Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.vn/assets/images/logo.png
Thứ sáu - 29/03/2024 09:21 |
427
Trong các Tin Mừng, Chúa Giêsu hầu như luôn giới thiệu lời dạy của Ngài bằng câu “Quả thật, Ta nói cho các ngươi hay” để nhấn mạnh tầm quan trọng và tính trung thực của lời giáo huấn.
CHÚA GIÊSU BỊ CHẾ NHẠO
Lm. Enrico Cattaneo, S.J
La Civiltà Cattolica
Các khảo luận về Kitô học nhấn mạnh đến các tước hiệu mang tính vinh quang khi diễn tả Ngôi Vị thần linh của Chúa Giêsu như: Con Thiên Chúa, Đấng Kitô, Đấng Cứu Thế. Tuy nhiên, những thuật ngữ mang tính xúc phạm mà các phe đối nghịch đã sử dụng để hạ thấp Ngài lại rất ít được đề cập tới. Thật vậy, khi thu thập tất cả những điều đó, chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu bị buộc tội là kẻ bịp bợm, kẻ làm điều ác, tay ăn nhậu, tên bị quỷ ám, một người điên, một kẻ lộng ngôn, một kẻ gây rối, con của một người cha vô danh, thậm chí là một người Samaritanô. Đây cũng là một phần của việc “tự hạ mình” mà Chúa Kitô đã tự nguyện “vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên thập giá” (Pl 2:8).
Tranh “Chúa Giêsu bị quân lính chế nhạo” của Carl Heinrich Bloch, 1872. Chúng ta sẽ không dừng lại ở mức độ “lạm dụng” này cách chung chung, nhưng cùng nhau xem xét chi tiết những lời xúc phạm mà Chúa Giêsu đã hứng chịu, cũng như cách thức mà các môn đệ đầu tiên của Ngài đã noi gương Ngài trong việc hạ mình này.
Trong các Tin Mừng, Chúa Giêsu hầu như luôn giới thiệu lời dạy của Ngài bằng câu “Quả thật, Ta nói cho các ngươi hay” để nhấn mạnh tầm quan trọng và tính trung thực của lời giáo huấn. Cách diễn đạt này xuất hiện khoảng 30 lần trong Mt, 9 lần trong Mc, 10 lần trong Lc. Trong Tin Mừng Thánh Gioan, từ này xuất hiện tới 25 lần: “Quả thật, quả thật, ta nói cho các ngươi hay”. Chính khái niệm về chân lý/ sự thật (alētheia) là trọng tâm của Phúc âm thứ tư [1]. Chúa Giêsu được trình bày là “đầy ân sủng và sự thật” (Ga 1:14), vì “ân sủng và sự thật được ban cho nhân loại ngang qua Đức Giêsu Kitô” (Ga 1:17). Chúa Giêsu kêu gọi “sống theo sự thật” (Ga 3:21), bởi vì Thiên Chúa, Chúa Cha đáng được tôn thờ trong “thần khí và sự thật” (Ga 4:23-24). Sự thật sẽ giải phóng con người (Ga 8,32). Chúa Giêsu tự giới thiệu mình là “người đã nói sự thật” và vì điều này mà họ tìm cách giết Ngài (Ga 8:40). Ngài long trọng tuyên bố: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14:6), đồng thời Ngài cũng hứa sai “Thần Chân Lý” tới để giải phóng con người (Ga 14:17; 15:26; 16:13).
Khi cầu nguyện cho các môn đệ của mình, Ngài xin Chúa Cha “thánh hiến họ trong sự thật. Lời Cha là sự thật” (Ga 17,17). Rõ ràng Ngài muốn họ “được thánh hiến trong sự thật” (Ga 17:19). Với Philatô, Đức Giêsu nói: “Tôi sinh ra và đến thế gian để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tôi” (Ga 18:37), và Philatô đáp lại Người một câu hỏi ngây ngô: “Sự thật là gì?” (Ga 18:38).
Ngay cả một số kẻ thù địch của Chúa Giêsu cũng công khai thừa nhận tính chân thật nơi lời giáo huấn của Ngài: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật. Thầy chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa.” (Mc 12:14; Lc 20:21). Ngay cả một kinh sư cũng nhận ra đức tính này nơi Đức Giêsu, “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng” (Mc 12:32).
Tuy nhiên, sau khi bị đóng đinh và táng xác, những người lãnh đạo dân đã không ngần ngại tố cáo Đức Giêsu là kẻ bịp bợm: “Thưa ngài, chúng tôi nhớ tên bịp bợm ấy khi còn sống có nói: “Sau ba ngày, Ta sẽ trỗi dậy” (Mt 27:63). Kẻ mạo danh là “kẻ nói dối” (Châm Ngôn 14:25), “chứng nhân xảo trá toàn nói chuyện dối gian” (Châm Ngôn 14:5), bởi vì hắn lừa dối. Đây là lý do tại sao người Pharisêu không chấp nhận lời chứng của Đức Giêsu, họ tin rằng đó là lời chứng dối: “Ông làm chứng cho chính mình; lời chứng của ông không thật! ” (Ga 8,13). Thực ra, chính ma quỷ “khi nó nói dối là nó nói theo bản tính của nó, bởi vì nó là kẻ nói dối, và là cha sự gian dối” (Ga 8:44). Nơi ma quỷ “không có sự thật” (Ga 8:44), trong khi Chúa Giêsu nói sự thật, nhưng họ không tin Ngài (Ga 8:45,46) [2]. Ngay trong thời gian thi hành sứ mạng, Chúa Giêsu đã bị thách thức về tính chân thật của Ngài: “Dân chúng bàn tán nhiều về Người. Kẻ thì bảo: “Đó là một người tốt.” Kẻ thì nói: “Không, ông ta mê hoặc dân chúng” (Ga 7:12). Chắc chắn đó là một trong những sự sỉ nhục lớn nhất về mặt đạo đức của Chúa Giêsu khi bị coi là kẻ mạo danh, kẻ nói dối. Đấng là Sự Thật và là Đấng luôn nói sự thật bởi vì “Nếu tôi nói là tôi không biết Người, thì tôi cũng là kẻ nói dối (pseustēs) như các ông(Ga 8:55).
Các tông đồ cũng được sai đi loan báo Tin Mừng Nước Trời (Lc 9:2), và việc loan báo này không thể tách rời khỏi sự thật. Tông Đồ Phaolô được sai đến để công bố “chân lý của Tin Mừng” (Gal 2:5; 2:14; Col 1:5) và truyền bá Tin Mừng “bằng lời lẽ ngay thật” (2Cr 6:7). Ý thức được sự yếu đuối của phận người, vị Tông Đồ này nói rằng khi thi hành thừa tác vụ của mình: “Chúng tôi khước từ những cách hành động ám muội, đáng xấu hổ, và không dùng mưu mô mà xử trí, cũng chẳng xuyên tạc lời Thiên Chúa; nhưng chúng tôi giãi bày sự thật, và bằng cách đó, chúng tôi để cho lương tâm mọi người phê phán trước mặt Thiên Chúa” (2Cr 4:2). Thật vậy, vị Tông Đồ dân ngoại tuyên bố: “Vì chúng tôi không thể làm gì chống lại sự thật, nhưng chúng tôi chỉ có thể làm việc cho sự thật” (2 Cr13:8). Tuy nhiên, ông cũng bị cáo buộc là “kẻ bịp bợm”, giống như các tiên tri giả và tông đồ giả [3].
Chúng tôi “bị coi là bịp bợm (planoi), nhưng kỳ thực chúng tôi chân thành” (2 Cr 6:8). Lời cáo buộc chống lại Thánh Phaolô này có lẽ là một trong những “cái gai đâm vào thịt” (2 Cor 12:7) khiến ngài đau đớn nhất.
Nếu hắn không phải là kẻ làm điều ác…
Các Tin Mừng cho thấy Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời, chữa lành bệnh tật, trừ quỷ. Tóm lại là làm điều tốt. Quá ngưỡng mộ lòng tốt của Ngài, đám đông nói: “Ông ấy đã làm mọi việc tốt; Ngài làm cho kẻ điếc được nghe và kẻ câm nói được!” (Mc 7:37). Vì Chúa Giêsu làm điều tốt ngay cả trong ngày Sabát nên Ngài bị buộc tội vi phạm tính thiêng liêng của ngày đó. Tuy nhiên, Ngài nhắc lại rằng “làm điều lành trong ngày Sabát là chính đáng” (Mt12:12), lưu ý rằng sự phẫn nộ đối với hành vi của Ngài là không đúng chỗ: “Sao các ông lại nổi giận với tôi, vì tôi đã chữa lành toàn thân một người trong ngày Sabát?” (Ga 7:23). Quả thật, việc lành là việc của Chúa. Như Phaolô đã nói với những người dân ngoại ở Líttra: “Người không ngừng làm chứng cho mình, khi thi ân giáng phúc, ban mưa từ trời và mùa màng sung túc cho các bạn, và cho các bạn được no lòng, được an vui” (Cv 14:17).
Tác giả Thánh Vịnh đã mời gọi chúng ta nhớ đến Chúa như Đấng ban ân huệ: “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, chớ khá quên mọi ân huệ của Người” (Tv 103:2); và tự hỏi: “Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ, vì mọi ơn lành Người đã ban cho? ” (Tv 116:12). Chúa Giêsu đã thể hiện “nhiều việc lành (kala erga) của Chúa Cha” (Ga 10:32) và gắn liền việc làm của Ngài với việc làm của Chúa Cha: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” ( Ga 5:17). Khi tóm tắt hoạt động của Chúa Giêsu, Phêrô nói rằng “đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người” (Cv 10:38). Tin Mừng Mátthêu cũng tóm tắt sứ vụ của Chúa Giêsu bằng cách trích lời tiên tri Issaia: “Ngài mang lấy tật nguyền của chúng ta và gánh lấy bệnh tật của chúng ta” (Mt 8:17).
Trong khi đó, một người đã trở nên mù quáng vì ghen tị khi coi Chúa Giêsu chẳng khác gì ngoài một người làm việc thiện, mới nói với Philatô: “Nếu ông này không làm điều ác (kakon poiōn), thì chúng tôi đã chẳng đem nộp cho quan” (Ga 18:30). Chúa Giêsu bị xử tử “cùng với hai kẻ làm điều ác khác (kakourgoi)” (Lc 23:32), do đó ứng nghiệm lời tiên tri Isaia, “Người bị liệt vào hàng phạm pháp” (Is 53:12). “Thật vậy, những gì đã chép về Thầy sắp được hoàn tất” (Lc 22:37). Các Tin Mừng thuật lại rằng có hai tên tội phạm bị đóng đinh, một bên phải, một bên trái, và Chúa Giêsu ở giữa (Mt 27:38). Tính lịch sử của chi tiết này có thể được bảo vệ cách vững chắc bằng cách coi đó không phải là một cử chỉ tôn trọng những người bị kết án, mà là một nỗ lực nhằm chế nhạo. Thực ra, có lẽ hai người bị đóng đinh kia nằm trong số những kẻ bạo loạn phạm tội giết người (Mc 15:7). Barabbas cũng là một trong số họ (Cv 3:14), nhưng hắn đã được trả tự do theo yêu cầu của dân chúng và Chúa Giêsu đã thế chỗ của hắn (Mc 15:15). Đưa ra lý do chính thức cho việc lên án “Chúa Giêsu-người Nazareth, Vua dân Do Thái”, những người lính có thể đã nói: “Vậy thì hãy đặt nhà vua vào giữa!”
Chúa Giêsu đã cảnh báo các môn đệ rằng họ sẽ phải chịu số phận tương tự, nhưng họ đừng buồn phiền mà hãy vui mừng: “Phúc cho các con khi […] vì Thầy mà họ vu khống đủ mọi điều xấu xa cho các con” (Mt 5:11). Nói xấu một người là coi anh ta là kẻ làm điều ác, ngay cả khi người nói biết anh ta đang nói dối. Các môn đệ của Chúa Giêsu phải để ý đến việc họ có thể bị kết án oan là những kẻ làm điều ác. Đây là số phận đã xảy đến với Thánh Phaolô, người vì Tin Mừng mà “bị xiềng xích như một tên tội phạm (kakourgos)” (2 Tim 2:9).
“Ngoài việc bị phe chống đối cáo buộc là một kẻ bịp bợm và làm điều ác, Chúa Giêsu còn bị chế nhạo là một tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi. Thậm chí, họ còn hoài nghi nguồn gốc xuất thân của Ngài, xem Ngài là con của một người cha vô danh. Nhưng dưới góc nhìn của mầu nhiệm cứu độ thì những xúc phạm này là một phần của việc “tự hạ mình” mà Chúa Kitô đã tự nguyện “vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên thập giá” (Pl 2:8).
Tranh “Đức Kitô bị chế nhạo” của hoạ sĩ Domenico Fiasella
‘Đây là một tay ăn nhậu!’
Theo Tin Mừng Mátthêu và Luca, Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai của Ngài bằng việc ăn chay 40 ngày (Mt 4:2; Lc 4:2). Ăn chay là một thực hành tôn giáo điển hình của người Do Thái và Chúa Giêsu không chỉ trích nó, mà chỉ kêu gọi mọi người tránh khía cạnh phô trương của nó (Mt 6:16-18). Tuy nhiên, Ngài không coi đó là quy tắc cho những người theo Ngài, đến mức gây ra nhiều lời chỉ trích: “Sao môn đồ của Gioan và môn đồ của người Pharisêu ăn chay, còn môn đồ của Thầy thì không?” (Mc 2:18). Chúa Giêsu trả lời một cách bí ẩn khi nói rằng các môn đệ của Ngài sẽ ăn chay “khi chàng rể được đem đi khỏi họ” (Mc 2:20), ám chỉ cái chết của Ngài. Thực ra, Chúa Giêsu và các môn đệ thường được mời ngồi cùng bàn với những người bạn hoặc như khách được mời (Mc 2:15; Lc 7:36), đến nỗi Chúa bị buộc tội là “tay ăn nhậu” và là bạn của quân thu thuế và phường tội lỗi” (Mt 11,19). Nhưng giống như bác sĩ đến nơi có người bệnh, Chúa Giêsu cũng đến nơi có người tội lỗi (Mt 9:12).
Tuy nhiên, Chúa Giêsu không dừng lại ở đó. Đi vào vấn đề gai góc liên quan đến thực phẩm không thanh sạch, Ngài đã có một quan điểm hết sức mới mẻ khi tuyên bố rằng “không có gì từ bên ngoài vào trong con người có thể làm họ ra ô uế […], cái gì từ con người xuất ra mới là thứ làm họ ra ô uế […] do đó tuyên bố tất cả các loại thực phẩm “thanh sạch” (Mc 7:18-20) [4]. Có thể bài học này đã không được chấp nhận ngay lập tức vì các môn đệ, với tư cách là những người Do Thái tốt bụng, vẫn tiếp tục tuân thủ những quy tắc ăn uống này. Vì thế, khi Phêrô nhìn thấy tấm khăn bọc đầy thú vật và được mời dùng bữa, đã kêu lên: “Lạy Chúa, không thể được, vì không bao giờ con ăn những gì ô uế và không thanh sạch” (Cv 10:14). Chỉ khi đó Phêrô mới hiểu rằng con người không thể bị phân biệt đối xử chỉ vì thức ăn, vì Đức Chúa thanh tẩy tâm hồn họ “nhờ đức tin” (Cv15:9). Tuy nhiên, những người Kitô hữu Do Thái tại Hội đồng Giêrusalem đã ra phán quyết chống lại việc “kiêng ăn thịt loài vật không cắt tiết và kiêng ăn tiết” (Cv 15:20).
Thánh Phaolô đã phải giải quyết vấn đề thịt cúng dùng vào việc tế thần, và ngài đã giải quyết nó bằng cách cho phép tự do lương tâm (1 Cor 10:25; Rom 14:1-4). Dù thế nào đi nữa, quan điểm của ngài rất rõ ràng và phản ánh quan điểm của Chúa Giêsu: “Vì Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14:17). Vì vậy, “dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cr 10,31). Tuy nhiên, cuộc đời của vị Tông đồ không phải là một cuộc sống thoải mái dễ dàng: “Tôi đã lao động cực nhọc và nhiều khi phải thức đêm. Tôi đã từng đói khát và thường nhịn ăn. Tôi đã chịu lạnh và trần truồng” (2 Cr11:27), cũng như bị “đánh đập, tù đày và bạo loạn, vất vả, mất ngủ và đói khát” (2 Cr6:5).
‘Vậy cha của ông là ai?’
Tin Mừng Máccô được coi là lâu đời nhất, không đề cập đến nguồn gốc nhân tính của Chúa Giêsu. Tin Mừng chỉ nói rằng Ngài có mẹ tên là Maria (Mc 5:3), rằng Ngài có “anh chị em” (Mc 3:31-35), nhưng không bao giờ đề cập đến cha của Ngài. Người cha duy nhất mà Chúa Giêsu biết là người mà trong lời cầu nguyện Ngài gọi “Abba, Cha ơi!” (Mc 14:36). Chúa Giêsu nói về Con Người sẽ đến “trong vinh quang của Cha Người” (Mc 8:38), và Ngài mời gọi các môn đệ cầu nguyện với “Cha của anh em ở trên trời” (Mc 11:25). Cha của Gioan Tẩy Giả không được nhắc đến (Mc 1:4) [5] như trường hợp của nhiều môn đệ. Chẳng hạn, Giacôbê và Gioan là “con trai của Dêbêđê” (Mc 1:19-20; 3:17; 10:35); Lêvi được gọi là “con trai của Anphê” (Mc 2:14); còn có Giacôbê “con ông Alphê” (Mc 3:18). Ngược lại, cha của hai anh em Simon và Anrê thì không được biết đến (Mc 1:29) [6]. Với Giacôbê hậu và Giuse, chỉ có mẹ của họ là Maria được nhắc đến (Mc 15:40; 15:47); và trong Mc 6:3 Giacôbê và Giuse được gọi là “anh em” của Chúa Giêsu, nên rõ ràng họ là anh em họ. Hơn nữa, trong Mc 16:1, Giacôbê được gọi là con trai của Maria, xác nhận điều đã nói trước đó. Tóm lại, dữ liệu do Máccô cung cấp về các quan hệ cha con khác nhau không mang tính hệ thống, và do đó không thể thu thập được gì từ sự im lặng về cha của Chúa Giêsu (đích thực hay hợp pháp), ngoại trừ việc, có lẽ vào thời điểm thi hành sứ mạng công khai thì người cha đó đã qua đời.
Tin Mừng Thánh Gioan cũng không đề cập trực tiếp đến người cha trần thế của Chúa Giêsu, nhưng luôn luôn nói đến Cha trên trời của Ngài, Đấng mà Chúa Giêsu sẵn lòng gọi là “Cha tôi” (Ga 2,16). Tuy nhiên, người ta cho rằng Ngài là con trai Giuse: “Họ nói: “Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: “Tôi từ trời xuống?” (Ga 6:42). Thật vậy, việc ám chỉ đến nguồn gốc trên trời này có thể làm dấy lên sự nghi ngờ về nguồn gốc đáng ngờ: “Họ hỏi Ngài: ‘Cha của ông ở đâu?’ Chúa Giêsu đáp: “Các ông không biết tôi, cũng chẳng biết Cha tôi. Nếu các ông biết tôi, thì hẳn cũng biết Cha tôi” (Ga 8:19). Ở đây chúng ta tìm thấy mức độ hiểu biết kép điển hình của Tin Mừng Thứ Tư: người Do Thái hỏi Đức Giêsu về người cha trần thế của Ngài, nhưng Chúa Giêsu lại nói về người Cha trên trời. Tại thời điểm này, sự ám chỉ ác ý trở nên rõ ràng: “Họ trả lời Ngài: ‘Chúng tôi không phải là con ngoài giá thú’, họ phản đối ‘chúng tôi chỉ có một Cha, là chính Thiên Chúa!'” (Ga 8:41), tức là, như họ sẽ làm vào một dịp khác, họ khẳng định: “Chúng tôi thậm chí không biết ông ấy từ đâu đến” (Ga 9:29). Phản ứng của Chúa Giêsu trước lời ám chỉ đầy cay đắng này là: “Tại sao các ông không hiểu lối nói của tôi? […] Nếu tôi nói sự thật, sao các ông lại không tin tôi?” (Ga 8:43, 46).
Có lẽ để tránh cách giải thích mang tính vu khống về nguồn gốc trần thế của Chúa Giêsu, các thánh sử Mátthêu và Luca đã trình bày chi tiết câu chuyện về việc Ngài được thụ thai đồng trinh, theo phả hệ của Thánh Giuse (Mt 1:18-25) và Đức Maria (Lc 1:26-38). Sự thật vẫn là sự vu khống về nguồn gốc bất thường của Chúa Giêsu đã lan rộng trong người Do Thái [7]. Sự ô nhục này rõ ràng cũng đã lan tới cả Mẹ của Ngài. Luca gọi Đức Maria là “trinh nữ” (Lc 1:27), còn Tin Mừng Mátthêu thì trích dẫn Issaia – “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai” (Mt 1:23). Tác giả Tin Mừng dường như muốn ám chỉ một phép lạ lưỡng diện, cả trong thụ thai và trong quá trình sinh nở. Dù thế nào đi nữa, truyền thống Kitô giáo luôn ủng hộ việc thụ thai của Chúa Giêsu khi Đức Maria vẫn còn đồng trinh, và đặc ân “trọn đời đồng trinh” của Đức Maria [8].
Trên bước đường rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu gặp nhiều chống đối từ phe đối nghịch. Họ cáo buộc Ngài là kẻ bịp bợm, một tay ăn nhậu, kẻ làm điều ác… Nhưng có lẽ, lời vu khống nghiêm trọng nhất áp đặt cho Chúa Giêsu chắc chắn là việc Ngài bị xem như kẻ bị quỷ ám.
Tranh “Chúa Giêsu bị chế nhạo” của Hieronymus Bosch
‘Ông ta mất trí rồi!’
Khi rao giảng ở Galilê, Chúa Giêsu mải mê với đám đông đến nỗi Ngài và các môn đệ “thậm chí không có thời gian để ăn” (Mc 3:20). Khi đó, người thân của Ngài, tức là họ hàng của Ngài muốn đi bắt trói Ngài, “vì họ nói: ‘Ông ấy mất trí (exestē)’” (Mc 3:21). Chỉ có Máccô đề cập đến chi tiết này. Chi tiết này không dễ giải thích và có thể dịch là “ông ấy phát điên rồi!”. Điều này cho thấy rằng, ít nhất lúc đầu, các thành viên trong gia đình Ngài không phải là môn đệ của Ngài. Quả thực, như Phúc Âm Thứ Tư nói, “ngay cả anh em của Người cũng không tin Người” (Ga 7:5). Tuy nhiên, Mẹ của Người, Đức Maria, người mà chúng ta thấy cùng với môn đệ khác ở dưới chân thập giá (Ga 19,25-27), phải được miễn trừ khỏi việc này.
Trong Tin Mừng Mátthêu, việc gọi ai đó là “đồ ngốc” (rhaka) sẽ bị lên án rất nghiêm khắc: “Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo (mōre), thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt (Mt 5:22). Trong Tin Mừng Thánh Gioan, một lời xúc phạm tương tự cũng được người Do Thái dùng để ám chỉ Chúa Giêsu. Những người hiểu lầm lời nói của Ngài về việc Ngài sẵn sàng “hy sinh mạng sống” (Ga 10:17-18) và giải thích chúng như một ý định tự sát. Họ nói: “Ông ấy bị quỷ ám và điên khùng (mainetai) rồi” (Ga 10:20). Bị điên tương đương với việc bị chiếm hữu. Trong lãnh thổ của người Ghêrasa, có một người đàn ông không mặc gì và đi lang thang giữa các ngôi mộ, la hét và tự đánh mình bằng những hòn đá. Sau khi Chúa Giêsu giải phóng anh ta, người dân trong vùng đó đã nhìn thấy “người bị đạo binh quỷ ám đang ngồi đó, ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo” (Mc 5:15).
Tại Cêdarê, sau khi nghe lời khai của Phaolô, Tổng trấn Philatô đã cho ông là kẻ ngốc: “Ông Phaolô, ông điên mất rồi (mainēi),! Ông hay chữ quá nên hoá điên! “Ông Phaolô đáp: “Thưa ngài Philatô đáng kính, tôi không điên đâu, nhưng tôi nói lên những điều hợp với sự thật và lẽ phải” (Cv 26:24-25).
‘Ông ta bị quỷ ám!’
Lời vu khống nghiêm trọng nhất áp đặt cho Chúa Giêsu chắc chắn là việc Ngài bị xem như kẻ bị quỷ ám. Điều này được đề cập trong cả bốn Tin Mừng. Theo Máccô, lời buộc tội đến từ các kinh sư, họ nói rằng: “Ông ấy bị quỷ vương Bêendêbun ám” và “Ông ấy nhờ quỷ vương mà trừ quỷ” (Mc 3:22). Điều này cũng giống như việc gọi Con Người là “Xatan ” (Mc 3:23). Chúa Giêsu đã đáp lại lời vu khống này bằng một loạt lập luận cho thấy sự vô lý của lời buộc tội đó (Mc 3:24-27) và kết thúc bằng một tuyên ngôn chắc nịch: “Quả thật, tôi nói với các ông, ai “phạm đến Chúa Thánh Thần” sẽ được coi là “mắc tội muôn đời” (Mc 3:28-29). Quả thực, họ nói: “Ông ấy bị thần ô uế ám” (Mc 3:30). Tuyên ngôn về “tội không thể tha thứ”, cũng được trích dẫn từ Tin Mừng Mátthêu 12:31-32 và Luca 12:10 với nhiều biến thể, và là một trong những lời phán xét nghiêm khắc nhất mà Chúa Giêsu từng nói ra [9].
Lời buộc tội như vậy cũng xuất hiện trong Tin Mừng Thứ Tư. Lời khẳng quyết của đám đông: “Ông bị quỷ ám thật rồi! […] có ai tìm giết ông đâu” (Ga 7:20). Thay vì một sự phán xét vô cớ, họ cũng có thể nói, “Ông điên thật rồi!” Tuy nhiên, trong cuộc đối đầu đầy kịch tính ở chương 8, lời buộc tội này trở nên rõ ràng hơn: “Chúng tôi bảo ông là người Samari và là người bị quỷ ám thì chẳng đúng lắm sao? ” (Ga 8:48). Chúa Giêsu đáp: “Tôi không bị quỷ ám nhưng tôi tôn kính Cha tôi, còn các ông lại làm nhục tôi” (Ga 8,49). Những người buộc tội Ngài đã nhắc lại: “Bây giờ chúng tôi chắc rằng ông bị quỷ ám thật rồi!” (Ga 8:52). Sự xúc phạm này tái diễn khi Chúa Giêsu tiên báo về việc hiến mạng sống mình (Ga 10,17-18), những lời tiên tri đó đã dấy lên sự chia rẽ giữa họ: “Nhiều người trong nhóm họ nói: “Ông ấy bị quỷ ám và điên khùng rồi! Nghe ông ấy làm gì? “Kẻ khác bảo: “Người bị quỷ ám (daimonizomeou) đâu có nói được như vậy! Quỷ (daimonion) có thể mở mắt cho người mù được sao?” (Ga 10:19) [10].
Trong khi Chúa Giêsu là Đấng Thánh, luôn được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, và do đó không phạm tội (Dt 4:15; Ga 8:46), nhưng các môn đệ của Ngài thì không, họ là những người được kêu gọi tỉnh thức và cầu nguyện để không sa vào cám dỗ (Mc 14,38). Thật không may, một trong số những Tông Đồ đã không thể cưỡng lại sức mạnh của quỷ.
“Xatan đã nhập vào Giuđa, cũng gọi là Ítcariốt, một người trong Nhóm Mười Hai” (Lc 22:3). Tin Mừng Thứ Tư xác nhận điều này: “Ngay khi Giuđa cầm lấy bánh, Xatan liền nhập vào y” (Ga 13:27). Quả thực, Xatan cũng đã cố gắng hạ bệ Phêrô: “Simôn, Simôn ơi, kìa Xatan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22:31-32). Trước đó Phêrô đã có nguy cơ trở thành “Xatan” khi ông cố gắng cản Chúa Giêsu đi con đường mà Chúa Cha đã vạch ra cho Ngài: “Xatan! lui lại đàng sau Thầy!” Chúa Giêsu nói: “Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mc 8:33). Thánh Phaolô cũng cảnh báo về “tông đồ giả, họ là thợ gian xảo, đội lốt tông đồ của Đức Kitô. Lạ gì đâu! Vì chính Xatan cũng đội lốt thiên thần sáng láng” (2 Cr11:13-14).
Cái chết của Đức Giêsu không nằm ngoài ý định của Thiên Chúa và cũng không nằm ngoài ý định của con người. Bởi lẽ, khi Đức Giêsu ngồi ăn với người tội lỗi, Ngài bị cáo buộc là tay ăn nhậu; khi Ngài chữa bệnh vào ngày sabát, Ngài bị cho là không giữ luật của tiền nhân; khi Ngài tha tội cho một người bại liệt, Ngài bị lên án là phạm thượng. Theo luật của người Do Thái, tội phạm thượng là một tội rất nghiêm trọng, và đáng bị tử hình. Trên thực tế, lời cáo buộc phạm thượng cộng với những cáo buộc khác đã ngấm ngầm dẫn đến cái chết của Ngài.
Tranh “Chế nhạo Đức Giêsu” của Gerard van Honthorst
‘Ông ta đã phạm thượng! Ông ta đã lừa dối dân chúng!”
Lời buộc tội phạm thượng lần đầu tiên được áp dụng cho Chúa Giêsu một cách rất ư nhẹ nhàng và êm đềm, trong một bối cảnh riêng tư, sau khi Ngài tha tội cho một người bại liệt tại nhà: “Một số luật sĩ nghĩ thầm trong lòng: ‘Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?” (Mc 2:7; Mt 9:3) [11]. Theo luật Do Thái, tội phạm thượng là một tội rất nghiêm trọng, và đáng bị tử hình [12]. Mặc dù hình phạt này ngay lúc đó chưa được áp dụng ngay tức thì, nhưng trên thực tế, lời buộc tội này cộng với lời buộc tội rằng Ngài ngồi ăn với người tội lỗi (Mc 2:15-17), không thực hành việc ăn chay (Mc 2:18-22), không giữ luật ngày Sabát (Mc 2:23-28), và cuối cùng là việc chữa lành vào ngày Sabát (Mc 3:1-5), đã dẫn đến một bản án tử hình ngấm ngầm, biện minh cho những gì xảy ra sau đó: “Ra khỏi đó, nhóm Pharisêu lập tức bàn tính với phe Hêrôđê, để tìm cách giết Đức Giêsu” (Mc 3:6).
Tuy nhiên, cơ hội để đưa ra lời kết án này chính thức là sau khi Chúa Giêsu bị bắt và bị xét xử trước Thượng Hội Đồng. Đối với câu hỏi của vị thượng tế: “Ông có phải là Đấng Kitô, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng không?” (Mc 14:61), Chúa Giêsu đã trả lời bằng ngôn ngữ khải huyền để gián tiếp xác nhận danh xưng đó (Mc 14:62). Lời tuyên ngôn rằng Ngài là Đấng Mêsia được Đức Chúa tấn phong làm vị thẩm phán cánh chung được coi là phạm thượng. Tại thời điểm này, bản cáo trạng chính thức được kích hoạt: “Chúng ta cần gì nhân chứng nữa? Quý vị vừa nghe hắn nói phạm đến Thiên Chúa. Quý vị nghĩ sao?” Sau đó “tất cả họ đều kết án Người đáng phải chết” (Mc 14:63-64; Mt 26:57-68). Từ lúc đó Chúa Giêsu bị đối xử như tội phạm, bị khạc nhổ và đánh đập (Mc 14:65; Mt 26:67-68). Phúc âm Thứ Tư không thuật lại giai đoạn thử thách này, nhưng ngầm diễn tả điều tương tự với một bối cảnh khác. Trong dịp Lễ Cung hiến, Chúa Giêsu đã thốt ra một số lời trong Đền thờ có vẻ được xem như phạm thượng đối với người Do Thái, họ lập tức nhặt đá ném Người. Ở đây cũng có thể coi hành động của họ như là một lời biện minh thuần túy tôn giáo: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa” (Ga 10,33). Chúa Giêsu ngạc nhiên nên nói với họ: “Thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: “Ông nói phạm thượng! vì tôi đã nói: “Tôi là Con Thiên Chúa?” (Ga 10:36). Sự phạm thượng nằm ở chỗ Ngài đã đưa ra một tuyên bố vô căn cứ , nghĩa là Đức Giêsu “tuyên bố chính Ngài là Thiên Chúa”. Vì vậy, người ta có ý định giết Chúa Giêsu vì tội phạm thượng, nhưng thật bí ẩn trong hoàn cảnh đó, bởi “Người đã thoát khỏi tay họ” (Ga 10:39).
Sự việc xảy ra sau khi Đức Giêsu bị Thượng Hội Đồng bắt giữ và lên án. Tuy nhiên, người Do Thái không được phép áp dụng hình phạt tử hình, nên đã quay sang Tổng trấn Philatô. Không thể buộc tội Chúa Giêsu phạm thượng, bởi tội này không có trong luật pháp của người La Mã [13], nên họ viện cớ là do động cơ chính trị khi tố cáo Chúa Giêsu là một kẻ gây rối nguy hiểm và khiến dân chúng bất an. Tin Mừng Thánh Luca nhấn mạnh lời buộc tội này: “Chúng tôi đã phát giác ra tên này sách động dân tộc chúng tôi, và ngăn cản dân chúng nộp thuế cho hoàng đế Xêda, lại còn xưng mình là Mêsia, là Vua nữa” (Lu-ca 23:2). Và người Do Thái nhấn mạnh đến tầm mức ảnh hưởng của Chúa Giêsu: “Hắn đã xúi dân nổi loạn, đi giảng dạy khắp vùng Giuđê, bắt đầu từ Galilê cho đến đây” (Lc 23,5). Philatô hiểu rõ điều này: “Các ngươi nộp người này cho ta, vì cho là tay kích động dân” (Lc 23:14), nhưng sau khi tra hỏi Đức Giêsu về việc được gọi là “vua” (Ga 18:33-38), ông ta nhận ra rằng không có gì có thể làm bằng chứng để kết án Người, và động cơ thực sự của lời buộc tội là do ghen tị (Mt 27:18). Sự thỏa hiệp được tìm thấy xung quanh danh hiệu “vua”, một danh hiệu thiên sai đối với người Do Thái, một danh hiệu chính trị dành cho Philatô [14]. Vì vậy, cuối cùng, dù không muốn nhưng Philatô vẫn tuyên án tử hình Chúa Giêsu cho dẫu không tìm thấy lý do gì, ông biện minh đó là hành vi chiếm đoạt tước hiệu vua (Ga 19,12-16) [15].
Trong thời kỳ đầu của Giáo Hội, các tông đồ bị bắt vì việc rao giảng của họ quá thành công và do đó gây rối loạn trật tự công cộng (Cv 4:1-22), có nguy cơ làm nảy sinh các nhóm muốn lật đổ chính quyền (Cv 5:34- 42). Trường hợp của Stêphanô thật bất thường: bị buộc tội thốt ra “những lời phạm thượng chống lại Môsê và chống lại Thiên Chúa” (Cv 6:11), ông bị ném đá đến chết mà không có sự can thiệp của chính quyền La Mã. Thánh Phaolô sắp chịu chung số phận thì được tòa án Rôma cứu thoát (Cv 21:31-33). Như với Chúa Giêsu, người Do Thái, để bị người La Mã kết án tử hình, đã phải gạt bỏ động cơ tôn giáo (Cv 24:20-21) và viện đến cáo buộc nổi loạn. Vì vậy, họ thuê một luật sư La Mã tên là Téctulô, người đã đưa ra lời buộc tội chính xác như sau: “Số là chúng tôi đã bắt gặp tên này, một thứ ôn dịch, chuyên gây bạo loạn giữa mọi người Do Thái trong thiên hạ, và là đầu sỏ phái Nadarét” (Cv24:5). Và Thánh Phaolô, để tự cứu mình khỏi những người Do Thái đang muốn giết ngài (Cv 23:12), đã thỉnh cầu hoàng đế Xêda (Cv 25:9-12).
Bị xúc phạm nhưng Người đã không đáp trả
Việc Chúa Giêsu hứng chịu những lời lăng mạ, đặc biệt vào thời điểm Người chịu khổ nạn, được ghi lại cách rõ ràng không chỉ trong các Tin Mừng mà còn trong các sách khác của Tân Ước. Thánh Máccô ghi lại một loạt lời phỉ báng đi kèm với việc Chúa Giêsu bị đóng đinh: “Những người đi ngang qua lăng mạ Ngài (eblasphēmoun) […]. Các tư tế và các người thông luật cũng chế nhạo Ngài (empaizontes); những kẻ bị đóng đinh cùng với Ngài cũng lăng mạ Ngài (ōneidizon)” (Mc 15:29-32; x Mt 27:39-44). Thánh Luca cũng thêm vào những lời chế nhạo của bọn lính (Lc 23:36). Điều dễ thấy là Chúa Giêsu không bao giờ đáp lại những lời xúc phạm đó, như trong thư thứ nhất của Thánh Phêrô, ngài đã ghi lại rằng: “Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại (loidoroumenos), Người không trả đũa” (1 Pr 2:23). Tương tự như vậy, Tông Đồ Phaolô hẳn cũng biết những lời xúc phạm như vậy, vì ông viết và trích dẫn Tv 68:10: “Thật vậy, Đức Kitô đã không chiều theo sở thích của mình; trái lại, như có lời chép: Lời kẻ thoá mạ (oneidismoi) Ngài, này chính con hứng chịu’” (Rm 15:3).
Một lần nữa, Chúa Giêsu lại tiên đoán số phận tương tự dành cho các môn đệ của Ngài: “Phúc cho các con khi bị người đời sỉ nhục (oneidisōsin)” (Mt 5:11). Luca mở rộng những hình thức bắt bớ: “Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả (oneidisōsin) và bị xoá tên như đồ xấu xa (ponēron)” (Lc 6:22). Mối phúc này được Thánh Phêrô lặp lại: “Nếu bị sỉ nhục (oneidizesthe) vì danh Đức Kitô, anh em thật có phúc” (1 Pr 4:14).
Linh đạo Kitô giáo, đặc biệt là linh đạo thời trung cổ, trong bối cảnh của việc noi gương Chúa Kitô, người Kitô hữu tập trung nhiều vào những “lời xúc phạm” mà Chúa Kitô đã hứng chịu, và biến chúng thành đối tượng để suy niệm. Vì thế, nhiều tác giả khi chấp nhận lời mời gọi của Thư gửi tín hữu Do Thái, đã hướng mắt về Chúa Giêsu, “là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin. Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục” (Dt 12:2). Vào đầu thời kỳ hiện đại, Thánh Inhaxiô Loyola đã tự giới thiệu mình là người thừa kế linh đạo này: “Để bắt chước và giống Chúa Kitô, Chúa chúng ta hơn, tôi muốn và chọn […] những điều hèn hạ với Chúa Kitô hơn là những vinh dự; và tôi mong muốn được coi là kẻ ngu dại và điên rồ với Chúa Kitô, Đấng đã bị coi như vậy, hơn là khôn ngoan và thông thái theo kiểu thế gian này” (Bài Linh Thao, Số 167). Việc Inhã nhất định quay về phục niệm chủ đề này cũng rất có ý nghĩa: “Tôi ước muốn và quyết tâm là sẽ […] bắt chước Chúa trong việc chịu đựng mọi sự xúc phạm và sỉ nhục” (Bài Linh Thao, Số 98) [16].
[1] Cf. I. de la Potterie, La verità di Gesù. Studi cristologia giovannea, Turin, Marietti, 1973.
[2] Trong sách Khải huyền của thánh Gioan, Ma quỷ hay Satan được miêu tả là “kẻ lừa dối (ho planōn) toàn bộ loài người ở trên trái đất” (Kh 12:9; x 20:10). Nhưng những ai phủ nhận thực tại về Nhập Thể thì sẽ được gọi là “kẻ mạo danh (ho planos) và kẻ Phản Kitô” (2 Ga 7).
[3] Lời kêu gọi hãy tỉnh thức trước sự lừa dối của các tiên tri giả và các đấng cứu thế giả thường xuyên xuất hiện trong các Tin Mừng (x. Mt 24:4-5; Mc 13:5; Lc 21:8). Có nguy cơ là ngay cả những người được chọn cũng sẽ bị lừa (x. Mt 24,24). Thánh Phaolô cũng thường xuyên cảnh báo việc chống lại sự lừa dối, đặc biệt trong lĩnh vực luân lý (x. 1 Cor 6:9; 15:33; Gal 6:7).
[4]Đây không phải là điều Chúa Giêsu nói, nhưng là một suy luận của tác giả Tin Mừng, tức là của cộng đoàn Kitô hữu sơ khởi. Nhưng nó trái ngược với tâm lý Do Thái đến nỗi nó không thể nào thoát ra khỏi tâm trí của một người môn đệ.
[5] Nhưng Lc 1:13 nói rằng Gioan là con trai của Da-ca-ri-a.
[6]Nhưng Mt16:17 gọi Simon Phê-rô là “con trai Giô-na hay Gioan” (Ga1:42).
[7]Origen, Contra Celsum I, 32 ghi lại ý kiến của một người Do Thái rằng mẹ của Chúa Giêsu đã bị người thợ mộc từ chối, người muốn kết hôn với bà vì “bà đã có thai với một người lính tên là Pantera”. Tuy nhiên tin đồn này lan rộng đến mức nào đối với người Do Thái là một vấn đề gây tranh cãi.
[8]x. E. Norelli, “La tradizione sulla nascita di Gesù nell’Alethès lògos di Celso”, trong L. Perrone (ed), Discorsi di verità, Paganesimo, giudaismo e cristianesimo a đối đầu nel ‘Contro Celso’ di Origene”, Rome, Augustinianum , 1998, 133-169.
[9]Ở đây không thích hợp để liệt kê tất cả những biến thể của câu nói đó. Tuy nhiên, đó là một biểu hiện đã gây ra nhiều cuộc thảo luận giữa các nhà chú giải. Đây là cách Bibbia di Gerusalemme (Bologna, EDB, 2009) giải thích: “Việc gán cho ma quỷ công việc của Chúa Thánh Thần là trốn tránh ánh sáng của ân sủng và sự tha thứ đến nơi từ Thiên Chúa. Một thái độ như vậy đặt người ta ra ngoài ơn cứu độ. Nhưng ân sủng có thể thay đổi thái độ này; khi đó việc quay trở lại với ơn cứu độ sẽ trở nên khả thi” (tr. 2400).
[10]Đây là lần duy nhất biệt danh này được tìm thấy và bị coi là một sự xúc phạm. Người Sa-ma-ri-ta-nô về chủng tộc và tôn giáo bị người Do Thái coi là những kẻ “giả mạo”.
[11] Việc phạm thượng hoặc chửi thề không chỉ là sự xúc phạm trực tiếp chống lại Thiên Chúa mà còn ảnh hưởng đến quyền cai trị và tính độc nhất của Thiên Chúa.
[12]X. Lv 24:16: “Ai nói phạm đến danh ĐỨC CHÚA, sẽ bị xử tử: toàn thể cộng đồng sẽ ném đá nó; dù là ngoại kiều hay người bản xứ, nếu nói phạm đến thánh danh, sẽ bị xử tử.”
[13]Trong luật La Mã, deorum iniuriae diis curae: “Hãy để các vị thần xử lý những hành vi xúc phạm đến các vị thần”.
[14]X. G. Jossa, La condanna del Messia, Brescia, Paideia, 2010, 195-198.
[15]Cũng như adfectatio regni, tức là tội chiếu theo luật của chế độ cộng hòa La Mã thời đó khi chống lại hiến pháp bằng cách cố gắng khôi phục chế độ quân chủ.
[16]Thánh Inhaxiô tưởng tượng rằng chính Chúa Giêsu đã mời gọi “các tôi tớ và bạn hữu” của Ngài “hãy khiêm nhường và chịu sỉ nhục” (x. Linh thao, số 146). Và trong cuộc tâm sự với Đức Mẹ, I-Nhã khuyên thao viên rằng hãy “xin được ân sủng từ Con của Mẹ và là Chúa để được đón nhận dưới ngọn cờ của Ngài, […] trong việc chịu đựng những bách hại và lăng mạ, để nên giống Ngài nhiều hơn” (ibid., số 147). Và trong một ghi chú bổ sung, I-Nhã cũng đề nghị “hãy mong muốn những lời lăng mạ, sỉ nhục và hãy khiêm tốn trong mọi việc cùng với Chúa Kitô, khoác lên mình bộ quân phục và noi gương Người ở trên con đường thập giá” (Autograph Directory, No. 23). Việc “bắt chước Chúa Kitô” này vốn là đặc trưng của Linh thao, gợi hứng cho hết thảy mọi người, đặc biệt cho những người bạn đồng hành và môn đệ của Thánh I-nhã. Ngài yêu cầu họ “mong muốn với trọn vẹn tâm trí để để ôm ấp và đón nhận những gì Chúa Kitô, Chúa chúng ta đã yêu thương và đón nhận,” và sau đó hỏi họ liệu họ có sẵn sàng “chịu đựng những lời xúc phạm, lời khai gian dối, sự sỉ nhục và bị cho là điên rồ hay không (tuy nhiên, không chủ động xin cơ hội để làm như vậy), và có được thúc đẩy bởi mong muốn giống và bắt chước Chúa chúng ta ở một mức độ nào đó hay không khi mong ước mặc lấy y phục tôi đòi của Đấng Tạo Hóa và là Chúa Giêsu Kitô” (Hiến pháp Dòng Chúa Giêsu. Số 44).