TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lịch sử và truyền thống của Thứ Bảy Tuần Thánh

Thứ sáu - 15/04/2022 10:21 |   1402
Thứ Bảy Tuần Thánh, Giáo hội ở bên cạnh mồ Chúa để suy niệm việc Chúa chịu thương khó, chịu chết và xuống ngục tổ tông; đồng thời ăn chay và cầu nguyện để trông đợi Chúa Phục Sinh.
Lịch sử và truyền thống của Thứ Bảy Tuần Thánh

Lịch sử và truyền thống của Thứ Bảy Tuần Thánh

 
  •  
    •  


LỊCH SỬ VÀ TRUYỀN THỐNG CỦA THỨ BẢY TUẦN THÁNH
D. D. Emmons

WHĐ (15.4.2022) - Nếu có mặt vào thời điểm cử hành Lễ Vượt Qua ở Giêrusalem vào năm 30, chúng ta có thể nghe kể về một Công nghị Do thái đã bắt giữ, xét xử và kết án Chúa Giêsu người Nazarét về tội phạm thượng, một tội danh có thể bị kết án tử hình theo luật Do thái. Nhưng người Do thái không có đủ thẩm quyền để thực hiện bản án này, nên họ đã nại đến Philatô, viên Tổng trấn Roma, để kết án Chúa Giêsu về tội phản loạn chống lại Roma. Mặc dù không thể tìm ra lỗi nghiêm trọng nào nơi Chúa Giêsu, nhưng vì bị khuất phục trước yêu cầu của người Do thái, Philatô đã kết án đóng đinh Người. Và thực, Chúa Giêsu đã chết trên thập giá và được mai táng trong mồ.

Ngay sau ngày Chúa Giêsu bị đóng đinh là ngày Sabát của người Do Thái, ngày dành riêng cho Thiên Chúa, không ai được làm bất cứ việc gì. Đó là thứ Bảy, ngày mà chúng ta gọi là Thứ Bảy Tuần Thánh - một phần của Tam Nhật Vượt Qua. Nỗi đau buồn của các môn đệ chắc hẳn càng tăng lên vào ngày hôm nay vì những biến cố của ngày Thứ Sáu. Làm sao người mà họ gọi là Đấng Mêsia lại có thể chết được? Làm sao điều thảm khốc này lại có thể xảy ra? Ngày nay, khi trải nghiệm sự u ám của Thứ Bảy Tuần Thánh, chúng ta có lẽ cũng có chút bối rối, mặc dù chúng ta đã biết câu chuyện kết thúc như thế nào rồi. Đây là một ngày ảm đạm và tăm tối, nhưng sự u ám và bóng tối cuối cùng đã nhường chỗ cho niềm vui và ánh sáng. Đấng Cứu Độ chúng ta đã phục sinh. Người đã bước ra khỏi mồ.

Lính canh tại ngôi mộ

Chỉ duy Phúc âm Matthêu đề cập đến các sự kiện diễn ra vào ngày Sabát, Thứ Bảy Tuần Thánh. Ngay sau ngày Đức Giêsu bị đóng đinh, những người Do Thái (người Pharisiêu) đã đến gặp Philatô và yêu cầu ông cho lính canh gác mộ của Người (x. 27, 63-65). Họ nói với Philatô: “Thưa ngài, chúng tôi nhớ tên bịp bợm ấy khi còn sống có nói: ‘Sau ba ngày, Ta sẽ chỗi dậy’. Vậy xin quan lớn truyền canh mộ kỹ càng cho đến ngày thứ ba, kẻo môn đệ hắn đến lấy trộm hắn đi, rồi phao với dân là hắn đã từ cõi chết chỗi dậy. Và như thế, chuyện bịp bợm cuối cùng này sẽ còn tệ hại hơn chuyện trước". Philatô đồng ý, và lính đã được phái đến để canh gác ngôi mộ.

Thật là trớ trêu, khi những kẻ chống đối Đức Kitô thì nghĩ rằng Người sẽ sống lại từ cõi chết nhưng những người thân của Người lại có vẻ như không chắc về điều này lắm. “Sau ngày sabát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Maria Mácđala và một bà Maria khác, đi viếng mộ. Và kìa, đất rung chuyển dữ dội: thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên; diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết. Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy và hóa ra như chết” (Mt 28, 1-4).

Thiên thần nói với các bà rằng “Người không có ở đây, vì Người đã chỗi dậy như Người đã nói” (Mt 28, 6). Các lính canh liền đến gặp các thượng tế, báo cáo tình hình và được mua chuộc để nói rằng “Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm hắn đi” (Mt 28, 13). Làm sao họ có thể biết được ai đã đánh cắp xác khi họ đang ngủ, điều này vô hình trung tiết lộ lời nói dối của họ. Trong khi người Do Thái cử hành ngày Sabát, lính canh người Roma ngủ tại mộ, thì Chúa Giêsu thực hiện một phép lạ!

Xuống ngục Tổ tông

Ngoài những cảm xúc mang lại cho chúng ta, ngày Thứ Bảy Tuần Thánh còn xảy ra một sự việc khác, sự việc mà chúng ta thường bỏ qua hoặc chưa nhận thức được cách thấu đáo. Đây cũng là sự việc không được Kinh thánh đề cập: “Người đã xuống ngục Tổ tông”. Câu này được trích từ Kinh Tin Kính các Tông đồ - một tín điều mà mọi người Công giáo đều phải tin. Chúa Giêsu xuống ngục Tổ tông, nơi mà Người, mặc dù bị đóng đinh, bị chết và bị mai táng, đã thực hiện một phép lạ khác: “Tình yêu thâm nhập địa ngục” (Đức Bênêđíctô XVI, ngày 2. 5. 2010).

Các Giáo Phụ và những nhà thần học đã giải thích rằng “ngục tổ tông” như được sử dụng trong Kinh Tin Kính các Tông đồ không ám chỉ đến nơi bị nguyền rủa vĩnh viễn. Không, nơi Chúa Giêsu xuống là “Sheol”, tiếng Do Thái có nghĩa là âm phủ. Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo dạy rằng: “Thánh Kinh gọi nơi ở của những người chết, mà Đức Kitô khi chết đã xuống, là âm phủ, Sheol (tiếng Do-thái) hoặc Hades (tiếng Hy-lạp), bởi vì những kẻ ở đó không được nhìn thấy Thiên Chúa… Chúa Giêsu không xuống ngục tổ tông để giải thoát những kẻ đã bị kết án hoặc để phá hủy địa ngục đọa đày, nhưng để giải thoát những người công chính đã chết trước khi Người đến” (GLCG số 633). Chúa Giêsu phân biệt hoả ngục là nơi “giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt” (Mc 9, 48). Chúa Giêsu không xuống hoả ngục.

Cho đến khi Chúa Giêsu bị đóng đinh, những người “công chính” từ mọi thời đại kể từ thời sơ khai đã chờ đợi trong ngục tổ tông để vào thiên đàng; giờ đây, Chúa Giêsu ban cho họ sự sống đời đời trong sự hưởng kiến Thiên Chúa. Một đoạn của bài giảng cổ xưa về ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, được đọc trong Giờ Kinh Sách Thứ Bảy Tuần Thánh, đã viết: “Bây giờ, Ta phán, và dùng quyền ra lệnh cho những kẻ đang bị xiềng xích: Hãy ra khỏi đây!, cho những ai đang ngồi nơi tăm tối: Bừng sáng lên!, cho những kẻ đang ngủ mê: Hãy chỗi dậy! Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ! Ta đâu dựng nên ngươi để ngươi bị giam cầm trong cõi âm ty… Chỗi dậy đi nào, chúng ta ra khỏi đây!

Đức Giáo hoàng Phanxicô thắp nến Phục sinh khi cử hành Lễ Vọng Phục sinh tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, Vatican vào năm 2020.

Canh thức Vượt qua

Trong lịch sử Giáo hội, không phải lúc nào Lễ Vọng Phục sinh cũng bắt đầu vào đêm Thứ Bảy Tuần Thánh. Vào khoảng thế kỷ thứ IV, một buổi canh thức đêm thứ Bảy bao gồm Nghi thức Ánh sáng, Phụng vụ Lời Chúa, Phụng vụ Rửa tội và Phụng vụ Thánh Thể, kéo dài đến nửa đêm đã được cử hành rộng rãi. Bắt đầu vào thế kỷ thứ VIII, canh thức bắt đầu vào chiều thứ Bảy, và vào thế kỷ thứ XII, canh thức được chuyển sang sáng sớm thứ Bảy. Vào năm 1566, Thánh Giáo hoàng Piô V đã ban hành một sắc chỉ nghiêm cấm bất kỳ Thánh lễ nào bắt đầu sau buổi trưa Thứ Bảy Tuần Thánh; do đó, việc thực hành canh thức vào sáng Thứ Bảy là điều bắt buộc. Việc cử hành canh thức vào ban ngày một phần là do Thứ Bảy Tuần Thánh là ngày ăn chay ngặt, và mọi người nhịn ăn cho đến sau khi họ Rước lễ, nên canh thức ban đêm, thì quá muộn.

Việc cử hành các nghi lễ canh thức vào ban ngày có vẻ lạ lẫm đối với chúng ta ngày nay, và chúng ta không đơn độc với những suy nghĩ như vậy. Ví dụ, vào năm 1914, Cha Herbert Thurston đã viết trong cuốn sách của ngài có tựa đề “Mùa Chay và Tuần Thánh,” rằng “thật khó để chúng ta thuyết phục mình rằng: vào sáng thứ Bảy, mặt trời đã lặn, sự canh thức của chúng ta đã gần hoàn thành, đã hơn 24 giờ trôi qua kể từ khi Chúa Giêsu được đặt trong mồ. Tuy nhiên, đó là nỗ lực của trí tưởng tượng mà Giáo hội đòi hỏi chúng ta phải thực hiện.” Sự quyết định thời gian đã loại bỏ tính biểu tượng liên quan đến Nghi thức Ánh sáng, cũng như những cử hành thánh trong bóng tối giúp suy niệm về sự sống lại của Chúa Giêsu vào buổi sáng Phục sinh. Và rồi, vào những năm 1950, sau gần 10 thế kỷ, Giáo hội bắt đầu trở lại với việc canh thức vượt qua sau khi trời tối vào đêm Thứ Bảy Tuần Thánh.

Không có việc cử hành lễ mừng

Ở một số địa phương Công giáo Roma, Thứ Bảy Tuần Thánh là thời gian chỉ để chuẩn bị cho Lễ Vọng Phục sinh và có lẽ, để làm phép bánh Phục sinh. Mẹ Giáo hội nói với chúng ta rằng không được phép có thánh lễ cho đến khi canh thức, Mình Thánh chỉ được mang cho kẻ liệt, và cũng không được cử hành nghi thức hôn phối. Với các quy tắc liên quan đến Thứ Bảy Tuần Thánh, Giáo hội đã đưa ra những khuyến nghị về các hoạt động có thể dẫn các tín hữu Công giáo Roma đến gần hơn với ý nghĩa của ngày này.

Trong Thông tư của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật các Bí Tích về việc chuẩn bị và cử hành Đại lễ Phục sinh được công bố vào tháng 2. 1988 có viết rằng: “Thứ Bảy Tuần Thánh, Giáo hội ở bên cạnh mồ Chúa để suy niệm việc Chúa chịu thương khó, chịu chết và xuống ngục tổ tông; đồng thời ăn chay và cầu nguyện để trông đợi Chúa Phục Sinh. Hôm nay, cố gắng hết sức để có thể cử hành giờ Kinh Sách và Kinh Sáng chung với giáo dân. Ở đâu không cử hành được thì cử hành Phụng vụ Lời Chúa hoặc làm các việc đạo đức khác thích hợp với mầu nhiệm cử hành hôm nay. Nên trưng bày trong nhà thờ hình ảnh Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thánh giá, hoặc táng xác trong mồ, hoặc xuống ngục tổ tông minh hoạ mầu nhiệm ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, cũng như hình ảnh Đức Mẹ Sầu Bi, để giáo dân suy niệm và cầu nguyện”.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: Our Sunday Visitor (29.3.2022)



https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/lich-su-va-truyen-thong-cua-thu-bay-tuan-thanh-44852

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây