TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chàng Dìu Em (Lễ Tro 2017)

Thứ năm - 20/05/2021 18:43 | Tác giả bài viết: Tình Yêu Hoa Cỏ |   548
Chàng Dìu Em (Lễ Tro 2017)

Chàng dìu em vào lụa là tình ái
Lối duyên nồng: ngõ hẹp – bước tình yêu,(1)
Đẹp như thơ, dịu ngọt ướp hương chiều
Đôi tim ca rung ngân ngàn lưu luyến.


Đường mùa chay điểm gai hồng diễm tuyệt
Gót son đau bật máu diệt đam mê,
Chữa linh hồn lành lặn nỗi ê chề
sâu thương tích khoét đau thân tội lỗi…(2)


Chàng đưa em, ồ, loan phòng nhiệm lạ!
Cùng nguyện cầu – thơm ngát khói trầm hương,(3)
Lệ ăn năn chan chứa giọt sầu thương
Đốt nồng nàn ngọn lửa tình ân ái.


Xức dầu thơm em điệu đà áo lụa
Giấu chay lòng, vầy duyên nợ vấn vương,(4)
Lãnh nhận tro, nhắc nhở dạ canh trường
Tình cứu Chúa nâng cao hồn cát bụi.


Đi với Chàng lên non cao hò hẹn (5)
Áo tình em tha thướt đẹp kiêu sa,
Đỉnh mùa chay biêng biếc vạn lá hoa
Nở xuân thắm mối duyên tình vĩnh phúc.

Con chim vành khuyên hót một mình
Trên ngọn gai đóa hoa hồng tươi nở,
Sắc hoa óng ả màu con tim nát vỡ
Giọt lệ tình lấp lánh ánh kim cương.


                             Tình Yêu Hoa Cỏ


***

LỜI BÌNH:  của Lm. An-tôn Vũ Thanh Lịch

-  Khổ thơ đầu.
Tác giả ví von mùa chay như con đường tình ái lụa là thơ mộng, và Chúa đã dìu đưa linh hồn vào lối tình yêu tuyệt diệu đó. Không phải tác giả không biết những đòi hỏi của mùa chay như cầu nguyện, chay tịnh, hãm mình, hy sinh… là nặng nề, khó khăn đối với phận người. Lời thơ “ngõ hẹp – bước tình yêu” cho thấy rõ chủ ý và quan điểm của tác giả. Ông biết rõ đi vào mùa chay là đi vào ngõ hẹp, nhưng với ông, mỗi một việc thực hiện tinh thần mùa chay là một bước tiến của tình yêu.  Vì thế, những khó khăn đối với phận người lại trở nên dịu ngọt.
Những điều này cho chúng ta nhận biết rằng lời thơ mở ra một tinh thần sống mùa chay thật tích cực của lòng mến. Nó vượt lên trên nếp sống thường tình vốn nặng nề khi đối mặt với mùa chay của người tín hữu, vượt lên trên cả lòng nhiệt thành sống mùa chay của những linh hồn đạo đức. Vì ở đây, tác giả cho thấy mùa chay là con đường tình duyên cao đẹp giữa linh hồn với Chúa Giê-su, việc chay tịnh biến thành thời khắc của hẹn hò gặp gỡ. Của người đã biết yêu mến Chúa nồng nàn, sau khi hiểu biết và cảm nghiệm sâu xa tình yêu cứu độ của Đức Ki-tô, từ những đau khổ mà Người đã tình nguyện gánh chịu cho hết thảy nhân loại, đơn cử như đêm buồn ở Giết-sê-ma-ni.

-  Khổ thơ thứ hai.
Tác giả đi xa hơn tâm tình tự chọn việc chay tịnh, hy sinh, hãm mình… mà linh hồn chọn lấy cho mình. Bởi vì cho dù linh hồn có tự nguyện thực hiện việc khổ hạnh đến đâu, thì “ý riêng” vẫn tồn tại nơi linh hồn. Song song với tinh thần tự nguyện sống mùa chay, tác giả còn nhắm đến những đau khổ hay trái ý do Chúa đã quan phòng mà linh hồn phải biết tích cực nhận lấy. Nó là những cây gai nhọn đâm thấu con tim và tâm hồn, khi quyết liệt loại bỏ sở thích, ước nguyện, tình cảm, quan điểm đạo đức và ý riêng của linh hồn.
Nhờ luôn sống tinh thần từ bỏ chính mình, những đau khổ, hy sinh, mất mát… mà linh hồn vui vẻ lãnh nhận đã trổ sinh hoa trái thần khí. Chẳng khác nào những bông hoa hồng tử đạo vì chân lý nở tươi trên khổ đau, trên gai góc cuộc sống của linh hồn. Giá trị tinh thần mùa chay này không những đền bù được tội lỗi bản thân, mà còn tiêu diệt những khuynh hướng đam mê hay xiêu chiều thế tục còn tồn đọng nơi linh hồn. Làm lành lặn, tan biến cả những vết sẹo đời do tội lỗi gây nên, tức đền bù cả lẽ công bằng của tội.

-   Khổ thơ thứ ba
Đi sâu hơn vào cuộc linh hôn, tức là sau khi linh hồn đã kết nhiệm hôn - nên một với Chúa Giê-su. Mùa chay trở thành loan phòng hoan hiệp giữa Chúa và linh hồn. Ở đó, không phải linh hồn cầu nguyện một mình như ở những bậc sống thấp hơn. Nhưng đã cùng Đấng Tình Lang cầu nguyện, đồng nghĩa với việc linh hồn cùng thao thức, hoài mong, vui buồn, đau khổ với những thao thức, hoài mong, vui buồn, đau khổ của Chúa Giê-su để tôn thờ Chúa Cha.
Đồng thời, đứng về phía con người, linh hồn nhận biết mình là một tội nhân, nhưng nhờ hiệp nhất với Chúa Giê-su nên linh hồn cũng ôm lấy tội lỗi nhân sinh vào chính mình mà sám hối ăn năn. Giống như Người đã từng gánh tội cho nhân loại. Vươn tới đời sống nên một tình ái này, mối tình giữa Chúa Giê-su và linh hồn trở nên tuyệt đẹp và đầy ân nghĩa tình sâu. Linh hồn trong nỗi đắng cay của nghịch cảnh cuộc sống, lại thưởng nếm hương vị tuyệt vời của tình yêu.

-   Khổ thơ thứ bốn
Tiến bước đến đây trên con đường kết hiệp, linh hồn không phải cố gắng thực hiện lời Chúa Giê-su “Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” (Mt 5,16-18) song đã ung dung biến nó thành cuộc sống của chính mình mọi lúc mọi nơi. Đời sống họ trở nên vui vẻ, tươi trẻ, trong cả lúc tâm hồn nuốt ngược nước mắt vào trong. Những từ ngữ “em điệu đà áo lụa” che giấu sự “kiêu sa” của một linh hồn lành thánh bước vào mầu nhiệm Tình Thập Giá với Đức Giê-su Ki-tô.
Tro xức lên đầu của Lễ Tro, đối với linh hồn lại là một sự nâng nhấc trong ân sủng và tình yêu của Chúa Cứu Thế. Vừa nhắc nhở phận người hư vô, lại vừa nhắc nhở về một thực tại vĩnh hằng, miên trường hạnh phúc mà Đấng Tình Lang đã tặng ban.

-    Khổ thơ thứ năm
Đến đây tác giả bắt đầu kết lại bài thơ, mô tả bậc sủng ân tình ái mà Chúa đã đưa linh hồn “lên non cao hò hẹn”. Tác giả lấy ý từ sách Kha-ba-cúc “ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng, làm cho tôi mạnh sức, cho đôi chân này lanh lẹ tựa chân nai, và dẫn tôi đi trên đỉnh núi cao vời.” (Kb 3,19). Tinh thần của mùa chay được tác giả mô tả trọn vẹn, mùa chay quả là lối ngõ tình yêu tuyệt hảo giữa Thiên Chúa và linh hồn, cho những ai đạt đến nó.

  Khổ thơ cuối
Con chim vành khuyên hót một mình
Trên ngọn gai đóa hoa hồng tươi nở,
Sắc hoa óng ả màu con tim nát vỡ
Giọt lệ tình lấp lánh ánh kim cương.

Kết thúc bài thơ, tác giả không quên con đường tình ái ông vừa diễn tả trên đây là điều hiếm hoi có được giữa cuộc sống thời nay. Vươn tới nó, linh hồn sẽ cô đơn chẳng khác nào chú chim vành khuyên hót một mình. Tiếng hót của nó bay cao làm rung động “con tim” các thiên thần, động đến lòng Trời, trong lúc môi hồng chan chứa máu tim. Làm cho những đau khổ cuộc sống tương tự như gai nhọn, lại trổ hoa sủng ân tình Chúa. Những giọt lệ lòng đầy đau đớn của nhân gian, lại óng ả sắc đẹp quý giá của vinh phúc vĩnh hằng. Nước mắt của khổ đau và nước mắt của tình yêu Thiên Chúa hòa nên một, nó đã trở thành kim cương trang sức cho linh hồn trong cuộc linh hôn nhiệm mầu hôm nay và mãi mãi.
                 
------------------------------ ------------------------------ ----
Những ý thơ kín múc từ Kinh Thánh:
1. “Như tài trai sánh duyên cùng thục nữ,
Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về.
Như cô dâu là niềm vui cho chú rể,
ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ
. (Is 62,5) ;

“Bấy giờ, Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể… Nửa đêm, có tiếng la lên: “Chú rể kia rồi, ra đón đi!” (Mt 25,1.6)

Từ “Chàng” và “em” lấy từ sách Diễm Ca

“Người tôi yêu thuộc trọn về tôi
và tôi trọn vẹn thuộc về chàng.
Giữa những khóm huệ thơm, chàng cho chiên gặm cỏ.

Trước khi ngày tàn và khí trời mát dịu,
và trước khi bóng chiều buông xuống,
hãy quay về, hỡi người yêu của em,
hãy làm linh dương, làm nai nhỏ trên dãy núi Be-the
 !” (Dc 2,16-17)                                      

2. “Đây là sấm ngôn của ĐỨC CHÚA: “Nhưng ngay cả lúc này,
các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta,
hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van.

Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng.
Hãy trở về cùng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của anh em,
bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương,
Người hối tiếc vì đã giáng hoạ
.

Biết đâu Người chẳng nghĩ lại và hối tiếc
mà để lại phúc lành, hầu anh em có lễ phẩm và lễ tưới rượu
dâng lên ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của anh em
.”  (Ge 2,13-14)

3.“Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi.Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.”  (Mt 6,5-6)

4.  “Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” (Mt 6,16-17)

5.  “Rồi Đức Giê-su gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.”  (Mc 8,34) ;
“ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng, làm cho tôi mạnh sức,
cho đôi chân này lanh lẹ tựa chân nai,
và dẫn tôi đi trên đỉnh núi cao vời.” (Kb 3,19)"

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây