TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Nhật ký thời Covid-19 (16)

Thứ hai - 26/04/2021 03:11 |   794

Nhật ký thời Covid-19 (16)


Thánh Barthôlômêô, tông đồ



Ban Mê, ngày 24.8.2020

Hôm nay, lễ kính Thánh Barthôlômêô, tông đồ. Nhiều người vẫn chưa biết ngài là ai? Theo ghi chép của Lm. Vũ Đình Tường, Thánh Barthôlômêô, tông đồ, thuộc dòng dõi vua Tolmai (2 Sam 3:3). Vua Geshu con của Maacah, mẹ của Absalong sanh ra vua David. Đàng khác Barthôlômêô họ hàng với Ptolemy vua nước Ai Cập. Ông có bộ tóc đen quăn dài phủ tai, da trắng, mắt to, mũi thẳng, râu rậm chen lẫn những chùm râu trắng, người cao trung bình. Ảnh hưởng bởi dòng dõi quý tộc và phong cách con nhà quyền quý ông thích mặc áo chùng màu trắng kèm theo những giải màu tím. Áo choàng ngoài cũng màu trắng thêu màu tím bốn góc. Là một người thông thái, thông thạo nhiều ngôn ngữ, tính tình nhân hậu, vui vẻ và chuyên cần cầu nguyện ngày đêm. Tuy dòng dõi hoàng gia nhưng ông hội nhập vui sống với những ngư phủ, thứ dân, ngôn từ bình dị, không hề than thở hay tỏ ra cao ngạo.

Phúc âm Matthêu, Marcô và Luca luôn nhắc đến Philipphê và Barthôlômêô. Phúc âm Gioan nhắc Philipphê giới thiệu Nathanael cho Chúa Giêsu nên có nhiều học giả cho là Barthôlômêô và Nathanael là một.

Vẫn dựa theo ghi chép của Lm. Vũ Đình Tường, Barthôlômêô giảng đạo với tông đồ Philipphê tại Ấn Độ và miền Tiểu Á (Thổ Nhĩ Kỳ). Hành trang giảng đạo vỏn vẹn có cuốn sách Phúc Âm thánh Mathêu viết bằng tiếng Hy Bá. Vợ quan toàn quyền Astyages được ơn lạ. Thánh nhân cứu sống qua cơn bệnh ngặt nghèo. Bà tin theo đạo và trở thành người giúp việc tận tình cho việc truyền giáo. Số người trở lại tin theo lên đến nhiều ngàn. Làn sóng người tin đạo gây một phản ứng ngược mạnh mẽ trong giới lãnh đạo. Trước áp lực của các quan cận thần và sợ tiếng quở trách của hoàng đế Rôma. Toàn quyền Astyages ra lệnh ngăn cấm dân chúng không được theo đạo. Lệnh cấm không làm giảm niềm tin; trái lại số người tin theo tăng ngày một nhiều. Giải pháp duy nhất Astyages thực hiện là bắt các tông đồ tống ngục. Việc làm gây tiếng vang giữa các tín hữu. Người tin theo càng can đảm hơn. Họ lầm lý luận xử tử các ngài đạo sẽ tan. Họ không biết các ngài chỉ là công cụ của Thiên Chúa. Ngoài xã hội, giết kẻ lãnh đạo đoàn thể đó tan. Lãnh đạo trong Giáo Hội là Chúa. Đức Kitô đi rao giảng bây giờ trở thành kẻ được rao giảng.

Bị bắt chung với Philipphê, quan tòa ra lệnh tha Barthôlômêô, còn Philipphê thì bị án tử. Lính được lệnh treo ngài vào thập tự không phải đóng bằng đinh nhưng dùng giáo đâm lủng hai đùi, xỏ giây qua treo ngược trên thập tự. Barthôlômêô được tự do có lẽ do sự can thiệp của vợ quan toàn quyền, cũng có thể do chính vị chánh án xử cũng tin theo Chúa và nhận được ơn nên ông ra lệnh tha Barthôlômêô.

Chứng kiến cảnh Philipphê tử đạo, Barthôlômêô sang Armenia (quê hương mẹ Têrêsa). Barthôlômêô là thánh bổn mạng của quốc gia này. Thực ra Barthôlômêô không phải là nhà truyền giáo đầu tiên trên phần đất này. Trước đó vào các năm 43-66, thánh Tông đồ Thađêô đến Armenia giảng đạo. Barthôlômêô có mặt vào khoảng năm 66-68. Như thế hạt giống Tin Mừng đức tin được thánh tông đồ Thađêô gieo rắc một thời gian dài là 23 năm trước đó. Hai năm 66-68, Barthôlômêô là người tưới cho hạt giống đức tin nảy mầm và mọc xanh tốt.

Barthôlômêô không trú ngụ hẳn tại Liên Xô hay Armenia nhưng thường xuyên đi lại giữa hai nước. Tại Armenia, Barthôlômêô đặt tay cầu nguyện cứu sống con gái vua. Việc tốt lành này làm nổi giận các đạo sĩ hầu cận nhà vua vì họ mất sủng ái. Gia đình tiểu vương tin theo Chúa nhưng các đạo sĩ trong cung điện mua chuộc anh vua. Nhóm này âm thầm ngầm bắt Barthôlômêô lột da sống rồi đóng đinh ngược tại Bashlake năm 68. Nay là thành phố Derbend. Đây là một hải cảng dân chúng sống nghề buôn bán ngựa cho chiến tranh.

Trong quá khứ các nhà địa lí dường như không phân biệt rõ ràng, mạch lạc như chúng ta hiểu ngày nay. Trong thời buổi hỗn mang đó, nhiều vua lắm chúa, bá tước và đại điền chủ đều xưng vương xưng bá, quyền hành như vua con một cõi nên việc phân biệt địa danh quả là có nhiều vấn đề. Thời đó Ấn Độ được hiểu là một trong các miền ở các vùng Ả Rập, Ethiôpia, Libya, Parthia, Persia, Medes và một phần Ấn Độ ngày nay.

Bước chân truyền giáo của các tông đồ rất khó xác định vì các ngài ra đi tự do, không người chỉ định. Sau ngày lễ Ngũ Tuần các ngài hăng hái ra đi về một phương trời vô định. Đến nơi này thấy có người đang truyền giáo các ngài bỏ đi nơi khác, thực hành câu sai đi rao giảng Tin Mừng đến khắp cùng bờ cõi. Vì quan niệm tứ hải đều là nhà nên nơi nào chấp nhận hạt giống đức tin; nơi đó các ngài cư ngụ. Nơi nào xua đuổi, các ngài âm thầm ra đi. Sau này tin tức truyền giáo viết phỏng theo lời tường thuật của dân địa phương, truyền khẩu, nhớ đến đâu kể đến đó. Các sử gia cố gắng kiểm chứng, dò theo từng vết chân, bút tích, nhân chứng. Căn cứ vào thánh đường, thánh tích, lời truyền nếu các chi tiết đó ăn khớp với nhau coi như tin đó chính xác, đáng tin.

Dẫu thế mức độ chính xác cũng chỉ tương đối. Thứ nhất là chiến tranh, thứ hai là các tôn giáo bạn, nhóm nào cũng nhận đóng góp ít nhiều trong việc giúp các tông đồ. Chính vì thế mà khi đọc về lịch sử truyền giáo, các sử gia thường phải đối chiếu nhiều tài liệu khác nhau: lịch sử dân tộc, lịch sử công giáo, chính thống, địa phương sử và chiến sử rồi so sánh, gạn lọc truyền thống có nhiều bằng chứng nhất giữ lại. Truyền thống thần bí chờ nghiên cứu thêm.

Vấn đề ngôn ngữ là yếu tố khác. Có bản viết bằng tiếng La Tinh, bản khác tiếng Hy Lạp cổ, tiếng thổ dân nên cần rất nhiều công tra cứu để đọc và hiểu rõ tác giả muốn viết gì. Da thuộc hiếm và đắt nên đắn đo từng chữ trước khi viết.

Ngày nay, xác thánh Barthôlômêô được cất giữ ở nhiều nơi khác nhau. Năm 508, vua Anastasius giữ xác thánh tại Duras, Mesopotamia. Thế kỷ thứ 6 thánh Gregory de Tours chuyển xác về Sicily. Năm 809, xác được chuyển sang Benevento. Năm 983, vua Otto đệ tam chuyển sang Roma.

Hiện nay một phần thánh tích chôn cất dưới thánh đường Barthôlômêô. Một xương cánh tay chuyển về Benevento và giám mục Edward tặng thánh đường Canterbury. (theo Lm Vũ Đình Tường, Vietcatholic News).

Nhìn lại cuộc sống hằng ngày, nhất là những lúc chúng ta gặp khủng hoảng đức tin khi chúng ta gặp đau khổ, gian khó trong cơn đại dịch Covid-19, chúng ta tự hỏi: “Có Thiên Chúa hay không? Người có phải là vị Thiên Chúa nhân lành hay không? Nếu có, tại sao Thiên Chúa lại để nhân loại phải chịu cảnh khốn khổ thế này?”

Có câu chuyện: “Một đêm kia, một người nằm mơ thấy anh ta đang đi dạo trên bờ biển một mình. Phía trên bầu trời phản chiếu những cảnh sống của cuộc đời anh ta. Đối với mỗi cảnh sống, anh ta nhận thấy không chỉ có một mà hai bộ dấu chân in trên cát. Anh ta hiểu ngay rằng một bộ chân thuộc về anh, và bộ chân kia là của Chúa. Nhưng sau đó anh ta nhận thấy một điều kỳ lạ. Vào những thời điểm đau khổ và buồn tẻ nhất trong cuộc sống, anh ta chỉ thấy có một bộ chân mà thôi. Anh nghĩ rằng đó là bộ chân của anh. Điều này làm anh chán nản. Vì thế anh hỏi Chúa: ‘Lạy Chúa, Chúa ở đâu khi con gặp những cảnh cùng cực trong cuộc sống. Chính những lúc con cần đến Chúa thì Chúa lại bỏ rơi con?’ Anh nghe tiếng Chúa đáp lại: ‘Hỡi con, trong những lúc con gặp gian nan, thử thách, khi con chỉ thấy có một bộ chân in trên cát, đó chính là bộ chân của Ta. Ta đang cõng con trên lưng của Ta đó!’”

Mừng kính Thánh Barthôlômêô, xin cho chúng con nhớ rằng: có Chúa luôn đồng hành với chúng con. “Trước khi Philipphê gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới cây vả, thì Ta đã thấy ngươi”. Lạy thánh Barthôlômêô xin cầu bầu cho chúng con trước ngai tòa Chúa và ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con cũng dám làm chứng cho Chúa bằng cuộc sống thường ngày của chúng con.

Thánh lễ online sáng thứ Hai, 24.8.2020, Cha Giuse Bùi Công Chính mời gọi: mừng kính Thánh Barthôlômêô, tông đồ, chúng ta thành tâm xin cho chúng ta gặp được Chúa Giêsu để được biến đổi đời mình.

Sau bài Phúc Âm (Ga 1, 45-51), Cha Giuse chia sẻ: Nathanael là người có định kiến, khi Philipphê đưa Nathanael đến gặp Chúa Giêsu, ông nói: “Nadarét nào có cái chi hay?”. Nhưng khi gặp được Chúa thì cuộc đời ông được biến đổi. Chúng ta, những người theo Chúa, xin cho chúng ta cũng được biến đổi đời mình trở nên giống Chúa Giêsu mỗi ngày, từ con tim, trí óc và việc làm.

 

 

Vũ Đình Bình

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây