thành lập Ban định cư, nhằm quy hoạnh, xây dựng Giáo xứ trở nên có quy cũ, bài bản. Ban đại diện gồm có:Ô. Nguyễn Hữu Tự làm trưởng ban, Ô. Phùng Bá Tài làm Phó Ban, và một số vị khác làm ủy viên. Lúc này Giáo xứ được gọi là Giáo xứ toàn tòng.
+ Các con đường làng được phân ngang dọc, ngay hàng thẳng lối theo ô bàn cờ, từng lô có cột mốc bê tông làm chuẩn, mỗi vườn ở 3 sào được chia nối tiếp nhau trong khu vực 1km2. Khu hành chính, Trạm y tế, chợ, trường học được thiết kế hai bên đường dẫn vào Nhà thờ (nằm ở chính giữa), nghĩa trang nằm cách xa khoảng 1 km ở phía sau Nhà thờ. Ngoài đất vườn, mỗi gia đình được cấp thêm 5 sào đất rẫy để canh tác. lúc này làng được mệnh danh là Làng định cư kiểu mẫu Trung Hòa.
Hội đồng Giáo xứ đầu tiên được bầu ra gồm Ô. Nguyễn Hữu Tùy làm Chủ tịch, Ô. Trần Văn Tuyển Phó Chủ tịch và Ô. Phạm Thành Tâm làm thư ký.
Năm 1957 có thêm 16 gia đình thuộc Giáo xứ Cầu Rầm, 10 gia đình thuộc Giáo họ Yên Lĩnh, 70 gia đình thuộc Giáo xứ Thọ Ninh, 02 gia đình thuộc Giáo xứ Đông Tràng đến gia nhập. Lúc này tổng số gia đình trong Giáo xứ đã lên đến 184 gia đình với 744 giáo dân.
3. Phát triển theo thời gian:
- Ngày 24/5/1959, bắt đầu xây dựng ngôi Nhà thờ kiên cố đầu tiên có diện tích 336m2, và Nhà xứ 03 gian mái lợp tôn, toàn bộ tường được làm bằng cốt tre, trét vữa xi măng. Trường tiểu học bằng gỗ mái tôn, vách ván cũng được dựng lên để cho con em trong Giáo xứ được đến trường.
- Về đời sống kinh tế, học từ các đồn điền của người Pháp ở lân cận, nhiều gia đình đã theo trồng cà phê. Nhờ thổ nhưỡng phù hợp, cây cà phê phát triển tốt và đạt năng suất cao, sau này trở thành nguồn thu nhập chủ yếu cho các gia đình.
- Năm 1964, xây Hang đá Đức Mẹ, dựng tháp chuông bốn cột lợp mái bằng gỗ.
Sau một thập niên với lòng nhiệt thành cống hiến tài trí,sức lực dựng xây Giáo xứ và chăm lo cho đoàn chiên về mọi mặt, ngày 27/7/1966, vì tuổi già sức yếu Cha Già G.B Phan Xuân Bang được về nghỉ hưu tại Giáo xứ.
Ngày 02/8/1966, bề trên bổ nhiệm cha Antôn Vũ Thanh Lịch về làm Quản xứ.
Ngày 15/8/1967, Giáo phận Ban Mê Thuột chính thức được thành lập tách từ Giáo phận mẹ Kon Tum. Từ đây, Giáo xứ Vinh Hòa được trực thuộc về Giáo phận Ban Mê Thuột.
Cha Antôn Vũ Thanh Lịch đã xây dựng trường học, học vấn của con em trong GIÁO XỨ được chú ý coi trọng, lúc này nhiều Hội Đoàn đươc thành lập.
Năm 1969, Cha Antôn Đỗ Văn Tài được bổ nhiệm về làm Quản xứ. Trong giai đoạn này thành lập Đoàn Thanh Sinh Công, Hùng Tâm Dũng Chí và tiếp tục bổ sung và kiện toàn các Hội đoàn đi vào sinh hoạt ngày càng lớn mạnh. Hội trường Giáo xứ rộng 144m2, trường tiểu học tư thục Trung Hòa tiếp tục được xây dựng.
- Ngày 02/4/1973, Cha Đaminh Hà Duy Khâm về coi sóc Giáo xứ. Nhà thờ được nối thêm một gian và làm thêm gác đàn bằng gỗ.
Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất. Song song với những khó khăn về đời sống trong thời kỳ khôi phục và tái thiết sau chiến tranh, các sinh hoạt của Giáo xứ cũng có nhiều thay đổi.
- Ngày 13/12/1975, quý nữ tu Cộng đoàn Nữ Vương Hòa Bình bắt đầu được cử về giúp Giáo xứ cho đến nay.
- Từ ngày 29/9/1978, Giáo xứ vắng Linh mục coi sóc. Hoàn cảnh lúc bấy giờ thiếu thốn về nhiều mặt. Mọi công việc hầu như nhờ vào sự tận tình, nhiệt tâm của cụ trùm Phêrô Trần Văn Quế đảm trách.
- Bốn năm sau, ngày 27/9/1982, bề trên bổ nhiệm Cha GB Hồ Sĩ Cai về trông coi Giáo xứ. Một đặc điểm của thời kỳ này là việc hình thành các Nông trường cà phê Việt Đức ở chung quanh tạo nên các điểm dân cư mới. Đây là thời kỳ Giáo xứ phát triển nhanh nhất về số lượng giáo dân theo dân số cơ học, có thêm rất đông các gia đình từ miền Bắc và các nơi khác tập trung về lập nghiệp ở các vùng lân cận. Theo đó các Giáo họ mới cũng được thành lập:
- Năm 1984: Giáo họ Vạn Lộc I với 28 gia đình.
- Năm 1987: Giáo họ Vạn Lộc II với 22 gia đình.
- Năm 1989: Giáo họ Tân Hòa với 400 gia đình và Giáo họ Vinh Trung với 30 gia đình được ra đời.
* Sau nhiều năm tồn tại, ngôi Nhà thờ cột gỗ mái tôn của Giáo xứ dần xuống cấp, Ngày 19/03/1990 Một ngôi Nhà thờ mới đã được khởi công xây dựng và là Nhà thờ lớn, rộng nhất trên địa bàn Tây nguyên lúc bấy giờ với diện tích 1.200m2.
-Ngày 22/11/1991, Bề trên bổ nhiệm cha Augustinô Hoàng Đức Toàn về làm Quản xứ. Các Đoàn thể được lập lại theo từng lứa tuổi, có Thánh lễ và các ca đoàn riêng.
Năm1992, xây dựng tháp chuông mới cao 32m. Và cũng trong thời gian này GH Việt Đức gồm 71 GĐ và GH Gioan Baotixita có 36 GĐ được thành lập.
Năm 1994, xây dựng Nhà xứ, trải nhựa nền sân chung quanh Nhà thờ, xây dựng nhà CĐ NVHB
Sau thời gian vất vả, lao tâm khổ tứ với việc xây dựng nhiều công trình của Giáo xứ, bệnh cũ tái phát, Cha Augustinô Hoàng Đức Toàn phải đi điều trị lâu dài, nên trong thời gian này bề trên bổ nhiệm Cha Đaminh Hà Duy Khâm làm Giám quản coi sóc Giáo xứ.
Ngày 01/2/1995 Giáo xứ Vinh Hòa long trọng cung nghinh vào Thánh đường Tượng Đức Mẹ Maria được làm bằng gỗ sồi nguyên khối tại Fatima, nước Bồ Đào Nha. Tượng đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II làm phép tại nhà nguyện Hiện Ra ngày 13/5/1992 trong dịp Ngài hành hương tới đây. Tượng do một số ân nhân tại nước ngoài dâng cúng và đã được Cha P.X Hoàng Văn Nghĩa, người con Giáo xứ rước về Việt Nam đầu năm 1995.
- Ngày 02/9/1995 – 16/8/1999, Cha Gioan Baotixita Nguyễn Đình San được cử về làm Phó xứ. Năm 1996, xây dựng trường Mẫu giáo Dân lập Trung Hòa. Xây dựng và cải tạo vùng hồ thành điểm vui chơi giải trí sinh thái, trồng nhiều cây xanh và cây cảnh, cải tạo môi sinh. Thực hiện công trình chở đất đắp sình hoang thành sân vận động, là nơi diễn ra nhiều sinh hoạt văn hóa thể thao của Giáo xứ.
- Năm 1997, xây dựng Tượng đài Đức Mẹ.
- Năm1999, Bề trên bổ nhiệm cha GB Nguyễn Minh Hảo về làm Quản xứ
- Năm 2000 đến năm 2007. Cha Phêrô Nguyễn Văn Thái được bổ nhiệm làm Phó xứ.
- Năm 2000 thành lập Cộng đoàn Sắc Tộc hoạt động ngang tầm với Giáo họ biệt lập, hàng tuần và các ngày lễ trọng có Thánh lễ và các giờ chầu dành riêng, đội Cồng chiêng ra đời và duy trì hoạt động đều đặn.
- Ngày 22/6/2001,do tuổi già sức yếu Cha già Gioan Baotixita Phan Xuân Bang, Người cha sáng lập Giáo xứ đã được Chúa gọi về tại nhà hưu dưỡng Giáo phận Ban Mê Thuột, trong niềm tiếc thương vô hạn của cộng đoàn Giáo xứ. Linh cửu Ngài được an táng bên cạnh Tượng đài Đức Mẹ Giáo xứ như ước nguyện lúc sinh thời.
- Năm 2003, nhờ sự đóng góp của bà con trong Giáo xứ và những người con của Giáo xứ ở nước ngoài, đường ra Đất Thánh đã được trải nhựa, xây dựng kiên cố tường rào bao quanh, bê tông hoá các đường nội bộ, xây mới Lễ đài. Từ đây hàng tháng có thánh lễ cầu cho các ân nhân, thân nhân đã qua đời diễn ra một cách đều dặn.
- Ngày 03/9/2005 đến ngày 03/6/2011, Cha Giuse Phùng Quốc Hiếu về làm Phó xứ.
Trong thời gian này, thành lập thêm các Ban mới như: Ban Sinh hoạt Đức tin, Ban Lịch sử Truyền thống, Ban Văn hóa Thể thao (nay được gọi là Ban Văn hóa Truyền thông), Ban Bác ái xã hội, Ban truyền giáo, Ban Xây dựng, v.v…
Ngày 27/12/2005, Giáo họ Vinh Trung được tách lên hàng giáo xứ.
Ngày 27/9/2006, Giáo xứ tổ chức mừng hồng ân Kim Khánh
Ngày 14/12/2007 đến ngày 17/1/2015: Cha Giuse Trịnh Văn Hân về làm Quản xứ,
Ngày 03/6/2011 GH Tân Hòa được nâng lên hàng Giáo xứ.
Trong thời gian này các sinh hoạt đức tin không ngừng được củng cố và phát triển. Giáo xứ vinh dự được thay mặt Giáo phận tổ chức Thánh lễ làm phép Dầu năm 2014.
Vùng Suối cũng được cải tạo, nâng cấp thành nơi cho các em thiếu nhi sinh hoạt bơi lội mỗi khi hè đến.
Ngày 20/10/ 2010 đến ngày 08/01/2014, Cha Phêrô Trần Thanh Trực được chỉ định làm phó xứ.
Từ ngày 09/01/2014, Cha G.B Nguyễn Tiến Đạt được cử về phục vụ tại Giáo xứ cho đến nay.
Ngày 23/01/2015, Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản bổ nhiệm Cha G.B Nguyễn Minh Tâm làm Quản xứ Giáo xứ Vinh Hòa cho đến nay...
Vào dịp kỷ niệm hồng ân 60 năm (2016), Giáo xứ đã trùng tu lại Nhà thờ, Đất Thánh, Nhà Sinh hoạt, làm mới 14 Chặng Đàng Thánh Giá tại Quảng Trường Giáo xứ, tiếp tục cải tạo vùng hồ suối và nhựa hóa hầu hết các con đường làng trong Giáo xứ .
Giáo xứ Vinh Hòa từ ngày đầu khai sinh có số dân khiêm tốn 98 gia đình với 600 giáo dân, trải qua 60 năm hình thành và phát triển. hiện nay đã lên đến 2167 gia đình với xấp xỉ 10 ngàn Giáo dân. (chưa kể hai Giáo xứ được chia tách là Vinh Trung và Tân Hòa).Trong Giáo xứ hiện có 11 Giáo họ. Riêng Cộng đoàn Sắc Tộc với 814 gia đình với 3950 giáo dân và đã có một chủng sinh và một nữ tu đi theo ơn gọi.
Hiện nay Giáo xứ có 05 Đoàn thể, nhiều Hội đoàn, Ban ngành, Ca đoàn hoạt động tích cực. Về văn hóa có người là tiến sĩ, giảng viên đại học, nhiều bác sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư và nhiều sinh viên đang theo học trong các trường Đại học, Cao đẳng trong và ngoài nước.
Đến thời điểm hiện nay, đã có 44 Linh mục gốc Giáo xứ, và 171 tu sĩ nam nữ trong tổng số 215 ơn gọi đang phục vụ trên cánh đồng truyền Giáo bao la của Giáo Hội.
Xin cảm tạ hồng ân Thiên Chúa đã thương ban cho Giáo xứ trong suốt hành trình 60 năm qua, với sự bảo trợ của Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ, Xin lòng Chúa thương xót đồng hành và hiện diện với mỗi người, để chúng con luôn sống xứng đáng là người con Giáo xứ Vinh Hòa và biết chăm lo việc xây dựng giáo Hội và xã hội ngày càng phát triển về mọi mặt trong tinh thần sống đạo giữa lòng dân tộc.
Để được như ngày hôm nay, Cộng đoàn Giáo xứ chúng con xin cám ơn quý Đức Cha Giáo phận đã giang rộng vòng tay đón nhận và luôn thương yêu, dìu dắt chúng con từ những ngày đầu mới đến định cư tại Giáo phận Ban Mê Thuột cho đến hôm nay.
Chúng con luôn ghi lòng tạc dạ những công lao to lớn của Cha Già cố G.B Phan Xuân Bang, Cha G.B Nguyễn Đình San, Cha Antôn Đỗ Văn Tài, Cha G.B Hồ Sĩ Cai, quý cha tiền nhiệm, cha chính cha phó và các bậc tiên nhân đã hy sinh biết bao mồ hôi nước mắt gầy dựng và vun đắp nên một Giáo xứ Vinh Hòa tươi đẹp.
Trên đây là lược sử tóm tắt quá trình hình thành và phát triển của Giáo xứ Vinh Hòa trong 60 năm qua dựa theo sử liệu của Giáo xứ….
Nguồn: Website Giáo phận Ban Mê Thuột (8/7/2016)


 

THÔNG TIN BỔ SUNG: (năm 2018)
Từ ngày 10.6.2018: Cha phó Giuse Đậu Đình Hà


Bổ nhiệm Linh mục Quản xứ - Tháng 7.2018:

- Cha Giuse Nguyễn Văn Quang (Phó xứ Vinh Hòa): Quản xứ Thuận Hòa – hạt Chính Tòa

Thông tin bổ sung:

* Thuyên chuyển Linh mục:
- Cha Micae Trần Kim Chinh (Quản xứ Kim Hòa) Hưu dưỡng tại TGM.
- Cha Gioan Nguyễn Sơn (Linh hướng Chủng viện LBT) Nghỉ bệnh tại TGM.
- Cha GB. Hà Văn Ánh (Quản xứ Hòa Tiến) Quản xứ Kim Hòa - hạt Giang Sơn.
- Cha PX. Nguyễn Ngọc Hoàng (Quản xứ Châu Ninh) Quản xứ Nam Thiên – hạt Buôn Hô.
- Cha Phêrô-Khoa Phạm Văn Hùng, CMR (Phó xứ Châu Ninh) Quản xứ Châu Ninh - hạt Phước Long.
- Cha Giacôbê Phạm Xuân Lương (Quản xứ Nam Thiên) Quản xứ Thánh Linh – hạt Mẫu Tâm.
- Cha Phêrô Nguyễn Văn Phương, OP (Quản xứ Thánh Linh) Quản xứ Hòa Nam – hạt Mẫu Tâm.
- Cha GB. Nguyễn Văn Thiện (Phó xứ Tân Lợi) Phụ trách Giáo họ Êa Lê (Tân Lợi – hạt Mẫu Tâm).
- Cha Phêrô Nguyễn Đức Cường (Phó xứ Vinh Đức) Phó xứ Phước Bình – hạt Phước Long.
- Cha Giuse Đậu Đình Hà (Phó xứ Vinh Hòa) Phó xứ Vinh Đức - hạt Buôn Hô.
- Cha Phêrô Vũ Văn Hiếu, OP (Phó xứ Quảng Nhiêu) Phó xứ Quảng Phú – hạt Đăk Mil.
- Cha Giuse Nguyễn Huy Hoàng (Phó xứ Kitô-Vua) Phó xứ Đông Sơn - hạt Giang Sơn.
- Cha Phaolô Cao Đình Quang (Phó xứ Kim Hòa) Phó xứ Buôn Hằng – hạt Chính Tòa.
- Cha Tôma Nguyễn Quốc Thịnh (Phó xứ Quảng Phúc) Phó xứ Kitô Vua – hạt Đăk Mil.
- Cha Giuse Nguyễn Văn Thược, SMV (Phó xứ Đông Sơn) Phó xứ Quảng Phúc – hạt Gia Nghĩa.
- Cha Antôn Lê Công Văn (Phó xứ Buôn Hằng) Phó xứ Thuận Tâm – hạt Chính Tòa.
- Cha GB. Hoàng Nguyên Vũ (Phó xứ Thuận Tâm) Phó xứ Vinh Hòa - hạt Giang Sơn.
* Linh mục Quản hạt Buôn Hô:
Ngày 31/8, Đức Giám mục GP đã bổ nhiệm Cha Matthêu Nguyễn Quang Tuấn (Quản xứ Phú Lộc) làm Quản hạt Giáo hạt Buôn Hô.

(theo Thông tin tháng 9/2019 của VP.TGM)



 

 
 Tags: Vinh Hòa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây