TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Cầu nguyện, tỉnh thức, ăn chay

Thứ bảy - 05/03/2022 04:27 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   756
“Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Lc 4, 8).
MuaChayCN01
MuaChayCN01

Chúa Nhật I – MC – C


Chỉ cần: “cầu nguyện, tỉnh thức, ăn chay.”

 

Cám dỗ là gì? Thưa, theo từ điển tiếng Việt, cám dỗ có nghĩa là: “Khêu gợi lòng ham muốn đến mức làm cho sa ngã. Bị tiền tài, danh vọng cám dỗ. Những lời cám dỗ nguy hiểm.” Theo một định nghĩa khác được một tác giả (vô danh) chia sẻ trên internet, thì: “Cám dỗ là sự lôi kéo, thúc dục, khơi gợi lòng ham muốn của bạn thực hiện một điều gì đó đến mức sai trái, sa ngã vào nó. Cám dỗ cũng có thể hiểu là một hiện tượng nổi lên trong cuộc sống khiến bạn chạy theo nó mà không nghĩ đến hậu quả sau này.” (nguồn: internet).

 

Nói tới cám dỗ, Ông Gióp, một nhân vật được nói đến trong Cựu Ước, đã có lời nhận định, rằng “Đời sống con người trên mặt đất chỉ là một cám dỗ liên lỉ”.

 

Mà thật vậy, cám dỗ là căn bệnh trầm kha trong suốt chiều dài lịch sử con người. Ngay từ khi có trí khôn cho tới lúc trút hơi thở cuối cùng, có biết bao cơn cám dỗ bám theo ta như đỉa đói. Từ sáng sớm cho tới chiều tà, từ lúc lên giường ngủ cho tới lúc thức giấc, sự cám dỗ luôn luẩn quẩn quanh ta như hình với bóng.

 

Có những cơn cám dỗ thoáng nhẹ như gió mùa thu, nhưng không vì thế mà nó không làm cho ta mất phương hướng, không biết đâu là bến bờ của chân lý và sự thật. Và, cũng có những cơn cám dỗ như một trận cuồng phong lôi thẳng ta xuống tận cùng địa ngục.

 

Vâng, sẽ là rất thảm họa nếu chúng ta bị “sa vào chước cám dỗ”. Gọi là thảm họa vì khi sa vào, chúng ta sẽ khó thoát khỏi. Chúng ta sẽ khó thoát khỏi, bởi khi sa vào chước cám dỗ là chúng ta đã sa vào sự kiểm soát của Satan. Kinh Thánh nói: “Satan là tên cám dỗ” (Mt 4,3).

 

Nói tới tên-cám-dỗ, Đức Giê-su cũng đã hơn một lần chạm trán với nó. Và chính cuộc chạm trán này, Ngài đã để lại cho chúng ta một bài học sâu sắc, một bài học làm thế nào để không bị sa vào chước cám dỗ. Cuộc chạm trán này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca với tiêu đề: “Đức Giê-su chịu cám dỗ” (Lc 4, 1-13).
 

**

Câu chuyện được thánh sử Luca ghi lại như sau: Sau khi chịu phép rửa tại sông Giodan, Đức Giê-su “được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa suốt bốn mươi ngày và chịu quỷ cám dỗ.” Trong suốt bốn mươi ngày, Đức Giê-su đã “không ăn gì cả…” và rồi, “khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói.”

 

Đói… đó chính là lúc yếu đuối nhất, dễ bị cám dỗ nhất. Vâng, những người từng bị đi tù cải tạo, có rất nhiều kinh nghiệm về điều này. Rất nhiều cám dỗ khi đói. Có người (không nhiều lắm) sẵn sàng làm ăn-ten cho cán bộ quản giáo, tố cáo bạn đồng tù chỉ để kiếm thêm miếng cơm cháy.

 

Satan, với bản chất dối trá và xảo quyệt, đã không bỏ lỡ cơ hội lúc Đức Giê-su “thấy đói”. Nó đưa Ngài vào ngay một mê hồn trận, một mê hồn trận đầy tinh xảo với những lời “gợi ý” rất đời thường.

 

Vâng, rất đời thường khi Satan gợi ý với Đức Giê-su: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hóa bánh đi!” Đói, tất nhiên phải kiếm miếng ăn. Khát, thì kiếm nước uống, chứ!

 

Lời gợi ý thứ hai, đó là: “Quỷ đem Đức Giê-su lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. Rồi nó nói với Người: Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tùy ý. Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông.”

 

Về lời gợi ý thứ ba, thánh sử Luca kể lại, rằng: “Quỷ lại đem Đức Giêsu đến Giêrusalem và đặt Người trên nóc Đến Thờ, rồi nói với Người: Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi”.

 

Có thể nói, lời gợi ý thứ ba là lời gợi ý xảo quyệt nhất, xảo quyệt là bởi đây là lần thứ hai Sa-tan gợi đến bản tính kiêu căng vốn có nơi con người và nghĩ rằng Đức Giê-su sẽ rơi vào bẫy của mình: “Nếu ông là Con Thiên Chúa.” (Vâng, nếu là chúng ta, có thể chúng ta sẽ nói: Là con Thiên Chúa thì đã sao!)

 

Và, đây chúng ta cùng xem cái bẫy của Satan, qua lời thuyết phục của y với Đức Giê-su. Satan thuyết phục Đức Giê-su, rằng: “Đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn. Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.”
 

***

Ba lời gợi ý, hay có thể nói, ba lời “cám dỗ” đầy mánh khóe, xảo quyệt không đem lại hiệu quả trước một Giê-su “tràn đầy Thánh Thần”, trước một Giê-su thấm nhuần Lời Thiên Chúa.

 

Thật vậy, không phải Đức Giêsu non-tay-ấn không thể dùng “quyền phép”: “truyền cho hòn đá này hóa thành bánh” (Lc 4, 3). Nhưng điều Đức Giêsu sẽ “truyền”, sau này, chính là truyền cho các môn đệ “quyền phép” làm cho “tấm bánh và chén rượu” trở thành “Mình Máu Thánh Ngài”. Một tấm bánh và một chén rượu để bất cứ ai ăn hoặc uống sẽ không còn đói khát nhưng được sự-sống-đời-đời.

 

Đức Giêsu không đến thế gian để làm những chuyện phù phép, những trò ma thuật. Ngài đến để biểu lộ “sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Đói ăn, đói mặc ư! Có gì phải sợ! Có sợ thì hãy sợ đói-Lời-Thiên-Chúa. Hôm đó, Đức Giêsu bác bỏ lời gợi ý của Sa-tan như sau: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh”.

 

Vết chàm từ chối Thiên Chúa làm chủ đời mình của nguyên tổ Adam và Eva không dễ gì tái hiện nơi Đức Giêsu, một Giê-su vừa mới được chính Thiên Chúa Cha xác nhận tại sông Giodan rằng: “Con là Con của Cha”. Vâng, Con-là-Con-của-Cha, có lẽ nào Con lại từ chối thờ phượng Người.

 

Hôm ấy, đáp lại sự cám dỗ thứ hai của Satan, Đức Giê-su nói: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Lc 4, 8).

 

Với sự cám dỗ (lời gợi ý) thứ ba, Đức Giê-su đã không mắc lừa Satan, đem một phép lạ do Thiên Chúa thực hiện xếp ngang hàng với một màn biểu diễn kiểu “mãi võ sơn đông”.

 

Từ trên nóc Đền Thờ rồi “gieo mình xuống” ư! Đừng có mơ! “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”. Vâng, hôm ấy, Đức Giê-su đã “mắng” tên-cám-dỗ, như thế.
 

****

Ba lời gợi ý thoạt nghe cứ tưởng là hợp lý lẽ. Thế nhưng, dưới ánh sáng Lời Chúa, chúng ta có thể nói rằng, những lời gợi ý đó chính là khởi đầu cho một chuyến đi, một chuyến đi “sa vào (nhiều) chước cám dỗ.” Vâng, ít nhất là ba chước cám dỗ.

 

Chước cám dỗ thứ nhất, đó là cám dỗ có được quyền phép. Có quyền phép “hô biến” nắng thành mưa, mưa thành nắng, hoặc đá thành bánh, rất nguy hiểm cho đức cậy. Cám dỗ này, rất dễ làm cho chúng ta ngạo mạn lớn tiếng nói: “Thằng Giời đứng sang một bên…”

 

Chước cám dỗ thứ hai, đó là cám dỗ có được quyền hành. Rơi vào chước cám dỗ này, chúng ta, không sớm thì muộn, sẽ mất đi đức ái. Mất đi sự công bằng và tình yêu thương. Có mấy ai, khi nắm trong tay quyền hành, lại không hành xử kiểu “một kẻ làm quan cả họ được nhờ!” Thực tế của cuộc sống hôm nay, chắc hẳn ai trong chúng ta đều thấy rõ.

 

Chước cám dỗ thứ ba, đó là cám dỗ quyền lợi. Rơi vào chước cám dỗ này, chẳng chóng thì chầy, chúng ta sẽ “bán rẻ” lương tâm của mình, bán rẻ lương tâm để được hưởng chút ít quyền lợi. Thế giới hôm nay, nhan nhản những kẻ xem “Lương tâm không bằng lương tháng.”

 

Vâng, Đức Giê-su đã chiến thắng những chước cám dỗ do tên-cám-dỗ đưa ra đó là nhờ Ngài thấu hiểu Kinh Thánh. Gọi là thấu hiểu vì Satan cũng dùng Kinh Thánh nhưng không thấu hiểu Kinh Thánh. Nói lên điều này để làm gì? Thưa, để chúng ta hãy tự hỏi lòng mình rằng: Tôi có thấu hiểu Lời Chúa?

 

Để thấu hiểu lời Chúa, không khó. Trước hết và trên hết, chúng ta hãy yêu mến Lời Chúa. Và tiếp đó là cầu xin Ơn Chúa. Thánh Phao-lô có kinh nghiệm về điều này, ngài đã nói với cộng đoàn Corinto, rằng: “Đã ba lần tôi xin Chúa… Người quả quyết với tôi: Ơn của Thầy đã đủ cho anh.” (2Cor 12, 8-9).

 

Ơn Chúa, chúng ta sẽ thấu hiểu Lời Chúa. Thấu hiểu Lời Chúa, chúng ta mới có thể thực hành Lời Chúa đúng lúc và đúng cách. Thực hành Lời Chúa đúng lúc và đúng cách, chúng ta sẽ khó mà sa vào chước cám dỗ của Satan. Câu chuyện “Đức Giê-su chịu cám dỗ” được kể trên, đã cho chúng ta thấy rõ.

 

Cũng trong câu truyện này, thánh Luca có ghi một chi tiết, chi tiết đó như thế này: “Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ” (x.Lc 4, 13).

 

Vâng, sự chờ đợi của Satan không quá lâu. Tại vườn Cây Dầu, cũng như tại đồi Golgotha, nó đã lởn vởn ở đó, ở đó để cám dỗ Đức Giê-su từ bỏ sứ mạng của mình.

 

Qua miệng lưỡi của những người nhục mạ Đức Giê-su, Satan lại một lần nữa gợi ý Ngài, rằng: “Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào!”. Satan đã thất bại. Vì sao? Thưa, bởi vì Đức Giê-su, đã có lời nguyện cùng Chúa Cha: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”.

 

Ở Golgotha, “Đức Giê-su biết là mọi sự đã hoàn tất”. Nhưng với Satan thì chưa. Sứ mạng cám dỗ của Satan chưa hoàn tất. Nó vẫn “chờ đợi thời cơ”.

 

Vâng, có vẻ như, hôm nay đang là thời cơ của tên-cám-dỗ. Có vẻ như, ngày nay Satan đã và đang tung ra, không phải ba, mà là rất nhiều… rất nhiều “chước cám dỗ”, hơn xưa.

 

Đức Giám mục GB Bùi Tuần, trong một bài viết, được đăng tải trên trang mạng TGP Saigon, có viết: “Hiện nay, các chước cám dỗ đang phát triển mạnh. Chúng hoạt động một cách tự do. Hiện diện của chúng là đều khắp trong đạo ngoài đời.”

 

Đúng vậy. Về đạo, các chước cám dỗ đang hiện diện trong tu viện, trong nhà thờ, trong hội đoàn, v.v… Về đời, các-chước-cám-dỗ đang được sắp trên những kệ hàng trong siêu thị, trên những trang mạng, đang được mời mọc bất cứ ai Satan có thể mời mọc. Các chước cám dỗ đang được Satan chất lên những chiếc xe container, đem đi khuyến mãi khắp thế giới. Những chiếc xe container, do Satan điều động, xếp hàng rất dài, dài giống như đoàn xe tăng, đại pháo, hỏa tiễn của nước Nga đang xếp dài hàng chục cây số, để “chực” tấn công Kyiv thủ đô nước Ukraine.

 

Chúng ta phải làm gì để đối phó trước các-chước-cám-dỗ? Thưa, ngài GM Bùi Tuần viết rằng: “Việc đạo đức, mà Chúa Giêsu nhấn mạnh nhiều nhất, để đối phó với các chước cám dỗ là việc cầu nguyện. Trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: ‘Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ’ (Lc 22,40). Người khuyên các môn đệ cầu nguyện. Chính Người cũng cầu nguyện. Cầu nguyện của Người là rất khiêm tốn, rất thiết tha, rất phó thác trong xao xuyến bồi hồi. Người quỳ gối, ‘sấp mình xuống đất mà cầu nguyện rằng: Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha’ (Mt 26,39). Cầu nguyện như thế để khỏi sa chước cám dỗ được Chúa Giêsu thực hiện như một cuộc giao chiến quyết liệt với chính mình.”

 

Còn nữa… chưa hết. Ngài GM viết tiếp: “Cùng với việc cầu nguyện, Chúa Giêsu hay nói đến một việc khác, đó là việc tỉnh thức. Cũng trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu đã nói với thánh Phêrô: Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ.” (Mc 14, 38).

 

Một lời khuyên cuối cùng, Đức Giám mục GB Bùi Tuần viết:Việc đạo đức sau cùng, mà Chúa Giêsu dạy, để chống chước cám dỗ là ăn chay. Chúa Giêsu phán: Giống quỷ này không chịu ra, nếu người ta không ăn chay cầu nguyện” (Mt 17, 21).

 

Trong cuốn sách “Gương Chúa Giê-su” Thomas à Kempis có viết: “Bao lâu còn sống ở đời, ta còn phải chịu hoạn nạn và cám dỗ.” Vâng, chúng ta không thể tránh khỏi những chước cám dỗ, nhưng chúng ta có thể chiến thắng sự cám dỗ. Chúng ta có thể chiến thắng, nếu chúng ta chiến đấu như cách chiến đấu của Đức Giê-su.

 

Phương cách Đức Giê-su chiến đấu và chiến thắng được sự cám dỗ của Satan, đó là Ngài biết dựa vào Thánh Kinh, Ngài đã phản biện với Satan: “đã có lời chép…”

 

Để chiến thắng, chúng ta cũng hãy chiến đấu như Ngài. Chúng ta cũng hãy dựa vào Thánh Kinh. Chúng ta hãy dựa vào những “lời chép…”, những lời Đức Giê-su truyền dạy được “chép…”, trong Thánh Kinh.

 

Vâng, không quá khó để học thuộc lòng. Không quá khó để nhớ. Chỉ là ba lời truyền dạy: “hãy cầu nguyện, hãy tỉnh thức, hãy ăn chay”.
 

Nói tắt một lời, chỉ cần “cầu nguyện, tỉnh thức, ăn chay”, đó là cách để chiến thắng chước cám dỗ.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây