TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXVIII Thường Niên -Năm B

“Hãy đến theo tôi.” (Mc 10,17-30)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ HAI TUẦN 7 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 13/05/2024 14:37 |   370
Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. (Ga 19,26-27)

20/05/2024
thứ hai tuần 7 THƯỜNG NIÊN

Đức Maria, Mẹ Hội Thánh

Mẹ Giáo Hội

Ga 19,25-34


đưa mẹ về nhà mình
Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. (Ga 19,26-27)

Suy niệm: Đứng dưới chân thập giá Đức Ki-tô có Đức Ma-ri-a. Đứng bên cạnh Đức Ma-ri-a lại có người môn đệ Chúa thương mến. Khi cùng đứng chung với nhau trước cơn đau khổ, người ta thấy mình có liên hệ gần gũi với nhau hơn, người ta được tăng thêm sức mạnh. Lời trăng trối của Đức Giê-su càng củng cố làm cho mối liên hệ ấy trở nên bền vững. Trên thập giá Ngài thiết lập căn tính mới, liên hệ mới giữa Mẹ của Ngài với người môn đệ: Mẹ của Thầy cũng là Mẹ của anh. Khi phục sinh Chúa sẽ nói: “Thầy lên cùng Cha Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20,17).

Mời Bạn: Khi rước Mẹ về nhà mình, chúng ta được cùng với Mẹ thông phần cuộc khổ nạn với Đức Ki-tô. Giờ đây,  đau khổ của ta được thông phần với đau khổ của Chúa, cuộc chiến của ta chống lại ma quỷ, tội lỗi cũng chính là cuộc chiến mà Đức Ki-tô tham chiến và đã chiến thắng. Rước Mẹ về nhà mình, chúng ta được gần nhau hơn, gần Chúa hơn và nhất là được tăng sức mạnh mẽ hơn cho sứ mạng của chúng ta.

Sống Lời Chúa: Gia đình, cộng đoàn tôi “rước Mẹ về nhà mình” bằng cách cầu nguyện và lần chuỗi Mân Côi chung với nhau.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, Mẹ đứng kề Thánh Giá hiệp thông với Đức Giê-su Con Mẹ trong cuộc khổ nạn. Xin Mẹ dắt chúng con đến với Chúa để Thánh Giá Chúa trở nên bí tích cứu độ chúng con.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ hai tuần 7 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, tôi đã tin cậy vào đức từ bi của Chúa. Xin cho lòng tôi hân hoan vì ơn Chúa cứu độ, tôi sẽ hát mừng Chúa, vì Chúa ban ân huệ cho tôi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin giúp mọi người chúng con hằng để tâm suy nghĩ những gì là thiêng liêng cao thượng, và biết dùng lời nói việc làm để thực thi những điều đẹp ý Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Hc 1, 1-10

“Sự khôn ngoan được tác tạo trước mọi loài”.

Khởi đầu sách Huấn Ca.

Mọi sự khôn ngoan đều bởi Thiên Chúa, và luôn luôn đã ở với Người và có từ trước muôn thuở.

Ai đếm được cát biển, giọt mưa và số ngày từ muôn đời? Ai đã đo được trời cao, đất rộng và biển sâu? Ai có thể khám phá ra sự khôn ngoan của Thiên Chúa có trước muôn vật?

Sự khôn ngoan được tác tạo trước muôn loài, và trí khôn được dựng nên từ vạn kiếp. Nguồn mạch sự khôn ngoan là lời Thiên Chúa trên các tầng trời, và lối vào sự khôn ngoan là các giới răn vĩnh cửu.

Căn nguyên sự khôn ngoan được mạc khải cho ai? Ai hiểu biết được mưu toan của sự khôn ngoan? Luật lệ khôn ngoan đã được mạc khải và tiết lộ cho ai? Và ai thấu triệt được trăm ngàn đường lối của nó?

Chỉ có một Ðấng Tối Cao là Ðấng Tạo Thành toàn năng, là Vua uy quyền và rất đáng kính sợ, Người ngự trên toà sự khôn ngoan và là Thiên Chúa thống trị.

Chính Người đã tạo thành sự khôn ngoan trong Thánh Thần, Người đã nhìn xem, tính toán và đo lường. Người đã đặt nó trên mọi công trình của Người, trên mọi sinh linh tuỳ lòng rộng rãi của Người, Người đã phân phát nó cho những ai yêu mến Người.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 92, 1ab. 1c-2. 5

Ðáp: Chúa làm vua, Ngài đã mặc thiên oai

Xướng: Chúa làm vua, Ngài đã mặc thiên oai, Chúa đã vận uy quyền, Ngài đã thắt long đai.

Xướng: Và Ngài giữ vững địa cầu, nó sẽ không còn lung lay. Ngai báu của Ngài thiết lập từ muôn thuở, từ đời đời vẫn có Chúa.

Xướng: Lời chứng bảo của Ngài rất đáng tin, lạy Chúa, sự thánh thiện là của riêng nhà Ngài, cho tới muôn muôn ngàn thuở.

Bài Ðọc I: (Năm II) Gc 3, 13-18

“Nếu anh em có lòng thích cãi vã, thì đừng lên mặt”.

Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em thân mến, ai là kẻ khôn ngoan và từng trải trong anh em? Người ấy hãy lấy đời sống tốt lành mà bày tỏ công việc của mình thấm nhuần sự hiền từ khôn ngoan. Còn nếu anh em có lòng ganh tị chua cay và thích cãi vã, anh em đừng lên mặt và nói dối nghịch cùng sự thật. Vì thứ khôn ngoan đó không phải từ trời xuống, mà là thứ khôn ngoan phàm trần, mang nặng thú tính và là của ma quỷ. Bởi chưng ở đâu có ganh tị và cãi vã, ở đó có hỗn độn và đủ thứ tệ đoan. Nhưng sự khôn ngoan từ trời xuống, thì trước tiên là trong trắng, rồi ôn hoà, bao dung, nhu mì, hướng thiện, đầy lòng nhân từ và hoa quả tốt lành, không xét đoán thiên vị, không giả dối. Hoa quả của công chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 18, 8. 9. 10. 15

Ðáp: Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can (c. 9a).

Xướng: Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt.

Xướng: Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt.

Xướng: Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thật, công minh hết thảy.

Xướng: Xin Chúa nhậm những lời miệng con công bố, và sự lòng con suy gẫm trước thiên nhan, lạy Chúa là Ðá Tảng, là Ðấng Cứu chuộc con.

Alleluia

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Mc 9, 13-28 (Gr 14-29)

Lạy Thầy, tôi tin, xin Thầy trợ giúp đức tin hèn kém của tôi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu (từ trên núi xuống) và đến cùng các môn đệ, Người thấy một đám đông vây quanh các ông và những luật sĩ đang tranh luận với các ông.

Vừa thấy Người, tất cả đám đông kinh ngạc, họ sợ hãi và chạy đến chào Người. Và Người hỏi họ rằng: “Các ngươi tranh luận gì với nhau đó?” Một người trong đám đông trả lời rằng: “Lạy Thầy, tôi đem đến cùng Thầy đứa con trai tôi đang bị quỷ câm ám. Quỷ đột nhập vào nó bất kỳ ở đâu thì vật nó ngã xuống đất và nó xùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ ra. Tôi đã xin các môn đệ Thầy trừ quỷ, nhưng họ bất lực”. Người đáp lại: “Hỡi thế hệ cứng lòng tin, Ta còn ở giữa các ngươi đến bao giờ? Ta phải chịu đựng các ngươi đến bao giờ nữa? Ðem nó lại đây cho Ta”. Và người ta đem nó đến.

Vừa thấy Chúa Giêsu, quỷ liền dằn vặt đứa bé dữ dội, đứa bé ngã ra, xùi bọt mép, lăn lộn trên đất. Chúa Giêsu hỏi cha nó rằng: “Nó bị như thế từ bao giờ?” Ông ta đáp: “Thưa từ lúc bé! Quỷ thường xô nó vào lửa, vào nước để giết nó. Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì thì xin Thầy thương giúp chúng tôi”. Chúa Giêsu nói với ông: “Sao lại nói: Nếu Thầy có thể? Với kẻ nào tin, thì mọi sự đều có thể được”. Tức thì cha đứa bé khóc lóc kêu lên: “Thưa Thầy tôi tin, xin Thầy trợ giúp lòng tin yếu kém của tôi”. Chúa Giêsu thấy đám đông tuôn đến, Người nạt thần ô uế rằng: “Hỡi thần câm điếc, Ta truyền cho mi: hãy xuất ra khỏi nó và không được nhập vào nó nữa”. Sau khi kêu thét và dằn vật đứa trẻ dữ dội, quỷ xuất khỏi nó và đứa trẻ ra như chết, khiến đám đông nói: “Nó chết rồi”. Nhưng Chúa Giêsu cầm tay nó nâng dậy và nó đứng lên.

Khi Chúa vào trong nhà, các môn đệ hỏi riêng Người: “Tại sao chúng con lại không thể trừ được nó?” Người đáp: “Loại đó không thể trừ được, nếu không cầu nguyện và ăn chay”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con thành kính tiến dâng lễ vật này, để tôn vinh Danh Thánh; cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, để lễ tế hôm nay đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Tôi sẽ kể ra mọi điều lạ lùng của Chúa. Lạy Đấng Tối Cao, tôi sẽ mừng rỡ hân hoan trong Chúa, và sẽ đàn ca danh Chúa.

Hoặc đọc:

Thưa Thầy, con tin Thầy là Đức Kitô – Con Thiên Chúa hằng sống, đã đến trong thế gian.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã hứa ban phúc trường sinh cho tất cả những ai ăn bánh này; giờ đây xin nhớ lại lời hứa mà ban cho chúng con được hưởng ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

SỨC MẠNH CỦA CẦU NGUYỆN VÀ ĂN CHAY
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Sau khi biến hình trên núi có Gio-an, Gia-cô-bê và Phê-rô đi theo, Chúa Giê-su xuống núi thấy các môn đệ kia đang bị đám đông dân chúng gồm cả các luật sĩ, người bệnh vây quanh. Một cuộc tranh luận, không phải về lề luật hay về giáo lý, mà là việc chữa bệnh đang xảy ra giữa họ. Chúa Giê-su hỏi: “Các ngươi tranh luận gì với nhau đó?” (Mc 9,16). Giữa đám đông, người cha của đứa bé vội trình bày bệnh tình của con mình và kết: “Tôi đã xin các môn đệ Thầy trừ quỷ, nhưng họ bất lực” (Mc 9,18).

Đây chính là nguyên nhân chế giễu của các luật sĩ, các môn đệ Chúa Giê-su đã thất bại, không trừ được tên quỷ này. Chúa Giê-su buông lời thở dài trách: “Hỡi thế hệ cứng lòng tin” (Mc 9,19).

Lời than trách của Chúa Giê-su ngày xưa dường như đang muốn nói với con người thời nay, kể cả người Ki-tô hữu chúng ta là những kẻ cứng lòng tin. Vì cứng lòng tin, nên không cầu nguyện cũng chẳng ăn chay.

Các môn đệ hỏi Chúa lý do: “Tại sao chúng con lại không thể trừ được nó?” (Mc 9,28). Chúa Giê-su trả lời: “Loại đó không thể trừ được, nếu không cầu nguyện và ăn chay” (Mc 9,29). Như vậy, cầu nguyện và ăn chay là vũ khí sắc bén của người môn đệ Chúa và của chúng ta để chống trả trước cám dỗ và trừ quỷ. Chúng ta chuẩn bị bước vào Mùa Chay Thánh, Mùa của cầu nguyện, ăn chay và làm phúc. Xin Chúa ban ơn, để chúng ta có thể ăn chay và cầu nguyện cho nên. Amen.

 

CHÚA CHỮA NGƯỜI ĐỘNG KINH
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Tin mừng kể lại việc Đức Giê-su chữa một đứa bé bị kinh phong. Có thể nói, không có gì là đặc biệt, nếu phép lạ được thực hiện do Đức Giê-su, bởi vì Ngài là Thiên Chúa toàn năng làm được mọi sự. Nhưng điều quan trọng là phép lạ có thể xảy ra là do đức tin của con người. Thật thế, trong bất cứ phép lạ nào, Đức Giê-su cũng đòi hỏi con người phải tin, hoặc chính đương sự, hoặc cha mẹ hay người bảo trợ. Là Đấng Cứu Thế, Đức Giê-su yêu thương và muốn chữa con người khỏi mọi bệnh tật; nhưng mỗi khi thực hiện phép lạ để cứu chữa một người nào, Ngài cũng đòi hỏi phải có đức tin.

2. Một ông tướng quyết định tấn công, cho dù binh lính của ông chỉ bằng một phần mười quân địch. Ông quả quyết rằng sẽ thắng, nhưng lính của ông rất nghi ngờ.

Vì thế, trên đường đi tới trận chiến, ông dừng lại ở một nhà thờ và vào cầu nguyện. Khi ông trở ra, ông nói: “Tôi sẽ tung một đồng tiền lên. Nếu nó ngửa, chúng ta sẽ thắng. Nếu nó sấp, chúng ta sẽ thua. Vận mệnh bây giờ sẽ được tiết lộ nơi đó”.

Ông tung đồng tiền lên. Nó ngửa. Những người lính rất hăm hở vào trận đấu và tin rằng họ sẽ thắng cách dễ dàng.

Hôm sau, một sĩ quan có niềm tin mạnh mẽ nói với tướng quân: “Kết quả cho ta thấy rằng không ai có thể thay đổi cánh tay vận mệnh”

Tướng quân trả lời: Rất đúng”, và cho anh hay rằng đồng tiền có hai mặt ngửa” (Góp nhặt).

3. Quả thật, đức tin và đời sống cầu nguyện dường như là hai yếu tố không thể tách rời nhau. Muốn có đức tin phải cầu nguyện. Lúc cầu nguyện cũng phải có đức tin. Không có đức tin thì lời cầu nguyện trở thành trống rỗng không có đối tượng. Có đức tin nhưng không được bổ dưỡng bằng cầu nguyện thì đức tin ấy chẳng bao lâu sẽ bị chết yểu. Ngược lại, cầu nguyện mà không có đức tin thì lời cầu nguyện cũng trở thành vô nghĩa, không có mục đích.

Không gì bất hạnh bằng khi không có niềm tin trong cuộc sống. Thế nên, Mẹ Têrêsa Calcutta đã nói với một phóng viên: Muốn có đức tin ông phải cầu nguyện”. Người ta phải cầu nguyện mới có đức tin, bởi vì đức tin là một ân ban bởi trời.

Đức tin không là kết quả của cuộc tìm kiếm. Triết gia Blaise Pascal đã có lần nói: Nếu bạn muốn có đức tin, bạn hãy quì gối xuống và cầu nguyện”.

4. Một tác giả khuyết danh đã viết một câu chuyện thú vị có tên “Đại hội Satan” (Lm Phan Quang SDV dịch, nguồn internet) để nói về phương cách cám dỗ. Mục tiêu Đại hội này nhắm tới là đưa ra kế sách cám dỗ con người thời nay. Phương án tối ưu được Đại hội nhất trí thông qua là “Phải tìm cách cướp đi thời giờ của đám đồ đệ Giê-su – Làm thế nào, chúng nó sẽ không còn thời gian để mà thể nghiệm Giê-su trong cuộc sống của nó nữa”. Điều mà Đại ca Satan muốn các tiểu quỷ phải làm: Dụ dỗ nó tiêu tiền… để rồi phải bận rộn với các kế hoạch kiếm tiền; đổ đầy tâm trí tụi nó những tin tức tiêu cực hầu gây kích động, và dùng những thứ văn hóa đồi trụy để đẩy chúng đến chỗ ăn chơi bạt mạng… Theo nhận định của Đại ca Satan: “Nếu như chúng nó và Giê-su một khi đã thiết lập quan hệ thì khả năng chống chế của chúng ta kể như đi đoong. Đến lúc đó, chúng ta sẽ sập tiệm”.

Sự ác đang lan tràn và nhiều người bất lực trong việc chống trả, kể cả các Ki-tô hữu. Ngày xưa các Tông đồ cũng đã đương đầu với khó khăn này: ”Tại sao chúng con đây không trừ nổi tên quỉ ấy” ? Giải pháp của Chúa là: ”Chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi” (5 phút Lời Chúa).

5. Các Tông đồ không trừ được quỷ, không phải vì quyền năng trước đó Đức Giê-su ban cho các ông khi đi truyền giáo không đầy đủ, nhưng do các ông ỷ lại vào sức mình.

Theo đoạn kết Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su bảo các môn đệ rằng chỉ trừ được quỷ này bằng lời cầu nguyện, nghĩa là phải dùng sức mạnh của Chúa mới trừ được mà muốn có sức mạnh từ nơi Chúa thì phải kết hợp với Người qua đời sống cầu nguyện.

Trong khi các môn đệ lúc “vắng Chúa” đã ỷ vào sức riêng mình để làm phép lạ vì cứ tưởng mình có quyền ấy mà không cần đến Chúa. Đó cũng là một sự yếu kém về đức tin. Không ít người trong chúng ta  cũng thế, khi thành công thì luôn nghĩ là do tài năng của mình mà quên Chúa, khi khó khăn hay đứng trước mưu ma chước quỷ lại dại dột  dùng sức riêng để chống lại và rồi thất bại ê chề. Hôm nay Đức Giê-su nhắc cho chúng ta rằng, quỷ chỉ sợ cầu nguyện, vì khi cầu nguyện là chúng ta đang dùng lấy sức mạnh của Chúa mà làm cho ma quỉ khiếp đảm.

6. Truyện: Hãy ăn chay và cầu nguyện.

Ngày nọ, một linh mục đến hỏi thánh Gioan Vianney bí quyết làm cho xứ đạo được đạo đức, thánh thiện. Thánh nhân trả lời:

– Ngài đã làm gì rồi?

Cha kia đáp:

– Con đã tổ chức hội đoàn, con mời gọi học giáo lý, con cho thực hiện những cuộc rước kiệu… Thế nhưng xứ con giáo dân vẫn lười biếng, bê bối.

Thánh Vianney hỏi lại:

– Thế cha đã ăn chay cầu nguyện chưa?

Nghe câu hỏi đó cha sở này thú thực là chưa.

– Vậy cha hãy về ăn chay, cầu nguyện nhiều hơn, xứ đạo cha sẽ biến đổi.

 


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Đức Maria, Mẹ Hội Thánh

Ca nhập lễ

Các môn đệ đồng tâm kiên trì cầu nguyện cùng với Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa là Cha hay thương xót, khi chịu treo trên thập giá, Con Một Chúa đã trao ban Đức Trinh Nữ Maria, thân mẫu Người, làm Mẹ chúng con, nhờ có Đức Mẹ yêu thương trợ giúp, xin cho Hội Thánh Chúa đang ngày càng thêm đông số, được mừng vui vì sự thánh thiện của con cái, và dẫn đưa tất cả muôn dân nhập đoàn cùng Hội Thánh Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Con Chúa, Chúa chúng con, Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời.

Bài đọc I: St 3,9-15.20

 “Mẹ của toàn thể chúng sinh”

Bài trích sách Sáng thế

Sau khi Ađam ăn trái cấm, Chúa là Thiên Chúa đã gọi ông và nói cùng ông rằng: “Ngươi ở đâu vậy?” Ông thưa: “Con nghe tiếng Ngài trong vườn, nhưng con sợ hãi, vì con trần truồng và con ẩn núp”. Chúa hỏi ông: “Ai đã cho ngươi biết ngươi đang trần truồng? Có phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta cấm ngươi ăn không?” Ađam thưa: “Người phụ nữ mà Ngài đã cho làm bạn với con, chính bà ấy đã cho con trái cây và con đã ăn”.Chúa là Thiên Chúa nói cùng người phụ nữ rằng: “Tại sao ngươi làm điều đó?” Người phụ nữ thưa: “Con rắn đã lừa dối con, và con đã ăn”. Chúa là Thiên Chúa phán cùng con rắn rằng: “Bởi vì mi đã làm điều đó, mi là thứ bị chúc dữ giữa mọi súc vật và thú hoang! Mi sẽ bò bằng bụng và sẽ ăn bụi đất suốt đời mi. Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ Bà, người miêu duệ này sẽ đạp đầu mi, còn mi sẽ cắn gót chân người”. Rồi Ađam đặt tên cho vợ mình là Evà, vì bà là mẹ của chúng sinh.

Đó là Lời Chúa.

Hoặc: Cv 1,12-14

“Các Tông đồ đồng tâm kiên trì cầu nguyện cùng với Đức Maria, mẹ của Chúa Giêsu”

Bài trích sách Công vụ Tông đồ

Sau khi Chúa Giêsu lên trời, các Tông đồ rời núi Cây Dầu trở về Giêrusalem, núi này ở gần Giêrusalem, chỉ cách một quãng đường được đi trong ngày sabbat. Sau khi trở về thành, các ông lên phòng trên lầu. Hiện diện tại đây có các ông Phêrô, Gioan, Giacôbê, Anrê, Philipphê, Tôma, Bartôlômêô, Matthêu, Giacôbê con ông Alphê, Simon nhiệt thành, và Giuđa con ông Giacôbê. Mọi người đều đồng tâm kiên trì cầu nguyện, cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria, mẹ của Chúa Giêsu, và các anh em Người.

Đó là Lời Chúa.

Đáp ca: Tv 86 (87) 1-2.3 và 5.6-7

Đáp: Hỡi thành đô của Thiên Chúa, mọi người truyền tụng những điều hiển hách về thành.

Xướng: Nền móng Sion được đặt trên núi thánh, Chúa yêu chuộng cửa thành hơn mọi nơi cư ngụ của nhà Giacob. Hỡi thành đô của Thiên Chúa. Mọi người truyền tụng những điều hiển hách về thành.

Xướng: Nói đến Sion, thiên hạ bảo: “Tại đó, người người đã sinh ra, chính Đấng Tối Cao củng cố thành”.

Xướng: Thiên Chúa ghi vào sổ bộ các dân: “Kẻ này người nọ đã sinh ra tại đó”, và họ múa nhảy hát ca: “Mọi nguồn mạch của tôi ở nơi thành”.

Alleluia

Alleluia! Alleluia! Kính chào Đức Trinh Nữ diễm phúc, Mẹ đã hạ sinh Chúa Giêsu. Kính chào Mẹ Hội Thánh, Mẹ là Đấng giữ gìn trong chúng conThần Khí của Thánh Tử Giêsu Kitô

Phúc Âm: Ga 19, 25-27

Này là Con Bà. Này là Mẹ con.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan

Khi ấy, đứng gần thập giá Chúa Giêsu, có mẹ Người, cùng với chị mẹ Người là bà Maria, vợ ông Clêôpas và Maria Mađalêna. Khi thấy mẹ và bên cạnh có môn đệ Người yêu, Chúa Giêsu nói với mẹ rằng: “Thưa Bà, này là Con Bà”. Rồi Người nói với môn đệ: “Này là Mẹ con”. Và từ giờ đó môn đệ đã đón bà về nhà mình.

Đó là Lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin thương chấp nhận và biến đổi của lễ chúng con dâng thành bí tích cứu độ, xin cho lòng chúng con cũng cháy bừng lửa yêu mến như Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh, và ước chi sức mạnh của bí tích này thúc đẩy chúng con cộng tác mật thiết hơn vào công trình cứu chuộc. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Kinh Tiền tụng: Đức Maria là khuôn mẫu và là Mẹ của Hội Thánh.

X: Chúa ở cùng anh chị em.

Đ: Và ở cùng cha.

X: Hãy nâng tâm hồn lên.

Đ: Chúng con đang hướng về Chúa.

X: Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta.

Đ: Thật là chính đáng.

Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con. Mỗi khi kính nhớ Đức Trinh Nữ Maria, chúng con dâng lời ngợi khen tung hô Chúa.

Khi đón nhận Lời Chúa với tâm hồn trong trắng, Mẹ đã cưu mang Ngôi Lời trong cung lòng khiết trinh, và khi hạ sinh Đấng thiết lập Hội Thánh, Mẹ đã cộng tác trong việc khai sinh Hội Thánh. Khi đứng bên thập giá, Mẹ đón nhận lời trối đầy yêu thương của Con Chúa, và đã nhận tất cả mọi người làm con, những người được tái sinh vào đời sống siêu nhiên nhờ cái chết của Đức Kitô. Khi cùng các Tông đồ trông đợi Đấng Chúa hứa ban, Mẹ đã hợp với các ngài tha thiết khẩn cầu, và nên mẫu gương cho một Hội Thánh không ngừng cầu nguyện. Khi được đưa lên cõi vinh quang thiên quốc, Mẹ vẫn lấy lòng từ mẫu dõi theo Hội Thánh đang còn lữ hành, và ân cần phù trợ Hội Thánh trên đường về quê trời, cho tới ngày Chúa Kitô ngự đến trong vinh quang.

Vì thế, cùng với toàn thể Thiên thần và các Thánh, chúng con hợp tiếng ca ngợi Chúa và tung hô rằng:

Thánh, Thánh, Thánh, Chúa là Thiên Chúa các đạo binh, …

Ca hiệp lễ

Có tiệc cưới tại Cana xứ Galilêa, và có mẹ Chúa Giêsu ở đó; bấy giờ Chúa Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên và đã tỏ vinh quang của Người, và các môn đệ đã tin Người.

Hoặc:                                                                                     

Lúc bị treo trên thập giá, Chúa Giêsu nói với môn đệ Người yêu: Này là Mẹ con.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa lãnh nhận bảo chứng ơn cứu chuộc và sự sống, xin cho Hội Thánh Chúa, nhờ sự trợ giúp của Thánh mẫu Maria, luôn nhiệt thành rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc và làm cho địa cầu được đầy tràn Chúa Thánh Thần. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Suy niệm

SUY NIỆM LỄ ĐỨC MARIA – MẸ HỘI THÁNH (St 3, 9-15.20; Ga 19, 25-27)
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Thứ Hai, sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Giáo Hội truyền dạy chúng ta cử hành lễ kính nhớ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh với niềm vui khôn tả.

Thiên Chúa nhân hậu và khôn ngoan khi muốn thực hiện công việc cứu chuộc thế giới vào thời cuối cùng, “đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà” (Gl 4,4), và Người Con đó “đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria” (Kinh Tin Kính).

Đức Mẹ Chúa Kitô

Không có gì lạ, khi có người đặt câu hỏi: chúng ta có nên gọi Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa không?Chẳng lẽ Đức Maria, Đấng đã hạ sinh Chúa Giêsu lại không phải là Mẹ Chúa Kitô?

Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người, có hồn có xác. Thánh Công đồng Nicêa dạy, chính Con duy nhất của Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha, đồng bản thể với Chúa Cha, nhờ Người mà muôn vật được tạo thành, và tất cả tồn tại trong Người, vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế, nhập thể, làm người, chịu chết, đã sống lại, và Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét; Công đồng tuyên phán: chỉ có Chúa Giêsu Kitô là Ngôi Lời Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha, giống Chúa Cha. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi sánh sáng, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha… Nên Đức Maria được gọi là Mẹ Chúa Kitô.

Đức Maria đã được các giáo phụ ca ngợi, đặc biệt là thánh Ambrôsiô thành Milan (thế kỷ IV) khi nói: “Đức Maria là Đền Thờ của Thiên Chúa chứ không phải Thiên Chúa của Đền Thờ”. Thánh Ignatiô thành Antiokia (+ 110) là người đầu tiên nêu tên Đức Maria sau các sách Tin Mừng: “Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô đã được Đức Maria cưu mang trong lòng theo nhiệm cục cứu độ” và “Đức Giêsu cũng được sinh ra bởi Đức Maria và bởi Thiên Chúa”.

Tại Đông phương, kể từ năm 350, người ta đã tuyên dương Mẹ là “Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể ”. Như thánh Grégoire de Nazianze (330 – 390) đã viết: “Đức Kitô sinh bởi một Trinh Nữ, người nữ ấy là Mẹ Chúa Kitô”.

Đức Mẹ Hội Thánh

Hiến chế tín lý Lumen Gentium, số 53 của Công Đồng Vatican ô II viết: Vì đã cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa Giêsu, đã dâng Con lên Chúa Cha trong đền thánh, và cũng đau khổ với Con mình chết trên thập giá, Ðức Maria đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Ðấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng. Ngài thật là Mẹ chúng ta” (LG 61).

Thật vậy, Đức Trinh Nữ Ma-ri-a… được nhận biết và tôn kính với tư cách là Mẹ thật của Thiên Chúa là Đấng Cứu Chuộc… Mẹ cũng ‘thật là Mẹ các chi thể của Đức Ki-tô’… bởi vì đã cộng tác bằng đức mến để các tín hữu được sinh ra trong Hội Thánh, được làm chi thể của Đức Kitô là Đầu của Hội Thánh.” 525 “Đức Ma-ri-a,… Mẹ Đức Ki-tô, cũng là Mẹ… Hội Thánh” (x.GLHTCG số 963).

Công việc cứu chuộc vẫn tiếp tục trong Hội Thánh, là thân thể Chúa Kitô. Trong thân thể này, Ðức Maria có mặt như một chi thể trổi vượt, liên kết mật thiết với Ðầu, và hằng yêu thương, bảo vệ hướng dẫn các chi thể khác là các tín hữu, với lòng của người Mẹ hiền.

Sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống Giáo Hội lễ kính Mẹ

Việc sùng kính Mẹ vào thứ Hai sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống nhắc nhớ chúng ta rằng, sau khi Ðức Giêsu lên trời, Ðức Maria đã ở giữa các Tông đồ, như người Mẹ “giữa một đàn em đông đúc” của Ðức Giêsu (Rm 8,29), Con của Mẹ. Đức Mẹ cùng cầu nguyện với Hội Thánh sơ khai: “Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Ðức Giêsu, và với anh em của Ðức Giêsu” (Cv 1,14). Hơn nữa: “Ðức Maria cũng tha thiết cầu xin Thiên Chúa ban Thánh Thần, là Ðấng đã bao phủ lấy Người trong ngày Truyền Tin” (LG 59), và “ai nấy được tràn đầy ơn Thánh Thần” (Cv 2-4) trong ngày lễ Ngũ Tuần. Sau cuộc đời trần thế, Ðức Maria đã được đưa lên trời cả hồn lẫn xác để hưởng vinh quang thiên quốc. Mẹ là người đầu tiên được tham dự vào cuộc Phục Sinh của Con Mẹ, và như vậy Mẹ là dấu chỉ báo trước và bảo đảm cho các Kitô hữu được sống lại với Chúa Kitô. Mẹ ở trên trên vẫn tiếp tục thiên chức làm mẹ bằng việc chuyển cầu cho tới khi Hội Thánh đạt tới quê trời (LG 62).

Hội Thánh luôn dành cho Ðức Maria lòng yêu mến và tôn kính rất đặc biệt, vượt trên các thiên thần và các thánh. Mẹ là mẫu mực của Hội Thánh trên bình diện đức tin, đức ái và hiệp nhất hoàn hảo với Chúa Kitô” (GH 63). Là hình ảnh của Hội Thánh tại thế “Hội Thánh vì ôm ấp những kẻ có tội trong lòng” (GH 8) hướng nhìn lên Ðức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, một phần tử ưu tú của mình, đã chiến thắng tội lỗi, nhờ hồng ân Chúa Kitô. Vì thế, Hội Thánh luôn luôn kiên trì và tin tưởng trong hành trình đức tin trên trần gian. “Ngày nay, trên trời Mẹ Ðức Giêsu đã được vinh hiển cả hồn và xác, là hình ảnh và khởi thủy của Hội Thánh phải hoàn thành đời sau; đồng thời, dưới đất này, cho tới ngày Chúa đến (2Pr. 3,10).

Lạy Mẹ Hội Thánh, trong hoàn cảnh bi đát hiện nay, đầy đau khổ và lo lắng đang bao trùm cả thế giới vì đại dịch, chúng con cầu xin Mẹ, chúng con tìm nương ẩn dưới sự che chở của Mẹ. Xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện trong cơn gian nan khốn khó, xin giải thoát chúng con khỏi mọi hiểm nguy.

Đức Mẹ Hội Thánh, cầu cho chúng con. Amen.

TÌNH THƯƠNG MẸ HIỀN NÂNG ĐỠ
(LỄ ĐỨC MARIA – MẸ HỘI THÁNH)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Đức Maria – Mẹ Hội Thánh, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Khi chịu đóng đinh trên thập giá, Con Một Chúa đã muốn Đức Trinh Nữ Maria, thân mẫu Người, làm Mẹ chúng ta. Nhờ tình thương Mẹ hiền nâng đỡ, xin cho Hội Thánh được vui mừng: vì đoàn con thánh thiện, và vì muôn dân quy tụ về nên một trong Chúa.

Tước hiệu Mẹ Hội Thánh được dành cho Đức Trinh Nữ Maria, bởi vì, chính Mẹ đã sinh hạ Đức Kitô là Đầu của Hội Thánh, và trước khi Con lòng Mẹ trút hơi thở trên thập giá, Mẹ trở nên Hiền Mẫu của những kẻ được cứu chuộc. Đức Phaolô VI đã long trọng xác nhận danh hiệu này, trong diễn từ đọc trước các nghị phụ Công Đồng Vaticanô II ngày 21/11/1964, và quyết định: Toàn dân Kitô giáo xưa nay đã tôn kính Thánh Mẫu Thiên Chúa bằng danh hiệu rất dịu ngọt này, thì nay còn phải tôn kính hơn nữa.

Nhờ tình thương Mẹ hiền nâng đỡ, xin Chúa cho chúng ta biết nhận ra rằng: chỉ có Chúa là bền vững, còn mọi sự đều mau qua chóng tàn, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Giảng Viên đã cho thấy: Thú vui không đem lại hạnh phúc thật: hoạt động của con người, dưới bất cứ hình thức nào cũng thế. Cái chết kết liễu cả hai. Cái chết làm cho chính cuộc sống nên đáng ghét, đối với người Sêmít, đây là nghịch lý, lời nói không diễn tả hết được. Trong khung cảnh đổ vỡ này, chỉ còn một thực tại duy nhất đứng vững, đó là Thiên Chúa và kế hoạch Người muốn thực hiện cho con người: Ai đẹp lòng Thiên Chúa, thì Người ban cho trí khôn ngoan, sự hiểu biết và niềm vui; ai có tội, thì Người bắt phải vất vả gom góp và tích trữ để trao lại cho kẻ đẹp lòng Người. Điều ấy cũng chỉ là phù vân, chỉ là công dã tràng xe cát.

Nhờ tình thương Mẹ hiền nâng đỡ, xin Chúa cho chúng ta biết bắt chước các nhân đức của Mẹ, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, Đức Phaolô VI đã nói: Trong cuộc đời phải chết này, khi diễn tả mẫu người môn đệ hoàn hảo của Đức Kitô, Mẹ đã nêu gương mọi nhân đức và đã hoạ lại đầy đủ các mối phúc Đức Kitô rao giảng. Vì thế, khi quảng diễn sức sống thiên hình vạn trạng và đầy năng động nhiệt thành của mình, toàn thể Hội Thánh nhận Đức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa làm mẫu gương tuyệt vời mà bắt chước Đức Kitô cách hoàn hảo.

Nhờ tình thương Mẹ hiền nâng đỡ, xin Chúa cho chúng ta biết vững tin vào lời hứa cứu độ của Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Sáng Thế tường thuật lại, Chúa nói với con rắn: Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 86, vịnh gia cũng cho thấy Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa cứu độ của Người: Thành của Thiên Chúa hỡi, thiên hạ nói bao điều hiển hách về thành! Chúa ghi vào sổ bộ các dân: “Kẻ này người nọ đều sinh ra tại đó.” Và ai nấy múa nhảy hát ca: “Xion hỡi, mọi nguồn gốc của tôi ở nơi thành.”

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Lạy Đức Nữ Trinh diễm phúc, Đấng đã sinh hạ Chúa Trời. Lạy Thân Mẫu hồng phúc của Hội Thánh, Đấng giữ nơi chúng con lửa Thần Khí của Đức Giêsu Kitô, Con lòng Mẹ. Trong bài Tin Mừng, thánh Gioan tường thuật lại biến cố dưới chân thập giá: Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: Thưa Bà, đây là con của Bà. Rồi, Người nói với môn đệ: Đây là mẹ của anh. Đức Maria đã vâng lời Thiên Chúa cho đến cùng dưới chân thập giá, cho nên, Mẹ đã trở thành Mẹ của Hội Thánh, Mẹ của toàn thể nhân loại. Ước gì chúng ta cũng biết mau mắn vâng lời Chúa như Mẹ, để cũng như Mẹ, chúng ta cưu mang và sinh hạ Chúa cho thế giới hôm nay. Ước gì được như thế!

NGÔI NHÀ NGỌT NGÀO
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình!”.

Nhà tâm thần học Turnbull nói, “Trong những ngôi nhà vắng bóng người cha, thái độ của người mẹ và mức độ bảo vệ của bà đối với người con, dường như là chìa khoá cho sự phát triển của một đứa bé. Thời điểm quan trọng nhất là từ 30 tháng tuổi đến 5 tuổi và giai đoạn đầu của tuổi vị thành niên. Đó là ‘ngôi nhà ngọt ngào’ nhất của một đời người!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Không chỉ thời thơ ấu của một đời người, nhưng ở mọi tuổi, ngôi nhà có mẹ luôn là ‘ngôi nhà ngọt ngào!’. Tin Mừng ngày lễ “Trinh Nữ Maria, Mẹ Giáo Hội” nói đến sự ngọt ngào đó, và nó vẫn ngọt ngào cả trong những hoàn cảnh bi đát nhất. Từ chân thập giá, Gioan đón Mẹ Chúa Giêsu về; ông viết, “Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình!”.

Năm 2018, khi Đức Phanxicô thiết lập lễ này, Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Phụng Tự, Robert Sarah nói, “Việc cử hành lễ này giúp chúng ta nhớ rằng, sự trưởng thành trong đời sống Kitô hữu phải gắn liền với 3 mầu nhiệm: “Thánh Giá, Thánh Thể và Thánh Mẫu”, người mẹ đã làm nên ‘Lễ Dâng’ của mình mà dâng lên Thiên Chúa!”.

Vị Hồng Y nói thêm, “Hãy thả neo vào Thánh Giá, Thánh Thể và Thánh Mẫu!”. Gioan ghi lại hình ảnh thánh thiện của Maria trước thập giá của Con; ở đó, Mẹ đã nghe Chúa Giêsu nói những lời sau cùng, “Tôi khát!”; đoạn, Ngài tuyên bố, “Mọi sự đã hoàn tất!”. Maria đã có mặt như một nhân chứng khi thập giá của Con mình trở nên nguồn ơn cứu rỗi cho thế giới! Sau khi nếm giấm, Chúa Giêsu hoàn thành việc thiết lập hy lễ Vượt Qua Mới, Hy Lễ Mới và Giao Ước Mới, Giao Ước Vĩnh Cửu vốn gọi là Bí tích Thánh Thể!

Ngoài ra, ngay trước khi Chúa Giêsu chết; tuyệt vời thay, các cố ngày xưa không gọi “Ngài tắt hơi” nhưng gọi “Chúa Giêsu sinh thì”, nghĩa là trước thời khắc Ngài “được sinh lại trong Chúa Cha”, thấy Gioan kề bên, Ngài nói với Mẹ, “Đây là con của Mẹ!”. Nghĩa là giờ đây, mỗi thành viên trong Hội Thánh được trao cho Mẹ; và Ngài nói với Gioan, “Này là Mẹ của con!”. Gioan đại diện Hội Thánh đón nhận quà tặng, chính Mẹ Ngài, và “rước bà về nhà mình!”. Không thể ngọt ngào hơn! Nhà người môn đệ là Hội Thánh, kể từ đó, trở nên ‘ngôi nhà ngọt ngào!’.

Sự ngọt ngào của ngôi nhà Hội Thánh đưa chúng ta về với sự ngọt ngào của Vườn Địa Đàng. Bài đọc Sáng Thế hôm nay cho biết, ở đó, cũng có một bà mẹ. Nhưng sự ngọt ngào ở đó đã bị đánh mất. May thay, Maria, người mà lời hứa ‘tiền Tin Mừng’ ám chỉ, như một Evà mới, trả lại sự ngọt ngào cho gia đình nhân loại, gia đình nay được cứu chuộc; và gia đình Hội Thánh, nay là Giêrusalem mới, thành đô mới; một thành được chúc phúc như Thánh Vịnh đáp ca tiên báo, “Thành của Thiên Chúa hỡi, thiên hạ nói bao điều hiển hách về thành!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Hãy thả neo vào Thánh Giá, Thánh Thể và Thánh Mẫu!”. Mừng kính lễ Đức Maria, Mẹ Giáo Hội, bạn và tôi tự hỏi, liệu chúng ta có sẵn sàng ôm lấy thập giá đời mình tháp vào Thánh Giá ​​đời Chúa để cùng Ngài trở nên công cụ cứu độ thế giới? Bạn có ở lại đủ với Thánh Thể mỗi ngày để múc lấy sức sống hầu có thể vác thập giá đời mình? Để không là con mồ côi, bạn có yêu Mẹ Maria đủ để linh hồn bạn luôn là một ‘ngôi nhà ngọt ngào?’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Mẹ Maria, xin ở lại với con! Đừng để người ta nói ‘con là con mồ côi!’”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây