TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BA TUẦN 3 MÙA CHAY

Chủ nhật - 20/03/2022 06:44 |   1327
“Nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình, thì Chúa Cha cũng không tha thứ cho anh em.” (Mt 18, 35)

22/3/2022
THỨ BA TUẦN 3 MÙA CHAY

 

t3 3MC C

Mt 18, 21-35

THA THỨ ĐỂ ĐƯỢC THỨ THA

Nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình, thì Chúa Cha cũng không tha thứ cho anh em.” (Mt 18, 35)

Suy niệm: Một vụ va quẹt nhỏ trên đường phố có thể dẫn đến ẩu đả đổ máu, thậm chí án mạng; những mâu thuẫn nho nhỏ giữa vợ chồng, ban đầu chỉ là cãi vã, có thể gây hậu quả nghiêm trọng là kết liễu tính mạng của nhau và có khi cả mạng sống của con cái; trên bình diện quốc gia thì hỡi ôi! đầy dẫy những gây hấn và đe doạ trừng phạt nhau không khoan nhượng… Những tín hiệu đó báo động con người ngày nay đang đánh mất ý niệm của sự nhẫn nại, bao dung và tha thứ. Trước bối cảnh đó, sứ điệp Lời Chúa hôm nay lại càng khẩn thiết: phải tha thứ cho nhau như Chúa tha thứ cho chúng ta, nghĩa là tha thứ không điều kiện và không giới hạn; đó là điều kiện để chúng ta xứng đáng nhận ơn tha thứ của Chúa.

Mời Bạn: Người môn đệ đích thực của Chúa Kitô được mời gọi làm chứng nhân cho tình yêu tha thứ: – biết mình tội lỗi để xin Chúa thứ tha – biết mình được Chúa thứ tha để yêu mến; – và vì yêu mến, thì cũng tha thứ cho anh em. Và cứ như thế là vòng xoay yêu thương tha thứ sẽ được mở rộng mãi để Nước Chúa được thể hiện.

Chia sẻ: Trong cuộc sống hàng ngày, bạn đã có lần nào tha thứ cho ai chưa? Sự tha thứ đó có mang lại sự bình an và tình thân ái với anh chị em không?

Sống Lời Chúa: Khi có mối bất hoà giữa bạn với tha nhân, bạn không mất công qui lỗi cho người khác, nhưng hãy là người đầu tiên nói lời hoà giải.

Cầu nguyệnLạy Chúa, vì Chúa đã nhân từ tha thứ tội lỗi cho con, xin ban cho con một trái tim rộng mở, để con sẵn lòng tha thứ cho anh chị em mình.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BA TUẦN 3 MÙA CHAY

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, tôi kêu van Chúa, bởi Chúa nhậm lời tôi, xin lắng tai về bên tôi, xin nghe rõ tiếng tôi. Lạy Chúa, xin gìn giữ tôi như con ngươi mắt Chúa, xin che chở tôi trong bóng cánh của Ngài.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, xin hằng giáng phúc cho chúng con, và không ngừng ban ơn che chở, để chúng con được luôn trung thành phụng sự Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Ðn 3, 25. 34-43

“Với tâm thần sám hối và tinh thần khiêm tốn, chúng tôi được chấp nhận”.

Trích sách Tiên tri Ðaniel.

Trong những ngày ấy, Adaria đứng giữa lửa mở miệng cầu nguyện rằng: “Vì danh Chúa, xin đừng bỏ con mãi mãi cho quân thù, và xin đừng huỷ bỏ lời giao ước của Chúa. Xin chớ cất lòng từ bi Chúa khỏi chúng con. Vì Abraham kẻ Chúa yêu, Isaac tôi tớ Chúa, và Israel người lành thánh của Chúa, những kẻ Chúa đã hứa cho sinh con cháu ra nhiều như sao trên trời và như cát bãi biển. Vì lạy Chúa, chúng con đã trở nên yếu hèn hơn mọi dân tộc và hôm nay, vì tội lỗi chúng con, chúng con bị nhục nhã ở mọi nơi. Hiện giờ không còn vua chúa, thủ lãnh, tiên tri, không còn của lễ toàn thiêu, lễ hiến tế, lễ vật, nhũ hương và nơi để dâng lên Chúa của đầu mùa để được Chúa thương. Nhưng với tâm hồn sám hối và với tinh thần khiêm tốn, chúng con xin Chúa chấp nhận; chúng con như những con dê, bò rừng và những chiên béo được dâng lên Chúa làm của lễ toàn thiêu, xin cho của hiến tế chúng con dâng trước tôn nhan Chúa hôm nay, được đẹp lòng Chúa, vì những ai tin tưởng nơi Chúa không phải hổ thẹn. Và bây giờ chúng con hết lòng theo Chúa, kính sợ Chúa và tìm kiếm tôn nhan Chúa. Xin đừng để chúng con phải hổ thẹn, nhưng xin hãy đối xử với chúng con theo lòng nhân hậu và lòng từ bi sung mãn của Chúa. Lạy Chúa, xin làm những việc lạ lùng mà cứu thoát chúng con, và xin cho thánh danh Chúa được vinh quang”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 24, 4bc-5ab. 6-7bc. 8-9

Ðáp: Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài

Xướng: Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con.

Xướng: Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin hãy nhớ con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài, thân lạy Chúa.

Xướng: Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài.

Câu Xướng Trước Phúc Âm

Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.

PHÚC ÂM: Mt 18, 21-35

“Nếu mỗi người trong chúng con không tha thứ cho anh em, thì Chúa Cha cũng không tha thứ cho chúng con”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu.

Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?” Chúa Giêsu đáp: “Ta không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy. Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết, người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất cả”. Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y. Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc. Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: “Hãy trả nợ cho ta”. Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh”. Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong. Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến và bảo rằng: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?” Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ. Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho hiến lễ cứu độ này thanh tẩy chúng con sạch muôn vàn tội lỗi, để chúng con đáng được Chúa xót thương. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng mùa chay

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, ai sẽ được ở trong nhà tạm Chúa, ai được cư ngụ trên núi thánh của Ngài. Người sống thanh liêm và thực thi công chính.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa tham dự mầu nhiệm thánh; xin cho chúng con được sự sống dồi dào, ơn tha thứ trọn vẹn và nguồn trợ lực linh thiêng của Chúa. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

HÃY BIẾT “YÊU” NHƯ CHÚA (Mt 18, 21 -35)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Có một anh bạn hỏi một người Công Giáo rằng: “Nếu để nói một câu ngắn gọn nhất nhằm tóm gọn toàn bộ giáo lý về đạo Công Giáo thì bạn sẽ nói câu nào?”; bạn trẻ công Giáo trả lời, đó là chữ: “Yêu”.

Thật vậy, chữ “yêu” là chữ cốt lõi của đạo Công Giáo. Vì yêu, Thiên Chúa dựng nên trời đất và con người. Vì yêu, Ngài đã cứu thoát họ khỏi Ai Cập, đưa về Đất Hứa. Vì yêu Thiên Chúa đã gửi các ngôn sứ đến để dạy dỗ dân. Vì yêu, Thiên Chúa đã ban Con Một của mình đến để cứu chuộc nhân loại. Đấng ấy là Đức Giêsu. Khi Đức Giêsu đến, Ngài đã dạy dỗ, yêu thương, tha thứ cho kẻ thù và cuối cùng, vì yêu nên Đức Giêsu đã chết cho người mình yêu.

Hôm nay, Tin Mừng một lần nữa xác định căn cốt đó khi trình thuật cuộc nói chuyện giữa Đức Giêsu và Phêrô. Khởi đi từ câu hỏi của Phêrô: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”.

Tha như thế là tha mãi, tha không giới hạn, không điểm dừng, không so đo tính toán thiệt hơn. Tha như thế là đi vào mối tương quan với Thiên Chúa là tình yêu, và làm toát lên đạo mới, “đạo yêu thương”.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tha thứ và tha thứ không ngừng nghỉ! Tha thứ như thế thì mới được Thiên Chúa tha thứ cho mình.

Tha thứ là một điều rất khó, nhưng nó là tuyệt đỉnh và cao quí nhất mà Đức Giêsu đã cống hiến cho con người.

Tha thứ còn là của lễ đẹp lòng Thiên Chúa nhất, bởi vì nhờ tha thứ, con người trở nên giống Thiên Chúa vì Thiên Chúa mà Đức Giêsu mạc khải cho loài người là Thiên Chúa của tha thứ không ngừng. Vì thế, chỉ có một mình Thiên Chúa tha thứ không ngừng ấy, mới có thể đòi hỏi con người: “Ta không bảo con phải tha đền bẩy lần, nhưng là đến bẩy mươi lần bẩy”, tức là tha không ngừng.

Nếu có khó khăn trong việc tha thứ, ấy là chúng ta vẫn nhìn vào sức nặng của sự xúc phạm mà đối phương đã gây ra cho ta, trong khi đó, lẽ ra chúng ta phải nhìn vào tình thương của Thiên Chúa đối với mình khi Ngài tha thứ tội lỗi cho ta.

Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa dạy chúng con hôm nay thật tuyệt vời, vì nếu chúng con không tha thứ thì làm sao chúng con được Chúa thứ tha trong khi chúng con là kẻ có tội? Xin Chúa ban cho chúng con có lòng nhân hậu như Chúa là Đấng Nhân Hậu. Biết yêu tha thiết để sẵn sàng tha thứ không ngừng nghỉ như Chúa. Amen.

THỰC RA LÀ DẤU CHỈ
 

(Thứ Ba sau CN III Mùa Chay – Mt 18,21-35)

Kitô hữu chúng ta vốn quen thuộc với câu chuyện “dụ ngôn tên đầy tớ mắc nợ không biết thương xót” (x.Mt 18,22-35). Tin Mừng ghi rõ lý do mà Chúa Giêsu kể câu chuyện dụ ngôn này đó là vì ngài Phêrô hỏi Người rằng “nếu anh con cứ xúc phạm đến con thì con phải tha thứ đến mấy lần? Có phải bảy lần không?”. Và hẳn Phêrô phải chưng hững vì Chúa Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần mà là đến bảy mươi lần bảy”, nghĩa là tha thứ mãi mãi.

Khi đọc đến câu kết của bài Tin Mừng: “Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,35) thì chúng ta dễ thoạt nghĩ rằng việc tha thứ của chúng ta cho nhau là điều kiện để Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta. Trở lại với câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể. Nếu xét chuyện anh đầy tớ tha nợ cho người bạn như là điều kiện để anh ta nhận được sự tha nợ của đức vua cho anh thì xem ra không mấy ổn. Đã là điều kiện thì bình thường luôn có sự cân xứng cách nào đó về khả năng hay mức độ với hiệu quả xảy ra. Sự chênh lệch quá rất xa giữa “mười ngàn yến vàng” và “một trăm quan tiền” khiến chúng ta xác định rằng việc xí xóa món nợ tí tẹo cho nhau thực ra chẳng phải là điều kiện để mình được hưởng nhận sự xí xóa món nợ khổng lồ vượt quá khả năng chi trả.

Thiên Chúa là Tình Yêu. Và chúng ta có thể nói tình yêu chính là một nét căn bản trong bản thể của Thiên Chúa. Lòng thương xót, sự thứ tha là những cách thế Thiên Chúa biểu lộ tình yêu của Người. Sự tha thứ của Thiên Chúa là nhưng không, nghĩa là vô điều kiện. Thánh Phaolô tông đồ khẳng định chân lý này khi nói rằng “Chúa Kitô đã chịu chết vì chúng ta ngay khi chúng ta đang còn là những người tội lỗi: đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8). Đức Phanxicô khẳng định: “Thiên Chúa không hề biết mệt mỏi để tha thứ”.

Thiên Chúa mãi yêu thương và ban ơn tha thứ cho chúng ta cách vô điều kiện. Tuy nhiên chúng ta có thực sự nhận được tình yêu và sự tha thứ của Người hay không mới là vấn đề. Dấu chỉ nào cho thấy là chúng ta đã nhận được ơn tha thứ? Qua câu chuyện dụ ngôn ở trên, Chúa Giêsu cho chúng ta một dấu chỉ đó là sự quảng đại tha thứ của chúng ta dành cho tha nhân. Việc chúng ta quảng đại tha thứ cho nhau là hệ quả tất yếu kéo theo khi chúng ta thực sự đón nhận ân tình tha thứ của Thiên Chúa. Chuyện thường tình kiếp người đó là khi một người may mắn trúng số độc đắc hàng chục tỉ đồng thì sau đó người ấy rộng rãi hơn với anh em, với bà con và cả với nhiều người nghèo cách nào đó.

Thuở còn bé, vào sáng thứ Bảy đầu tháng khi thấy mẹ “đi nhà thờ” (đi xưng tội) về, lũ nhóc chúng tôi bỗng thấy mẹ vui. Chúng tôi thường ngửa tay xin tiền và thế nào cũng được mẹ hào phóng hơn mỗi khi. Lớn dần lên trong đức tin, chúng tôi mới hiểu một quy luật tất yếu đó là khi một nơi đón nhận được nguồn nước dồi dào từ trên thì từ nơi ấy nước ắt sẽ chảy xuống chỗ khác cách tự nhiên. Sự quảng đại tha thứ của chúng ta dành cho tha nhân thực ra không phải là điều kiện mà chính là một dấu chỉ chúng ta đã và đang hưởng nhận tình thương tha thứ của Thiên Chúa.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây