TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BẢY TUẦN 17 THƯỜNG NIÊN

Chủ nhật - 21/07/2024 14:04 |   305
“Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá.” (Mt 13,47-53)

03/08/2024
THỨ BẢY TUẦN 17 THƯỜNG NIÊN

t7 t17 TN

Mt 14,1-12

 

chúa kể chuyện nước trời
“Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá.”
(Mt 13,47-53)

Suy niệm: Chúa Giê-su là “Đấng từ trời xuống” (x. Ga 3,13), nhưng Ngài không hề đưa ra một định nghĩa nào về Nước Trời, gồm những yếu tố nào hay có những đặc tính gì. Trái lại, Chúa kể cho chúng ta nghe thật nhiều câu chuyện về Nước Trời. Bằng những hình ảnh thật quen thuộc, dễ thấy trong đời thường như: hạt muối, hạt men, việc gieo giống, thả lưới đánh cá, v.v… Chúa Giê-su đưa chúng ta đi vào huyền nhiệm khôn dò thấu của Nước Trời. Phải chăng Ngài đã chẳng nói: Nước Trời không phải ở đây hay ở kia mà “Này, Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (x. Lc 17,21) hay sao? Phải, Nước Trời đã đến rồi, nơi Đức Giê-su đang ở giữa chúng ta, Ngài “là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6), chỉ cần chúng ta tiếp bước đi theo Ngài là chúng ta đi vào mầu nhiệm Nước Trời.

Mời Bạn: Chúa mời gọi bạn nghiền ngẫm câu chuyện dụ ngôn Nước Trời mà Ngài kể cho chúng ta, để bạn khám phá ra rằng Nước Trời không phải là một ý niệm mà là hiện thực cuộc sống, và chúng ta không ở xa mà là đang sống trong mầu nhiệm Nước Trời đó. Chỉ cần mỗi người chúng ta cùng nỗ lực trở nên “cá tốt” và giúp cho người khác cũng trở nên “cá tốt” để được đưa vào tận hưởng niềm vui trong Nước Trời.

Sống Lời Chúa: Bạn bắt đầu một ngày mới bằng tâm tình hạnh phúc vì được ở với Chúa, và bạn chia sẻ tâm tình đó bằng hành động vui tươi phục vụ tha nhân để Nước Chúa được hiện thực ngay nơi trần gian này.

Cầu nguyện: Lạy Cha, xin cho Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Amen.

Ngày 3: Lạy Chúa! Thông qua phút giây hiện tại, phút giây “đang là”, chúng con tiếp xúc được với Chúa, với năng lực của đời sống, mà những người chưa biết Chúa thường gọi là “ông trời” hay “vũ trụ”. Xin cho chúng con ý thức rằng: Ngay khi chúng con quay lưng với phút giây hiện tại, phút giây “đang là”, là chúng con đã đánh mất Chúa trong đời sống của chúng con, những gì còn lại chỉ là những khái niệm, những ý tưởng, tư duy về Chúa, những khái niệm mà có người tin, kẻ không, chỉ là sự chắp vá nghèo nàn cho thực tại sống động là chính Chúa. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BẢY TUẦN 17 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Thiên Chúa ngự trong thánh điện của Người; Thiên Chúa tạo nhà cửa cho những kẻ bị bỏ rơi. Chính Người ban cho dân Người được quyền năng và mãnh lực.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa là sức mạnh và là niềm trông cậy của chúng con không có Chúa chẳng có chi vững bền, chẳng có chi thánh thiện; xin mở lòng nhân hậu hướng dẫn chúng con để khi biết cách dùng những của cải chóng qua đời này, chúng con đã gắn bó với của cải muôn đời tồn tại. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Lv 25, 1. 8-17

Trong năm toàn xá, người ta làm chủ lại cơ nghiệp mình”.

Trích sách Lêvi.

Chúa phán cùng Môsê trên núi Sinai rằng: “Ngươi cũng phải tính bảy tuần năm, tức là bảy lần bảy, cộng chung là bốn mươi chín năm: Ngày mồng mười tháng bảy, ngươi hãy thổi kèn trong thời gian đền tội trong toàn lãnh thổ ngươi. Ngươi hãy làm cho năm thứ năm mươi nên năm thánh và hãy kể là năm tha tội cho mọi người cư ngụ trong nước ngươi, vì đó là năm toàn xá. Người ta sẽ làm chủ lại cơ nghiệp mình, và ai nấy đều được trở về gia đình cũ của mình, vì năm toàn xá là năm thứ năm mươi. Các ngươi đừng cày cấy, đừng gặt hái hoa màu tự nhiên phát sinh trong đồng ruộng, và đừng hái nho đầu mùa, vì phải kể năm toàn xá là năm thánh, và các ngươi được ăn hoa màu tự nhiên phát sinh.

“Trong năm toàn xá, mọi người nhận lại cơ nghiệp của mình. Khi ngươi mua bán vật gì với người đồng hương, ngươi chớ làm phiền lòng người anh em, nhưng hãy mua theo số năm toàn xá, và nó sẽ bán cho ngươi theo số hoa lợi của nó. Số các năm sau năm toàn xá càng nhiều thì giá càng cao, và số năm càng ít, thì giá mua càng hạ, vì nó tính mùa hoa lợi mà bán cho ngươi. Các ngươi chớ hà hiếp những người cùng một chi tộc với các ngươi: nhưng mỗi người hãy kính sợ Thiên Chúa mình, vì Ta là Thiên Chúa các ngươi”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 66, 2-3. 5. 7-8

Ðáp: Chư dân hãy ca tụng Ngài, thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài 

Xướng: Xin Thiên Chúa xót thương và ban phúc lành cho chúng con; xin tỏ ra cho chúng con thấy long nhan Ngài tươi sáng, để trên địa cầu thiên hạ nhìn biết đường lối của Ngài, cho chư dân người ta được rõ ơn Ngài cứu độ.

Xướng: Các dân tộc hãy mừng vui và khoái trá, vì Ngài công bình cai trị chư dân, và Ngài cai quản các nước địa cầu.

Xướng: Ðất đã cho chúng tôi hoa trái. Ðức Thiên Chúa, Chúa chúng tôi, đã chúc phúc lành cho chúng tôi. Xin Thiên Chúa chúc phúc lành cho chúng con, để cho khắp cùng bờ cõi trái đất kính sợ Ngài. 

Bài Ðọc I: (Năm II) Gr 26, 11-16. 24

“Thật Chúa đã sai tôi đến nói với các ngươi những lời đó”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Trong những ngày ấy, các tư tế và các tiên tri nói cùng các đầu mục và toàn dân rằng: “Người này đáng xử tử, vì nó đã nói tiên tri chống lại thành này, như tai các ngươi đã nghe”. Giêrêmia nói cùng tất cả các đầu mục và toàn dân rằng: “Chúa đã sai tôi đến nói tiên tri về đền thờ này và về thành này tất cả những lời các ngươi đã nghe. Vậy giờ đây, các ngươi hãy cải thiện đời sống và những điều các ngươi ưa thích, hãy nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa các ngươi, thì Chúa sẽ hối tiếc tai hoạ Người đã phán chống lại các ngươi. Phần tôi đây, tôi ở trong tay các ngươi, các ngươi cứ đối xử với tôi điều mà các ngươi cho là tốt là phải. Nhưng các ngươi hãy hiểu biết rằng: nếu các ngươi giết tôi, thì các ngươi sẽ đổ máu vô tội lên chính các ngươi, lên thành này và dân cư của nó. Vì thật Chúa đã sai tôi đến với các ngươi để nói vào tai các ngươi tất cả những lời đó”.

Những đầu mục và toàn dân nói cùng các tư tế và các tiên tri rằng: “Không được xử tử người này, vì ông đã nhân danh Chúa là Thiên Chúa chúng ta mà nói với chúng ta”. Vậy Ahica con của Sapha ra tay bảo vệ Giêrêmia, để ông khỏi bị nộp vào tay dân chúng định giết ông.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 68, 15-16. 30-31. 33-34

Ðáp: Ôi Thiên Chúa, đây là lúc biểu lộ tình thương, xin nhậm lời con (c. 14).

Xướng: Nguyện cứu con thoát nơi bùn nhơ kẻo bị chìm; xin giải thoát con khỏi tay những người ghen ghét, và thoát khỏi những đầm nước thẳm sâu. Xin đừng để cho ba đào lôi cuốn; xin đừng để cho vực thẳm nuốt trửng, cũng đừng để cho giếng ngậm miệng nhốt con. –

Xướng: Phần con, con đau khổ cơ hàn, lạy Chúa, xin gia ân phù trợ, bảo toàn con. Con sẽ xướng bài ca ngợi khen danh Chúa, và con sẽ chúc tụng Ngài với bài tri ân.

Xướng: Các bạn khiêm cung, hãy nhìn coi và hoan hỉ; các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh: vì Chúa nghe những người cơ khổ, và không chê bỏ con dân của Người bị bắt cầm tù.

Alleluia: Tv 94, 8ab

Alleluia, alleluia! – Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. – Alleluia.

(Hoặc đọc: Alleluia, alleluia! – Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Allleluia.)

Phúc Âm: Mt 14, 1-12

“Hêrôđê sai người đi chặt đầu Gioan, và các môn đệ của Gioan đi báo tin cho Chúa Giêsu”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy quận vương Hêrôđê nghe danh tiếng Chúa Giêsu, thì nói với những kẻ hầu cận rằng: “Người này là Gioan Tẩy Giả, ông từ cõi chết sống lại, nên mới làm được các phép lạ như vậy”. Tại vì Hêrôđia vợ của anh mình mà vua Hêrôđê đã bắt trói Gioan tống ngục, bởi Gioan đã nói với vua rằng: “Nhà vua không được lấy bà ấy làm vợ”. Vua muốn giết Gioan, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi Gioan như một tiên tri. Nhân ngày sinh nhật của Hêrôđê, con gái Hêrôđia nhảy múa trước mặt mọi người, và đã làm cho Hêrôđê vui thích. Bởi đấy vua thề hứa sẽ ban cho nó bất cứ điều gì nó xin. Ðược mẹ nó dặn trước, nên nó nói: “Xin vua đặt đầu Gioan Tẩy Giả trên đĩa này cho con”. Vua lo buồn, nhưng vì đã trót thề rồi, và vì các người đang dự tiệc, nên đã truyền làm như vậy. Ông sai người đi chặt đầu Gioan trong ngục, và để đầu Gioan trên đĩa đem trao cho cô gái, và nó đem cho mẹ nó. Các môn đồ của Gioan đến lấy xác thầy và chôn cất, rồi đi báo tin cho Chúa Giêsu.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con dâng lên những của lễ Chúa đã rộng ban cho chúng con; cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và cho lễ tế này đem lại ân sủng dồi dào để chúng con được thánh hóa trong cuộc đời hiện tại và đạt tới hạnh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

Hoặc đọc:

Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con tham dự vào bí tích Thánh Thể, để chúng con đời đời tưởng nhớ Ðức Giêsu Con Một Chúa, đã chịu khổ hình và sống lại hiển vinh; xin cho bí tích tình yêu Người trối lại dẫn chúng con tới hưởng ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

KI-TÔ HỮU – MỘT ĐỨC KI-TÔ THỨ HAI
Lm. Giuse Vũ Công Viện

Đoạn Phúc âm hôm nay nói đến cái chết vì đạo của Gio-an Tiền hô. Sau khi đề cập về Nước trời dưới hình thức các dụ ngôn và mời gọi người ta phải lựa chọn, việc đề cập đến việc chọn lựa chấp nhận chết để nói lên sự thật, như muốn chứng minh rằng hạt giống nước trời phải tự mục nát đi trước khi sinh hoa trái. Đó là thứ hạt sinh ra trăm hạt giống khác.

Câu chuyện Gio-an Tẩy giả bị chém đầu hôm nay cho ta biết về con người của ông: một ngôn sứ trung thành với sứ mạng; một con người can đảm dám nói thật. Con người đó được dân chúng kính nể, kể cả khi chính người đang tâm giết ngài vẫn phải nể sợ ngài.

Tin mừng hôm nay nhắc đến Gio-an dưới hai phương diện trong tương quan với Chúa Giê-su: thứ nhất là ơn gọi của ông: là dọn đường cho Đấng Cứu thế; thứ đến là cách làm chứng của ông quá hoàn hảo, đến độ người ta ngộ nhận Chúa Giê-su là chính ông.

Ơn gọi của Gio-an theo như miệng Da-ca-ri-a, cha ông tuyên sấm: “Con là tiên tri của Đấng tối cao, con sẽ đi trước dọn đường cho Ngài”. Ơn gọi đó Gio-an đã chu toàn tốt đẹp. Gio-an chuẩn bị cho Chúa Giê-su đến, không những bằng việc rao giảng thống hối, mà còn bằng chính cái chết vì trung thành với sự thật.

Dung mạo của Gio-an Tẩy giả loan báo dung mạo Chúa Giê-su một cách tốt đẹp, đến nỗi khi Chúa Giê-su xuất hiện, vua Hê-rô-đê tưởng Ngài là hiện thân của Gio-an sống lại. Chính ông khẳng định với những kẻ hầu cận: “Đó chính là Gio-an Tẩy giả; ông đã từ cõi chết trỗi dậy”.

Thực ra thì không phải Chúa Giê-su là hiện thân của Gio-an, mà chính Gio-an đã sống sứ mạng của một ngôn sứ, dập đời mình theo lời mời gọi của Thiên Chúa. Ông đã diễn tả gương mặt của Đấng Cứu Thế qua chính đời sống của ông. Ông là bản sao của Đấng ông loan báo và làm chứng.

Khi Chúa Giê-su về trời, Ngài cũng ra lệnh cho các Tông đồ, cũng như cho tất cả những ai muốn làm môn đệ Ngài: “Các con sẽ làm chứng về Thầy”. Chúng ta được mời gọi làm chứng về Chúa không chỉ bằng lời rao giảng, mà hơn hết phải làm chứng bằng lối sống. Phải sống thế nào để người ta thấy chúng ta mà cứ ngỡ là gặp Chúa. Vận mệnh của Chúa là vận mệnh của chúng ta.

Người Ki-tô hữu được mời gọi sống hướng về Chúa, kết hiệp với Chúa, trở thành một Ki-tô thứ hai cho anh em. Nhưng đó là để giúp cho anh em đến với Chúa, chứ không dừng lại ở nơi mình. Người Ki-tô hữu không được chiếm chỗ của Chúa trong tâm hồn anh em: Chúa Ki-tô phải lớn lên trong tâm hồn anh em, còn tôi chỉ là phương thế, tôi không được cản trở anh em đến với Chúa.

Xin Chúa ban cho ta lòng can đảm và trung thành với sự thật, dù phải hy sinh chính mạng sống mình, để giúp người khác đến với Chúa và tin nhận Chúa.

Xin Chúa giúp chúng con hoạ đời sống chúng con theo đời sống của Chúa để cả cuộc sống chúng con là một lời rao giảng và chứng tá về chính Chúa.

 

CÁI CHẾT CỦA GIO-AN TẨY GIẢ (Mt 14,1-12)
Lm Giuse Đinh Lập Liễm

1. Vua Hê-rô-đê nghe danh Chúa Giê-su thì tưởng là Gio-an Tẩy Giả đã chết mà nay đã sống lại. Chính Gio-an là người trước kia đã cấm không cho vua cướp vợ của anh là Hê-rô-đi-a. Bà này bực tức  nên xúi giục nhà vua  tống Gio-an vào ngục… Và ngày nọ nhân dịp nhà vua ăn tiệc mừng ngày sinh nhật, con gái bà ta nhảy múa làm cho nhà vua vui thích, nên vua hứa ban cho nó bất cứ điều gì nó muốn. Nghe tin đó, bà Hê-rô-đi-a muốn trả thù, nên xúi nó xin cái đầu của Gio-an. Nhà vua nghe lời xin đó rất lấy làm buồn, vì ông kính nể Gio-an, nhưng đã trót hứa nên phải sai người đi chém đầu ông mà giao cho con bé.

2. Ông vua Hê-rô-đê này là người có tính thích của lạ và khoái nghe hùng biện. Vì thế, ông nghe đồn Gio-an giảng dạy rất hay, nên ông cho mời Gio-an đến thuyết trình trong triều, nhưng không phải để nghe diễn thuyết về chân lý mà là để thưởng thức tài hùng biện của Gio-an. Thánh Gio-an liền chộp lấy cơ hội này để thức tỉnh lương tâm tội lỗi của Hê-rô-đê và Hê-rô-đi-a. Ngài kịch liệt khuyến cáo nhà vua không được phép cưới vợ của anh mình, Hê-rô-đê giật mình và phản công bằng cách ra lệnh tống giam Gio-an vào ngục. Phần Hê-rô-đi-a vẫn chưa hài lòng, vì Gio-an luôn là mối cản trở hành động sai trái của bà, nên bà tìm mọi cách để giết được Gio-an mới thôi (Phạm Văn Phượng).

3. Một ông vua Hê-rô-đê ham mê tửu sắc lại muốn giữ thể diện vì đã lỡ thề với cô gái trước mặt bá quan văn võ, một bà Hê-rô-đi-a lăng loàn đem lòng oán hận đối với người đã lên tiếng tố giác mối quan hệ bất chính của bà, những người này ngoan ngoãn vâng theo sự thúc đẩy đen tối của Satan mà dấn bước không chút đắn đo vào hành vi tội lỗi. Còn Gio-an thực thi sứ mệnh Thiên Chúa trao ban, dọn đường cho Đấng Messia, dám một mình bênh vực lẽ phải, không khuất phục trước bạo quyền, ông mạnh mẽ lên án nhà vua: ngài không được phép lấy vợ của anh mình. Gio-an đã sống và chết cho sứ mệnh. Ông làm tròn bổn phận Thiên Chúa giao phó (5 phút Lời Chúa).

4. Phải biết nghe tiếng nói của lương tâm vì lương tâm là tiếng nói của Thiên Chúa. Bao lâu lương tâm chưa được thanh thản, con người sẽ chưa có bình an thực sự.

Có lẽ nhiều người trong chúng ta vẫn còn nhớ vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (ở tỉnh Bắc Giang) bị kết án oan ở tù 10 năm (từ tháng 8/2003 đến tháng 11/2013). Vụ án đi vào ngõ cụt khi công an bức cung dùng nhục hình ép buộc ông Chấn nhận tội giết chị Nguyễn Thị Hoan để cướp của. Thế rồi sau 10 năm, anh Lý Nguyên Chung đã ra đầu thú chính anh mới là thủ phạm giết người. Lý Nguyên Chung sau khi trốn vào Gia Lai, đã thay tên đổi họ và không còn ai biết gì về anh nữa, nhưng rồi bỗng dưng anh lại về đầu thú, chỉ vì lý do 10 năm trời anh không khi nào ăn ngon ngủ yên vì tội lỗi của mình ám ảnh. Thật đúng như dân gian có câu:

Hổ giết người hổ lăn ra ngủ
Người giết người thức đủ năm canh.

Cũng thế, vua Hê-rô-đê vì một chút sĩ diện và ham mê nhục dục đã ra tay giết hại thánh Gio-an Tẩy Giả. Bây giờ khi nghe dân chúng đồn đoán Gio-an đã sống lại nơi Đức Giê-su thì ông đã phân vân lo lắng vì hành động của mình.

5. Giáo hội tiếp tục sứ mệnh của các tiên tri, Giáo hội phải trở thành tiếng nói của Chúa Kitô. Như Gio-an Tẩy giả đã dùng cái chết của mình để dọn đường cho Chúa, người Ki-tô hữu cũng có sứ mệnh làm chứng cho Chúa Ki-tô. Trong những dòng cuối cùng của thông điệp Hòa Bình dưới thế, Đức Gio-an XXIII đã nói: “Mỗi Ki-tô hữu trong thế giới phải là một mảnh sao băng chiếu sáng, là một tụ điểm của tình yêu, là một thứ men sống động giữa anh em mình, và người Ki-tô hữu càng đóng trọn vai trò ấy khi càng sống kết hợp với Chúa”.

6. Truyện: Gương can đảm tuyệt vời.

Năm 1028, khi thấy mình gần đất xa trời, vua Constantin IX ở Rôma đã cho mời nhà quí tộc Romanus  đến. Vua muốn cùng  một lúc vừa truyền ngôi, vừa gả công chúa Theodora cho ông.

Nhưng Romanus tâu vua, mình hết lòng cảm ơn lòng thương của vua, song ông đã có vợ.

Không đếm xỉa gì đến lời tâu, vua truyền cho ông, nếu không lấy con vua thì sẽ bị khoét hai con mắt, muốn chọn đằng nào thì chọn. Rồi nhà vua cho ông một ngày để suy nghĩ.

Sau một ngày, ông Romanus vào chầu. Hoàng đế cho gọi công chúa đến, một công chúa tài sắc vẹn toàn. Nhưng Romanus can đảm tâu vua:

– Dây hôn phối ràng buộc khanh với vợ do Thiên Chúa ràng buộc. Thế gian không ai có quyền tháo cởi.

Vua ra sức ép nhưng vô ích.

Ông Romanus cam lòng chịu khoét mắt hơn là lỗi lề luật Thiên Chúa.Đó là một con người đã hướng sự can đảm của mình vào những mục tiêu thật chính đáng.


NGƯỜI CÔNG CHÍNH BỊ BÁCH HẠI
(THỨ BẢY TUẦN 17 TN NĂM CHẴN)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Bảy Tuần 17 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa là sức mạnh và là niềm trông cậy của chúng ta, không có Chúa, chẳng có chi vững bền, chẳng có chi thánh thiện. Xin Chúa mở lòng nhân hậu mà hướng dẫn chúng ta, để khi biết cách dùng những của cải chóng qua đời này, chúng ta đã gắn bó với của cải muôn đời tồn tại.

Đã gắn bó với của cải muôn đời tồn tại, khi chấp nhận thân phận yếu hèn của mình, mà cậy nhờ vào sức mạnh của Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô cho biết: ngài sẽ thăm viếng cộng đoàn Côrintô. Đến cuối thư, thánh Phaolô vẫn nhắc cho các tín hữu của ngài về nghịch lý của yếu đuối và sức mạnh. Chúng tôi cũng mang thân phận yếu hèn, nhưng cùng với Người, chúng tôi sống nhờ quyền năng của Thiên Chúa… Anh em hãy vui mừng, gắng nên hoàn thiện và ăn ở thuận hòa. Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an, sẽ ở cùng anh em, và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Kitô Giêsu.

Đã gắn bó với của cải muôn đời tồn tại, khi làm việc thiện không sờn lòng nản chí, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Inhaxiô Antiôkhia nói: Hãy làm mọi sự để tôn vinh Thiên Chúa… Anh em hãy kiên tâm bền chí, và càng ngày càng tích cực tham gia vào công việc của Chúa. Anh em hãy làm việc thiện, đừng sờn lòng nản chí, vì biết rằng: trong Chúa, sự khó nhọc của anh em sẽ không trở nên vô ích.

Đã gắn bó với của cải muôn đời tồn tại, khi cố gắng hoàn thành sứ mạng Chúa giao phó, cho dẫu, có bị chống đối, bị loại trừ, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, cho dù bị bách hại, ngôn sứ Giêrêmia vẫn cứ nói: Chính Đức Chúa đã sai tôi tuyên sấm mọi lời liên quan đến Nhà này, cũng như thành này. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 68, vịnh gia cũng đã cho thấy: Lạy Chúa, xin đáp lại, vì ơn cả nghĩa dày. Những ai nghèo hèn, xem đấy mà vui lên, người tìm Thiên Chúa, hãy nức lòng phấn khởi. Vì Chúa nhận lời kẻ nghèo khó, chẳng coi khinh thân hữu bị giam cầm.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Trong bài Tin Mừng, thánh Mátthêu tường thuật lại: Vua Hêrôđê sai người vào ngục chặt đầu ông Gioan. Người ta đặt đầu ông trên mâm, mang về trao cho cô, và cô ta đem đến cho mẹ. Những người sống công chính luôn bị bách hại, bởi vì, con cái thế gian luôn tìm cách bách hại, làm khổ con cái Thiên Chúa. Chúa ở đâu khi con cái mình bị chống đối, bị loại trừ? Ngay cả, Con Một, Thiên Chúa cũng trao nộp vì chúng ta. Số phận của Đức Giêsu cũng chính là số phận của những người môn đệ Đức Kitô: thánh Phaolô, thánh Inhaxiô Antiôkhia, ngôn sứ Giêrêmia, thánh Gioan Tẩy Giả trong các bài đọc phụng vụ hôm nay, đều chia sẻ cùng một sứ mạng với Đức Kitô, cùng chịu những đắng cay, ngục hình, và cuối cùng là cái chết như Đức Kitô. Tuy nhiên, chúng ta đừng sờn lòng nản chí khi sống công chính: Hãy can đảm lên! Hãy lấy đức tin làm mũ chiến, đức cậy làm áo giáp, và đức mến làm vũ khí tấn công! Hãy tin tưởng phó thác mọi sự vào bàn tay quan phòng của Chúa, bởi vì, như lời Chúa hứa: Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Chúa là sức mạnh và là niềm trông cậy của chúng ta, không có Chúa, chẳng có chi vững bền, chẳng có chi thánh thiện. Chúa đã mở lòng nhân hậu đối với chúng ta, ước gì khi dùng những của cải chóng qua đời này, chúng ta biết gắn bó với của cải muôn đời tồn tại. Ước gì được như thế!

VƯỢT QUA HỐI TIẾC
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Đó chính là Gioan Tẩy Giả đã từ cõi chết trỗi dậy!”.

“Để có thể vượt qua hối tiếc, thoát khỏi nỗi đau gây nên bởi những hối hận về quá khứ, sợ hãi về tương lai… hãy để lại dĩ vãng cho lòng thương xót của Thiên Chúa; trao tương lai cho sự quan phòng của Ngài; và dâng hiện tại cho tình yêu Ngài bằng việc trung thành với ân sủng!” - Jean-Pierre de Caussade.

Kính thưa Anh Chị em,

Giá mà câu nói của Jean-Pierre de Caussade được áp dụng cho Hêrôđê thì linh hồn của một quận vương đã không hư mất! Trong Tin Mừng hôm nay, Hêrôđê cho rằng, Chúa Giêsu hẳn là Gioan Tẩy Giả sống lại từ cõi chết, thì phải chăng bên trong ông đã có một sự đấu tranh với những hối tiếc, sợ hãi và mặc cảm tội lỗi? Giá mà ông ‘vượt qua hối tiếc’ và cho phép lòng thương xót Chúa bước vào!

Sau khi giết Gioan, Hêrôđê nghe biết danh tiếng của Chúa Giêsu, tin tức về Ngài đã lan truyền nhanh chóng và kịp đến tai ông. Với phiên bản của Marcô, chúng ta biết, “Hêrôđê sợ Gioan, biết Gioan là người công chính và thánh thiện nên giam giữ ông. Khi nghe Gioan nói, ông rất bối rối, nhưng vẫn thích nghe”. Có thể Hêrôđê đã có một tia sáng đức tin nào đó, nhưng cuối cùng, bị chi phối bởi những đam mê và ham muốn quyền lực. Có lẽ đó là lý do tại sao ban đầu ông giữ Gioan lại trong tù; và có vẻ như Hêrôđê cũng tỏ ra hối hận hoặc sợ hãi về việc chặt đầu Gioan. Và cũng rất có thể vì lý do này mà Hêrôđê đã nghĩ ngay đến Gioan khi lần đầu nghe về Chúa Giêsu và “quyền năng lớn lao” đang hoạt động trong Ngài.

Sự hối tiếc, sợ hãi và mặc cảm tội lỗi là những tác động phổ biến của một lương tâm đang xung đột. Hêrôđê là một ‘mẫu gương’ về những gì xảy ra khi chúng ta không giải quyết được xung đột đó bên trong chính mình. Cách duy nhất để ‘vượt qua hối tiếc’ và giải quyết sự bối rối bên trong của một lương tâm xung đột là ‘khiêm nhường đầu phục sự thật’. Hãy tưởng tượng nếu Hêrôđê đã ăn năn; hãy tưởng tượng nếu ông ta đã tìm đến Chúa Giêsu, thú nhận tội lỗi mình và cầu xin sự tha thứ! Đó sẽ là một câu chuyện tuyệt vời. Thật tiếc, thay vào đó, chúng ta có chứng từ của một người đã đi lạc không để cho lòng thương xót Chúa bước vào nên vẫn ngoan cố trong tội.

Kính thưa Anh Chị em,

“Đó chính là Gioan Tẩy Giả đã từ cõi chết trỗi dậy!”. Hãy suy gẫm về lời chứng không thánh thiện này của Hêrôđê! Chúa có thể sử dụng mọi thứ cho vinh quang Ngài, và Ngài thậm chí có thể sử dụng mẫu gương của Hêrôđê để chúng ta thấy bất kỳ khuynh hướng tương tự nào. Bạn có đấu tranh với sự hối tiếc, sợ hãi và tội lỗi không? Tin tốt lành là xung đột này dễ dàng được giải quyết bằng một tấm lòng khiêm nhường tìm kiếm sự thật. Hãy tìm kiếm sự thật để ‘vượt qua hối tiếc’, thừa nhận bất kỳ tội lỗi dai dẳng nào mà bạn cần giải quyết và cho phép lòng thương xót của Chúa bước vào để giải thoát bạn. Tắt một lời, “Hãy để lại dĩ vãng cho lòng thương xót Chúa; trao tương lai cho sự quan phòng của Ngài; và dâng hiện tại cho tình yêu Ngài dành cho bạn!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, giúp con đủ sức nhảy bổ vào vòng tay từ ái của Chúa; nhờ đó, con thoát khỏi những nỗi đau của quá khứ, bất an của hiện tại và sợ hãi của tương lai!”, Amen.

File đính kèm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây