TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ HAI TUẦN 4 MÙA CHAY

Thứ sáu - 17/03/2023 20:32 |   1177
“Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy.” (Mt 1, 24a)

20/03/2023
THỨ HAI TUẦN 4 MÙA CHAY
Thánh Giuse, bạn trăm năm Đức Maria

thanh Giuse

Mt 1, 16.18-21.24a


SỨ VỤ CỦA THÁNH GIU-SE
“Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy.” (Mt 1, 24a)

Suy niệm: Có người bảo con đường xa nhất là con đường đi từ đầu đến tay bởi vì có một khoảng cách biệt rất lớn giữa nói và làm. Quả vậy, có nhiều người nói mà không làm; nhiều người khác nói một đàng làm một nẻo. Xét trên phương diện này thì thánh cả Giu-se thuộc nhóm người ít ỏi âm thầm làm mà không nói. Quả vậy, trong cả bốn sách Tin Mừng, chúng ta không thấy một lời nào của ngài được các thánh sử ghi lại. Ngài không nói nhưng những việc làm của ngài thực ra đã nói rất nhiều: ngài chính là người có khả năng lấp đầy khoảng cách diệu vợi giữa lời nói và việc làm: “Khi thức giấc, Giu-se đã làm như lời sứ thần Chúa đã nói.”

Mời Bạn hãy học cùng thánh cả Giu-se, một người đặc biệt trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Tuy âm thầm, nhưng sứ vụ của ngài trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa thật cao trọng. Để được như thế, ngài đã có một đời sống nội tâm thật sâu lắng: Trong thinh lặng, ngài tiếp xúc mật thiết với Chúa, lắng nghe thánh ý và cũng trong thinh lặng ngài trung thành thực hiện những điều Thiên Chúa muốn.

Chia sẻ: Bạn có ý thức gì về sứ vụ mà Thiên Chúa đã trao cho bạn, trong việc làm chứng và rao giảng Tin Mừng cho những người xung quanh bạn chưa? Bạn gặp những khó khăn và thuận lợi nào trong việc làm chứng cho Đức Giê-su?

Sống Lời Chúa: Luôn dành mỗi ngày ít phút thinh lặng để suy niệm Lời Chúa để cảm nghiệm tình yêu Chúa và chia sẻ với tha nhân.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho mỗi người chúng con luôn biết ý thức về sứ vụ làm chứng cho Tin Mừng trong thế giới ngày hôm nay. Amen.

 

t2 t4 MC


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ HAI TUẦN 4 MÙA CHAY

Ca nhập lễ

Phần tôi, tôi tin cậy ở Chúa. Tôi sẽ hân hoan mừng rỡ vì đức từ bi của Chúa, bởi Chúa đã nhìn đến nỗi đau khổ của tôi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, để đổi mới trần gian, Chúa dùng những bí tích kỳ diệu làm dấu chỉ sự hiện diện của Chúa giữa loài người. Xin cho Hội Thánh biết lợi dụng nguồn thiên ân đó, để không ngừng tiến triển, và luôn được Chúa thương nâng đỡ phù trì trong đời sống hiện tại. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Is 65, 17-21

“Thiên hạ sẽ không còn nghe tiếng khóc lóc và than van nữa”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ðây Thiên Chúa phán: “Này Ta tác tạo trời mới, đất mới; người ta sẽ không còn nhớ lại dĩ vãng, và cũng sẽ không bận tâm đến dĩ vãng nữa. Nhưng các ngươi hãy hân hoan và nhảy mừng cho đến muôn đời trong các việc Ta tác tạo, vì đây Ta tác tạo một Giêrusalem hân hoan và một dân tộc vui mừng. Ta sẽ hân hoan ở Giêrusalem, sẽ vui mừng nơi dân Ta, và từ đây người ta sẽ không còn nghe tiếng khóc lóc và than van nữa. Ở đó sẽ không còn trẻ nhỏ chết yểu, không còn người già chết sớm nữa, vì người chết trăm tuổi cũng còn gọi là chết trẻ, người không sống đến trăm tuổi, kể là bị chúc dữ. Họ sẽ xây cất nhà cửa và cư ngụ ở đó, sẽ trồng nho và ăn trái nho”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 29, 2 và 4. 5-6. 11e-12a và 13b

Ðáp: Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con

Xướng: Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con, và không để quân thù hoan hỉ về con. Lạy Chúa, Ngài đã đưa linh hồn con thoát xa Âm phủ, Ngài đã cứu con khỏi số người đang bước xuống mồ.

Xướng: Các tín đồ của Chúa, hãy đàn ca mừng Chúa, và hãy cảm tạ thánh danh Ngài. Vì cơn giận của Ngài chỉ lâu trong giây phút, nhưng lòng nhân hậu của Ngài vẫn có suốt đời. Chiều hôm có gặp cảnh lệ rơi, nhưng sáng mai lại được mừng vui hoan hỉ.

Xướng: Lạy Chúa, xin nhậm lời và xót thương con, lạy Chúa, xin Ngài gia ân cứu giúp con. Chúa đã biến đổi lời than khóc thành khúc nhạc cho con, lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con sẽ tán tụng Chúa tới muôn đời.

Câu Xướng Trước Phúc Âm

Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha.

PHÚC ÂM: Ga 4, 43-54

“Ông hãy về đi, con ông mạnh rồi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu bỏ Samaria mà đến Galilêa. Chính Người đã nói: “Không vị tiên tri nào được kính nể nơi quê hương mình”. Khi Người đến Galilêa, dân chúng ra đón tiếp Người: Họ đã chứng kiến tất cả các việc Người làm ở Giêrusalem trong dịp lễ; vì họ cũng đi dự lễ.

Người trở lại Cana xứ Galilêa, nơi Người đã biến nước thành rượu. Bấy giờ có một quan chức nhà vua ở Capharnaum có người con trai đang đau liệt. Ðược tin Chúa Giêsu đã bỏ Giuđêa đến Galilêa, ông đến tìm Người và xin Người xuống chữa con ông sắp chết. Chúa Giêsu bảo ông: “Nếu các ông không thấy những phép lạ và những việc phi thường, hẳn các ông sẽ không tin”. Viên quan chức trình lại Người: “Thưa Ngài, xin Ngài xuống trước khi con tôi chết”. Chúa Giêsu bảo ông: “Ông hãy về đi, con ông mạnh rồi”. Ông tin lời Chúa Giêsu nói và trở về.

Khi xuống đến sườn đồi thì gặp gia nhân đến đón, báo tin cho ông biết con ông đã mạnh. Ông hỏi giờ con ông được khỏi. Họ thưa: “Hôm qua lúc bảy giờ cậu hết sốt”. Người cha nhận ra là đúng giờ đó Chúa Giêsu bảo ông: “Con ông mạnh rồi”, nên ông và toàn thể gia quyến ông đều tin. Ðó là phép lạ thứ hai Chúa Giêsu đã làm khi Người ở Giuđêa về Galilêa.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho của lễ chúng con dâng đem lại cho chúng con sức sống mới, để chúng con cởi bỏ con người cũ, và luôn tiến bước theo tinh thần Phúc Âm. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa phán: Ta đặt thần trí Ta giữa các ngươi, làm cho các ngươi thực thi các huấn lệnh Ta, làm cho các ngươi tuân giữ và thực hành các lề luật Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin cho bí tích chúng con vừa lãnh nhận canh tân và thánh hoá cuộc đời chúng con, để chúng con đáng được hưởng gia nghiệp Nước Trời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

TIN ĐẾN CÙNG (Ga 4, 43 – 54)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Trong toàn bộ Tin Mừng, chúng ta thấy những người có địa vị cao trong xã hội và tôn giáo đa số đều mắc phải thói tự kiêu, vì tự cho mình là người biết hết mọi chuyện, nên thường coi khinh anh em đồng loại! Nếu không bị chứng bệnh tự phụ trên thì cũng rơi vào tình trạng nghi ngờ về những chuyện phi thường…

Tuy nhiên, hôm nay, bài Tin Mừng trình thuật một viên sĩ quan cao cấp của triều đình đã lặn lội cả mấy chục kilômét để đến gặp Đức Giêsu và xin Ngài chữa cho con ông được lành bệnh. Ông là một phó vương nơi cung triều, còn Đức Giêsu thì chỉ là người bình dân. Một hình ảnh trái ngược với giới lãnh đạo và thượng lưu thời bấy giờ!

Qua hành động của viên sĩ quan, chúng ta thấy được hai điều:

Trước hết, thái độ của ông quan này là khiêm tốn. Ông đã không để ý đến địa vị chức quyền, không nghĩ đến giai tầng trong xã hội, nhưng chỉ một lòng tin tưởng và phó thác nơi Đức Giêsu và sống trong niềm hy vọng được nhận lời.

Thứ hai, vị quan này rất kiên trì. Ông không thối trí nhụt lòng khi nghe thấy câu trách móc nặng nề của Đức Giêsu: “Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu!”. Nếu vị quan này mà kiêu ngạo, cố chấp hay tự trọng thái quá, có lẽ đã bỏ mà đi, đằng này, ông lại càng khẩn thiết hơn: “Thưa Ngài, xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất!”. Câu nói này thể hiện sự thành khẩn và niềm tin chân thành của viên sĩ quan.

Thế nên, từ xa, Đức Giêsu đã làm phép lạ chữa cho con ông khi tuyên bố: “Con ông sống”. Thấy mọi sự diễn ra đúng thời gian mà Đức Giêsu tuyên bố con ông không chết, viên sĩ quan và cả gia đình ông đã tin vào Đức Giêsu.

Như vậy, câu chuyện Tin Mừng hôm nay nhắm vào niềm tin của viên sĩ quan.

Lúc đầu là một niềm tin và hy vọng về nhu cầu của mình. Dần dần biến thành tình yêu và kính phục khi nhu cầu được giải quyết cách nhiệm mầu. Cuối cùng, tình yêu đã hoàn toàn làm chủ và quy phục trong đức tin.

Đây cũng mẫu gương và là tiến trình trong đời sống của mỗi Kitô hữu.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy vượt qua những tự hào thái quá để khiêm tốn như viên sĩ quan. Cần có một thái độ tin tưởng tuyệt đối nhưng chân thành và niềm hy vọng đầy tin yêu nơi Thiên Chúa như viên sĩ quan.

Lạy Chúa Giêsu, chỉ có đức tin trong lòng mến mới có thể giúp cho chúng con đến gần Chúa và tin tưởng vào Ngài mà thôi. Vì thế, xin Chúa ban cho chúng con có được đức tin chân thành để được hưởng ơn cứu độ của Chúa. Amen.
 

thanh Giuse


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Giuse, bạn trăm năm Đức Maria

Ca nhập lễ

Đây là đầy tớ trung tín và khôn ngoan, mà Chúa đã đặt lên trông coi gia đình Người.

* Hát hoặc đọc Kinh Tin Kính

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã giao phó Ðức Giêsu cho thánh cả Giu-se và thánh nhân đã trung thành gìn giữ trong giai đoạn đầu của công trình cứu độ. Xin nhận lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp, cho Giáo Hội luôn luôn cộng tác với Ðức Giêsu để hoàn tất công trình Người đã khởi đầu. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở, muôn đời.

Bài Ðọc I: 2 Sm 7, 4-5a. 12-14a. 16

“Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu của Ðavít, tổ phụ Người”.

Trích sách Samuel quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Nathan rằng: “Hãy đi nói với Ðavít tôi tớ Ta rằng: Khi ngày của ngươi đã viên mãn, ngươi sẽ yên nghỉ với các tổ phụ ngươi; sau đó, Ta sẽ cho miêu duệ ngươi lên kế vị và Ta sẽ làm cho triều đại người được vững bền. Chính người sẽ xây cất một ngôi nhà để kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngôi báu triều đại người được củng cố đến muôn đời. Ta sẽ là Cha của người, và người sẽ là con Ta. Nhà của ngươi và triều đại của ngươi sẽ vững chắc đến muôn đời trước mặt Ta, ngôi báu ngươi sẽ vững bền mãi mãi”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 88, 2-3. 4-5. 27 và 29

Ðáp: Miêu duệ người tồn tại đến muôn đời

Xướng: Tôi sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời; qua mọi thế hệ, miệng tôi loan truyền lòng trung thành Chúa. Vì Ngài đã phán: “Tình thương của Ta đứng vững muôn đời”; trên cõi trời cao, Ngài thiết lập lòng trung tín.

Xướng: Ta đã ký minh ước cùng người ta tuyển lựa, Ta đã thề cùng Ðavít là tôi tớ của Ta rằng: “Cho tới muôn đời Ta bảo tồn miêu duệ của ngươi, và Ta thiết lập ngai báu ngươi qua muôn thế hệ”.

Xướng: Chính người sẽ thưa cùng Ta: “Chúa là Cha con, và Thiên Chúa là Ðá Tảng cứu độ của con”. Ðời đời Ta sẽ dành cho người lòng sủng ái, và lời ước Ta ký với người sẽ được mãi mãi duy trì.

Bài Ðọc II: Rm 4, 13. 16-18. 22

Mặc dầu tuyệt vọng, ông vẫn tin”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, không phải nhờ lề luật mới có lời hứa ban cho Abraham hay dòng dõi của ông trở nên kẻ thừa kế thế gian, nhưng là nhờ sự công chính của đức tin. Vì thế, do đức tin, được coi như là theo ân sủng, lời hứa cho mọi dòng dõi được vững bền, không phải chỉ cho kẻ sinh bởi lề luật, mà còn cho kẻ sinh bởi đức tin của Abraham, tổ phụ của mọi người chúng ta, (như có lời chép rằng: Ta đã đặt ngươi làm cha nhiều dân tộc) trước mặt Thiên Chúa, Ðấng ông đã tin, Ðấng cho kẻ chết sống lại, và kêu gọi cái không có như có. Mặc dầu tuyệt vọng, ông vẫn tin rằng mình sẽ trở thành cha nhiều dân tộc, như có lời đã phán với ông rằng: “Dòng dõi ngươi sẽ như thế”. Vì vậy, ông đã được kể như sự công chính.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm

Alleluia. Alleluia. Lạy Chúa, phúc cho những ai ngụ nơi nhà Chúa, họ sẽ khen ngợi Chúa đến muôn đời. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Mt 1, 16. 18-21. 24a

“Giuse đã thực hiện như lời Thiên thần Chúa truyền”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Giacóp sinh Giuse là bạn của Maria, mẹ của Chúa Giêsu gọi là Ðức Kitô. Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse bạn của bà là người công chính, không muốn tố cáo bà, nên định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy, thì Thiên thần hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: “Hỡi Giuse con vua Ðavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần; bà sẽ sinh hạ một con trai mà ông đặt tên là Giêsu: vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội”. Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời Thiên thần Chúa truyền.

Ðó là lời Chúa.

– – – – – – – – – – – – – –

Hoặc: Lc 2, 41-51a

“Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết. Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrusalem để tìm Người.

Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói, đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại. Nhìn thấy Người, hai ông bà ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: “Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con”. Người thưa với hai ông bà rằng: “Mà tại sao cha mẹ tìm con? Cha mẹ không biết rằng con phải lo công việc của Cha con ư?” Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói. Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xưa thánh cả Giu-se đã hết lòng phục vụ Ðức Kitô, Con Một Chúa Ðấng sinh làm con Ðức Trinh Nữ Maria. Nay xin Chúa cũng rộng lòng ban cho chúng con một tâm hồn trong sạch ngay thẳng để cử hành lễ tế tại bàn thờ này. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Hỡi người đầy tớ tốt lành và trung tín, hãy vào hưởng sự vui mừng của Chúa ngươi.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, trong buổi lễ mừng thánh cả Giu-se, Chúa đã cho cộng đoàn chúng con được no thoả tại bàn tiệc thánh này. Xin bảo vệ chúng con luôn mãi và duy trì nơi chúng con những ân huệ của Chúa. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

ÂM THẦM NHƯNG SÁNG NGỜI NHÂN ĐỨC
(2 Sm 7, 4-5a. 12-14. 16; Rm 4, 13. 16-18. 22; Mt 1, 16. 18-21. 24a)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Hôm nay, chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội mừng kính trọng thể lễ thánh Giuse, bạn trăm năm Mẹ Maria và là Cha Nuôi Đức Giêsu.

Riêng tại Việt Nam, chúng ta mừng lễ cách đặc biệt hơn, bởi vì ngài còn là bổn mạng của Giáo Hội Việt Nam.

Nhân dịp này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu cuộc đời và gương sáng của thánh Giuse, để qua đó, mỗi người biết noi gương bắt chước thánh nhân để sống xứng đáng là người con của Chúa.

1. Âm thầm để thi hành ý Chúa

Nếu mới chỉ nghe đọc qua bậc lễ trong niên lịch phụng vụ của Giáo Hội, chúng ta thấy lễ của ngài được nâng lên bậc I. Vì thế, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến sự cao trọng của thánh nhân trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Tuy nhiên, điều làm cho nhiều người không khỏi ngạc nhiên, đó là sự âm thầm nơi một con người vĩ đại này!

Đọc Kinh Thánh, chúng ta nhận ra đời sống của thánh nhân rất đỗi âm thầm. Âm thầm đến độ trong toàn bộ Kinh Thánh, không có một chỗ nào kể việc phát ngôn của thánh Giuse!

Nhưng nơi thánh Giuse, chúng ta khám phá ra ngài là một con người của hành động trong khiêm tốn và âm thầm.

Thật vậy, ngài âm thầm đón nhận lời sứ thần truyền tin trong mộng. Âm thầm thi hành cách triệt để. Làm gia trưởng một gia đình nghèo khó. Nghề nghiệp chẳng có gì nổi nang. Xuất hiện trên trần gian chẳng ai nói tới. Ngày ngài chết cũng chẳng được sử sách lưu truyền!

Tuy mang trong mình dòng máu hoàng tộc Đavít, nhưng thời đại huy hoàng của đế vương không còn. Phải chăng, giờ đây, người ta chỉ còn biết đến giòng dõi chứ ít còn ai nghĩ đến vẻ uy nghi của thời hoàng kim… Vì thế, Giuse bây giờ hoàn toàn là người bình dân với cái nghề rất đỗi bình thường để kiếm miếng cơm manh áo cho mình và gia đình của ngài.

Như đã chia sẻ, tuy toàn bộ Tin Mừng, chúng ta không thấy thánh Giuse có một lời nói nào để lại cho hậu thế, nhưng cả cuộc đời, không một lúc nào, ngài rời xa gia đình cũng như vơi cạn tình yêu thương với Mẹ Maria và Đức Giêsu. Bí quyết của thánh Giuse trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình chính là niềm tin và lòng mến của ngài đặt để nơi Thiên Chúa thật tuyệt đối sắt son. Điều này đã làm cho ngài trở nên phi thường ngay trong thân phận bình thường là một bác thợ mộc làng quê Nazareth.

2. Tầm thường trở nên phi thường nhờ lòng mến

Quả thật, đức tin của thánh Giuse phải liệt vào hạng sáng ngời: theo lẽ thường, ít ai có thể tin nổi một chuyện lớn lao liên quan đến cả cuộc đời của bản thân và gia đình mà lại diễn ra trong một giấc mơ? Ấy vậy mà Giuse, ngài đã tin! Chính vì niềm tin tuyệt đối này mà thánh nhân đã trở nên vĩ đại khi sẵn sàng để cho Thánh ý Thiên Chúa được thể hiện nơi mình.

Biến cố đón nhận Đức Maria về nhà của ngài và sự kiện chạy trốn sang Aicập cũng như từ Aicập trở về cho ta thấy rõ đặc tính tuyệt vời này của thánh Giuse.

Đức tính thứ hai cũng rất cao thượng, đó là: đức ái tuyệt hảo nơi ngài. Khi nghe biết Mẹ Maria mang thai, thánh Giuse rất trăn trở và áy náy??? Không biết thai nhi mà người vợ mình hết mực yêu thương, tin tưởng này là của ai, vì cả hai người chưa về chung sống với nhau???. Như vậy, xét theo con mắt người đời, Đức Maria đã ngoại tình. Chiếu theo luật Môsê, khi người phụ nữ bị phạm tội ngoại tình và bị tố cáo, người phụ nữ ấy chắc chắn bị ném đá cho tới chết. Nhưng thánh Giuse đã không nỡ để cho một phụ nữ liễu yếu đào tơ bị chết cách đau đớn, thê thảm. Vì thế, ngài đã lựa chọn giải pháp êm xuôi để cho Đức Mẹ được có cơ hội sống. Phương án mà thánh nhân dự định, đó là sẽ bỏ đi cách âm thầm, không oán trách, không than van… Tuy nhiên, ý định của thánh Giuse đã được Thiên Chúa can thiệp khi mạc khải cho biết việc Đức Maria mang thai là do quyền năng Chúa Thánh Thần, và ngài sẽ được chọn để trở thành cha nuôi Con Thiên Chúa về mặt pháp lý nhằm phục vụ chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa trên nhân loại. Chính khi nghe được lời trấn an cũng như kế hoạch của Thiên Chúa, thánh Giuse đã sẵn sàng thể hiện đức ái trọn hảo với Đức Maria qua việc sẵn sàng đón nhận ngài về để chăm sóc.

Sau này, khi Mẹ Maria sinh hạ Đức Giêsu, rồi suốt thời gian làm gia trưởng của gia đình, thánh Giuse đã âm thầm và rất lo lắng, quan tâm đến Mẹ Maria và trẻ nhỏ Giêsu trong lòng mến.

Đây chính là điểm sáng thứ hai xây dựng nên nhân cách tuyệt vời của thánh Giuse.

Như vậy, thánh Giuse là một con người bình thường, âm thầm, kín đáo, khiêm nhường, nhưng nơi ngài đã toát lên những đức tính anh hùng sáng ngời, xứng đáng để cho mọi người noi theo, đó là đức tin son sắt và đức mến nồng nàn.

3. Bài học cho mỗi chúng ta

Mỗi khi mừng lễ thánh Giuse, chúng ta hãy ngước nhìn lên ngài và khám phá ra những nhân đức quý giá nơi thánh nhân, để như một bài học sống động cho đời sống đạo của chúng ta.

Bài học đầu tiên chúng ta cần có, đó là: đừng bao giờ thất vọng vì mình sinh ra, lớn lên hay lãnh đạo một gia đình nghèo nàn khốn khó. Cũng đừng bao giờ bi quan vì nghề nghiệp của mình chẳng bằng ai. Lẽ tất nhiên là ta phải cố gắng nhằm có cơ hội tốt hơn đẻ lo cho gia đình và cuộc sống hôm nay. Nhưng điều muốn nói ở đây, đó là hãy đón nhận những gì mình đang có như một hồng ân của Chúa, để từ đó biết dâng lời cảm tạ và tri ân ngài. Bên cạnh đó, hãy làm những công việc bình thường một cách phi thường bằng lòng mến. Mặt khác, đừng bao giờ có thái độ kỳ thị hay khinh bỉ những người bình dân, nghèo khó. Có thể về mặt kinh tế, người ta không bằng ai, nhưng về đời sống đạo đức, họ lại là con người tốt lành thánh thiện hơn nhiều người.

Bài học thứ hai, đó là tấm gương cho các gia trưởng trong gia đình: thánh Giuse dù nghèo khó, vất vả làm việc để nuôi sống gia đình. Tuy nhiên, ngài không than van kêu trách, lớn tiếng nạt nộ… Ngược lại, ngài rất ân thầm và chu toàn bổn phận của một người cha, người chồng trong gia đình. Sẵn sàng đón nhận cuộc sống hiện tại và tìm cách làm cho tốt hơn một cách trong sáng, lành mạnh.

Vì thế, mỗi người chúng ta là những người cha, người chồng trong gia đình, những lúc khó khăn hay không được như ý muốn, chúng ta hãy noi gương thánh Giuse, đó là âm thầm dâng cho Chúa và thi hành đúng bổn phận của mình cách chu đáo. Luôn nhận phần khó khăn về mình, và làm mọi việc vì lòng mến.

Bài học cuối cùng, chính là bài học về sự tin tưởng, phó thác tuyệt đới nơi Thiên Chúa: nếu cuộc đời của thánh Giuse đã tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, và mau mắn thi hành những gì đã tin, thì đến lượt chúng ta, hãy nhạy bén với ơn Chúa và các dấu chỉ thời đại, nhằm khám phá và tìm ra thánh ý Thiên Chúa để thi hành trong đức ái cũng như lòng mến theo gương thánh Giuse.

Lạy Thiên Chúa toàn năng, chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con một mẫu gương âm thầm là thánh Giuse. Ngài là mẫu gương tuyệt vời cho các bậc gia trưởng trong gia đình cũng như cho mỗi người chúng con. Xin Chúa ban cho chúng con biết noi gương bắt chước công đức của ngài và thi hành, để mai ngày chúng con được hạnh phúc chiêm ngưỡng thánh nhan Chúa muôn đời trên Thiên Quốc. Amen.
 

THÁNH GIUSE; NGƯỜI CÔNG CHÍNH
Lm. Giuse Hoàng Kim Toan

Người công chính, là  người cần thiết để xây dựng công bằng và  chân lý, tình yêu trên thế giới. Những đức tính của người công chính không những điểm tô nhân cách của mình còn là một bảo đảm cho hậu duệ  và thành trì vững chắc bảo vệ an bình, đồng thời là nền móng cho thế giới không bị lay chuyển. 

Thánh Giuse được giới thiệu là Đấng Công Chính, dựa trên những nét tiêu biểu. Công bằng, vị tha, tình yêu

Công bằng:

Công bằng không chỉ là trả cho mỗi người những gì thuộc về người đó, theo cách hiểu của cụm từ “dare cuique suum” mà còn là thái độ trách nhiệm sống tình yêu với người khác.

Đối với Thánh Giuse, được Thánh Kinh giới thiệu là bác thợ mộc. Thời đó gọi là thợ mộc bao gồm cả những người sửa chữa vặt những đồ dùng trong gia đình bị hư gãy. Thánh Giuse chấp nhận là một người thợ sửa chữa vụn vặt ấy. Vấn đề không thuộc về tay nghề cao thấp, xứng với đồng lương lãnh. Vấn đề nghề nghiệp của Thánh Giuse lựa chọn là phục vụ những con người nghèo trong xã hội, chính họ chứ không ai khác phải sửa chữa những gì vặt vãnh, nếu giàu có họ đã thay thế cái hư thành cái tốt hơn. Xã hội của những người nghèo chỉ đủ trả cho những người thợ chấp nhận nghèo như họ để làm những công việc nhiều hơn đồng lương được lãnh. Sống nghèo với người nghèo là tái lập sự công bằng giữa những người nghèo đang chịu sự bóc lột bởi giới giàu có. Đó là lối sống lên tiếng mời gọi trả lại công bằng cho mọi người được sống, không phải để hưởng những gì mình có mà trả lại đúng nghĩa công bằng cho mọi phẩm giá của con người được tôn trọng. Không giống như những trào lưu của những cao bồi nghĩa hiệp được người ta ca tụng, chiếm lấy của người giàu để chia cho người nghèo. Sống công bằng theo Thánh Giuse là cách lựa chọn sống nghèo để thông chia với người nghèo trong những khả năng đã được nhận lãnh, thể hiện đời sống Tin Mừng một cách trung thành: “Anh em đã nhận một cách nhưng không hãy cho đi một cách nhưng không” (Mt 10, 8).

Thánh Giuse trong cách sống công bằng, chấp nhận cuộc sống đơn nghèo của mình để sẻ chia. Có thể thấy trong đời sống tự nguyện nghèo khó, một tâm hồn đã tôi luyện khỏi những ích kỷ, cái tôi, biện luận cho lối sống gây bất công. Cội rễ của bất công nằm trong tâm khảm của mỗi người khi “muốn ở trên và đối kháng với người khác” (Sứ Điệp Mùa Chay 2010, Benedicto XVI). Đón nhận tự nguyện đời sống nghèo khó để cùng với người nghèo khó xây dựng đời sống bảo vệ cho phẩm giá cao quý của con người, đó là chứng nhân cho công bằng giữa những bất công. 

Vị tha:

Ra khỏi cái tôi để hướng về người khác vì họ là “hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa” (St 1, 27). Trước hết để tách mình ra khỏi cái tôi “ích kỷ”, là hướng về Thiên Chúa, chỉ khi quy hướng về Thiên Chúa mới có thể thắng được cái tôi của mình. Ra khỏi là biến cố xuất hành của từng cá nhân, nghe Lời của Thiên Chúa ra khỏi chính mình và để thực hiện đời mình theo ý Chúa. 

Thánh Giuse cho thấy điểm quan trọng đó trong đời sống ra khỏi chính mình mà Thánh Kinh thuật lại: “Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” (Mt 1, 19 – 21). Quy chiếu cuộc đời của mình với ý muốn của Thiên Chúa, dẹp bỏ những dự định ước mơ của mình để ý muốn Thiên Chúa thực hiện. Ý muốn của Thiên Chúa bao giờ cũng là ý muốn hoàn hảo, không những cho cá nhân mà còn cho toàn thể nhân loại. Được xưng tụng là công chính, bởi vì Thánh Giuse đã thực hiện lời mời gọi “nên hoàn hảo như Cha trên trời là Đâng hoàn hảo” (Mt 5, 48), bằng cách thi hành ý muốn của Thiên Chúa.

Có ra khỏi chính mình quy hướng về Thiên Chúa mới có thể là tác nhân xây dựng công bằng trên trái đất được. Cụ thể ý muốn của Thiên Chúa được mạc khải trong Chúa Giêsu Kitô. Nghe Lời Chúa và đem ra thực hành là ra khỏi chính mình, để có được đặt ở trên người khác thì cũng có cách thi hành: “trở thành người phục vụ” (Mt 23, 11), loại trừ được tính đối kháng mà sống với nhau như anh chị em con một Cha trên trời.

Thánh Giuse, trong đời sống phục vụ chẳng thấy một lời lẽ nào được ghi lại. Phục vụ không phải là để tên tuổi mình được rạng danh mà để Danh Thiên Chúa hiển trị. Đó là mẫu gương đích thực cho đời sống phục vụ trong khiêm tốn và trong tình yêu.

Tình Yêu:

Đón nhận ý muốn của Thiên Chúa để thực hiện trong cuộc đời mình là thực hiện đời sống trong Tình Yêu.

Thánh Giuse, đón nhận ý muốn Thiên Chúa nhờ mặc khải về con trẻ sẽ được đặt tên là Giêsu, nghĩa là Thiên Chúa cứu độ dân Người. Đón nhận nên như khí cụ Thiên Chúa dùng thực thi công trình cứu độ. Thánh Giuse cũng như những người Do Thái mộ mến Thiên Chúa khác đã hiểu cụ thể rằng: Thiên Chúa yêu thương là Thiên Chúa giải thoát. Điều đó Chúa đã thực hiện với dân của Người khi đưa họ ra khỏi tình trạng nô lệ tại Ai Cập. Từ minh chứng cụ thể đó, dân Do Thái hiểu thêm, Thiên Chúa yêu thương cũng là Thiên Chúa đã giải thoát nhân loại khỏi hư vô mà tạo dựng nên con người. Giải thoát vượt xa tầm hiểu biết của con người “từ không đến có” và từ “tội lỗi đến chỗ tinh tuyền”. Nhờ vào đời sống kinh nghiệm về lòng yêu thương của Thiên Chúa, Thánh Giuse đã tự nguyện hiến dâng của lể chính cuộc đời của Ngài trở thành công cụ cho Giải Thoát.

Thánh Giuse, người công chính cũng chính trong điểm son này. Sống cuộc đời trở thành của lễ hiến dâng, cho Thiên Chúa và cho nhiều người. Cuộc sống không còn sống cho chính mình nữa mà là sống trong Thiên Chúa. Tình yêu không còn mang tính cá nhân nữa mà mang chiều kích Toàn Thể. Chỉ trong Đấng là cội nguồn mọi sự, cá nhân mỗi người mới được thực hiện trong Chúa Giêsu “trở nên tất cả cho mọi người, để cứu sống nhiều người” (1 Cor 9, 22). 

Sống tình yêu là cách sống đưa nhiều người về với Thiên Chúa, để chính Thiên Chúa giải thoát họ, đó là cách sống công bình trong Tình Yêu. Trả lại lẽ đúng cho con người, mọi người đều được Thiên Chúa yêu thương. 

Xin Thánh Giuse cầu bầu cho chúng con trong cuộc đời trần thế này, theo gương Ngài sống đáp lại Lời Chúa mời gọi: “Nên hoàn hảo”, thực thi đời sống trong kinh nghiệm giải thoát để ra khỏi chính mình và sống kết hiệp với Tình Yêu Chúa để nên mọi sự cho mọi người. 

 

Lịch sử ngày lễ: Ngày 19/03: Thánh Giuse - Bạn trăm năm Đức Trinh Nữ Maria

1. Ghi nhận lịch sử - Phụng Vụ

Việc tôn sùng thánh Giuse, bạn Đức Trinh Nữ Maria và là cha nuôi Đức Giêsu, được phổ biến bên Phương Đông từ thế kỷ thứ V, lan tràn sang Phương Tây vào thời Trung Cổ. Lễ này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 800, trong Hạnh các thánh tử đạo xứ Gaule, vào ngày 19.03, trùng hợp với ngày lễ một thầy phó tế của Antiochia cũng mang tên Josippe. Sau đó, việc tôn kính lan tràn khắp nơi vào thế kỷ thứ XIV, XV và XVI. Vào năm 1870, Đức Giáo Hoàng Piô IX công bố thánh Giuse là quan thầy Hội thánh (lễ ngày 19.03) và vào thánh 04 năm 1956, Đức Giáo Hoàng Piô XII thiết lập lễ thánh Giuse Thợ (01.05), quan thầy các thợ thuyền. Ngài cũng được tôn kính như thánh quan thầy các thợ mộc và người hấp hối.

Nhiều hình ảnh trình bày thánh Giuse dựa theo Phúc Âm và Ngụy Thư: Phép lạ cây gậy trổ hoa của Giotto, Padoua; Hôn nhân với Đức Trinh Nữ Maria của Raphael, Milan; giấc mơ của thánh Giuse của Georges de La Tour, Nantes; Trốn sang Ai Cập của Duccio, Sienne...

Thánh Giuse (tiếng Hipri: yôsep = xin Thiên Chúa thêm vào), con của Giacóp (Mt 1,16) hay Héli (Lc 3,23), cũng là “Con vua Đa-vít” (Mt 1,20). Tại Nazareth, ngài làm nghề tektôn (Mt 13,55) có nghĩa là: thợ xây nhà, thợ làm gỗ, đá hay kim loại. Ngài đính hôn với Maria vào lúc Thiên thần truyền tin (Mt 1,18; Lc 1,27). Ngài đón nhận Hài Nhi, hôn thê Maria và đóng vai trò quan trọng trong Tin Mừng thời thơ ấu (Mt 1 & Lc 1-2); trong Phúc Âm ngài được gọi là tektôn (thợ mộc), con ngài là Đức Giêsu.

Hình ảnh thánh nhân trong Tin Mừng gợi lên những ơn gọi trong Thánh Kinh. Lời loan báo cho biết về việc Đức Giêsu sinh ra (Mt 1,20-21) nhắc nhớ lại sự loan báo cho Abraham về sự sinh ra của Isaac và việc trốn chạy sang Ai Cập, việc lưu đày của Môisen đến Madian (Xh 4,19-23). Cũng như ông Noe (St 6,9), ngài được gọi là người công chính (Mt 1,19).

2. Thông điệp và tính thời sự

a. Trong niềm vui, chúng ta cử hành lễ thánh Giuse “người đầy tớ trung tín và khôn ngoan, Thiên Chúa đặt lên coi sóc gia đình Người”. Kinh Tiền tụng lấy lại đề tài sứ vụ “người công chính” được ban cho Đức Maria như người hôn phu và như “người tôi tớ trung tín và khôn ngoan”, Thiên Chúa gởi gấm gia đình mình. Phúc Âm thời thơ ấu chứng minh sứ vụ tiền định của thánh Giuse: ngài đem vị hôn thê về nhà mình và đặt tên cho hài nhi mà Đức Maria sinh hạ, là Giêsu (Mt 1,24-25). Ngài đem Đức Maria và trẻ Giêsu trốn sang Ai Cập và trở lại Israel khi Hérode qua đời, luôn luôn thực hiện sứ vụ làm cha.

b. Sự trung tín của thánh Giuse trong việc thực hiện sứ vụ được nhắc đến trong Tin Mừng thánh Matthêu: thánh Giuse thực hành điều Thiên thần truyền tin cho mình (1,24)... ngài chỗi dậy, đem con trẻ và mẹ em sang Ai Cập (2,14); Giuse tỉnh dậy, đem con trẻ và mẹ em, trở về đất Israel (2,21). Nhờ vào sự vâng phục tuyệt đối mà các lời tiên tri đều được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu, như có nói trong các Phúc Âm: Tất cả các việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ” (Mt 1,22; 2,23).

c. Thánh Giuse như một cha chăm sóc Con Một Thiên Chúa. Ngài gìn giữ các mầu nhiệm cứu độ, điều này cũng đầy rẩy những khó khăn. Đức Maria nói với Chúa Giêsu: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy ? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con” (Lc 2,48). Và Phúc Âm nhấn mạnh: “Nhưng ông Bà không hiểu lời Người vừa nói” (Lc 2,50). Dù vậy, Đức Giêsu luôn vâng phục cha mẹ mình, nhắc tới một Người Cha khác, Đấng là “nguồn của mọi tình phụ tử” (Ep 3,15): “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao ?” (Lc 2,49).

Cũng như Đức Maria, mẹ Đức Giêsu, trở thành Mẹ Hội thánh, thì thánh Giuse, “người gìn giữ trung thành” của Đức Giêsu, được tôn kính như “Đấng bảo vệ Hội thánh phổ quát”, Nhiệm Thể Chúa Kitô, mà ngài nâng đỡ nhờ lời cầu bầu. Như thánh Bernadin de Sienne kết thúc một bài giảng: “Lạy thánh Giuse, xin nhớ đến chúng con, xin cầu bầu cho chúng con nơi Con Nuôi của ngài; xin làm cho chúng con cũng được phù hộ nơi Đức Trinh Nữ Maria, hôn thê của ngài, cũng là Mẹ Đấng, cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, luôn sống và hiển trị muôn đời.”

Enzo Lodi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây