TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ TƯ TUẦN 9 THƯỜNG NIÊN

Thứ ba - 28/05/2024 14:32 |   517
“Người phán: ‘Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, và Thiên Chúa của Gia-cóp’. Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống. Các ông lầm to!” (Mc 12, 26-27)

05/06/2024
THỨ TƯ TUẦN 09 THƯỜNG NIÊN
Thánh Bôni
fat, giám mục, tử đạo

t4 t9 TN

Mc 12, 18-27

 
chúa của kẻ sống
“Người phán: ‘Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, và Thiên Chúa của Gia-cóp’. Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống. Các ông lầm to!” (Mc 12, 26-27)


Suy niệm: Đối với nhiều người, sống chỉ là cố gắng duy trì hơi thở trong thân xác này; nếu chỉ sống như thế thì không khác gì họ đã chết. B. Franklin nói về họ rằng: “Một số người chết ở tuổi 25 nhưng mãi đến 75 tuổi mới được chôn cất.” Ngược lại, có những người bước vào cuộc sống vĩnh cửu mà những người thuộc nhóm Xa-đốc lại chối bỏ vì họ “chủ trương không có sự sống lại”. Chúa Giê-su phản bác họ cách mạnh mẽ: “Các ông đã lầm to!” bởi vì Thiên Chúa mà họ tôn thờ là Chúa của Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp, Ngài là Đấng hằng sống và là “Chúa của kẻ sống chứ không phải của kẻ chết”, điều đó có nghĩa là các tổ phụ của họ vẫn đang sống.

Mời Bạn: Đối với người Ki-tô hữu hôm nay, sự sống đích thực không chỉ được nhận biết ở người còn thở, tim còn đập mà là sự sống thần linh của Đức Ki-tô phục sinh mà họ lãnh nhận trong bí tích Rửa tội, như lời thánh Phao-lô nói: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20). Nếu bạn đã mang trong mình sự sống đó, thì đừng đánh mất nó vì tội lỗi; trái lại hãy nuôi dưỡng sự sống ấy bằng Lời Chúa Ki-tô và chính Mình Máu Ngài để nhờ đó bạn “được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

Sống Lời Chúa: Hôm nay, mỗi khi làm việc gì, chúng ta hãy ý thức Chúa đang thực sự sống trong ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Đấng ban sự sống, xin cho con luôn nhớ Chúa đang sống trong con, để con luôn sống cho Chúa mọi phút giây đời con. Amen.

Ngày 5: Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu! Ý định yêu thương của Chúa Cha luôn đi trước mọi công trạng của chúng con, chính Người đã yêu thương, và đã cử Chúa đến hy sinh làm của lễ đền tội thay cho chúng con. Với ý chí nhân loại, Chúa đã chấp nhận thánh ý Chúa Cha: đón nhận cái chết để cứu độ chúng con. Xin cho chúng con cảm nghiệm được nỗi kinh hoàng: khi bị tách lìa khỏi Chúa, để chúng con biết mau mắn kết hợp với Chúa, như cành nho kết hợp với cây nho. Amen. 
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ TƯ TUẦN 09 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin đoái nhìn và xót thương tôi, vì tôi cô đơn và thân tôi đau khổ. Xin Chúa nhìn xem cảnh lầm than khốn khổ của tôi, và tha thứ hết mọi tội lỗi cho tôi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa quan phòng mọi sự và an bài thật khôn ngoan, tất cả đều xảy ra như Chúa muốn; xin đẩy xa những gì nguy hại và rộng ban muôn điều lợi ích cho chúng con. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Tb 3, 1-11. 24-25 (Gr1-11. 16)

Lời cầu nguyện của hai người trước tôn nhan vinh quang của Thiên Chúa Cao Cả, được chấp nhận”.

Trích sách Tôbia.

Trong những ngày ấy, Tôbia thổn thức và khóc lóc cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, Chúa công bình, mọi sự xét đoán của Chúa đều công minh, mọi đường lối của Chúa là từ bi, chân lý và phán quyết. Lạy Chúa, giờ đây xin hãy nhớ đến con, xin đừng báo oán tội lỗi con, xin đừng nhớ đến những lỗi lầm của con và của cha ông con. Bởi chúng con đã không vâng theo các giới răn của Chúa, nên Chúa để cho chúng con bị cướp bóc, tù đày, chết chóc, nhạo báng, và khinh bỉ nơi các dân mà chúng con bị lưu đày. Lạy Chúa, giờ đây sự xét xử của Chúa thật cao cả và công bình, vì chúng con không sống theo giới răn Chúa, và không thành tâm tiến bước trước thánh nhan Chúa. Lạy Chúa, giờ đây xin cứ đối xử với con theo thánh ý Chúa, và xin hãy cho linh hồn con được an nghỉ; vì thà con được chết còn hơn sống!”

Cũng trong ngày đó, xảy ra là Sara, con gái của Raguel, người thành Mêđi, cũng bị một đứa đầy tớ gái của cha cô lăng mạ, bởi vì cô đã kết hôn với bảy người đàn ông, nhưng khi họ vừa đến gần cô, thì bị quỷ Asmođêô giết chết ngay. Vậy khi một đứa tớ gái có lỗi, cô quở mắng nó, nó liền trả lời rằng: “Ðồ sát chồng, chúng tôi sẽ không nhìn thấy con trai con gái của bà trên mặt đất này. Nào bà muốn giết tôi như đã giết bảy người chồng của bà đó sao?” Nghe lời đó, cô liền đi thẳng lên lầu nhà cô, và trong ba ngày đêm, cô không ăn uống gì cả, cô chỉ cầu nguyện, khóc lóc than van cùng Thiên Chúa, mong Người cứu thoát cô khỏi cảnh nhục nhã ấy.

Lúc ấy, lời cầu nguyện của hai người trước tôn nhan vinh quang của Thiên Chúa Cao Cả, được chấp nhận. Chúa liền sai thiên thần Raphael đến để cứu giúp hai người trong chính lúc họ dâng lời cầu nguyện lên trước tôn nhan Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 24, 2-4a. 4b-5ab. 6-7bc. 8-9

Ðáp: Lạy Chúa, con vươn linh hồn lên tới Chúa

Xướng: Con tin cậy vào Chúa, xin đừng để con tủi hổ. Xin đừng để quân thù hoan hỉ về con. Phàm ai trông cậy Chúa, ắt chẳng hổ ngươi, hổ ngươi sẽ là những kẻ liều thân phản bội. – Ðáp.

Xướng: Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con, và con luôn luôn cậy trông vào Chúa. – Ðáp.

Xướng: Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin hãy nhớ con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài, thân lạy Chúa. – Ðáp.

Xướng: Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối, Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài. – Ðáp.

Bài Ðọc I: (Năm II) 2 Tm 1, 1-3. 6-12

“Con hãy làm sống lại ơn Thiên Chúa trong con qua việc đặt tay của cha”.

Khởi đầu thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Timôthêu.

Phaolô, tông đồ của Ðức Giêsu Kitô, bởi ý định của Thiên Chúa, thể theo lời hứa ban sự sống trong Ðức Giêsu Kitô, gởi lời hỏi thăm Timôthêu, người con yêu dấu. Nguyện chúc ân sủng, lòng từ bi và bình an của Thiên Chúa Cha và Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ở cùng con. Cha cảm tạ ơn Thiên Chúa, Ðấng cha phụng thờ như tổ tiên cha đã làm, với một lương tâm trong sạch, ngày đêm cha luôn luôn nhớ đến con, khi cha cầu nguyện. Vì thế, cha khuyên con hãy làm sống lại ơn Thiên Chúa đã ban cho con do việc đặt tay của cha. Vì chưng, Thiên Chúa không ban cho chúng ta một thần trí nhát sợ, mà là thần trí dũng mạnh, bác ái và tiết độ. Vậy con, con chớ hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta, và cho cha nữa, là tù nhân của Người, nhưng con hãy đồng lao cộng tác với cha vì Tin Mừng, nhờ quyền năng của Thiên Chúa, Ðấng đã giải thoát và kêu mời chúng ta bằng ơn thiên triệu thánh của Người, không phải do công việc chúng ta làm, mà là do sự dự định và ân sủng đã ban cho chúng ta từ trước muôn đời trong Ðức Giêsu Kitô, nhưng bây giờ mới tỏ bày bằng sự xuất hiện của Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Chuộc chúng ta. Người đã dùng Tin Mừng tiêu diệt sự chết và chiếu soi sự sống, và sự không hư nát được tỏ rạng. Cha đã được đặt làm kẻ rao giảng, làm tông đồ và làm thầy dạy các dân ngoại. Cũng do đó, cha phải chịu những thử thách này, nhưng cha không hổ thẹn, vì cha biết cha tin vào Ðấng nào, và cha chắc chắn rằng Người có quyền phép gìn giữ kho tàng của cha cho đến ngày đó.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 122, 1-2a. 2bcd

Ðáp: Lạy Chúa, con ngước mắt nhìn lên Chúa (c. 1a).

Xướng: Con ngước mắt nhìn lên Chúa, Ngài ngự trị ở cõi cao xanh. Kìa, như mắt những người nam tôi tớ nhìn vào tay các vị chủ ông. – Ðáp.

Xướng: Như mắt của những người tỳ nữ nhìn vào tay các vị chủ bà, mắt chúng tôi cũng nhìn vào Chúa là Thiên Chúa của chúng tôi như thế, cho tới khi Ngài thương xót chúng tôi. – Ðáp.

Alleluia: Tv 129, 5

Alleluia, alleluia! – Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. – Alleluia.

(Hoặc đọc: Alleluia, alleluia! Chúa nói: Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống; ai tin vào Thầy, sẽ không bap giờ phải chết. Alleluia)

Phúc Âm: Mc 12, 18-27

“Người không phải là Thiên Chúa kẻ chết, mà là Thiên Chúa kẻ sống”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, có ít người phái Sađốc đến cùng Chúa Giêsu; phái này không tin có sự sống lại và họ hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, luật Môsê đã truyền cho chúng tôi thế này: Nếu ai có anh em chết đi, để lại một người vợ không con, thì hãy cưới lấy người vợ goá đó để gây dòng dõi cho anh em mình. Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ rồi chết không con. Người thứ hai lấy người vợ goá và cũng chết không con, và người thứ ba cũng vậy, và cả bảy người không ai có con. Sau cùng người đàn bà ấy cũng chết. Vậy ngày sống lại, khi họ cùng sống lại, thì người đàn bà đó sẽ là vợ của người nào? Vì cả bảy anh em đã cưới người đó làm vợ”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Các ông không hiểu biết Kinh Thánh, cũng chẳng hiểu biết quyền phép của Thiên Chúa, như vậy các ông chẳng lầm lắm sao? Bởi khi người chết sống lại, thì không lấy vợ lấy chồng, nhưng sống như các thiên thần ở trên trời. Còn về sự kẻ chết sống lại, nào các ông đã chẳng đọc trong sách Môsê chỗ nói về bụi gai, lời Thiên Chúa phán cùng Môsê rằng: “Ta là Chúa Abraham, Chúa Isaac và Chúa Giacóp”. Người không phải là Thiên Chúa kẻ chết, mà là Thiên Chúa kẻ sống. Vậy các ông thật lầm lạc”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, tin tưởng vào lòng Chúa từ bi nhân hậu, chúng con cùng đến đây thành kính dâng của lễ lên bàn thờ, và tha thiết nguyện cầu Chúa ban ơn cho chúng con được thanh tẩy nhờ thánh lễ chúng con cử hành. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, tôi kêu van Chúa, bởi Chúa nhậm lời tôi, xin ghé tai về bên tôi, và xin nghe rõ tiếng tôi.

Hoặc đọc:

Chúa Phán: “Thầy bảo thật các con: tất cả những gì các con cầu xin, hãy tin rằng các con sẽ được, thì các con sẽ được điều đó.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa nhân từ, Chúa đã cho chúng con dự tiệc Thánh Thể; xin ban Thánh Thần xuống hướng dẫn chúng con, để chúng con biết làm chứng cho Chúa bằng lời nói cũng như việc làm hầu đáng được hưởng vinh quang thiên quốc. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

SỐNG LẠI RỒI SẼ RA SAO? (Mc 12, 18-27)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Đã có nhiều cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu và nhóm này hay nhóm khác, nhưng với nhóm Xađốc thì đây là lần đầu tiên. Những người này được liệt vào hàng quý tộc có tiếng là tử tế, nhưng lại theo ngoại xâm.

Họ rất bảo thủ trong lãnh vực tôn giáo. Vì thế, họ chỉ công nhận bộ Ngũ Thư mà thôi. Tất cả các cuốn sách khác đều bị bãi bỏ cả. Vì thế, những lời dạy của các ngôn sứ xuất hiện sau đó thì đều bị họ khước từ và không tin.

Như vậy, chúng ta không lạ gì khi họ chất vấn Đức Giêsu về sự sống lại.

Họ đứng lên hỏi Ngài về việc sự sống lại sau cõi chết khi đưa ra một ví dụ: có một người lấy vợ, rồi chết không con, theo luật, người em kế phải lấy tiếp người phụ nữ ấy để có con nối dòng. Tuy nhiên, cứ lần lượt như vậy cho đến người thứ 7 lấy cô ta mà cũng chết không con, cuối cùng, chính người đàn bà này cũng chết. Vậy sau này, khi sống lại thì cô ta sẽ là vợ của ai trong 7 người chồng đã từng cưới nàng làm vợ?

Khi hỏi như vậy, Đức Giêsu thừa biết ý đồ thâm độc của nhóm này, nên Ngài đã làm cho họ cứng họng!

Trước tiên, Đức Giêsu đã làm họ lúng túng khi chỉ dẫn cho biết sự am hiểu Kinh Thánh của họ quá hời hợt.

Thứ hai, Ngài mặc khải cho họ biết rằng: sự sống con người sau khi chết hoàn toàn khác với sự sống hiện tại. Nếu sự sống hiện tại con người có bổn phận truyền sinh để lưu truyền nòi giống, thì sự sống sau cái chết không còn chuyện đó. Vì vậy, họ đâu còn lấy vợ gả chồng nữa, bởi vì sự sống của họ đã đạt tới sự viên mãn.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tin tưởng vào Thiên Chúa cũng như sự sống thật đời sau. Cuộc sống đời đời là đích đến chứ không phải dừng lại ở nhu cầu thể xác như khi lưu trú nơi trần gian.

Chỉ có Thiên Chúa là chủ của sự chết lẫn sự sống, và chỉ trong Ngài, chúng ta mới được hạnh phúc đích thực.

Vì thế, hãy biết trân trọng nó và biết mua lấy Nước Hằng Sống bằng niềm tin, sự hy sinh và tinh thần dấn thân vì Nước Trời ngay trong cuộc sống thực tại trần thế này.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con lòng yêu mến Lời Chúa và tha thiết thực hành Lời Chúa trong cuộc sống hiện tại. Xin ban cho chúng con luôn biết tha thiết với những thực tại trên trời, nơi tràn đầy ân sủng, bình an và hạnh phúc vĩnh cửu. Amen.
 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Bônifat, giám mục, tử đạo

Ca nhập lễ

Vị thánh này đã chiến đấu đến chết vì lề luật Chúa, và không sợ hãi lời đe doạ của những kẻ gian ác, vì người đã được xây dựng trên tảng đá vững chắc.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, nhờ ơn Chúa thánh Bô-ni-phát giám mục đã dùng lời nói rao giảng đức tin và lấy máu đào để minh chứng. Vì lời thánh nhân chuyển cầu, xin cho chúng con giữ vững lòng tin, và lấy cả cuộc đời để can đảm tuyên xưng lòng tin đó. Chúng con cầu xin…

Bài đọc

Phụng vụ Lời Chúa – (theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin đổ tràn ân phúc mà thánh hoá những lễ vật này và xin đốt lên trong lòng chúng con chính ngọn lửa yêu mến xưa đã làm cho thánh Bô-ni-phát lướt thắng mọi cực hình thể xác để trung thành với Chúa mãi đến cùng. Chúng con cầu xin…

Hoặc:

Lạy Chúa, xin chấp nhận của lễ chúng con dâng trong ngày lễ thánh Bô-ni-phát tử đạo. Ước chi của lễ này cũng được Chúa coi trọng như xưa Chúa đã từng coi trọng cái chết của thánh nhân. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa phán: Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa thông hiệp với Mình và Máu Ðức Kitô. Ước gì chúng con nhờ đó mà tìm được sức mạnh tinh thần xưa đã làm cho thánh Bô-ni-phát tử đạo thắng mọi gian khổ để trung thành với Chúa mãi đến hơi thở cuối cùng. Chúng con cầu xin…

 

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Cuộc tử đạo của thánh giám mục thành Mayence và 52 người bạn đã diễn ra ngày 5 tháng 6 năm 754. Trong khi dâng Thánh lễ ở Dokkum, thuộc Frise miền Bắc (Hà Lan ngày nay), các Ngài đã bị dân Frisons sát hại, dẫu rằng họ đã được các ngài loan báo Tin Mừng của Chúa. Lễ nhớ thánh Boniface ca ngợi ngài là vị Tông Đồ vĩ đại của nươc Đức. Ngài hoạt động truyền giáo đến tận vương quốc dân Francs.

Mãi đến năm 1874, theo lời yêu cầu của các Nghị phụ Công đồng Vaticanô I, người ta mới đưa lễ nhớ thánh Boniface vào lịch Giáo triều Rôma. Tuy nhiên thánh nhân đã được tôn kính không những tại Đức, mà còn ở Anh là quê quán của ngài. Nơi đây, một Công đồng đã ban tặng người tước hiệu Đấng Thánh Bảo Trợ, bên cạnh thánh Grégoire Cả và thánh Augustin de Cantorbéry.

Winfrid sinh khoảng năm 673 tại vương quốc Anglo-saxon Wessex, nước Anh. Ngài được giáo dục trong các Đan viện Biển Đức miền Exeter và Nutshulling và khấn dòng năm 715.

Vì mong ước ra đi loan báo chân lý đức tin cho dân ngoại, lần đầu tiên ngài đến Frise năm 716. Nhưng nỗ lực này kết thúc trong thất bại. Năm 719, Đức Giáo Hoàng Grégoire II trao ngài sứ vụ loan báo Tin Mừng cho những kẻ thờ tà thần ở Đức, và cho gọi ngài bằng tên của một vị thánh tử đạo người Rôma: Bonifacius. Năm 722, ngài được phong giám mục, trực thuộc Tòa thánh nên không có giáo phận riêng.

Sau khi loan báo Tin Mừng cho miền Hesse – nơi đây ngài đã hạ ngã Cây sồi thiêng Donar, gần Geismar vào năm 725 – ngài sang Thuringe, lưu lại nơi này bảy năm và lập nhiều Đan viện. Sau đó, Đức Giáo Hoàng Grégoire III trao cho ngài một cánh đồng truyền giáo mới ở Bavière và phong ngài làm Tổng giám mục năm 732. Boniface ở lại đó 9 năm, cho đến năm 741, vào thời điểm này ngài lập các giáo phận quan trọng thuộc giáo tỉnh như Salzbourg, Freising, Ratisbonne, Passau.

Để hoàn thành tốt hơn sứ vụ loan báo Tin Mừng, thánh giám mục xin Đức Giáo Hoàng Zacharie quyền đặc miễn của Giáo Hoàng cho Đan viện Fulda mà ngài vừa thành lập năm 744: đây là quyền đặc miễn đầu tiên trong lịch sử.

Năm 747, dưới áp lực của các môi trường người Francs, xem Boniface như một người Anglo-saxon nguy hiểm, nên Pépin le Bref đã tách Boniface ra khỏi các nơi ấy. Sau cùng, vào ngày lễ Chúa Thánh Thần năm 754, ngài bị một nhóm người ngoại đạo sát hại cùng với 52 bạn, trong khi ngài đang rao giảng Tin Mừng cho miền Frise miền Bắc. Các thánh tích của ngài luôn được sùng kính tại Đan viện Fulda. Chính vì luôn trung thành tưởng nhớ đến ngài mà các giám mục Đức thường qui tụ về thành phố này.

2. Thông điệp và tính thời sự

Lời nguyện mới trong Thánh lễ được trích từ sách lễ Ambroise và Paris. Lời nguyện xin thánh giám mục Boniface chuyển cầu “cho chúng ta giữ vững lòng tin và lấy cả cuộc đời can đảm tuyên xưng lòng tin mà thánh tử đạo đã dùng lời nói rao giảng và lấy máu đào để chứng minh”. Nhờ tích cực hoạt động Tông Đồ trong nhiều vùng đất châu Âu, và cũng nhờ tiếp xúc dễ dàng với các Giáo Hoàng và các vị vua chúa, ngài đã hỗ trợ việc chuyển giao quyền Giáo Hoàng từ thời Byzantin sang thời Francs.

Phương pháp truyền giáo của Boniface dựa trên hai điểm chính: trước hết tìm kiếm sự hậu thuẫn của vua chúa và quan quyền mà không bao giờ phương hại sự tự do của Hội thánh; sau đó, kêu gọi sự hỗ trợ của các Đan viện, là những trung tâm đích thực của đời sống Kitô giáo và rao giảng Tin Mừng.

Khi phân chia vương quốc của Charles Martel năm 741; Carloman được hưởng vùng Austrasie, đã nhờ Boniface giúp loại bỏ những sự lạm dụng trong việc chuyển nhượng bổng lộc danh tước, và buông lỏng kỷ cương trong giới giáo sĩ và ngay cả các đan sĩ Celte phiêu bạt. Để đạt mục đích này, Boniface đã triệu tập một Công đồng chung các giám mục Francs tại Soisson năm 742. Công đồng này kéo dài trong ba năm và đã đưa ra sắc lệnh cải tổ quan trọng trong Giáo hội Francs.

Các Đan viện là những trung tâm sinh hoạt Phụng Vụ và cũng là trung tâm văn hóa xã hội. Việc phát triển xây dựng các Đan viện là một trong những đặc điểm quan trọng trong việc thánh nhân xây dựng và tái tổ chức các Giáo hội, như ở Bavière, Thuringe hay tại các quốc gia nói tiếng Pháp. Thánh Boniface cũng là tác giả sách ngữ pháp, hệ thống đo lường và sáng tác nhiều thơ văn.

Bài đọc – Kinh sách đề xuất một lá thư của thánh giám mục Boniface qua đó chúng ta thấy được các đặc tính của vị mục tử như ngài: “… Chúng ta chớ như những con chó câm, những lính canh thinh lặng, những kẻ chăn thuê chạy trốn sói dữ; nhưng chúng ta hãy là những mục tử chuyên chăm, biết lo lắng cho đoàn chiên Chúa Kitô, biết rao giảng mọi ý định của Thiên Chúa cho hết mọi người, thuộc mọi tầng lớp cũng như tuổi tác, cho kẻ lớn cũng như người bé, cho người giàu cũng như kẻ nghèo, trong mức độ Thiên Chúa giúp sức cho, lúc thuận tiện cũng như lúc gặp phải nghịch cảnh, theo cách thức như thánh Grégoire đã chép trong sách mục vụ” (Thư 78).

Enzo Lodi
 

CAN ĐẢM TUYÊN XƯNG LÒNG TIN
(LỄ THÁNH BÔNIPHÁT 05/06)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của lễ thánh Bôniphát hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Nhờ ơn Chúa, thánh Bôniphát Giám Mục, đã dùng lời nói mà rao giảng đức tin, và lấy máu đào để minh chứng. Nhờ lời thánh nhân chuyển cầu, xin cho chúng ta giữ vững lòng tin, và lấy cả cuộc đời mà can đảm tuyên xưng lòng tin đó.

Thánh nhân sinh tại Anh Quốc quãng năm 673. Người nhập đan viện Ixơte và được Đức Giáo Hoàng Ghêgôriô II đổi tên Uynphơrít thành Bôniphát. Người là tông đồ của nước Đức và là người tổ chức lại Hội Thánh nhiều miền. Sau khi được Đức Giáo Hoàng tấn phong Giám Mục (năm 722), người rảo khắp nước Đức, lập các giáo phận và các đan viện trong đó có đan viện Phunđa. Người bị sát hại ở Đốccum (Hàlan) cùng với năm mươi hai đồng bạn năm 754.

Lấy cả cuộc đời mà can đảm tuyên xưng lòng tin, cho dẫu, không thể nào hiểu được những việc Chúa làm, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Gióp cho thấy: Hão huyền thay ai nghĩ mình vô tội! Ngay cả khi không có những thiếu sót bên ngoài, thì tính kiêu ngạo sâu xa vẫn sờ sờ ra đó, khiến con người cậy dựa vào sức mình. Vì thế, phương tiện chắc chắn nhất, hữu hiệu nhất giúp con người nhận ra giới hạn của mình, đó là đau khổ. Ôi sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa? Ai đã làm cố vấn cho Người? Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được!

Lấy cả cuộc đời mà can đảm tuyên xưng lòng tin, cho dẫu, phải hy sinh cả tính mạng của mình, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Bôniphát nói: Chúng ta hãy đứng vững trong cuộc chiến vào ngày của Chúa, bởi vì, những ngày quẫn bách và gian truân đã ập xuống trên chúng ta. Nếu Chúa muốn, chúng ta hãy chết vì lề luật thánh của cha ông chúng ta, để đáng được cùng hưởng gia tài vĩnh cửu với các ngài.

Lấy cả cuộc đời mà can đảm tuyên xưng lòng tin, với niềm trông cậy vững vàng đặt nơi Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Chính vì lý do ấy, mà tôi phải chịu những đau khổ này; nhưng tôi không hổ thẹn, vì tôi biết tôi tin vào ai. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 122, vịnh gia cũng cùng chung tâm tình này khi nói: Lạy Chúa, con ngước mắt hướng nhìn lên Chúa. Quả thực như mắt của gia nhân hướng nhìn tay ông chủ. Như mắt của nữ tỳ hướng nhìn tay bà chủ, mắt chúng ta cũng hướng nhìn lên Chúa là Thiên Chúa chúng ta, tới khi Người xót thương chút phận.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống; ai tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Trong bài Tin Mừng, thánh Máccô tường thuật lại việc nhóm Xađốc đến gặp Đức Giêsu với câu chuyện bảy người anh em trai lấy cùng một cô vợ và Đức Giêsu đã kết luận: Thiên Chúa phán với ông Môsê: Ta là Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Ixaác, và Thiên Chúa của Giacóp. Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống. Các ông lầm to! Chúa chính là sự sống lại và là sự sống. Người là Thiên Chúa của kẻ sống: Các tổ phụ, các thánh tử đạo là những người đã lấy cả cuộc đời mà can đảm tuyên xưng lòng tin vào Thiên Chúa hằng sống, vì thế, các ngài vẫn sống. Tin vào Chúa sẽ không phải chết, cũng giống như, chúng ta tin vào vị lương y giỏi: uống thuốc và chữa trị theo đúng liệu trình, chúng ta sẽ được cứu sống. Đức Kitô là Vị Lương Y nhân lành, là Đấng chữa lành mọi bệnh tật của chúng ta. Ước gì chúng ta luôn biết tin tưởng, cậy trông vào Người. Ước gì được như thế!

CỞI MỞ VỚI SỰ KHÔN NGOAN
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Chẳng phải vì không biết Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa mà các ông lầm?”.

“Như bìa một cuốn sách cũ, nội dung của nó bị xé ra, chữ viết và các chương bị xé lẻ. Nằm đây, thức ăn cho sâu; nhưng tác phẩm sẽ không bị mất hoàn toàn. Vì nó sẽ xuất hiện một lần nữa - như tôi tin tưởng - trong một phiên bản mới, hoàn hảo hơn vốn đã được Tác Giả sửa chữa và bổ sung!” - Benjamin Franklin.

Kính thưa Anh Chị em,

Đó là những gì đọc được trên văn bia của Franklin. Tin Mừng hôm nay tường thuật một kịch bản của những người Sadducêô - vốn không có niềm tin như vị tổng thống - đặt cho Chúa Giêsu. Đó là một kịch bản giả định khá dài và khó xảy ra. Họ đặt vấn đề kẻ chết sống lại. Và Chúa Giêsu kết luận, “Các ông lầm!”. Ngài mời họ ‘cởi mở với sự khôn ngoan’ của Thiên Chúa.

Kịch bản về một người phụ nữ đã cưới bảy anh em sau khi những người này lần lượt qua đời. Kết thúc tình huống, họ hỏi, “Khi họ sống lại, người phụ nữ đó sẽ là vợ của ai?”. Chúa Giêsu trả lời, “Các ông lầm!”. Người Sadducêô, những nhà lãnh đạo tôn giáo truyền thống, chỉ chấp nhận Kinh Torah, năm cuốn đầu tiên của Cựu Ước. Họ không tin có thế giới bên kia hay sự sống lại, vì cho rằng Kinh Torah không dạy điều đó.

Vấn đề của người Sadducêô chính là sự thận trọng và cứng nhắc trong cách tiếp cận đức tin. Họ dựa vào lý trí của con người, áp dụng nó vào Kinh Torah. Và mặc dù lý trí và suy luận hợp lý của con người là hữu ích và cần thiết trong cuộc sống, nhưng họ đã cố gắng giải quyết mọi vấn đề đức tin trong nỗ lực của chính mình bằng cách giải thích Kinh Torah một cách hẹp hòi và cứng nhắc. Họ không cho phép mình ‘cởi mở với sự khôn ngoan’ sâu sắc hơn của Thiên Chúa tràn ngập lý trí khi người ta phải chú ý đến nguồn cảm hứng và mạc khải của Ngài. Thay vào đó, họ rạch ròi trắng đen trong mọi suy luận và thực hành. Để rồi, sự cứng nhắc này dẫn họ đến chỗ “lầm lạc”.

Trong cuộc sống, chúng ta cũng có thể lầm lạc khi sử dụng lý trí một cách cứng nhắc. Chúng ta đơn giản hoá đức tin đến mức nghĩ rằng, mình có thể đạt được mọi câu trả lời bằng nỗ lực của bản thân. Vậy mà, mục tiêu thường xuyên của chúng ta là cho phép tâm trí mình hoàn toàn đắm chìm trong sự khôn ngoan sâu sắc nhất của Thiên Chúa, ‘cởi mở với sự khôn ngoan’ của Ngài và những gì Ngài mặc khải. Những lời dạy của Giáo Hội sẽ hướng dẫn chúng ta, giữ chúng ta trên con đường ngay thẳng; nhưng chính tiếng nói của Chúa - nói với tâm trí chúng ta một cách thực tế và riêng tư - sẽ giúp chúng ta hiểu được chiều sâu, chiều rộng của Thánh Ý, Sự Thật và Sự Khôn Ngoan của Ngài.

Kính thưa Anh Chị em,

“Các ông lầm!”. Hôm nay, hãy suy gẫm về bất kỳ khuynh hướng nào mà bạn trở nên những người Sadducêô. Bạn có cứng nhắc hẹp hòi không? Bạn có cho phép mình lầm lạc khi nghĩ rằng bạn có tất cả các câu trả lời cho mọi vấn đề? Nếu vậy, hãy tìm kiếm sự khiêm tốn; hạ mình xuống trước những bí ẩn của thiên đàng. Hãy dùng tâm trí để tìm hiểu những lẽ thật mà Chúa đã mặc khải và sẵn sàng để ngày càng được thu hút sâu hơn vào sự sống của chính Chúa, ‘cởi mở với sự khôn ngoan’ sâu thẳm của Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con lầm lạc khi cứng nhắc trước một vấn đề đức tin hay giáo huấn của Hội Thánh. Cho con biết khiêm tốn, dễ dạy trước tiếng nói của Thánh Thần!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây