TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

150 năm dòng Lasan hiện diện tại Việt Nam

Thứ tư - 28/04/2021 00:22 |   1763
150 năm dòng Lasan hiện diện tại Việt Nam

150 năm dòng Lasan hiện diện tại Việt Nam

Là dòng tu chuyên chăm lo về giáo dục và có nhiều thành công trong sứ mạng này, một thế kỷ rưỡi trôi qua, tỉnh dòng Lasan trên dải đất hình chữ S đã chắp cánh cho không ít thế hệ đến với những khung trời mơ ước...

MỘT HÀNH TRÌNH…
Cuối năm 1865, trên một chiếc tàu từ Toulon (Pháp), sáu Sư huynh dòng Lasan lên đường sang Sài Gòn làm giáo viên theo đơn xin của Thống đốc Nam Kỳ bấy giờ. Ngày 9.1.1866, họ tới nhận lớp tại trường Trung học Adran - được Hội Thừa Sai Paris thành lập năm 1861. Những năm kế tiếp, các Sư huynh điều hành và giảng dạy ở các trường thuộc Chợ Lớn, Mỹ Tho, Trà Vinh và Vĩnh Long. “Từ khi được thành lập, số học sinh của trường Mỹ Tho tăng đều vì những phương pháp khá hấp dẫn và những lời khích lệ của các Sư huynh. Thế nên kết quả học tập khá mỹ mãn. Nhiều học sinh trường này được gởi sang Pháp du học”, trong quyết định về việc nhà cầm quyền đặt mua dụng cụ cho học sinh của toàn quyền Nam kỳ ký ngày 28.4.1871 ghi như vậy.

Thánh lễ mừng 150 năm dòng Lasan hiện diện tại Việt Nam


Năm 1883, các Sư huynh rời khỏi Nam Kỳ do Chính phủ Pháp thay đổi chính sách giáo dục đối với tôn giáo. Sáu năm sau, Giám mục giáo phận Đàng Trong mời những tu sĩ này trở lại Sài Gòn và trao trường Taberd để tổ chức dạy học. Đây là ngôi trường mở năm 1873, được chính quyền và phụ huynh tín nhiệm nhờ tinh thần kỷ luật, thành quả vượt trội qua những kỳ thi, cuộc triển lãm. Bởi ở bất cứ hoàn cảnh nào, anh em luôn áp dụng đường lối sư phạm của Thánh Gioan Lasan quan thầy đặt ra là chú trọng việc phát triển các phần trí dục, đức dục và thể dục. Vậy nên, trong trường lúc nào cũng có sân bóng chuyền, bóng rổ, bàn bóng bàn để học sinh vui chơi, tập luyện và góp phần cho “ra lò” những tên tuổi về sau như Lê Văn Tiết, Trần Cảnh Được (VĐV bóng bàn), Adrian Phạm Ngọc Thảo (kỹ sư trắc địa)...

Tính đến năm 1954, tỉnh dòng mở được 25 trường học và cơ sở Lasan trên khắp cả nước. Mỗi niên khóa, số trường và học sinh đều tăng. Năm 1966, nhân kỷ niệm 100 năm hiện diện và phục vụ giáo dục tại Việt Nam, dòng  nữ Lasan chính thức thành lập. Giai đoạn này được coi như thời kỳ hưng thịnh của tỉnh dòng.

Gián đoạn một thời gian, từ năm 1990, anh em Lasan tiếp tục tham gia vào việc giáo dục nhưng hướng vào việc mở lưu xá cho sinh viên học sinh, mở trung tâm ngoại ngữ, dạy nghề ở nhiều vùng miền, đặc biệt nơi khó khăn. Mặt khác, nhằm đào tạo thần học, huấn giáo và sư phạm cho những Sư huynh trẻ cũng như mọi tu sĩ nam nữ, giáo dân, năm 1996, tỉnh dòng thành lập Học viện Thần học, đến năm 2005 được nhìn nhận là một cơ sở của Học viện Thần học Phaolô Nguyễn Văn Bình. Hiện tại, tỉnh dòng có 19 cộng đoàn phục vụ cả trong và ngoài nước.

Nhiều thế hệ học sinh đã tốt nghiệp từ mái trường Lasan Taberd

SỨ MẠNG THIÊNG LIÊNG

Với sứ mạng đem lại cho giới trẻ, nhất là giới trẻ nghèo một nền giáo dục nhân bản Kitô giáo, thông qua trường học là phương tiện tối ưu để các Sư huynh hành động, dòng Lasan đã có những hình thức đồng hành và đỡ nâng thích hợp. Tại TPHCM, 16 năm qua, trường tình thương Lasan (phường Tân Hưng, quận 7) đã trở thành địa chỉ thân thương của xóm lao động bình dân, của bao trẻ em đường phố không có điều kiện tới lớp. Ở ngôi trường đặc biệt này, học trò được học chữ miễn phí từ lớp 1 - 5, chăm lo sách vở, đồng phục; thỉnh thoảng lại có buổi cắm trại, dã ngoại, vui Trung thu. Bằng hết khả năng, các Sư huynh cố gắng để chúng không thua thiệt, thiếu thốn so với bạn bè trang lứa, bởi việc vun xanh những hạt mầm ấy là niềm vui, đường hướng ra khơi của tỉnh dòng.

Ngoài ra, khi nói đến Lasan Taberd, không thể không nhắc tới Lưu xá sinh viên Sivita (quận 1), được thành lập năm 1994, nhằm chăm lo đời sống văn hóa và đạo đức cho bạn trẻ từ khắp tỉnh thành lên Sài Gòn học tập. Thực thi mục tiêu theo đuổi “Đức tin, Tri thức, Nhân bản và Tông đồ” nên bên cạnh việc phải tuân thủ nề nếp, kỷ luật tập thể, các lưu sinh được mời gọi đảm trách một số công việc như dạy kèm trẻ khiếm thị ở những mái ấm, dạy vi tính và Anh văn tại trường tình thương Lasan, hay tham gia hoạt động mùa hè xanh ở Tây Nguyên, Nam Bộ hằng năm. Song song đó, Trung tâm ngoại ngữ Nguyễn Trường Tộ do các cựu học sinh Lasan giảng dạy và quản lý vẫn đang duy trì ổn định kể từ năm 1993.

Ngược lên xứ sở ngàn hoa, ngày 1.8.2014, tỉnh dòng vui mừng khi Trung tâm dạy nghề Lasan Đà Lạt phục vụ người nghèo khai giảng khóa học đầu tiên, gồm các nghề sữa chữa thiết bị nhiệt gia đình, cắt may trang phục nữ, mỹ thuật ứng dụng và ngoại ngữ chuyên ngành. Tận dụng khuôn viên sẵn có, các nhà giáo dục Công giáo còn quy tụ trẻ em nghèo từ nhiều nơi đến vui chơi, sinh hoạt và tặng quà vào dịp Trung thu, Giáng sinh...

Không kể vài nơi trên, nhiều năm qua, dấu chân của những tông đồ nhiệt thành vẫn luôn in hằn tại các trường nội trú như Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), Mỹ Yên (Đăk Nông), Bình Cang (Nha Trang), Huế. Ở mỗi nơi, các Sư huynh đều dấn thân và đồng hành cùng người trẻ trên tinh thần, nước bước của vị thánh quan thầy đề ra là dạy chữ và dạy cung cách sống dựa theo gương mẫu Kitô giáo.


Dòng Sư huynh các trường Công giáo hay còn gọi là dòng Lasan do Thánh Gioan Lasan (1651 - 1719) thành lập năm 1680 tại Pháp. Khi còn sinh tiền, Thánh Gioan Lasan đã mở trường dạy học cho những trẻ thơ bất hạnh, khó khăn trong xóm nghèo. Công việc của ngài lôi cuốn một số thầy giáo nông thôn có thiện chí cùng tham gia. Qua thời gian gắn bó, mọi người quyết định hình thành dòng tu với tôn chỉ phục vụ giáo dục nhân bản và đức tin cho thanh thiếu niên, cũng như người nghèo. Hiện nay, dòng Lasan có mặt trên hơn 80 quốc gia, gồm 4.500 Sư huynh và hơn 1 triệu học sinh, sinh viên theo học trong các trường và cơ sở giáo dục của nhà dòng.

Ngày 09.1.2016, Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc, TGP.TPHCM đã chủ sự thánh lễ khai mạc Năm Thánh mừng 150 năm dòng Lasan hiện diện và phục vụ ở Việt Nam tại cộng đoàn Mai Thôn (quận Bình Thạnh, TPHCM). Tham dự có Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản - GM Ban Mê Thuột, các linh mục và đông đảo tu sĩ nam nữ, giáo viên, cựu Sư huynh, cựu học sinh Lasan, ân nhân, thân nhân. Dịp này, Đức TGM Phaolô cùng ĐGM Vinh Sơn và Sư huynh Giám tỉnh đã cắt băng khánh thành phòng truyền thống của tỉnh dòng.

Phú Khang

 Tags: dòng Lasan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây