TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ TƯ TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 16/10/2023 14:11 |   834
“Người đầy tớ nghĩ bụng: “Chủ ta còn lâu mới về” và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa.” (Lc 12,39-48)

25/10/2023
thứ tư TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN

t4 t29 TN

Lc 12,39-48

Ngày 25 tháng 10: Lạy Mẹ Mân Côi! Đành rằng, toàn thể các mầu nhiệm cuộc đời Đức Kitô toàn là các mầu nhiệm ánh sáng, bởi vì, Người là ánh sáng thế gian. Tuy nhiên, Mầu Nhiệm Sáng được tỏ hiện cách đặc biệt qua những năm tháng của cuộc đời công khai, khi Đức Giêsu công bố Tin Mừng Nước Trời. Xin cho chúng con luôn biết chiêm ngắm các mầu nhiệm của Năm Sự Sáng, để chúng con có thể làm sáng tỏ các mầu nhiệm ấy trong cuộc sống hằng ngày, ngõ hầu, đời sống của chúng con trở nên dấu chỉ Nước Trời, đang hiện diện trong thế giới hôm nay. Amen.

còn lâu!
“Người đầy tớ nghĩ bụng: “Chủ ta còn lâu mới về” và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa.”
(Lc 12,39-48)

Suy niệm: Cứ nghĩ “chủ ta còn lâu mới về,” nên người đầy tớ trong Tin Mừng “đánh đập tôi trai tớ gái,” “chè chén say sưa,”  phung phí, gây thiệt hại tài sản của chủ, thay vì chăm sóc gia nhân, “cấp phát phần thóc gạo đúng giờ.” Thái độ ấy dẫn đến cái kết khủng khiếp là “bị loại bỏ” không thương tiếc khi chủ nhân thình lình trở về. Tất cả cũng vì chủ quan Còn lâu, khinh suất, “không biết ý chủ” làm anh đánh mất sự trung tín vốn có để trở thành kẻ bất tín đáng chê trách. Khi lần lữa, chần chờ chưa muốn thực hiện một công việc hay bổn phận, ta thường dựa vào hai chữ Còn lâu. Hai chữ Còn lâu ấy đã gây bao thất bại, thậm chí thảm bại cho rất nhiều người. Trong đời sống thiêng liêng, tâm thế Còn lâu ấy chặn đứng khả năng tỉnh thức của ta trước tiếng Chúa gọi.

Mời Bạn: Thật bất ngờ” là câu nói trên môi miệng ta về sự ra đi đột ngột của một người, đồng thời là lời nhắc nhở người còn sống phải sẵn sàng. Ki-tô hữu là người biết ý của chủ nên cần ở trong tư thế chờ đợi liên lỉ để không phung phí ân sủng và thời gian Chúa ban. Loại bỏ ý nghĩ Còn lâu và sống tỉnh thức là điều bạn cần phải có.

Chia sẻ: Tâm thức Còn lâu có là phong cách sống lâu nay của bạn không? Bạn có muốn điều chỉnh cái nhìn đó cho phù hợp với Tin Mừng?

Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn chu toàn công việc được giao phó như thể ngày cuối cùng của cuộc đời bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con không đợi chờ, con quyết sống phút hiện tại và làm cho nó đầy tình thương... Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh. (ĐHY P.X. Nguyễn Văn Thuận).

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ tư TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, tôi kêu van Ngài, bởi Ngài nhậm lời tôi, xin ghé tai về bên tôi, xin nghe rõ tiếng tôi. Lạy Chúa, xin gìn giữ tôi như con ngươi mắt Chúa, xin che chở tôi trong bóng cánh của Ngài.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin tạo cho chúng con một tấm lòng trung tín và quảng đại để chúng con nhiệt thành phụng sự Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Bài I) Rm 6, 12-18

“Anh em hãy hiến thân cho Thiên Chúa như những người từ cõi chết sống lại”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, nguyện cho tội lỗi đừng thống trị trong xác hay chết của anh em, khiến anh em phải vâng phục những dục vọng của nó. Anh em cũng đừng dùng các chi thể anh em làm khí giới của gian tà để phục vụ tội lỗi, nhưng hãy hiến thân cho Thiên Chúa như những người từ trong cõi chết sống lại, và hãy hiến dâng các chi thể anh em làm khí giới đức công chính để phục vụ Thiên Chúa. Vì chưng, tội lỗi không còn bá chủ được anh em: bởi anh em không còn ở dưới chế độ lề luật, nhưng dưới chế độ ân sủng.

Thế nghĩa là gì? Nào chúng ta cứ phạm tội đi, vì chúng ta không ở dưới chế độ lề luật, nhưng dưới chế độ ân sủng ư? Không phải thế! Chớ thì anh em chẳng biết rằng: hễ anh em hiến thân làm nô lệ để vâng phục ai, thì anh em là nô lệ của kẻ anh em vâng phục đó sao? hoặc là nô lệ của tội lỗi để rồi phải chết, hoặc là nộ lệ của đức vâng lời để rồi được nên công chính? Nhưng cảm tạ Thiên Chúa, vì xưa kia anh em là nô lệ của tội lỗi, mà nay anh em đã hết lòng vâng theo khuôn mẫu đạo lý đã truyền cho anh em noi giữ. Một khi anh em đã được giải phóng khỏi ách tội lỗi, anh em đã được nhận vào phục vụ đức công chính.

Ðó là lời Chúa. 

Ðáp Ca: Tv 123, 1-3. 4-6. 7-8

Ðáp: Ơn phù trợ chúng tôi ở nơi danh Chúa

Xướng: Nếu như Chúa không che chở chúng tôi, – Israel hãy xướng (lên) – nếu như Chúa không che chở chúng tôi, khi thiên hạ cùng chúng tôi gây hấn, bấy giờ người ta đã nuốt sống chúng tôi rồi, khi họ bầng bầng giận dữ chúng tôi.

Xướng: Bấy giờ nước cả đã lôi cuốn mất, trào lưu đã ngập lút con người chúng tôi, bấy giờ sóng cả kiêu hùng đã ngập lút chúng tôi! Chúc tụng Chúa vì Ngài đã không để chúng tôi nên mồi trao đưa vào răng chúng.

Xướng: Hồn chúng tôi như cánh chim non, thoát khỏi lưới dò của người gài bẫy bắt chim. Lưới dò đã đứt gãy, và chúng tôi đã thoát thân. Ơn phù trợ chúng tôi ở nơi danh Chúa, là Ðấng tạo thành trời đất!

Bài Ðọc I: (Năm II) Ep 3, 2-12

“Hiện nay mầu nhiệm của Ðức Kitô đã được mạc khải, các Dân ngoại được đồng thừa tự lời hứa”.

Trích thư Thánh Phaolô Tồng đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, anh em đã nghe biết Thiên Chúa ban phát ân sủng để cho tôi mưu ích cho anh em: vì nhờ ơn mạc khải mà tôi biết được sự mầu nhiệm, như tôi vừa mới viết ra trong ít lời trên kia. Ðọc những lời đó, anh em có thể nhận thức được sự am hiểu của tôi trong mầu nhiệm Ðức Kitô. Mầu nhiệm đó chưa hề tỏ ra cho con cái loài người ở các thế hệ khác được biết, nhưng hiện nay, đã được mạc khải cho các thánh Tông đồ và các tiên tri của Người, trong Thánh Thần. Và nhờ Tin Mừng, các Dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể, và đồng thông phần lời hứa của Người trong Chúa Giêsu Kitô.

Tôi đã được nên người phục vụ Tin Mừng đó, do ân huệ Thiên Chúa đã ban cho tôi, bằng cách thi thố sức mạnh của Người. Tôi là kẻ hèn nhất trong các thánh, nhưng đã được ơn này là rao giảng cho Dân ngoại những sự giàu có không thể thấu hiểu được của Ðức Kitô, và soi sáng cho mọi người biết cách thức phân phát mầu nhiệm đã được ẩn giấu từ muôn thuở trong Thiên Chúa, Ðấng tạo thành vạn vật: khiến các chủ thần và quyền thần thiên quốc đều phải nhờ Hội Thánh mới biết được sự khôn ngoan muôn hình vạn trạng của Thiên Chúa, thể theo dự định từ trước muôn đời mà Ngài đã thi hành trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Người, chúng ta được cậy trông và nhờ lòng tin vào Ngài, chúng ta mạnh dạn đến cùng Ngài.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Is 12, 2-3. 4bcd-5. 5-6

Ðáp: Các ngươi sẽ hân hoan múc nước nơi suối Ðấng Cứu Ðộ (c. 3).

Xướng: Ðây Thiên Chúa là Ðấng Cứu Chuộc tôi, tôi sẽ tin tưởng mà hành động và không khiếp sợ: vì Chúa là sức mạnh, là Ðấng tôi ngợi khen, Người sẽ trở nên cho tôi phần rỗi. 

Xướng: Hãy ca tụng Chúa và kêu cầu danh Người, hãy công bố cho các dân biết kỳ công của Chúa, hãy nhớ lại danh Chúa rất cao sang. 

Xướng: Hãy ca tụng, vì Chúa làm nên những việc kỳ diệu, hãy cao rao việc đó trên khắp hoàn cầu. Hỡi người cư ngụ tại Sion, hãy nhảy mừng ca hát, vì Ðấng cao cả là Ðấng Thánh Israel ở giữa ngươi. 

Alleluia: Tv 118, 18

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin mở rộng tầm con mắt của con, để quan chiêm những điều kỳ diệu trong luật Chúa. – Alleluia.

(Hoặc đọc: Alleluia, alleluia! – Anh em hãy canh thức và hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến. – Alleluia.)

Phúc Âm: Lc 12, 39-48

“Người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy hiểu biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.

Phêrô thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay về mọi người?” Chúa phán: “Vậy con nghĩ ai là người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ? Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình. Nhưng nếu đầy tớ ấy nghĩ trong lòng rằng: “Chủ tôi về muộn”, nên đánh đập tớ trai tớ gái, ăn uống say sưa: chủ người đầy tớ ấy sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, chủ sẽ loại trừ nó, và bắt nó chung số phận với những kẻ bất trung. Nhưng đầy tớ nào đã biết ý chủ mình mà không chuẩn bị sẵn sàng, và không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn đầy tớ nào không biết ý chủ mình mà làm những sự đáng trừng phạt, thì sẽ bị đòn ít hơn. Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết phụng thờ Chúa tại bàn thánh này, với tâm hồn tự do của con cái Chúa, để những mầu nhiệm chúng con đang cử hành đem lại cho chúng con nguồn ơn thanh tẩy. Chúng con cầu xin..

Ca hiệp lễ

Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Người, và nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Người, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.

Hoặc đọc:

Con Người đến, để ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa vừa gọi chúng con tời bàn tiệc Nước Trời và ban dồi dào sức sống mới, xin Chúa phù trợ chúng con trong cuộc sống hằng ngày và dạy chúng con biết tìm kiếm những hồng ân vĩnh cửu. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

HÃY QUẢN LÝ CÁCH TRUNG TÍN (Lc 12, 39-48)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Bài Tin Mừng hôm nay tiếp nối hôm qua. Tuy nhiên, cùng một đề tài về sự tỉnh thức. Nhưng nếu hôm qua, Đức Giêsu nhắm đến đối tượng chính là các môn đệ nói chung, thì hôm nay, Ngài trực tiếp để ý đến những người quản lý, hay nói đúng hơn là những người lãnh đạo.

Thật vậy, qua dụ ngôn này, Đức Giêsu nhắm đến sự trung thành, tận tụy với công việc được giao. Ngài nói: không được chè chén say sưa, ngược đãi người khác. Nếu không làm được điều này thì ắt sẽ bị đòn nhiều: “Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn”.

Mỗi người chúng ta, một cách nào đó, hẳn đều là những người lãnh đạo. Có thể là chủ công ty, xí nghiệp, trưởng hội này, nhóm kia, hoặc ít ra là cha là mẹ trong gia đình. Nhìn rộng ra thì hết thảy ai ai cũng đều được Chúa trao cho những nén bạc như: sự sống, tài năng, sức lực… Khi được trao ban như thế, ấy là lúc Chúa tin tưởng và trao phó trách nhiệm cho chúng ta, để trong mọi hoàn cảnh, môi trường, chức nghiệp, chúng ta phải làm vinh danh Chúa và lợi ích cho phần rỗi của mình cũng như anh chị em.

Làm được điều đó, chúng ta được Chúa ví như một quản gia trung thành và khôn ngoan.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức và sẵn sàng để chu toàn bổn phận được trao. Hãy luôn nghĩ đến giờ chết của mình để chuẩn bị sẵn sàng trong tư thế của người môn đệ là lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Cần nhạy bén với ơn Chúa và các dấu chỉ để ý thức chu toàn bổn phận.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một tinh thần tỉnh thức và sẵn sàng, để biết chu toàn bổn phận của mình cách trung thành. Xin cho chúng con luôn biết ý thức mình sẽ chết, để từ đó biết sám hối và canh tân đời sống ngay trong giây phút hiện tại. Amen.

NHỮNG LẦN THĂM CỦA ÂN SỦNG
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình”.

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ khá bất ngờ khi chúng ta nói đến ‘những lần thăm của ân sủng' nhân việc Chúa Giêsu gợi lên hình ảnh ‘trộm viếng đêm khuya’ qua Tin Mừng hôm nay, “Nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình”.

Tiếp nối dụ ngôn chủ nhà đi ăn cưới về bất chợt giữa đêm, Chúa Giêsu tiếp tục dạy chúng ta tỉnh thức vì không biết giờ nào, ngày nào, Ngài đến. Ngài đã đến với nhân loại lần thứ nhất vào đêm Giáng Sinh; và sẽ đến lần hai vào ngày thế mạt; giữa hai lần đó, Ngài liên tục đến với chúng ta qua ‘những lần thăm của ân sủng'!

Chúa Giêsu đến với chúng ta hằng giây, hằng phút trong ngày sống của mỗi người! Trước hết, khi bạn và tôi cầu nguyện, thờ phượng và lắng nghe Ngài. Những lần thăm này đang diễn ra trên các bàn thờ khi chúng ta tham dự Thánh Lễ hoặc các Bí tích. Mỗi lần như thế, chúng ta hưởng nhận ân sủng cách này, cách khác. Chẳng hạn, Bí tích Hoà Giải, qua đó, Chúa Giêsu tha thứ và chữa lành; Bí tích Thêm Sức, Ngài ban Thánh Thần và sai đi. Những lần thăm này được gọi là ‘những lần thăm của ân sủng'!’. Chúng còn diễn ra trong cuộc sống thường ngày, khi chúng ta gặp gỡ tha nhân với ý thức rằng, chính trong những anh chị em này, Ngài đang sống, đang hoạt động!

Qua thư Rôma hôm nay, Phaolô nói đến một cảm thức khác về cuộc viếng thăm lâu dài của ân sủng sâu sắc nhất. Ân sủng lớn nhất của Chúa Kitô là phù hộ và cứu thoát chúng ta khỏi vòng nô lệ tội lỗi, “Tội lỗi sẽ không còn quyền chi đối với anh em, vì anh em không còn lệ thuộc vào Lề Luật, nhưng lệ thuộc vào ân sủng”. Thánh Vịnh đáp ca thật thâm trầm, “Ta được phù hộ là nhờ danh thánh Chúa!”.

Suối nguồn ân sủng Giêsu như dòng suối đi tìm con người; suối lượn lờ, va đập, gõ vào tim chúng ta đêm ngày. Ngài mong chúng ta mở ngay cửa cho Ngài ùa vào, ‘dùng bữa’ tối với chúng ta. Ở đây, ngạc nhiên thay! Cuộc đón tiếp lại đổi vai. Không phải chúng ta đón Chúa Giêsu; nhưng chính Ngài đón lấy chúng ta, ôm ấp và rửa sạch chúng ta. Ngài đã nói, “Chủ sẽ thắt lưng, xếp họ vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ họ”.

Ngày kia, Gerald Ford đến thăm Đại Học Northeastern State. Khi ông chuẩn bị điểm tâm với một số đại diện sinh viên, thì một trong các nữ sinh vướng vào thảm cỏ, đâm sầm vào ông. Cô liên tục xin lỗi khi Tổng thống giúp cô đứng lên. Ông mỉm cười thông cảm và nói nhỏ vào tai cô, “Đừng sợ; tôi hoàn toàn hiểu!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Đừng sợ; tôi hoàn toàn hiểu!”. Đó cũng là những gì Chúa Giêsu đang thì thầm với bạn và tôi. Ngài không chỉ mong chúng ta vờ đâm sầm Ngài, Ngài thực sự ước mong điều đó! Ngài muốn chúng ta ôm chầm Ngài thật và vòng tay Ngài luôn dang rộng, đón lấy và tung chúng ta lên, quay chúng ta như đứa con yêu. Và còn hơn thế nữa, Ngài cũng muốn đâm sầm vào bạn và tôi! Đừng ngạc nhiên! Phải! Một đôi khi trong cuộc sống, Ngài đã đâm sầm vào chúng ta, có khi trìu mến khiến chúng ta ngây ngất; có khi mạnh bạo khiến chúng ta tưởng như không sống nổi… dưới bất cứ hình thức nào, kể cả sự chết! Với Ngài, những đâm sầm ấy là ‘những lần thăm của ân sủng!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, để biến đổi con, hãy cứ đâm sầm vào con! Cho con mạnh dạn đâm sầm vào Chúa; những cú đâm sầm của ân sủng!”, Amen.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây