TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật V Phục Sinh -Năm B

“Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sinh nhiều trái”. (Ga 15, 1-8)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ TƯ TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 09/10/2023 14:05 |   505
Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với dân chúng: “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.” (Lc 10,3-9)

18/10/2023
THỨ TƯ TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN
Thánh Luca, tác giả sách Tin Mừng

thánh Luca

Lc 10,1-9


Ngày 18 tháng 10: Lạy Mẹ Mân Côi! Vì hoàn toàn tin tưởng vào Chúa, nên Mẹ hoàn toàn bình tâm trước mọi thử thách. Không gì có thể ràng buộc Mẹ, ngoài một mình Chúa là tự do của đời Mẹ. Vì hoàn toàn tin tưởng, nên Mẹ hoàn toàn hạnh phúc, và được gọi là Đấng Toàn Phúc. Mẹ thật sự có buồn rầu, nhưng không phải buồn rầu cho mình, mà cho số kiếp tội nhân. Mẹ thật sự có đau lòng, nhưng không phải đau lòng cho mình, mà đau nỗi đau của Đức Giêsu trước sự cố chấp của loài người chúng con. Trong đời sống đức tin, sẽ có biết bao điều chúng con không thể nào hiểu được, thậm chí có những điều vô lý, trái ý nghịch lòng. Xin cho chúng con có được một đức tin vững mạnh để đón nhận Thánh Ý Chúa, ngay cả khi chúng con không thể nào hiểu được. Xin cho chúng con biết tin tưởng, phó thác cuộc đời chúng con trong tay Mẹ, như Mẹ vẫn hằng luôn tin tưởng, buông mình trong tay Thiên Chúa toàn năng. Amen.

CUNG CÁCH NGƯỜI ĐƯỢC SAI ĐI
“Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!” Nếu ở đó có ai đáng hưởng bình an, thì sự bình an của anh em đã cầu chúc sẽ ở lại với người ấy… Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với dân chúng: “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.”
(Lc 10,3-9)

Suy niệm: Chúa Giê-su dạy chúng ta về cung cách của người được sai đi loan báo Nước Trời. 1/ Cung cách khiêm nhu, hiền lành “như con chiên ở giữa bầy sói”, một sự hiện diện khích lệ chứ không áp đặt niềm tin cho ai. 2/ Cung cách nghèo khó, không ỷ lại vào phương tiện con người và các động cơ trần thế. 3/ Cung cách của người được Thánh Thần sai đi mang bình an và niềm vui đến cho mọi người. 4/ Cung cách sứ giả phúc lành và an ủi, khử trừ những sự dữ, đau khổ thân xác cũng như tinh thần. 5/ Cung cách ưu tiên dành cho Thiên Chúa và sự hiển trị của Nước Chúa. Nước Trời đã gần kề và đang tới rất nhanh. Việc loan báo Nước Trời quá khẩn cấp và quá quan trọng, không được phí thời giờ vào những việc vô bổ!

Mời Bạn: Mời bạn đọc cẩn thận và suy gẫm kỹ những lời tuyệt diệu trên đây của Đức Giêsu và dưới ánh sáng của Lời Chúa, hãy kiểm điểm lại cung cách đời sống chứng tá của mình!

Chia sẻ: Cụ thể bạn làm gì để đạt được một trong những cung cách trên?

Sống Lời Chúa: Bạn hãy chọn một cung cách mà bạn tâm đắc nhất và áp dụng vào cuộc sống tông đồ của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin thương huấn luyện và biến đổi con làm môn đệ của Chúa với cung cách sống như lòng Chúa mong ước.


 


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ TƯ TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN

 

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, lạy Chúa, nếu Chúa nhớ hoài sự lỗi, nào ai chịu nổi được ư? Vì lạy Thiên Chúa Is-ra-el, Chúa thường rộng lượng thứ tha.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng ước gì ân sủng Chúa vừa mở đường cho chúng con đi, vừa đồng hành với chúng con luôn mãi, để chúng con sốt sắng thực hành những điều Chúa truyền dạy, Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 2, 1-11

“Người sẽ trả lại cho ai nấy theo công việc họ đã làm, trước là những người Do-thái, sau là những người Hy-lạp”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Hỡi con người kia, hễ ngươi xét đoán, thì ngươi không thể chữa mình được đâu. Vì ngươi xét đoán kẻ khác thế nào, thì ngươi tự lên án mình như vậy: bởi lẽ ngươi cũng phạm điều ngươi lên án. Chúng ta đều biết Thiên Chúa căn cứ theo chân lý mà xét đoán những kẻ hành động như thế.

Hỡi con người kia, ngươi xét đoán những kẻ hành động thể ấy, mà chính mình ngươi cũng làm, ngươi nghĩ rằng: ngươi thoát khỏi án phạt của Thiên Chúa được sao? Hay là ngươi khinh thị lòng nhân hậu, nhẫn nại và khoan dung của Người? Ngươi chẳng biết rằng lòng nhân lành của Thiên Chúa phải thối thúc ngươi hối cải sao?

Thật bởi lòng ngươi chai đá, không chịu hối cải, ngươi chỉ tích trữ cho mình cơn thịnh nộ trong ngày thịnh nộ, ngày sẽ tỏ ra thẩm phán công bình của Thiên Chúa, Ðấng sẽ trả lại cho ai nấy tuỳ theo công việc họ đã làm, vì hễ những ai bền đỗ làm lành, tìm kiếm vinh quang, danh dự và ơn bất tử, thì sẽ được sống đời đời; còn những ai ương ngạnh, không vâng phục chân lý, mà lại tin theo sự gian ác, thì sẽ gặp cơn thịnh nộ và giận dữ.

Hễ kẻ nào làm sự dữ, thì mắc phải gian nan phiền muộn, trước là những người Do-thái, sau là những người Hy-lạp: vì Thiên Chúa không thiên tư tây vị ai cả.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 61, 2-3. 6-7. 9

Ðáp: Lạy Chúa, Chúa sẽ trả công mỗi người theo như việc họ làm (c. 13b).

Xướng: Duy nơi Thiên Chúa, linh hồn tôi được an vui; do chính mình Người, tôi được ơn cứu độ. Phải, chính Chúa là Ðá tảng, là ơn cứu độ của tôi, Người là chiến luỹ của tôi, tôi sẽ không hề nao núng. 

Xướng: Nơi Thiên Chúa, linh hồn tôi ơi, hãy an vui, vì do Người, tôi được điều tôi trông đợi. Phải, chính Chúa là Ðá tảng, là ơn cứu độ của tôi, Người là chiến luỹ của tôi, tôi sẽ không hề nao núng.

Xướng: Hỡi dân tộc, hãy trông cậy Người luôn mọi lúc, hãy đổ giốc niềm tâm sự trước nhan Người, vì Thiên Chúa là nơi ta nương náu. 

Bài Ðọc I: (Năm II) Gl 5, 18-25

“Những ai thuộc về Ðức Kitô, thì đóng đinh xác thịt cùng với các dục vọng vào thập giá”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.

Anh em thân mến, nếu anh em được Thánh Thần hướng dẫn, anh em không còn ở dưới chế độ lề luật nữa. Vả chăng người ta thừa hiểu sự nghiệp của xác thịt là: tà dâm, ô uế, phóng đãng, buông tuồng, thờ lạy thần tượng, phù phép, thù hằn, kình địch, ghen tương, giận dữ, cãi lẫy, bất bình, bè phái, giết người, say sưa, mê ăn uống, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho anh em hay, như tôi đã từng nói rằng: hễ những ai phạm các điều lỗi đó, sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa.

Còn hoa quả của Thánh Thần là: yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ, hiền lành, khoan dung, dịu hiền, trung trực, đức hạnh, tiết độ, trinh khiết. Lề luật không chống lại các điều ấy. Vả chăng, những ai thuộc về Ðức Kitô, thì đã đóng đinh xác thịt cùng với các dục vọng và đam mê vào thập giá. Nếu chúng ta sống nhờ Thánh Thần, chúng ta cũng hãy ăn ở theo Thánh Thần.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6

Ðáp: Lạy Chúa, ai theo Chúa sẽ được ánh sáng ban sự sống (c. Jo 8,12).

Xướng: Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày. 

Xướng: Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa; lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt. 

Xướng: Kẻ gian ác không được như vậy, họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi; vì Chúa canh giữ đường lối người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong. 

Alleluia: Mt 4, 4b

Alleluia, alleluia! – Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 11, 42-46

“Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái, và khốn cho các ngươi, hỡi những tiến sĩ luật”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa phán rằng: “Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái! Vì các ngươi nộp thuế thập phân, bạc hà, vân hương, và các thứ rau, mà lại bỏ qua đức công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa: Phải thi hành những điều này, và không được bỏ những điều kia. Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái! Vì các ngươi ưa thích ngồi ghế nhất trong các hội đường, và ưa thích được chào hỏi ngoài phố chợ. Khốn cho các ngươi, vì các ngươi giống những mồ mả không rõ rệt, người ta bước đi ở trên mà không hay biết!”

Có một tiến sĩ luật trả lời Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy nói như thế là Thầy sỉ nhục cả chúng tôi nữa”. Người đáp lại rằng: “Hỡi những tiến sĩ luật, khốn cho các ngươi nữa! Vì các ngươi chất lên người ta những gánh nặng không thể vác được, mà chính các ngươi dù một ngón tay cũng không động tới”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin chấp nhận những lời cầu xin và lễ vật chúng con dâng tiến, để làm cho thánh lễ chúng con đang sốt sắng cử hành mở đường dẫn chúng con tới quê trời vinh hiển. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Bọn giàu sang đã sa cơ nghèo đói; nhưng người tìm Chúa chẳng thiếu chi thiện hảo.

Hoặc đọc:

Khi Chúa tỏ mình ra, thì chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng cao cả. Chúa đã lấy Mình và Máu Ðức Kitô làm của ăn nuôi dưỡng chúng con; chúng con nài xin Chúa cho chúng con được chia sẻ chức vị làm con Chúa với Người, Người hằng sống và hiển trị muôn đời…

Suy niệm

HÃY THI HÀNH TRƯỚC, DẠY NGƯỜI KHÁC SAU (Lc 11 , 42- 46)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Bài Tin Mừng hôm nay đặt trong khung cảnh của một bữa ăn tại nhà một người Pharisêu.

Đức Giêsu được mời dự tiệc và Ngài đã bị các người Pharisêu để ý đến việc Ngài không rửa tay trước khi ăn. Họ bắt bẻ Đức Giêsu và cho rằng Ngài bỏ qua tập tục của tiền nhân… Tuy nhiên, lại một lần nữa, Ngài đã tố cáo lối sống bề ngoài của họ.

Thật vậy, những người người Pharisêu thì chỉ lo giữ luật theo mặt chữ, còn thực chất tinh thần thì đã chết khi họ nhất nhất bám vào từng dấu chấm, dấu phẩy. Họ sống vì luật, nên chỉ quan tâm đến chuyện đúng sai bề ngoài, không hề có sự công bằng và yêu thương. Họ luôn coi trọng hình thức trước đám đông ,vì thế, luôn thích được chào hỏi nơi công cộng.

Bên cạnh đó, những Tiến Sĩ Luật cũng bị khiểm trách nặng nề vì họ luôn bắt người khác phải làm chuyện này chuyện kia… nhưng thực ra bản thân họ thì không hề có một chút gì quan tâm đến việc phải làm nơi mình. Họ chất lên vai người ta đủ thứ, còn chính họ thì dù chỉ một chút nhỏ cũng không hề đụng ngón tay vào.

Ngày hôm nay, trong xã hội, người ta ít quan tâm đến việc đạo đức! Nếu có ai thực tâm sống tốt lành thì sẽ bị người ta dè bửu… Ngược lại, họ quan tâm đến kiến thức, coi trọng việc đào tạo trí thức, hay kỹ thuật để sau này kiếm sao được nhiều tiền chứ không mảy may quan tâm đến chuyện kiếm tiền như thế nào cho phù hợp với lương tâm. Nói cách khác, xã hội và con người ngày hôm nay quan tâm đến cái đầu chứ đâu có màng chi đến trái tim! … Như vậy, lối sống hình thức, giả tạo là điều đương nhiên có mặt trong thời buổi này; đồng thời sự vô cảm, dửng dưng, bất nhân xuất hiện nhan nhản trong xã hội là lẽ thường tình.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết coi trọng tiếng nói của Lương Tâm. Biết quan tâm đến đời sống nội tâm hơn là hình thức. Biết sống liên đới và lo cho anh chị em của mình được hạnh phúc thực sự. Biết nêu gương sáng trong đời sống hằng ngày trước khi hướng dẫn ai đó về đường đạo đức.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con hiểu rằng: với Chúa, bề ngoài không nhất thiết quan trọng, nhưng điều cần thiết chính là bề trong, nơi sâu thẳm tâm hồn. Xin cho chúng con được sống theo đường lối của Chúa muốn. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Luca, tác giả sách Tin Mừng

Ca nhập lễ

Đẹp thay bước chân người đi khắp núi đồi rao giảng thái bình, người rao giảng tin mừng, người rao tin cứu độ.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã chọn thánh Lu-ca, sai đi rao giảng và viết sách Tin Mừng để làm cho mọi người nhận biết Chúa đặc biệt yêu thương những kẻ khó nghèo. Xin cho những người mang danh Kitô hữu được đồng tâm nhất trí với nhau hầu muôn dân được thấy ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: 2 Tm 4, 9-17a

“Chỉ còn một mình Luca ở với cha”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Con thân mến, Ðêma đã lìa bỏ cha, bởi nó yêu chuộng sự đời này, và đã trẩy sang Thêxalônica, còn Crescens thì đi Galata, Titô đi Ðalmatia. Chỉ còn một mình Luca ở với cha. Con hãy đem Marcô đi và dẫn tới đây với con, vì anh ấy có thể giúp ích để cha chu toàn sứ vụ. Còn Tykicô, thì cha đã sai đi Êphêxô rồi. Cái áo khoác cha để quên tại nhà ông Carpô ở Troa, khi con tới, hãy mang đến cho cha, cả những cuốn sách và nhất là những mảnh da thuộc để viết.

Anh thợ đồng Alexanđrô làm cho cha phải chịu nhiều điều khốn khổ. Chúa sẽ trả báo cho nó tuỳ theo công việc nó đã làm. Cả con nữa, con cũng phải xa lánh nó, vì nó kịch liệt phản đối lời giảng dạy của chúng ta.

Lần đầu tiên cha đứng ra biện hộ cho cha, thì chẳng ai bênh đỡ cha, trái lại mọi người đều bỏ mặc cha: xin chớ chấp tội họ. Nhưng Chúa đã phù hộ cha và ban sức mạnh cho cha, để nhờ cha mà lời rao giảng được hoàn tất, và tất cả các Dân Ngoại được nghe.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 144, 10-11. 12-13ab. 17-18

Ðáp: Lạy Chúa, con cái Chúa làm cho loài người nhận biết vinh quang cao cả nước Chúa

Xướng: Lạy Chúa, mọi công việc của Chúa hãy chúc tụng Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng.

Xướng: Ðể con cái loài người nhận biết quyền năng, và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Chúa là nước vĩnh cửu muôn đời, chủ quyền Chúa tồn tại qua muôn thế hệ.

Xướng: Chúa công minh trong mọi đường lối của Người, và yêu thương trong mọi kỳ công Người tác tạo. Chúa ở gần những kẻ kêu cầu Người, những kẻ kêu cầu Người với lòng thành thật.

Alleluia: Ga 15, 16

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Chính Thầy đã chọn các con, để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại”. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 10, 1-9

“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Ta sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường.

“Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: “Bình an cho nhà này”. Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ. Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin ban ơn giúp chúng con phục vụ Chúa với một tâm hồn tự do thực sự, để của lễ chúng con dâng tiến Chúa trong ngày lễ kính thánh Lu-ca vừa chữa trị hồn xác chúng con, vừa cho chúng con tham dự vào sự sống muôn đời. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng các Tông đồ

Ca hiệp lễ

Chúa đã sai các môn đệ đi rao giảng trong các thành rằng: Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, ước gì bí tích chúng con vừa lãnh nhận tại bàn thờ này làm cho chúng con được nên thánh, và giúp chúng con tin vững vàng hơn vào Tin Mừng do thánh Lu-ca truyền đạt lại. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Thánh Luca tác giả sách Tin Mừng được mừng kính ngày 18 tháng 10 hợp với các niên lịch Byzantin, Syria và Hiêrônimô. Ngày lễ này ở phương Đông gọi là Sinh nhật thánh Luca Tác giả sách Tin Mừng, đã được đưa vào phương Tây ở thế kỷ IX và vào Rôma năm 866.

Theo truyền thống, thánh Luca người gốc Syria, có thể là Antiochia, nơi đây ngài làm nghề thầy thuốc (xem Cl 4, 14: Người anh em chúng tôi là Lu-ca, thầy thuốc). Ngài là bạn đồng hành của thánh Phaolô trong hành trình truyền giáo lần thứ hai, khoảng năm 49, khi thánh tông đồ đem ngài theo từ Troas đến Philíp, và từ Philíp đến Giêrusalem. Ngài còn ở lại với thánh Phaolô ở Rôma, trong những ngày cuối đời của thánh tông đồ (xem 2 Tm 4, 11). Sau khi thánh Phaolô tử đạo, ngài bỏ Rôma và người ta mất dấu vết của ngài. Theo Gaudence de Brescia thì ngài đi truyền giáo ở Achia, Patras với thánh André; còn theo thánh Hiêrônimô thì ngài đến Béotia, và trở thành giám mục thành Thèbes. Người ta không biết gì chắc chắn về cái chết của ngài. Theo một truyền thống xưa (Gaudence), có thể ngài đã chịu tử đạo với thánh André ở Patras (Hi Lạp), hưởng thọ 84 tuổi.

Thánh Luca được tôn kính như bổn mạng của các thầy thuốc và họa sĩ, vì người ta cho rằng ngài là tác giả một bức chân dung Đức Mẹ, được kính ở nhà thờ Đức Bà Cả, Rôma. Chắc hẳn đây chỉ là một truyền thuyết. Thực ra, những bức tranh đẹp nhất của ngài là ở trong những trang sách Tin Mừng của ngài.

Khoa vẽ hình thánh thường trình bày ngài khi thì đứng chung với ba tác giả Tin Mừng khác, bên cạnh là một con bò mộng có cánh, biểu tượng của ngài; khi thì vẽ ngài đang viết sách Tin Mừng (tiểu ảnh trong sách Phúc Âm của Egbert, Trève), hay ngài đang vẽ Chúa Kitô trên thập giá (Zurbarán, Madrid). Nguời ta cũng vẽ ngài đang hoạ bức chân dung Đức Mẹ (Van den Weyden, Boston), hay đang chỉ về Đức Mẹ (El Greco, Tolède).

Thông điệp và tính thời sự

Lời Nguyện của ngày nhắc lại rằng Thiên Chúa đã chọn thánh Luca “để mạc khải cho những người nghèo khó mầu nhiệm tình yêu của Người, qua việc rao giảng và viết sách Tin Mừng của thánh Luca.” Thực vậy, qua những dụ ngôn và tường thuật, Tin Mừng của ngài mạc khải dung mạo nhân từ của Thiên Chúa và tỏ lộ Chúa Giêsu như bạn của các người thu thuế và tội lỗi (15,2). Vì thế thi hào Đantê diễn tả thánh Lu-ca như “Scriba mansuetudinis Christi,” (Văn sĩ của của Chúa Kitô nhân từ). Đức Kitô đến trước tiên là vì những người nghèo mà Người tuyên bố là có phúc (6, 20): Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó . . . Và Người công bố trong hội đường ở Nazareth “Thần Khí Chúa ngự trên tôi . . . Người sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo” (4, 18). Cũng như Đức Maria hát trong bài Magnificat: “Đấng Toàn Năng nâng cao những người khiêm nhường, và ban của đầy dư cho người đói khát” (1, 49.52-53).

Cũng trong lời nguyện này, chúng ta xin Chúa ban cho các tín hữu được “tâm đầu ý hợp.” Trong sách Công vụ Tông đồ, thánh Luca thích mô tả cộng đoàn Kitô hữu ở Giêrusalem như chỉ có một lòng một trí (1, 14). Các tín hữu đầu tiên tập hợp chung tại một nơi (2,1), chuyên cần trong tình hiệp thông huynh đệ (2,42), họ sống hiệp nhất với nhau và chia sẻ cho nhau tất cả những gì họ có (2,44). Sau cùng, lời nguyện kết thúc bằng việc nài xin ơn cứu độ cho “mọi dân tộc trên thế giới.” Thực vậy, thánh Luca chứng minh rõ ràng tính phổ quát của Tin Mừng, trong sách Công vụ, nhất là qua lời rao giảng và sứ mạng của thánh Phaolô, vị tông đồ đã đem Tin Mừng tới tận Rôma, giữa lòng Đế Quốc Rôma.

Lời Nguyện trên lễ vật, chúng ta xin sự “chữa lành và vinh quang”. Cũng thế, bài đọc Tin Mừng của ngày lễ vẽ lại cho chúng ta cảnh Chúa Giêsu sai nhiều môn đệ đi truyền giáo, đặc biệt Người nói: “Các con vào thành nào . . . hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với dân chúng: Triều đại Thiên Chúa đã rất gần anh em” (Lc 10, 9). Về “vinh quang”, phụng vụ rõ ràng lấy ý tưởng của thánh Phaolô: “Chính vì thế mà Thiên Chúa đã kêu gọi anh em nhờ Tin Mừng, để anh em được hưởng vinh quang của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (2 Tx 2, 14; xem Điệp ca 2 giờ Kinh Sáng). Chúa Giêsu kêu gọi các tín hữu chia sẻ vinh quang với Người, trong cùng một sự sống thần linh, được Chúa Thánh Thần là nguồn hoan lạc làm cho sinh động: “Còn các môn đệ mới gia nhập thì được tràn đầy hoan lạc và Thánh Thần” (Cv 13, 52).

Lời Nguyện sau hiệp lễ khích lệ chúng ta “tin vững vàng hơn vào Tin Mừng mà thánh Luca đã truyền lại cho chúng ta”. Tâm điểm của Tin Mừng –quyền năng của Thiên Chúa để cứu độ mọi kẻ tin (Rm 1,16)–, có Chúa Giêsu, Lời cuối cùng và hoàn hảo của Thiên Chúa, nơi cư ngụ của Thánh Thần mà Người đổ xuống trên các tông đồ. Thánh Luca muốn chứng tỏ rằng Tin Mừng được nhắm tới và loan báo cho toàn thế giới. Là bạn đồng hành của thánh Phaolô trong một phần của các hành trình truyền giáo và trong những giờ phút cuối cuộc đời của thánh Tông đồ (xem 2 Tm 4, 9), bản thân ngài đã rao giảng trước khi viết thành sách. Và ngài cho thấy Chúa Giêsu, sau khi sai mười hai môn đệ, còn sai nhiều môn đệ khác đi truyền giáo (Lc 10). Các bản văn thánh lễ và Các Giờ Kinh Phụng Vụ mừng việc loan báo Lời này: Đẹp thay bước chân người sứ giả trên những ngọn đồi loan tin hòa bình, người sứ giả loan Tin Mừng cứu độ (Ca Nhập lễ). Con cái ngươi sẽ rao truyền vinh quang của triều đại ngươi, loan báo cho mọi người những chiến công của ngươi, vinh quang và vẻ huy hoàng của triều đại ngươi . . . (Tv 144). “Hãy tường thuật cho muôn dân vinh quang của Chúa, cho muôn nước những kỳ công của Người.” (Xướng đáp bài đọc Kinh Chiều).

Bài giảng của thánh Gregoire Cả được đề nghị trong Phụng vụ giờ Kinh Sách kể lại một đoạn rất hợp thời hôm nay: “Bây giờ chúng ta hãy nghe Người (Chúa Giêsu) nói với các môn đệ mà Người sai đi rao giảng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Vậy anh em hãy xin chủ sai thợ gặt tới đồng lúa Người.” Thợ gặt thì ít đang khi lúa chín đầy đồng. Chúng ta không thể không lặp lại lời này mà không cảm thấy chua xót.

Kinh nguyện là một trong những chủ đề ưa thích của thánh Luca. Tin Mừng ngài trình bày Chúa Giêsu như người thờ phượng tuyệt hảo, luôn luôn cầu nguyện và trò chuyện với Cha (3, 21; 5, 16; 6, 12; 9, 28-29; 11, 1; 22, 40-46; 23, 46). Cũng vậy, sau khi Chúa Giêsu lên trời, các Tông đồ ở Giêrusalem, “tất cả đều một lòng một trí, chuyên cần cầu nguyện, cùng với mấy phụ nữ, trong số đó có Đức Ma-ri-a, mẹ Chúa Giê-su” (Cv 1, 14). Thánh Luca dành cho Đức Mẹ một chỗ đứng quan trọng.

Các chủ đề ưa thích khác của thánh Luca là lòng thương xót, Thập giá và sự từ bỏ, nhưng nhất là niềm vui. Hồng Y Martini viết: “Thánh Luca sử dụng 5 động từ khác nhau để diễn tả niềm vui trong 27 đoạn khác nhau của Tin Mừng ngài. Chúng ta có một ví dụ cảm động về đề tài này ở chương 15” gồm các dụ ngôn con chiên lạc, đồng tiền tìm lại được và đứa con hoang đàng.

Enzo Lodi

TẦM QUAN TRỌNG CỦA GIÊRUSALEM TRONG TIN MỪNG LUCA
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Thánh Luca là “người thầy thuốc yêu quý”, là bạn đồng hành của thánh Phaolô và cũng là tác giả sách Tin Mừng thứ ba. Người cũng viết sách Tông Đồ Công Vụ, tường thuật lại sự tiến triển của Hội Thánh sau ngày Hiện Xuống. Qua ngòi bút của con người thông thạo văn chương chữ nghĩa như người, Tin Mừng trở thành một bài thánh ca tạ ơn trong bầu khí vui tươi phấn khởi. Biểu tượng của Tin Mừng Luca là con bò, con vật được dùng để tế lễ tại Đền Thờ Giêrusalem. Thánh Luca mở đầu Tin Mừng tại Giêrusalem qua trình thuật “truyền tin cho ông Dacaria” và kết thúc cũng tại Giêrusalem với biến cố “Đức Giêsu được rước lên trời” và các môn đệ lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa (Lc 24,53).

Khác với thánh Mátthêu và thánh Máccô, thánh Luca đã cố tình không thuật lại những lần Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra tại Galilê, bởi vì, thánh nhân muốn làm nổi bật ý hướng thần học: Mầu Nhiệm Phục Sinh được diễn ra và hoàn tất tại Giêrusalem. Đối với thánh Luca, Giêrusalem chính là trung tâm, nơi diễn ra các biến cố quan trọng của ơn cứu độ: tại Giêrusalem, Ðức Giêsu Kitô đã chịu chết, đã sống lại, và đã lên trời; tại Giêrusalem, Chúa Thánh Thần đã hiện xuống khai sinh Hội Thánh, và cũng từ Giêrusalem, Tin Mừng cứu độ được rao giảng đến tận cùng trái đất.

Thánh Luca đặc biệt quan tâm đến cụm từ “lên Giêrusalem”: Khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem (Lc 9,51); Trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy (Lc 13,22); Trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Samari và Galilê (Lc 17,11); Nói những lời ấy xong, Đức Giêsu đi đầu, tiến lên Giêrusalem (Lc 19,28).

Trong trình thuật “Đức Giêsu chịu cám dỗ”, thánh Luca đã cố tình đảo lộn trật tự so với trình thuật của thánh Mátthêu, để đưa cám dỗ “nhảy xuống từ nóc Đền Thờ Giêrusalem” về cuối và kết thúc: Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ. Thời cơ nào? Thời cơ cuối cùng trong cuộc Khổ Nạn, được diễn ra và kết thúc tại Giêrusalem với chiến thắng của Đức Giêsu trên thập giá (Lc 4,13; 22,3.53).

Sau diễn từ tại hội đường Nadarét, dân chúng định xô Đức Giêsu xuống vực, nhưng, Người đã băng qua giữa họ mà đi, bởi vì, hành trình của Người là đi lên Giêrusalem, sứ mạng của Người phải được khởi đầu và hoàn tất tại Giêrusalem. Vả lại, đối với thánh Luca, Đức Giêsu chính là Êlia mới, vì vậy, ngôn sứ không thể chết ở ngoài Giêrusalem (x. Lc 13,33). “Người băng qua giữa họ mà đi”, Đức Giêsu vẫn tiếp tục cuộc hành trình lên Giêrusalem. Điểm đến của Người là Giêrusalem, như trong trình thuật “Hiển Dung”: Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem (Lc 9,31).

Đối với thánh Luca, Đấng Cứu Độ là Đấng luôn sẵn sàng lên Giêrusalem để hiến tế chính mình làm của lễ giao hòa giữa loài người với Thiên Chúa; Ơn cứu độ là hành trình lên Giêrusalem với Đức Giêsu, mà các môn đệ luôn khiếp sợ và thánh Phêrô đã can ngăn Người. Tại Giêrusalem, Đức Giêsu đã chịu chết, đã sống lại, đã lên trời vinh hiển. Từ Giêrusalem, Hội Thánh đã được khai sinh, và Tin Mừng cứu độ được rao giảng. Ước gì chúng ta luôn biết gắn bó và hướng về thành đô Giêrusalem mới, nơi mà thánh Luca đã đến và đang chờ gặp chúng ta ở đó. Ước gì được như thế!

Tước hiệu “Chúa” (Κύριος) trong Tin Mừng Luca
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Cả thánh Mátthêu lẫn thánh Máccô rất hiếm khi sử dụng tước hiệu “Chúa” (Κύριος, Lord) cho Đức Giêsu trong sách Tin Mừng của các ngài. Thánh Gioan thì chỉ dùng tước hiệu “Chúa” cho Đức Giêsu, sau khi Người đã phục sinh (x. Ga 20,2-18; 21,7.12). Thật ra, trước đó, thánh Gioan đã sử dụng tước hiệu này hai lần, nhưng cũng với dụng ý: hướng về biến cố phục sinh (x. Ga 6,23 và Ga 11,2).

Ấy thế mà, thánh Luca lại sử dụng tước hiệu “Chúa” cho Ðức Giêsu lên đến 16 lần cả thảy trong sách Tin Mừng của ngài. Trong dụ ngôn “Người gieo giống” (x. Mt 13,18-23 và Mc 4,14-20), trong khi, thánh Mátthêu và thánh Máccô chỉ nói: người gieo giống là người gieo “lời” (ὁ σπείρων τὸν λόγον σπείρει), thì thánh Luca lại nói rõ: hạt giống là “lời Thiên Chúa” (Ὁ σπόρος ἐστὶν ὁ λόγος τοῦ θεοῦ) (x. Lc 8,11-15); Dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa (Lc 5,1).

Đành rằng, các tác giả Tin Mừng đều quy hướng về Đức Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất, nhưng, qua việc nhiều lần dùng tước hiệu “Chúa” cho Đức Giêsu, thánh Luca đặc biệt muốn làm nổi bật: Đức Giêsu, chính là Đấng Cứu Độ trần gian, đang khi, thánh Mátthêu thì muốn nhấn mạnh: Đức Giêsu, chính là Vua người Dothái, Đấng Mêsia mà họ đang trông đợi.

Trong Tin Mừng Nhất Lãm, chỉ có thánh Luca sử dụng tước hiệu “Ðấng Cứu Độ” (Ho Sôter) cho Ðức Giêsu. Lc 1,47: Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Lc 2,11: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít. Thánh Gioan chỉ sử dụng tước hiệu này một lần, trong trình thuật Đức Giêsu và người phụ Samaria bên bờ giếng Giacóp (x. Ga 4,42).

Cv 3,15: Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng. Như vậy, Ðức Giêsu được gọi là Ðấng Cứu Độ trong tư cách người khơi nguồn sự sống. Tư tưởng này cho thấy quan điểm thần học của Luca về hành động cứu độ của Ðức Giêsu: hệ tại ở việc Người siêu thăng (ascension), chứ không nhấn mạnh đến việc Người chết trên thập giá như trong thần học của Mátthêu và Máccô. Với quan điểm này, thư Hípri 2,10 cũng nói tương tự: Quả thế, Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích mọi loài, chính vì muốn đưa muôn vàn con cái đến vinh quang, nên Người đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Giêsu trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ.

16 lần tước hiệu “Chúa” (Κύριος) được dùng trong Tin Mừng Luca

(1) Lc 7,13: Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: Bà đừng khóc nữa!

(2) Lc 7,19: Ông Gioan liền gọi hai người trong nhóm môn đệ lại, sai họ đến hỏi Chúa rằng: Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?

(3) Lc 10,1: Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước.

(4) Lc 10,39: Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy.

(5) Lc 10,4: Chúa đáp: Mácta! Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá!

(6) Lc 11,39: Nhưng Chúa nói với ông ấy rằng: Thật, nhóm Pharisêu các người, bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà.

(7) Lc 12,42: Chúa đáp: Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc?

(8) Lc 13,15: Chúa đáp: Những kẻ đạo đức giả kia! Thế ngày sabát, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước?

(9) Lc 16,8: và Chúa (chủ) khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo.

(10) Lc 17,5: Chúa đáp: Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc", nó cũng sẽ vâng lời anh em.

(11) Lc 19,8: Ông Dakêu đứng đó thưa với Chúa rằng: Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.

(12 & 13) Lc 22,33: Ông Phêrô thưa với Người: Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng.

(14 & 15) Lc 22,61: Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông: Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần.

(16) Lc 24,34: Những người này bảo hai ông: Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simôn.

MÚT CÙNG THẾ GIỚI
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Chúa Giêsu chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật đáng kinh ngạc, thánh Luca hôm nay Giáo Hội mừng kính tuy chỉ là một tân tòng, đã trở nên một nhà truyền giáo lớn, một sử gia và là tác giả của hơn một phần tư sách Tân Ước. Như một công cụ của Thiên Chúa, Luca mang thông điệp cứu độ của Ngài đến ‘mút cùng thế giới’, đã tác động và thay đổi cuộc sống bao người thuộc mọi giới, mọi thời.

Là một thầy thuốc ngoại giáo, Luca say mê Phaolô; tại Troa, Luca xin trở lại. Trong thư Timôthê hôm nay, Phaolô nhắc đến Luca như một đồ đệ trung tín, “Chỉ một mình Luca ở với cha”. Đồ đệ này đã cống hiến hai công trình nền tảng là Tin Mừng thứ ba và Công Vụ Tông Đồ, ‘nhật ký’ của Giáo Hội sơ khai. Không thể hiện một sự am tường về niềm tin và phong tục, Luca chỉ chú tâm vào những gì cần thiết cho anh em lương dân: một Thiên Chúa xót thương, chữa lành. Chỉ Luca đề cập con số ‘72’; các Tin Mừng khác chỉ nói ‘nhóm 12’. Dẫu nhiều người trong số này đã đến các lãnh thổ Do Thái, nhưng hẳn một số đã đến những lãnh địa không Do Thái; vì thế, ‘nhóm 72’ này là biểu tượng cho sự chuẩn bị mọi lương dân ở ‘mút cùng thế giới’ đón nhận Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài.

Chỉ với Luca, chúng ta nợ ngài về những kiến ​​thức của mầu nhiệm Nhập Thể. Khoản nợ rõ ràng như kinh Magnificat, Benedictus và Nunc dimittis mà Giáo Hội hát mỗi ngày. Với biến cố Truyền Tin, cứ như thể Luca thấp thỏm sau khuê phòng của một Maria trẻ trung xinh đẹp, nơi sứ thần Gabriel báo cho biết, cô sẽ là Mẹ Chúa Cứu Thế; bối cảnh nền tảng của kinh Kính Mừng. Và cũng chỉ với Luca, chúng ta nợ ngài về những gì đã xảy ra ở Lễ Ngũ Tuần và các hoạt động của Chúa Thánh Thần trong buổi thai nghén của Hội Thánh.

Luca được khoa khảo cổ và các học giả thế giới đánh giá cao. Nhà khảo cổ Sir William Ramsay gọi “Luca là một nhà sử học hạng nhất với những tuyên bố thực tế đáng tin cậy... Luca đáng được xếp với những nhà sử học vĩ đại nhất!”; E. M. Blaiklock, “Luca, một sử gia xuất sắc, ngang hàng với các nhà văn vĩ đại của Hy Lạp!”; N. L. Geisler cho biết, “Luca kể tên 32 miền, 54 thành phố và 9 hòn đảo mà không một sai sót!”. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là, trong sự nghiệp cầm bút, Luca không viết với tư cách một sử gia mà là một nhà truyền giáo; công bố sứ điệp của Thiên Chúa và lòng thương xót của Ngài. Có truyền thống cho rằng, Luca còn là một hoạ sĩ; một tác phẩm nổi tiếng về Đức Maria được gán cho Luca. Vì thế, Luca được gọi là người bảo trợ các nghệ sĩ và các bác sĩ.

Kính thưa Anh Chị em,

“Chúa Giêsu chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác!”. Chúng ta là những “môn đệ khác” được sai đến với những người cùng chung đức tin và những người chưa tin. Thánh Vịnh đáp ca báo trước, “Con cái Chúa làm cho loài người nhận biết vinh quang cao cả nước Chúa”. Bạn và tôi hãy làm cho người khác nhận biết vinh quang Nước Chúa! Hãy đặc biệt cầu nguyện cho một ai đó, cho một số người nào đó. Đừng ngần ngại trở thành một nhà truyền giáo như Luca với những phương tiện tuyệt vời ‘sẵn trên tay’ ngày nay! Khi làm vậy, chúng ta vẫn có thể tạo ‘một sự khác biệt vĩnh viễn’ trong cuộc sống của một ai đó, một nhóm nào đó, ở một góc trời nào đó. Như vậy, với Luca, bạn và tôi sẽ tiếp tục ra đi loan Tin Mừng cứu độ, lòng thương xót của Thiên Chúa cho đến ‘mút cùng thế giới’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, chớ để con lơi lỏng trong việc chuyển trao Lời Chúa đến ‘mút cùng thế giới’. Lạy quan thầy của các nghệ sĩ, đừng quên truyền cảm hứng cho con!” Amen.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây