CHÚA NHẬT PHỤC SINH NĂM B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 20, 1-9).
Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”. Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.
Suy niệm Tin Mừng Đại Lễ Phục Sinh -B
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh
Suy niệm
Chúa đã sống lại rồi. Đây là một bản tin ngắn nhất, đem lại niềm vui nhất và nội dung ý nghĩa nhất của tất cả mọi bản tin. Không dừng lại ở đó, bản tin đó còn đem lại niềm hạnh phúc, đem lại sự sống và sự bình an đích thực cho mọi người thuộc mọi thời đại, mọi dân tộc dưới bầu trời này. Đúng là một bản tin ngắn nhất nhưng có nhiều cảm xúc rất đặc biệt. Con Thiên Chúa đã sống lại bởi quyền năng của Thiên Chúa Cha, đây là một cánh cửa mới, mở ra cho nhân loại một chân trời tương lai sáng lạn, bởi từ nay, họ được Con Thiên Chúa chỉ cho thấy một con đường, giúp họ trở về với vị thế ban đầu khi được Thiên Chúa cho hiện hữu trong thế giới này. Nhờ cái chết và sống lại của Ngài, con người mới thực sự được nhận lãnh tròn đầy sự thánh thiện công chính nguyên thủy, như ông bà nguyên tổ ngày xưa trước khi phạm tội.
Lời chứng của thánh Phê-rô sau khi được nghe, được gặp lại Thầy, luôn là một lời chứng đáng tin cậy và đầy xác tín. Lời chứng đó không dừng lại nơi biến cố Đức Giêsu đã sống lại, nhưng lời chứng đó còn minh chứng rằng, các ngài là những người đã được nghe, được sống và được chứng kiến mọi sự việc xảy ra trong cuộc đời con người có tên gọi là Giêsu: “Và chúng tôi, chúng tôi là chứng nhân tất cả những gì Người đã làm trong nước Do-thái, và tại Giêrusalem, Người là Ðấng người ta đã giết treo Người trên thập giá. Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng Thiên Chúa đã tuyển chọn trước, chính chúng tôi đã ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại. Và Người đã truyền cho chúng tôi rao giảng cho toàn dân và làm chứng rằng chính Người đã được Thiên Chúa tôn làm quan án xét xử kẻ sống và kẻ chết”. Các Tông đồ đã được gọi, được ở bên cạnh Thầy, được Thầy giáo huấn, được chứng kiến nhiều phép lạ, được nghe nhiều lần lời tiên báo về sứ mạng của Thầy, nay được chứng kiến Thầy sống lại từ cõi chết, vậy lời chứng đó có đáng cho con người hôm nay tin cậy và tiếp nối sứ vụ của các ngài trong thế giới hôm nay không?
Dù không được cùng anh em chứng kiến Thầy tử nạn và phục sinh như thế nào, nhưng thánh Phaolô đã bộc bạch kinh nghiệm niềm tin của mình, sau khi được gọi làm Tông đồ. Sự trở lại của anh chàng Sao-lê không phải là một thay đổi hành trình cuộc đời, nhưng là một sự hoán đổi niềm tin và nhận thức của bản thân về Thiên Chúa, về tình yêu và lòng nhân từ của Ngài, vì thế, thánh nhân đã bày tỏ kinh nghiệm đó qua lá thư gởi cộng đoàn Cô-lô-sê rằng: “Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Ðức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất. Vì anh em đã chết, và sự sống anh em được ẩn giấu với Ðức Kitô trong Thiên Chúa”. Đức Giêsu phục sinh đã hoán đổi con người Phaolô, từ nhận thức đến thái độ sống, từ tâm tình tôn giáo, đến tương quan tình người, do đó, thánh nhân muốn rằng từ kinh nghiệm đức tin của mình, mọi con cái hãy để cho Đấng Phục sinh hoán đổi nội tâm con người, có như thế mới được gặp Đấng Phục sinh trong mỗi công việc và ngay giữa gia đình mình.
Làm sao chỉ có cái mồ trống mà các môn đệ cũng như mấy người theo Chúa tin rằng, Thầy mình đã sống lại, tất nhiên là phải có một động lực nào nữa. Và đó là tình yêu, người được tha thứ sẽ hiểu được tình yêu của người tha cho mình thế nào, người được chọn làm học trò, sẽ hiểu được tình yêu thương Thầy dành cho mình ra sao. Những bài giáo huấn đem lại sự sống, niềm tin và hy vọng cũng có thể giúp nhìn ra chiều sâu của tình yêu Thầy – trò. Câu chuyện mồ trống sau có thể khởi đầu một hành trình khám phá niềm tin: “Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”. Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ”. Thấy và tin là những hành động không dừng lại ở lý trí, nhưng cần có sự nhạy bén của trái tim. Thấy chỉ là một sự việc bên ngoài, giúp phần nào cho sự thật, còn sự nhạy bén của trái tim, sẽ giúp xâu chuỗi lại tất cả mọi biến cố, mọi bài học và mọi tương quan giữa hai con người, hai tâm hồn với nhau.
Quyền năng của Thiên Chúa Cha đã cho người Con mình sống lại trong vinh quang của Thiên Chúa. Đó là một chân lý, một sự thật hiển nhiên, ngay cả những người đứng chứng kiến cái chết của Con Thiên Chúa, cũng không thể hiểu được. Khi người Con vâng lời Cha, bước vào thế gian với một con người tầm thường, người Con đó luôn vâng lời Cha, luôn được Cha ưu ái, luôn tìm thánh ý Cha để thực hiện, dẫu có những phút giây đối diện với khổ đau, với cô đơn, người Con đó vẫn một mực trung thành. Trong vai trò là người Cha, Thiên Chúa Cha luôn dõi theo từng bước chân của người Con, luôn hài lòng với mọi việc làm, mọi bài giáo huấn của người Con, thế thì làm sao người Cha đó có thể bỏ rơi người Con được. Chỉ vì yêu con người, người Cha đó đã chấp nhận của lễ người Con dâng lên là sự sống của Người, để cứu độ con người. Người Cha không chấp nhận dừng lại nơi nấm mồ, nhưng đã cho người Con sống lại, để con người thấy được Thiên Chúa có quyền trên tội lỗi, sự chết và ma quỷ.
Về phần chúng ta, sau bao ngày tháng được mời gọi sám hối, mời gọi hoán cải tâm hồn và niềm tin, con người có đủ can đảm để thay đổi khuôn mặt của Thiên Chúa trong tâm hồn, trong trái tim và trong tương quan cuộc sống mình không. Không thiếu những lúc tội lỗi, thói quen xấu và cả những quan niệm sống đạo không phù hợp, đã làm cho khuôn mặt của Thiên Chúa bị biến dạng, bị méo mó, đầy máu và vết thương. Nhận ra khuôn mặt của Thiên Chúa đang bị thay đổi như thế, con người cố gắng đổi thay mọi thói quen, đổi thay mọi nhận thức và mối tương quan giữa bản thân với Ngài, trả lại nét đẹp vinh quang của Thiên Chúa trên khuôn mặt đó, trả lại vẻ đẹp nhân lành của người Cha trên khuôn mặt đó, trả lại nét đẹp tha thứ của Thiên Chúa trên khuôn mặt đó. Và đó có phải là lúc con người đang cố gắng làm cho khuôn mặt và sự hiện diện của Thiên Chúa trong mỗi người được sống lại, được phục sinh.
Lạy Chúa, được ngụp lặn trong niềm vui của ngày Chúa sống lại, chúng con như nhận ra con người mới của mình, đó là một con người được Con Thiên Chúa tẩy xóa mọi lỗi lầm, xin giúp chúng con được cộng tác với ơn Chúa, để thay đổi khuôn mặt của Chúa trong cuộc đời chúng con. Chúa đã làm thay đổi trái tim và tâm hồn các Tông đồ, các người phụ nữ theo Chúa, xin cũng làm thay đổi trái tim và tâm hồn chúng con, để chúng con biết cố gắng đi ra khỏi sự ích kỷ của mình, loan tin vui phục sinh cho anh chị em đang sống bên cạnh chúng con. Amen.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn