Chúa Nhật XVIII – TN – B
Đây, tay con đang hướng về Chúa
Một trong những điều rất cần thiết cho cuộc sống của con người, đó là: ăn và uống. Mà, rất cần thiết thật, nên người xưa có nói “Dân dĩ thực vi tiên”.
Tuy nhiên, nói là một chuyện, còn thực tế thì đừng vì coi cái ăn là trước hết mà chúng ta cho rằng, sống là để ăn. Bởi, nếu quan niệm sống để ăn – ăn để sướng, mà chẳng may “mất ăn một miếng”, ngay lập tức chúng ta sẽ “lộn gan lên đầu”.
Người xưa còn nói: “miếng ăn là miếng tồi tàn”. Đúng thế, rất tồi tàn vì cái ăn thường dẫn đến cái tội… tội ăn tham, tội ăn cắp, tội ăn trộm, tội ăn hối lộ, tội ăn xén – ăn bớt v.v...
Thế nên, đừng bao giờ để cho cái ăn chi phối cuộc đời mình, mà hãy luôn hướng đến một lối sống cao đẹp hơn, đó là: ăn để sống. Nhà thơ Nguyễn Công Trứ tâm niệm rằng, ăn-để-sống, thế nên đối với ông: “Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch”, cũng là đủ. Và ông quan niệm rằng: “Người quân tử ăn chẳng cầu no”.
Khi nói tới ăn-để-sống, Đức Giê-su còn muốn đi xa hơn nữa. Đó là, con người sống không chỉ bởi một thứ “lương thực mau hư nát” nhưng còn cần “có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh”.
Một ngày nọ, tại Ca-phác-na-um, trong một cuộc trò chuyện với dân chúng, là những kẻ tìm đến, Đức Giê-su đã lớn tiếng nói như thế. Hôm ấy, Ngài còn hé mở cho mọi người biết rằng: “Phúc trường sinh là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho...”
Cuộc trò chuyện của Đức Giê-su đã được ghi lại chi tiết trong Tin Mừng thánh Gio-an. (Ga 6, 24-35).
**
Theo Tin Mừng thánh Gio-an ghi lại: Hôm đó, sau biến cố hóa bánh ra nhiều cho năm ngàn người ăn, “Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn lên làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.” (Ga 6, 15).
Về phần các môn đệ, “chiều đến, các ông xuống bờ Biển Hồ, rồi xuống thuyền đi về phía Ca-phác-na-um bên kia Biển Hồ”.
Thầy thì lên núi, còn trò thì xuống biển. Và rồi, đang khi thuyền của các ông “lờ lững trôi xuôi dòng”… xuôi dòng “chừng năm hoặc sáu cây số, (thì) các ông thấy Đức Giê-su đi trên mặt Biển Hồ và đang tới gần thuyền” (x.Ga 6, 19).
Thấy Đức Giê-su, lẽ ra phải mừng, ấy thế mà “các ông hoảng sợ”. Các ông sợ, vì hôm đó “biển động và gió thổi mạnh”, vậy mà Thầy lại “đi trên mặt Biển Hồ”, thế có phải là rất nguy hiểm không kia chứ!
Nhìn thấy sự sợ hãi trên khuôn mặt các môn đệ, Đức Giê-su lên tiếng nói: “Thầy đây mà, đừng sợ”. Nhận ra đúng là Thầy Giê-su, các môn đệ “muốn rước Người lên thuyền”, thế nhưng, “ngay lúc đó thuyền đã tới bờ, nơi các ông định đến” (x.Ga 6, 21).
Nơi các ông định đến, đó là Ca-phác-na-um. Khi Thầy và trò lên bờ thì cũng là lúc dân chúng “xuống thuyền đi Ca-phác-na-um tìm Ngài”.
Họ đi tìm và họ đã gặp. Khi gặp thấy Đức Giê-su, họ nói: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?” Vâng, một câu chào hỏi rất bình thường, phải không thưa quý vị! Nhưng, với Đức Giê-su thì đó chỉ là một lời chào “đưa đẩy”, đưa đẩy để chờ đợi Ngài sẽ thêm một lần nữa, hóa bánh ra nhiều, cho họ ăn no nê.
Được-ăn-bánh-no-nê ư! Đó là một ước muốn lệch lạc. Thế nên, thay cho câu trả lời, Đức Giê-su đã gửi đến họ lời khiển trách, lời khiển trách rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.” (x.Ga 6, 26).
Tiếp đến, Ngài lớn tiếng nói, rất rõ ràng rằng: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực hay hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận” (x Ga 6, 27).
Hôm ấy, mọi ánh mắt, ánh mắt hoài nghi… của dân chúng, đổ dồn về Đức Giê-su. “Con Người là ai?” Là ông Giê-su người Na-da-rét ư! Và, lấy gì chứng minh ông Giê-su người Na-da-rét chính là “Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận”?
Thế là một câu hỏi được họ đưa ra: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?” Đức Giê-su trả lời rằng: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người sai đến”.
Vâng, là tin. Đó là điều Đức Giê-su mời gọi. Nhưng dân chúng lại đòi “dấu lạ”, họ mới tin. Họ nói với Đức Giê-su rằng: “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông làm gì đây! Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ bánh bởi trời.” (x.Ga 6, 30-31).
“Có hai thứ sự sống và hai loại của ăn: của ăn thân xác, cho ta sự sống dễ hư nát và của ăn từ trời, cho ta sự sống đời đời”. Nhà chú giải Kinh Thánh Noel Quesson đã cảm nghiệm được điều này, và gọi đó chính là “dấu lạ”.
Còn Đức Giê-su ư! Vâng, Ngài không làm một dấu lạ nào cả. Thay vào đó là một lời tuyên phán: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh ban lại sự sống cho thế gian.” (x.Ga 6, 32-33).
Noel Quesson, sau khi nghe lời tuyên phán này, ông đã có lời chia sẻ, rằng: “Chúng ta nên suy gẫm về sự lạ lùng mà những chữ này gợi ra cho ta không? Chúng ta đã được tạo dựng cho Thiên Chúa. Dù muốn, dù không, cơn đói của chúng ta, chính là đói Thiên Chúa.
Tiên tri Isaia đã nói ‘Tại sao phí tiền vào những của không làm no bụng’. Sau khi đã đi tìm tất cả mọi lạc thú trần gian, Thánh Angustinô đã thú nhận rằng: ‘Lạy Chúa, tâm hồn con không nghỉ yên khi nó chưa được an nghỉ trong Chúa’.
Vâng, tâm hồn chúng ta rất rộng lớn, đến nỗi không gì có thể lấp đầy được ngoài một mình Thiên Chúa mà chúng ta được dựng nên vì Người. Sau mỗi lạc thú dục vọng lại sinh ra dục vọng, đó là dấu hiệu của sự đòi hỏi vô biên này.” (nguồn: internet).
Còn khán thính giả của Đức Giê-su hồi đó, thì sao! Sau khi nghe Đức Giê-su nói, họ thưa: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy.”
Hôm ấy, câu trả lời của Đức Giê-su, đó là: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ.” (x.Ga 6, 35).
***
“Chính tôi là bánh trường sinh”. Đức Giê-su đã tuyên phán như thế với những người Do Thái, năm xưa. Và, Ngài cũng sẽ tuyên phán như thế đối với chúng ta, hôm nay.
Không có gì quá khó để chúng ta có thể tìm thấy loại bánh này. Loại bánh này được tìm thấy trong những lời Thiên Chúa truyền dạy. Loại bánh này cũng được tìm thấy trong những lời Đức Giê-su truyền dạy. Nói cách khác, bánh trường sinh đó chính là Kinh Thánh, là những Lời Chúa phán.
Ngôn sứ Giê-rê-mi khi tìm thấy loại bánh này, ông đã có lời tâm sự như sau: “Khi nghe lời của Người, tôi đã ăn ngấu nghiến. Lời Chúa là sự vui sướng hạnh phúc cho lòng tôi” (x.Gr 15, 16).
Và Đức Giê-su, cũng đã có lời dạy rằng: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.” (Mt 4, 4).
Chúng ta sẽ “nếm để biết” rằng, loại bánh này sẽ đem đến cho chúng ta “phúc trường sinh”! Vâng, câu trả lời là của mỗi chúng ta.
Thế nhưng, hãy nhớ rằng, nếu chúng ta đi tìm những loại bánh do những “lò bánh” của thế gian sản xuất, những loại bánh được nhồi bởi những loại bột, đại loại là: bột-dâm-bôn, bột-phóng-đãng, bột-hận-thù, bột-bất-hòa, bột-chia-rẽ, bột-bè-phái, bột-ganh-tỵ, bột-say-sưa-chè-chén v.v… Phải coi chừng! những loại bánh này “ăn vào sẽ chết, chết cả xác lẫn hồn”, nó không thể đem đến cho chúng ta sự sống muôn đời.
Ăn những loại bánh được “nhồi” bởi những loại bột nêu trên, thánh Phao-lô cho chúng ta thấy một thực tế rất phũ phàng: kẻ đó bị “mất ý thức nên đã buông thả, sống phóng đãng đến mức làm mọi thứ ô uế cách vô độ” (Ep 4, 19).
Cuối cùng, cuối cùng thì sao! Thưa, nói theo cách nói của thánh Phao-lô: Họ… “họ sẽ không được thừa hưởng Nước Trời”.
Chúng ta có sợ không? Nếu có, hãy vâng nghe lời Đức Giê-su truyền dạy. Ngài đã truyền dạy rằng: “Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ.”
Vâng “Chúa đã ban bánh bởi trời cho nhân loại.” Phần còn lại là do chúng ta. Là chúng ta hãy cùng Noel Quesson, nguyện xin Chúa Giê-su rằng: “Lạy Chúa, xin ban cho chúng con thứ bánh của Chúa, Này đây, tay con đang giơ lên cao…”
Cá nhân mỗi chúng ta, hãy lớn tiếng nói với Chúa: “Đây, tay con đang hướng về Chúa”.
Petrus.tran
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn