TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXIII thường Niên -Năm B

“Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” (Mc 13,24-32)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Covid-19: Tháng ngày có bình yên?

Thứ tư - 14/04/2021 20:28 | Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |   835
Trong cuộc thi hội họa với chủ đề “Bình Yên”, hai họa phẩm được lựa chọn để xem đâu là họa phẩm được ưng ý nhất.
Covid-19: Tháng ngày có bình yên?

Covid-19: Tháng ngày có bình yên?


 
Trong cuộc thi hội họa với chủ đề “Bình Yên”, hai họa phẩm được lựa chọn để xem đâu là họa phẩm được ưng ý nhất.
 
Họa phẩm thứ nhất: Vẽ cảnh hoàng hôn đang xuống, với thảo nguyên mênh mông bát ngát một màu xanh. Khi xem, làm cho tâm hồn con người chùng lại, cảm thấy an bình.
 
Họa phẩm thứ hai: Vẽ một thác nước đang đổ xuống ầm ầm, cuồn cuộn những bọt sóng. Nhìn kỹ mới khám phá ra phía bên trong những dòng nước dữ dội ấy, người ta nhìn thấy một tổ chim nho nhỏ. Ở đó, chim mẹ đang đùa giỡn với hai con chim non một cách vui vẻ.
 
An Du Bắc, Vĩnh Linh, Quảng Trị
 
An Du Bắc, Vĩnh Linh, Quảng Trị là quê quán theo chứng minh thư của tôi.
 
An Du Bắc là một làng, thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, nằm bên bờ nam của sông Bến Hải gần cầu Hiền Lương thuộc vĩ tuyến 17, con sông chia đôi đất nước với hai miền Nam-Bắc.
 
Lần theo lịch sử, năm 1069, đời vua Lý Thánh Tông, nước Chiêm Thành sang quấy nhiễu, vua đem quân đi đánh, bắt được vua Chiêm Thành là Chế Cũ. Chế Cũ xin dâng đất 3 châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính để chuộc tội. Những châu ấy ngày nay là tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Như vậy từ năm 1069, Quảng Trị đã là một bộ phận của nước Văn Lang tức Việt Nam ngày nay.
 
Năm 1558, Nguyễn Hoàng nghe theo lời Nguyễn Bỉnh Khiêm xin vào trấn thủ đất Thuận Hóa để tránh bị Trịnh Kiểm giết. Khi đi ông đem theo nhiều bà con, anh em quê ở Tống Sơn, Thanh Hóa và nhiều quan lại của Nguyễn Kim người Thanh, Nghệ. Lúc bấy giờ vùng An Du Bắc thuộc huyện Minh Linh.
 
Năm 1572, để đối phó với Chúa Trịnh, họ Nguyễn ra sức khai khẩn để xây dựng tiềm lực. Bấy giờ vùng Thanh, Nghệ luôn bị đói, nông dân nghèo đổ xô tìm vào Thuận Hóa làm ăn.
 
Như thế, có thể suy đoán rằng những người ở An Du Bắc có gốc tích ở vùng Thanh, Nghệ, hoặc theo Chúa Nguyễn vào hoặc vì lánh nạn chiến tranh, đói kém mà vào lập nghiệp ở làng An Du Bắc thuộc Tổng Hiền Lương, huyện Minh Linh nay là huyện Vĩnh Linh.
 
Năm 1744 Chúa Nguyễn chia đất từ phía nam sông Gianh đến mũi Cà Mau làm 12 Dinh. Trong đó có Dinh Cát, Phủ Vĩnh Linh, Huyện Minh Linh, Tổng Hiền Lương, An Du Đại Xã có từ đó. An Du Đại Xã gồm: An Du Bắc, An Du Đông, An Du Tây, An Du Nam.
 
Về mặt tôn giáo, làng An Du Bắc hầu hết theo đạo công giáo, có các giáo xứ An Bằng, An Trí, An Lễ, An Ngãi thuộc hạt Cửa Tùng. Và ngay từ thời Pháp thuộc, đã có Tiểu chủng viện An Ninh là nơi đào tạo chủng sinh cho địa phận Huế và Vinh, dòng Mến Thánh Giá Di Loan là một dòng nữ tu nổi tiếng được lập tại làng Di Loan. An Du Bắc nằm ven miền duyên hải Cửa Tùng, phía bắc tỉnh Quảng Trị (1).  
 
Từ năm 1954, ông bà đã bỏ làng An Du Bắc mà xuôi Nam. Ông bà và một số cô dì chú bác vào Bốt Đỏ, Dầu Giây, Long Khánh; còn cha mẹ tôi cùng một số còn lại vào Đức Bổn, Phước Tín, Phước Long. Và tại Đức Bổn, tôi đã được sinh ra.
 
Một lần nữa, vì chiến tranh ác liệt, bố mẹ lại bỏ Đức Bổn mà chạy về Phước Vĩnh cư ngụ. Tôi còn nhớ rất rõ, mùa xuân 1968, tôi đã chứng kiến một trận đánh ác liệt ngay trước nhà, vì bên kia đường là một “lô-cốt” quân sự được xây dựng để bảo vệ cửa ngõ vào quận.
 
Rồi gia đình lại bỏ Phước Vĩnh chạy vào Nhơn Hòa, và sau cùng chạy vào trung tâm tỉnh lỵ Phước Long định cư. Vào năm 1972, chiến sự trở nên ác liệt, nhiều lần phải bỏ tỉnh lỵ mà chạy về Bình Dương lánh nạn.
 
Và mùa hè 1972, theo lứa tuổi, tôi được gởi đi tu học tại chủng viện Lê Bảo Tịnh, thuộc giáo phận Ban Mê Thuột, tại tỉnh Đắk Lắk.
 
Năm 1975, chiến tranh diễn ra trên toàn miền Nam. Và sau đó, Việt Nam thống nhất 2 miền.
 
Mặc dù không trực tiếp đi vào chiến trường, nhưng với tuổi học sinh, tôi cũng dự phần một cách trực tiếp vào những hệ quả của chiến tranh: Những bất ổn xã hội, những lo lắng phận người, những cuộc di cư liên tục, hay những ngày đi vào rừng với bộ đội. Và nhất là đêm trên những chiếc xe Molotova vượt núi đồi, với một tương lai mịt mùng không biết đi về đâu?
 
Sau ngày hòa bình, khi trở lại từ cuộc hành trình Bắc Tiến, tôi đã bước trên cầu Hiền Lương từ bờ Bắc. Cầu Hiền Lương dài 178 m, với 7 nhịp. Cầu được chia đôi: Miền Bắc có 89m với 450 tấm ván, miền Nam có 89m với 444 tấm ván được sơn hai màu khác nhau. Qua cầu Hiền Lương, ở bờ Nam sông Bến Hải là tượng đài người mẹ đau đáu nhìn về phương Bắc mong có ngày đoàn tụ. Xa hơn một chút, Mẹ La Vang đã đứng đó hằng trăm năm trước.
 
Cuộc chiến của dân Ít-ra-en
 
Đọc lịch sử của người Do-thái trong Thánh Kinh, chúng ta thấy không ngày tháng nào là không có chiến tranh.
 
Trong biến cố Xuất Hành, vua Pha-ra-ô đã cho dân của Chúa đi vào sa mạc để thờ phượng Ngài như lời ông Mô-sê đã cầu xin (Xh 7,16). Nhưng vì muốn bắt lại đám nô lệ này, vua đã sai một đạo quân Ai-cập hùng hậu đuổi bắt. Tại Biển Đỏ, Đức Chúa đã ra tay, Ngài đã chôn vùi đạo quân Ai-cập này trong lòng Biển Đỏ để cứu thoát dân Ít-ra-en (Xh 14,15-31).
 
Khi tiến vào Đất Hứa, ông Giô-suê đã lãnh đạo bao nhiêu cuộc chiến mới có thể ổn định được đời sống của 12 chi tộc con cái Ít-ra-en (x.Gs 1-24).
 
Sống giữa dân ngoại, dân Ít-ra-en đã bỏ những giới lệnh của Đức Chúa, đã học theo những thói tục của dân ngoại mà từ bỏ những đạo lý cũng như Đức Chúa mà thờ những ngẫu tượng khác. Họ đã phạm tội cùng Đức Chúa. Họ bị  đánh đuổi, bị áp bức bởi dân ngoại. Giữa những thống khổ, họ kêu cầu Đức Chúa mở lượng khoan dung, tha thứ những lỗi lầm mà họ đã phạm. Đức Chúa đã nghe và đã sai những thủ lãnh đến để giải thoát họ (x.Tl 1-21).
 
Dân ngoại có vua, họ cũng đòi có vua (1Sm 8,1...). Đức Chúa cũng ban cho họ những vị vua để lãnh đạo họ. Nhưng tay của các vị vua vấy đầy máu. Lòng các vua cũng hướng về điều dữ và đi lạc xa giáo huấn của Đức Chúa? Có chăng, một Đa-vít, tôi trung luôn hướng về Ngài? Và một Sa-lô-môn, tay không vấy máu, để xây dựng ngôi đền thờ cho Đức Chúa ngự trị giữa loài người? (x. 1-2Sm; 1-2V; 1-2 Sbn).
 
Như những câu cuối cùng của sách Sử biên niên đã viết: “14Tất cả các thủ lãnh của các tư tế và dân chúng mỗi ngày một thêm bất trung bất nghĩa, học theo mọi thói ghê tởm của chư dân và làm cho Nhà Đức Chúa đã được thánh hiến ở Giê-ru-sa-lem ra ô uế. 15Đức Chúa, Thiên Chúa của tổ tiên họ vẫn không ngừng sai sứ giả của Người đến cảnh cáo họ, vì Người hằng thương xót dân và thánh điện của Người. 16Nhưng họ nhạo cười các sứ giả của Thiên Chúa, khinh thường lời Người và chế giễu các ngôn sứ của Người, khiến Đức Chúa bừng bừng nổi giận mà trừng phạt dân Người đến vô phương cứu chữa.” (2 Sbn 36,14-16).
 
Sau cuộc lưu đày, từ Ba-by-lon trở về, họ xây dựng lại nhà Đức Chúa, họ tổ chức lại những việc thờ phượng Đức Chúa. Nhưng lòng họ lại lạc xa những huấn lệnh, làm điều dữ và từ bỏ Đức Chúa của mình? Một Vị Thần đã bao lần làm những việc lạ lùng để cứu họ?
 
Trong cuộc chiến với những người Hy-lạp, sau nhiều năm chiến đấu, anh em nhà Ma-ca-bê đã chiếm lại thành Giê-ru-sa-lem và thanh tẩy Đền Thờ, dân Ít-ra-en đã thú nhận như sau: Làm xong, họ sấp mình phủ phục, nài xin Đức Chúa đừng để họ lâm vào những thảm hoạ vừa qua. Nếu họ còn phạm tội, thì xin Người mở lượng khoan dung mà sửa phạt, chứ đừng trao nộp họ vào tay những dân phạm thượng và dã man” (2Mcb 10,4).
 
Cuộc chiến vẫn tiếp diễn cho tới ngày Con Thiên Chúa mang lấy thân phận con người mỏng giòn chúng ta.
 
Và Covid-19...
 
Cuộc chiến tại quê hương là “nội chiến từng ngày” (Lời Trịnh Công Sơn), hay cuộc chiến của dân Ít-ra-en là cuộc chiến mặt đối mặt, ta và kẻ địch có thể thấy nhau. Thấy để đánh. Thấy để tránh.
 
Đầu năm 2020 có một cuộc chiến khác: Con người với virus Covid-19. Virus Covid-19 quá nhỏ bé nên con người không thể thấy nó được. Nó tấn công tất cả mọi người. Từ hàng tư tế cho tới các tín hữu. Từ vua chúa cho tới hàng lê thứ. Từ những người quyền cao chức trọng cho tới những người thấp cổ bé miệng. Từ người giàu sang cho tới kẻ đói nghèo... Covid-19 không trừ một ai! Và cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Trong cuộc chiến với virus Covid-19, con người cảm thấy mình thật mong manh nhỏ bé như hoa sớm nở tối tàn.
 
Khi Đệ Nhất Thế Chiến đang đi dần vào hồi kết thúc, để có sự bình an cho nhân loại, Mẹ Maria đã hiện ra (1917) với 3 trẻ mục đồng tại Fatima, với những chỉ dẫn rõ ràng: Để có được những tháng ngày hòa bình, con người hãy cải thiện đời sống, hãy siêng năng lần hạt Mân Côi, hãy tôn sùng Mẫu Tâm và dâng hiến nước Nga cho Trái Tim Mẹ.
 
Ngay khi đại dịch bùng nổ kinh hoàng trên toàn thế giới, vào ngày Thứ Tư 11 tháng Ba năm 2020, tại đền thánh Madonna del Divino Amore - Đức Mẹ Tình yêu Chúa, lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô đã được đọc lên: Ngài phó thác “thành phố Rôma, nước Ý và toàn thể thế giới cho sự bảo vệ của Mẹ Thiên Chúa, Đấng là dấu chỉ của ơn cứu độ và hy vọng” trong tình thế nghiêm trọng đang tiếp diễn của dịch bệnh coronavirus.
 
Đức Thánh Cha cũng kêu gọi chúng ta tìm nương náu dưới sự bảo vệ của Đức Mẹ, vì biết rằng Mẹ sẽ giúp chúng ta tuân theo ý muốn của Thiên Chúa (2).
 
Trong những ngày giãn cách xã hội, con người bị hạn chế đi lại, hạn chế tiếp xúc với người khác. Mọi người phải ở nhà. Một kinh nghiệm cho những ngày này là: Nhiều người tìm lại được giá trị của gia đình, giá trị của những yêu thương, chăm sóc, lo lắng cho những người gần gũi, ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, cháu chắt và ngay cả cho những người đang gặp khó khăn thử thách... Chính từ kinh nghiệm mở lòng, chia sẻ với mọi người này, hy vọng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
 
Khi đại dịch xảy ra, con người nhận thấy mình yếu đuối và bất toàn, cần phải nương tựa vào Đấng Toàn Năng. Nhiều người tìm về với đức tin, hoán cải đời mình, trở lại với Chúa. Nhiều tín hữu tìm thấy sự bình yên trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng kêu gọi mọi tín hữu hãy đến với Mẹ qua lời Kinh Mân Côi để giúp chúng ta có thể vượt qua cơn thử thách này (3). Nhất là trong tháng Năm, tháng mà dân Chúa bày tỏ tình yêu và lòng sùng kính đặc biệt của mình đối với Đức Trinh Nữ Maria” (4) để nhân loại cùng nhau vượt qua cơn đại dịch.
 
Một trong những điều kiện để mọi tín hữu nhận lãnh được Ơn Toàn Xá trong cuộc chiến với Covid-19, là hãy cầu nguyện với Thánh Kinh khoảng 30 phút mỗi ngày hoặc lần chuỗi Mân Côi… để cầu khẩn Thiên Chúa Toàn năng chấm dứt dịch bệnh, chữa lành cho những người bị ảnh hưởng và ban ơn cứu độ muôn đời cho những người mà Chúa đã gọi về với Ngài (5).
 
Sứ điệp của Mẹ Fatima vẫn vang vọng trong mọi người chúng ta, trong mỗi người chúng ta.
 
Chúng ta đang bước vào những ngày dỡ bỏ cách ly. Mọi sự việc rồi sẽ trở lại bình thường. Nhưng chắc chắn một điều, tất cả những kinh nghiệm trong tháng ngày đối diện với sự tàn phá của Covid-19, cũng như cảm nhận được sự nhỏ bé của con người vẫn còn trong mỗi người chúng ta.
 
Việc hoán cải đời sống để trở nên tốt hơn, để sống tích cực hơn. Việc mở lòng chia sẻ với tha nhân, những nâng đỡ tinh thần cũng như vật chất (x.Mt 5,7; 6,12) có còn tiếp tục trong chúng ta?
 
Việc cầu nguyện bằng Thánh Kinh ít là 30 phút mỗi ngày để lãnh nhận Ơn Toàn Xá, tôi nghĩ, rất nhiều người trong chúng ta đã thực hành. Kinh nghiệm này có còn tiếp tục trong cuộc sống của chúng ta khi mọi sự trở lại như là bình thường?
 
Việc cầu nguyện với lời kinh Mân Côi trong những ngày đại dịch có là những thực hành hằng ngày, khi cuộc sống mang vẻ bình thường nhưng vẫn còn ẩn chứa bất an vì virus Covid-19 như “vô hình” vẫn lẩn khuất đâu đó?
 
Sứ điệp Mẹ Fatima luôn mới mẻ trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, nhất là khi chúng ta đứng trước những mong manh của kiếp người.
 
                                                                                   Nguyễn Thái Hùng
                                                                    Những ngày cuối tháng Năm 2020
 
 
Ghi chú
 
(1)        (x. http://nguyenandubac.blogspot.com/p/gia-pha-nguyen-toc-du-bac.html).
(2)        
https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-03/dtc-phanxico-xin-duc-me-bao-ve-the-gioi-khoi-virus-corona.html
(3)        https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-03/dtc-phanxico-cau-nguyen-thanh-giuse-virus-corona.html
(4)        
https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-04/dtc-phanxico-thang-5-kinh-man-coi-virus-corona.html 
(5)        
https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2020-03/toa-an-giai-toi-cao-on-toan-xa-virus-coronat.html
           

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây