TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ SÁU TUẦN 16 THƯỜNG NIÊN

Thứ tư - 17/07/2024 14:17 |   445
“Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống.” (Mt 13,18-23)

26/07/2024
thứ sáu tuần 16 THƯỜNG NIÊN

Thánh Gioakim và Anna, song thân Đức Maria

Thánh Gioakim và Anna

Mt 13,18-23


người gieo giống lạc quan
“Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống.” (Mt 13,18-23)

Suy niệm: Những cây họ đậu có một khả năng đặc biệt. Bộ rễ của chúng có những nốt sần tích tụ rất nhiều chất đạm từ trong khí trời. Khi nó chết đi, chất đạm trong bộ rễ của nó biến thành một thứ phân bón giúp cải tạo đất xấu thành đất tốt. Thiên Chúa là chủ ruộng. Ngài gieo hạt giống Lời Chúa vào mọi tâm hồn, bất kể người tốt kẻ xấu. Điều Ngài mong muốn là mọi tâm hồn đều phải được đón nhận Lời Ngài, dù họ chưa sẵn sàng đón nhận, dù họ trổ sinh bông hạt ít hay nhiều. Ngài có lý do để lạc quan và hào phóng như thế không chỉ vì hạt giống Lời Chúa không bao giờ sợ cạn kiệt, mà cũng như các loại cây họ đậu, Lời Ngài còn có sức cải tạo những mảnh hồn sỏi đá, gai góc trở thành những cánh đồng tốt tươi màu mỡ.

Mời Bạn: Bạn có nản lòng vì mình nghe Lời Chúa đã nhiều mà chưa sinh hoa trái gì? Hoặc bạn có bi quan vì đã đổ ra biết bao công khó trong công việc tông đồ mà kết quả chỉ là số không? Mời bạn chiêm ngắm vị Thiên Chúa đầy lạc quan và nhẫn nại qua dụ ngôn người gieo giống và bạn ghi nhớ Lời Chúa trong thư thánh Phao-lô: “Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện…” (2 Tm 4,2-5). Bạn có sáng kiến gì để phát triển việc Chia Sẻ Lời Chúa trong giáo xứ, gia đình, hoặc cộng đoàn của bạn?

Sống Lời Chúa: Dành thời gian thích hợp để suy niệm Lời Chúa mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, dù tâm hồn con có chai lì khô cứng, Chúa cũng không coi đó là một mảnh đất bỏ đi, xin cho con không bao giờ nản lòng trong cuộc chiến chống lại tội lỗi, và cho con biết luôn quảng đại nhiệt thành rao giảng Lời Chúa cho anh chị em con.

Ngày 26: Lạy Chúa! Không phải là chúng con không cần phải phấn đấu để thành công, bởi vì, đó cũng là một phần của cuộc sống chúng con. Tuy nhiên, nếu chúng con chỉ chú trọng những thứ bên ngoài không thôi, thì những thành công đó sẽ rất tương đối, không vững bền, và không làm cho chúng con cảm thấy thỏa mãn. Xin cho chúng con biết kết hợp những hoạt động bên ngoài đó với mục đích bên trong, tức là cùng đích của cuộc đời mình. Khi chúng con biết liên kết mọi việc với cứu cánh của mình là chính Chúa, thì những gì chúng con làm sẽ mang lại những giá trị vĩnh cửu. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

 


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ sáu tuần 16 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Kìa Thiên Chúa phù trợ tôi, Chúa đang nâng đỡ tâm hồn tôi. Tôi đã tự nguyện hiến dâng lễ vật lên Chúa, và lạy Chúa, tôi sẽ ca tụng danh Ngài, vì danh Ngài thiện hảo.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa xin tỏ lòng nhân hậu với các tín hữu Chúa và rộng tay ban phát mọi ơn lành để chúng con thêm lòng tin cậy mến và chuyên cần tuân giữ những điều Chúa truyền dạy. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Xh 20, 1-17

“Luật do Môsê đã ban ra”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, Chúa phán bảo những lời sau đây: “Ta là Thiên Chúa ngươi, Ðấng đã dẫn dắt ngươi ra khỏi vùng Ai-cập, khỏi nhà nô lệ. Ngươi không được thờ thần nào khác trước mặt Ta, đừng chạm trổ tượng gỗ, hay vẽ hình các vật trên trời, dưới đất, trong nước, dưới lòng đất. Ðừng thờ lạy và phụng sự các hình tượng ấy, vì Ta là Chúa, Thiên Chúa ngươi, Chúa hùng mạnh, Chúa ganh tị, trừng phạt con vì tội lỗi cha, cho đến ba bốn đời, những kẻ ghét Ta; Ta tỏ lòng nhân lành đến ngàn đời đối với những ai kính mến Ta, và tuân giữ các giới răn Ta.

“Ngươi đừng lấy danh Chúa, Thiên Chúa ngươi, mà lường gạt, vì Chúa không thể không trừng phạt kẻ nào lấy danh Người mà lường gạt.

“Ngươi hãy nhớ thánh hoá ngày Sabbat. Ngươi làm lụng và làm tất cả mọi việc trong sáu ngày, còn ngày thứ bảy là ngày Sabbat, thì thuộc về Chúa, Thiên Chúa ngươi; trong ngày đó, ngươi, con trai, con gái, tôi tớ nam nữ, súc vật, ngoại kiều trọ trong nhà ngươi, tất cả không được làm việc gì. Vì trong sáu ngày, Chúa đã tạo dựng trời, đất, biển, và tất cả mọi vật trong đó, rồi Người nghỉ trong ngày thứ bảy: cho nên Chúa chúc phúc và thánh hoá ngày Sabbat.

“Ngươi hãy tôn kính cha mẹ, để ngươi được sống lâu dài trong xứ mà Thiên Chúa sẽ ban cho ngươi.

“Ngươi chớ giết người; chớ phạm tội ngoại tình; chớ trộm cắp; chớ làm chứng dối hại anh em mình; chớ tham lam nhà của kẻ khác, chớ ham muốn vợ bạn hữu, tôi tớ nam nữ, bò, lừa và bất cứ vật gì của bạn hữu”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 18, 8. 9. 10. 11

Ðáp: Lạy Chúa, Chúa có lời ban sự sống đời đời 

Xướng: Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt.

Xướng: Giới răn Chúa chánh trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt.

Xướng: Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết Chúa chân thực, công minh hết thảy. 

Xướng: Những điều đó đáng chuộng hơn vàng, hơn cả vàng ròng; ngọt hơn mật, và hơn cả mật chảy tự tàng ong. 

Bài Ðọc I: (Năm II) Gr 3, 14-17

Ta sẽ ban cho các ngươi chủ chăn theo như ý Ta; và mọi dân tộc sẽ quy tụ tại Giêrusalem”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Chúa phán: “Hỡi con cái phản loạn, hãy hối cải, vì Ta là chủ các ngươi, Ta sẽ chọn trong các ngươi một người trong mỗi thành và hai người trong mỗi chi họ; Ta sẽ dẫn các ngươi lên Sion. Ta sẽ ban cho các ngươi những chủ chăn theo như ý Ta, để họ dùng lý trí và khôn ngoan chăn dắt các ngươi”.

Chúa lại phán: “Trong những ngày ấy, khi các ngươi sinh sản ra nhiều trong xứ, thì người ta không còn nói đến Hòm Bia Thiên Chúa nữa. Người ta sẽ không còn nghĩ tới, nhớ tới, hối tiếc và tạo lập hòm bia khác nữa.

“Lúc đó, người ta sẽ gọi Giêrusalem là ngai của Chúa, mọi dân tộc nhân danh Chúa mà quy tụ tại Giêrusalem, và họ không theo lòng gian ác độc dữ của mình nữa”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Gr 31, 10. 11-12ab. 13

Ðáp: Chúa sẽ gìn giữ chúng ta như mục tử chăn dắt đoàn chiên mình (c. 10d).

Xướng: Hỡi các dân tộc, hãy nghe lời Chúa, hãy công bố lời Chúa trên các đảo xa xăm; hãy nói rằng: “Ðấng đã phân tán Israel, sẽ quy tụ nó lại, và sẽ gìn giữ nó, như mục tử chăn dắt đoàn chiên mình”. – Ðáp.

Xướng: Vì Chúa đã giải phóng Giacóp, giờ đây với cánh tay mạnh mẽ hơn, Người cứu thoát nó. Chúng sẽ đến và ca hát trên núi Sion, chúng sẽ đổ xô về phía hạnh phúc của Người. – Ðáp.

Xướng: Bấy giờ người thiếu nữ sẽ hân hoan nhảy mừng, các thanh niên và các cụ già cũng làm y như thế; Ta sẽ biến đổi tang chế của chúng ra niềm hân hoan, sẽ an ủi chúng và cho chúng hết đau khổ. – Ðáp.

Alleluia: Gc 1, 13

Alleluia, alleluia! – Do ý định của Thiên Chúa, Người đã sinh chúng ta bằng lời sự thật, để chúng ta nên như của đầu mùa các tạo vật. – Alleluia.

(Hoặc đọc: Alleluia, alleluia! Hạnh phúc thay người thành tâm thiện chí, hằng ấp ủ lời Chúa trong lòng, nhờ kiên nhẫn mà sinh hoa kết quả. – Alleluia.)

Phúc Âm: Mt 13, 18-23

“Kẻ nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Vậy các con hãy nghe dụ ngôn về người gieo giống: Kẻ nào nghe lời giảng về Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp lấy điều đã gieo trong lòng nó: đó là kẻ thuộc hạng gieo dọc đường. Hạt rơi trên đá sỏi là kẻ khi nghe lời giảng, thì tức khắc vui lòng chấp nhận, nhưng không đâm rễ sâu trong lòng nó: đó là kẻ nông nổi nhất thời, nên khi cuộc bách hại, gian nan xảy đến vì lời Chúa, thì lập tức nó vấp ngã. Hạt rơi vào bụi gai, là kẻ nghe lời giảng, nhưng lòng lo lắng việc đời, ham mê của cải, khiến lời giảng bị chết ngạt mà không sinh hoa kết quả được. Hạt gieo trên đất tốt, là kẻ nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả, đến nỗi có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa là Cha nhân từ, Chúa đã dùng hiến tế duy nhất của Ðức Kitô trên thập giá làm cho các hy lễ theo luật Môsê được đầy đủ ý nghĩa. Xin thánh hoá lễ vật chúng con dâng với cả tấm lòng thành, cũng như xưa Chúa đã vui lòng thánh hoá lễ vật của Aben. Nhờ đó, hiến lễ mỗi người chúng con dâng lên để tôn vinh Danh Thánh sẽ giúp mọi người đạt tới ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa đã làm những điều lạ lùng đáng ghi nhớ, Chúa thật là Đấng nhân hậu và từ bi; Người đã ban lương thực cho những ai tôn sợ Người.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Này Ta đứng ngoài cửa Ta gõ cửa, nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho Ta, Ta sẽ vào nhà người ấy, và sẽ dùng bữa tối với nó, và nó sẽ dùng bữa với Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin phù trợ chúng con là đoàn dân Chúa. Chúa đã lấy bánh bởi trời và nuôi dưỡng chúng con, xin cũng giúp chúng con từ bỏ nếp sống cũ và hân hoan bước vào đời sống mới. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Ý NGHĨA DỤ NGÔN NGƯỜI GIEO GIỐNG (Mt 13,18-23)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Bài Tin Mừng là ý nghĩa dụ ngôn người gieo hạt giống, chính Chúa Giê-su đã giải thích cho các môn đệ. Qua dụ ngôn này, Chúa Giê-su đưa ra bốn mẫu người khi đón nhận Lời Chúa:

– Đón nhận một cách ơ hờ, lãnh đạm, không tha thiết với Lời Chúa.

– Đón nhận, nhưng nhất thời và hay thay đổi.

– Có lòng tha thiết nghe Lời Chúa nhưng tâm hồn lo toan trăm mối nên cuối cùng cũng không sinh hoa kết quả.

– Còn người chăm chú lắng nghe, tìm hiểu, và ra sức đem ra thực hành thì sinh hoa kết quả gấp trăm, sáu mươi hay ba mươi.

Vậy mỗi người chúng ta hãy tự xét xem mình thuộc loại người nào khi đón nhận Lời Chúa.

2. Nhận xét của chúng ta qua bài Tin Mừng này là dụ ngôn này trực tiếp dạy chúng ta: số phận khác nhau hay kết quả khác nhau của Lời Chúa là tùy thuộc vào tâm hồn hay thái độ của thính giả. Bởi vì hạt giống là Lời Chúa thì bao giờ cũng tốt, không bao giờ có hạt giống xấu, cũng như hạt giống, dù được gieo vào chỗ đất nào thì cũng mọc lên, nhưng kết quả khác nhau. Vì thế, đồng ruộng hay đất đai có một vai trò quan trọng không kém cho kết quả thu hoạch, nghĩa là kết quả của Lời Chúa hoàn toàn tùy thuộc vào ruộng đất là tâm hồn hay thái độ của người nghe.

3. Nên lưu ý, những hình ảnh gieo giống mà Chúa Giê-su dùng trong Tin Mừng hôm nay không giống với kỹ thuật canh tác hiện nay. Thật thế, vào thời Chúa Giê-su, đất Pa-lét-tin-na vốn khô cằn, người nông dân thời Chúa Giê-su không cầy bừa dọn đất trước khi gieo trồng, nhưng gieo vãi trước, rồi sau đó mới cầy đất xới bón. Thành ra, có hạt rơi xuống đất tốt, có hạt rơi trên về đường, có hạt rơi vào bụi gai. Dù kỹ thuật có khác, dù tiến trình canh tác có khác, người nông dân ở bất cứ thời đại nào cũng giống nhau ở chỗ họ có tinh thần lạc quan. Đất đai có tươi tốt hay khô cằn, thiên nhiên có ngược đãi hay thuận lợi, mùa gặt tươi tốt vẫn luôn là lòng hy vọng của kẻ gieo trồng (Mỗi ngày một tin vui).

4. Chúa Giê-su xếp thính giả vào bốn hạng người theo những tâm trạng khác nhau. Bốn hạng người này thì có ba hạng người làm cho Lời Chúa thất bại, và chỉ có một hạng người để Lời Chúa được thành công.

Ba hạng làm cho Lời Chúa thất bại vì những lý do khác nhau:

Hạng đường đi: lý do khách quan, vì do ma quỉ đến cướp đi bằng cách quyến rũ người ta chạy theo thú vui xác thịt, những vẻ đẹp của văn minh hưởng thụ, những tiến bộ của khoa học kỹ thuật làm cho người ta trở nên chai đá đối với những thực tại siêu nhiên.

Hạng đá sỏi: lý do chủ quan, đó là những người nông nổi, bồng bột, nhất thời, cho nên thiếu kiên nhẫn. Khi nghe lời giảng thì thích thú (bén rễ) và có khi đưa ra những quyết định canh tân rất là vĩ đại. Nhưng họ chỉ sốt sắng theo tình cảm nhất thời, nên khi gặp khó khăn là bỏ cuộc, chán nản; lòng mến Chúa của họ dễ tan biến như sương buổi sáng, như nắng về chiều.

Hạng bụi gai: lý do chủ quan, vì khi nghe Lời Chúa, người ta lại lo lắng việc đời: như lo ăn, lo làm, lo giải trí, xã giao..., và những ham mê sự đời như vật chất, danh vọng, địa vị và thú vui xác thịt… khiến cho Lời Chúa bị chết nghẹt.

Hạng đất tốt: thành công vì hạt được một trăm, hạt sáu mươi và hạt ba mươi. Đây là những người nhiệt thành chăm chỉ nghe Lời Chúa và nỗ lực cách kiên trì trong việc tìm hiểu và đem ra thực hành để thánh hóa bản thân.

Lời Chúa được gieo vào lòng tín hữu tốt, sẽ tùy ơn kêu gọi và thiện chí của từng người mà đem lại những kết quả khác nhau: một trăm, sáu mươi ba mươi (Giải thích của Trần Hữu Thành).

5. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta mở rộng tâm hồn đón nhận Lời Chúa. Nếu mảnh đất tâm hồn chúng ta luôn mở ra, Lời Chúa sẽ thấm nhập chúng ta và cuộc sống chúng ta sẽ trở nên tươi tốt. Qua miệng tiên tri I-sai-a, Chúa đã đảm bảo với chúng ta: Như mưa tuyết rơi từ trên trời không trở về trời, nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nảy lộc”. Cũng thế: Lời Ta một khi xuất phát từ miệng Ta, nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mệnh Ta giao phó”.

6. Truyện: Nước làm sạch rổ rau.

Bà vợ đi lễ về làm cơm sáng hơi muộn làm cho người chồng khó chịu. Người chồng thì khô khan, thỉnh thoảng mới đến nhà thờ. Vợ thì siêng năng đi lễ để nghe Lời Chúa.

Bụng đang đói, chồng tức bực hỏi vợ:
– Em đi lễ hằng ngày như vậy để được cái gì?
Bà vợ trả lời :
– Được nhiều lắm, anh ạ.
Chồng hỏi tiếp:
– Được cái gì?
 Vợ thản nhiên đáp:
– Được nghe Lời Chúa. Được Lời Chúa soi dẫn và rửa sạch tâm hồn em!
Chồng trợn mắt:
– Rửa sạch?
Vợ chỉ vào rổ rau mới rửa, trả lời:
– Vâng, nước đã làm cho bụi bậm rổ rau này sạch trơn!
Người chồng hiểu, lặng thinh và suy nghĩ!

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Gioakim và Anna, song thân Đức Maria

Ca nhập lễ

Chúng ta hãy ngợi khen thánh GioanKim và Anna nơi miêu duệ các ngài, vì Chúa đã ban cho các ngài ơn phúc lành của muôn dân.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa là Ðấng tổ phụ chúng con tôn thờ, Chúa đã ban cho thánh Gio-an Kim và thánh An-na được diễm phúc sinh hạ Ðức Ma-ri-a là thánh mẫu của Ðức Kitô, Con Chúa nhập thể. Xin nhận lời hai thánh chuyển cầu, cho chúng con được hưởng ơn cứu độ, Chúa đã hứa ban cho dân riêng của Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Hc 44, 1. 10-15

“Miêu duệ họ tồn tại đến muôn đời”.

Trích sách Huấn Ca.

Chúng ta hãy ca tụng những vĩ nhân và các tổ phụ chúng ta qua các thời đại. Có những người nhân hậu, mà việc thiện của họ không bao giờ bị lãng quên. Dòng dõi họ được hưởng hạnh phúc, và họ sẽ có con cháu nối dòng, miêu duệ họ trung thành với lời giao ước và con cái họ nhờ họ cũng được trung thành. Miêu duệ họ sẽ tồn tại đến muôn đời, và vinh quang của họ không bao giờ bị lu mờ. Thân xác họ được chôn cất bình an, tên tuổi họ sẽ sống đời này qua đời nọ. Sự khôn ngoan của họ cộng đoàn truyền tụng, và công hội thuật lại lời ngợi khen họ.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 131, 11. 13-14. 17-18

Ðáp: Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người

Xướng: Chúa đã thề hứa cùng Ðavít một lời hứa quả quyết mà Người sẽ chẳng rút lời, rằng: “Ta sẽ đặt lên ngai báu của ngươi một người con cháu thuộc dòng giống ngươi”.

Xướng: Bởi chưng Chúa đã kén chọn Sion, đã thích lựa Sion làm nơi cư ngụ cho mình. Ngài phán: “Ðây là nơi nghỉ ngơi của Ta tới muôn đời, Ta sẽ cư ngụ nơi đây, vì Ta ưa thích”.

Xướng: Tại đó, Ta sẽ gầy dựng một uy quyền cho Ðavít, sẽ chuẩn bị ngọn đèn sáng cho người được Ta xức dầu. Ta sẽ bắt những kẻ thù ghét người tủi hổ, nhưng triều thiên của Ta chiếu sáng rực rỡ trên mình người. 

Alleluia: x. Lc 2, 25c

Alleluia, alleluia! – Các ngài mong đợi niềm an ủi của Israel, và Thánh Thần ngự trong các ngài. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 13, 16-17

“Nhiều vị tiên tri và nhiều đấng công chính đã ao ước trông thấy điều các con thấy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Phúc cho mắt các con vì được thấy; và phúc cho tai các con vì được nghe. Quả thật, Thầy bảo các con: Nhiều vị tiên tri và nhiều đấng công chính đã ao ước trông thấy điều các con thấy, mà không được thấy; mong ước nghe điều các con nghe, mà không được nghe”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin chấp nhận của lễ chúng con thành kính dâng lên Chúa, và xin cho chúng con được thừa hưởng phúc lành Chúa đã hứa cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Các ngài được Chúa chúc phúc, và được Thiên Chúa Đấng cứu độ yêu thương.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, là Thiên Chúa tối cao, Chúa đã muốn cho Con Một Chúa hạ mình sinh làm người dương thế để qua một cuộc trao đổi lạ lùng kỳ diệu, con người được tái sinh làm con Chúa. Xin mở lòng nhân hậu ban cho những người được Chúa nuôi dưỡng bằng bánh dành riêng cho con cái Chúa, được thánh hoá nhờ tinh thần nghĩa tử Chúa ban. Chúng con cầu xin…

Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Ngày lễ song thân Đức Trinh Nữ Maria trùng với ngày cung hiến Đại Thánh Đường Thánh Anna ở Constantinople vào khoảng năm 550. Từ thế kỷ XIII, lễ này đã phổ biến sang phương Tây qua các đoàn thập tự chinh, nhưng mãi đến 1584 mới thấy xuất hiện trong sách lễ Roma. Còn lễ Thánh Gioakim thì mãi 1522 mới thấy nhập vào phương Tây. Việc kết hợp hai lễ riêng lẻ này thành một lễ kính “ông bà” của Đức Giêsu, tức là hai vị “công chính” Gioakim và Anna, đã thấy xuất hiện trong phụng vụ dòng Phan Sinh vào ngày 20 tháng Ba, rồi vào nhiều ngày khác. Tại phương Đông, lịch Byzance mừng kính các Thánh Gioakim và Anna vào ngày 9 tháng Chín, ngày tiếp sau lễ sinh nhật Đức Maria, theo tập quán muốn mừng cha mẹ vì đã sinh con. Từ năm 1968, song thân của Đức Maria được mừng chung. Tất cả những gì chúng ta biết về các ngài là nhờ cuốn Ngụy Phúc Âm của Giacôbê, một bản ngụy kinh thuộc thế kỷ II, trong đó kể rằng, Đức Maria đã được sinh ra cách kỳ diệu do hai cha mẹ son sẻ: sứ thần báo tin cho ông Gioakim sau khi ăn chay bốn mươi ngày, rằng lời nguyện của ông được chấp nhận, trong khi Bà Anna đứng đợi ông nơi Cửa Vàng ở Jérusalem.

Thánh Anna được đặc biệt tôn kính ở làng Sainte Anne d’Auray (Bretagne) và làng Sainte Anne de Beaupré (Canada).

2. Thông điệp và tính thời sự

Cac lời nguyện trong Thánh Lễ lấy từ sách lễ Paris 1738, nhấn mạnh hai điểm cùng có trong những bản văn phụng vụ khác.

Lời nguyện trong ngày và lời nguyện trên lễ vật mừng song thân Đức Maria, Đấng mang ơn cứu rỗi đến cho chúng ta cũng như mang “lời chúc phúc đã hứa cho Abraham và miêu duệ Người”. Đây chính là sự tiếp nối nhiệm cục cứu rỗi của Thiên Chúa, ý định này đã được thực hiện từ Abraham, qua các tổ phụ trong niềm tin, đến với hai thánh Gioakim và Anna, đến Đức Maria con của các ngài và Đức Giêsu Con Mẹ. Thiên Chúa vẫn trung thành suốt chuỗi dài các thế hệ đó, nhờ thế chúng ta cũng được hưởng những ân huệ trong sự cứu rỗi muôn đời và trong lời chúc phúc đã hứa với Abraham và miêu duệ Ông.

Lời nguyện hiệp lễ nhấn mạnh mầu nhiệm này: Thiên Chúa đã muốn Con Một mình “sinh bởi một gia đình nhân loại”. Quả thế, qua việc chọn dân riêng, Chúa đã tặng cho toàn nhân loại ơn cứu rỗi, nhân loại mà Người là thành viên không thể chia lìa. Vì thế đích thân Thiên Chúa trở thành liên đới với loài người.

Trong Phụng vụ Bài đọc, bài giảng của Thánh Gioan Đamascênô lấy lại tư tưởng đó: “Thánh Gioakim và Thánh Anna là cặp vợ chồng thanh khiết! Khi các ngài tuân giữ sự khiết tịnh trong luật lệ tự nhiên, các ngài đã được thưởng điều vượt quá những gì thiên nhiên ban tặng, đó là đã sinh ra cho thế gian Đấng không ăn ở với chồng nhưng sẽ là Mẹ Thiên Chúa”.

Enzo Lodi


HƯỞNG ƠN CỨU ĐỘ CHÚA HỨA BAN
(LỄ THÁNH GIOAKIM & THÁNH ANNA 26/07)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Gioakim và Thánh Anna hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã ban cho thánh Gioakim và thánh Anna được diễm phúc sinh hạ Đức Maria là Thánh Mẫu của Đức Kitô, Con Chúa nhập thể. Xin nhậm lời hai thánh chuyển cầu, mà cho chúng ta được hưởng ơn cứu độ Chúa đã hứa ban cho dân riêng của Chúa. Theo một truyền thống cổ xưa, có thể vào thế kỷ II, thánh Gioakim và thánh Anna là song thân của Đức Trinh Nữ Maria. Lòng sùng kính thánh Anna được phổ biến ở phương Đông vào thế kỷ VI, và ở phương Tây vào thế kỷ X; còn thánh Gioakim cũng được tôn kính như thế, nhưng muộn hơn, lối thế kỷ XVII.

Để hưởng ơn cứu độ Chúa đã hứa ban, thì phải biết đón nhận và công bố lời hòa giải của Chúa cho tất cả mọi người, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô đã cho thấy: Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Người. Sứ mạng của thánh Phaolô là loan báo cho mọi người tin mừng đó. Thiên Chúa đã nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hòa giải với Người, và trao cho chúng tôi chức vụ hòa giải. Đến như Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta.

Để hưởng ơn cứu độ Chúa đã hứa ban, thì phải bắt chước thánh Gioakim và thánh Anna: khao khát, trông chờ Đấng Cứu Độ, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Gioan Đamát nói: Lạy thánh Gioakim và thánh Anna là đôi bạn thật diễm phúc! Mọi thụ tạo đều mắc nợ các ngài. Quả thật, nhờ các ngài, giới tạo thành dâng lên Đấng Tạo Hóa của lễ cao trọng nhất, là Thánh Mẫu tinh tuyền, người duy nhất xứng đáng với Đấng Tạo Hóa… Hai ông bà năng ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa, lòng những mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Ítraen. Ông bà nài van Thiên Chúa đến viếng thăm dân Người.

Để hưởng ơn cứu độ Chúa đã hứa ban, thì phải sám hối quay trở về với Chúa, hợp đoàn với đàn chiên Chúa, để được Chúa chăn dắt, chở che, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Giêrêmia đã kêu gọi: Trở về đi, hỡi lũ con phản bội, vì Ta vẫn là chủ các ngươi. Thời ấy, Giêrusalem sẽ được gọi là “Ngai tòa của Đức Chúa”, và mọi dân tộc sẽ nhân danh Đức Chúa quy tụ tại Giêrusalem. Trong bài Đáp Ca, ngôn sứ Giêrêmia cũng cho thấy: Chúa canh giữ chúng ta, như mục tử canh giữ đàn chiên. Muôn dân hỡi, lắng nghe lời Chúa và loan đi các đảo xa vời, rằng Đấng đã phân tán Ítraen, cũng chính Người sẽ thâu tập lại, canh giữ họ như mục tử canh giữ đàn chiên. Thiếu nữ bấy giờ vui nhảy múa, trẻ già cùng mở hội tưng bừng. Chúa phán: Tang tóc họ, Ta biến thành hoan hỷ, và sau cảnh sầu thương, sẽ cho họ được an ủi vui mừng.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Hạnh phúc thay người thành tâm thiện chí, hằng ấp ủ lời Chúa trong lòng, nhờ kiên nhẫn mà sinh hoa kết quả. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục. Thánh Gioakim và thánh Anna là đôi bạn thật diễm phúc và rất thanh sạch. Người ta nhận biết các ngài là nhờ hoa quả lòng dạ các ngài, như Đức Giêsu đã nói: Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Các ngài đã sống cuộc đời đẹp lòng Thiên Chúa và xứng đáng với người con được sinh ra từ các ngài. Các ngài là những con người thành tâm thiện chí, hằng ấp ủ lời Chúa trong lòng, nhờ kiên trì mà sinh hoa quả tươi tốt là Đức Maria. Ước gì chúng ta cũng biết ấp ủ lời Chúa trong lòng như các ngài, hầu, chúng ta cũng được diễm phúc như Đức Maria: sinh hạ Đức Kitô cho thế giới hôm nay, nhờ đó, chúng ta sẽ được hưởng ơn cứu độ Chúa đã hứa ban. Ước gì được như thế!

HƯƠNG THƠM CỦA KÝ ỨC
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Phúc cho mắt các con vì được thấy; phúc cho tai các con vì được nghe!”.

“Ôi, đôi bạn diễm phúc! Mọi tạo vật đều mắc nợ quý ngài, vì qua quý ngài, một quà tặng thanh khiết nhất, xinh đẹp nhất dâng cho Đấng Tạo Hoá; đó là Thánh Mẫu tinh tuyền mà chỉ mình ‘Nàng’ xứng đáng cưu mang Đấng Tạo Dựng muôn loài!” - Gioan Đamas.

Kính thưa Anh Chị em,

Đó là bút tích thâm trầm và sâu sắc của vị thánh tiến sĩ thế kỷ thứ 8 khi nói về hai thánh Gioakim và Anna, song thân của Đức Maria như là ‘hương thơm của ký ức’ - theo Đức Thánh Cha Phanxicô - Giáo Hội mừng kính hôm nay.

Trong một Thánh Lễ ban ơn toàn xá và cầu nguyện cho người cao tuổi, Đức Thánh Cha nhấn mạnh, chúng ta phải biết thu thập, cẩn thận giữ gìn và bảo vệ kho báu quý giá mà Thiên Chúa đã ban cho mỗi người, đó là các bậc sinh thành. “Ông bà của chúng ta và người già không phải là đồ thừa của cuộc sống, không phải là đồ vụn vặt bỏ đi; họ là những mẩu bánh quý giá còn sót lại trên bàn ăn cuộc sống và vẫn có thể nuôi dưỡng chúng ta bằng một hương thơm mà chúng ta đã đánh mất, ‘hương thơm của ký ức!’”.

Lời Chúa được chọn hôm nay nhắc lại cùng một điều. “Chúng ta hãy ca tụng những vĩ nhân và các tổ phụ của mình qua các thời đại. Có những người nhân hậu mà việc thiện của họ không bao giờ bị lãng quên; tên tuổi của họ sẽ được lưu truyền từ đời nọ sang đời kia; sự khôn ngoan của họ được cộng đoàn truyền tụng”. Huấn Ca gọi các ngài là vĩ nhân; và còn hơn cả vĩ nhân, vì qua họ, Thiên Chúa tặng ban cho thế giới, cho Giáo Hội không chỉ các vĩ nhân mà cả những thánh nhân. Họ là vĩ nhân của các vĩ nhân!

Song thân của Đức Maria là ông bà ngoại của Chúa Giêsu; chính các ngài đã giúp hình thành một môi trường đức tin lành thánh, trong đó, trẻ Giêsu phát triển về trí tuệ, tâm đức và cả tầm vóc trước mặt Thiên Chúa và loài người. Ngày lễ hôm nay nhắc chúng ta nhớ đến ‘hương thơm của ký ức’ Chúa ban cho mình; các ngài là những người đầy lòng tin “đã đi trước chúng ta và đang nghỉ giấc bình an”. Không chỉ nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục, chúng ta còn nhớ đến đức tin; trong đó, các ngài đã sống, chiến đấu, cầu nguyện… và thắp lên ngọn lửa đức tin trong linh hồn và cuộc sống bạn và tôi.

Kính thưa Anh Chị em,

“Phúc cho mắt các con vì được thấy; phúc cho tai các con vì được nghe!”. Như vậy, chúng ta không chỉ mắc nợ các thế hệ đi trước, nhưng còn nợ nần thế hệ cùng thời và nợ cả những thế hệ tương lai. Tại sao? Vì nhờ các đấng sinh thành, chúng ta tin nhận Chúa Giêsu; và trong Chúa Giêsu, chúng ta được lãnh nhận mặc khải trọn vẹn của Thiên Chúa. Vì thế, bổn phận của chúng ta là phải chia sẻ đặc quyền đó, đặc quyền mà “Nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy, mà không được thấy; mong mỏi nghe mà không được nghe”; nghĩa là không chỉ gìn giữ ‘hương thơm của ký ức’, chúng ta còn phải chia sẻ hương thơm Giêsu cho các thế hệ hôm nay và mai ngày.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, chớ gì cuộc sống của con luôn toả hương nhân đức của các đấng sinh thành; và nhất là ngạt ngào hương Giêsu mà con ra sức ướp lấy mỗi ngày!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây