TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ TƯ TUẦN 8 THƯỜNG NIÊN

Chủ nhật - 19/05/2024 14:39 |   511
“Đức Giê-su và các môn đệ đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Người dẫn đầu các ông.” (Mc 10,32-45)

29/05/2024
thứ TƯ TUẦN 8 THƯỜNG NIÊN

Thánh Phaolô VI, giáo hoàng

t4 t8 TN

Mc 10,32-45


CÙNG ĐI VỚI CHÚA GIÊ-SU
“Đức Giê-su và các môn đệ đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Người dẫn đầu các ông.” (Mc 10,32-45)

Suy niệm: Cùng bước đi bên Chúa Giê-su trên con đường lên Giê-ru-sa-lem, nhưng lòng trí các môn đệ lại cách xa Thầy mình vời vợi. Trong khi Thầy hướng về cuộc Khổ nạn, nỗ lực thi hành ý muốn của Chúa Cha, các ông chỉ nghĩ đến cái danh cái lợi, làm sao có địa vị bản thân. Thế nên, không lạ gì các ông sợ hãi, trốn chạy biến cố thập giá, không thể chia sẻ nỗi khắc khoải với Thầy, mà giữa các ông còn nẩy sinh sự đố kỵ, tranh giành, đấu đá lẫn nhau, gây nên sự chia rẽ, mất bình an. Chúa Giê-su đã gọi các ông đến và nhắn nhủ các ông: để hiệp hành với Ngài, hợp nhất với nhau, và nhằm vinh danh Cha trên trời trên bước đường theo Ngài, các ông phải sống con đường phục vụ, sẵn sàng hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người như chính Ngài đã sống.

Mời Bạn: Có những khủng hoảng, xung đột, chia rẽ trong đời sống gia đình, hay sinh hoạt hội đoàn đến từ việc ta chỉ muốn mọi sự theo ý mình. Những lúc đó, ta được mời gọi cùng ngồi lại với nhau và với Chúa, xin Ngài soi sáng giúp ta sẵn lòng từ bỏ ý riêng, hướng dẫn cách làm theo thánh ý Ngài. Chỉ khi làm vậy, ta mới có thể hiệp hành với nhau xây dựng Hội thánh, loan báo Tin mừng.

Sống Lời Chúa: Bắt đầu ngày mới, bạn xin Chúa soi sáng cho mình biết việc phải làm, cũng như đủ sức mạnh để làm theo điều Chúa muốn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết luôn tìm và sống theo ý Chúa trong bậc sống, trong bổn phận Chúa trao. Nhờ đó, chúng con có thể hiệp hành với nhau trên con đường theo Chúa và làm chứng cho Nước Trời. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ TƯ TUẦN 8 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Chúa đã cứu trợ tôi, đã đưa tôi đến chỗ thênh thang rộng rãi, và đã cứu sống tôi, bởi vì Người thương tôi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, xin an bài cho mọi việc ở trần gian luôn diễn tiến trong hoà bình trật tự, để tất cả chúng con được nhờ, và Hội Thánh được an vui thờ phượng Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Hc 36, 1-2a. 5-6. 13-19

“Các dân tộc nhận biết rằng không có chúa nào khác ngoài Chúa”.

Trích sách Huấn Ca.

Lạy Chúa muôn loài, xin thương xót chúng con, và xin đoái nhìn chúng con, xin hãy tỏ cho chúng con ánh sáng lòng từ bi của Chúa. Xin cho các dân tộc nhận biết Chúa như chính chúng con đã nhận biết Chúa, vì lạy Chúa, ngoài Chúa ra, không có Chúa nào khác.

Xin Chúa tái diễn các điềm lạ và làm các việc kỳ diệu khác. Xin Chúa quy tụ mọi người vào các chi họ Giacóp, để họ nhìn biết rằng không có Chúa nào khác ngoài Chúa, để họ cao rao các việc lạ lùng Chúa đã làm, và để Chúa cho họ được hưởng phần gia nghiệp như lúc ban đầu. Xin Chúa đoái thương đến dân Chúa, một dân được mang danh thánh Chúa, và xin thương đến Israel mà Chúa đã đặt làm con đầu lòng của Chúa. Xin cũng thương đến thành thánh Giêrusalem, nơi Chúa an ngự. Xin làm cho Sion vang dậy lời chúc tụng Chúa, và cho dân Chúa được đầy vinh quang của Ngài.

Xin Chúa hãy minh chứng cho dân tộc, tạo vật đầu tiên của Chúa và xin thực hiện những điều các tiên tri đầu tiên đã nhân danh Chúa mà tiên báo. Xin thưởng công cho những người đã trông cậy nơi Ngài, và xin cho các tiên tri của Chúa được trung trực.

Xin nhậm lời cầu nguyện của các tôi tớ Chúa, theo như lời Aaron chúc phúc cho dân Ngài, xin hướng dẫn chúng con đi trên đường công chính, và xin cho mọi người sống trên trần gian biết rằng Ngài là Thiên Chúa, Ðấng thống trị muôn đời.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 78, 8. 9. 11. 13

Ðáp: Lạy Chúa, xin hãy tỏ cho chúng con ánh sáng lòng từ bi của Chúa (Hc 36, 1b).

Xướng: Xin đừng nhớ lỗi tiền nhân để trị chúng con, xin kíp mở lòng từ bi đón nhận chúng con, vì chúng con lầm than quá đỗi! 

Xướng: Ôi Thiên Chúa, Ðấng cứu độ chúng con, xin phù trợ chúng con vì vinh quang danh Chúa, xin giải thoát và tha tội chúng con vì danh Ngài. 

Xướng: Xin cho tiếng tù binh rên siết vọng tới thiên nhan; xin ra tay thần lực giải thoát người mang án tử.

Xướng: Phần chúng con là thần dân Chúa, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi, chúng con sẽ ca tụng Chúa tới muôn đời, đời nọ sang đời kia, chúng con loan truyền lời ca khen Chúa. 

Bài Ðọc I:  (Năm II) 1 Pr 1, 18-25

“Anh em được cứu độ bằng máu châu báu của Ðức Kitô, Con Chiên tinh tuyền”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, anh em biết rằng không phải bằng vàng bạc hay hư nát mà anh em đã được cứu chuộc khỏi nếp sống phù phiếm tổ truyền, nhưng bằng máu châu báu của Ðức Kitô, Con Chiên tinh tuyền, không tì ố. Người đã được tiền định trước khi tác thành vũ trụ và được tỏ bày trong thời sau hết vì anh em. Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Ðấng làm cho Người sống lại từ cõi chết, và ban vinh quang cho Người để anh em đặt cả lòng tin và niềm hy vọng nơi Thiên Chúa.

Khi anh em thánh hoá linh hồn anh em trong sự vâng phục đức ái, trong tình bác ái huynh đệ, anh em hãy thật lòng yêu mến nhau với một tâm hồn đơn sơ. Anh em đã được tái sinh không phải do hạt giống hay hư nát, mà là do hạt giống không hư nát, nhờ lời Thiên Chúa hằng sống và tồn tại muôn đời. Vì chưng xác phàm chẳng qua là cỏ rác và tất cả vinh quang của nó ví như hoa cỏ: cỏ thì khô cháy và hoa rũ tàn, còn lời Chúa thì tồn tại muôn đời. Ðó là Tin Mừng đã rao giảng cho anh em.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 147, 12-13. 14-15. 19-20.

Ðáp: Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa (c. 12a).

Xướng: Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa. Hãy ngợi khen Thiên Chúa của ngươi, hỡi Sion! vì Người giữ chặt các then cửa ngươi, Người chúc phúc cho con cái ngươi trong thành nội. 

Xướng: Người đã sai lời Người xuống cõi trần ai, và lời Người lanh chai chạy rảo. Người khiến tuyết rơi như thể lông cừu, Người gieo rắc sương đông như tro bụi trắng. 

Xướng: Người đã loan truyền lời Người cho Giacóp, những thánh chỉ và huấn lệnh Người cho Israel. Người đã không làm cho dân tộc nào như thế, Người đã không công bố cho họ các huấn lệnh của Người. 

Alleluia: Tv 129, 5

Alleluia, alleluia! – Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. – Alleluia.

(Hoặc đọcAlleluia, alleluia! – Con Người đến để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người. – Alleluia.)

Phúc Âm: Mc 10, 32-45

“Giờ đây chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, các môn đệ và Chúa Giêsu lên đường đi Giêrusalem, Chúa Giêsu dẫn đầu đi trước họ, và các ông hết sức bỡ ngỡ, những người theo sau thì sợ hãi. Người gọi mười hai ông lại gần và nói cho các ông biết những gì sẽ xảy đến cho Người: “Giờ đây chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế, các luật sĩ và các kỳ lão. Họ sẽ kết án tử hình Người và nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo cười Người, phỉ nhổ vào Người, đánh đòn và giết Người, và ngày thứ ba Người sẽ sống lại”.

Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, đến gần Người và thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con muốn Thầy ban cho chúng con điều chúng con sắp xin Thầy”. Người đáp: “Các con muốn Thầy làm gì cho các con?” Các ông thưa: “Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy”. Chúa Giêsu bảo: “Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?” Các ông đáp: “Thưa được”. Chúa Giêsu bảo: “Chén Thầy uống, các con cũng sẽ uống, và phép rửa Thầy sắp chịu, các con cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì không thuộc quyền Thầy ban, nhưng là dành cho những ai đã được chỉ định”. Mười môn đệ khác nghe chuyện đó liền bực tức với Giacôbê và Gioan. Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: “Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, Chúa đã ban cho chúng con của lễ này để dâng lên Chúa, thế mà Chúa lại thương coi đó là biểu hiện lòng thành của chúng con; xin cho của lễ Chúa ban tặng mang lại cho chúng con phần thưởng là hạnh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Tôi sẽ hát mừng Chúa, vì Chúa ban ân huệ cho tôi,và tôi sẽ ca khen thánh danh Chúa là Đấng Tối Cao.

Hoặc đọc:

Chúa phán: “Này đây Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa rất nhân hậu từ bi, Chúa đã cho chúng con dự tiệc Thánh Thể, ước chi tiệc Thánh Thể này sau khi đã nuôi dưỡng chúng con trên đường dương thế, cũng đưa chúng con về quê trời hưởng phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

TINH THẦN PHỤC VỤ (Mc 10,32-45)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Địa vị và quyền hành đã gây ra chia rẽ giữa các môn đệ. Điều đó cho thấy mục đích theo Đức Giê-su của các môn đệ còn thấp kém. Chính vì thế, trước lời loan báo của Đức Giê-su về cuộc khổ nạn, các ông vẫn không hiểu, dù Ngài đã nói đến lần thứ ba.

Đức Giê-su thì cương quyết lên Giê-ru-sa-lem để chấp nhận khổ nạn, còn các môn đệ thì sợ hãi kinh hoàng. Đức Giê-su nói rõ, con đường của Ngài là con đường đau khổ, là chấp nhận chén đắng. Sự thanh tẩy tức là từ bỏ mình, là chấp nhận khiêm tốn phục vụ như một đầy tớ của mọi người. Đó là vinh quang đích thực của Đức Giêsu và của những môn đệ Ngài.

2. Trên đường đi Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su loan báo cho các môn đệ: “Ngài sẽ bị nộp cho các thượng tế va luật sĩ. Họ sẽ lên án xử tử Ngài… nhưng ba ngày sau Ngài sẽ sống lại” (Mc 10,33). Đây là lần thứ ba Chúa nói cho các môn đệ biết về điều này. Nhưng thật đau lòng, khi nghe Chúa nói như vậy, các môn đệ không quan tâm gì, các ông lại tranh giành ngôi thứ với nhau. Nhân cơ hội này Chúa đã sửa bảo các ông một cách tế nhị, và dạy các ông bài học sâu xa  về lòng khiêm nhường phục vụ và thắng vượt tính ghen tương.

3. Khởi đầu câu chuyện là hai ông Gia-cô-bê va Gio-an, hai anh em ruột, xin Chúa cho mỗi ông được ngồi bên hữu bên tả Chúa, nghĩa là muốn xin được địa vị cao trong nước Chúa khi Ngài được làm vua dân Do thái. Đây cũng là điều bình thường, ai lại không muốn cho mình được chỗ tốt nhất, được vinh dự ?

Đức Giê-su quá biết tâm lý tự nhiên của mỗi người, muốn được làm lớn, được vinh dự, được làm thủ lãnh sai khiến người khác. Bởi vì các môn đệ hãy còn suy nghĩ về nước Đức Giê-su ở trần gian này, nên các ông còn thích quyền hành danh vọng và muốn người ta phục vụ mình.

Nhưng Đức Giê-su lại suy nghĩ khác, nước Ngài không thuộc về thế gian, cho nên người có quyền hành không được dùng địa vị của mình để cai trị áp bức người khác, để lên mặt ta đây, và bắt người khác phục vụ mình, nhưng trái lại phải biết phục vụ, không phải chỉ dành quyền lợi cho cá nhân mình, nhưng để bảo vệ quyền lợi cho tất cả mọi người.

4. Các môn đệ  được coi như những con người còn rất “thô sơ”, còn đầy những nết xấu ví dụ như trường hợp hôm nay, các ông có tính ghen tị. Lòng kiêu ngạo muốn tranh đấu để làm đầu mọi người là điều không tốt, nhưng lòng ganh tị cũng không tốt  đẹp gì. Khi thấy hai ông Gia-cô-bê và Gio-an xin Chúa được ngồi bên hữu bên tả Chúa, các môn đệ khác khó chịu, bực mình. Các ông ghen tị, không muốn cho hai anh em kia được phần hơn. Các môn đệ của Chúa cũng vẫn còn hẹp hòi, ích kỷ. Điều này cũng chứng tỏ các ông còn suy nghĩ về nước Đức Giê-su ở trần gian. Vì thế, Chúa cũng sửa bảo các ông phải loại bỏ tính xấu này.

Kiêu ngạo và ghen tị là hai nết xấu đã cản trở sự phát triển đời sống chúng ta về mọi phương diện. Chúng ta phải loại bỏ hai tật xấu này để sống hòa hợp, vui vẻ với nhau, cộng tác với nhau, đừng ai kiêu ngạo muốn hơn người, và cũng đừng ai phân bì, ghen tị khi thấy người khác hơn mình.

5. Đối với Đức Giê-su, chức quyền là để phục vụ. Chức quyền cũng như tiền bạc, tự nó không xấu. Bất cứ nhóm nào cũng cần có một người phụ trách. Nhưng theo ý Chúa, phụ trách trước hết không phải là một địa vị thống trị hưởng lợi, hưởng uy thế, mà là một địa vị để phục vụ nhiều hơn: Con Người đến không phải được phục vụ, nhưng là để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người” (Mc 10,45).

Người lãnh đạo trong Hội thánh là “đầy tớ”. Trong các văn kiện, Đức giáo hoàng thường dùng danh hiệu “Servus servorum”: đầy tớ của các đầy tớ. Những chức vụ có vai trò đặc biệt chỉ nên gọi là “thừa tác” hay “trợ tá” theo đúng nghĩ của chữ Latinh “Minister” là tôi tớ; hoặc tiếng Hy lạp “Diakonos” là đầy tớ và “Doulos” là nô lệ.

Trong các vị lãnh đạo của Giáo hội cũng phải có phẩm trật như người ta nói: Kim chỉ phải có đầu” (tục ngữ), cần phải có một người đứng đầu điều khiển một cộng đoàn, chứ không thể có cảnh “Cá đối bằng đầu” (tục ngữ) mà mọi việc được xuôi lọt, vì sẽ không ai muốn phục tùng ai. Điều quan trọng mà Đức Giê-su muốn nhấn mạnh: không phải là hủy bỏ chức vụ của những người đứng đầu, chức vụ của những người lãnh đạo, nhưng đừng dùng địa vị và quyền bính của mình để áp bức người khác.

6. Truyện: Gương Đức Giáo hoàng Gioan 23.

Một lần kia, phái đoàn tòa Giám mục ra đón Đức Hồng y Roncalli mới đi xa về, vừa từ trên xe xuống. Mọi người ngạc nhiên, vì trên áo Hồng y có vương mấy cọng rơm đồng quê.

Ai hỏi, ngài cũng cười, nhưng các người đi cùng thì hiểu. Vì xe của Ngài đang từ hướng bắc về miền nam, đi qua đồng ruộng. Giữa đường có chiếc xe bò chở rơm sa hố. Ngài liền cho xe của Ngài dừng lại, xắn tay áo, ngài hò dô ta đẩy phụ, và chiếc xe rơm sa lầy lại chuyển bánh lên đường.

Những cọng rơm trên áo Hồng y, ngài chỉ cười xòa cho qua. Nhưng sự thực tỏ rõ cho chúng ta một Hồng y không quản ngại khó khăn hay sợ bẩn chiếc áo dòng sang trọng.

Sau này lên ngôi Giáo hoàng, với tước hiệu Gioan 23, Ngài vẫn tiếp tục nếp sống bình dị phục vụ như thế.

Lần khác, cả giáo triều Rô-ma báo động: “Đức Giáo hoàng mất tích”. Nhân viên an ninh đi tìm. Cuối cùng gặp ngài đang nói chuyện với tù nhân trong khám đường Rô-ma.

GIỮ VỮNG NIỀM HY VỌNG
(THỨ TƯ TUẦN 8 TN NĂM CHẴN)  
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Tư Tuần 8 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa an bài cho mọi việc ở trần gian luôn diễn tiến trong hòa bình trật tự, để tất cả chúng ta được nhờ, và Hội Thánh được an vui thờ phượng Chúa.

Chúa an bài cho mọi việc luôn diễn tiến trong hòa bình trật tự: Cho dẫu, cuộc sống chỉ là phù du, mau qua chóng tàn, không một tia hy vọng, nhưng, chúng ta vẫn còn có Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Gióp cho thấy: Kiếp sống càng phù du, nỗi bất hạnh của con người càng bi thảm: Thịt tôi chai ra, giòi bọ lúc nhúc, da tôi nứt nẻ, máu mủ đầm đìa. Ngày đời tôi thấm thoát hơn cả thoi đưa, và chấm dứt, không một tia hy vọng. Lạy Đức Chúa, xin Ngài nhớ cho, cuộc đời con chỉ là hơi thở.

Chúa an bài cho mọi việc luôn diễn tiến trong hòa bình trật tự: Cho dẫu, cuộc sống đầy những khốn khó, cam go, nhưng, chúng ta hãy cứ cậy trông vào Chúa, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Autinh đã kêu gọi đặt tất cả niềm hy vọng vào Chúa: Chẳng những khốn một lần, hai lần mà còn khốn đến ba lần, vì người ta vẫn ước mong được may mắn, còn nghịch cảnh lại cam go, và vì sức chịu đựng có lúc suy sụp: Cuộc sống con người nơi dương thế chẳng phải là một thử thách không ngừng đó sao? Như vậy tất cả niềm hy vọng của con chỉ còn đặt nơi lượng từ bi hải hà của Chúa mà thôi.

Chúa an bài cho mọi việc luôn diễn tiến trong hòa bình trật tự: Cho dẫu, cuộc sống có như thế nào, nhưng, chúng ta hãy vững tin rằng: chúng ta đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Kitô, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Phêrô nói: Nhờ Đức Kitô, anh em tin vào Thiên Chúa, Đấng đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết, và ban cho Người được vinh hiển, để anh em đặt niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 147, vịnh gia cũng cùng chung tâm tình này khi kêu gọi: Giêrusalem hỡi, nào tôn vinh Chúa! Này Xion, hãy ca ngợi Thiên Chúa của ngươi! Then cửa nhà ngươi, Chúa làm cho thêm chắc, con cái trong thành, Người giáng phúc thi ân.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Con Người đến để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Này chúng ta lên Giêrusalem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Đức Giêsu đã từng nói: Người được sai đến để làm theo ý Chúa Cha. Người cũng đã phải trải qua nhiều đau khổ để học cho biết thế nào là vâng phục. Chúng ta thì ngược lại, chúng ta thường bắt Chúa và người khác phải làm theo ý chúng ta, bằng chứng là, trong bài Tin Mừng hôm nay, hai người con ông Dêbêđê muốn Chúa thực hiện cho họ điều họ cầu xin. Chúng ta chỉ có được bình an thực sự, khi chúng ta biết phó mình hoàn toàn trong tay Chúa, bởi vì, Chúa mới biết điều gì tốt nhất cho chúng ta. Chỉ khi nào chúng ta biết đặt hết niềm tin tưởng nơi Chúa và kiên nhẫn chờ đợi mọi sự từ nơi Chúa, khi đó, chúng ta mới có thể nhìn thấy được tình yêu quan phòng của Chúa: Người luôn an bài cho mọi việc diễn tiến trong hòa bình trật tự. Ước gì chúng ta biết thuận theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh, cho dẫu, đôi khi, chúng ta không thể hiểu được, nhưng, chúng ta biết chắc một điều: Chúa cho phép xảy ra, thì ắt, Chúa có cách của Chúa để yêu thương và chăm sóc chúng ta. Ước gì được như thế!

NÔ LỆ THÁNH THIỆN
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay cho thấy sự táo bạo của Giacôbê và Gioan khi họ thỉnh cầu một điều xem ra quá nhân loại. Bằng một câu hỏi, Chúa Giêsu nhẹ nhàng trả lời họ cách sâu sắc, “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?”. “Chén Thầy sắp uống”, “Phép rửa Thầy sắp chịu” là hiến mình đến chết như một nô lệ, một sự ‘nô lệ thánh thiện!’.

Sự dạn dĩ của Giacôbê và Gioan có thể một phần xuất phát từ việc họ đã trở nên rất quen thuộc với lòng nhân lành của Chúa Giêsu; vì thế, họ đã sa vào cạm bẫy coi thường lòng nhân lành đó bằng cách tìm kiếm ân huệ cho mình. Và Ngài đã tóm tắt câu trả lời dành cho tất cả họ thế này, “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em, thì phải làm đầy tớ mọi người!”. Cách nào đó, Ngài nói về chính Ngài, vốn là người đầu tiên trong số họ trở nên tôi tớ. Ngài đã hạ mình làm nô lệ của họ và là “đầy tớ của mọi người”.

Áp đặt chế độ nô lệ - theo nghĩa đen - lên người khác là một sự lạm dụng nghiêm trọng. Nhưng Chúa Giêsu đang nói đến một hình thức nô lệ khác, ‘nô lệ thánh thiện’. Với Ngài, ‘nô lệ thánh thiện’ là nô lệ trong đó chúng ta hiến thân hy sinh cho người khác vì tình yêu. Và đây là điều Ngài đã làm một cách hoàn hảo. Cái chết của Ngài trên thập giá là một cái chết thể xác thực sự. Đó là tự nguyện hy sinh mạng sống trần thế nhằm mục đích giải phóng người khác. Khi đề cập đến chính mình, Ngài tóm tắt, “Con Người đến, không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”.

Sự vĩ đại của Chúa Giêsu trước tiên được tìm thấy trong sự thật đơn giản rằng, Ngài là Thiên Chúa, nhưng nó được thể hiện rõ ràng nhất khi Ngài hiến mạng sống “làm giá chuộc muôn người”. Chính thập giá đã trở thành hành động phục vụ yêu thương vĩ đại nhất từng được biết đến. Hoa quả của sự hy sinh vị tha của Ngài là sự cứu rỗi của tất cả những ai quay về với Ngài. Vì vậy, Chúa Giêsu đã biến chế độ nô lệ và cái chết thành hành động yêu thương vĩ đại nhất từng được biết đến.

Kính thưa Anh Chị em,

Hôm nay, hãy suy gẫm về lời kêu gọi của chính bạn để sống một cuộc đời ‘nô lệ thánh thiện’. Chúa kêu gọi bạn hy sinh bản thân mình cho người khác vì tình yêu như thế nào? Từ quan điểm thuần túy của con người, ý tưởng về sự hy sinh, sự phục tùng và thậm chí cả chế độ ‘nô lệ thánh thiện’ thật khó hiểu. Nhưng khi chúng ta lấy Chúa Giêsu làm mẫu mực thì điều đó trở nên sáng tỏ hơn nhiều. Hãy tìm những cách để bạn có thể hiến thân cho người khác một cách vị tha và biết rằng, bạn càng bắt chước Chúa trong nỗ lực thánh thiện này thì cuộc sống của bạn sẽ càng vĩ đại hơn.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con trở nên trưởng giả, hơn thua; giúp con đủ nhỏ để có thể phục vụ mọi người!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây