22/11/2024
Thứ sáu tuần 33 THƯỜNG NIÊN
Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo
Lc 19,45-48
nhà thờ là nhà cầu nguyện
“Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện.” (Lc 19,45-48)
Suy niệm: Đành rằng ta có thể cầu nguyện với Chúa bất cứ lúc nào và ở đâu, nhưng nhà thờ vẫn là nơi xứng hợp nhất cho việc thờ phượng này. Đền thờ Giê-ru-sa-lem lộng lẫy hay bất cứ nhà thờ nào, dù bằng tranh tre nứa lá, vẫn là nơi được thánh hóa, điểm qui tụ con cái Chúa đến phụng thờ Ngài. Vì thế, những gì không liên quan hoặc đối nghịch đến việc phụng thờ ấy đều bị Chúa lên án. Nhà thờ là nơi Thiên Chúa gặp gỡ con người, ta đến nhà thờ để thật sự gặp gỡ Chúa, chứ không vì một ai khác. Thiên Chúa quy tụ người tín hữu thành cộng đoàn phụng vụ quanh hai bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể, để cùng với Chúa Ki-tô, hiệp thông với Ngài, chia sẻ ước mơ về Nước Trời trên trần thế, cũng như cảm nếm sự sống của Ngài ngay trong cuộc sống hôm nay. Nhờ sự hiệp thông với Thiên Chúa ấy, ta được sai đi cuối Thánh lễ, trở thành người làm chứng, giới thiệu Tin Mừng cho con người thời đại.
Mời Bạn: Tiền có thể mua được máu, nhưng không mua được sự sống. Tiền có thể làm nên những đền thờ nguy nga tráng lệ, song không thể mua được Thiên Chúa ngự trong đền thờ. Đền thờ tâm hồn bạn vẫn là đền thờ được Thiên Chúa ưa chuộng hơn cả, bạn hãy lo tô điểm, trang hoàng cho đền thờ ấy.
Sống Lời Chúa: Chỉ có lời cầu nguyện bằng đôi tay giơ lên với tâm hồn trong sạch mới mong đẹp lòng Thiên Chúa. Tôi sẽ chú ý đến lời cầu nguyện kèm theo đời sống tốt lành này.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con thờ lạy Chúa ngự trong đền thờ tâm hồn con. Xin biến đổi tâm hồn con để ngày càng trở nên cung điện xứng đáng cho Chúa ngự. Amen.
Ngày 22 tháng 11: Lạy Chúa! Việc cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời cũng nhắc nhớ cho chúng con về bản chất của Hội Thánh: là mầu nhiệm cánh chung, bởi vì, Hội Thánh chỉ được quan niệm trong tương quan với Nước Trời. Hội Thánh luôn hướng về đó, và có sứ mạng dẫn đưa mọi người tới đó. Thật ra, chính Hội Thánh đã là Nước Trời rồi, một Nước đang lữ hành và chịu đóng đinh. Hội Thánh đã phục sinh cùng với Đức Kitô, cùng lúc, chia sẻ cuộc Khổ Nạn và cái chết của Người. Xin cho Hội Thánh chúng con không thuộc về thế gian, mà vẫn tác động vào thế gian và làm chứng trước mặt thế gian về các giá trị và những thực tại của thế giới mai hậu. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ sáu tuần 33 THƯỜNG NIÊN
Ca nhập lễ
Chúa phán: Ta nghĩ đến bình an, chớ không nghĩ đến gian khổ; các người kêu cầu Ta, và Ta nhậm lời các ngươi, Ta dẫn dắt các ngươi từ mọi nơi các người bị nô lệ trở về.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, được phụng sự Chúa quả là một hạnh phúc tuyệt vời: xin cho chúng con tìm được niềm vui khi hết dạ trung thành với Chúa. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Mcb 4, 36-37, 52-59
“Họ làm lễ cung hiến bàn thờ và hân hoan dâng lễ toàn thiêu”.
Trích sách Ma-ca-bê quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, Giu-đa và anh em ông nói rằng: “Quân thù chúng ta đã bị tiêu diệt, nay chúng ta hãy đi thanh tẩy và cung hiến Ðền thánh lại”.
Toàn thể quân đội được triệu tập, rồi cùng lên núi Si-on.
Ngày hai mươi lăm tháng chín (tức là tháng Kislêu) năm một trăm bốn mươi tám, họ dậy sớm, dâng lễ tế như Luật dạy trên bàn thờ dùng để dâng lễ toàn thiêu mà họ vừa mới thiết lập. Bàn thờ đã được cung hiến lại giữa những tiếng ca, tiếng đàn lục huyền cầm, phong cầm cùng tiếng não bạt, đúng mùa, đúng ngày trước kia dân ngoại đã xúc phạm đến bàn thờ. Toàn dân sấp mình thờ lạy và ca tụng Ðấng ngự trên trời đã ban chiến thắng cho họ.
Họ làm lễ cung hiến bàn thờ suốt tám ngày, hân hoan dâng lễ toàn thiêu, lễ đền tội và lễ tạ ơn. Họ trang hoàng mặt tiền Ðền thờ với những triều thiên vàng và bảng chương, sửa lại các cửa ra vào và các phòng, đặt cánh cửa lại. Dân chúng nô nức vui mừng vì đã rửa sạch được nỗi tủi nhục do dân ngoại gây nên. Giuđa cùng với anh em ông và cộng đoàn Israel quyết định rằng: Hằng năm, từ ngày hai mươi lăm tháng Kislêu, lễ cung hiến bàn thờ sẽ được cử hành trong vui mừng hân hoan suốt tám ngày.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: 1 Sb 29, 10. 11abc. 11d-12a. 12bcd
Ðáp: Lạy Chúa, chúng con chúc tụng thánh danh vinh hiển của Chúa (c. 13b).
Xướng: Ða-vít đã chúc tụng Chúa trước mặt toàn thể cộng đồng, Người thưa: “Lạy Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-el cha ông chúng con, Chúa đáng chúc tụng từ đời đời tới muôn muôn thuở”.
Xướng: Lạy Chúa, cao sang, quyền bính và vinh quang, chiến thắng, lời ca khen đều thuộc về Chúa, vì tất cả những gì trên trời dưới đất là của Chúa.
Xướng: Chúa ngự trên tất cả những đế vương. Giàu sang là của Chúa, và vinh quang là của Chúa.
Xướng: Chúa thống trị trên tất cả mọi loài, sức mạnh quyền bính đều ở trong tay của Chúa; ở trong tay Chúa, mọi uy phong và vững bền.
Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 10, 8-11
“Tôi cầm lấy cuốn sách mà nuốt”.
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gio-an Tông đồ.
Tôi là Gio-an, tôi đã nghe có tiếng từ trời phán cùng tôi rằng: “Ngươi hãy đi lấy cuốn sách mở sẵn trên tay thiên thần đứng trên biển và trên đất”. Tôi liền đến xin thiên thần trao cho tôi cuốn sách ấy và người nói với tôi: “Ngươi hãy cầm lấy sách mà nuốt đi; nó sẽ làm cho ruột gan ngươi đầy cay đắng, nhưng miệng ngươi lại cảm thấy ngọt ngào như mật”. Tôi cầm lấy cuốn sách từ tay thiên thần mà nuốt; miệng tôi cảm thấy ngọt ngào như mật, nhưng khi tôi đã nuốt rồi thì nó làm cho ruột gan tôi đầy cay đắng. Bấy giờ tiếng lại phán cùng tôi rằng: “Ngươi còn phải nói tiên tri cho nhiều dân, nhiều nước, nhiều ngôn ngữ và nhiều vua chúa nữa”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 118, 14. 24. 72. 103. 111. 131
Ðáp: Những lời sấm của Chúa ngon ngọt thay cho cổ họng con (c. 103a).
Xướng: Con vui vì đường lối lời Ngài nghiêm huấn, dường như được mọi thứ giàu sang.
Xướng: Vì lời nghiêm huấn của Ngài là điều con ưa thích, các thánh chỉ Ngài là những bậc cố vấn của con.
Xướng: Ðối với con, luật pháp do miệng Chúa đáng chuộng hơn vàng bạc châu báu muôn ngàn.
Xướng: Những lời sấm của Ngài ngon ngọt thay cho cổ họng con, ngọt hơn cả mật ong đổ miệng con.
Xướng: Lời Ngài nghiêm huấn là sản nghiệp của con muôn đời, vì những điều đó khiến cho lòng con hoan hỉ.
Xướng: Con há miệng để hút nguồn sinh khí, vì con ham muốn những chỉ thị của Ngài.
Alleluia: Tv 118, 34
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa, và để con hết lòng vâng theo luật đó. – Alleluia.
Phúc Âm: Lc 19, 45-48
“Các ngươi đã biến đền thờ Thiên Chúa thành sào huyệt trộm cướp”.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca.
Khi ấy, Chúa Giê-su vào đền thờ, Người liền xua đuổi các người buôn bán tại đó và phán bảo họ rằng: “Có lời chép rằng: Nhà Ta là nhà cầu nguyện, các ngươi đã biến thành sào huyệt trộm cướp”. Và hằng ngày Người giảng dạy trong Ðền thờ. Các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão trong dân tìm cách hại Người, nhưng họ không biết phải làm cách nào, vì dân chúng hết thảy đều chăm chú nghe Người.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, chúng con thành kính dâng lên Chúa lễ vật này, xin vui lòng chấp nhận, và giúp chúng con trung thành phụng sự Chúa, để mai ngày đạt tới phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Việc tôi kết hợp với Thiên Chúa, và việc tôi đặt niềm cậy trông vào Chúa là Thiên Chúa, thì tốt đẹp biết bao.
Hoặc đọc:
Chúa phán: Thầy bảo thật các con: Tất cả những gì các con cầu xin, hãy tin rằng các con sẽ được, thì các con sẽ được những điều đó.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, chúng con vừa cử hành lễ tế tạ ơn để tưởng nhớ Ðức Kitô Con Chúa, như lời Người truyền dạy, và chúng con đã được rước Mình và Máu Thánh Người; cúi xin Chúa nhận lời chúng con khẩn nguyện và ban cho chúng con được thêm lòng yêu mến. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
ĐỨC GIÊ-SU THANH TẨY ĐỀN THỜ (Lc 19,45-48)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
1. Đức Giê-su được sai đến để chu toàn sứ mạng: phụng sự Thiên Chúa Cha và dạy cho người ta cũng tôn thờ Thiên Chúa cách xứng đáng. Việc đánh đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền thờ cho thấy Chúa muốn người ta phải thay đổi thái độ thờ phượng và phải tôn trọng Đền thờ. Hành động của Đức Giê-su gồm có hai khía cạnh:
a) Loại khỏi Đền thờ những gì đi lệch khỏi mục đích của nó. Việc buôn bán trong Đền thờ đã biến “Nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện” trở thành “sào huyệt của bọn cướp” cho nên Đức Giê-su đã đánh đuổi những người buôn bán trong đó.
b) Trả lại cho Đền thờ ý nghĩa đích thực của nó “Hằng ngày Ngài giảng dạy trong Đền thờ”.
2. Đền thờ Giê-ru-sa-lem luôn được gắn liền với những thăng trầm của lịch sử dân Do-thái. Ngay lúc được vua Sa-lô-môn xây cất khoảng năm 950 (trước Công nguyên), đền thờ Giê-ru-sa-lem đối với người Do-thái luôn đóng vai trò quan trọng vừa chính trị, vừa tôn giáo, đây là nơi biểu trưng cho sự thống nhất quốc gia và là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của Ít-ra-en. Chính vì thế, sau khi tiến vào Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su vào Đền thờ, xua đổi những người lạm dụng Đền thờ, rồi bắt đầu giảng dạy ở đó.
3. Hôm nay Tin Mừng cho thấy, Đức Giê-su nổi nóng và đánh đuổi con buôn ra khỏi Đền thờ, vì họ đã sử dụng sai mục đích của nơi thờ phượng. Vì thế. Đức Giê-su nói: “Nhà Ta là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn trộm cắp”. Khi đánh đuổi con buôn ra khỏi Đền thờ, Đức Giê-su đã thánh hiến Đền thờ và trả lại cho nó ý nghĩa nguyên tuyền là nơi thờ phượng Thiên Chúa chứ không phải là chốn trục lợi, kinh doanh, trao đổi, buôn bán…
4. Lời khiển trách của Đức Giê-su nhấn mạnh đến tính cách thiêng liêng của Đền thờ vì đó chính là nhà Chúa, là nhà cầu nguyện nơi Chúa thực sự hiện diện và lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta. Chúa trách cứ vì lòng yêu mến con cái Người vì muốn chúng ta sửa đổi để trở nên trong sạch, thánh thiện hơn trong sự thờ phượng Người. Chúa giảng dạy trong Đền thờ mỗi ngày và dân chúng say mê lắng nghe lời Người với trái tim rộng mở và đơn sơ, và tiếp nhận từ nơi Người tất cả sự ngọt ngào, bình an và ánh sáng đức tin đến độ không muốn rời bỏ Người (Mỗi ngày một tin vui).
5. Hitler được kể tên trong số những nhà hùng biện hàng đầu của nhân loại, lời nói của ông có một uy lực huyền bí có sức thu hút quần chúng tin theo đường lối của ông; thế nhưng ông đã dùng năng lực đó để xô đẩy cả thế giới vào một cuộc chiến tranh hủy diệt tàn khốc chưa từng thấy trong lịch sử loài người. Thật trái ngược hẳn với Đức Giê-su; Ngài giảng dạy như một Đấng có uy quyền, nhưng Ngài không rao giảng sự thù hận giết chóc; sứ điệp của Ngài là tình thương. Lời Ngài tiễu trừ ma quỷ, tha thứ tội lỗi, khơi dậy hy vọng cho người thất vọng. Lời Ngài làm cho “người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Lc 7,22). Lời Ngài thật đơn sơ nhưng cũng thật sâu sắc, đánh động tâm hồn, thúc bách người ta hoán cải. Vì thế “toàn dân say mê nghe lời Người” (5 phút Lời Chúa).
6. Đền thờ là nơi Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau cách đặc biệt qua các cử hành phụng vụ, và là không gian thích hợp nhất cho việc cầu nguyện và lắng nghe tiếng Chúa. Đức Giê-su đã từng nói: “Cứ phá hủy đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ xây lại”. Nghĩa là Ngài muốn ám chỉ về thân xác của Ngài bị giết chết, nhưng sau ba ngày sẽ phục sinh. Và cũng từ những chứng từ này, thánh Phao-lô trong thư thứ nhất gửi cho giáo đoàn Cô-rin-tô đã nói: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Vậy ai phá hủy Đên thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ hủy diệt kẻ ấy. Vì Đền thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền thờ ấy chính là anh em”. Như vậy, chính chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa Ba Ngôi ngự, và hằng ngày khi làm dấu Thánh giá, chúng ta vẫn tuyên xưng điều đó (Hiên Lâm).
7. Truyện: Nhà thờ để làm gì?
Hay tin một Linh mục mới vừa được đổi đến để thay cho cha xứ cũ về hưu, lại được biết Linh mục mới này giảng rất hay, người ta đến nhà thờ dự lễ rất đông. Nhưng lần đầu tiên xuất hiện trước giáo dân trong xứ, vị Linh mục mới cố tình ra mắt họ với bộ mặt rất xấu xí. Bởi đó, khi vừa thấy mặt cha, một số người đã thất vọng lui ra cửa. Vị Linh mục bình thản giơ tay làm dấu bảo im lặng, rồi tuyên bố: “Hôm nay ai đến đây để nhìn mặt cha xứ mới và để nghe cha xứ mới giảng thì có thể về nhà; còn ai đến đây để thờ phượng Chúa thì hãy ở lại” (Chritian Beacon).
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo
Ca nhập lễ
Chúng ta hãy vui mừng và hân hoan, vì Chúa muôn loài đã yêu thương trinh nữ thánh thiện và hiển vinh.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, nhân ngày lễ kính thánh Xê-xi-li-a, chúng con đến dâng lời khẩn nguyện: vì lời thánh nữ chuyển cầu, xin cho chúng con được xứng đáng hát mừng danh thánh Chúa. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I
Phụng vụ Lời Chúa (Theo ngày trong tuần)
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, chúng con ca tụng Chúa đã làm những việc kỳ diệu nơi thánh trinh nữ Xê-xi-li-a xin vui lòng chấp nhận lễ tế chúng con thành kính dâng lên Chúa và xin ban cho chúng con trung thành phụng sự Chúa suốt cả cuộc đời. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Người trinh nữ khôn ngoan đã chọn lấy phần tốt nhất, và sẽ không bị ai lấy mất.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa đã ban lương thực bởi trời để chúng con được thêm sức mạnh. Xin cũng giúp chúng con, biết noi gương sáng của thánh trinh nữ Xê-xi-li-a là chỉ sống cho Chúa khi mang trong thân mình cuộc thương khó của Chúa Kitô. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Thánh Cécilia được tôn sùng như một trong các vị thánh tử đạo nổi tiếng nhất của Hội Thánh thời sơ khai, và việc sùng kính ngài đã được chứng thực ngay từ năm 545 ở Rôma. Thực vậy, theo Liber Pontificalis, Đức giáo hoàng Virgilê đi đến vương cung thánh đường thánh Cécilia ở Transtevere ngày 22 tháng 11 năm ấy, ngày kỷ niệm cuộc tử đạo của thánh nữ. Cũng vào thế kỷ VI này, trong nhà thờ thánh Apollinare Nuovo ở Ravenne, người ta vẽ cảnh thánh Cécilia đi rước giữa các trinh nữ. Vào thế kỷ V xuất hiện câu truyện truyền thuyết về đời sống và cuộc tử đạo của thánh Cécilia: Cuộc Tử nạn của Cécilia, Valérien và Tiburce. Có vẻ như tài liệu này đã lấy một giai thoại trong cuộc bách hại của quân Vandales ở Châu Phi (cuối thế kỷ V) để kể về Rôma và chắc chắn là một sự pha trộn của truyền thuyết và lịch sử, nhưng chính nhờ tài liệu Cuộc Tử nạn này mà hình ảnh trong trắng, quảng đại và anh hùng của thánh Cécilia đã trở nên vô cùng rực rỡ trong toàn thể Hội Thánh. Tên của ngài cũng được đọc trong Lễ Qui Rôma.
Những điểm sau đây có vẻ là chắc chắn:
– Cécilia xuất thân từ gia đình quí tộc Rôma gọi là Caecilii, gia đình này có một thửa đất trên đường Appia mà thánh Calliste, sau này trở thành giáo hoàng năm 217, đã làm một nghĩa địa năm 210.
– Thánh nữ đã dâng cúng nhà mình ở khu phố Rôma Transtévère cho Hội Thánh sử dụng. Một vương cung thánh đường trên đường Transtévère được xây dựng để dâng kính thánh Cécilia.
– Cécilia là một Kitô hữu đã quyết định thánh hiến đời mình cho Chúa Kitô trong bậc sống trinh nữ. Theo truyền thuyết, bị cha mẹ ép buộc, ngài lấy một thanh niên ngoại giáo tên là Valérien, anh được ngài cải hóa trở lại Kitô giáo, tôn trọng sự đồng trinh của ngài, và anh cũng được tử đạo với em trai mình là Tiburce.
– Sách Cuộc Tử nạn kể rằng “khi tới ngày cưới, trong khi đàn nhạc nổi lên, Cécilia ca hát trong lòng cho một mình Chúa Giêsu.” Từ chi tiết này của câu truyện, từ thế kỷ XV, truyền thống đã gọi thánh Cécilia là quan thầy của các ca sĩ và nhạc sĩ. Cũng vì thế các tranh ảnh thánh thường vẽ thánh Cécilia gảy đàn và ca hát, chung quanh có các thiên thần (các bức hoạ của Le Dominiquin, le Guerchin ở Louvre; Nicolas Poussin ở Prado; Rubens ở Berlin; Véronèse ở Vienne).
– Truyện kể về Cuộc Tử nạn của thánh Cécilia mô tả cuộc tử đạo với nhiều yếu tố truyền thuyết, nhưng giàu ý nghĩa thần học và thiêng liêng. Theo truyền thống, thi thể của thánh nữ được đặt trong hang tử đạo thánh Caliste, gần hang mộ của các giáo hoàng, và một bản sao bức tượng của Maderna ngày nay được đặt trong lăng mộ ngài mô tả tư thế của ngài: thánh nữ nằm nghiêng đầu, với những vết búa của những tên đao phủ, các ngón tay của ngài chỉ dấu Ba Ngôi (một và ba). Hiện nay thi thể của thánh nữ tử đạo an nghỉ trong vương cung thánh đường mang tên ngài tại Rôma; thánh đường này được Đức giáo hoàng Pascal I († 824) xây dựng.
Thông điệp và tính thời sự
Phụng vụ của thánh lễ kính nhớ thánh Cécilia trinh nữ tử đạo gợi lên những chủ đề về sự tử đạo và sự trinh khiết.
Bài đọc I (Kh 19, 5-9), với các lời: Một thiên thần nói với tôi: Hãy viết lời này: Hạnh phúc những ai được mời dự tiệc cưới Chiên Con, trình bày Chúa Kitô như là phu quân của Hội Thánh. Chết vì Chúa Kitô, tức là được dự tiệc cưới Chiên Con. Và tác giả cuốn Cuộc Tử nạn của Cécilia, Valérien và Tiburce viết: “Người ta trông thấy các ngài chạy đến với cái chết như đến một bữa tiệc.”
Bài Tin Mừng (Mt 19, 3-12) ca ngợi những giá trị của bậc trinh khiết thánh hiến: …Có những người đã chọn không kết hôn vì Nước Trời…
Sách Hạnh tử đạo của thánh Cécilia– cũng là một bài thơ ca ngợi sự trinh khiết Kitô giáo – kể lại những lời thánh nữ nói vào đêm tân hôn với Valérien: “Chàng trai xinh đẹp, em tiết lộ cho anh điều này: không bàn tay phàm tục nào được chạm tới em, vì em được một thiên thần canh giữ. Nếu anh tôn trọng em, ngài sẽ yêu mến anh giống như ngài yêu em, và ơn sủng của ngài sẽ đổ xuống trên anh.” Theo truyền thống, Valérien đã cam kết tôn trọng đức đồng trinh của vợ mình, và sau khi được cải hóa theo đức tin của Célicia, “chàng cũng được về trời với nhành vạn tuế tử đạo.”
Điệp ca của Magnificat lấy cảm hứng từ sách Hạnh tử đạo của thánh nữ, hát rằng: “Thánh Cécilia mang trong lòng mình Tin Mừng Chúa Kitô; ngày đêm ngài trò chuyện với Thiên Chúa.” Sự thân mật với Lời Chúa và đồng thời với lời cầu nguyện liên tục diễn tả rõ nét đặc trưng của sự thánh thiện Kitô giáo.
Giờ Kinh Sách đề nghị suy niệm một bản văn rất hay của thánh Augustin về Tv 32: “Tạ ơn Chúa, gieo vạn tiếng đàn cầm, kính mừng Người, gảy muôn cung đàn sắt. Nào dâng Chúa một khúc tân ca, rập tiếng hoan hô nhã nhạc vang lừng.”
Truyền thống đã làm cho thánh nữ Cécilia trở thành người gợi lên sự hoà điệu của âm giọng, bài hát và thánh nhạc. Nhiều nhà soạn nhạc đã tôn kính ngài như thế. Đức Giáo Hoàng Piô IX đã sáng lập Hàn Lâm Viện thánh Cécilia (1847). Và các ban hợp xướng mang tên “Cécilia”, xuất phát từ Ratisbone năm 1867, cũng được đặt dưới sự bảo trợ của thánh nữ tử đạo này. Theo lời thánh Augustin, vì Thiên Chúa là Đấng không thể diễn tả nổi, nên bạn hãy để cho lòng bạn ca mừng mà không cần lời nói, và đừng để cho niềm vui vô biên của bạn bị giới hạn bởi những âm tiết. Hãy hát cho hay, với tiếng reo hò vui sướng.”
Enzo Lodi
HÁT MỪNG DANH THÁNH CHÚA
(LỄ THÁNH XÊXILIA 22/11)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Xêxilia hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta dâng lời khẩn nguyện: Nhờ lời thánh nữ chuyển cầu, xin Chúa cho chúng ta được xứng đáng hát mừng danh thánh Chúa. Cuối thế kỷ V, câu chuyện về cuộc thương khó của các chứng nhân tử đạo Xêxilia, Valêrianô và Tibuốc đã ca ngợi đức đồng trinh của Kitô giáo, khiến cho tên tuổi của một thiếu nữ người Rôma tên là Xêxilia trở thành lừng lẫy. Chị đã chịu tử đạo và được mai táng ở nghĩa trang Calíttô. Một thánh đường đã được xây dựng để kính thánh nữ và một đoản văn trong câu chuyện trên đã khiến cho các nhạc sĩ chọn chị làm bổn mạng.
Xứng đáng hát mừng danh thánh Chúa, nếu biết sám hối quay trở về với Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Dacaria cho thấy: Dân vô ơn đối với Thiên Chúa, sẽ phải trải qua cơn thử thách cuối cùng để được tinh luyện. Chính Vị Mục Tử sẽ phải chết, và số còn sót lại của dân Ítraen sẽ bị sàng lọc một lần nữa. Phải thật lòng ăn năn sám hối và trở về với Thiên Chúa tình yêu, mới mong thoát được cuộc hủy diệt cuối cùng. Chúa phán: “Này gươm, hãy đứng dậy mà đánh mục tử của Ta, đánh đồng bào của Ta.”… Đêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy; vì có lời đã chép: Ta sẽ đánh người chăn, và đàn chiên sẽ tan tác.
Xứng đáng hát mừng danh thánh Chúa, nếu biết hát hay bằng tiếng reo vui, vì đã được vui thỏa, chứ không phải bằng lời lẽ thông thường, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Autinh nói: Đừng tìm lời, như thể bạn có khả năng diễn tả bằng lời điều làm cho Thiên Chúa ưa thích. Hãy hát mừng Người bằng tiếng reo vui… Miệng con chứa chan lời tán tụng Chúa, suốt ngày con chẳng ngớt tôn vinh. Theo nhịp đàn mừng Chúa, miệng con sẽ reo hò. Mừng Ngài, con hân hoan nhảy múa, đàn hát kính danh Ngài, lạy Đấng Tối Cao.
Xứng đáng hát mừng danh thánh Chúa, nếu biết tin tưởng vào lời Chúa đã hứa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Gioan nói: Tôi cầm lấy cuốn sách nhỏ từ tay thiên thần và nuốt đi. Trong miệng tôi nó ngọt ngào như mật ong, nhưng khi tôi nuốt rồi, thì bụng dạ tôi cay đắng. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 118, vịnh gia đã kêu xin: Lạy Chúa, con cảm thấy lời Ngài đã hứa ngọt ngào hơn mật ong trong miệng. Thánh ý Ngài là gia nghiệp con mãi mãi, vì đó là hoan lạc của lòng con. Con há miệng và con hớp lấy, vì khát khao mệnh lệnh của Ngài.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng, và chúng theo tôi. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp! Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tiếng nào? Thưa, tiếng đó là lời hứa cứu độ, tin tưởng vững vàng, hy vọng chắc chắn, cầm và nuốt lấy lời hứa cứu độ của Chúa, ta sẽ được hưởng nếm hương vị ngọt ngào. Tuy nhiên, Chúa đã dùng thập giá để cứu độ ta, Chúa đã phải trả giá vì ta, đến lượt mình, ta cũng phải thông dự vào lời hứa cứu độ của Chúa: ngọt ngào nơi miệng, nhưng, đắng đót trong lòng, chén đắng Chúa đã uống, ta cũng phải chung phần với Người, nhưng, đó không phải là một cuộc mua bán, đổi chác, ta đừng biến ơn cứu độ thành nơi buôn bán, thành sào huyệt của bọn cướp. Ơn cứu độ là hoàn toàn nhưng không, đến từ Thiên Chúa, việc của ta là: khát khao, há miệng và hớp lấy. Niềm vui sướng này không thể diễn tả bằng lời, mà chỉ có thể hát mừng bằng tiếng reo vui, reo vui là một tiếng phát ra để diễn tả rằng: tâm hồn đang dâng trào một điều gì đó không thể nói lên được. Tiếng reo vui ấy thích hợp với ai hơn là với Thiên Chúa, Đấng không gì diễn tả được? Nếu ta không thể nói lên bằng lời, mà cũng không được phép thinh lặng, thì ta còn cách nào hơn là reo vui? Tâm hồn cứ hân hoan mà không cần lời, để niềm vui vô biên không bị ngôn từ giới hạn. Nhờ lời thánh Xêxilia chuyển cầu, ước gì ta được xứng đáng hát mừng danh thánh Chúa. Ước gì được như thế!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn