TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BA TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 13/01/2025 13:32 |   163
“Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát.” (Mc 2,23-28)

21/01/2025
Thứ ba tuần 2 thường niên
Thánh Anê, trinh nữ, tử đạo

t3 t2 TN

Mc 2,23-28


chúa là chủ thời gian
“Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát.” (Mc 2,23-28)

Suy niệm: Ngày sa-bát của người Do Thái tiên báo và tiên trưng cho Ngày thứ Nhất trong tuần, ngày Đức Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, ngày trở thành Chúa Nhật, tức là Ngày của Chúa. Khi xác quyết rằng “Con Người làm chủ ngày sa-bát,” Chúa Giê-su muốn nói rằng Thiên Chúa đã ban ngày sa-bát cho dân Do Thái, thì Ngài với tư thế là Ngôi Hai Thiên Chúa, có quyền đem lại ý nghĩa đích thực cho ngày sa-bát, cũng như qui định, giải thích ý nghĩa ấy. Ý nghĩa ấy là tôn vinh Thiên Chúa và phục vụ cho thiện ích của con người. Chúa là chủ của ngày sa-bát, là chủ của thời gian. Con người có thể đặt ra một số luật lệ làm cho thời gian thêm ý nghĩa, nhưng không được lạm dụng, đưa ra những qui định khắt khe giữ luật ngày nghỉ, làm méo mó khuôn mặt yêu thương của Thiên Chúa, Đấng ưu ái ban cho con người ngày nghỉ ngơi hằng tuần.

Mời Bạn: Thánh hóa ngày Chúa Nhật vừa vươn tới Thiên Chúa, Đấng ban tặng ngày ấy cho mình, vừa mang tính nhân văn, hướng về tình yêu thương đồng loại. Bạn ghi nhớ hai chiều của việc thánh hóa Chúa nhật hầu có thể tôn vinh Thiên Chúa qua việc dâng lễ, và phục vụ tha nhân bằng việc thăm nom, nâng đỡ người thân cận.

Sống Lời Chúa: Ngày Chúa Nhật bạn ưu tiên dành thời gian tham dự thánh lễ, thăm viếng, ủi an những người neo đơn bất hạnh, cũng như quan tâm săn sóc con cái, gia đình…

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa vẫn có đó, hôm qua cũng như hôm nay và như vậy mãi đến muôn đời. Xin cho con đừng bao giờ đổi thay tình con với Chúa. Xin cho con cảm nhận nhu cầu cần gặp gỡ Chúa mỗi ngày Chúa Nhật.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ ba tuần 2 thường niên

 

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, toàn thể địa cầu thờ lạy và ca khen Chúa, lạy Đấng Tối Cao toàn thể Đất Nước ca khen thánh danh của Ngài.

Lời nguyện nhập lễ      

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa điều khiển hết mọi loài trên trời dưới đất; xin dủ thương chấp nhận lời dân Chúa khẩn cầu và ban cho thời đại chúng con được bình an. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (năm I) Dt 6, 10-20

“Chúng ta có một niềm tin đặt trước mặt như chiếc neo chắc chắn và bền vững”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, Thiên Chúa không bất công đến nỗi quên công trình của anh em và lòng bác ái anh em đã tỏ ra vì danh Người, anh em là những người đã phục vụ và hiện đang phục vụ các thánh. Chúng tôi mong ước mỗi người anh em thi thố cũng một lòng hăng hái đó để giữ vững niềm hy vọng đến cùng, ngõ hầu anh em không trễ nải, nhưng sẽ noi gương những kẻ nhờ tin tưởng và kiên nhẫn mà hưởng thụ các điều đã hứa.

Quả thật, khi Thiên Chúa hứa cùng Áp-ra-ham, Người không dựa vào ai lớn hơn mà thề, nhưng dựa vào chính Mình mà thề rằng: “Ta sẽ chúc phúc cho ngươi và sẽ cho ngươi sinh sản ra nhiều”. Do đó, Áp-ra-ham kiên nhẫn chờ đợi, nên được hưởng lời hứa. Vì chưng, loài người dựa vào kẻ lớn hơn mình mà thề, và lời thề được coi như bảo chứng chấm dứt mọi tranh tụng. Cũng vậy, vì Thiên Chúa muốn minh chứng cho những kẻ hưởng thụ lời hứa ý định bất di bất dịch của Người, nên đã làm lời thề, để nhờ hai điều bất di bất dịch mà Thiên Chúa không thể sai lời, thì chúng ta là những người tìm ẩn náu nơi niềm hy vọng đã ban cho chúng ta, chúng ta có một nguồn yên ủi chắc chắn. Trong niềm hy vọng đó, linh hồn chúng ta có một chiếc neo chắc chắn và bền vững, cắm vào tận bên trong bức màn, nơi Ðức Giê-su đã vào như vị tiền phong của chúng ta, Người được phong làm Thượng tế đến muôn đời theo phẩm hàm Men-ki-xê-đê.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 110, 1-2. 4-5. 9 và 10c

Ðáp: Cho tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước (c. 5b).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Tôi sẽ ca tụng Chúa hết lòng, trong nhóm hiền nhân và trong Công hội. Vĩ đại thay công cuộc của Chúa tôi, thực đáng cho những người mến yêu quan tâm học hỏi.

Xướng: Chúa đã làm những điều lạ lùng đáng nhớ, Người thật là Ðấng nhân hậu từ bi. Chúa đã ban lương thực cho những ai tôn sợ Người, cho tới muôn đời Người vẫn nhớ lời minh ước.

Xướng: Chúa đã gởi tặng ơn giải phóng cho dân Người, đã thiết lập lời minh ước tới muôn đời, danh Người thực là thánh thiện và khả uý. Lời khen ngợi Chúa còn tồn tại đến muôn đời.

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Sm 16, 1-13

“Sa-mu-en xức dầu cho Ða-vít trước mặt các anh em ngài; và Thánh Thần ngự xuống trên ngài”.

Trích sách Sa-mu-en quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Sa-mu-en rằng: “Ta đã loại bỏ Sao-lê không cho cai trị Ít-ra-en nữa, thế mà ngươi còn thương khóc nó đến bao giờ? Ngươi hãy đổ dầu cho đầy bình và lên đường; Ta sai ngươi đến nhà I-sai dân thành Bê-lem. Vì Ta chọn một người con của ông ấy lên làm vua”. Sa-mu-en thưa: “Làm sao mà đi được? Vì nếu Sao-lê hay biết việc đó, ông sẽ giết con”. Chúa nói: “Ngươi hãy tự tay bắt một con bê trong đàn, và nói: ‘Tôi đến để dâng lễ tế lên cho Chúa’. Ngươi sẽ mời Isai đến để dự lễ tế, Ta sẽ tỏ cho ngươi biết việc phải làm, và sẽ chỉ cho ngươi biết phải xức dầu cho ai?”

Vậy Sa-mu-en làm như lời Chúa dạy và đi đến Bê-lem. Các vị kỳ lão trong thành bỡ ngỡ chạy đến Sa-mu-en mà nói rằng: “Ông đem bình an đến chăng?” Ông đáp: “Phải, bình an! Tôi đến để dâng lễ tế cho Chúa. Các ông giữ mình thanh sạch và cùng tôi đến dâng của lễ”. Vậy ông làm cho I-sai và con cái ông ấy được thanh sạch và mời họ đến dâng lễ tế. Khi (họ) vào nhà, Sa-mu-en gặp ngay Ê-li-áp và nói: “Có phải người xức dầu của Chúa đang ở trước mặt Chúa đây không?” Và Chúa phán cùng Sa-mu-en: “Ðừng nhìn xem diện mạo, vóc cao, vì Ta đã loại nó rồi; Ta không xem xét theo kiểu con người, vì chưng con người nhìn xem bên ngoài, còn Thiên Chúa thì nhìn xem tâm hồn”. I-sai gọi A-bi-na-đáp đến và dẫn đến trước mặt Sa-mu-en. Sa-mu-en nói: “Cũng không phải Chúa chọn người này”. I-sai cho dẫn Sam-ma đến. Sa-mu-en lại nói: “Nhưng Chúa cũng không chọn người này”. I-sai lần lượt đem bảy đứa con mình ra trình diện với Sa-mu-en. Sa-mu-en nói với I-sai: “Chúa không chọn ai trong những người này”. Sa-mu-en nói tiếp: “Tất cả con ông có bấy nhiêu đó phải không?” I-sai đáp: “Còn một đứa út nữa, nó đi chăn chiên”. Sa-mu-en nói với I-sai: “Ông hãy sai người đi gọi nó về, vì chúng ta không ngồi vào bàn ăn trước khi nó về”. I-sai sai người đi tìm đứa con út. Ðứa út này có mái tóc hoe, có đôi mắt xinh và gương mặt đẹp. Chúa phán: “Ngươi hãy chỗi dậy, xức dầu lên nó, vì chính nó đó”. Sa-mu-en lấy bình dầu ra, xức lên nó trước mặt các anh em, và Thánh Thần Chúa ngự trong Ða-vít từ ngày đó trở đi. Còn Sa-mu-en đứng dậy trở về Ra-ma.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 88, 20. 21-22. 27-28

Ðáp: Ta đã gặp Ðavít là tôi tớ của Ta 

Xướng: Xưa trong cuộc thị kiến, Chúa đã phán cùng bầy tôi Chúa: “Ta đội mão triều thiên cho vị anh hùng, Ta cất nhắc người được kén chọn tự trong dân. 

Xướng: Ta đã gặp Ða-vít là tôi tớ của Ta. Ta đã xức dầu thánh của Ta cho người, để tay Ta bang trợ người luôn mãi, và cánh tay Ta củng cố thân danh người. 

Xướng: Chính người sẽ thưa cùng Ta: “Chúa là Cha tôi, là Thiên Chúa và Tảng Ðá cứu độ của tôi”. Và Ta sẽ đặt người làm trưởng tử, cao sang hơn các vua chúa ở trần gian.  

Alleluia: Ga 8, 12

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta sẽ được ánh sáng ban sự sống”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 2, 23-28

Ngày Sa-bát làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sa-bát”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.

Vào một ngày Sa-bát, Chúa Giê-su đi qua đồng lúa, môn đệ Người vừa đi vừa bứt lúa. Tức thì những người biệt phái thưa Người rằng: “Kìa Thầy xem. Tại sao ngày Sa-bát người ta làm điều không được phép như vậy?” Người trả lời rằng: “Các ông chưa bao giờ đọc thấy điều mà Ða-vít đã làm khi ngài và các cận vệ phải túng cực và bị đói ư? Người đã vào nhà Chúa thời thượng tế A-bi-a-ta thế nào, và đã ăn bánh dâng trên bàn thờ mà chỉ mình thượng tế được ăn, và đã cho cả các cận vệ cùng ăn thế nào?” Và Người bảo họ rằng: “Ngày Sa-bát làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sa-bát; cho nên Con Người cũng làm chủ cả ngày Sa-bát”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin thương giúp cộng đoàn tín hữu chúng con cử hành thánh lễ này cho xứng đáng. Vì mỗi khi chúng con dâng lễ tưởng niệm cuộc khổ hình của Ðức Ki-tô là chúng con được hưởng ơn cứu chuộc của Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Ca hiệp lễ

Chúa đã dọn ra cho tôi mâm cỗ, và chén rượu tôi đầy tràn chan chứa.

Hoặc đọc:

Chúng ta đã biết, và tin vào tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con cùng được chia sẻ một tấm bánh bởi trời; xin ban Thánh Thần là nguồn mạch tình yêu giúp chúng con cũng biết tâm đầu ý hợp và chân thành yêu thương nhau. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

LUẬT LỆ HAY TÌNH YÊU
Lm. Phêrô Trần Quang Diệu

Trong bài nói chuyện với các chủng sinh Hà Nội nhân dịp các thầy về chúc Tết bề trên giáo phận cuối năm 2023 vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Giu-se đã đề cập đến một trong những nguy cơ về sự ảo tưởng đức tin nơi không ít Ki-tô hữu hiện nay. Theo đó, nhiều người giáo dân hiểu lầm rằng đức tin là những sinh hoạt bên ngoài như thổi tham gia hội kèn, hội trống, những buổi ca nhạc, dâng hoa, và hội hè… Họ tin rằng bao lâu còn tham gia tích cực những hoạt động này, bấy lâu đức tin của họ còn vững mạnh. Họ thực sự an tâm với đời sống đức tin của mình, dựa trên những sinh hoạt bề ngoài ấy, mà không quan tâm đến việc đào sâu mối tương quan cá vị của họ với Thiên Chúa.

Cám dỗ giới hạn đời sống đức tin vào những thực hành bên ngoài cũng được tìm thấy nơi những người Biệt Phái mà chúng ta vừa nghe ở trong Tin mừng hôm nay. Nhóm Biệt Phái bao gồm những người giữ luật cách nghiêm ngặt. Họ thậm chí còn chia nhỏ luật thành những điều khoản nhỏ hơn để đảm bảo không bỏ sót bất kỳ chi tiết nào của lề luật. Chính vì thế, khi thấy các môn đệ của đức Giê-su vì đói mà bứt lúa ăn trong ngày Sa-bát, những người Biệt Phái đã lập tức kết án các ông đã vi pham luật ngày Sa-bát. Đối với nhóm Biệt Phái, không có một lý do nào, dù khẩn cấp hay không khẩn cấp, có thể biện minh cho việc phạm luật ngày Sa-bát. Luật là luật. Không có ngoại trừ. Nhìn vào thực tế xung quanh, lối sống đạo khô cứng này cũng đang phổ biến nơi nhiều người giáo dân. Như đã đề cập ở trên, mối nguy của những người an tâm với việc giữ luật hay lễ nghi bên ngoài là một lúc nào đó họ đánh mất phương hướng trong đời sống đức tin. Họ chỉ còn chạy theo và tôn thờ chính mình qua việc tuân giữ lề luật tỉ mỉ, hơn là đi tìm Thiên Chúa. Càng tuân giữ luật lệ cách tỉ mỉ, người ta càng nghĩ mình thánh thiện và dần dần họ chở nên chúa của chính họ. Lối sống này lâu dần cũng khiến người ta trở nên vô cảm và bất nhân với người khác. Không cần quan tâm đến lý do, họ chỉ tập trung vào việc giữ luật cách máy móc mà thôi.

Chúa Giê-su đã nhiều lần lên án lối sống này. Đối với ngài, tình yêu và lòng thành tín chúng ta dành cho Thiên Chúa mới là đích điểm. Chính bản thân ngài đã tập trung vào mối tương quan cá vị của ngài với Chúa Cha hơn là chú tâm cách thái quá vào việc tuân giữ luật lệ. Những luật lệ hay sinh hoạt bên ngoài chỉ là phương tiện giúp chúng ta đào sâu hay diễn tả mối tương quan cá vị mà chúng ta dành cho Thiên Chúa. Một khi chúng ta quên đi đích điểm này để tập trung vào những hoạt động hay luật lệ bên ngoài, chúng ta đang đi sai đường và cần phải trở lại. Nên nhớ rằng Thiên Chúa làm chủ ngày Sa-bát và tình con thảo của chúng ta dành cho ngài mới là điều quan trọng nhất.

 

TRANH LUẬN VỀ NGÀY HƯU LỄ
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Chúa Giê-su đi ngang đồng lúa với các môn đệ. Các ông đói nên bứt lúa ăn. Nhóm biệt phái thấy vậy thì trách các ông làm việc cấm trong ngày hưu lễ. Chúa hỏi họ: Các ông có biết vua Đa-vít và bạn hữu vua làm gì khi đói không? Vua đã vào đền thờ lấy bánh ăn, thứ bánh mà không ai được ăn chỉ trừ các tư tế. Ngày hưu lễ được lập ra vì loài người, chớ không phải loài người được dựng nên vì ngày hưu lễ. Và chính tôi là chủ của ngày hưu lễ. Tôi có quyền trên ngày hưu lễ.

2. Để hiểu luật nghỉ làm việc trong ngày hưu lễ (Sa-bát) được ghi trong Xh 20,8-11), Linh mục Ca-rô-lô đã giải thích như sau: Nhóm biệt phái chỉ để ý đến mặt chữ, cho nên họ suy nghĩ nông cạn rằng nghỉ là nghỉ. Thậm chí họ còn đưa thêm đến 39 việc không được làm trong ngày sa-bát, trong đó có việc mót lúa và bứt vài bông lúa. Bởi đó họ phản đối Chúa Giê-su về việc làm của các môn đệ Ngài.

Còn Chúa Giê-su thì để ý đến tinh thần của khoản luật ấy, tức là nhằm phục vụ con người. Ngày xưa khi còn ở bên Ai cập, dân Do thái phải làm nô lệ cực nhọc. Bởi đó khi họ ra khỏi Ai cập, Mai-sen đã ra luật nghỉ ngày Sa-bát, trước hết là nhằm phục vụ cho chính những người Do thái: họ phải được một ngày nghỉ ngơi; kế đến là vì quan tâm tới những người tôi tớ và nô lệ: trong ngày đó những người chủ Do thái phải để cho các tôi tớ và nô lệ được nghỉ ngơi, đừng tái phạm điều mà người Ai cập trước kia đã phạm đối với họ.

Theo tinh thần ấy, Chúa Giê-su dám tuyên bố 2 câu “nảy lửa”: a/ Ngày Sa-bát được lập ra vì con người chứ không phải con người được tạo nên vì ngày sa-bát; b/ Con người (tức là Chúa Giê-su) là chủ của ngày sa-bát.

3. Khi muốn hình thành dân Ít-ra-en, Chúa đã ban cho họ một bộ luật gồm 10 điều răn, nhưng rồi với thời gian, cùng với sự tiếp xúc với các nên văn hóa chung quanh, người Do thái đã từ từ hình thành một bộ luật rất chi tiết. Bộ sách Luật ấy người Do-thái gọi là Torah. Sách gồm 5 quyển, dầy 250 trang, chứa 613 khoản luật, chia ra 365 khoản cấm và 248 khoản buộc.

Ngoài bộ luật chính ra, còn rất nhiều khoản khác được thêm vào. Đây không phải là luật mà là những tập tục được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Các tập tục này được truyền lại cho những thế hệ mai sau. Và sau cùng thì người chép lại và đóng lại thành tập gọi là Talmud. Talmud là bộ sách giải thích Luật của Do thái giáo. Bộ sách này được chia thành 2 loại: một là Mishna và hai là Gemara. Bộ sách này có tới 523 quyển (Wim Barclay).

4. Nguyên nhân cuộc xung đột này chỉ là việc các môn đệ ngắt mấy bông lúa khi đi qua cánh đồng lúa. Một sự việc tầm thường không đáng kể. Luật chỉ cấm gặt và trục lúa thôi, nhưng ở đây các người biệt phái coi đó như việc gặt hái, là một trong những việc cấm trong ngày sa-bát. Sở dĩ người biệt phái xét nét khắt khe như vậy là cái tính ghen tương nghi ngờ, cái thói hay vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết của người biệt phái, đã gây nên cớ xung đột giữa họ với Chúa Giê-su về việc kiêng việc xác ngày sa-bát. Tính ghen tương hay soi mói và nghi ngờ thường xảy ra những xung đột, cãi vã, và chia rẽ nhau trong đời sống cộng đoàn và xã hội.

Chúa Giê-su lưu ý chúng ta phải hiểu biết ý nghĩa và mục đích của lề luật. Tất cả mọi khoản luật của Giáo hội cũng như trong cộng đoàn đều nhằm giúp ta thêm mến Chúa yêu người. Giữ những luật đó mà lòng không mến Chúa và yêu người thì vô ích. Dựa vào những khoản luật đó để làm khổ người khác là phản lại luật.

Maurice Zundel trong quyển “Sự hiện diện khiêm hạ” có viết: ”Việc gặp gỡ Thiên Chúa chỉ có thể thực hiện nếu có tình thân với con người, tình thân ấy sẽ biến thành tình trong suốt. Hình thức mục vụ duy nhất có giá trị  là biết cảm xúc trước giá trị con người. Chỉ kẻ biết tôn trọng con người mới làm chứng được cho Thiên Chúa”.

5. Truyện: Luật là để yêu thương

Một người thợ xây đang ở trên giàn ráo cao thì bị xẩy chân rớt xuống, chẳng may trúng phải một người đang đi bộ ngang qua phía dưới. Điều oái oăm là anh thợ chỉ bị xây xát qua loa, còn người khách bộ hành thì bị chấn thương nặng, hôn mê rồi chết khi người ta đưa vào bệnh viện.

Chiếu theo luật “Mắt đền mắt, răng đền răng” của miền này, gia đình nạn nhân đưa nội vụ ra tòa đòi anh thợ xây phải đền mạng. Vị quan tòa từ lâu đã thấy cái vô lý trong bộ luật địa phương, nhưng truyền thống và hủ tục xưa rất khó thay đổi. Cuối cùng, để cứu người thợ xây oan ức, ông tuyên bố:

– Việc gia đình nạn nhân đòi mạng người thợ xây theo truyền thống là chính đáng, nhưng tôi thấy phải nói rõ. Nếu anh ta đã giết người nhà của các ông bằng cách nào, thì các ông cũng phải giết anh ta bằng cách đó, nghĩa là một người trong gia đình các ông phải trèo lên giàn ráo, nhảy xuống đúng vào đầu anh thợ xây lúc anh đang đi ở phía dưới.

Nghe tòa phân xử, bên gia đình kiện cáo bèn vội vàng xin bãi nại. Anh thợ xây được tha bổng. Sau đó, nhận thức được sự tàn nhẫn phi lý và mù quáng của bộ luật địa phương mình, dân chúng trong vùng quyết định loại bỏ hẳn tính cách “mắt đền mắt, răng đền răng” trong quan hệ xử thế giữa con người với nhau.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Anê, trinh nữ, tử đạo

 

Ca nhập lễ

Vị thánh này đã chiến đấu đến chết vì lề luật Chúa, và không sợ hãi lời đe doạ của những kẻ gian ác, vì người đã được xây dựng trên tảng đá vững chắc.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã chọn những gì thế gian cho là yếu kém để hạ nhục những gì hùng mạnh. Hôm nay chúng con mừng kỷ niệm ngày thánh nữ A-nê tử đạo về trời. Xin cho chúng con hằng noi gương thánh nữ mà giữ vững đức tin. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I

Phụng vụ Lời Chúa (Theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con dâng tiến Chúa của lễ này để mừng thánh A-nê tử đạo. Cúi xin Chúa đoái thương chấp nhận như xưa Chúa đã chấp nhận lễ tế của thánh nhân khi ngài hy sinh mạng sống mình. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa phán: Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh A-nê ơn sống đời trinh khiết và phúc tử đạo anh hùng. Xin cho tiệc thánh chúng con vừa tham dự tăng thêm sức mạnh cho chúng con, nhờ đó, chúng con sẽ có đủ khả năng thắng mọi sự dữ ở đời này và được chiêm ngưỡng nhan thánh Chúa đời sau. Chúng con cầu xin…

Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Từ thế kỷ thứ IV, thánh Agnès là một trong các vị thánh được tôn kính nhất trong Giáo Hội Rôma. Ngày kỷ niệm được ghi nhận trong lịch Rôma cổ là ngày Chuyển di hài thánh nữ (Depositio martyrum) vào ngày 21.01.354. Nhiều Giáo phụ đã tôn kính nữ thánh: thánh Ambroise đã viết một Hạnh tử đạo về thánh nữ và đã viết một bài thánh thi ca tụng, và còn có các thánh Prudence, Jérôme, Augustin… Tên thánh nữ đã được ghi vào Kinh Nguyện Thánh Thể Rôma cùng với các nữ thánh Agatha, Lucie, Cécile… và trên ngôi mộ của bà, hoàng đế Constantin đã cho xây một đại thánh đường : Sainte-Agnès-hors-les-Murs.

Agnès (tiếng Hy Lạp là Agnè = “thanh sạch”, tiếng La Tinh là Agnus “con chiên”) là một thiếu nữ Rôma khoảng 12,13 tuổi dưới thời bách hại của hoàng đế Dioclètien. Nhiều truyền thuyết La Tinh và Hy Lạp diễn tả cuộc khổ nạn của bà. Agnès là Kitô hữu vào thời các môn đệ của Đức Kitô bị bách hại và bị giết. Lúc đó, một số người Kitô hữu chối đạo vì sợ, Bà liền ra trước mặt nhà chức trách Rôma, tuyên xưng vững vàng đức tin của mình và khao khát được tử đạo. Bà đã trả lời với vị thẩm phán nghi ngờ về đức khiết tịnh của Bà: “Tôi đã đính ước với Đấng các Thiên thần phải cung phụng. Tôi giữ niềm tin vào Người và tôi hoàn toàn thuộc về Người”. Bị bắt đem vào một chỗ đồi bại, một ánh sáng từ trời đã bao phủ bà. Bị kết án thiêu sống, các ngọn lửa bao quanh bà, nhưng không đốt nóng. Bà nói với lý hình sắp chặt đầu mình: “Đừng sợ, hãy mau chặt đầu tôi, để tôi sớm về với Đấng tôi yêu.”

Đại thánh đường thánh Agnès luôn là một nơi hành hương. Ngày lễ kính thánh nữ, người ta sẽ đem hai con chiên đến gần bàn thờ, trước khi dâng cho Đức Giáo Hoàng. Lông của hai con chiên này dùng để dệt các Pallium: một dấu hiệu mà Đức Giáo Hoàng mang và ngài cũng ban cho một số vị xứng đáng trong Hội thánh.

Thánh nữ Agès được tôn kính là thánh quan thầy cho đức trinh khiết. Trong ảnh hình, Bà xuất hiện với con chiên, và đôi khi, với một chim bồ câu, mỏ ngậm một chiếc nhẫn.

Thông điệp và tính thời sự

Trong một bài giảng kính thánh nữ Agnès vào năm 376, thánh Ambroise đã nói: “Các anh chỉ có một nạn nhân, nhưng lại có một cuộc tử đạo hai mặt: sự trinh khiết và đức tin. Bà đã giữ được đức trinh khiết và Bà đã được phúc tử vì đạo.”

a. Sự trinh khiết của thánh Agnès, được nhấn mạnh kỹ lưỡng trong Hạnh tử đạo, cũng được làm nổi bật trong Phụng Vụ. Thánh Ambroise đã lấy Agnès làm mẫu gương cho các trinh nữ trong chuyên khảo về Đức Khiết tịnh, đã nói trong bài giảng: “Bà như một trinh nữ đã tiến lên với những bước vui mừng đến pháp trường… Đáp lại với những hăm doạ vuốt ve, lời hứa của kẻ bách hại. Bà nói: “Đấng đầu tiên đã chọn tôi, chính Người sẽ đón tôi.”

b. Con chiên, biểu trưng sự thanh khiết, cũng là biểu trưng sự tử đạo cao cả nhất. Bài đọc một trong Thánh lễ, rút từ sách Khải Huyền, nói về đám người đông đảo đứng trước ngai vàng và trước con chiên, mặc áo trắng, cành lá dừa cầm trong tay. “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7,9-17).

Thánh Agnès xứng đáng đứng gần Con Chiên. Bà cầu nguyện: “Con sẽ đến với Ngài, Chúa Cha rất thánh, Đấng con yêu mến, con tìm kiếm và luôn khao khát” Đối lại với những quyền lực thế gian, thánh Ambroise nói: “Một bé gái đứng lên, cầu nguyện và giương cổ chờ đợi…” vì sức mạnh Thiên Chúa bao trùm lên sự yếu đuối con người. Chính vì thế mọi dân tộc đều ca ngợi.

Enzo Lodi
 


NẮM GIỮ NIỀM HY VỌNG
(THÁNH ANÊ TRINH NỮ, TỬ ĐẠO 21/01)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Anê hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã chọn những gì thế gian cho là yếu kém để hạ nhục những gì hùng mạnh, hôm nay, chúng ta mừng kỷ niệm ngày thánh nữ Anê tử đạo về trời, xin Chúa cho chúng ta hằng noi gương thánh nữ mà giữ vững đức tin. Anê là một thiếu nữ Rôma, mới từ mười hai đến mười lăm tuổi đã tình nguyện chết vì đức tin khi cuộc bách hại của hoàng đế Điôcơlêxianô tới hồi khốc liệt nhất (năm 305). Đó là sự việc thánh Amrôxiô đã ghi lại, và là lý do khiến Hội Thánh Rôma tưởng nhớ thánh nữ với hết tình yêu mến.

Noi gương thánh nữ mà giữ vững đức tin, quyết lòng thực thi giới răn yêu thương của Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Đệ Nhị Luật cho thấy: Tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu đòi hỏi, mà bản văn dùng chữ “ghen tuông”, đòi hỏi căn bản của tình yêu ấy là: chúng ta phải đem tình yêu đáp lại tình yêu. Ngay từ thời xa xưa trước khi có Tin Mừng, truyền thống Dothái đã nhận ra trong bản văn này điều răn quan trọng nhất. Và điều này đã được chính Đức Giêsu dùng tất cả quyền bính của mình để xác nhận lại. Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn; thánh ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn. Mệnh lệnh Chúa xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời. Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật, yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy.

Noi gương thánh nữ mà giữ vững đức tin, quyết lòng thuộc trọn về Đức Kitô, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Amrôxiô nói: Hôm nay là ngày sinh nhật trên trời của thánh Anê. Cô đẹp không phải vì bím tóc nhưng vì thuộc về Đức Kitô. Đầu cô không đội vòng hoa nhưng được điểm trang bằng đức hạnh… Ta hãy hân hoan mừng lễ thánh Anê, và tưởng niệm cuộc thương khó của người. Giữa tuổi thanh xuân, người đã hy sinh chịu chết và đã được hưởng sự sống muôn đời, vì chỉ yêu thương một mình Đấng ban sự sống.

Noi gương thánh nữ mà giữ vững đức tin, trông cậy vững vàng vào lời Chúa hứa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thư Hípri nói: Chúng ta nắm giữ niềm hy vọng đó tựa như cái neo chắc chắn và bền vững. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 110, vịnh gia cho thấy: Giao ước đã lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi. Tôi xin hết lòng cảm tạ Chúa, trong cộng đoàn chính nhân, giữa lòng đại hội. Việc Chúa làm quả thật lớn lao, người mộ mến ra công tìm hiểu.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Xin Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, soi trí mở lòng cho chúng ta thấy rõ, đâu là niềm hy vọng, mà ơn Người kêu gọi đem lại cho chúng ta. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Ngày Sabát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sabát. Niềm hy vọng của chúng ta đặt ở nơi Chúa, là Đấng làm ra ngày Sabát. Ơn cứu độ của chúng ta đến từ Thiên Chúa, chứ không phải đến từ việc giữ chi li những khoản luật Sabát. Yêu thương là chu toàn cả lề luật. Thánh Anê đã thuộc trọn về Đức Kitô và đã hết lòng yêu mến Đấng ban sự sống cho mình, vì thế, khi người ta đối xử tàn bạo không nương tay với cô, thì lại càng làm lộ ra sức mạnh lớn lao của đức tin nơi cô. Cô không có sức chịu nổi lưỡi đòng đâm thâu, thế mà lại, có sức thắng được lưỡi đòng ấy, đang khi, những cô bé trạc tuổi cô sẽ khóc, khi bị kim đâm. Cô vẫn giơ tay lên Chúa Kitô, và trong lò lửa tàn bạo đó, cô đã làm dấu thánh giá để tôn vinh Thiên Chúa toàn thắng. Chưa đủ sức chịu khổ mà đã thừa sức chiến thắng: Tuổi đời còn non dại, mà cô đã là bậc thầy về chí can trường. Tân nương vội vã tới loan phòng, cũng không lẹ bằng cô, khi vui vẻ tiến ra nơi hành quyết. Chúa đã chọn những gì thế gian cho là yếu kém để hạ nhục những gì hùng mạnh, ước gì chúng ta hằng noi gương thánh nữ Anê mà giữ vững đức tin. Ước gì được như thế!

CẦN XÓT THƯƠNG
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ngày Sabbat được tạo ra cho loài người!”.

Một bà mẹ đến gặp Napoléon, xin ông tha cho con mình. Hoàng đế trả lời, “Con bà phạm tội hai lần và công lý đòi nó phải chết!”. “Tôi không cầu xin công lý; tôi cầu xin lòng thương xót”. “Nó không đáng được thương xót!”. “Thưa ngài, sẽ không có cái được gọi là ‘lòng thương xót’ nếu con tôi xứng với cái đó! Thương xót là tất cả những gì tôi xin!”. “Vậy thì tôi sẽ thương xót!”. Ông tha cho con bà, vì con người cần xót thương hơn cần công lý!

Kính thưa Anh Chị em,

Lý luận tuyệt vời của bà mẹ kia được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay. Các biệt phái bắt bẻ các môn đệ Chúa Giêsu bứt lúa để ăn trong ngày Sabbat; Ngài phản đối, “Ngày Sabbat được tạo ra cho loài người!”; Ngài muốn nói, con người ‘cần xót thương’ hơn công lý!

Nhân loại cần một Đấng Cứu Rỗi xót thương! Dân Chúa cần những nhà lãnh đạo xót thương! Vậy mà các biệt phái đã chôn sâu luật Chúa bên dưới lớp ‘luật nhân tạo’ đến nỗi người đói không được phép bứt một gié lúa để dạ khỏi giày vò trong ngày Sabbat. Ngớ ngẩn! Liệu Thiên Chúa có thực sự bị xúc phạm vì ai đó đưa tay bứt lúa khi họ đang đói? Không đâu! Với các biệt phái, lề luật - đã trở thành mục đích - ưu tiên hơn con người; ở đây, những người nghèo! Và như thế, làm sao dân Chúa có thể được dẫn dắt một cách an toàn trên con đường cứu rỗi mà không vướng phải gai góc từ những luật lệ tuỳ tiện của con người? Giới lãnh đạo quên rằng, con người ‘cần xót thương’ hơn công lý!

Tại sao họ lại cư xử như vậy? Câu trả lời thật rõ ràng, họ đã tách rời ‘tình yêu và công lý’ vốn là hai chị em sinh đôi! Công lý không có tình yêu, sẽ chỉ giết chết; tình yêu không có công lý, sẽ chỉ mị dân! Các biệt phái chú tâm vào luật và coi thường nhân ái; họ chi tiết hoá lề luật, bất chấp tình yêu. Điều này dẫn đến khép kín, ích kỷ và vong thân; chủ nghĩa vị kỷ, thành kiến và kiêu ngạo; coi sự thánh thiện là một cái gì hoàn toàn bên ngoài. Trái với họ, Chúa Giêsu dạy một đường lối hoàn toàn khác; con người ‘cần xót thương’ hơn công lý! Công lý của Ngài là xót thương - con đường tình yêu - dẫn đến công lý và tất nhiên, dẫn đến Thiên Chúa, dẫn đến sự hiểu biết, nhân ái và biết phân định; dẫn đến sự viên mãn, thánh thiện và cứu rỗi; dẫn đến Thiên Chúa Tình Yêu cứu độ và xót thương!

Kính thưa Anh Chị em,

“Ngày Sabbat được tạo ra cho loài người!”. Không chỉ vậy, Con Thiên Chúa còn xuống thế cho loài người! Ngài đã chết vì luật của con người, để con người khỏi bị ràng buộc bởi luật mà sống trong luật tự do của con cái Chúa. “Thiên Chúa không bất công đến nỗi quên việc anh em đã làm và lòng yêu mến anh em đã tỏ ra”- bài đọc một. Là con cái Thiên Chúa, chúng ta sống luật tình yêu, luật của Nước Trời. Napoléon - dù chỉ là một ông vua trần thế - đã không nỡ xét xử với luật của loài người nhưng xét xử với lòng thương xót; ông ý thức con người ‘cần xót thương’ hơn công lý, phương chi Thiên Chúa, Đấng “luôn nhớ mãi giao ước đã lập ra” - Thánh Vịnh đáp ca - Ngài sẽ xét xử con người theo lòng thương xót; và như vậy, nhân ái hơn nhường nào!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con đáng chết bội phần, con không xứng đáng với lòng thương xót Chúa; cho con đừng quá khắt khe với anh chị em con!”, Amen.

 

AUDIO
Suy niệm Lời Chúa thứ Ba tuần 2 Thường Niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây