TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Suy niệm Tin Mừng Lễ Chúa Ba Ngôi -B

Thứ tư - 22/05/2024 21:53 | Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh |   479
Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần (Mt 28, 16-20).

Chúa nhật Lễ Chúa Ba Ngôi -B

CBNb a2


Bài kết thúc Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. (Mt 28, 16-20)

Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần; giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.

 

Suy niệm Tin Mừng Lễ Chúa Ba Ngôi -Năm B
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh

 
 

Suy niệm

Sau khi đón Chúa Thánh Thần đến giữa lòng Giáo hội, tất cả mọi sinh hoạt, mọi công việc đều có sự hướng dẫn của Ngài. Đó là lời Đức Giêsu đã căn dặn các học trò trước khi Ngài về trời, và đó cũng là niềm tin của Giáo hội, bởi Giáo hội đang sống trong kỷ nguyên của Chúa Thánh Thần, Ngài đang hướng dẫn con cái trong hành trình trở về nơi con người được xuất hiện, nơi con người được trò chuyện với Thiên Chúa và cũng là quê hương đích thực của con người. Phụng vụ Lời Chúa trong Thánh lễ mừng trọng thể Chúa Ba Ngôi, mở ra cho chúng ta biết phần nào về Thiên Chúa, về bản tính của Ngài và Ngôi vị của Ngài thế nào, để niềm tin của người tín hữu Kitô ngày thêm vững vàng, đời sống của họ xác tín hơn và lời chứng của họ sống động hơn.

Sau những ngày tăm tối trên vùng đất Ai-cập, người Do-thái được Thiên Chúa giải cứu, đưa trở về quê hương. Bao nhiêu năm sống trong đất khách quê người, niềm tin của cha ông họ phần nào bị tục hóa, bị mai một, hơn nữa, họ còn từ chối Thiên Chúa, chạy theo các thần ngoại bang. Đó là một nỗi đau lớn của Thiên Chúa. Vì thế, trên hành trình trở về cố hương, Ngài sai Môi-sen nhắc lại cho họ biết, niềm tin của họ là một niềm tin độc thần, vị thần họ tôn thờ là Thiên Chúa duy nhất, không có ai khác có thể thay thế được: “Vậy hôm nay các ngươi hãy nhận biết và suy niệm trong lòng rằng: Trên trời dưới đất, chính Chúa là Thiên Chúa, chớ không có Chúa nào khác. Hãy tuân giữ các lề luật và giới răn mà hôm nay chính ta truyền dạy cho các ngươi, hầu cho các ngươi và con cháu mai sau được hạnh phúc và tồn tại trên phần đất mà Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho các ngươi”. Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, phải thờ phượng Ngài hết tâm hồn, hết trí khôn, hết linh hồn và hết sức lực của ngươi. Đó là lời tuyên xưng niềm tin mà Môi-sen đã đề nghị họ phải thuộc nằm lòng và hướng dẫn cho con cái họ biết, để sống với Thiên Chúa tử tế hơn, đáng yêu hơn.

Cảm nghiệm được niềm vui là con Thiên Chúa, thánh Phaolô trong lá thư gởi cho con cái tại giáo đoàn Roma, ngài nhắc lại cho họ hồng ân cao quý đó, họ được gọi Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em với nhau trong cùng một thân thể là Đức Giêsu Kitô: Vì chính Thánh Thần đã làm chứng cho tâm trí chúng ta rằng: Chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy nếu là con cái, thì cũng là những người thừa tự, nghĩa là thừa tự của Thiên Chúa, và đồng thừa tự với Ðức Kitô: vì chúng ta đồng chịu đau khổ với Người, để rồi chúng ta sẽ cùng hưởng vinh quang với Người”. Lời nhắc này đồng nghĩa với lời tuyên xưng niềm tin của mỗi người, tôi tin vào ai, ai là cha tôi và ai là anh chị em của tôi, tôi tin vào Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô, tôi sẽ được gì và phải sống sao cho xứng với hồng ân đó.

Trước khi chia tay các môn đệ, Đức Giêsu nhắc lại cho họ biết sứ mạng của họ hiện tại và tương lai là gì, để họ ý thức hơn và sống đúng với ơn gọi của mình. Anh em hãy ra đi rao giảng tin mừng cho mọi thọ tạo và cử hành phép rửa cho họ, nhờ phép rửa đó, họ sẽ được gia nhập vào gia đình Thiên Chúa, được sáp nhập vào thân thể mầu nhiệm có đầu là Đức Giêsu Kitô: “Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần; giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Phép rửa nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa là phép rửa cứu độ, là phép rửa đem lại cho con người một đời sống mới, một vị thế mới và một tương lai mới, được làm con cái Thiên Chúa, được thừa hưởng gia nghiệp trên trời và được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa.

Khởi đầu năm phụng vụ với những ngày mùa vọng, người tín hữu được mời gọi chuẩn bị tâm hồn cách xứng đáng, để đón Con Thiên Chúa nhập thể cứu đời, theo dòng thời gian, các đại lễ khác, các mùa trong năm phụng vụ mời gọi tín hữu hướng về Thiên Chúa, Đấng họ thờ phượng, Thiên Chúa đó là một Thiên Chúa duy nhất, nhưng có ba ngôi vị: là Cha, và Con, và Thánh Thần. Mục đích của năm phụng vụ là ngày lễ Chúa Ba Ngôi, một mầu nhiệm trong niềm tin. Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, Ngài còn được gọi là Đấng Tình yêu, một tình yêu sung mãn, chính trong tình yêu sung mãn đó, con người được nhận lãnh muôn ân sủng. Từ tình yêu sung mãn đó, đã nảy sinh sự sống, chính từ tình yêu sung mãn đó giúp con người được cứu độ, được tham dự vào sự sống Thiên Chúa và cũng từ tình yêu sung mãn đó, con người được thánh hóa, được thăng tiến trong vị thế là con người và cũng là con Thiên Chúa. Ba ngôi vị Thiên Chúa luôn song hành với hành trình đức tin của người tín hữu, ba ngôi vị đó gắn bó với nhau, chia sẻ với nhau và cùng cứu độ con người. Vì thế, trong cuộc đời người tín hữu, không chỉ lãnh phép rửa là được tha tội tổ tông, được gia nhập cộng đoàn dân Chúa, nhưng còn được sống trong Ba Ngôi Thiên Chúa nữa.

Người tín hữu hôm nay được sai đi vào giữa lòng thế giới, đến với muôn dân, nâng đỡ cuộc đời họ, chia sẻ mọi trăn trở và giúp họ tìm lại được sức sống, tất cả những trách vụ đó nhằm giới thiệu về Ba Ngôi Thiên Chúa, Ngôi Cha đã cho con người sự sống, được làm người con của Ngài, Ngôi Con đã cứu chuộc họ, không phải chết đời đời nhưng được sống trong sự sống thánh thiêng, Thánh Thần Ngôi Ba sẽ giúp họ tìm thấy lối nẻo đến với anh em, tìm thấy sự bình an trong đời phục vụ và tìm thấy hạnh phúc trong ơn gọi của mình, tất cả như thánh hóa từng phút giây trong cuộc đời, trong mỗi ơn gọi của mình. Tất cả mọi sinh hoạt trong đời sống người môn đệ phải quy hướng về Chúa Cha, qua trung gian là Chúa Con, Đức Giêsu Kitô, trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đời phục vụ của các tín hữu Kitô.

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, nhờ Chúa Thánh Thần hướng dẫn, mỗi ngày chúng con biết thêm một chút về Ngài, hiểu thêm một chút về Ngài và gần gũi hơn một chút bên Ngài, xin giúp chúng con cố gắng hơn để được tắm mình trong dòng chảy của tình yêu sung mãn Ba Ngôi, bởi nơi dòng chảy đó, chúng con được bình an, được hạnh phúc và được cộng tác với Thiên Chúa Ba Ngôi trong chương trình cứu độ. Mỗi ngày sống, Thiên Chúa Ba Ngôi luôn hiện diện bên cạnh chúng con, xin mở đôi mắt đức tin và trái tim của chúng con, để nhận ra sự hiện diện gần gũi đó, cũng như trân trọng mời Ngài ở lại trong trái tim chúng con, biến cuộc đời chúng con trở thành những nốt nhạc nhỏ trong bản hợp xướng tình ca Thiên Chúa Ba Ngôi. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây