22/01/2025
Thứ tư tuần 2 thường niên
Thánh Vinh Sơn, phó tế, tử đạo
Mc 3,1-6
ngày sa-bát nên làm gì?
Họ rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy ngày sa-bát không, để tố cáo Người. (Mc 3,1-6)
Suy niệm: Luật Do Thái qui định chỉ được chữa bệnh vào ngày sa-bát trong trường hợp nguy hiểm đến tính mạng. Người bại tay này rõ ràng không gặp tình huống nguy hiểm đến mạng sống, có thể để qua ngày sa-bát chữa bệnh cho anh ta cũng chẳng sao. Thế nhưng, Chúa Giê-su muốn tái lập nhận thức mục đích cao cả của việc thánh hóa ngày sa-bát: “Ngày sa-bát được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?” Hễ đã là điều lành thì phải nhanh chóng thực hiện không trì hoãn, nhất là là việc cứu người. Ta không thể khoanh tay đứng nhìn một người anh em đang đau ốm khi có thể làm gì để giúp đỡ họ. Luật lệ có nghĩa gì khi luật lệ ấy không làm gì ích cho con người, nhất là với người đang đau khổ? Bác ái là điều phải làm bất cứ lúc nào, ngày nào; riêng ngày sa-bát còn phải đặc biệt ưu tiên cho việc bác ái hơn nữa.
Mời Bạn: Não trạng bảo thủ, đạo đức giả, gàn dở… khiến cho việc phục vụ con người bị đình trệ hoặc bị biến chất thành tiêu cực, thụ động, và dần dà bóp nghẹt con tim yêu thương của người đối với người. Chữa lành người bại tay trong ngày sa-bát, Chúa Giê-su muốn khai thông, thay đổi cách ứng xử duy luật lệ của người Do Thái.
Sống Lời Chúa: Đang sống trong Năm Thánh, năm đề cao sự tha thứ, làm việc lành phúc đức, bạn nên có cái nhìn bao dung và khoan dung hơn khi nhận xét về người khác, kẻo lỗi đức bác ái và sự công bằng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy chúng con sống quảng đại với anh chị em như Chúa từng đối xử đại lượng với chúng con. Amen.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ tư tuần 2 thường niên
Ca nhập lễ
Lạy Chúa, toàn thể địa cầu thờ lạy và ca khen Chúa, lạy Đấng Tối Cao toàn thể Đất Nước ca khen thánh danh của Ngài.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa điều khiển hết mọi loài trên trời dưới đất; xin dủ thương chấp nhận lời dân Chúa khẩn cầu và ban cho thời đại chúng con được bình an. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: (Năm I) Dt 7, 1-3. 15-17
“Ngươi là tư tế theo phẩm hàm Men-ki-xê-đê tới muôn đời”.
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, Men-ki-xê-đê này là vua Sa-lem, tư tế của Thiên Chúa Tối Cao, ông đã đi đón Áp-ra-ham đang trên đường về sau khi đánh bại các vua, ông chúc lành cho Áp-ra-ham. Và Áp-ra-ham dâng cho ông một phần mười các chiến lợi phẩm. Giải nghĩa tên ông, trước tiên thấy tên ông mang tên vua công chính, rồi ông lại còn là vua Sa-lem, nghĩa là vua hòa bình. Ông không cha không mẹ, không gia phả, không ngày sinh, không ngày tử, nhưng ông được so sánh với Con Thiên Chúa, nên ông làm tư tế muôn đời.
Việc còn hiển nhiên hơn nữa, nếu một tư tế khác được thiết lập theo phẩm hàm Men-ki-xê-đê, không phải chiếu theo luật xác thịt quy định, nhưng chiếu theo quyền năng của sự sống bất diệt. Vì đã chứng thực về ngài rằng: “Ngươi là tư tế theo phẩm hàm Men-ki-xê-đê tới muôn đời”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 109, 1. 2. 3. 4
Ðáp: Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Men-ki-xê-đê (c. 4bc).
Xướng: Thiên Chúa đã tuyên bố cùng Chúa tôi rằng: “Con hãy ngồi bên hữu Ta, cho tới khi Ta bắt quân thù làm bệ kê dưới chân Con”.
Xướng: Ðức Thiên Chúa từ Si-on sẽ phô bày vương trượng quyền bính của Ngài, rằng: “Con hãy thống trị giữa quân thù”.
Xướng: Các thủ lãnh cùng hiện diện bên Con, ngày Con giáng sinh trong thánh thiện huy hoàng: “Trước rạng đông, tựa hồ sương sa, Ta đã sinh hạ ra Con”.
Xướng: Ðức Thiên Chúa đã thề và không hối hận rằng: “Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Men-ki-xê-đê.
Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Sm 17, 32-33. 37. 40-51
“Ðavít đã dùng dây ném đá và đá mà thắng tên Phi-li-tinh”.
Trích sách Sa-mu-en quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, khi người ta dẫn Ða-vít đến trước Sao-lê, thì Ða-vít nói với Sao-lê rằng: “Ðừng ai lo sợ gì cả. Tôi đây, tôi tớ của bệ hạ, tôi sẽ ra chiến đấu với tên Phi-li-tinh”. Sao-lê nói cùng Ða-vít rằng: “Ngươi không thể chống cự và chiến đấu với tên Phi-li-tinh đó đâu, vì ngươi còn bé nhỏ, mà anh ta là một chiến sĩ từ lúc còn niên thiếu”.
Ða-vít liền đáp: “Chúa đã từng cứu tôi thoát khỏi nanh vuốt sư tử và gấu, Người sẽ giải thoát tôi khỏi tay tên Phi-li-tinh đó”. Sao-lê mới nói với Ða-vít: “Ngươi hãy đi và Chúa ở cùng ngươi”.
Ða-vít lấy cây gậy mà chàng quen cầm trong tay. Chàng lựa năm viên đá bóng láng dưới khe nước, bỏ vào bị chăn chiên mà chàng thường đeo bên mình.
Tay chàng cầm trành ném đá ra ứng chiến với tên Phi-li-tinh. Tên Phi-li-tinh có vệ sĩ cầm khí giới đi trước, tiến lại gần Ða-vít. Khi tên Phi-li-tinh thấy Ða-vít, thì khinh bỉ chàng, vì chàng là một thanh niên hồng hào đẹp trai. Tên Phi-li-tinh nói với Ða-vít: “Tao có phải là chó đâu mà mày cầm gậy đến với tao?” Rồi tên Phi-li-tinh nhân danh các thần của y mà nguyền rủa Ða-vít. Anh ta nói với Ða-vít: “Mày hãy lại đây, tao sẽ phân thây mày cho chim trời và thú đồng ăn thịt”.
Ða-vít đáp lại: “Còn mi, mi cầm gươm, giáo, lao mà đến với ta, thì ta đến với mi nhân danh Chúa các đạo binh, Thiên Chúa các đoàn quân Ít-ra-en mà hôm nay mi đã nhục mạ. Chúa sẽ trao mi vào tay ta, ta sẽ đánh và chặt đầu mi, và hôm nay ta sẽ ném thây quân sĩ Phi-li-tinh cho chim trời và thú đồng, để khắp hoàn cầu biết rằng Ít-ra-en có một Thiên Chúa, và toàn thể cộng đồng này nhận biết rằng: “Chúa không dùng gươm giáo mà giải phóng, vì Người là chủ trận chiến, Người sẽ trao các ngươi vào tay chúng ta”.
Vậy tên Phi-li-tinh vùng lên, tiến lại gần Ða-vít, và Ða-vít hối hả chạy đến nghinh chiến với tên Phi-li-tinh. Ða-vít thò tay vào bị, lấy viên đá, rồi dùng dây ném đá mà phóng vào trán tên Phi-li-tinh, viên đá trúng lủng trán hắn, và hắn liền té sấp xuống đất. Và Ða-vít đã dùng dây ném đá và đá mà chiến thắng và hạ sát tên Phi-li-tinh. Nhưng vì Ða-vít không có sẵn gươm, nên cậu chạy lại đứng trên mình tên Phi-li-tinh, lấy gươm của hắn, rút ra khỏi vỏ và chặt đầu hắn.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 143, 1. 2. 9-10
Ðáp: Ôi Ðá Tảng của con, chúc tụng Chúa!
Xướng: Ôi Ðá Tảng của con, chúc tụng Chúa, là Ðấng rèn luyện cho tay con biết đấu tranh, cho các ngón tay con thiện nghề chinh chiến. – Ðáp.
Xướng: Chúa là Tình thương và là chiến luỹ, là Ðấng phù trợ và giải phóng con. Chúa là khiên thuẫn, là chỗ con nương náu, Ngài bắt chư dân phải khuất phục con.
Xướng: Ôi Thiên Chúa, con sẽ hát mừng Ngài bài ca mới, với cây đàn mười dây, con sẽ ca mừng Ngài, vì Ngài đã ban cho các vua chiến thắng, đã giải phóng Ða-vít là tôi tớ của Ngài.
Alleluia: Ga 6, 64b và 69b
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống. Chúa có những lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.
Phúc Âm: Mc 3, 1-6
“Trong ngày Sa-bát được cứu sống hay là giết chết?”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.
Khi ấy, Chúa Giê-su lại vào hội đường và ở đó có một người khô bại một tay. Người ta để ý quan sát xem Chúa có chữa bệnh trong ngày Sa-bát không, để tố cáo Người. Chúa bảo người có tay khô bại rằng: “Ngươi hãy đứng ra giữa đây”. Rồi Người bảo họ: “Trong ngày Sa-bát được làm sự lành hay sự dữ? Ðược cứu sống hay là giết chết?” Nhưng họ thinh lặng. Bấy giờ Người thịnh nộ đưa mắt nhìn họ và buồn phiền vì lòng họ chai đá, Người bảo bệnh nhân rằng: “Hãy giơ tay ra”. Người đó giơ tay ra và tay anh ta được lành. Lập tức, những người biệt phái đi ra bàn tính với những kẻ thuộc phái Hê-rô-đê chống đối Người và tìm cách hại Người.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin thương giúp cộng đoàn tín hữu chúng con cử hành thánh lễ này cho xứng đáng. Vì mỗi khi chúng con dâng lễ tưởng niệm cuộc khổ hình của Ðức Ki-tô là chúng con được hưởng ơn cứu chuộc của Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Ca hiệp lễ
Chúa phán: Nếu con muốn nên trọn lành, hãy về bán hết tài sản của con, rồi bố thí cho người nghèo khó, và theo Ta.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con cùng được chia sẻ một tấm bánh bởi trời; xin ban Thánh Thần là nguồn mạch tình yêu giúp chúng con cũng biết tâm đầu ý hợp và chân thành yêu thương nhau. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
THẤY VÀ CHỮA LÀNH
Lm. Giuse Tạ Minh Quý
Bài Tin Mừng trình thuật việc Chúa Giê-su chữa lành một người khô bại tay trong ngày Sa-bát. Điều đặc biệt là ai trong hội đường cũng thấy người khô bại tay, nhưng chỉ có Chúa chạnh lòng thương và chữa lành cho anh ta. Những người ở đó, không những không động lòng trắc ẩn với nỗi đau của người bệnh, mà còn dò xét xem Chúa có chữa bệnh ngày Sa-bát không để tìm cách tố cáo Người. Chúa Giê-su phẫn nộ và đau buồn vì sự cứng lòng và vô cảm của họ. Trước tình cảnh đó, Chúa vừa chữa lành cho người bệnh, vừa cho họ biết ý nghĩa đích thực của ngày Sa-bát. Ngày Sa-bát không phải chỉ để thờ phượng Thiên Chúa, nhưng hơn nữa, còn để sống tình bác ái, để làm việc thiện, để chữa lành các vết thương, và để cứu sống.
Căn bệnh nguy hiểm nhất của xã hội hôm nay là bệnh vô cảm. Sự phát triển của công nghệ thông tin đã giúp cho con người dễ dàng thấy những gì đang diễn ra trên thế giới, thấy được sự vất vả, đau khổ, và cùng cực của nhiều người xung quanh mình hơn. Nhưng có mấy ai thực sự rung động trước những đau khổ của người khác và ngay lập tức hành động giúp đỡ và chữa lành họ. Chúa Giê-su vẫn tiếp tục đau buồn vì sự cứng lòng và vô cảm của con người hôm nay!
Là những Ki-tô hữu, là hiện thân của Chúa Giê-su trong thế giới hôm nay, xin cho mỗi người chúng ta biết thấy những nhu cầu, những đau khổ, và những khủng hoảng của anh chị em mình, và sẵn sàng mau mắn hành động giúp đỡ họ. Tình yêu đích thực như Chúa đã yêu sẽ chữa lành mọi vết thương đau.
CHÚA CHỮA NGƯỜI BẠI TAY
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
1. Ngày hưu lễ, Chúa Giê-su vào hội đường. Ở đó có người bị bại một cánh tay. Nhóm biệt phái theo rình mò xem Chúa có chữa cho người bệnh này không. Biết thế, Chúa gọi người bệnh ra đứng giữa họ và hỏi: Ngày hưu lễ nên làm lành hay làm ác, cứu sống hay giết chết? Họ không trả lời, vì họ ngoan cố không muốn biết sự thật mà chỉ tìm cách tố cáo thôi. Chúa nhìn họ vừa buồn vừa giận vì thái độ ngoan cố của họ. Rồi Chúa bảo người bệnh: Hãy đưa tay ra. Tức thì người ấy khỏi bệnh. Thấy vậy, nhóm biệt phái và liên kết với nhóm của Hê-rô-đê tìm cách giết Chúa.
2. Theo truyền thống, người bại tay này làm nghề thợ xây đá. Nghĩa là anh cần có một bàn tay khỏe mạnh sớm hết sức, để có thể nuôi sống bản thân và gia đình. Không lạ gì trước những người Do-thái “chẻ sợi tóc làm tư” dò xét, bắt bẻ để lên án. Theo luật Do-thái, chỉ được chữa bệnh vào ngày Sa-bát trong trường hợp nguy tử. Trường hợp của anh không phải là nguy tử, nhưng Ngài không thể nào để đến ngày mai. Ngài đã can đảm dám chữa lành anh ngay hôm nay. Ngày Sa-bát là ngày dành cho Chúa, ngày làm điều lành, ngày cứu người. Nhờ đó, bàn tay anh có thể duỗi thẳng, anh có thể cầm lấy bàn tay người khác, cũng như có thể mưu sinh bằng chính bàn tay của mình (5 phút Lời Chúa).
3. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su có một phản ứng trước sự mù quáng của những người biệt phái. Chúng ta cứ tưởng tượng một bệnh nhân đang quằn quại trong đau khổ cần một bàn tay săn sóc chữa trị, thì người ta lại nại đến luật ngày Hưu lễ để bắt bẻ và cấm chế. Thánh Mác-cô như muốn tô đậm phản ứng của Chúa trước thái độ mù quáng như thế, khi viết: “Chúa Giê-su giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng chai đá của họ”. Chúa Giê-su vốn là Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Chúng ta hãy chiêm ngưỡng thái độ của Ngài đối với những người khốn khổ, những người tội lỗi, các bệnh nhân, những người bị đẩy ra bên lề xã hội, Ngài đồng bàn với họ, cảm thông với họ, tha thứ cho họ.
4. Có câu chuyện kể rằng: hôm ấy một rabbi Do-thái cưỡi ngựa đi từ Giê-ri-cô về Giê-ru-sa-lem vừa đi vừa hát thánh ca, trên đường đi, chẳng may con ngựa trượt chân ngã xuống vực, nhanh tay vớ được cành cây nên rabbi không rơi xuống vực. Ông thấy con ngựa rơi xuống nước nên không hề hấn gì, nhưng bờ cao không lên được, ông định chặt nhành cây lấp đất cho con ngựa lên, nhưng sực nhớ hôm đó là ngày Sa-bát không được làm việc tay chân nên thôi, ông liền phục trong bụi cây rình thấy một người hành hương cưỡi ngựa đi qua, ông rút súng bắn người ấy rơi xuống vực, cướp ngựa phóng đi và tiếp tục hát thánh ca…
Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho thấy việc Chúa Giê-su vạch trần sự giả hình của họ, ngày Sa-bát mọi người đến nghe Lời Chúa, còn họ thì đến với ý đồ xấu nhằm để hại người. Giống như câu truyện trên, rabbi kia không dám cứu con ngựa của mình lên vì sợ phạm luật nhưng lại dễ dàng giết người cướp ngựa… Chúa Giê-su biết họ đang rình mò tìm kế hại Ngài, nhưng Ngài vẫn không ngần ngại chữa lành cho anh bị bại tay và qua đó Ngài đặt cho họ một câu hỏi để họ suy nghĩ: “Ngày Sa-bát nên làm điều lành hay làm điều dữ”?
5. Chúa Giê-su thấu rõ ác tâm của nhóm biệt phái, nhưng Ngài không chống đối bằng lời nói mà lấy việc làm, lấy việc cứu giúp người bệnh để sửa dạy họ. Ngài nêu gương cho chúng ta, thay vì ra mặt công khai chống đối kẻ làm hại mình hay người tội lỗi, chúng ta lấy việc lành, lời cầu nguyện, sự hy sinh của chúng ta để dẫn đưa họ về nẻo chính đường ngay.
6. Truyện: Luật là luật
Chúng ta đã biết những người biệt phái luôn có cái nhìn cứng nhắc về lề luật. Họ chủ trương “luật là luật” và đã là luật thì phải giữ. Có thế thôi. Đối với những người như thế, chúng ta nên đọc và suy nghĩ về câu truyện này:
Một người Do-thái qua đời, sau khi đã khám nghiệm các bác sĩ xác nhận người đó đã thực sự chết theo đúng ý nghĩa của y học và đã cấp giấy chứng thực để chôn cất.
Giữa lúc đang chuẩn bị hạ huyệt người ta bỗng nghe có tiếng kêu trong quan tài. Mở nắp quan tài ra, mọi người rất đỗi ngạc nhiên vì thấy kẻ chết đã sống lại.
Thế nhưng vị giáo trưởng chủ trì tang lễ ra hiệu cho mọi người thinh lặng rồi nói với kẻ chết như sau:
– Chúng tôi không biết rõ ông đang sống hay chết. Nhưng căn cứ theo giấy chứng thực của các bác sĩ, ông quả thực đã là người chết. Vậy chúng tôi cứ thi hành theo đúng nhận định của bác sĩ.
Nói xong, ông truyền cho tang lễ đóng nắp quan tài lại và tiếp tục nghi thức an táng.
ĐƯA TAY RA ĐÓN NHẬN ƠN CỨU ĐỘ
(THỨ TƯ TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN NĂM LẺ)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Tư Tuần 2 Thường Niên, Năm lẻ này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa điều khiển hết mọi loài trên trời dưới đất, xin Chúa rủ thương chấp nhận lời Dân Chúa khẩn cầu mà ban cho thời đại chúng ta được bình an.
Xin cho thời đại chúng ta được bình an, với thái độ quy phục và nhìn nhận Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Đệ Nhị Luật cho thấy: Mầu nhiệm cao cả nhất của tình yêu Thiên Chúa, đó là việc Người tuyển chọn một dân nhỏ bé giữa bao nhiêu dân khác, để đặc biệt yêu thương và ban phúc lành. Ngày nay ranh giới chủng tộc của dân được tuyển chọn này không còn nữa, nhưng, bất kỳ ai tin đều có thể gia nhập dân được Thiên Chúa tuyển chọn. Chúng ta được Thiên Chúa nhận làm nghĩa tử là do lòng ưu ái của Người. Lời mời gọi Người gửi đến từng người làm biến đổi thân phận của mỗi chúng ta. Thiên Chúa quả thật là Cha chúng ta, chính Người ban cho ta sự sống của Người. Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta. Chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó. Đối với chúng ta, Thiên Chúa đã là một Vị Cứu Tinh; vì yêu mến, chính Người đã chuộc chúng ta về.
Xin cho thời đại chúng ta được bình an, với tinh thần liên đới làm cho mọi người được hưởng ơn cứu độ phổ quát của Chúa, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, Hiến Chế Tín Lý Ánh Sáng Muôn Dân nói: Do ý định khôn ngoan và nhân hậu, ý định hoàn toàn tự do và mầu nhiệm, Chúa Cha hằng hữu đã sáng tạo cả thế giới, và quyết định nâng con người lên, cho con người tham dự vào sự sống thần linh… Điều Thiên Chúa đã định từ trước, là đưa thời gian tới hồi viên mãn, là quy tụ dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô hết thảy mọi loài trong trời đất. Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho hết thảy mọi loài trong trời đất được hòa giải với mình.
Xin cho thời đại chúng ta được bình an, với lòng tin tưởng vào Đức Kitô, Vị Thượng Tế đã đền thay tội lỗi chúng ta, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thư Hípri nói: Muôn thuở con là Thượng Tế theo phẩm trật Menkixêđê. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 109, vịnh gia cho thấy: Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Menkixêđê. Sấm ngôn của Đức Chúa ngỏ cùng Chúa Thượng tôi: Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Đức Giêsu rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu hỏi: Ngày Sabát, được cứu mạng người hay giết đi? Đức Giêsu rao giảng, chữa bệnh, tất cả những gì Người làm chỉ nhằm một mục đích là hướng mọi người đến ơn cứu độ, nhờ chiêm ngưỡng Đức Kitô, Đấng là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo. Từ muôn đời, Chúa Cha đã tiền định cho ta được trở nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc. Mọi người công chính từ Ađam trở đi đến người cuối cùng, tất cả sẽ được quy tụ lại bên Chúa Cha trong Hội Thánh phổ quát. Đấng Cứu Độ hằng mong muốn cho mọi người được cứu rỗi. Đức Giêsu chữa lành người bại tay, để từ đây, không còn gì cản trở, khiến chúng ta không thể đưa tay lên để chúc tụng Thiên Chúa là Cha, và để đón nhận ơn cứu độ của Người. Ơn cứu độ đã có sẵn nơi tất cả các tôn giáo, các nền văn hóa, các thể chế chính trị như bức tượng đã có sẵn trong khối đá cẩm thạch, việc của chúng ta là đục đẽo, lấy đi những gì còn cản trở, để mọi người được hưởng ơn cứu độ của Chúa. Chúa điều khiển hết mọi loài trên trời dưới đất, ước gì Chúa ban cho thời đại chúng ta được bình an. Ước gì được như thế!
CỨNG HƠN THÉP
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
“Họ rình xem Đức Giêsu có chữa người ấy trong ngày Sabbat không, để tố cáo Người”.
Có hai cách để xử lý áp lực của nước: “cứng” và “mềm!”. Tiềm thuỷ cầu, đắp bằng một tấm thép cứng; bên trong, các nhà hải dương học nhìn qua một ô kính dày và hẹp. Họ thấy gì? Cá! Cá đối phó với áp lực hoàn toàn khác: “mềm!”. Không cần lớp da dày, cá bù đắp áp suất bên ngoài bằng áp suất bên trong chính nó; cân bằng và ngược chiều!
Kính thưa Anh Chị em,
Sự ghen tỵ của người biệt phái khác nào tấm thép của tiềm thuỷ cầu. Họ hẹp hòi “rình rập” từng hành vi, cử chỉ đến ngôn từ của Chúa Giêsu “để tố cáo Người”. Thực tế đáng buồn là họ quá mù quáng đến nỗi không nhận ra, họ đang thực sự hành động một cách vô lý và bất công; bởi lẽ, họ mang trong mình một trái tim ‘cứng hơn thép!’.
Đã từ lâu, những người biệt phái cho mình là thầy dạy lịch duyệt đáng được trọng vọng; thế nhưng, từ khi Chúa Giêsu xuất hiện, họ mất ảnh hưởng. Vì thế, trong họ, ghen tỵ đã nhen nhóm và nó trở thành tội, một tội đang phá huỷ đời sống tâm linh bên trong khiến sự kiêu hãnh, tỵ hiềm, giận dữ và lạnh lùng của họ bộc lộ ra bên ngoài.
Tin Mừng hôm nay buộc Chúa Giêsu chọn lựa giữa lề luật và xót thương! Ngài chọn xót thương khi chữa cho một người bại tay trong ngày Sabbat. Với Ngài, luật của lòng thương xót phải đặt trên mọi luật, con người ‘cần xót thương hơn công lý’. Và dẫu đây là một phép lạ bắt nguồn từ lòng lân tuất của Ngài; nhưng với một trái tim ‘cứng hơn thép’, các biệt phái coi hành vi này là tội. Chính sự tỵ hiềm đã làm hỏng mối quan hệ của họ với Thiên Chúa và huỷ hoại sự nhân đạo với tha nhân.
Chúa Giêsu đau buồn trước sự cứng cỏi của những con người này; đau buồn này đã nhen lên trong Ngài một cơn giận thánh. Tuy nhiên, cơn giận thánh không khiến Ngài bộc phát những lời đắng cay nhưng là những lời yêu thương. Ngài ôn tồn giải thích, “Ngày Sabbat, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết người?”; cùng lúc, Ngài chữa lành người bệnh với hy vọng, may ra họ mềm lòng và tin. Buồn thay, điều đó không xảy ra! Ngược lại, “Ra khỏi đó, nhóm Pharisêu lập tức bàn tính với phe Hêrôđê, để tìm cách giết Đức Giêsu”. Hai nhóm này là thù địch của nhau; vậy mà Tin Mừng tiết lộ một sự thật ớn lạnh rằng, họ hợp lực với nhau để âm mưu giết Ngài.
Kính thưa Anh Chị em,
“Họ rình xem Đức Giêsu”. Người ta rình rập để bắt bẻ; Chúa Giêsu ‘chờ chực’ để xót thương. Tại sao? Bởi lẽ, người biệt phái có những trái tim tựa hồ lớp vỏ của tiềm thuỷ cầu; đang khi trái tim của Chúa Giêsu thì dẻo dai, tự do nên chỉ biết xót thương. Noi gương Thầy Chí Thánh, giữa lòng thế giới - một thế giới khá lạnh lùng - người môn đệ của Chúa Giêsu không cần phải cứng và da phải dày, miễn sao chúng ta uyển chuyển, lắng nghe tiếng Chúa để cân bằng áp lực cuộc sống với một trái tim mềm mại dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Tin Mừng mời gọi bạn và tôi đừng để mình có một trái tim ‘cứng hơn thép’ như những con người thực sự đã mắc phải chứng bệnh tâm linh mãn tính này!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, cho con biết rằng, việc giải phẫu một trái tim cứng dẫu nghiệt ngã, vẫn đáng cho con trả giá! Có như thế, con mới có khả năng sống trọn cho Chúa và tha nhân!”, Amen.
AUDIO
Suy niệm Lời Chúa thứ Tư tuần 2 Thường Niên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn