TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ HAI TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN

Thứ sáu - 22/11/2024 13:18 |   168
“Ai muốn theo tôi phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Lc 9,23)

25/11/2024
Thứ hai tuần 34 THƯỜNG NIÊN

Thánh Anrê Dũng Lạc và các bạn tử đạo

các thánh TĐVN 1

Lc 9,23-26


dám chọn thập giá!
“Ai muốn theo tôi phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.
(Lc 9,23-26)

Suy niệm: Đứng trước thập giá, khuynh hướng chung là tránh né hay chối từ, bởi mấy ai muốn chọn đau khổ, từ bỏ mình, nhất là mấy ai dám chấp nhận cái chết. Thế nhưng, cũng có những người dám đổi cả hạnh phúc, tài sản, sự nghiệp, và dám từ bỏ cả những người thân, để chọn lấy thập giá và cái chết, đó là các anh hùng Tử đạo Việt Nam, được Giáo hội tuyên dương trong ngày hôm nay. Các ngài được tôn phong là anh hùng, vì dám sống hết mình cho niềm tin vào Thiên Chúa; cũng có người cho rằng các ngài điên dại, nhưng là ‘điên dại có cơ sở’ vì đức tin và tình yêu đối với Đức Ki-tô, như thánh Phao-lô đã từng nói đến (x. 1Cr 4,10). Đức tin và tình yêu ấy định hình đời sống và chọn lựa, để giữa làn ranh sinh-tử, các ngài quyết chọn lấy thập giá, hầu trở nên môn đệ chính danh của Đức Ki-tô.

Mời Bạn: Có thể thấy trong nhiều tên gọi của một số hội dòng, hạn từ được ưa thích là “thánh giá.” Phải chăng vì các tu sĩ muốn thể hiện tình yêu với thập giá Đức Ki-tô, đến độ coi thập giá ấy là “đối tượng duy nhất” của đời mình. Cuộc sống của bạn cũng luôn đan xen những chọn lựa, giữa điều tốt với xấu, giữa Đức Ki-tô với thế gian. Cách chọn lựa của bạn cho thấy bạn đang là loại môn đệ nào trong hành trình đi theo Người.

Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn đón lấy những sự trái ý, và những đau khổ tinh thần cũng như thể xác của bạn làm của lễ hy sinh dâng lên Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Thầy Giê-su, thập giá là giá chuộc và hy vọng của đời con, xin cho con luôn biết bỏ mình, vác thập giá mình bước mà theo Ngài. Amen.

Ngày 25 tháng 11: Lạy Chúa! Khi cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, xin cho chúng con nhớ rằng: Cái chết đã vào trần gian vì loài người đã phạm tội, nhưng Chúa muốn chúng con không phải chết, bởi vì, cái chết đi ngược lại với ý định của Chúa. Xin cho chúng con ý thức rằng: Cái chết đã được biến đổi nhờ Đức Giêsu, đã chịu chết vì mang thân phận loài người chúng con, và nhờ vâng phục Cha, Đức Giêsu đã biến đổi cái chết: từ chỗ là lời nguyền rủa, trở thành lời chúc lành cho tất cả loài người chúng con. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

 


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ hai tuần 34 THƯỜNG NIÊN
 

Ca nhập lễ

Con chiên bị giết xứng đáng lãnh nhận quyền năng thiên tính, không ngoan, sức mạnh, danh dự và vinh quang chúc tụng. Nguyện cho Người được vinh quang, và vương quốc Người tồn tại đến muôn đời.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn quy tụ muôn loài dưới quyền lãnh đạo của Ðức Ki-tô là người Con Chúa hằng ưu ái, và là Vua toàn thể vũ trụ. Xin cho hết mọi loài thọ sinh đã được cứu khỏi vòng nô lệ tội lỗi biết phụng thờ Chúa là Ðấng cao cả uy linh và không ngớt lời ngợi khen chúc tụng. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Ðn 1, 1-6. 8-20

“Không ai bằng Ðaniel, Anania, Misael và Azaria”.

Khởi đầu sách Tiên tri Ðaniel.

Năm thứ ba triều đại vua Gioakim nước Giuđa, Nabukô-đônôsor, vua Babylon, tiến đến vây hãm Giêrusalem. Chúa trao vua Gioakim nước Giuđa và một phần đồ vật dùng trong đền thờ Chúa vào tay ông: Ông mang các đồ vật ấy về chùa thần minh của ông trong đất Sennaar và trong kho báu thần minh của ông.

Vua truyền cho quan thái giám Asphênez dẫn về hoàng cung các con cái Israel, các người thuộc hoàng tộc và gia đình quyền quý, các thiếu niên không tàn tật, tuấn tú, đầy khôn ngoan, thông minh, sáng trí, xứng đáng sống trong hoàng cung, để dạy văn chương và ngôn ngữ người Calđêa cho các cậu. Vua quy định mỗi ngày cho các cậu ăn đồ của vua ăn, và uống rượu vua uống, để sau ba năm nuôi dưỡng như vậy, các cậu có thể hầu cận trước mặt vua. Trong số các cậu thuộc dòng dõi Giuđa, có Ðaniel, Anania, Misael, và Azaria.

Ðaniel dốc lòng không để cho đồ vua ăn và rượu vua uống làm cậu ra ô uế, và xin quan thái giám đừng làm cho cậu ra ô uế. Thiên Chúa đã ban cho Ðaniel được ân huệ và lòng thương trước mặt vị tổng thái giám. Vị này bảo Ðaniel rằng: “Tôi sợ đức vua, Người đã quy định thức ăn và của uống cho các cậu rồi. Nếu Người xem thấy nét mặt các cậu xanh xao hơn đồng bạn, thế là các cậu nạp đầu tôi cho đức vua rồi”. Ðaniel nói với Malasar, kẻ được vị tổng thái giám chỉ định coi sóc Ðaniel, Anania, Misael và Azaria: “Tôi xin ông thử cho chúng tôi, là các tôi tớ ông, ăn rau và uống nước lã, rồi ông ngắm xem nét mặt chúng tôi và nét mặt những đứa dùng lương thực của đức vua; ông thấy sao, thì hãy đối xử với các tôi tớ ông như vậy”. Nghe nói thế, ông để thử chúng trong mười ngày. Sau mười ngày, nét mặt bốn cậu trở nên xinh tươi béo tốt hơn mọi thiếu niên dùng lương thực của nhà vua. Malasar cất đồ ăn và rượu uống của các cậu, rồi cho các cậu ăn rau.

Thiên Chúa ban cho các cậu này được thông minh, hiểu biết mọi sách vở và khôn ngoan; phần Ðaniel lại thông hiểu các thị kiến và chiêm bao. Ðến hết thời gian vua chỉ định, vị tổng thái giám dẫn các cậu đến trước mặt vua Nabukôđônôsor. Khi nói chuyện với các cậu, vua thấy mọi người không ai bằng Ðaniel, Anania, Misael và Azaria. Các cậu đứng trước mặt vua. Vua hỏi các cậu về sự khôn ngoan và thông minh, thì thấy các cậu giỏi hơn gấp mười lần các thuật sĩ, đồng bóng trong cả nước của vua.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Ðn 3, 52. 53. 54. 55. 56

Ðáp: Chúa đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời

Xướng: Lạy Chúa là Thiên Chúa cha ông chúng con, Chúa đáng chúc tụng, đáng ca ngợi, tôn vinh và tán tụng muôn đời. Chúc tụng thánh danh vinh quang Chúa, đáng ca ngợi, tôn vinh và tán tụng muôn đời.

Xướng: Chúa đáng chúc tụng trong đền thánh vinh quang Chúa, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời.

Xướng: Chúc tụng Chúa ngự trên ngai vương quyền Chúa, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời.

Xướng: Chúc tụng Chúa, Ðấng nhìn thấu vực thẳm và ngự trên các Thần Vệ Binh, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời.

Xướng: Chúc tụng Chúa ngự trên bầu trời, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời.

Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 14, 1-3, 4b-5

“Tên của Ðức Ki-tô và của Cha Người viết trên trán họ”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gio-an Tông đồ.

Tôi là Gio-an, tôi ngắm nhìn: thì đây Con Chiên đứng trên núi Si-on; cùng với Con Chiên, có một trăm bốn mươi tư ngàn người mang tên của Con Chiên và tên Cha Con Chiên viết trên trán họ. Tôi nghe có tiếng từ trời, như tiếng sóng gầm nước đổ, như tiếng sấm vang rền, và tiếng tôi nghe tựa hồ như tiếng đàn cầm do những người chơi đàn cầm gảy. Họ hát bài ca vãn mới trước toà và trước mặt bốn sinh vật và các vị bô lão: ngoài một trăm bốn mươi tư ngàn người đã được mua chuộc từ cõi đất, không một ai có thể hát bài ca vãn đó. Hễ Con Chiên đi đâu, thì họ theo đó. Họ là những người được mua chuộc giữa nhân loại, làm của đầu mùa dâng lên Thiên Chúa và cho Con Chiên. Miệng họ không nói lời gian dối; họ cũng chẳng tì ố trước toà Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 23, 1-2. 3-4ab. 5-6

Ðáp: Ðó là dòng dõi người tìm kiếm long nhan Thiên Chúa (c. 6).

Xướng: Chúa là chủ trái đất và mọi vật làm sung mãn nó, chủ địa cầu và muôn loài cư trú ở trong. Vì chính Ngài xây dựng nó trên biển cả, và Ngài giữ vững nó trên chỗ nước nguồn.

Xướng: Ai khá trèo lên cao sơn của Chúa, ai được đứng trong nơi thánh của Ngài? Người tay vô tội và lòng thanh khiết, người không để lòng xu hướng bả phù hoa. 

Xướng: Người đó sẽ được Chúa chúc phúc cho, và được Thiên Chúa là Ðấng cứu độ ban ân thưởng. Ðó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa, người tìm long nhan Thiên Chúa nhà Giacóp. 

Alleluia: Lc 21, 36

Alleluia, alleluia! – Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể xứng đáng đứng vững trước mặt Con Người. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 21, 1-4

“Người thấy một bà goá nghèo khó bỏ vào đó hai đồng tiền nhỏ”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca.

Khi ấy, Chúa Giê-su nhìn lên, thấy những người giàu có bỏ tiền dâng cúng vào hòm tiền. Người cũng thấy một bà goá nghèo khó bỏ vào đó hai đồng tiền nhỏ, nên bảo rằng: “Thầy bảo thật các con, bà goá nghèo khó này đã bỏ vào hòm tiền nhiều hơn mọi người. Vì mọi người kia lấy của dư thừa mà dâng cho Thiên Chúa, còn bà này túng thiếu, bà đã dâng tất cả những gì bà có để nuôi sống mình”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con thành khẩn dâng lên Chúa lễ tế hoà giải của Ðức Ki-tô, và tha thiết van nài cho mọi dân, mọi nước, nhờ Người, được hiệp nhất và bình an. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Ca hiệp lễ

Chúa là vua ngự trị tới muôn đời; Chúa sẽ chúc phúc cho dân Người trong cảnh thái bình.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con được vinh dự sống theo lời giáo huấn của Ðức Ki-tô là Vua toàn thể vũ trụ, chúng con cũng vừa lãnh nhận thần lương ban sự sống muôn đời: xin cho chúng con được mãi mãi cùng Người hưởng vinh quang thiên quốc. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

Ở ĐỜI QUÝ NHẤT TẤM LÒNG (Lc 21,1-4)
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Sách Tông đồ Công vụ ghi lại lời Chúa Giê-su dạy các Tông Đồ: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Người xưa cũng khái quát được vấn đề bằng câu “Của cho không bằng cách cho”. Quả thật, trước khi cho đi ta phải nghĩ đến “của cho” và “cách cho”. “Của cho” xét cho cùng không quan trọng bằng “cách cho”. Cho đi là quý nhưng không phải cho suông mà cho với cả tấm lòng. Cho đi là cả một nghệ thuật mà chúng ta cần phải trau dồi cho bản thân mỗi ngày. Thế nhưng, cho đi cái gì và cho như thế nào?

Tin Mừng theo thánh Luca thuật lại cho chúng ta câu chuyện diễn ra trong Đền thờ Giêrusalem nơi dân chúng bỏ tiền dâng cúng. Có nhiều người giàu bỏ bao nhiêu đồng tiền, song có một góa phụ nghèo chỉ bỏ hai đồng xu nhỏ. Chúa Giê-su quan sát kỹ lưỡng người đàn bà ấy và Người lưu ý các môn đệ về sự tương phản trong cảnh tượng này. Chúa Giê-su nói, bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn ai hết, bà tuy thật túng thiếu, nhưng đã bỏ vào thùng tiền tất cả những gì bà có để nuôi sống mình. Còn những người khác rút từ túi mình tiền dư bạc thừa của họ mà dâng cúng. Vậy là thước đo không phải là số lượng nhưng là với cả tấm lòng thành. Đây không phải là vấn đề ví tiền, nhưng là con tim, là tấm lòng. Có sự khác biệt giữa ví tiền và con tim.

Những người giàu có khoa trương cho đi những điều dư thừa, trong khi bà góa, kín đáo và khiêm tốn, do sự nghèo khó cùng cực của bà, lẽ ra bà có thể chỉ cúng một đồng cho Đền thờ và một đồng kia giữ lại cho mình. Nhưng bà không muốn kiểu sống nửa vời, nghĩa là dâng cho Thiên Chúa nửa chừng; bà dâng tất cả. Vì thế, Chúa Giê-su nói, bà đã cho nhiều hơn tất cả những người khác. Trong sự nghèo khó của mình, bà hiểu rằng, có Chúa là có tất cả; bà cảm thấy được Chúa hoàn toàn yêu thương và đáp lại bà yêu Chúa trọn vẹn. Gương của bà già ấy mới đẹp làm sao! Như thế, kim chỉ nam của sự cho đi chính là sự chân thành phát xuất từ một con tim biết cảm thông và yêu thương.

Xin Chúa giúp cho chúng ta hiểu rõ giá trị của sự cho đi với tấm lòng. Hãy quảng đại đối với Chúa và mọi người để được hưởng tấm lòng quảng đại của Chúa dành cho chúng ta. Amen.

 

HAI ĐỒNG TIỀN NHỎ CỦA BÀ GÓA (Lc 21,1-4)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Đức Giê-su cùng với các môn đệ sau khi giảng dạy cho dân chúng trong Đền thờ, liền sau đó Thầy trò đi ra ngoài quan sát dân chúng dâng cúng để giúp cho Đền thờ; chính tại đây, Đức Giê-su đã giáo huấn các môn đệ về ý nghĩa và giá trị của việc dâng cúng. Khung cảnh của Tin Mừng hôm nay nằm rất gần kho bạc vốn được dùng để chứa các đồ dâng cúng (x.2V 12,10). Các thùng tiền dâng cúng được thiết kế theo hình dáng cái loa kèn và được đặt rất nhiều trong sân dành cho phụ nữ. Chính vì đặt trong địa thế như vậy, tạo điều kiện thuận lợi cho giới quan sát là chính các luật sĩ và tay chân lân cận. Đức Giê-su cùng các môn đệ dễ dàng quan sát những thùng tiền cũng như những người bỏ tiền dâng cúng vào đó.

2. Trong dòng người tấp nập bỏ tiền dâng cúng Đền thờ, Đức Giê-su đặc biệt chú ý đến người đàn bà góa nghèo nàn. Bà đã âm thầm bỏ vào 2 đồng tiền kẽm với giá trị chỉ bằng ¼ đồng bạc Rô-ma. Bởi dân Do-thái thời Đức Giê-su đang bị đế quốc Rô-ma thống trị. Chính vì thế, người dân phải sử dụng đồng tiền Rô-ma trên đó có mang hình và ký hiệu hoàng đế Rô-ma. Đây là loại tiền bạc, một đồng cân nặng 3,8g và tương đương với 0,875 quan vàng. Thấy được như thế, chúng ta mới thấy rằng đồng tiền mà bà góa trong Tin Mừng dâng cúng vốn giá trị chẳng đáng là gì, nhưng đối với Đức Giê-su, Ngài đã khen : ”Bà góa nghèo này  đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết” (Lc 21,3).

3. Thiên Chúa ít để ý đến  giá trị của dâng bề ngoài cho bằng tấm lòng nhiệt thành quảng đại của người dâng: Thèm lòng chứ ai thèm thịt” hoặc “Cách cho quí hơn của cho”. Ý tưởng này giúp chúng ta ý thức hơn về những công việc phục vụ tha nhân, cũng như những công việc từ thiện bác ái hay dâng cúng của cải vật chất.

Tấm lòng của bà góa dành cho Chúa quả là lớn lao vì nó đụng chạm đến sự sống của bà, bà đã dâng cho Chúa không phải của dư thừa nhưng là tất cả cái mà bà có để sống. Tinh thần bác ái đích thực là biết chia sẻ cho tha nhân một phần sự sống, tức là những sự hy sinh của mình. Cũng vậy,  chúng ta tỏ lòng mến Chúa bằng cách tự nguyện dâng hiến cho Chúa điều mà chúng ta có quyền được hưởng : sự nghèo khó, lòng thanh khiết và đức vâng lời.

4. Ai cũng công nhận “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” nhưng người ta thường “xem mặt mà bắt hình dong”, dựa vào hình thức bên ngoài để đánh giá phẩm chất bên trong: Tuyển nhân viên mấy ai chọn tiêu chuẩn “xấu người đẹp nết” thay vì “ưu tiên có ngoại hình”? Lắm khi người ta đánh giá sản phẩm chỉ dựa vào mẫu mã kiểu dáng bao bì bắt mắt. Người ta cũng dễ có xu hướng thẩm định giá trị của một người dựa vào của cải, địa vị, bằng cấp v.v… Đức Giê-su thì khác, Ngài thẩm định giá trị hành vi từ đáy lòng con người. Ngài cho biết: Dù chỉ bỏ hai đồng tiền vào thùng dâng cúng, bà góa nghèo đã bỏ nhiều hơn ai hết vì đó là tất cả gia tài của bà! Bà đã dâng tất cả những gì bà có và dâng với cả tấm lòng (5 phút Lời Chúa).

5. Một Linh mục nọ có thói quen hằng ngày viết trong nhật ký số quà nhận được và số quà cho đi. Thỉnh thoảng ngồi kiểm lại, nếu thấy phần nhận nhiều hơn phần cho, vị Linh mục ấy điều chỉnh lại điều phần cho nhiều hơn phần nhận.

Qua câu chuyện bà góa dâng hai đồng tiền kẽm vào Đền thờ, Đức Giê-su muốn dạy chúng bài học về việc cho đi cách quảng đại, cho đi mà không tính toán hơn thiệt, cho đi bằng cả tấm lòng. Khi chúng ta quảng đại cho đi cả những gì cần thiết để duy trì mạng sống mình, là lúc chúng ta đang cho đi chính bản thân. Xét cho cùng, lòng quảng đại chính là trao tặng chính bản thân mình, dâng hiến mạng sống mình cho tha nhân.

6. Truyện: Bà Oseola Mc Carthy.

Báo Neew York Times đưa tin bà Oseola Mc Carthy: Biểu tượng “Lòng từ thiện” của nước Mỹ, vừa qua đời ngày 03/10/1999 ở tuổi 91.

Vào một ngày của tháng 7/95, ông hiệu trưởng trường đại học phía bắc Missisipi đã vô cùng ngạc nhiên, khi có một phụ nữ xa lạ tên là Oseola Mc Carthy xin được tặng 150.000 đôla làm quỹ học bổng cho các sinh viên nghèo của trường, mà không cần được ghi danh tưởng niệm hay tuyên bố công khai. Nhà trường còn sửng sốt hơn khi biết người phụ nữ ấy làm nghề giặt ủi, và số tiền kia là tiền dành dụm cả một đời người.

Ngay khi biết câu chuyện bà Mc Carthy tặng tất cả tiền bạc mình có làm quỹ học bổng cho trường, ông tỷ phú Ted Turner, trùm ngành kinh doanh cáp truyền hình Mỹ, đã tuyên bố góp thêm một tỷ đôla cho quỹ. Ông nói: “Người phụ nữ nhỏ bé ấy đã dám ban tặng tất cả những gì bà có, thì tôi thấy mình cũng phải đóng góp phần của tôi là một tỷ đôla”.

 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam


Ca nhập lễ

Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Hội Thánh Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại: luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng. Chúng con cầu xin…

Bài đọc I: 2 Mcb 7, 1.20-23.27b-29

Hồi ấy, có bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ. Vua An-ti-ô-khô cho lấy roi và gân bò mà đánh họ, để bắt họ ăn thịt heo là thức ăn luật Mô-sê cấm.

Bà mẹ là người rất mực xứng đáng cho ta khâm phục và kính cẩn ghi nhớ. Bà thấy bảy người con trai phải chết nội trong có một ngày, thế mà bà vẫn can đảm chịu đựng nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Đức Chúa. Bà dùng tiếng mẹ đẻ mà khuyến khích từng người một, lòng bà đầy tâm tình cao thượng; lời lẽ của bà tuy là của một người phụ nữ, nhưng lại sôi sục một chí khí nam nhi; bà nói với các con: “Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con hơi thở và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con. Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con hơi thở và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình.”

Bà nói với người con út : “Con ơi, con hãy thương mẹ: chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, mẹ đã nuôi nấng dạy dỗ con đến ngần này tuổi đầu. Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy. Con đừng sợ tên đao phủ này; nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con, mà chấp nhận cái chết, để đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ.”

Hoặc đọc: Kn 3, 1-9

“Chúa chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu”.

Trích sách Khôn Ngoan.

Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Ðối với con mắt của người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng trông cậy của các ngài cũng không chết. Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao; vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu.

Khi đến giờ Chúa ghé mắt nhìn các ngài, các người công chính sẽ sáng chói và chiếu toả ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau. Các ngài sẽ xét sử các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài muôn đời. Các ngài đã tin tưởng ở Chúa, thì sẽ hiểu biết chân lý, và trung thành với Chúa trong tình yêu, vì ơn Chúa và bình an sẽ dành cho những người Chúa chọn.

Ðó là Lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6

Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

Xướng: Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như Người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan.

Xướng: Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: “Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng”. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

Xướng: Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận của con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan.

Xướng: Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về hân hoan, vai mang những bó lúa.

Bài Ðọc II: Rm 8, 31b-39 

Dù sự chết hay sự sống cũng không tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

Thưa anh em, có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta? Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta? Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng làm cho nên công chính? Ai sẽ kết án họ? Chẳng lẽ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta?

Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Như có lời chép : Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh.

Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta.

Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, 39 trời cao hay vực thẳm, hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 5,10

Alleluia, alleluia! Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Alleluia

Phúc Âm: Lc 9,23-26

Khi ấy, Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến, Chúa Kitô, vị chứng nhân trung thành của Chúa Cha đã ban cho các thánh tử đạo Việt Nam ơn can đảm làm chứng cho Tin Mừng. Giờ đây, chúng ta hãy dâng lời cảm tạ Chúa và cầu xin.

1. Giáo Hội có sứ mạng làm chứng cho Chúa. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo Hội luôn là chứng nhân cho Chúa ở giữa trần gian bằng lời rao giảng và bằng chứng tá đời sống.

2. Máu các thánh tử đạo là hạt giống làm nảy sinh các tín hữu. Chúng ta hãy cầu nguyện cho đồng bào Việt Nam nhận biết Chúa là Thiên Chúa duy nhất phải tôn thờ.

3. Các thánh tử đạo Việt Nam đã can đảm vác Thánh Giá Chúa mỗi ngày. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các Kitô hữu biết kết hiệp những nỗi vất vả, lầm than trong cuộc sống hằng ngày với cuộc thương khó của Chúa Giêsu.

4. Các thánh tử đạo Việt Nam đã dùng chính mạng sống mình để làm chứng cho Chúa. Chúng ta hãy cầu nguyện cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta trở thành chứng nhân cho Chúa bằng đời sống bác ái, yêu thương.

Chủ tế: Lạy Chúa, chúng con là con cháu các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin cho chúng con biết noi theo mẫu gương các ngài đã để lại, ngõ hầu làm chứng cho Chúa ở đời này, và mai sau được hưởng hạnh phúc vô biên trong nhà Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, Chúa đã vui lòng chấp nhận lễ hy sinh của cha ông chúng con, xin cũng thương chấp nhận của lễ tiến dâng đây và làm cho chúng con trở nên của lễ đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng

Lạy Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con.

Cha đã kêu gọi các bậc tiền bối của chúng con bước theo Chúa Kitô trên con đường thập giá để làm chứng cho Cha ngay từ lúc Tin Mừng mới được loan báo trên quê hương đất nước chúng con. Nhờ Cha ban ơn trợ giúp, những con người vốn mỏng dòn yếu đuối đã trở nên can đảm phi thường. Chính khi các ngài chịu trăm bề đau khổ, Cha biểu lộ cho mọi người thấy sức mạnh của tình thương.

Vì thế, cùng với triều thần thiên quốc, chúng con ở dưới trần gian luôn ca tụng Cha uy linh cao cả và không ngừng tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!…

Ca hiệp lễ

Dầu là sự sống hay sự chết, hoặc bất cứ một thọ sinh nào: không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con vừa lãnh nhận Mình và Máu Ðức Kitô Con Chúa để mừng các thánh tử đạo tại Việt Nam. Xin cho chúng con vẫn một lòng tin tưởng giữa bao thử thách của cuộc đời, để mai sau cùng với các ngài chung hưởng phúc vinh quang. Chúng con cầu xin…

Suy niệm
 

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Mừng kính các thánh tử đạo Việt Nam, chúng ta tìm thấy nơi các ngài những mẫu gương nào?

Trước hết các ngài là những đấng đã làm chứng cho niềm tin của mình. Thực vậy, trải qua hơn 300 năm Tin Mừng được rao giảng trên quê hương yêu dấu, từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, từ thời hậu Lê đến thời nhà Nguyễn, Giáo Hội Việt Nam đã phải trải qua biết bao nhiêu cơn phong ba bão táp, đã phải cam chịu biết bao cuộc bắt bớ cấm cách. Biết bao nhiêu người đã phải rời bỏ gia đình và sản nghiệp tổ tiên, trốn vào những nơi rừng thiêng nước độc như giáo dân vùng Quảng Trị Lavang để bảo toàn đức tin của mình. Hàng trăm ngàn người đã bị bắt bớ, tra tấn, tù ngục và đã chết dưới những cực hình độc ác để tuyên xưng danh Chúa, trong đó 117 vị đã được tông phong lên hàng chân phước. Qua đó chúng ta thấy các ngài đã ý thức và dành cho Chúa một địa vị tuyệt đối, cũng như đã ý thức và dành cho đức tin một sự ưu tiên các ngài có thể nói lên rằng: Phải vâng lời Chúa hơn vâng lời thế gian, thà chết chứ chẳng thà phản bội Chúa. Bằng một lời nói, bằng một thái độ các ngài có thể giải thoát mình khỏi những cực hình dã man, nhưng các ngài không làm thế vì các ngài đã xác tín vào lời Chúa: Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được ích chi.

Cùng với việc làm chứng niềm tin các ngài còn là những người làm chứng cho tình thương. Tiên vàn là tình thương đối với Chúa. Các ngài đã lấy chính cái chết để nói lên sự gắn bó mật thiết với Chúa. Qua cái chết của các ngài, chúng ta thấy được một tình yêu mặn nồng như lời Chúa đã phán: Không ai yêu hơn người hiến mạng sống vì bạn hữu. Qua cái chết của các ngài, chúng ta thấy được một tình yêu thực mạnh mẽ, còn mạnh mẽ hơn cả tử thần nữa. Tiếp đến là tình thương đối với anh em, đặc biệt là những người đã gây nên đau khổ. Chúa Giêsu trên thập giá đã tha thứ: Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng vì chúng làm chẳng hiểu việc chúng làm. Với các thánh tử đạo Việt Nam cũng vậy, mặc dù phải chịu nhiều đắng cay nhưng các ngài vẫn an ủi khích lệ lẫn nhau kiên vững trong đức tin và tha thứ cho những người đã làm cho mình phải đau khổ và chết chóc.

Sau cùng các thánh tử đạo Việt Nam là những người làm chứng cho niềm hân hoan Nước Trời. Chúa Giêsu đã phán: Ai xưng tụng Ta trước mặt người đời thì Ta sẽ xưng tụng nó trước mặt Cha Ta ở trên trời. Trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu cũng bảo: Phúc cho ai bị bách hại vì lẽ công chính vì Nước Trời là của họ. Và lời Chúa đã như là một động cơ thúc đẩy các ngài cam chịu mọi đắng cay và lướt thắng mọi khó khăn, vì những đau khổ hiện thời không thể nào so sánh được với niềm hạnh phúc bất diệt mà Chúa sắm sẵn cho những kẻ yêu mến và trung thành với Ngài. Các ngài đã đau khổ một thời để rồi được hạnh phúc đời đời. Thân xác của các ngài tuy đã chết, nhưng linh hồn của các ngài lại được vui mừng trong vinh quang thiên quốc và nhất là tinh thần của các ngài luôn bừng cháy trong tâm hồn mọi người để rồi chúng ta cũng đi theo dấu chân của các ngài. Đúng thế, hãy làm chứng cho niềm tin và tình thương của mình để rồi chúng ta cũng sẽ được hưởng niềm hạnh phúc vĩnh cửu như các Thánh Tử Đạo Việt Nam là những bậc cha ông của chúng ta.
 

Sống vì đạo
ĐTGM. Giuse Ngô quang Kiệt

Chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh vật chất. Khuynh hướng tìm chiếm hữu, hưởng thụ, an nhàn là rất mạnh. Thế mà Lời Chúa hôm nay kêu gọi ta phải từ bỏ mình, phải vác thập giá, phải hy sinh mạng sống. Phải chăng Chúa muốn ta tàn lụi đi? Hay Chúa muốn ta trở nên dại dột? Thưa không phải như thế. Chúa khuyên bảo ta hãy biết từ bỏ mình vì lợi ích của ta.

Chúa chỉ đường cho ta đến những giá trị cao quý hơn. Trong đời sống, cơm áo gạo tiền là cần là quý. Nhưng còn những thứ cao quý hơn. Ví dụ như danh dự, tình yêu, lòng chung thủy. Mạng sống là quý. Nhưng có những giá trị còn cao quý hơn. Ví dụ như đức tin, tổ quốc. Thân xác là quý. Nhưng linh hồn còn cao quý hơn. Vì thế, khi không thể chọn cả hai, ta phải biết chọn những giá trị cao quý hơn.

Chúa chỉ đường cho ta đến những giá trị bền vững hơn. Vật chất là quý. Nhưng giá trị của nó không lâu bền. Chết rồi ta chẳng mang theo được vật chất theo mình. Những giá trị tinh thần bền vững hơn. Dù chết rồi vẫn còn tồn tại. Tục ngữ có câu: “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”. Cuộc sống đời này là quý. Nhưng cuộc sống đời này không kéo dài lâu. Cuộc sống đời sau mới trường tồn vĩnh cửu. Khi không thể chọn lựa mọi giá trị, ta phải biết lựa chọn những giá trị có tính cách vĩnh cửu.

Chúa chỉ cho ta đường đến với Thiên Chúa. Thiên Chúa là nguồn mạch mọi sự thiện hảo. Chọn Chúa mới là chọn những gì tốt đẹp nhất. Chúa là giá trị cao quý nhất. Chúa là giá trị vĩnh cửu nhất. Chúa là hạnh phúc hoàn hảo nhất. Hạnh phúc ở nơi Chúa làm ta no thỏa. Hạnh phúc ở nơi Chúa không bao giờ tàn lụi. Hạnh phúc ở nơi Chúa cho ta đạt được mọi ước mơ của con người.

Chúa chỉ cho ta con đường đi theo Chúa. Khi dậy dỗ ta, Chúa Giêsu không nói suông. Chính Người đã thực hành. Người đã từ bỏ mình, vác thánh giá. Người đã liều mạng sống, chịu chết vì chúng ta. người đã từ bỏ tất cả những giá trị trần gian để vâng theo thánh ý Đức Chúa Cha. Cuối cùng Người lại được tất cả. Chết rồi được Phục Sinh. Tự hủy mình ra không lại được trở thành Vua vũ trụ. Người đã từ bỏ tất cả, nay Đức Chúa Cha lại ban cho Người tất cả, khi đặt mọi sự dưới chân Người.

Yêu mến Chúa là vâng theo Lời Chúa, các thánh Tử đạo Việt Nam đã đi theo con đường của Chúa. Để bảo vệ đức tin, các ngài đã chịu mất tất cả cuộc sống an vui, mất danh vọng chức quyền, mất nhà cửa của cải. Vì hiểu rằng đức tin là gia tài cao quý nhất. Hướng về sự sống đời sau, các ngài đã sẵn sàng chịu giam cầm, chịu nhục nhà, chịu hành hạ đau đờn. Vì biết rằng những đau khổ đời này rồi sẽ qua đi, hạnh phúc đời sau mới vĩnh cửu. Để trung thành với Chúa, các ngài sẵn sàng chịu mất mạng sống. Vì biết rằng Chúa sẽ ban lại sự sống mới, sự sống vĩnh cửu cho các ngài. Các ngài thật can đảm. Vì khi chọn lựa từ bỏ như thế, phải chịu nhiều đau đớn, khổ nhục. Đó là chọn lựa tuyệt đối quyết liệt, dám liều mất cả mạng sống cho sự lựa chọn của mình. Các ngài thật khôn ngoan. Đã biết từ bỏ cái tầm thường để lựa chọn điều cao quý. Đã biết từ bỏ cái tạm bợ để lựa chọn điều vĩnh cửu. Đã biết từ bỏ những giá trị tương đối để lựa chọn Chúa là giá trị tuyệt đối.

Cuộc sống hôm nay cũng đặt chúng ta trước nhiều lựa chọn. Để sống đúng lương tâm công giáo, ta phải chối từ những mối lợi bất chính. Để chu toàn luật Chúa, ta phải từ chối những hưởng thụ ngọt ngào. Để thực hành luật yêu thương tha thứ, ta phải cắn răng chịu nhịn nhục. Để chọn Chúa, ta phải vác thánh giá. Những lựa chọn đó nhiều khi khiến lòng ta đau đớn như bị vết thương. Vết thương rỉ máu âm ỉ suốt cuộc đời. Những lựa chọn đó nhiều khi khiến ta rơi lệ. Những dòng lệ đau đớn xót xa. Đó thực là những cuộc tử đạo. Cuộc tử đạo không thấy máu. Vì máu chỉ rỉ trong tâm hồn. Cuộc tử đạo không thấy lệ. Vì lệ đã nuốt ngược vào trong. Máu ri rỉ đau đớn nhức nhối lắm. Lệ nuốt vào cay đắng lắm. Để lựa chọn như thế phải có ơn khôn ngoan của Chúa. Để lựa chọn như thế cần phải có ơn sức mạnh của Chúa. Nhưng có lựa chọn như thế ta mới xứng đáng là môn đệ Chúa và xứng đáng là con cháu các thánh anh hùng tử đạo. Chính những lựa chọn đó đem lại cho ta sự sống đích thực.

Chính những lựa chọn đó đưa ta đến hạnh phúc vĩnh cửu.

GỢI Ý CHIA SẺ

1- Tại sao Chúa bảo ta phải từ bỏ mình? Chúa muốn ta tàn lụi hay phát triển?

2- Các thánh tử đạo đã theo Chúa cho đến cùng. Ta có thực sự theo Chúa Giêsu, Đấng chịu khổ hình, vác thánh giá và chịu chết không?

3- Thời nay không còn cấm đạo, không còn giết người có đạo, bạn nghĩ rằng thời nay sống đạo dễ hơn xưa không?

LIỀU MẠNG SẼ CỨU ĐƯỢC MẠNG SỐNG
(LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM 24/11)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB


Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã ban cho Hội Thánh Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng ta. Xin Chúa nhậm lời các ngài chuyển cầu, mà cho chúng ta biết noi gương các ngài để lại: luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng. Trong nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, kể từ lúc Tin Mừng bắt đầu được loan báo tại Việt Nam, thế kỷ XVI, cho đến cuộc bách hại khốc liệt thế kỷ XIX, đã có nhiều chứng nhân anh dũng cả người Âu lẫn người Việt hy sinh thân mình vì Chúa Kitô: thánh Anrê Dũng Lạc, linh mục (+ 1839), thánh Tôma Trần Văn Thiện, chủng sinh (+ 1838), thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh, linh mục (+ 1857), thánh Emmanuen Lê Văn Phụng, giáo lý viên và người cha trong gia đình (+ 1859). Các tu sĩ Đaminh người Tây Ban Nha, thuộc Tỉnh Dòng Mân Côi: thánh Giêrônimô Hécmôxila Liêm (+ 1861), thánh Valentinô Berô Ôchoa, giám mục (+ 1861) và một vị người Pháp thuộc Hội Thừa Sai Pari, thánh Têôphan Vêna (+ 1861).

Luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng, trong tình yêu mến cả những kẻ bách hại, làm khổ mình, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô nói: Không ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô… Hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho kẻ ghét anh em, và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi và vu khống anh em. Như vậy, anh em mới trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời. Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.

Luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng, để thông phần chiến thắng với Đầu là Đức Kitô, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh nói: Tôi là Phaolô, đang bị xiềng xích vì Đức Kitô. Tôi muốn nói cho anh em biết những gian truân tôi đang chịu hằng ngày, để anh em được cháy lửa yêu mến Chúa mà hợp với tôi dâng lời ca ngợi Thiên Chúa…  Hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin. Anh em hãy tưởng nhớ Đấng đã cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình như thế, để anh em khỏi nản chí sờn lòng.

Luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng, với lòng trông cậy vững vàng và một lòng mến không gì lay chuyển, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Macabê quyển II cho thấy: Bà mẹ là người đáng khâm phục, vì bà can đảm chịu đựng nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Đức Chúa. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 125, vịnh gia đã cho thấy: Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng. Khi Chúa dẫn tù nhân Xion trở về, ta tưởng mình như giữa giấc mơ. Vang vang ngoài miệng câu cười nói, rộn rã trên môi khúc nhạc mừng. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Dù sự chết hay sự sống cũng không tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Liều mạng vì Chúa, sẽ cứu được mạng sống; bị bách hại vì Nước Trời, thì thật là có phúc, đây là những nghịch lý, mà chỉ những ai thuộc về Đức Kitô mới tin nhận và can đảm chiến đấu đến cùng để nhận được triều thiên vinh thắng. Theo Chúa trong đau khổ, sẽ được ở với Chúa trong vinh quang. Chúa đã ban cho ta nhiều chứng nhân anh dũng biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng ta. Ước gì ta biết noi gương các ngài để lại: luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng. Ước gì được như thế!

TOẢ SÁNG
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Bà này túng thiếu, lại còn bỏ vào đó tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân!”.

Một người đi lạc trong sa mạc, sắp chết vì khát, anh phát hiện một túp lều. Lê gót tới, anh thấy một bơm nước hoen rỉ. Anh cố vận hành cần bẫy, không một giọt. Tuyệt vọng! Bỗng anh nhìn thấy ở góc lều một chai nước đóng kín, bên ngoài ghi, “Muốn bơm hoạt động, hãy đổ hết vào bơm. Làm đầy nó trước khi rời đi!”. Đắn đo, anh đổ nước vào bơm; và khởi động. Điều kỳ diệu đã xảy ra! Anh uống từng ngụm, chứa đầy các túi. Trước khi rời bước, anh đổ đầy nước vào chai, và không quên ghi thêm, “Tin tôi đi!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Trong Tin Mừng hôm nay, hình ảnh người lữ khách được gặp lại nơi một bà goá liều lĩnh. Họ là những con người ‘liều mất sự sống’ đã ‘kéo dài sự sống’. Với Chúa Giêsu, họ là những con người ‘toả sáng’ vì “Đã bỏ vào đó tất cả những gì mình có để nuôi thân!”.

“Theo một nghĩa nào đó, Giáo Hội như một bà goá đang đợi Phu Quân của mình trở lại. Bà tỏ ra không quan trọng, tên của bà không xuất hiện trên báo chí, không ai biết đến bà. Bà không có bằng cấp, không có gì cả. Bà không toả rạng bằng chính ánh sáng của mình; tương tự như thế, Giáo Hội không toả rạng bằng chính ánh sáng của mình, nhưng Giáo Hội phản chiếu và ‘toả sáng’ ánh sáng đến từ Đức Phu Quân!

Suốt nhiều thế kỷ, khi Giáo Hội muốn có ánh sáng của riêng mình, Giáo Hội đã sai! Giáo Hội nhận nó từ Chúa và tất cả những gì chúng ta làm là giúp Giáo Hội nhận được ánh sáng đó. Khi một buổi lễ thiếu ánh sáng này, thật không tốt, nó khiến Giáo Hội trở nên giàu có, quyền lực, tìm kiếm quyền lực, hoặc lạc lối, như đã xảy ra rất nhiều lần trong lịch sử và điều đó có thể đang xảy ra khi chúng ta muốn có một ánh sáng khác: ánh sáng riêng, mà thực ra không phải là ánh sáng của Chúa.

Nhưng một khi Giáo Hội khiêm nhường và nghèo khó, và ngay cả khi thú nhận những bất hạnh của mình - tất cả chúng ta đều có những bất hạnh đó - thì Giáo Hội vẫn trung thành. Giáo Hội như đang nói, “Tôi tối tăm, nhưng ánh sáng đến với tôi từ đó!”. Và điều này thật tốt lành! Hãy cầu nguyện với bà goá này - người chắc chắn đang ở trên thiên đàng - để bà dạy chúng ta trở nên một Giáo Hội như Chúa muốn, từ bỏ tất cả những gì mình có và không giữ lại bất cứ điều gì cho riêng mình; thay vào đó là trao tặng tất cả cho Chúa, cho người lân cận. Luôn khiêm nhường và không khoe khoang ánh sáng của riêng mình, nhưng luôn tìm kiếm nó từ Chúa và ‘toả sáng’ Ngài!” - Phanxicô.

Kính thưa Anh Chị em,

“Bà đã bỏ vào đó tất cả những gì mình có để nuôi thân!”. Bà goá và người lữ khách đã trở thành những con người ‘kéo dài sự sống’. Cả chúng ta, để kéo dài sự sống Kitô và ‘toả sáng’ Ngài, hãy cho đi! Cho đi của cải lẫn tinh thần, khối óc lẫn con tim, tri thức lẫn lòng thương xót… và nhất là cho đi chính “Giêsu!”. Để được vậy, trước hết, hãy đầy ắp Ngài bằng cách mạo hiểm đánh cược đổ vào ‘đài Giêsu’ những gì chúng ta ‘có’, những gì chúng ta ‘là’. Điều này đôi khi còn đòi hỏi nhiều hơn một “chai nước”; đó là cái tôi, ý riêng và bao ươn hèn! Bởi lẽ, ích kỷ chỉ làm co quắp; quảng đại luôn làm cao thượng!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con trở nên ‘co quắp’ và con chỉ biết ‘phủ tối’; dạy con trở nên ‘cao thượng’ hầu có thể ‘toả sáng’ Chúa!”, Amen.

 

AUDIO
Suy niệm Lời Chúa thứ Hai tuần 34 Thường niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây