27/3/2022
CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY – C
Lc 15, 1-3.11-32
TẤM LÒNG NGƯỜI CHA
Người con thứ còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để… Ông bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay cậu, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng…” (Lc 15, 20-23)
Suy niệm: Đứa con thứ muốn bỏ cha, cha không thể cản. Cha chỉ có thể… buồn và đợi chờ! Nó quay về vì đói vì rách chứ không hẳn vì nhớ vì thương cha. Nhưng, cha đang chờ sẵn và đón nhận con một cách niềm nở đến mức nó không ngờ. Tình yêu và sự tha thứ của cha vẫn luôn có sẵn đó, tròn đầy, ngay khi nó còn đi hoang! Và, có lẽ chính lúc này, nếm cảm tấm lòng cha, nó mới thật sự quay về với cha trong sâu thẳm cõi lòng mình. Còn người con cả, ở trong nhà cha, nhưng tấm lòng của anh đã xa cha nghìn trùng! Anh làm việc cho cha mà so kè tính toán – như một gia nhân chứ không như một người con. Cha vẫn xem “mọi sự của cha là của con”, nhưng anh thì chưa hề nghĩ như thế. Anh chỉ chăm bẳm nghĩ đến phần của mình – đến nỗi cuối cùng anh tố cáo tình yêu của cha dành cho đứa em của anh, đứa em mà thật ra từ lâu rồi anh không còn nhìn nhận là em của anh nữa. Anh gọi nó là “thằng con của cha đó…”!
Mời Bạn: Nhìn lại mối quan hệ hiện tại của mình với Thiên Chúa: Tôi đang đi hoang như người con thứ hay đang so đo tính toán với Chúa như người con cả?
Sống Lời Chúa: Luôn nhớ rằng Chúa đang yêu thương và sẵn sàng tha thứ cho bạn. Bạn sắp xếp để lãnh bí tích hòa giải sớm, nếu cần.
Cầu nguyện: Hết lòng thành khẩn, bạn đọc Kinh Ăn Năn Tội.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật IV Mùa Chay – Năm C
Ca nhập lễ
Hỡi Giê-ru-sa-lem, hãy hân hoan, và hỡi tất cả các ngươi là những kẻ yêu quý thành ấy, hãy tụ họp lại; hỡi các người là những kẻ ưu phiền, hãy hân hoan vui mừng, để các ngươi nhảy mừng và hưởng no đầy nguồn an ủi các ngươi.
Dẫn vào Thánh Lễ
Anh chị em thân mến! Phụng vụ Chúa Nhật hôm nay nói lên lòng thương xót và nhân từ của Thiên Chúa đối với con người. Ngài quảng đại, rộng mở đối với từng người. Ngài sung sướng hân hoan khi thể hiện lòng yêu thương và bác ái đối với con người, Ngài mời gọi họ chia sẻ niềm vui đó. Vì thế, Chúa Nhật IV mùa Chay còn gọi là Chúa Nhật vui mừng, vì con người cảm nghiệm được tình yêu thương sâu xa, dạt dào của người cha khiến con người tin yêu, phó thác, can đảm dấn thân theo Chúa trong cuộc hành trình đức tin tiến về núi Canvê.
Giờ đây, nhờ Chúa Giê-su và trong Chúa Thánh Thần chúng ta cùng dâng Thánh lễ này để tôn thờ, ca ngợi, tạ ơn Chúa Cha, và xin Ngài đặc biệt thương đến những anh chị em Kitô hữu chưa trở về giao hòa với Chúa trong mùa Chay thánh này.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa đã sai Con một giáng trần để thực hiện công trình kỳ diệu là cho loài người được hoà giải với Chúa. Xin ban cho toàn thể dân Chúa khắp hoàn cầu được lòng tin sống động để hăm hở đón mừng lễ Vượt Qua sắp tới. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: Gs 5, 9a. 10-12
“Dân Chúa tiến vào đất Chúa hứa và mừng Lễ Vượt Qua”.
Trích sách Giosuê.
Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Giosuê rằng: “Hôm nay, Ta đã cất sự dơ nhớp của Ai-cập khỏi các ngươi!” Con cái Israel tạm trú tại Galgali và mừng Lễ Vượt Qua vào ban chiều ngày mười bốn trong tháng, trên cánh đồng Giêricô. Ngày hôm sau Lễ Vượt Qua, họ ăn các thức ăn địa phương, bánh không men và lúa mạch gặt năm ấy. Từ khi họ ăn các thức ăn địa phương, thì không có manna nữa. Và con cái Israel không còn ăn manna nữa, nhưng họ ăn thổ sản năm đó của xứ Canaan.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 33, 2-3. 4-5. 6-7
Ðáp: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao (c. 9a).
Xướng: Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui.
Xướng: Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi mọi điều lo sợ.
Xướng: Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn.
Bài Ðọc II: 2 Cr 5, 17-21
“Thiên Chúa đã nhờ Ðức Kitô giao hoà chúng ta với mình”.
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, nếu ai ở trong Ðức Kitô, thì người đó sẽ là một thụ tạo mới, những gì là cũ đã qua đi: này đây tất cả mọi sự đã trở thành mới. Vì mọi sự bởi Thiên Chúa, Ðấng đã nhờ Ðức Kitô giao hoà chúng ta với mình, và trao phó cho chúng tôi chức vụ giao hoà. Thật vậy, Thiên Chúa là Ðấng giao hoà thế gian với chính mình Người trong Ðức Kitô, nên không kể chi đến tội lỗi của loài người, và đặt lên môi miệng chúng tôi lời giao hoà. Nên chúng tôi là sứ giả thay mặt Ðức Kitô, như chính Chúa dùng chúng tôi mà khuyên bảo. Vì Ðức Kitô, chúng tôi van nài anh em hãy giao hoà với Thiên Chúa. Ðấng không hề biết tội, thì Thiên Chúa làm nên thân tội vì chúng ta, để trong Ngài, chúng ta trở nên sự công chính của Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Câu Xướng Trước Phúc Âm: Lc 15, 18
Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha.
Phúc Âm: Lc 15, 1-3. 11-32
“Em con đã chết nay sống lại”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, những người thu thuế và những kẻ tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng; thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng”. Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: “Người kia có hai con trai. Ðứa em thưa với cha rằng: “Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con”. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó, và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ cặn bã heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó hồi tâm lại và tự nhủ: “Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói. Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: “Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha”. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy ra ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu… Người con trai lúc đó thưa rằng: “Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa”. Nhưng người cha bảo đầy tớ: “Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng: vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất, nay lại tìm thấy”. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.
“Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: “Ðó là em cậu đã trở về, và cha cậu đã giết bê béo, vì thấy cậu ấy về mạnh khoẻ”. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào. Nhưng anh trả lời: “Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn. Còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm, nay trở về thì cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng nó”. Nhưng người cha bảo: “Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tín hữu
Anh chị em thân mến! Hồi tâm giúp con người nhận biết mình và ý Chúa. Chúng ta hãy dành thời gian cho sự hồi tâm này, để đánh giá đúng mức về mình mà canh tân cuộc sống. Để được như thế chúng ta cùng dâng lời tha thiết nguyện xin:
1. “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã hư mất”.- Xin cho các vị Mục tử luôn sống tâm tình từ bi, nhân hậu và giầu lòng tha thứ, để cuộc sống của các ngài chính là lời mời gọi những người tội lỗi, những kẻ lầm lạc trở về với Chúa trong Hội Thánh Người.
2. “Con cái Israel không còn ăn Manna nữa, nhưng họ ăn thổ sản năm đó của xứ Canaan”.- Xin cho các tín hữu ý thức được hạnh phúc sống trong Hội Thánh, để họ không coi những huấn lệnh của Hội Thánh là những ràng buộc, nhưng là phương thế đưa họ đến hạnh phúc vĩnh cửu.
3. “Thưa Cha con đã phạm đến trời và đến Cha”.- Xin cho các tội nhân được thật tâm ăn năn thống hối, để như người con hoang đàng trở về, họ được Thiên Chúa là Cha thương yêu mở rộng vòng tay đón nhận và trao ban nguồn phúc ân dồi dào.
4. “Thiên Chúa là Đấng giao hòa…và đặt trên môi miệng chúng tôi lời giao hòa“,- Xin cho mọi người trong giáo xứ chúng ta, khi đã lãnh nhận sự khoan hậu của Chúa cũng có một trái tim quảng đại, biết chấp nhận yêu thương nhau, để giáo xứ chúng ta thực sự là sứ điệp hòa giải của Chúa.
Chủ tế: Lạy Chúa, xin cho chúng con kiên trì sống cuộc đời mới trong tình mến Chúa nồng nàn, xa tránh mọi dịp tội, tích cực tập luyện nhân đức và nhiệt tâm với phần rỗi mọi người để mãi mãi xứng đáng là con cái Chúa. Chúng con cầu xin…
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, chúng con hoan hỷ dâng lên Chúa lễ vật này là của lễ đem lại phúc trường sinh. Xin gia tăng lòng kính tin sùng mộ giúp chúng con dâng thánh lễ này cho xứng đáng, hầu mưu ích cho cả trần gian. Chúng con cầu xin…
Lời kinh tiền tụng
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, nhờ Ðức Ki-tô Chúa chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Vì Chúa ban cho các tín hữu hằng năm được hân hoan đón chờ mầu nhiệm Vượt Qua với tâm hồn đã được thanh tẩy, để khi nhiệt tâm thi hành việc đạo đức và bác ái, nhờ năng chịu các bí tích mà được tái sinh, thì các tín hữu đạt tới sự viên mãn của ơn làm con Chúa.
Vì thế cùng với các Thiên thần và tổng lãnh thiên thần, các Bệ thần và Quản thần, cùng toàn thể đạo binh thiên quốc, chúng con không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng:
Thánh! Thánh! Thánh!..
Ca hiệp lễ
Giê-ru-sa-lem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Lạy Chúa, vì nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên để ngợi khen danh Chúa.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa là ánh sáng muôn đời chiếu soi mọi người sinh ra trong trần thế, xin rộng ban ân sủng làm cho tâm hồn chúng con được bừng sáng huy hoàng, để chúng con hằng biết suy tưởng những điều đẹp lòng Chúa, và chân thành yêu mến Chúa mỗi ngày một hơn. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
Tấm lòng người cha
Dụ ngôn đứa con phung phá hay nói đúng hơn là câu chuyện về tấm lòng của một người cha, là câu trả lời trực tiếp cho những bàn tán của bọn biệt phái trước việc Chúa Giêsu thường đi lại và ăn uống với phường thu thuế và tội lỗi.
Dụ ngôn này, câu chuyện này được chia làm hai phần. Phần thứ nhất nói đến lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa qua hình ảnh người cha mòn mỏi trông chờ đứa con trở về. Và khi cậu trở về thì đã mở tiệc ăn mừng, và trao lại cho cậy đầy đủ quyền làm con như khi trước.
Phần thứ hai có tính cách biện hộ khi diễn tả sự phản đối với cách cư xử của người cha lúc đứa em tội lỗi trở về. Đó cũng chính là tình trạng cụ thể mà Chúa Giêsu gặp phải trong cuộc đời rao giảng Tin Mừng cứu độ của Ngài.
Câu chuyện được kể lại bằng những chi tiết rất sống động. Thực vậy, tội của đứa con hoang đàng quả là rất lớn. Nó đã sử dụng tiền của làm ra với bao công lao khó nhọc vào cuộc truy hoan trác táng, để rồi kết thúc trong nghèo đói và túng quẫn. Đối với người Do Thái heo hay lợn là một con vật nhơ bẩn. Chăn heo hay chăn lợn là một việc làm nhờm tởm. Tình cảnh khốn quẫn đã đưa đứa con đến tột cùng của sự thảm hại, bị loại ra khỏi cộng đồng dân Chúa đã đành, mà còn bị loại ra khỏi cộng đồng con người, bởi vì trong cơn đói khát, nó đã thầm ước được ăn chút cám bã dành cho súc vật mà cũng chẳng được.
Tuy nhiên, điều làm cho chúng ta xúc động vẫn là thái độ của người cha. Câu chuyện kể lại rằng: Ông đã thấy đứa con từ đàng xa. Chi tiết này chứng tỏ ông hằng trông mong và đợi chờ. Và khi đã nhận ra con, ông vội chạy đến ôm chầm lấy con, hôn con một cách nồng nhiệt, đặt đứa con hối cải vào đúng vị trí của nó trong gia đình, rồi mở tiệc ăn mừng.
Thái độ của người con cả cũng được trình bày một cách sống động. Anh là người con chí thú làm ăn, nhưng xem ra quan hệ với người cha không được đằm thắm cho lắm. Tuy ở nhà với cha, nhưng lòng anh vẫn xa cách. Kết quả là anh đã không hiểu nổi cách xử sự của người cha đối với đứa em vừa trở về. Do đó, thay vì nhập tiệc chia vui với người cha và với đứa em, thì anh đã dừng lại ở cửa, tự mình đứng ở cái thế tách biệt với gia đình sum họp.
Đoạn Phúc Âm hôm nay quả là một tin mừng cho người trở lại, nhưng đồng thời cũng là một lời cảnh cáo đối với những người ở trong nhà. Thực vậy, câu chuyện cho thấy người cần phải trở lại hơn hết lại chính là người con cả, người con vẫn ở nhà với cha, nhưng cõi lòng thì không ở cùng cha.
(Lc. 15:1-3; 11-32) Lm Lã Mộng Thường
Bài Phúc Âm vừa được công bố thường được chúng ta gọi là câu chuyện người con hoang đàng. Tuy nhiên, Phúc Âm gọi là dụ ngôn. Dụ ngôn là một câu chuyện đưa lên sự việc nào đó dùng để ám định về điều mình muốn nói. Chúng ta thường có thói quen nhận định sự việc hay sự kiện qua nhãn quan xác quyết, hạn hẹp.
Nếu ai để ý sẽ nhận ra, bất cứ sự việc, sự thể nào cũng tự nó chất chứa ít nhất hai bộ mặt đối nghịch tùy phương diện xử dụng. Thí dụ, cùng một ngọn lửa, nếu chúng ta dùng để đốt sáng, nấu nướng thì tốt lành và cần thiết, nhưng nếu chúng ta cho tay vào lửa thì lại là điều không nên. Bởi vậy, nhiều khi có những sự việc không thể giải thích cho những người cố chấp, một chiều, cho nên sự giải thích hay nhất là dùng dụ ngôn. Ngày xưa quý cụ hay dùng điển tích để trả lời ai đó xin ý kiến về việc gì thay vì nói nên thế nọ, thế kia bởi nếu nói rõ ý mình, nhiều khi mang tai họa. Dụ ngôn cũng còn được gọi là ngụ ngôn mang nghĩa câu chuyện ngắn răn đời hay châm biếm, chẳng hạn ngụ ngôn của La Fontain.
Xét thế, dụ ngôn nơi Phúc Âm không phải là một câu truyện có thật nhưng được kiến tạo để dùng với mục đích tỉnh thức người đọc nơi hành trình tâm linh, hành trình tìm kiếm Nước Trời. Chúng ta vì vô tình không để ý về cơ cấu được xếp đặt nơi bài Phúc Âm hôm nay mà thường tự đặt trọng tâm câu chuyện về sự lỗi lầm của người con hoang đàng, và lòng tha thứ của người cha, cùng lắm nếu ai đó cố ý đặt vấn đề thì cũng chỉ dám vạch thêm điểm bực tức của người con lớn tốt lành. Tựu chung, chúng ta quen thói chấp nhận mình tội lỗi nhiều khi cũng không biết mình có những tội gì.
Chúng ta đã được dạy dỗ quá cặn kẽ rằng mình được sinh ra trong tội, mẹ mình đã thụ thai mình trong tội lỗi như lời thánh vịnh 51, “Này trong tà ác tôi đã sinh ra, và đã là tội lỗi khi mới là thai trong bụng mẹ”, mà Công Giáo chúng ta gọi là tội tổ tông. Thế là chúng ta bỏ quên ngay lời giáo đầu của bài Phúc Âm, “Những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng”.
Soạn bài giảng đến đây tôi hiểu thêm được phần nào câu nói, chúng ta chỉ bị phiền hà vì những điều tốt lành mình đã thực hiện. Nhận được như vậy, tôi có cảm nghĩ kể cũng đáng tội cho Đức Giêsu. Suốt thời gian rao giảng đã cố nín nhịn và chấp nhận dân Chúa mà cuối cùng vẫn còn phải van xin, “Lạy Cha xin tha cho chúng vì lầm chẳng biết”. Chúng ta thường được nghe giảng dạy chúng ta là những người con hoang đàng nên phải ăn năn hối cải, phải làm điều lành này, điều phúc đức kia, phải muôn thứ mà thực ra dù cố gắng ép mình ép xác thực hiện, chúng ta cũng không thể nào hoàn thành được những lời khuyên tốt lành vô bổ ấy. Gia tài đâu cho chúng ta chia? Cơ hội nào để chúng ta hoang đàng? Vậy thì lấy gì để hối cải, để xám hối, để ăn năn đánh tội. Chẳng lạ gì đã nhiều người thích xưng tội của kẻ khác để bào chữa cho mình.
Thí dụ, thưa cha, con có la mắng cháu con vì chúng ăn nói hỗn láo. Cũng may cho các linh mục vì luật Giáo Hội cấm xưng tội người khác; nếu không, có lẽ các ngài không còn giờ mà thở. Người con hoang đàng nơi Phúc Âm đã không nhận biết niềm hạnh phúc của mình nhưng đứng núi nọ trông núi kia cao. Tuy nhiên, khi đối diện với cuộc đời trong lúc khốn cùng, anh ta biết tự đặt lại vấn đề; không đổ lỗi cho ai mà nhận định kiếm tìm phương cách giải quyết vấn đề. Chúng ta thì khác, khi chuyện không hay xảy đến do chính mình tạo nên, chúng ta đổ tại Chúa phạt. Chúng ta cả gan dám gán ép cho Chúa đặc tính ác độc như thế. Cũng như chúng ta, người con hoang đàng muốn được làm nhân công, nhưng người cha đã không đếm xỉa gì về những lỗi lầm của anh ta mà chấp nhận không điều kiện. Phúc Âm dùng người cha để chỉ về Thiên Chúa rộng lượng và khoan dung dường ấy trong khi chúng ta quen thói quan niệm phải làm thế này, thế kia mới đẹp lòng Chúa, mới được ân nghĩa cùng Ngài, mới được Ngài ban cho ơn bình an, ơn giầu có… quả là lạ lùng! Một người tội lỗi muốn trở thành tốt lành chỉ đừng thực hiện những điều chẳng nên mà thôi, không cần phải làm gì thêm. Tôi không hiểu Đức Giêsu nghĩ gì, nhưng quả thật, chúng ta quá phạm thượng vì đã đổ cho Chúa đầy dẫy những tính chất tham sân si thế tục!
Chẳng những thế, chúng ta mang đầy thái độ giống người con lớn mà Phúc Âm ám chỉ về những người biệt phái. Người con lớn gây sự với người cha vì đã không trừng phạt, ngược lại đón nhận em mình trong khi chúng ta tìm đủ mọi cơ hội, dùng đủ mưu đồ nếu có thể để hãm hại những người không đồng quan điểm với mình. Không muốn tốn tiền để thuê người làm phiền kẻ khác, chúng ta dùng miệng lưỡi phát ngôn những chuyện bịa đặt với chủ đích xúi mọi người khinh bỉ kẻ mình không ưa vì đã không dám đối diện với lòng mình, không dám sống điều mình cho là đúng nhưng muốn được người khác nghĩ mình cũng là một thứ gì trong khi không biết điều mình nói sẽ mang lại những hậu quả nào.
Người con lớn gây sự với người cha vì không chấp nhận em mình thì đã tự lên án bởi sự thiếu nhận thức. Người cha nơi Phúc Âm trả lời, “Mọi sự của cha đều là của con” thế mà anh ta đã không nhận biết. Cũng nơi Phúc Âm, Đức Giêsu dạy, đức tin con chữa con, đức tin con cứu con, đức tin con là ơn cứu độ của con, thế mà đã ai trong chúng ta dám thử cho là thật để rồi nếu cầu nguyện thì lại quen thói xin ơn này, xin ơn kia, phải thế này, phải thế kia, bắt Chúa phải theo ý mình.
Chuyện không xảy ra theo ý riêng thì dám cả gan phạm thượng cho rằng Chúa phạt. Giả sử nếu Chúa giống như những gì chúng ta nghĩ về Ngài, phỏng còn ai có thể ngồi ở nhà thờ lúc này được nữa. Đức Giêsu cũng đoan chắc nơi Phúc Âm, “Quả thật, Ta bảo các ngươi: mọi điều dưới đất các ngươi cầm buộc thì cũng sẽ bị cầm buộc trên trời, và mọi điều dưới đất các ngươi tháo cởi thì cũng sẽ được tháo cởi trên trời” (Mt. 18:18).
Thiên Chúa ngự trị và hoạt động nơi mỗi người chúng ta; xin quý ông bà anh chị em để ý đừng vì vô minh mà biến quyền lực của Ngài nơi mình thành án phạt chính bản thân. Khi còn sống, ý định, ước muốn của chúng ta thế nào thì sau khi chết, linh hồn chúng ta sẽ bị lệ thuộc vào những điều ấy. Amen.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn