TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Ký sự Hành hương Đức Mẹ MêKông

Chủ nhật - 25/04/2021 04:07 |   1126
Ký sự Hành hương Đức Mẹ MêKông

Ký sự Hành hương Đức Mẹ MêKông, Campuchia

Theo lời mời của Ban Chấp Hành Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu (BCH/GĐPTTCG) Vương quốc Campuchia, xe chở nhóm đoàn viên chúng tôi từ TP HCM đi Campuchia thời gian hai ngày: Ngày 3 và 4/11/2018.

Ba mục đích của chuyến đi là: Hành hương Đức Mẹ Mê Kông, tham dự thánh lễ kỷ niệm 10 năm thành lập GĐPTTTCG Vương quốc Campuchia và phát quà cho người nghèo.

 

Ngày Thứ Nhất:

Xe ô tô 45 chỗ ngồi biển số Campuchia chở đúng số người theo quy định, khởi hành từ nhà thờ Hạnh Thông Tây – Gò Vấp khởi hành lúc 5g30 ngày 3/11/2018. Chúng tôi vinh dự được đồng hành với cha Quyền, linh hướng xứ đoàn (tương lai) Phú Quý, Nha Trang, anh trưởng ban GĐPTTTCG VN Giuse Huỳnh Bá Song, anh trưởng BCH GĐPTTTCG Tổng giáo phận Sài Gòn Giuse Trịnh Văn Tiến, cùng quý ông bà Cố, và hơn 40 đoàn viên thuộc các xứ đoàn trong Tổng giáo phận Sài Gòn, giáo phận Ban Mê Thuột, giáo phận Nha Trang…
 

Xe vừa chạy ít phút, ông Toma Nguyễn Hòa Nhã – Trưởng đoàn hành hương liền cầm micro nhắc nhở các thành viên trong đoàn thực hiện Chuỗi Mân Côi để cầu nguyện cho các linh hồn trong tháng 11 này.

Chỉ hơn một giờ sau, xe đưa chúng tôi đến một quán ăn sáng gần Cửa Khẩu Mộc Bài, quán sáng nay đông người nên chúng tôi phải chờ lâu.

Thủ tục qua cửa khẩu nhanh gọn, chúng tôi bước sang đất nước láng giềng mà cứ ngỡ như còn đang ở miền Tây, với cánh đồng lúa mênh mông, sông nước tràn trề. Điều khác lạ là có nhiều sòng bài công khai hai bên đường. Chữ viết quảng cáo, biển số xe… ngoằn ngoèo như dấu vết giun bò. Các loại xe thô sơ được sử dụng phổ biến tại đây, ví dụ như xe máy lôi Rơ-mooc, loại dài chở hàng hóa, loại ngắn có mái che đẹp chở người.

Thấy hai bên đường có nhiều Casino, ông Nhã nói vui “Lúc về mời ông Cố xuống chơi kiếm mớ lên máy bay về Bùi Chu”. Có tiếng nói như can ngăn phía dưới hàng sau cùng: “Coi chừng ông Cố còn mỗi cái quần đùi lên máy bay”. Nửa xe phía hàng ghế sau được một phen cười chảy ra nước mắt. Cha và ông cố ngồi hàng trên không hề hay biết gì.

12 giờ chúng tôi đến thủ đô Phnôm Pênh, đây là một thủ phủ rộng rãi nhưng dân cư lại thưa thớt, không ồn ào náo nhiệt như Sài Gòn.

Chúng tôi dùng bữa trưa tại một nhà hàng buffet sang trọng, có nhiều khách quốc tế, và có rất nhiều món ăn ngon, tha hồ mà chọn. Sau đó xe chở chúng tôi đến chợ trung tâm mua sắm, hàng hóa bày la liệt, đồ trang sức, đồng hồ quý đổ thành đống, quần áo mới, hàng hóa treo khắp nơi, nhưng giá cả không hề rẻ. Có chị mua hàng rồi mà không biết xài tiền Riel (Tiền Campuchia) nên đành đưa hết cả nắm tiền cho chủ, rồi người bán cứ lựa tờ nào đủ mệnh giá thì lấy.

 

15g00 chúng tôi lần chuỗi Lòng Thương Xót trên xe. Qua phà sông Mê Kông, đi bộ vài chục mét đến nhà thờ Công Giáo Nữ Vương Hòa Bình tại Arey Ksath, huyện Lvi-em, tỉnh Condal, nơi đặt 2 tượng Đức Mẹ đã gỉ sét, bị đắm cách bến đò 250m đã lâu năm mới được vớt vào ngày 16/4/2008 và ngày 19/11/2012.

Điều đặc biệt là hai tượng Đức Mẹ còn nguyên dấu han gỉ, bị đắm cùng một chỗ, đã có dấu lạ cho người ngoại đạo, họ đã vớt lên, thời gian cách nhau đến hơn bốn năm rưỡi.

Tượng Đức Mẹ vớt lên ngày 16/4/2008, do 8 người theo đạo Phật trục vớt. Người Công Giáo xin chuộc lại với giá 2 triệu ria (Riel); Nhưng một người trong 8 thợ lặn đêm hôm đó đã thấy hiện tượng lạ xảy ra, đó là Đức Mẹ đã bay ba bốn lượt trên bè cá của anh ta, sáng hôm sau họ đến vái lạy trước tượng cầu khấn xin tha lỗi vì sự thiếu tôn kính, thiếu hiểu biết của họ. Cả 8 người không dám nhận tiền nữa.

 

 


(Hình  chụp bản giới thiệu lược sử vớt Đức Mẹ ngày 16/04/2008 tại nhà thờ Arey Ksath)

 

Tượng Đức Mẹ bồng Chúa Giêsu được vớt lên ngày 19/11/2012, do ông Phan Văn Hủ, sinh năm 1953, thuộc xóm Arey Ksath, xã Arey Ksath, huyện Lvi- em, tỉnh Condal, một người theo đạo Phật, thấy trong giấc chiêm bao vào đêm 18/11/2012: “Hãy vớt tôi lên, tôi đang nằm dưới đáy sông Mê Kông, tôi ở gần nơi mà các ông đã vớt Đức Mẹ lần trước”.

Hôm sau, ông và 2 con đi tìm tượng để vớt, ba cha con đã vớt được tượng Đức Mẹ bồng Chúa Con cao 2m3, ông Phan Văn Hủ nói: “Khi vớt được Đức Mẹ lên ghe, tôi có cảm giác tượng Đức Mẹ không phải là một bức tượng, nhưng là một thân thể của người đang sống như chúng ta, tôi vừa mừng vừa run, lúc đó tôi cầu xin Mẹ cho vợ tôi được khỏi bệnh, tôi xin dâng tượng Đức Mẹ cho nhà thờ, không tính toán hơn thiệt”.


 

 


(Hình  chụp bản giới thiệu lược sử vớt Đức Mẹ ngày 19/11/2012 tại nhà thờ Arey Ksath)

Chúng tôi sốt sắng tham dự thánh lễ hành hương do cha Quyền chủ tế tại ngay cửa nhà thờ, và cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ vì bên trong đang sửa chữa.

Trên đường trở về, các sòng bài tại Phnom Penh về đêm nhấp nhánh muôn sắc màu khêu gợi, có một đoàn viên chỉ vào khen đẹp, phía cuối xe lại vọng lên một câu nói như răn đe: “Ông Cố mặc quần dài, còn anh mặc quần ngắn, nếu thua hết thì anh mặc cái gì để về ?”. Hình như anh ta không nghe thấy, nhưng các chị hàng ghế dưới, tưởng tượng rồi bật cười to tiếng.

Sau khi dùng bữa tối tại một quán cơm Việt Nam, số 2.276 street Beung Keng Kang 2, Chamkamon, Phnom Penh. Chúng tôi nghỉ đêm tại Heng Long 1 Hotel. Buổi tối, cha Quyền và 10 anh em đi xe Túc Túc đến bờ sông, thưởng thức cho hết lít rượu ngon do quán cơm khuyến mãi, và được hưởng gió mưa, ướt đẫm áo quần. Ướt mà cả cha và con, ai nấy đều vui vẻ.

Ngày thứ hai:

Nhớ lời dặn của anh trưởng đoàn, chúng tôi tập trung tại tầng trệt khách sạn lúc 6g30, nhâm nhi trò chuyện bên ly cà phê quá nhiều vị đắng lạ, không hợp khẩu vị, dùng điểm tâm tự chọn, món hủ tíu được nhiều người thưởng thức, ngon hay không ngon, nhưng đúng là hủ tíu Nam Vang thật.

Mọi người được lệnh sắp xếp hết đồ đạc lên xe, không trở lại đây nữa, vì nơi dự lễ trên đường về Việt Nam.

Thành phố Phnom Penh sáng Chúa Nhật thật đẹp. Các khu vực công cộng với quảng trường, hoa viên rộng đang xây dựng dở dang. Đường phố có nhiều xe ô tô hạng sang của các thương hiệu nổi tiếng Nhật bản, chạy chung với xe túc túc, xe ba bánh nho nhỏ xinh xinh chở người. Đang say sưa ngắm cảnh, xe chúng tôi bị mất thắng, không thể tiếp tục cuộc hành trình. Giờ lễ sắp bắt đầu mà chúng tôi chưa tới.

Ông trưởng đoàn Nhã thật nhanh nhẹn: “Bây giờ chúng ta chuyển sang xe Túc Túc, mỗi xe 6 người, đi đến nhà thờ Chompa, đồ đạc cứ để trên xe, đi ngay cho kịp giờ lễ”.

Sáu người chúng tôi rất vui vì lần đầu được ngồi xe Túc Túc. Một lát sau, nhìn quanh chẳng thấy xe nào. Anh lái xe da ngăm đen râu rậm, chạy vòng vòng chở chúng tôi đến một quán cà phê, ra hiệu xuống xe, chúng tôi lo lắng vì điện thoại không có sóng làm sao mà liên lạc với nhau đây? Tiếng Campuchia không biết, nói tiếng Việt anh ta không hiểu. Có người vừa làm dấu thánh giá vừa nói: “Chúng tôi là người Công Giáo, muốn đi lễ ở Chompa”. Anh ta trố hai con mắt màu trắng chằm chằm nhìn. Có người nói tiếng Anh: “Chompa Church”, anh ta ngây người ra. Chuyển sang tiếng Pháp bồi “ Ếglise de Chompa”, mắt anh ta to hơn, tròn hơn. May quá nói đến từ Catholic, anh ta gật gù lia lịa.

Mọi người vui mừng. Một lát sau anh ta lại chở chúng tôi đến một quán cà phê sang trọng hơn quán trước. Chắc là anh tài xế nghĩ chúng tôi chê quán kia. Thôi rồi. Không biết đến chiều có gặp được nhau hay không.

Lại lên xe, chúng tôi được tài xế tiếp tục chở đi vòng vòng, chiêm ngưỡng thành phố đẹp mà tâm trạng rối bời. Nghĩ đến hộ chiếu người khác giữ, không về nước được, áo quần còn trên xe, nếu thất lạc lấy gì mà thay, ai nấy thêm lo. Phen này chắc giao linh hồn và thân xác cho các ông Pôn Pốt rồi.

Đi loanh quanh, thấy cảnh giống bến đò hôm qua. Càng thêm lo. Các bà nói cầu nguyện đi. Chẳng ai muốn nói với ai. Bỗng nhìn thấy có một xe khác cũng đang chạy vòng vòng, trên xe áo đồng phục GĐPTTT rất dễ nhận, 6 cái tay giơ lên vẫy vội. Tìm được một xe, ra hiệu tài xế, tụi mình là friends, đi chung nhé. Đi thêm một quãng đường, lại cũng gặp thêm một xe đồng phục nhà mình, đứng lề đường đang nói chuyện với một người đàn bà. Một người xuống xe hỏi nhanh bằng tiếng Anh: “Where’s the Catholic Church Chompa?” Bà ta vừa cười vừa hỏi lại: “Ông nói gì tôi không hiểu, tôi là người Việt mà.” Bà ấy cho biết Chompa còn xa 8 km nữa. Rồi bà ta nói bằng tiếng Campuchia cho tài xế. Họ hiểu. Bây giờ ba xe hứa là bạn bè, chẳng dám rời xa. Lúc này anh em GĐPTTT chúng tôi cảm thấy thân thiện và quý mến nhau hơn.

Đến nhà thờ giáo xứ Phanxicô Chompa, thánh lễ đồng tế do Đức cha người Pháp, giám mục giáo phận chủ tế, đã bắt đầu. Lần đầu tiên chúng tôi tham dự một thánh lễ bằng tiếng Campuchia. Trong thánh lễ, Đức cha chủ sự nghi thức tuyên hứa cho gần 20 đoàn viên mới, nghi thức tuyên hứa của Ban chấp hành giáo phận. Nhà thờ không có ghế. Người dự lễ đều ngồi chiếu. Vậy mà thánh lễ kỷ niệm 10 năm thành lập đoàn thể GĐPTTT vẫn diển ra theo nét rất Campuchia. Lúc Đức cha chủ tế rảy nước phép làm phép cờ đoàn, Ngài cố tình rảy thêm thật nhiều nước phép lên đầu chị cầm cờ, làm ướt hết đầu tóc chị, cả hai nhìn nhau mỉm cười thích chí. Điệu múa truyền thống dân tộc bản địa của các cháu thiếu nhi thật đẹp.

Trước bữa cơm trưa thân mật cùng Đức cha, chúng tôi đã phát hơn 100 phần quà cho người nghèo.

Trên đường về mọi người kể cho nhau chuyện lúc thất lạc nhau. Nghe chuyện đời tu đầy sóng gió của cha Quyền. Chúng tôi về tới nhà thờ Hạnh Thông Tây lúc 19g30.

Hành hương Đức Mẹ Mê Kông là một chuyến đi quý giá và nhiều kỷ niệm của các đoàn viên GĐPTTT năm nay.

 

Hoàng Kha

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây