TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ NĂM TUẦN 2 PHỤC SINH

Thứ năm - 04/04/2024 14:04 |   545
Ông Gio-an trả lời: “Chúa Cha yêu thương người Con, và đã giao mọi sự trong tay Người. Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời.” (Ga 3,31-36)

11/04/2024
THỨ NĂM TUẦN 2 PHỤC SINH
Thánh Stanislaô, giám mục, tử đạo

t5 t2 PS

Ga 3,31-36


TIN VÀO NGƯỜI CON
Ông Gio-an trả lời: “Chúa Cha yêu thương người Con, và đã giao mọi sự trong tay Người. Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời.” (Ga 3,31-36)

Suy niệm: Trên đây là lời chứng cuối cùng của Gio-an Tẩy Giả được tác giả Tin Mừng thứ tư ghi lại với mục đích minh giáo, nghĩa là muốn nêu bật địa vị trổi vượt của Chúa Giê-su trên ông Gio-an. Lời chứng này là câu trả lời rõ ràng cho một số tín hữu tiên khởi (và cho các nhóm môn đệ của Gio-an Tẩy Giả nữa) đang phân vân về vai trò và địa vị của Gio-an Tẩy Giả đối chiếu với Chúa Giê-su. Nhưng nội dung của lời chứng cho thấy đây không chỉ là chuyện Chúa Giê-su trổi vượt trên Gio-an, mà còn hơn thế nữa: Chúa Giê-su trổi vượt trên tất cả; và tất cả thuộc về Người. Chúa Cha đã giao mọi sự trong tay Chúa Giê-su! Và ai tin vào Chúa Giê-su thì được cứu độ!

Mời Bạn: Bạn xác quyết địa vị trung tâm và tối thượng của Chúa Giê-su trong đời sống đức tin, điều đó không sai. Bất cứ sự sùng mộ nào trong Ki-tô giáo (tôn sùng các thánh, kể cả việc tôn sùng Đức Ma-ri-a…) cũng đều phải qui về Chúa Giê-su; nếu không vậy, thì đó là những sự sùng mộ đáng ngờ. Khỏi nói đến những niềm tin tưởng kỳ quặc, rõ ràng có tính mê tín dị đoan… Tuy nhiên, cũng sẽ không thích đáng nếu ta giữ thái độ ‘độc chiếm Đức Ki-tô’, nghĩa là phủ nhận mọi dấu vết hoạt động của Thánh Thần Đức Ki-tô ở ngoài Giáo Hội hữu hình (chẳng hạn, nơi các nền văn hóa, nơi các tôn giáo lớn của Á Châu này…).

Sống Lời Chúa: Trong giờ cầu nguyện, bạn suy gẫm để nhận ra hoạt động của “Thần Khí vô ngần vô hạn” của Đức Ki-tô bên ngoài phạm vi của Giáo Hội hữu hình.

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha để xin cho “Nước Cha trị đến”.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ NĂM TUẦN 2 PHỤC SINH

Ca nhập lễ

Lạy Chúa khi Chúa đứng đầu dân tộc tiến ra, Chúa lên đường với họ và ở trong họ, thì đất rung động và trời vỡ lở – Alleluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, mầu nhiệm Vượt Qua đã đem lại cho chúng con ân huệ dồi dào; xin cho chúng con được thấy những ân huệ Chúa ban sinh hoa kết quả trong suốt cuộc đời chúng con. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Cv 5, 27-33

“Chúng tôi là nhân chứng các lời đó cùng với Thánh Thần”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Hôm ấy, khi các thủ hạ dẫn các tông đồ đi, họ đem các ngài ra trước công nghị. Vị thượng tế hỏi các ngài rằng: “Ta đã ra lệnh cấm các ngươi nhân danh ấy mà giảng dạy. Thế mà các ngươi đã giảng dạy giáo lý các ngươi khắp cả Giêrusalem; các ngươi còn muốn làm cho máu người đó lại đổ trên chúng tôi ư?” Phêrô và các tông đồ trả lời rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta. Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã cho Ðức Giêsu sống lại, Ðấng mà các ông đã giết khi treo Ngài trên thập giá. Thiên Chúa đã dùng quyền năng tôn Ngài làm thủ lãnh và làm Ðấng Cứu Ðộ, để ban cho Israel được ăn năn sám hối và được ơn tha tội. Chúng tôi là nhân chứng các lời đó cùng với Thánh Thần, Ðấng mà Thiên Chúa đã ban cho mọi kẻ vâng lời Người?” Khi nghe những lời đó, họ liền phẫn nộ và tìm mưu giết các ngài.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 33, 2 và 9. 17-18. 19-20

Ðáp: Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao; phúc đức ai tìm nương tựa ở nơi Người.

Xướng: Chúa ra mặt chống người làm ác, để tẩy trừ di tích chúng nơi trần ai. Người hiền đức kêu cầu và Chúa nghe lời họ, Ngài cứu họ khỏi mọi nỗi âu lo.

Xướng: Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường, và cứu chữa những tâm hồn đau thương giập nát. Người hiền đức gặp nhiều bước gian truân, nhưng Chúa luôn luôn giải thoát.

Alleluia: Ga 16, 7 và 13

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy sẽ sai Thần Chân Lý đến, người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật”. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Ga 3, 31-36

“Ðức Chúa Cha thương mến Con Ngài, nên ban toàn quyền trong tay Con Ngài”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, ông Gioan nói để làm chứng về Chúa Giêsu rằng: “Ðấng từ trên cao mà đến thì vượt trên hết mọi người. Kẻ bởi đất mà ra, thì thuộc về đất và nói những sự thuộc về đất. Ðấng từ trời mà đến thì vượt trên hết mọi người. Ðiều gì Người thấy và nghe, thì Người làm chứng về điều đó. Nhưng lời chứng của Người không ai chấp nhận. Ai chấp nhận lời chứng của Người, thì quả quyết Thiên Chúa là Ðấng chân thật. Ðấng được Thiên Chúa sai đến thì nói lời của Thiên Chúa, vì được Chúa ban cho thần linh khôn lường. Cha yêu mến Con, nên đã ban mọi sự trong tay Con. Ai tin vào Con thì có sự sống đời đời. Còn ai không tin vào Con, thì sẽ không được thấy sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên người ấy”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui nhận bao ý nguyện cầu, cùng với những lễ vật chúng con dâng làm hy lễ. Chúa đã thương thanh tẩy chúng con, xin ban ơn phù trợ giúp chúng con ăn ở thế nào cho xứng với mầu nhiệm tình yêu của Chúa. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Phục Sinh

Ca hiệp lễ

Này đây Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế – Allêluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, nhờ mầu nhiệm Ðức Kitô sống lại, Chúa đã thương đổi mới chúng con cho đáng hưởng sự sống muôn đời. Xin làm cho mầu nhiệm ấy sinh hoa kết quả tốt đẹp trong tâm hồn chúng con, và làm cho thần lương chúng con vừa lãnh nhận trở nên nguồn sinh lực dồi dào. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

“CƠN THỊNH NỘ” CỦA THIÊN CHÚA
Lm. Gioan Trần Văn Viện

Trong bốn sách Phúc Âm, chỉ một lần duy nhất chúng ta đọc thấy thuật ngữ “cơn thịnh nộ” của Thiên Chúa. Chúng ta càng khó hiểu hơn khi mà chính Thánh Gio-an, người đã đưa ra định nghĩa Thiên Chúa là tình yêu, lại sử dụng thuật ngữ này, cách đặc biệt trong bối cảnh của đoạn Tin Mừng đang nói về sự yêu thương, về niềm tin và sự sống đời đời. Liệu “cơn thịnh nộ” có phải là một cách diễn tả của sự giận giữ, hận thù? Thưa không phải thế. Thậm chí đây là một yếu tố cần thiết của tình yêu đối với những người muốn từ chối tình yêu.

Vì yêu thương, Thiên Chúa đã dựng nên con người. Thiên Chúa biết con người chỉ là thân phận bụi tro và sẽ trở về cát bụi. Ngài biết con người yếu đuối và tội lỗi. Do đó Ngài đã sai Con Một xuống trần để giải thoát và đem lại sự sống đời đời cho con người. Đức Giê-su, Đấng là sự sống, Đấng từ trời cao uy linh đang hiện diện “dưới đất” để mạc khải cho con người về tình yêu của Thiên Chúa. Người là món quà quý giá mà Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Tuy nhiên, chỉ có những ai tin vào Đức Giê-su, nghĩa là chấp nhận tình yêu của Thiên Chúa, mới có sự sống đời đời. Còn những kẻ từ chối Người, là đang từ chối tình yêu và lời mời gọi bước vào sự sống viên mãn từ Thiên Chúa. Giờ đây, chúng ta hiểu rằng vì sao “cơn thịnh nộ” của Thiên Chúa đè nặng lên những kẻ không tin Con của Ngài. Ngài “giận dữ” vì thương họ, vì tiếc cho họ đã không chọn phần phúc về mình. Họ đã muốn xa rời Chúa và đương nhiên Ngài luôn tôn trọng sự lựa chọn đó.

Ngày hôm nay, có lẽ Thiên Chúa vẫn còn đang nổi “cơn thịnh nộ” với nhiều người trong số chúng ta. Mỗi khi chúng ta phạm tội, là một lần chúng ta từ chối Đức Giê-su, từ chối tình yêu của Thiên Chúa. Xin Ngài vẫn tiếp tục yêu thương và giúp chúng ta nhìn nhận lại những thiếu sót của bản thân, là những suy nghĩ và hành động thuộc về “dưới đất”, qua đó chúng ta sửa đổi và hoàn thiện chính mình để cùng hướng về trời cao, là nơi Thiên Chúa ngự trị.

 

GIỮ LẤY BẢN SẮC CỦA MÌNH
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Ngày nay, trên thế giới, người Việt Nam của chúng ta gần như có mặt hầu hết nơi các quốc gia! Để gợi nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình, đã có nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo về nguồn gốc, văn hóa Việt!

Trong các buổi hội họp đó, gần như không thể quên, người ta luôn nhắc nhớ nhau hãy giữ gìn bản sắc, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt, cho dù hiện diện ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì!

Tại sao vậy? Thưa, con người chỉ có thể lớn lên cách quân bình khi người ta còn giữ được bản chất, văn hóa, truyền thống của dân tộc mình. Nếu không, họ là một người thiếu trưởng thành!

Là người Công Giáo, ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta được trở thành Kitô hữu, tức là chúng ta mang trong mình hình ảnh Đức Kitô. Nói cách khác, chúng ta thuộc về Đức Kitô. Vì thế, bổn phận của chúng ta phải làm sao cho Đức Kitô được hiện tại hóa trong lời nói, hành động và cử chỉ của chúng ta. Đồng thời, chúng ta cũng cần phải khước từ những gì không phù hợp với bản chất của mình.

Hôm nay, vẫn trong trình thuật giữa Đức Giêsu và Nicôđêmô, nhưng câu chuyện ngày càng đi sâu vào cốt lõi của vấn đề, đó là, Đức Giêsu cho Nicôđêmô biết được bản chất của Ngài và những công việc Ngài làm do được lãnh nhận từ Chúa Cha, Ngài nói: “Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn. Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người” (Ga 3, 34 – 35).

Với câu chuyện trên, qua Nicôđêmô, Đức Giêsu mở rộng ra cho mọi người thấy được tầm quan trọng và giá trị cho những ai được hạnh phúc thuộc về Đức Giêsu, đồng thời cũng mạc khải cho biết hậu quả của những kẻ không tin: “Ai tin vào người Con, thì được sự sống đời dời; còn kẻ nào không chịu tin vào người Con, thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy” (Ga 3, 36).

Xin Chúa ban cho chúng ta biết luôn luôn ý thức mình thuộc về Đức Kitô và phải có trách nhiệm làm cho Đức Kitô lớn lên và rạng ngời ngang qua cuộc sống của chúng ta. Amen.


TRUNG THÀNH VỚI CHÚA SUỐT ĐỜI
(Lễ Thánh Tanítlao)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
 
Qua Lời Tổng Nguyện của lễ thánh Tanítlao hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Để làm vinh danh Chúa, thánh Giám Mục Tanítlao đã ngã gục dưới lưỡi gươm những kẻ bách hại mình, xin Chúa cho chúng ta cũng được một niềm tin vững mạnh, giúp chúng ta trung thành với Chúa suốt cuộc đời chúng ta.
 
Trung thành với Chúa suốt cuộc đời là giữ vững đức tin vào Đức Kitô, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Khải Huyền cho thấy: Đức Kitô luôn hiện diện trong Hội Thánh, và Người luôn mời gọi chúng ta cố gắng giữ đức tin cho sống động: Ai nghe tiếng Ta và ra mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy. Ta sẽ dùng bữa với người ấy, người ấy sẽ dùng bữa với Ta. Ai thắng, Ta sẽ cho ăn quả cây sự sống trồng ở trên thiên đàng của Thiên Chúa.
 
Trung thành với Chúa suốt cuộc đời là luôn ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Síprianô nói: Khi chúng ta lâm trận và chiến đấu cho đức tin, có Thiên Chúa chứng giám, có các thiên sứ của Người chứng giám, và cả Đức Kitô cũng chứng giám nữa. Ôi vinh hiển dường bao, hạnh phúc biết chừng nào, khi xông vào cuộc chiến mà có Thiên Chúa hiện diện, có Đức Kitô làm trọng tài và đội triều thiên cho người chiến thắng.
 
Trung thành với Chúa suốt cuộc đời là can đảm làm chứng cho Đức Kitô, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật lại việc các Tông Đồ mạnh dạn tuyên bố trước Thượng Hội Đồng: Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm. Đức Giêsu đã bị các ông treo lên cây gỗ mà giết đi; nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Người trỗi dậy. Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người.
 
Trung thành với Chúa suốt cuộc đời là trông cậy vững vàng vào sự giải thoát của Chúa, như trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 33, vịnh gia đã cho thấy: Kẻ nghèo hèn kêu xin, và Chúa đã nhận lời. Chúa gần gũi những tấm lòng tan vỡ, cứu những tâm thần thất vọng ê chề. Người công chính gặp nhiều nỗi gian truân, nhưng Chúa giúp họ luôn thoát khỏi.
 
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Này anh Tôma, vì đã thấy Thầy nên anh mới tin. Phúc thay những người không thấy mà tin. Trong bài Tin Mừng, thánh Gioan nói: Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người. Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời; còn kẻ nào không chịu tin vào người Con thì không được sự sống, nhưng, cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy. Trung thành với Chúa suốt cuộc đời tin nhận Đức Kitô là Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ Duy Nhất của chúng ta. Ai tin sẽ được cứu độ; biết mình là bệnh nhân, thì ta mới cần đến Đức Kitô, là Đấng chữa lành; biết mình là tội nhân, thì ta mới cần đến Đức Kitô, là Đấng cứu độ. Ai mở lòng ra đón nhận sẽ được tuôn đổ đầy tràn ơn cứu độ. Ai cảm nghiệm được tình yêu Chúa sẽ mau mắn đáp lại tình yêu đó, cho dẫu, hy sinh cả tính mạng mình, như thánh Giám Mục Tanítlao đã ngã gục dưới lưỡi gươm của những kẻ bách hại mình, ước gì chúng ta cũng có được một niềm tin vững mạnh, để trung thành với Chúa suốt cả cuộc đời. Ước gì được như thế!

VÔ NGẦN VÔ HẠN
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn!”.

Lời cầu nguyện của Sir Frances Drake thật lạ thường, “Lạy Chúa, xin cứ quấy rầy con, thúc bách con dám táo bạo hơn, lao ra những vùng biển rộng lớn, nơi bão tố thể hiện quyền làm chủ của Chúa; nơi mất đất liền, con sẽ lần dò những vì sao! Xin đẩy lùi chân trời hy vọng của con ở người đời; giục con hướng tới một tương lai chỉ biết cậy trông vào Chúa, vào sức mạnh, khôn ngoan và tình yêu, những quà tặng ‘vô ngần vô hạn’ của Ngài!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay nói đến những quà tặng vô giá mà Sir Frances Drake đề cập, đó là những gì Thần Khí Đấng Phục Sinh trao cho những ai thuộc về Ngài, “Đấng được Thiên Chúa sai đi”, và cũng là Đấng “Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người ‘vô ngần vô hạn!’”.

Hãy nhìn vào các tông đồ để thấy uy lực nội tại của Thần Khí đó! Trước thượng hội đồng, Phêrô và các tông đồ bị tra vấn về việc đã rao giảng một Đức Kitô tử nạn và phục sinh; các ngài lên tiếng, “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm!” - bài đọc một. Những lời ấy chỉ có thể phát xuất từ những con người đầy Thần Khí, tin tưởng tuyệt đối vào Ngài. Thánh Vịnh đáp ca xác tín, “Kẻ nghèo hèn kêu xin, và Chúa đã nhận lời”.

Chúa Phục Sinh sẽ không dè sẻn khi phân chia món quà Thánh Thần cho bất cứ ai! Ngài ban tặng Thánh Thần cách ‘vô ngần vô hạn’. Nhờ Thánh Thần, Ngài nâng toàn bộ cuộc sống chúng ta lên một bình diện khác, bình diện ân sủng. Sự hào phóng của Ngài, trước hết, thể hiện trong Bí tích Thánh Thể. Mỗi khi chúng ta tiếp nhận Mình Máu Thánh, Chúa Phục Sinh để lại trong tâm hồn chúng ta một sự đổi mới; đồng thời, giúp chúng ta đào sâu sự hiện diện của Thánh Thần trong cuộc sống. Hiệp thông với Thánh Thể, thân xác và linh hồn chúng ta hưởng nếm sự bất tử của mầu nhiệm Phục Sinh.

Thánh Thần là món quà hiệp nhất, cung cấp thuốc giải độc cho mọi khuynh hướng chia rẽ; chống lại sự kiêu ngạo, ích kỷ, bằng cách nhắc nhở chúng ta về sự khiêm nhường; thúc đẩy chúng ta sống bác ái, ban sức mạnh để mỗi người cho đi “Giêsu”, quà tặng ‘vô ngần vô hạn’ đã lãnh nhận, mà không tính toán hay kiết cáu.

Kính thưa Anh Chị em,

“Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn!”. Bởi Thánh Thần, Chúa Giêsu đi vào trần gian, hoạt động trong Thánh Thần; khi trút hơi thở, Ngài “trao Thần Khí”. Cũng thế, nhờ Thánh Thần, các tông đồ và con cái Giáo Hội hai ngàn năm qua không ngừng “lao ra những vùng biển rộng lớn, bất chấp bão tố”. Bởi lẽ, Thánh Thần là tình yêu, sức mạnh và là món quà tuyệt hảo của Đấng không tính toán; trái lại, ban ân sủng của Ngài cách hào hiệp. Và tất nhiên, Ngài cũng đang chờ đợi sự đáp trả của bạn và tôi là những người vốn không cần “lần dò những vì sao”, chỉ cần ngoan nguỳ dưới bàn tay của Thánh Thần để hoàn tất những gì Chúa Phục Sinh còn dang dở; đó là trở nên chứng tá “hướng đến một tương lai” đầy sự hiện diện của Thiên Chúa trong một thế giới loại trừ Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con thoả mãn với những con cá quèn của ao đầm! Dạy con lao ra những vùng biển rộng lớn; với Thánh Thần, con đánh bắt từng mẻ linh hồn về cho Chúa!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây