TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Mùa Vọng – Năm C

“Mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. (Lc 3, 1-6)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Suy niệm Tin Mừng Lễ Các Thánh Tử Đạo VN

Chủ nhật - 10/11/2024 04:06 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   133
“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo." (Lc 9,23-26)

Suy niệm Tin Mừng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

CTTĐVN 1

Lc 9,23-26

Khi ấy, Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.

Ðó là lời Chúa.

Suy niệm Tin Mừng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm


 
 

CHỨNG NHÂN KITÔ GIÁO
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa - Ban Mê Thuột

Hằng năm cứ vào dịp đại lễ kính nhớ Tổ tiên ông bà Tử Đạo Việt Nam, đoàn tín hữu, con dân đất Việt lại thêm một lần được củng cố niềm tin. Ít ra, “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Để sống xứng danh là cháu con các anh hùng tử đạo, Kitô hữu Việt Nam cần hiên ngang, anh dũng một cách nào đó trong niềm tin, trong cách sống đạo của mình. Trong tâm tình ấy, xin phác họa đôi nét về chân dung các Thánh Tử đạo Việt Nam như là những chứng nhân Kitô giáo.
          
1. Chứng từ khả tín của các chứng nhân: Xin được gọi các Ngài bằng nghĩa gốc của từ “tử đạo” là “chứng nhân” (martyr). Thiết tưởng cần trở về với nghĩa gốc là chứng nhân hơn là tử đạo, cho dù hai từ tử đạo đã quá phổ biến trong cách dùng. Bởi vì hai từ tử đạo có vẻ như đang bị méo mó ý nghĩa một cách nào đó khi mà vô tuyến truyền hình tường thuật những người ôm bom tự sát để giết hại nhiều người, trong đó có cả thường dân vô tội, và họ cũng tự cho là tử vì đạo. Hơn nữa một thánh tử đạo trong tôn giáo này chưa chắc được kính trọng bởi người của tôn giáo khác cho bằng các thánh hiển tu hay các thánh xả thân vì tình yêu đồng loại.
          
Nói đến chứng nhân là nói đến những người dùng chính cuộc sống của mình, dùng cả sự sống và sự chết của mình để làm chứng cho một lý tưởng cao đẹp như nền hòa bình của nhân loại hay sự độc lập tự do của dân tộc… hoặc cho một niềm tin tôn giáo. Khi có ai, có một tập thể hiến dâng cả cuộc sống, hiến dâng cả mạng sống để làm chứng về một chân lý nào đó thì chứng từ ấy có tính khả tín nghĩa là chân lý có tính thuyết phục và đáng tin theo. Tuy nhiên, mức độ khả tín của các chứng từ còn tùy thuộc vào cách thế làm chứng của các chứng nhân.
          
Nếu xét về hình thức chịu cực hình cho đến chết như bị “rũ tù” (bị tra tấn và giam tù cho đến chết), “xử giảo” (bị thắt cổ cho chết), “xử trảm” (bị chém đầu), “lăng trì” (bị ném cho voi chà đạp, xé xác), bị thiếu sống hay chịu xử “bá đao” (bị róc từng mảnh thịt cho đến chết), thì các bậc cha ông chúng ta tuy có bị khổ hình ghê rợn, thế nhưng các anh hùng dân tộc nhiều khi cũng đã can đảm đón nhận các cực hình tương tự không kém. Tuy nhiên qua cuộc sống, nhất là sự hiến dâng mạng sống của các chứng nhân Kitô giáo, của cha ông anh hùng hy sinh vì đức tin, chúng ta nhận ra mức độ trổi vượt của tính thuyết phục nơi cách làm chứng của các Ngài.
          
Nét trổi vượt và cũng là nét khác biệt nơi chứng từ của cha ông chúng ta đó là cách thế đón nhận khổ hình. Không một ai tự mình quyên sinh và nhất là khi bị khổ hình, không một ai căm phẫn, hận thù hay hô đả đảo những người bắt bớ, giết hại mình. Các ngài khoan thai, an bình, có khi tỏ vẻ hân hoan và cầu nguyện cho cả người giết hại mình đến độ nhiều “đao phủ” đã phải thành khẩn xin tha thứ trước khi hành hình các Ngài. Một thái độ làm chứng nhân khó thấy, hiếm thấy và có thể nói là không thấy có nơi các anh hùng dân tộc khi chịu cực hình, chịu chết vì lý tưởng. Và đây chính là nét khả tín tuyệt vời của nhứng chứng nhân bỏ mình vì “danh Đức Kitô”.
          
2. Một chân lý đức tin nền tảng mà các chứng nhân Kitô giáo làm chứng: Chân lý đức tin Kitô giáo thì nhiều, nhưng có thể nói một chân lý nền tảng mà tổ tiên ta đã anh dũng làm chứng đó là: Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa duy nhất, ta phải tôn thờ và yêu mến Người hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ta, vì ngoài Người ra thì không có đấng nào khác. (x.Dnl 6,4-7; Mc 12,28-34).
          
Tôn thờ một ai đó, một Đấng nào đó là nói lên sự thần phục, sự lệ thuộc của mình với Đấng ấy, với người ấy. Một trong những hình thức biểu lộ sự thần phục hay thờ phượng đó là sự phủ phục. Ta phủ phục trước một Đấng nào đó là ta nhìn nhận những gì ta đang là, ta đang có đều do Đấng ấy ban tặng. Kitô hữu chỉ dâng tâm tình thần phục, phượng thờ này lên một mình Thiên Chúa mà thôi. Và dĩ nhiên tâm tình, thái độ ấy kéo theo hệ quả tất yếu là xem các loài khác như mặt trời, mặt trăng, sông núi… chỉ là loài thọ tạo do Chúa dựng nên. Ngay cả loài thọ tạo cao trọng nhất trong các loài hữu hình là loài người thì dù là kẻ quyền thế, nhiều tiền, cao đức, trọng vị… cũng chỉ là loài phàm hèn không hơn không kém. Có thể có người, có vị đáng trọng, đáng kính vì tài đức cao dầy, nhưng không phải là người để ta phải lệ thuộc hay thần phục, nghĩa là bày tỏ sự tôn thờ.
          
Sự thường một ai đó, khi đã ở ngôi cao, khi đã nắm trong tay quyền lớn thì rất dễ bị cám dỗ muốn tuyệt đối hóa uy quyền của mình. Và một trong những cách thế để tuyệt đối hóa quyền lực và danh phận của mình thì phải tự phong thần, phong thánh cho mình bằng cách này cách khác. Các vua chúa ngày xưa đã từng tự xưng là thiên tử (con trời) và thế là bắt mọi người thần phục mình cách tuyệt đối. Nếu sống và hành xử như “con của trời” thì vẫn tốt, đằng này họ lại hành xử như là những “ông trời con”. Xưa vua Nabunôcônôdo của đế quốc Ba Tư đã cho tạc tượng mình để bắt thần dân thờ lạy. Và nay vẫn có người, có tập thể muốn kẻ khác lệ thuộc mình bằng việc “thần thánh” hóa bản thân hay luật pháp hóa cái thể chế, cái tổ chức, cơ cấu của mình.
          
Ngày nay người ta khi đã có quyền, có thế cũng có thể bắt kẻ khác suy tôn mình, suy tôn tập thể của mình… là muôn năm, là bất diệt… Và thế là hễ có ai không chịu thần phục, không chịu lệ thuộc thì tức khắc sẽ bị bắt bớ, đàn áp, thậm chí là loại trừ. Vác thập giá là thân phận của Kitô hữu mọi thời, mọi nơi. Tuy nhiên đó cũng là niềm vinh dự cho đoàn con cái Chúa. Vì đó là cách thế tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất hùng hồn và rõ nét.
          
3. Chuyện xưa và chuyện nay: Có thể nói là rất hiếm người phủ nhận sự hiện hữu của Đấng Tối Cao, Đấng Sáng Tạo đất trời. Các vua chúa xưa bách hại Kitô hữu có thể vì do một vài hiểu lầm nào đó về cách sống đạo, cung cách thờ kính ông bà tổ tiên của Kitô hữu, nhưng thường ẩn đằng sau đó là có lý do thực tiễn khác: cái uy quyền cai trị của mình bị ảnh hưởng. Các lãnh đạo địa phương như các quan hàng tỉnh, huyện, xã thì ít vương cái lý do này. Tuy nhiên các vị này lại lợi dụng lệnh trên để “làm tiền”. Đọc hạnh các thánh tử đạo Việt Nam chúng ta thấy chuyện bắt rồi đòi tiền chuộc như là chuyện cơm bữa. Phải chăng chuyện xưa vẫn là chuyện luôn có tính thời sự như hôm nay và trong tương lai? Đã là Kitô hữu thì phải làm chứng nhân và vác thập giá là chuyện như đương nhiên của những ai muốn theo Chúa Kitô đến cùng.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây