TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Thường Niên -Năm C

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”. (Ga 2, 1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN -C

Thứ hai - 13/01/2025 13:11 |   29
“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Thánh Kinh mà tai các ngươi vừa nghe.” (Lc 1,1-4; 4,24-21)

26/01/2025
chúa nhật III thường niên – c

CN3TN C

Lc 1,1-4; 4,14-21


lời chúa ĐƯỢC ứng nghiệm
“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Thánh Kinh mà tai các ngươi vừa nghe.” (Lc 1,1-4; 4,24-21)

Suy niệm: Chúa Giê-su khẳng định rằng lời tiên báo về Đấng Mê-si-a được ứng nghiệm nơi chính Ngài. Những lời mạc khải đầy ý nghĩa này mở ra một kỷ nguyên mới, thời đại của ơn cứu độ: “Tin Mừng cho người nghèo; chữa tâm hồn sám hối; giải thoát kẻ bị tù; người mù được thấy; tự do cho kẻ bị áp bức” (Lc 4.19). Qua đó, ta nhận ra rằng Thiên Chúa luôn trung tín thực hiện lời hứa của Ngài vào đúng thời điểm. Thời điểm “hôm nay” không chỉ là thời Chúa Giê-su, mà cả thời hiện đại trong cuộc đời ta. Để Lời ấy được ứng nghiệm trong đời sống hằng ngày, ta cần thường xuyên đọc Lời Chúa, dành thời gian suy đi nghĩ lại trong lòng, rồi nỗ lực thực hiện Lời ấy mỗi ngày.

Mời Bạn: Khi nghe hoặc đọc Lời Chúa, chúng ta cần tự hỏi: “Đoạn Thánh Kinh này đang được ứng nghiệm trong đời tôi thế nào?” Lời Chúa không chỉ để nghe để đọc mà còn để suy gẫm và để sống. Chúa mời gọi bạn đáp lại bằng niềm tin tưởng, rồi qua việc làm cụ thể, đặc biệt qua việc sống phục vụ, thực thi công lý.

Chia sẻ: Cử tọa trong hội đường Na-da-rét năm nào đã ngạc nhiên khi Chúa Giê-su tuyên bố Ngài là Đấng làm ứng nghiệm Lời Thiên Chúa, bởi họ không nhận ra Ngài là Đấng được sai đến. Còn bạn, bạn có thực sự nhận ra Chúa trong những người bé mọn, hay các biến cố thường ngày không? Nếu chưa, bạn sẽ làm gì để Lời Chúa trở thành hiện thực?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin mở lòng chúng con, để chúng con nhận ra Chúa đang hiện diện, đang ngỏ lời với chúng con qua Lời Chúa và qua tha nhân. Xin cho chúng con được biến đổi, Lời Chúa được ứng nghiệm nơi chúng con, bằng lối sống tin - cậy - mến. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh sử Lu-ca thuật lại việc Chúa Giê-su trở về quê nhà ở Na-da-rét. Vào ngày Sa-bat, theo thói quen Người vào hội đường và được viên trưởng hội đường trao cho vinh dự đọc Sách Thánh. Người mở sách và đọc đoạn sách ngôn sứ I-sai-a nói về người Tôi Trung của Thiên Chúa, nghĩa là ám chỉ về chính Ngài.

Vào hội đường với một tâm hồn hoàn toàn thuộc về Cha. Chúa Giê-su đã khai mở sứ vụ loan báo Tin Mừng của Người. Tuy nhiên, trong hội đường Na-da-rét, làng quê của Người, Chúa Giê-su đã vén lộ con người và vai trò của Người cho mọi người. Chúa Giê-su là Đấng được Thiên Chúa xức dầu và được chính Thiên Chúa sai đi loan Tin Mừng cho người nghèo khó. Người khẳng định Đấng Mê-si-a là chính Người.

Tin vui đến với nhân loại, nhưng để có niềm vui thực sự chúng ta hãy thành tâm thông hối để xứng đáng tham dự Mầu Nhiệm Thánh.

Ca nhập lễ

Toàn thể địa cầu, hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy ca mừng Chúa. Sáng láng và oai nghiêm tỏa trước thiên nhan Người, uy hùng và tráng lệ phủ trên ngai báu Người.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin hướng dẫn chúng con biết hành động theo thánh ý Chúa, để nhờ kết hợp với con Một Chúa là Ðức Giê-su Ki-tô, chúng con đem lại hoa quả dồi dào là việc lành phúc đức. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Nkm 8, 2-4a. 5-6. 8-10

“Họ đọc trong sách Luật và người ta hiểu được điều đã đọc”.

Trích sách Nơ-khe-mi-a.

Ngày ấy, thầy tư tế Esdras mang luật ra trước cộng đồng, gồm đàn ông, đàn bà và tất cả những ai có thể hiểu luật: hôm đó là ngày đầu tháng bảy. Từ sáng đến giữa trưa, thầy đứng ở công trường, trước cửa Nước, đọc sách trước mặt đàn ông, đàn bà và những người hiểu luật. Tất cả dân chúng đều lắng tai nghe đọc sách luật. Thầy thư ký Esdras đứng trên bệ bằng cây mà đọc sách; thầy mở sách ra trước công chúng, vì thầy đứng nơi cao hơn mọi người. Khi thầy mở sách, thì tất cả đều đứng lên. Esdras chúc tụng Chúa là Thiên Chúa Cao Cả. Toàn dân đưa tay lên đáp lại: Amen, amen. Họ cúi mình và phủ phục trước Thiên Chúa, mặt họ cúi sát đất. Một số người đọc từng đoạn trong sách luật Chúa, giải thích ý nghĩa, và người ta hiểu được điều đã đọc. Nơ-khê-mia là tổng trấn, Esdras là tư tế và là thư ký, các thầy Lêvi huấn luyện dân chúng, nói với họ rằng: “Ngày hôm nay được thánh hoá dâng cho Chúa là Thiên Chúa chúng ta; anh chị em đừng mang tang chế, đừng than khóc”. Vì lúc đó toàn dân khóc lóc khi nghe đọc các lời trong luật. Họ nói với dân chúng rằng: “Hãy đi ăn thịt béo và uống rượu ngon, hãy gửi phần cho kẻ không có dọn sẵn cho mình, vì ngày này là ngày thánh, dâng cho Chúa, đừng buồn sầu; vì niềm vui của Chúa là đồn luỹ của anh chị em!”

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 18, 8. 9. 10. 15

Ðáp: Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống (Ga 6, 64b).

Xướng: Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt. 

Xướng: Giới răn Chúa chánh trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt. 

Xướng: Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thật, công minh hết thảy. 

Xướng: Xin Chúa nhậm những lời miệng con công bố, và sự lòng con suy gẫm trước thiên nhan, lạy Chúa là Tảng Ðá, là Ðấng Cứu Chuộc con. 

Bài Ðọc II: 1 Cr 12, 12-30 (bài dài)

“Anh em là thân xác Chúa Kitô, và là chi thể của Người”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, như thân xác là một mà có nhiều chi thể, và tất cả chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân xác, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng, trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta chịu phép rửa để làm thành một thân xác, cho dầu Do-thái hay Hy-lạp, tự do hay nô lệ, và tất cả chúng ta cùng uống trong một Thánh Thần. Vì thân xác không chỉ gồm một chi thể, mà là nhiều chi thể. Nếu chân nói rằng: “Vì tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc thân xác”, có phải vì thế mà nó không thuộc về thân xác đâu? Và nếu lỗ tai nói rằng: “Vì tôi không phải là con mắt, nên tôi không thuộc về thân xác”, có phải vì thế mà nó không thuộc về thân xác đâu? Nếu toàn thân xác là một, thì đâu là thính giác? Nếu toàn thân xác là tai, thì đâu là khứu giác? Vậy, Thiên Chúa đã đặt các chi thể, và mỗi chi thể ở trong thân xác như ý Người muốn. Nếu tất cả đều là một chi thể, thì còn đâu là thân xác? Thật vậy, có nhiều chi thể, nhưng có một thân xác. Con mắt không thể nói với bàn tay: “Ta không cần mi”. Ðầu cũng không thể nói với chân: “Ta không cần các ngươi”. Nhưng hơn thế nữa, các chi thể thân xác xem như yếu hơn, lại cần thiết hơn. Và những chi thể ta coi là ít vinh dự nhất, lại là những chi thể chúng ta đặt cho nhiều vinh dự hơn; và những chi thể thiếu trang nhã lại được ta trang sức hơn, còn những chi thể trang nhã lại không cần như thế: nhưng Thiên Chúa đã sắp đặt thân xác, cho cái thiếu vinh dự được vinh dự hơn, để không có sự bất đồng trong thân xác, mà là để các chi thể đồng lo công ích cho nhau. Nếu một chi thể phải đau, tất cả các chi thể khác đều phải đau lây; hoặc một chi thể được vinh dự, thì tất cả các chi thể cùng chia vui.

Phần anh em, anh em là thân xác Chúa Kitô và là chi thể của Người, mỗi người có phận sự mình. Có những người Thiên Chúa đã thiết lập trong Hội thánh, trước hết là các tông đồ, rồi đến các tiên tri, thứ ba là các tiến sĩ. Kế đến là quyền làm phép lạ, các ơn chữa bệnh, các việc từ thiện, quản trị, nói nhiều thứ tiếng. Vậy tất cả mọi người là tông đồ ư? Tất cả là tiên tri ư? Tất cả là tiến sĩ ư? Tất cả được ơn làm phép lạ ư? Tất cả được ơn chữa bệnh ư? Tất cả nói nhiều thứ tiếng ư? Tất cả được ơn diễn giải ư?

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài vắn này: 1 Cr 12, 12-14. 27

“Anh em là thân xác Chúa Kitô, và là chi thể của Người”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, như thân xác là một mà có nhiều chi thể, và tất cả chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân xác, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng, trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta chịu phép rửa để làm thành một thân xác, cho dầu Do-thái hay Hy-lạp, tự do hay nô lệ, và tất cả chúng ta cùng uống trong một Thánh Thần. Vì thân xác không chỉ gồm một chi thể, mà là nhiều chi thể. Phần anh em, anh em là thân xác Chúa Kitô và là chi thể Người, mỗi người có phận sự mình.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 4, 18-19

Alleluia, alleluia! – Chúa đã sai con đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 1, 1-4; 4, 14-21

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Vì có nhiều người khởi công chép lại những biến cố đã xảy ra giữa chúng ta, theo như các kẻ từ đầu đã chứng kiến và phục vụ lời Chúa, đã truyền lại cho chúng ta, phần tôi, thưa ngài Thêophilê, sau khi tìm hỏi cẩn thận mọi sự từ đầu, tôi quyết định viết cho ngài bài tường thuật sau đây, để ngài hiểu chân lý các giáo huấn ngài đã lãnh nhận.

Bấy giờ Chúa Giêsu trở về Galilêa trong quyền lực Thánh Thần, và danh tiếng Người lan tràn khắp cả miền chung quanh. Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người ca tụng. Người đến Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày nghỉ lễ, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng:

“Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng”.

Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là Đấng phù trợ nâng đỡ ta, là núi đá cho ta trú ẩn, và là thành trì bảo vệ ta. Với lòng tin tưởng tha thiết, chúng ta cùng dâng lên Chúa những lời nguyện xin:

1. Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh, được dồi dào ơn Chúa Thánh Thần, để các ngài chu toàn sứ mạng rao giảng Lời Chúa cho muôn dân.

2. “Anh em là thân xác Chúa Ki-tô và là chi thể Người”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi thành phần dân Chúa, được Lời Chúa Thánh Thể nuôi dưỡng, để không một ai bị loại trừ ra khỏi Thân Thể mầu nhiệm của Người.

3. “Người giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho những tâm hồn còn khô khan nguội lạnh, biết thay đổi đời sống để nhận được ơn cứu độ của Chúa.

4. “Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người đã được dưỡng dục”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta, luôn biết rao truyền Tin Mừng cứu độ, bằng việc xây dựng gia đình và cộng đoàn ngày càng thêm yêu thương và hiệp nhất.

Chủ tế: Lạy Chúa, khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, chúng con được trở nên anh em một nhà và có cùng một Cha trên trời. Xin cho chúng con luôn sống hiệp nhất và yêu thương nhau, để trở nên chứng nhân cho tình yêu Chúa trong thế giới hôm nay. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ chúng con dâng, và lấy quyền năng Thánh Thần mà thánh hoá, để nhờ của lễ này, chúng con được hưởng ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Các bạn hãy nhìn về Chúa, thì các bạn sẽ vui tươi, và sẽ không hổ ngươi bẽ mặt.

Hoặc đọc:

Chúa phán: “Ta là ánh sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ không đi trong u tối, nhưng sẽ được ánh sáng ban sự sống.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã rộng ban cho chúng con Mình và Máu Thánh Ðức Kitô, con một Chúa là nguồn mạch sự sống dồi dào; xin cho chúng con được luôn luôn hoan hỷ vì ân huệ Chúa ban. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Đấng Cứu Thế

Hội đường là nơi tụ họp có tính cách tôn giáo của người Do Thái. Đồng thời, ngày Sabat, tức là ngày nghỉ lễ được cử hành tại hội đường, với việc nghe đọc Thánh Kinh và diễn giảng. Mọi người Do Thái trưởng thành, tức là từ 30 tuổi trở lên đều có thể được đề nghị hay tình nguyện lên đọc và giải thích Kinh Thánh.

Trở về Nadarét lúc này, Chúa Giêsu đã trên 30 tuổi, cho nên Ngài đã tham dự vào sinh hoạt của cộng đồng tại quê nhà. Theo thánh Luca cho biết, Chúa Giêsu đã nhiều lần giảng dạy trong các hội đường và lời giảng dạy của Ngài hẳn đã có được một sức lôi cuốn và hấp dẫn, vì chẳng bao lâu, tiếng tăm Ngài đã được làn truyền khắp vùng. Tất cả bầu khí phấn khởi này được sử dụng như là phần nhập đề cho Tin Mừng lớn lao, mà Ngài sẽ rao giảng tại hội đường Nadarét, như là một xác định lập trường và công bố chương trình hành động của Ngài. Vậy lập trường ấy như thế nào và chương trình hành động của Ngài ra làm sao?

Tôi xin thưa: Lập trường ấy, chương trình hành động ấy xoay quanh lời loan báo của tiên tri Isaia: Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, Ngài đã xức dầu tấn phong tôi và sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, giải phóng những kẻ bị giam cầm, làm cho người mù được sáng, trả lại tự do cho những người bị áp bức, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa. Lời loan báo này có nghĩa là thời cứu chuộc đã bắt đầu, và Chúa Giêsu, người đang đọc và cắt nghĩa đoạn tiên tri này, chính là Đấng đã được Thiên Chúa xức dầu và sai đến để thực hiện ý định cứu chuộc mà Thiên Chúa đã ươm mơ từ muôn ngàn thuở trước.

Lời giải thích của Chúa Giêsu thật ngắn gọn nhưng lại vô cùng quan trọng, đặt người nghe trước một bối cảnh mới, trước một thời đại mới: Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe. Có thể xưa cũng như nay, nhiều người đã chờ đợi ở Vị Cứu Tinh những việc cả thể và lớn lao, những chiến công lừng lẫy và oanh liệt. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã xuất hiện như một con người nhân từ và dịu hiền, luôn quan tâm tới những đau khổ của con người khổ đau, lấy việc giải thoát họ như là nội dung của sứ mạng mình được sai đến và phải thực hiện. Trước mặt Ngài, thời cứu độ là thời tái lập lại trật tự và tình thương giữa người với người.

Lời tuyên bố của Chúa Giêsu tại hội đường năm xưa chính là một sự thách đố đối với cá nhân mỗi người chúng ta, cũng như đối với toàn thể Giáo Hội, bởi vì cá nhân chúng ta cũng như Giáo Hội có nhiệm vụ tiếp nối sứ mạng cứu độ của Chúa nơi trần gian, thế nhưng cá nhân chúng ta cũng như Giáo Hội đã thực sự tái lập trật tự và tình thương yêu giữa người với người hay chưa?

Lời Kinh Thánh được ứng nghiệm

Hôm nay lời Kinh Thánh đã được ứng nghiệm. Nếu tìm hiểu Kinh Thánh, chúng ta sẽ thấy Chúa Giêsu đã thực thi mọi lời tiên tri nói về Ngài từ hàng trăm năm trước. Đó là một bằng chứng xác quyết Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng Thiên Chúa đã hứa ban cho nhân loại.

Chẳng hạn về việc Ngài được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria, thì tiên tri Isaia đã loan báo:

– Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi con trẻ ấy là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Chẳng hạn về việc Ngài sinh ra ở Bêlem, thì tiên tri Mikêa đã nói:

– Và ngươi hỡi Bêlem xứ Giuđêa, ngươi không phải là một thành trì nhỏ bé, bởi vì từ nơi ngươi sẽ xuất hiện Đấng cai trị nhà Israel.

Chẳng hạn việc Thánh Gia trốn sang Ai Cập, tiên tri Ôsê đã loan báo:

– Ta sẽ gọi con Ta ra khỏi đất Ai Cập.

Nhất là những biến cố trong quãng đời công khai và cuộc tử nạn của Ngài, cũng đã được ứng nghiệm một cách hết sức đầy đủ, chẳng hạn về cuộc khải hoàn, tiến vào Giêrusalem một cách long trọng, thì tiên tri Giacaria đã mô tả:

– Hỡi Giêrusalem, này vua ngươi đang đến, Ngài cưỡi trên lừa con.

Về cái chết của Ngài, tiên tri Isaia đã công bố:

– Người ta đánh đập Ngài, nhưng Ngài đã bằng lòng chấp nhận, như con chiên yên lặng trước người thợ xén lông.

Và còn nhiều biến cố, còn nhiều sự việc khác nữa, Chúa Giêsu đã thực hiện đúng như lời các tiên tri đã loan báo. Và như chúng ta đã xác quyết: Điều đó chứng tỏ Ngài là Đức Kitô, Con Thiên Chúa.

Mỗi lời tiên tri là một lời nói trước, về một biến cố nào đó sẽ xảy ra, liên quan đến hành động tự do của Thiên Chúa. Những lời nói trước về Đức Kitô, được Thiên Chúa tỏ bày cho các tiên tri, để rồi chính các tiên tri đã công bố hàng trăm năm về trước cho dân Do Thái.

Nếu suy nghĩ một chút, chúng ta phải tin nhận rằng Đức Kitô đã đến với chúng ta, Ngài là Thiên Chúa, là Đấng cứu độ muôn dân mong đợi, như trong đoạn Tin Mừng hôm nay, chính Chúa Giêsu đã dẫn chứng lời tiên tri Isaia, để xác quyết rằng Ngài là Thiên Chúa đã đến trong trần gian để cứu chuộc những người nghèo đó, khổ đau và bất hạnh. Hơn thế nữa, chính Chúa Giêsu cũng nói tiên tri về những chuyện sẽ xảy ra và tất cả đều đã được ứng nghiệm. Chẳng hạn Ngài đã tiên báo về sự sụp đổ của Giêrusalem: Rồi đây sẽ không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào.

Và sự thực đã xảy ra như vậy. Vào năm 70, tướng Titus, người Rôma, đã mang quân vây hãm Giêrusalem. Sau khi đã lọt được vào trong thành, họ đã đốt phá và san bằng thành phố.

Còn chúng ta thì sao? Trong giờ phút quan trọng này, chúng ta cũng đang sống lại những biến cố đã được ứng nghiệm: Thánh lễ là sự giáng sinh, là cái chết và phục sinh của Đức Kitô được lặp lại trên bàn thờ này. Thế nhưng chúng ta có đón nhận lời Chúa cùng với Bí tích Thánh Thể một cách trang nghiêm và sốt sắng, hay chúng ta lại cứng lòng như dân làng Nadarét, để cuối cùng đã xua đuổi Chúa, và tìm cách xô Ngài xuống vực sâu.

 

Ứng nghiệm Lời Chúa
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Chúa Giêsu luôn sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Tin Mừng nhiều lần đề cập đến điều này. Chẳng hạn như: được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, Người vào sa mạc ăn chay cầu nguyện. Hôm nay được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, Người đi rao giảng khắp miền Galilê. Trở về Nagiaréth, Người đọc Sách Thánh trong hội đường đúng đoạn nói về Ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Nhiều lần Tin Mừng nói Chúa Giêsu tràn đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần. Nhờ đâu được như thế? Một phần nhờ việc đọc Sách Thánh.

Chúa Giêsu thường xuyên đọc Sách Thánh. Tim hôm nay diễn tả: “Rồi Chúa Giêsu đến Nagiaréth, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sabbat, và đứng lên đọc Sách Thánh”. Yêu mến và gắn bó với hội đường, nên Chúa Giêsu thường xuyên đến sinh hoạt với mọi người trong hội đường. Yêu mến và gắn bó với Sách Thánh nên Chúa Giêsu thường xuyên đọc Sách Thánh. Còn hơn thế nữa, sau khi đọc, Người đứng ra giải nghĩa cho mọi người. Đó là nếp sinh hoạt bình thường của Người. Nếp sinh hoạt này đã thành thói quen từ khi Người còn nhỏ bé. Nên ngay từ khi lên 12 tuổi, Người đã có thể đối đáp với các bậc tiến sĩ trong Đền Thờ Giêrusalem.

Chúa Giêsu kính cẩn đọc Sách Thánh. Chúa Giêsu không đọc Sách Thánh theo thói quen. Người đọc một cách trịnh trọng kính cẩn. Ta hãy chiêm ngắm thái độ của Người theo lời diễn tả của thánh Luca: “Họ trao cho Người cuốn sách tiên tri Isaia. Người mở ra và đọc… Người cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ”. Thật là trang nghiêm kính cẩn. Thái độ của Người ảnh hưởng đến cả hội đường. Nên khi Người đọc mọi người chăm chú nhìn Người. Chúa Giêsu trân trọng việc đọc Sách Thánh vì Người luôn thao thức tìm thánh ý Chúa Cha. Người đọc Sách Thánh để tìm hướng dẫn cho cuộc đời. Người đọc Sách Thánh để mong chu toàn thánh ý Chúa Cha. Người nhận biết thánh ý Chúa Cha qua những trang Sách Thánh. Người cố đọc giữa những hàng chữ để tìm thánh ý Chúa Cha.

Chúa Giêsu nghiêm túc thực hành lời Sách Thánh. Khi nói với mọi người rằng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”, Chúa Giêsu muốn nói đến hai điều. Điều thứ nhất: Người tìm thấy thánh ý Chúa Cha qua đoạn Sách Thánh. Với thái độ kính cẩn, với lòng khiêm tốn hiếu thảo lắng nghe, Chúa Giêsu đã đọc được thánh ý Chúa Cha qua đoạn sách tiên tri Isaia. Biết lời tiên tri Isaia ứng nghiệm vào sứ mạng của mình. Điều thứ hai: Biết được thánh ý Chúa Cha rồi, Chúa Giêsu cương quyết thực hành. Người coi đó là chương trình hành động. Người coi đó là chỉ nam hướng dẫn. Dù sứ mạng của Người vừa mới khởi đầu, Người cũng cương quyết hoàn thành. Suốt đời Người sẽ thực hành chương trình này. Vì thế đoạn sách Isaia ứng nghiệm vừa do thánh ý Chúa Cha vừa do ý chí của Chúa Giêsu quyết tâm thực hành thánh ý Chúa Cha.

Đây là mẫu gương cho ta. Đó là kết quả của Ơn Chúa Thánh Thần. Hãy thường xuyên đọc Kinh Thánh để ta luôn được tiếp xúc với Thiên Chúa. Hãy kính cẩn tìm thánh ý Chúa trong Kinh Thánh chắc chắn ta sẽ được ơn Chúa soi sáng cho biết đường đi. Nhất là hãy quyết tâm thực hành Lời Chúa mà ta đã đọc. Ta sẽ được tràn đầy Ơn Chúa Thánh Thần. Thật vậy, chẳng ai có thể say mê Kinh Thánh nếu không được Ơn Chúa Thánh Thần lôi cuốn. Chẳng ai tìm được thánh ý Thiên Chúa nếu không được Ơn Chúa Thánh Thần soi sáng. Chẳng ai có thể thực hành Lời Chúa nếu không được Ơn Chúa Thánh Thần nâng đỡ. Như một phản hồi hai chiều. Càng được Ơn Chúa Thánh Thần ta càng say mê Kinh Thánh. Càng say mê Kinh Thánh ta lại càng để Chúa Thánh Thần hướng dẫn cuộc đời. Cuộc đời sống theo Ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn sẽ hoàn toàn ứng nghiệm ý định của Thiên Chúa cho bản thân và cho tha nhân. Đó chính là cuộc đời đạt được mục đích cao quý nhất.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1. Bạn có thường xuyên đọc Kinh Thánh không?

2. Bạn tìm gì trong sách Kinh Thánh: khôn ngoan, lịch sử hay thánh ý Thiên Chúa cho đời bạn?

3. Khi đọc Kinh Thánh bạn có nghĩ rằng Chúa đang nói với bạn không?

4. Bạn có thấy một câu Kinh Thánh ứng nghiệm vào bạn và bạn quyết tâm thực hiện không?

NGƯỜI NGHÈO ĐƯỢC NGHE TIN MỪNG
(CHÚA NHẬT TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN NĂM C)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 3 Thường Niên, Năm C này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa hướng dẫn chúng ta biết hành động theo thánh ý Chúa, để nhờ kết hợp với Con Một Chúa là Đức Giêsu Kitô, chúng ta đem lại hoa quả dồi dào là việc lành phúc đức.

Hành động theo thánh ý Chúa, khi ta quy hướng về Chúa, là gia nghiệp đích thực của ta, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Đệ Nhị Luật cho thấy một loạt những chỉ thị về cách sống của các thầy Lêvi. Tất cả đều thấm nhuần ý thức về Thiên Chúa, về sự hiện diện của Thiên Chúa giữa con người. Phần thứ hai của bài đọc mời ta đề cao cảnh giác đối với những việc có tính cách ma thuật. Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ để giúp chúng, Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng Người. Người sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta đã truyền. Ta sẽ phái người Con yêu dấu của Ta. Đây là Vị Ngôn Sứ phải đến thế gian.

Hành động theo thánh ý Chúa, khi ta kết hợp mật thiết với Đức Kitô trong việc phụng sự Chúa Cha, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, Hiến Chế Thánh Công Đồng của Công Đồng Vaticanô II về Đời Sống Phụng Vụ nói: Đức Kitô luôn hiện diện trong Hội Thánh, nhất là qua các cuộc cử hành Phụng Vụ… Là tư tế, Đức Kitô cầu nguyện cho chúng ta; là thủ lãnh, Người cầu nguyện trong chúng ta; là Thiên Chúa, Người nghe chúng ta cầu nguyện. Vậy, chúng ta hãy nhận ra tiếng nói của mình nơi Đức Kitô, và tiếng nói của Người trong chúng ta. Khi chúng ta cầu nguyện cùng Thiên Chúa, chúng ta đừng tách khỏi Con của Người.

Hành động theo thánh ý Chúa, khi ta ý thức mình là chi thể của Đức Kitô và vâng theo luật dạy, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Nơkhemia tường thuật: Ông Étra và các thầy Lêvi đọc và giải thích sách Luật. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 18B, vịnh gia cho thấy: Lạy Chúa, Lời Chúa là thần khí và là sự sống. Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn. Thánh ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa đã sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe. Ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Đức Giêsu đã đến để cho người nghèo được nghe Tin Mừng, người bị giam cầm được giải thoát. Chúng ta sẽ được thuộc về Đức Kitô, trở nên chi thể sống động của Người, khi chúng ta vâng nghe những gì Người truyền dạy. Đức Kitô chính là Thầy Cả Lêvi, là Tư Tế Étra, Người cho chúng ta là những kẻ nghèo hèn được nghe Kinh, được tham dự vào Phụng Vụ Thánh, điều mà trước đây, chỉ dành riêng cho các tầng lớp quý tộc, tăng lữ. Thật vậy, Phụng Vụ là việc Đức Giêsu Kitô thi hành chức vụ tư tế. Trong tác vụ này, việc thánh hóa con người được biểu lộ qua những dấu hiệu khả giác, đồng thời, được thể hiện theo cách thức riêng của mỗi Bí Tích, và toàn bộ việc thờ phượng công khai được cử hành do thân thể mầu nhiệm của Đức Giêsu Kitô gồm đầu và các chi thể. Vì thế, mọi việc cử hành Phụng Vụ, hiểu như là việc của Đức Kitô tư tế và của thân mình Người là Hội Thánh, thì đều là hành động thánh thiêng tột bậc; không một hành động nào khác của Hội Thánh có hiệu lực bằng, xét về cả danh nghĩa lẫn mức độ. Khi cử hành Phụng Vụ trần thế, chúng ta được nếm cảm trước Phụng Vụ trên trời, đang được cử hành trong thành thánh Giêrusalem, nơi chúng ta hướng về như lữ khách. Ước gì chúng ta biết hành động theo thánh ý Chúa, để nhờ kết hợp với Con Một Chúa là Đức Giêsu Kitô, chúng ta đem lại hoa quả dồi dào là việc lành phúc đức. Ước gì được như thế!

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây