19/02/2023
CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN – A
Mt 5, 38-48
YÊU THƯƠNG KẺ THÙ
“Còn Thầy, Thầy bảo anh em hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người ngược đãi anh em.” (Mt 5, 44)
Suy niệm: Ukraina và Nga là hai nước láng giềng, có nhiều điểm chung về phong tục, tôn giáo, đã từng hợp chung là một nước thời Liên Xô, thế mà nay rơi vào thảm trạng chiến tranh, huynh đệ tương tàn. Câu chuyện Ca-in giết em là A-ben trong sách Sáng Thế được tái hiện cách thật kinh hoàng. Con người có phẩm giá cao quý vì được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, vì thế tất cả đều là anh em với nhau, và là con cùng một Cha trên trời (x. Mt 23,8-9). Vì thế, không có chuyện coi ai đó là kẻ thù, và nếu có ai bị coi là kẻ thù, thì Chúa dạy: “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho người ngược đãi anh em” (Mt 5, 43). Không chỉ đưa ra giáo huấn, nhưng Chúa còn làm chứng bằng việc hiến thân chịu chết trên thập giá là tha thứ cho cả những kẻ sỉ nhục và đóng đinh giết Chúa. “Trên thập giá, Chúa đã tiêu diệt sự thù ghét” (Pl 2, 16).
Mời Bạn: “Lịch sử nhân loại là một lịch sử chiến tranh” (Mike Love). Có hận thù ghen ghét thì mới có chiến tranh. Nhiều người đang coi chiến tranh là chuyện bình thương, khi chấp nhận sống chung với cơn lũ quét của hận thù, tranh chấp. Bạn có bị cuốn vào dòng xoáy hận thù ấy không? Bạn có sẵn sàng tha thứ cho những người xúc phạm bạn không? Bạn hãy loại bỏ những tư tưởng, lời nói gây oán thù, bất hoà, chia rẽ trước khi chúng bùng nổ ra hành động.
Sống Lời Chúa: Thực hành điều trong kinh “Thương người mười bốn mối”: “Tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta”.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã hiến thân chịu chết để thứ tha tội lỗi chúng con. Xin cho chúng con cũng biết thành tâm tha thứ cho nhau. Amen.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật VII Thường Niên - Năm A
Dẫn vào Thánh Lễ
Anh chị em thân mến,
Lối sống của con người thế tục là: cho đi để nhận lại. Còn lối sống của môn đệ Chúa Kitô là: cho đi và cho luôn cả thân mình. Trần gian dùng bạo lực đáp trả bạo lực, nhưng Chúa Giêsu dạy: chỉ có tình yêu mới phát sinh tình yêu và như thế người Kitô hữu có cả một môi trường bao la rộng mở để thực thi tình yêu.
Lý tưởng hoàn thiện của người Kitô hữu là tìm cách giống Cha trên trời, bằng cách biểu lộ tình yêu cho mọi người chung quanh.... và càng bắt chước Chúa Giêsu bao nhiêu, càng thấy mình vẫn còn xa mức hoàn thiện bấy nhiêu.
Như vậy, phải chăng là vượt quá tầm tay của chúng ta, nhưng chúng ta xác tín rằng có ân sủng của Chúa Thánh Thần sẽ biến đổi tâm hồn chật hẹp của chúng ta nên giống Đức Kitô cầu nguyện trên Thánh Giá “xin Cha tha cho chúng vì chúng chẳng biết việc chúng làm”.
Ca nhập lễ
Lạy Chúa, tôi đã tin cậy vào đức từ bi của Chúa. Xin cho lòng tôi hân hoan vì ơn Chúa cứu độ, tôi sẽ hát mừng Chúa, vì Chúa ban ân huệ cho tôi.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin giúp mọi người chúng con hằng để tâm suy nghĩ những gì là thiêng liêng cao thượng, và biết dùng lời nói việc làm để thực thi những điều đẹp ý Chúa. Chúng con cầu xin...
Bài Ðọc I: Lv 19, 1-2. 17-18
"Hãy yêu thương bạn hữu như chính mình".
Trích sách Lêvi.
Chúa phán cùng Môsê rằng: "Ngươi hãy nói cho toàn thể cộng đồng con cái Israel: Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Ðấng Thánh, là Thiên Chúa các ngươi. Ðừng giữ lòng thù ghét anh em, nhưng hãy răn bảo họ công khai, để khỏi mang tội vì họ. Ðừng tìm báo oán, đừng nhớ lại lời mắng nhiếc của kẻ đồng hương. Hãy yêu thương các bạn hữu như chính mình. Ta là Chúa".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 102, 1-2. 3-4. 8 và 10. 12-13.
Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót
Xướng: Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người.
Xướng: Người đã tha thứ cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng.
Xướng: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi.
Xướng: Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. Cũng như người cha yêu thương con cái, Chúa yêu thương những ai kính sợ Người.
Bài Ðọc II: 1 Cr 3, 16-23
"Tất cả là của anh em, nhưng anh em thuộc về Ðức Kitô, và Ðức Kitô thuộc về Thiên Chúa".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, Anh em không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Nếu ai xúc phạm tới đền thờ của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt người ấy. Vì đền thờ của Thiên Chúa là thánh, mà chính anh em là đền thờ ấy.
Ðừng có ai lừa dối mình. Nếu có ai trong anh em cho mình là người khôn ngoan ở đời này, thì kẻ ấy hãy nên điên dại để được khôn ngoan: vì sự khôn ngoan của thế gian này là sự điên dại đối với Thiên Chúa, vì có lời chép rằng: "Chính Người bắt chợt những người khôn ngoan ngay trong xảo kế của họ". Lại có lời khác rằng: "Chúa biết tư tưởng của những người khôn ngoan là hão huyền". Vậy đừng có ai còn tự phô trương nơi loài người. Vì tất cả là của anh em, dù là Phaolô, hay Apollô, hoặc Kêpha, hoặc thế gian, sự sống hay sự chết, hoặc hiện tại hay tương lai. Tất cả là của anh em, nhưng anh em thuộc về Ðức Kitô, và Ðức Kitô thuộc về Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 5, 38-48
"Các con hãy yêu thương thù địch các con".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đã nghe bảo: 'Mắt đền mắt, răng đền răng'. Còn Thầy, Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác; trái lại, nếu ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa. Và ai muốn kiện con để đoạt áo trong của con, thì hãy trao cho nó cả áo choàng nữa. Và ai bắt con đi một dặm, thì con hãy đi với nó hai dặm. Ai xin, thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn, thì con đừng khước từ.
"Các con cũng đã nghe dạy rằng: 'Hãy yêu thương tha nhân, và ghét thù địch'. Còn Thầy, Thầy bảo các con: Các con hãy yêu thương thù địch các con, hãy làm lành cho những kẻ ghét các con, và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ và vu khống các con, để các con nên con cái Cha các con ở trên trời, là Ðấng làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương. Vì nếu các con yêu thương những kẻ yêu thương các con, thì còn có công gì? Nào những người thu thuế không làm như vậy ư? Và nếu các con chỉ chào hỏi anh em các con mà thôi, thì các con có làm gì hơn? Nào dân ngoại không làm như vậy sao? Vậy các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Ðấng trọn lành".
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tín hữu
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Giới luật yêu thương là giới luật đặc thù và tuyệt vời nhất của Kitô Giáo. Chúng ta hãy khẩn khoản nài xin Chúa giúp chúng ta biết qui hướng tình cảm của mình về Chúa, để có thể yêu thương, tiếp nhận mọi người không phân biệt thân thù. Chúng ta cùng dâng lời cầu xin:
1. “Hãy yêu thương bạn hữu như chính mình”, - Xin cho Hội Thánh Chúa có nhiều tâm hồn phục vụ vô vị lợi, không cầu lợi ích nhưng chỉ vì yêu thương, không phân biệt tương đồng hay đối nghịch, vì tin Chúa đang hiện diện nơi anh em là đền thờ Chúa Ba Ngôi.
2. “Tất cả là của anh em, nhưng anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô thuộc về Thiên Chúa”,- Xin cho các tín hữu biết thực thi giới luật yêu thương cách trọn vẹn, để xứng đáng là con cái Thiên Chúa, Đấng yêu thương tất cả mọi người, và như thế họ đạt tới đỉnh cao của đức ái hoàn thiện.
3. “Nếu các ngươi chỉ chào hỏi anh em... thì có làm gì hơn dân ngoại?”.- Xin cho mọi người trên thế giới này biết tỏ dấu quảng đại thân tình với nhau, để những giao tiếp không phải chỉ là những xã giao bên ngoài mà là những tâm tình chân thành từ bên trong.
4. “Các con hãy yêu thương thù địch các con” - Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta, khi hát lên lời kinh hòa bình sẽ không phải hổ thẹn với lương tâm và với Chúa, vì đã thực thi từng lời cầu nguyện cuả thánh Phanxicô Assidi.
Chủ tế: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết khiêm tốn, quảng đại và yêu thương mọi người như Chúa Kitô đã truyền dạy, để nên nhân chứng cho thế giới nhận biết Chúa, Đấng hằng sống ...
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, chúng con thành kính tiến dâng lễ vật này, để tôn vinh Danh Thánh; cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, để lễ tế hôm nay đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin...
Ca hiệp lễ
Tôi sẽ kể ra mọi điều lạ lùng của Chúa. Lạy Đấng Tối Cao, tôi sẽ mừng rỡ hân hoan trong Chúa, và sẽ đàn ca danh Chúa.
Hoặc đọc:
Thưa Thầy, con tin Thầy là Đức Kitô- Con Thiên Chúa hằng sống, đã đến trong thế gian.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa đã hứa ban phúc trường sinh cho tất cả những ai ăn bánh này; giờ đây xin nhớ lại lời hứa mà ban cho chúng con được hưởng ơn cứu độ. Chúng con cầu xin...
Suy niệm
Yêu thương kẻ thù
Sưu tầm
Hãy yêu thương kẻ thù. Cứ sự thường người ta đối xử với nhau theo cái luật: Răng đền răng, mắt đền mắt, ân đền oán trả, hòn đất ném đi hòn chì ném lại. Chúng ta yêu thương những người yêu thương chúng ta và ghét bỏ những kẻ ghét bỏ chúng ta. Kẻ nào làm hại chúng ta thì chúng ta sẵn sàng để trả đũa, và người đời cho đó là lẽ thường tình, là thái độ khôn ngoan.
Thế nhưng, qua đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu bảo chúng ta phải vượt lên trên cái lẽ thường tình ấy. Ngài phán với chúng ta: Hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho những kẻ ghét bỏ chúng ta. Bởi vì có thực hiện được điều đó, chúng ta mới xứng đang là con cái Thiên Chúa và mới trở nên giống Ngài, Đấng đã cho mưa xuống trên người lành cũng như trên kẻ dữ.
Chúa Giêsu không phải chỉ truyền dạy chúng ta mà chính Ngài đã làm gương trước cho chúng ta trong việc thực thi giới luật yêu thương này. Đúng thế, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước, ngay cả trong khi chúng ta còn nằm trong tội lỗi, còn quay lưng chống lại Ngài như lời thánh Phaolô trong bức thư gởi tín hữu Rôma đã viết: Thiên Chúa đã chứng tỏ tình yêu của Ngài đối với chúng ta, đó là khi chúng ta còn tội lỗi, thì Đức Kitô đã chết để chúng ta được sống.
Đúng thế, Ngài luôn luôn mong ước những điều tốt, những điều phải cho những kẻ bách hại Ngài. Ngài chịu đau khổ và chịu chết để những ai bắt Ngài phải đau khổ và phải chết được hết đau khổ và chết chóc. Trước sự từ chối của con người không đáp trả tình thương yêu của Ngài, Ngài vẫn duy trì cái quyết định tuyệt đối của Ngài, đó là yêu thương chúng ta mãi mãi.
Một trong những đặc tính nổi bật của tình yêu nơi Thiên Chúa đó là sự tha thứ. Ngài đã sánh ví mình như người mục tử tốt lành lên đường tìm kiếm con chiên lạc. Và khi đã tìm thấy thì vác nó trên vai và đem về nhà. Rồi Ngài đã xác quyết: Một kẻ tội lỗi ăn năn sám hối sẽ làm cho cả thiên đàng vui mừng hơn là 99 người công chính không cần sám hối ăn năn. Không phải những kẻ khoẻ mạnh là là những người đau yếu mới cần đến thầy thuốc. Ta đến không phải để kêu gọi người công chính nhưng để kêu gọi kẻ tội lỗi biết đường sám hối ăn năn. Ngài sẵn sàng chịu chết trên thập giá để làm gì nếu không phải là để tha thứ cho chúng ta. Trong giây phút đớn đau nơi thập giá, Ngài cũng đã thứ tha cho tất cả những kẻ độc ác đã hành hạ Ngài bằng lời van xin: Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm.
Có hai người thổ dân Nam Phi rất ghét nhau. Ngày kia trong một hai người gặp đứa con gái nhỏ của kẻ thù đang đi trong rừng. Hắn liền bắt cô bé, chặt đứt ngón tay rồi thả ra. Cô bé vừa chạy vừa khóc, còn hung thủ vừa đi vừa la: Ta đã trả thù được rồi. Mười năm sau, cô bé lúc đó đã có chồng và có con. Ngày kia, một kẻ ăn mày tới xin ăn, bà nhận ra đó là kẻ đã chặt tay mình, nên vội vàng vào nhà, bảo tôi tớ đem cơm thịt và cá ra đãi. Khi kẻ thù đã ăn xong, bà bèn giơ bàn tay cụt ra cho coi và nói: Tôi cũng đã trả thù được rồi. Tên ăm mày thấy thế bèn khóc lóc xin được tha thứ.
Thiên Chúa đã yêu thương và tha thứ cho chúng ta, còn chúng ta thì sao? Liệu chúng ta có thực sự yêu thương và sẵn sàng tha thứ cho những kẻ ghét bỏ chúng ta hay không?
Chúa Nhật VII Mùa Thường Niên - A
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. (Mt 5, 38-48)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đã nghe bảo: 'Mắt đền mắt, răng đền răng'. Còn Thầy, Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác; trái lại, nếu ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa. Và ai muốn kiện con để đoạt áo trong của con, thì hãy trao cho nó cả áo choàng nữa. Và ai bắt con đi một dặm, thì con hãy đi với nó hai dặm. Ai xin, thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn, thì con đừng khước từ.
"Các con cũng đã nghe dạy rằng: 'Hãy yêu thương tha nhân, và ghét thù địch'. Còn Thầy, Thầy bảo các con: Các con hãy yêu thương thù địch các con, hãy làm lành cho những kẻ ghét các con, và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ và vu khống các con, để các con nên con cái Cha các con ở trên trời, là Ðấng làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương. Vì nếu các con yêu thương những kẻ yêu thương các con, thì còn có công gì? Nào những người thu thuế không làm như vậy ư? Và nếu các con chỉ chào hỏi anh em các con mà thôi, thì các con có làm gì hơn? Nào dân ngoại không làm như vậy sao? Vậy các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Ðấng trọn lành".
Suy niệm
Bước sang tuần lễ thứ 7 mùa thường niên, Thầy Chí Thánh chúng ta là Đức Giêsu Kitô, mời gọi người môn đệ đích thực của Ngài, hãy trở nên thánh thiện như Cha của Ngài trên trời, là Đấng trọn lành. Quả là một lời mời rất trang trọng, nhưng dứt khoát và đòi hỏi người môn đệ phải cố gắng rất nhiều.
Trở nên thánh thiện và hoàn hảo trong cuộc sống hàng ngày vẫn là một ước mơ của bao người. Ai cũng muốn mình hoàn hảo trong cuộc sống, trong ơn gọi và trong hoàn cảnh hiện tại, nhưng để biến ước mơ thành hiện thực, quả là một thách đố lớn, đặc biệt trong hành trình đức tin. Khi được chọn làm dân riêng của Giavê Thiên Chúa, dân Do-thái được mời gọi trở nên thánh như Giavê là Đấng Thánh. Ngài đề nghị họ trút bỏ mọi vấn vương với các thần ngoại bang, bởi trong tâm lý chung của con người, khi gặp khó khăn có nhiều thần thánh giúp đỡ, ắt sẽ bình an và hạnh phúc hơn. Họ quên một điều quan trọng là Giavê vẫn là một vị thần trên các thần, vị Chúa trên các Chúa. Sách Lêvi đã ghi lại lời mời của Giavê dành cho dân Ngài như sau: “Ngươi hãy nói cho toàn thể cộng đồng con cái Israel: Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Ðấng Thánh, là Thiên Chúa các ngươi. Ðừng giữ lòng thù ghét anh em, nhưng hãy răn bảo họ công khai, để khỏi mang tội vì họ. Ðừng tìm báo oán, đừng nhớ lại lời mắng nhiếc của kẻ đồng hương. Hãy yêu thương các bạn hữu như chính mình”. Để gặp gỡ được Giavê, Ngài mời con người hãy thay đổi tương quan giữa bản thân họ với tha nhân. Không được giữ lòng thù ghét, không được báo oán, không được mắng nhiếc, nhưng hãy yêu thương tha nhân. Quả là một lời đề nghị nhẹ nhàng nhưng quyết liệt. Giavê đề nghị con người thay đổi nhận thức của mình về tha nhân, vì sao phải tha thứ cho họ, vì sao không được báo oán, vì sao không được mắng nhiếc, vì sao phải tha thứ cho họ, bởi vì bản thân cũng còn nhiều khiếm khuyết đối với Giavê, đã bao lần con trở thành kẻ xa lạ với Ngài, đã bao lần con trở nên kẻ bội phản với Ngài, thế mà Ngài vẫn tha thứ, Ngài không nhớ lầm lỗi tôi, Ngài không nổi cơn thịnh nộ với tôi và Ngài vẫn yêu tôi mỗi ngày. Và Ngài cũng đối xử như thế với tha nhân của tôi, nên Ngài muốn tôi là người môn đệ của Ngài, hãy hoạ lại những thái độ sống đó trong hành trình làm người và làm con Thiên Chúa.
Xúc phạm đến tha nhân là xúc phạm đến Thiên Chúa, bởi Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện trong cuộc đời của tha nhân. Lời nhắc của thánh Tông Đồ Phaolô gởi cho cộng đoàn giáo dân Corintho cũng là một lời nhắc gởi đến mỗi người trong tuần lễ mới này: “Anh em không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Nếu ai xúc phạm tới đền thờ của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt người ấy. Vì đền thờ của Thiên Chúa là thánh, mà chính anh em là đền thờ ấy”. Lời nhắc đó mời chúng ta trở lại với những lề luật của Đấng Phục sinh mà thánh nhân, từ một người không mấy thiện cảm với Ngài, đã được chọn và gọi, rồi trở thành một chứng nhân tin mừng Phục sinh cho dân ngoại. Thánh nhân cảm nghiệm được hồng ân lớn lao ngài nhận được từ Đấng phục sinh là tha thứ, là yêu thương. Rồi từ đây, thánh nhân được mời vào quỹ đạo của tình yêu, ngài cảm nghiệm được sức mạnh của tình yêu sẽ biến đổi tất cả, từ lòng người, đến sự hiệp thông trong cộng đoàn và tình liên đới giữa các cộng đoàn với nhau. Chính trong sự hiệp thông và liên đới đó, mỗi người sẽ nhận ra tha nhân là đền thờ của Thánh Thần, là ngôi nhà của Đấng phục sinh hiện diện cách thánh thiêng.
Trên những nẻo đường loan tin bình an của Đức Giêsu, Ngài mời gọi các môn đệ, cộng đoàn dân chúng hãy vượt qua những giới hạn của lề luật, đừng lấy chúng làm cứu cánh cuộc đời, cũng đừng coi lề luật là điểm đến cuối cùng, nhưng là Nước Trời, là Thiên Chúa tình yêu. Bởi đó, Ngài mời họ sống giới luật của tình yêu, một giới luật không có biên giới, không có điều kiện và cũng không mong đáp đền. Ngài cũng công nhận sự thánh thiện của những người lãnh đạo tôn giáo thời đó, nhưng Ngài đề nghị người môn đệ hãy thánh thiện và công chính hơn họ nữa, bởi họ chỉ dừng lại nơi đức công bình, còn người môn đệ của Đức Giêsu phải là người thực thi giới luật tình yêu, nấc thang cuối của sự trọn lành. Tuần lễ mới này, Ngài tiếp tục lời mời đó và đề nghị các môn đệ hãy có những chọn lựa dứt khoát và hãy biết chọn cho mình con đường nào ngắn nhất, nhanh nhất để đến với Thiên Chúa, con đường đó là con đường dẫn tới Thiên Chúa tình yêu. Để nhận ra con đường đó, đòi hỏi người môn đệ phải có đôi mắt sáng, để phân định đâu là nẻo chính đường ngay, đâu là đường rộng thênh thang dẫn tới diệt vong. Đức Giêsu hướng dẫn cho họ rằng: “Các con cũng đã nghe dạy rằng: 'Hãy yêu thương tha nhân, và ghét thù địch'. Còn Thầy, Thầy bảo các con: Các con hãy yêu thương thù địch các con, hãy làm lành cho những kẻ ghét các con, và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ và vu khống các con, để các con nên con cái Cha các con ở trên trời, là Ðấng làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương”. Phân biệt giàu nghèo, sang hèn và đẳng cấp trong xã hội là một sự bất công và cũng là mầm mống của tội chia rẽ. Mọi người sống dưới bầu trời này, đều nhận được ơn lành của trời cao, dù đó là người đã biết Thượng Đế hay chưa, dù đó là người thuộc tôn giáo này hay tôn giáo kia, dù đó là người hữu thần hay vô thần, họ đều nhận được muôn ân huệ của Thiên Chúa. Ngài không phân biệt sang hèn, giàu nghèo, có đạo hay không, Ngài cũng không phân biệt hữu thần hay vô thần, đảng này hay phe nọ, Ngài chỉ biết mỗi ngày mới là Ngài ban hồng ân trời cao cho con người. Bởi đó, lời mời hôm nay của Đức Giêsu là mời con cái Ngài hãy thể hiện bằng hành động, xoá đi những vết hằn phân biệt giữa con người với con người trong cuộc sống. Thiên Chúa là Cha chung của mọi người, và ai cũng được gọi Ngài là Cha, vì vậy, Ngài mời con cái Ngài: “các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Ðấng trọn lành”. Trọn lành để xứng đáng là Con Thiên Chúa, trọn lành để đáng được gọi Ngài là Cha, trọn lành để được thông phần sự sống đời đời của Thiên Chúa và trọn lành để xứng đáng được tham dự vào thân thể mầu nhiệm của Đấng Phục sinh.
Để trở thành người môn đệ của Đức Giêsu trong thế giới hôm nay, chúng ta được mời gọi hãy biết khước từ những giá trị thuộc về thế gian. Ai vả má bên trái, hãy đưa má bên phải cho họ luôn, ai chiếm áo ngoài, hãy đưa luôn áo trong cho họ, ai bắt đi một dặm, hãy đi với họ hai dặm. Những đề nghị đó hướng con người tới điểm sáng của tình yêu, đừng lấy những yếu tố của vật chất, của cải và quyền bính, để tính toán, để đánh giá và để phân chia đẳng cấp giữa con người với con người, nhưng mỗi người được mời lấy tình thương, lấy sự tha thứ và tinh thần phục vụ làm kim chỉ nam cho đời sống của người môn đệ. Sống ơn gọi nào cũng vậy, được sai đi và được mời phục vụ. Thế nhưng, không thiếu những người môn đệ được gởi đến đã phục vụ sai tinh thần của Tin Mừng, kim chỉ nam của họ không là công bằng, không là đức ái, nhưng là quyền lực, là địa vị, là tiền bạc và sĩ diện.
Nếu phương châm phục vụ của người môn đệ Đức Kitô là vậy, làm sao họ có thể giới thiệu cho thế giới một vị Thiên Chúa đã cúi xuống với con người, vị Thiên Chúa đó đã đi vào tận cùng của nhân loại là một đầy tớ, một đầy tớ đã quỳ xuống rửa chân cho chính đồ đệ của mình, một đầy tớ chấp nhận chết cho người mình yêu với thân thể trần trụi trên thập giá. Đi theo Thầy Chí Thánh không có gì là khó, sống theo mẫu gương Thầy Chí Thánh mới là một thách đố. Trở nên nhỏ bé và khiêm tốn trong tinh thần phục vụ mới là một đòi hỏi lớn lao, bởi muốn được như thế, người môn đệ phải rũ bỏ cái tôi của mình, phải giã từ chủ nghĩa cá nhân và trở nên một hạt muối tồn tại cho người khác, cho tha nhân, sống cho, sống cùng và sống với tha nhân. Tiếc thay, Đức Kitô hôm nay lắm lúc phải nuốt nước mắt vào trong vì còn chứng kiến bao cảnh tranh giành địa vị, quyền lực và của cải từ các môn đệ của Ngài. Các môn đệ ngày xưa dù đi theo Ngài trên mọi nẻo đường, nhưng các ngài chưa thể hoàn thiện ơn gọi, bởi cái tham – sân – si vẫn níu kéo đôi chân, còn người môn đệ của Ngài hôm nay, cũng bởi những yếu tố đó níu kéo, và còn bao yếu tố khác chen vào, làm cho tâm hồn họ bị dằn vặt và trái tim họ cứ loạn nhịp, chưa thể bắt được nhịp đập của trái tim tình yêu từ Thầy Chí Thánh.
Tình yêu đền đáp tình yêu, ân tình đền đáp ân tình. Chúa đã yêu chúng con và yêu cho đến cùng, xin cho mỗi người chúng con cảm nghiệm được niềm vui lớn lao là được Chúa yêu mỗi ngày, để chúng con yêu thương tha nhân, và sẵn sàng tha thứ cho tha nhân. Chúa đã chết cho tình yêu, xin cho chúng con sẵn sàng bước ra khỏi cái tôi của mình và giã từ chủ nghĩa cá nhân, để sống cùng với những người đau khổ, chia sẻ với những người bất hạnh, và yêu thương những người bị bỏ rơi. Lạy Chúa, xin cho trái tim con bắt kịp nhịp đập của trái tim Chúa, để con được xứng đáng là môn đệ Chúa. Amen.
VẠN NẺO YÊU THƯƠNG ĐỂ NÊN HOÀN THIỆN
(Chúa Nhật VII TN A – Mt 5,38-48) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
“Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Vì được nhận làm con cái nên Chúa Kitô truyền dạy chúng ta phải nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện. Một nét hoàn thiện của Cha trên trời mà Chúa Kitô mạc khải đó là giàu lòng từ bi, chậm bất bình và hết sức khoan dung, là luôn cho mưa rơi đều trên người lành lẫn kẻ dữ, cho mặt trời mọc lên soi sáng người công chính lẫn kẻ bất lương. Quả thật nếu chúng ta chỉ biết yêu thương những người dễ thương và thi ân cho những người thân thích thì có khác gì đâu nhiều anh em chưa biết Thiên Chúa và có khi còn chưa hơn gì những người được xem là tội lỗi. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để vượt qua mức công bình giao hoán kiểu “mắt đền mắt, răng đền răng…”, để sống yêu thương một cách quảng đại, vô điều kiện và đến cùng như Chúa Kitô mời gọi với kiểu nói “ngoa ngữ” là nếu bị vả má bên phải thì đưa cả má bên trái hoặc giả có ai muốn lấy áo trong của mình thì đưa luôn cho họ cả áo ngoài?
Trước hết cần phải hiểu rõ lối nói ngoa ngữ là kiểu nói phóng đại cốt chỉ nhằm muốn nhấn mạnh nội dung nói chứ không phải là dạy hình thức cách thế diễn tả. Khi bị bắt và bị điệu đến trước mặt Thượng tế Caipha, Chúa Giêsu đã bị một thuộc hạ ngài Caipha vả vào mặt thì Người đâu có đưa má bên kia cho anh ta vả thêm nhưng lại nghiêm giọng: “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?” (Ga 18,23). Với kiểu nói “má này, má kia; áo trong, áo ngoài, một dặm, hai dặm”, Chúa Kitô nhấn mạnh rằng nếu đã là yêu thì phải vô điền kiện, đã là yêu thì phải quảng đại và đi đến cùng. Và Người cho biết cái lý do duy nhất mà chúng ta được mời gọi sống yêu thương như trên đó là vì chúng ta đã được nhận làm con của Đấng là Cha của tất cả mọi người.
Nếu chúng ta tin nhận Đấng Toàn Năng là Cha của mình thì hệ quả tất yếu đương nhiên đến đó là phải nhận nhau và sống với nhau như anh chị em ruột thịt cùng chung một mái nhà. Cụm từ cùng chung một mái nhà muốn nói đến nghĩa tình huynh đệ, tỉ muội, khi còn ở trong vòng tay mẹ cha. Bởi chưng đã có đó chuyện lúc còn nhỏ thì anh bên em, khi có bánh anh lại chia, còn lớn lên có gia đình riêng thì ai giàu nấy ăn; lúc còn nhỏ thì chị ngã em nâng, nhưng khi đã lấy chồng thì có thể có trường hợp chị ngã, em lại đạp dìm luôn!
Thiết nghĩ rằng để có thể sống yêu thương nhau như lời truyền dạy của Chúa Kitô thì không gì hơn phải có niềm tin sâu sắc vào Đấng dựng nên chúng ta là Cha Toàn Năng chí ái và tiếp bước theo chân người Anh Cả Giêsu. Xin đừng quên những lời thắm thiết của Người đêm Tiệc ly: “Thầy truyền cho anh em giới răn mới là hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).
Yêu thương các môn đệ, Chúa Kitô không chỉ bao bọc, chở che các ngài mà còn thẳng thắn răn bảo, sửa dạy các ngài và đã có khi quở mắng là Satan. Yêu thương người đương thời thì Chúa Giêsu không chỉ chữa lành bệnh tật mà còn xua trừ ma quỷ; Người không chỉ khoan dung tha thứ cho người tội lỗi hối cải mà còn lên án, cánh báo những người cố chấp chai lì trong tội; Người không chỉ hoá bánh ra nhiều nuôi ăn dân chúng mà còn bện dây thừng thành roi đánh đuổi những người đã biến Nhà Chúa thành hang trộm cướp hay thành nơi buôn bán… Như thế yêu thương nhau không phải chỉ là bao bọc chở che nhau mà còn phải sửa bảo nhau khi cần phải sửa dạy. Thương người có 14 mối, thế mà nhiều khi chúng ta chỉ thương nhau cách bất cập, nghĩa là còn nhiều thiếu sót có khi là đáng trách. Chỉ biết trao cho nhau cơm áo gạo tiền thì cũng chưa hẳn đã là yêu nếu không biết can đảm sửa dạy kẻ mê muội, không biết răn bảo kẻ có tội.
Lời Chúa trong sách Lêvi mà Giáo Hội trích đọc Chúa Nhật này có câu: “Người không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó.” (Lv 19,17). Một sự thật mà lắm khi chúng ta vô tình hay hữu ý không dám trực diện, đó là khi người anh em lỗi phạm mà chúng ta không can đảm quở trách thì chúng ta một cách nào đó chúng ta đang “ghét” người anh em mình. Rất có thể chúng ta không minh nhiên ghét người anh em lỗi phạm nhưng chúng ta lại không dám thương họ như lời Chúa dạy vì sợ bị bách hại, sợ phải vác thập giá.
Dõi theo chân Chúa Kitô để sống yêu thương thì luôn có đó thập giá phải gánh vác. Ai không can đảm vác thập giá mình thì không xứng đáng làm môn đệ của Người. Yêu kẻ thù không phải là nhắm mắt làm ngơ hay tự bó tay chịu trận để kẻ thù mãi đắm chìm trong tội mà phải nỗ lực làm cho kẻ thù hoán cải, đổi thay. Cầu nguyện cho những người ngược đãi chúng ta không chỉ dừng lại ở động thái “lâm râm khấn vái” mà còn phải nắm tay lại giúp họ sửa đổi cung cách hành xử tàn nhẫn, bất công của họ. Tin Mừng cho chúng ta hay rằng sau khi cầu nguyện thì Chúa Giêsu không ngồi đó mà chờ đợi nhưng mau mắn thực thi thánh ý Chúa Cha bằng cả mọi nỗ lực gắng công của mình, có khi sau đó lênh đênh trên thuyền giữa sóng biển mà vẫn ngủ thiếp say li bì, có khi phải toát cả mồ hôi pha lẫn máu và đến cả khi thân thể chẳng còn hình tượng người ta nữa với trái tim bầm dập nát tan.
Biên giới của tình yêu là một tình yêu không biên giới. Đã tin nhận Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là Cha Toàn Năng thì phải nên hoàn thiện ngày mỗi hơn cho xứng với phận làm con.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn