18/05/2024
thứ bảy tuần 7 PHỤC SINH
Thánh Gioan I, giáo hoàng, tử đạo
Ga 21,20-25
để nên giống chúa hơn
Còn có nhiều điều khác Đức Giê-su đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra. (Ga 21,20-25)
Suy niệm: Câu kết thúc của Tin Mừng theo thánh Gio-an tưởng chừng là dấu chấm hết nhưng lại mở ra một viễn cảnh mới dẫn chúng ta vào kho tàng vô tận là mầu nhiệm Chúa Ki-tô. Có những điều Chúa nói, ngôn từ thật đơn sơ, nhưng ý nghĩa thì sâu thẳm: “Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy” (Ga 3,8). Có “người môn đệ kia” theo sát Thầy từng bước đến cả dưới chân thập giá, chỉ tự nhận mình là “người được Chúa thương mến”, phải chăng có ý dành một khoảng trống để mỗi người đọc điền tên mình vào chỗ người môn đệ bí ẩn đó? Và chính Đức Giê-su là một huyền nhiệm vô biên vô cùng như Ngài nói với Phi-líp-phê: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh chưa biết Thầy ư?” Chúa mang thân phận con người như chúng ta, nhưng Ngài là chính Con Một Thiên Chúa. Càng chiêm ngắm những gì Chúa nói, Chúa dạy, Chúa sống, ta càng đi sâu vào mầu nhiệm và càng gần Chúa hơn để giống Ngài hơn. Phúc Âm Gio-an kết thúc để mở ra tới vô cùng là như vậy.
Bạn thân mến, hẳn bạn cảm nghiệm được Lời Chúa không phải là những con chữ chết khô nằm trong cuốn sách gọi là Kinh Thánh. Trái lại, đó là Lời Hằng Sống; khi bạn suy gẫm Lời Chúa, bạn đi vào trò chuyện với Chúa đang sống. Bạn nhớ dành thời gian để đọc và suy gẫm mỗi ngày để sống thân tình với Chúa và nên giống Ngài hơn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Lời Chúa là sức sống của con. Xin cho con luôn say mê Lời Ngài. Amen.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ bảy tuần 7 PHỤC SINH
Ca nhập lễ
Các môn đệ đồng tâm kiên trì cầu nguyện, cùng với mấy người phụ nữ và Maria mẹ Chúa Giêsu, và với các anh em của Người – Alleluia.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã cho chúng con được hoan hỷ sống trọn mùa Phục Sinh này; xin Chúa cũng ban ơn giúp chúng con biết ăn ở thế nào để chứng tỏ Ðức Kitô đã đổi mới chúng con. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
Bài Ðọc I: Cv 28, 16-20. 30-31
“Ngài ở lại Rôma, rao giảng nước Thiên Chúa”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Khi chúng tôi đến Rôma, Phaolô được phép ở nhà riêng với người lính canh. Sau ba hôm, ngài mời các đầu mục người Do-thái đến. Khi họ đến, ngài nói với họ: “Thưa anh em, dầu tôi đây không làm điều gì phạm đến dân tộc hay tục lệ tổ tiên, mà tôi đã bị bắt tại Giêrusa-lem và bị nộp trong tay người Rôma. Khi đã điều tra, họ muốn thả tôi vì tôi không có tội gì đáng chết. Nhưng người Do-thái chống lại, nên tôi buộc lòng phải nại đến hoàng đế, nhưng không phải là tôi có gì kiện cáo dân tôi. Do đó tôi đã xin gặp anh em và nói chuyện: Chính vì niềm hy vọng của Israel mà tôi phải mang xiềng xích này”.
Suốt hai năm, ngài trú tại ngôi nhà đã thuê, tiếp nhận tất cả những ai đến gặp ngài, ngài rao giảng nước Thiên Chúa và dạy dỗ những điều về Chúa Giêsu Kitô một cách dạn dĩ, không có ai ngăn cấm.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 10, 5. 6 và 8
Ðáp: Lạy Chúa, người chính trực sẽ nhìn thấy tôn nhan Chúa
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: Chúa kiểm soát người hiền đức, kẻ ác nhân, ai chuộng điều ác, thì linh hồn Người ghét bỏ.
Xướng: Trên lũ tội nhân Người làm mưa than đỏ diêm sinh, và phần chén của chúng là luồng gió lửa. Bởi Chúa công minh, nên Người thích chuyện công minh, người chính trực sẽ nhìn thấy thiên nhan.
Alleluia: Ga 14, 16
Alleluia, alleluia! – Thánh Thần sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con. – Alleluia.
(Hoặc đọc: Alleluia, alleluia! Chúa nói: Thầy sẽ sai Thần Khí sự thật đến với anh em; Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Alleluia.)
Phúc Âm: Ga 21, 20-25
“Chính môn đệ này làm chứng về những việc đó và đã viết ra”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Phêrô quay lại, thấy môn đệ Chúa Giêsu yêu mến theo sau, cũng là người nằm sát ngực Chúa trong bữa ăn tối và hỏi “Thưa Thầy, ai là người sẽ nộp Thầy?” Vậy khi thấy môn đệ đó, Phêrô hỏi Chúa Giêsu rằng: “Còn người này thì sao?” Chúa Giêsu đáp: “Nếu Thầy muốn nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến con? Phần con, cứ theo Thầy”. Vì thế, có tiếng đồn trong anh em là môn đệ này sẽ không chết. Nhưng Chúa Giêsu không nói với Phêrô: “Nó sẽ không chết”, mà Người chỉ nói: “Nếu Thầy muốn nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến con”.
Chính môn đệ này làm chứng về những việc đó và đã viết ra, và chúng tôi biết lời chứng của người ấy xác thật. Còn nhiều việc khác Chúa Giêsu đã làm, nếu chép lại từng việc một thì tôi thiết tưởng cả thế giới cũng không thể chứa hết các sách viết ra.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần là Ðấng đem lại ơn tha tội ngự xuống lòng chúng con, để Người chuẩn bị chúng con cử hành lễ tế này. Chúng con cầu xin…
Lời tiền tụng Phục Sinh hay Thăng Thiên
Ca hiệp lễ
Chúa phán: “Thánh Thần sẽ làm vì danh Thầy, vì Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà ban truyền cho các con – Alleluia.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con tham dự mầu nhiệm thánh nhân ngày mừng các vị thánh tử đạo đã chiến thắng vẻ vang. Chính bí tích Thánh Thể đã ban cho các ngài được can trường chịu đựng mọi gian khổ, xin cho bí tích này cũng đem lại cho chúng con một niềm tin vững mạnh và lòng mến sắt son. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
CHÍNH CON HÃY THEO THẦY
Lm. Giuse Vũ Công Viện
Ngang qua Tin mừng hôm nay, thánh sử Gio-an đã khéo léo cho chúng ta biết chỗ đứng đặc biệt của ngài trong trái tim Thầy Giê-su; nhưng có vẻ như chỗ đứng này cũng là cớ vấp phạm cho các Tông đồ khác, khiến cho Phê-rô, hôm nay khi ngoảnh lại nhìn thấy ông, đã lập tức nêu thắc mắc về số phận của Gio-an: “Còn anh này thì sao?”.
Quả thực, nếu chúng ta đọc kỹ các sách Phúc âm, chúng ta cũng sẽ nhận thấy Chúa đã dành cho Gio-an một tình yêu đặc biệt và Gio-an cũng đã dành cho Chúa một tình yêu chân thật, tế nhị và vô vị lợi. Gio-an là người đã được Chúa cho tham dự vào các biến cố quan trọng trong cuộc đời của Chúa, là người đã nghiêng mình vào ngực Chúa trong bữa Tiệc ly, là người đã đứng dưới chân thập giá và được Chúa Giê-su chối Mẹ Ngài cho, là người đầu tiên đã nhận ra Chúa đã sống lại… Gio-an là Tông đồ và là thánh sử nổi tiếng về tình yêu Thiên Chúa.
Người ta đặt câu hỏi: Tại sao Chúa lại yêu thương Gio-an hơn các tông đồ khác? Thật ra, Chúa Giê-su cũng là con người giống như mọi người, chỉ trừ tội lỗi, nên Ngài cũng có những tâm tình của loài người, điều đó chẳng có gì ngược với tinh thần Tin mừng cứu độ. Một tình yêu thương cụ thể phải bắt đầu với những gì gần gũi với mình, từ trong gia đình ra đến bạn hữu và những người khác. Yêu thương mọi người là sẵn sàng yêu thương những người mình gặp gỡ, chấp nhận cái hay cái dở của họ, cả những phiền toái của họ nữa. Chính những hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống giúp chúng ta học biết yêu thương và làm cho tình yêu triển nở.
Đối diện với thắc mắc của Phê-rô, có người cắt nghĩa cách tích cực rằng: Phải chăng Phêrô có ý ngầm nói với Thầy rằng: anh Gio-an mến Thầy và cũng được Thầy yêu thương cách riêng, thì sao? Nghĩa là Thầy sẽ giao cho anh nhiệm vụ gì? Hay tại sao Thầy lại không giao trách nhiệm chăn dắt Hội Thánh cho anh ta có phải hơn không, sao lại giao cho con một kẻ đã từng chối Thầy? Đó cũng có thể là thắc mắc của nhiều người khi đọc Tin mừng Gio-an; bởi vì xem ra Gio-an xứng đáng hơn Phê-rô.
Trước thắc mắc của Phê-rô, Chúa Giê-su đã trả lời: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến con? Phần anh, hãy theo Thầy”.
Thắc mắc về người khác mãi vẫn chỉ là thắc mắc, không bao giờ có một trả lời thỏa đáng cho cảm xúc của mỗi chúng ta. Mỗi người đều được Thiên Chúa chuẩn bị cho một sứ vụ và Chúa sẽ ban đủ sức để chu toàn. Điều quan trọng là chúng ta phải hiểu ý Chúa muốn và cộng tác với ơn Ngài ban. Nhiều khi chúng ta cứ mải quan tâm đến đời sống người khác: họ làm gì, họ sống thế nào, tương lai của họ sẽ ra sao mà lại quên mất việc phải quan tâm đến chính mình: cần suy nghĩ xem tôi cần làm gì? Ý Chúa muốn tôi làm gì? Tôi đã sử dụng của cải, thời giờ, khả năng Chúa ban thế nào?
Xin Chúa giúp cho mỗi người chúng ta ý thức: mỗi người đã được Chúa xếp đặt một sứ vụ, một khả năng, một chỗ đứng trong chương trình và tình yêu của Thiên Chúa, không ai ở ngoài tình yêu của Ngài. Mỗi chúng ta “Hãy theo Thầy?”
GIO-AN SẼ LÀ CHỨNG TÁ TRONG HỘI THÁNH (Ga 21,20-25)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
1. Kết thúc mùa Phục sinh, Phụng vụ cho chúng ta thấy Phê-rô đã nhận chức vụ Mục Tử thay thế Chúa Ki-tô, Gio-an là chứng tá thường trực trong Hội thánh.
Bài Tin Mừng hôm nay là bài kết thúc Tin Mừng thánh Gio-an, trình bầy về Gio-an sẽ là chứng tá thường trực trong Hội thánh Chúa cho đến tận thế qua sách Tin Mừng của ông.
2. “Thưa Thầy, còn anh này thì sao”?
Phải chăng khi Phê-rô thắc mắc về Gio-an như vậy là ông ngầm nói với Thầy mình rằng anh Gio-an cũng mến Thầy và được Thầy yêu cách riêng, thì sao? Nghĩa là Thầy sẽ trao cho anh ta nhiệm vụ gì? Hay tại sao Thầy lại không trao trách nhiệm chăn dắt Hội thánh cho anh ta có phải hơn không? Đó cũng là thắc mắc của nhiều người khi đọc Tin Mừng Gio-an, bởi vì xem ra Gio-an xứng đáng hơn Phê-rô, vì ông đã không chối Chúa.
Chúng ta thấy Chúa Giê-su không trả lời thẳng vào thắc mắc của Phêrô mà lại nói khó hiểu hơn đối với Phê-rô cũng như các môn đệ khác: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến anh”, rồi Chúa nói ngay: “Phần anh, hãy theo Thầy”.
3. “Nếu Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho đến khi Thầy đến…”.
Câu này là câu vừa trả lời vừa là câu hỏi rất khó hiểu. Thực ra, ý Chúa Giê-su không nói là Gio-an sẽ sống mãi không chết, nhưng Chúa muốn Gio-an “ở lại”. Phải hiểu chữ “ở lại” này theo nghĩa của Tin Mừng thứ tư: ở lại là tồn tại mãi trong tình yêu mến, trong sự thân thiết. Dù sau này Gio-an sẽ chết đi nhưng Chúa Giê-su muốn hình mẫu của Gio-an như một môn đệ trung thành đi theo Thầy, như một môn đệ thường suy gẫm về Thầy tiếp tục tôn tại mãi trong Giáo hội (Lm Ca-rô-lô).
4. “Chính người môn đệ này làm chứng về những điều đó”.
Nghĩa là vì Chúa muốn hình mẫu của Gio-an còn tồn tại mãi trong Giáo hội như một cách làm chứng, cho nên Gio-an đã làm chứng bằng cách viết lại những cảm nghiệm, những suy gẫm của mình về Chúa Giê-su. Và Gio-an còn cho biết “Tôi thiết nghĩ cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các điều được viết ra”. Có lẽ không phải thế giới không đủ chỗ chứa những sách mà Gio-an nếu muốn viết ra. Không đủ chỗ chứa là đối với những cảm nghiệm và những suy gẫm rất sâu sắc của Gio-an về mầu nhiệm Chúa Giê-su và về những điều Chúa Giêsu dạy (Carôlô).
5. Trong lịch sử Giáo hội suốt hai mươi thế kỷ nay, Thiên Chúa vẫn tiếp tục kêu gọi nhiều người và ban cho họ những ân sủng đặc biệt để sống mãn đời trên trần thế. Họ là các thánh nam nữ đã được Thiên Chúa lựa chọn và trao cho các sứ mệnh đặc biệt ở những thời kỳ và hoàn cảnh khác biệt nhau. Có vị được gọi để trở thành các giáo phụ và tiến sĩ Hội thánh. Các ngài dùng ngòi bút và trí thông minh để rao giảng Phúc âm và đem ánh sáng lời Chúa đến cho mọi người. Những vị khác thì được ơn gọi sáng lập các dòng tu với tinh thần tông đồ và hoạt động truyền giáo trong nhiều lãnh vực khác biệt nhau. Các sứ vụ tuy có khác biệt nhưng đều mang ý nghĩa và tầm mức quan trọng như nhau. Tất cả đều qui tụ vào cùng một mục đích duy nhất là làm chứng tá cho chân lý và tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại.
6. Như vậy, trong mỗi thời đại, ở mỗi xã hội khác nhau luôn cần có những chứng nhân, trách nhiệm khác nhau. Thiên Chúa luôn cần đôi tay, trái tim, khả năng của chúng ta để tiếp tục sự hiện diện và hành động của Ngài. Có người làm chứng bằng máu, có người bằng sự dấn thân đổ mồ hôi, có người làm chứng bằng nghĩa cử hy sinh phục vụ, có những chứng nhân trong âm thầm cầu nguyện.
Mỗi người chúng ta được mời gọi trở nên một trong số chứng nhân đó. Chúa đang cần sự đóng góp của chúng ta.
7. Truyện: Làm chứng cho Chúa.
Trong kỳ nội chiến, Tổng thống Hoa kỳ là Abraham Lincoln có một sĩ quan trẻ làm thư ký. Viên sĩ quan này nổi tiếng là gan dạ, do đó công việc bàn giấy xem ra không thích hợp với anh. Anh chỉ mơ ước trở lại mặt trận và nếu cần sẵn sàng chết cho tổ quốc hơn là làm công việc đơn điệu nhàm chán trên bàn giấy. Một ngày nọ, sau khi nghe anh than phiền, Tổng thống Lincoln nhìn thẳng mắt anh và nói: “Hỡi anh bạn trẻ, như tôi nhận thấy thì quả thực anh muốn xả thân chết cho tổ quốc, nhưng có lẽ anh không muốn sống cho tổ quốc”.
Tử đạo theo nguyên ngữ là “làm chứng cho đức tin”. Có người dùng cái chết để làm chứng, có người dùng cả cuộc sống. Tuy nhiên, chết đau thương nhục nhã hoặc chết âm thầm từng ngày, cả hai đều có giá trị như nhau. Phê-rô, vị Giáo hoàng tiên khởi được mời gọi bước theo Chúa Giê-su, nghĩa là chấp nhận những thử thách bách hại và cái chết trên thập giá để làm chứng cho Chúa. Còn Gio-an, vị Tông đồ được Chúa Giê-su yêu mến lại làm chứng cho Chúa bằng chính cuộc sống của mình. Gio-an tuy không được phúc tử đạo như các Tông đồ khác, nhưng đã sống một thời gian rất dài, để củng cố niềm tin của các tín hữu tiên khởi nhất là để suy niệm và viết cuốn Tin Mừng thứ tư và ba lá thư… Tất cả đều là những cách thức làm chứng cho Đấng đã chết và sống lại là Chúa Giêsu Kitô (Mỗi ngày một tin vui).
CÁCH ĂN Ở CHỨNG MINH ĐƯỢC ĐỔI MỚI
(THỨ BẢY TUẦN 7 PHỤC SINH)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Bảy Tuần 7 Phục Sinh này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã cho chúng ta được hoan hỷ sống trong Mùa Phục Sinh này, xin Chúa cũng ban ơn giúp chúng ta biết ăn ở thế nào để chứng tỏ Đức Kitô đã đổi mới chúng ta.
Ăn ở ngay lành để chứng tỏ Đức Kitô đã đổi mới chúng ta, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Gioan đã nói với ông Gaiô: Anh thân mến, anh đừng bắt chước làm điều dữ, nhưng hãy bắt chước làm điều lành. Ai làm điều lành thì thuộc về Thiên Chúa; kẻ làm điều dữ thì đã không thấy Thiên Chúa.
Ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau để chứng tỏ Đức Kitô đã đổi mới chúng ta, như tác giả của bài đọc hai của giờ Kinh Sách đã nói: Ở đâu thánh Phaolô truyền cho chúng ta chịu đựng lẫn nhau, thì ở đó người nói đến tình yêu thương; ở đâu người nhắc đến niềm hy vọng hợp nhất, thì ở đó người cho thấy mối dây liên kết thuận hoà. Đây là nhà của Thiên Chúa được xây lên bằng những viên đá sống động mà Chúa là gia trưởng; Người lấy làm vui thích được ở trong đó. Vì thế, đừng để xảy ra sụp đổ vì chia rẽ, kẻo làm chướng tai gai mắt Chúa.
Ăn ở chân tình để chứng tỏ Đức Kitô đã đổi mới chúng ta, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Công Vụ Tông Đồ đã tường thuật lại việc thánh Phaolô đã mời các thân hào Dothái đến và nói chuyện với họ: Chính vì niềm hy vọng của Ítraen, mà tôi phải mang xiềng xích này. Suốt hai năm tròn, ông Phaolô ở tại nhà ông đã thuê, và tiếp đón tất cả những ai đến với ông. Ông rao giảng Nước Thiên Chúa và dạy về Chúa Giêsu Kitô, một cách rất mạnh dạn, không gặp ngăn trở nào.
Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 10, vịnh gia đã cho thấy: Ai ăn ở ngay lành sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa: Những kẻ sống ngay lành được chiêm ngưỡng thánh nhan. Đức Chúa ngự trong thánh điện, ngai Đức Chúa đặt trên cõi trời; Chúa đưa mắt nhìn, dò xét phàm nhân. Chúa dò xét người lành kẻ dữ, ghét những ai ưa thích bạo tàn.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Thầy sẽ sai Thần Khí sự thật đến với anh em; Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Trong bài Tin Mừng, thánh Gioan đã kết thúc sách Tin Mừng bằng những dòng: Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực. Còn có nhiều điều khác Đức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra. Chúa đã cho chúng ta được hoan hỷ sống trong Mùa Phục Sinh này, ước gì chúng ta biết ăn ở ngay lành, chân thật, để chứng tỏ Đức Kitô đã đổi mới chúng ta. Chỉ có Chúa Thánh Thần, là Thần Chân Lý mới dẫn chúng ta đến sự thật toàn vẹn, ước gì chúng ta biết ngoan ngùy, vâng theo sự hướng dẫn của Người, để đời sống của chúng ta trổ sinh những hoa trái thánh thiện. Cách sống, cung cách hành xử hằng ngày của chúng ta là bằng chứng cho thấy chúng ta đã được biến đổi để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, ước gì, đời sống của chúng ta sẽ trở thành bài ngợi khen, chúc tụng, mà ai nhìn thấy cách chúng ta sống, họ cũng sẽ: không ngừng tôn vinh, cảm tạ Thiên Chúa. Ước gì được như thế!
KHÁT KHAO
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
“Còn nhiều việc khác Chúa Giêsu đã làm, nếu chép lại từng việc một thì tôi thiết tưởng cả thế giới cũng không thể chứa hết các sách viết ra!”.
“Hãy coi Thánh Kinh như một bản đồ chính xác tuyệt đối. Nó cho bạn biết cách đi đến một điểm nhất định. Nhưng nếu chỉ nhìn bản đồ, bạn không thể biết Arizona, Anh quốc hoặc Peru. Để đến được đó, khám phá nó, bạn phải trả chi phí, dành thời gian cho việc di chuyển, ở lại; đồng thời, phải nóng lòng vì nó, khát khao nó!” - Charles Swindoll.
Kính thưa Anh Chị em,
Ý tưởng ‘Khát khao’ của Charles Swindoll đưa chúng ta về toàn bộ con người của Chúa Giêsu mà thánh sử Gioan đã tài tình tóm tắt trong ‘câu kết thúc’ Phúc Âm của mình, “Cả thế giới cũng không thể chứa hết các sách viết ra!”. Đây là một câu nói không thường xuyên được nghe, nhưng là một câu nói tiết lộ một số hiểu biết rất thiết thực!
Trước hết, các Phúc Âm không bao giờ cung cấp ‘đủ’ kiến thức về Chúa Giêsu và các mầu nhiệm Thiên Chúa; vì lý do đó, chúng ta cần ‘khát khao’ hiểu biết Ngài nhiều hơn! Tất cả những gì chúng ta biết về Ngài đều có trong Phúc Âm. Đúng! Nhưng với chỉ bốn cuốn vắn gọn, làm sao chúng có thể mô tả toàn bộ con người huyền nhiệm của Ngài? Đó là điều không thể! Thực tế, chúng ta chỉ biết ‘một phần rất nhỏ’ về cuộc đời thực sự của Ngài. Và điều này đã là tuyệt vời! Nhưng bên cạnh đó, ‘còn rất nhiều điều’ chúng ta chưa biết! Nhận thức này sẽ lấp đầy tâm trí chúng ta bằng những khắc khoải, ‘khát khao’ và ước muốn nhiều hơn. Ý thức sự ít ỏi trong việc hiểu biết này đòi buộc chúng ta phải tìm kiếm và học biết Chúa Giêsu nhiều hơn, và nhiều hơn nữa mỗi ngày!
Cái nhìn thứ hai sâu sắc hơn là, mặc dù vô số sự kiện trong cuộc đời Chúa Giêsu không thể chứa đựng trong vô vàn cuốn sách; nhưng bạn vẫn có thể khám phá Ngài, gặp Ngài, nghe Ngài trong Thánh Kinh, Thánh Thể! Ngài sẽ ban tất cả những gì chúng ta cần! Điều chúng ta cần, là một kiến thức ‘ngày càng đào sâu hơn’ trong cầu nguyện, chiêm ngắm, trong việc sống Lời Ngài để ngày càng nên giống Ngài. Đồng thời, với Thánh Thần, chúng ta tiếp tục công việc của Ngài với tư cách một chứng nhân. Phaolô đã ‘khát khao’ Ngài - “Đối với tôi, sống là Chúa Kitô!” - đã chu toàn trách vụ chứng nhân đó, “Suốt hai năm tròn, Phaolô ở tại nhà đã thuê, tiếp đón tất cả những ai đến với ông. Ông rao giảng Nước Thiên Chúa và dạy về Chúa Giêsu Kitô một cách rất mạnh dạn” - bài đọc một.
Kính thưa Anh Chị em,
“Cả thế giới cũng không thể chứa hết các sách viết ra!”. Và cho dù cả thế giới có thể chứa hết các sách viết về Chúa Giêsu thì - một câu hỏi thú vị - bạn biết Ngài sâu sắc đến chừng nào? Điều quan trọng là bạn có dành đủ thời gian để cầu nguyện, đọc Thánh Kinh và suy gẫm những gì đã đọc? Quan trọng hơn, Lời Chúa có tạo nên một sự khác biệt nào nơi bạn? Nghĩa là, bạn có sống Lời Chúa, có để Lời Chúa biến đổi không? Đó là những câu hỏi vô cùng quan trọng! Ước gì, chúng ta ngày càng yêu mến Lời Chúa; ý thức sự cần thiết được hiện diện thường xuyên hơn với Chúa, ở lại lâu hơn với Ngài, nghĩa là ‘khát khao’ Ngài! Không được như thế, bạn và tôi khác nào một người cầm tấm bản đồ trên tay mà chẳng đi đến đâu cả!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con bồn chồn, ‘khát khao’ một điều gì khác ngoài Chúa! Và quan trọng hơn, biết kinh ngạc khi nhận ra rằng, Chúa cũng đang rất ‘khao khát’ con!”, Amen.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn