TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bánh Trường Sinh (Ga 6, 24-35)

Thứ năm - 01/08/2024 10:03 | Tác giả bài viết: Lm. Thái Nguyên |   381
“Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh”.

BÁNH TRƯỜNG SINH
Chúa Nhật 18 Thường Niên năm B: Ga 6, 24-35

LmTN 010824a

 

Suy niệm

Manna vẫn được xem là bánh của Thiên Chúa ban xuống bởi trời để nuôi dân 40 năm trong sa mạc trong cuộc hành trình về Đất Hứa. (Tv 78,24; Xh l6,15). Trong Do Thái giáo, có một niềm tin mạnh mẽ là khi Đấng Mêsia đến, Ngài sẽ lại ban manna cho dân chúng đang mong chờ. Việc ban manna được coi là công việc tối quan trọng đối với vai trò của Môsê, người của Thiên Chúa Với cái nhìn đó, dân chúng nghĩ rằng, nếu thật sự Đức Giêsu là Đấng Mêsia thì phải làm hơn thế nữa.

Miếng ăn là nỗi lo của mọi người trong mọi thời đại, nhất là đối với dân nghèo. Dân chúng vùng Galilê sau khi được Chúa cho một bữa ăn no nê, lại tiếp tục đổ xô đi tìm Ngài. Ðức Giêsu không trách họ về chuyện đó, nhưng Ngài cũng không ngại nói thẳng: “Các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê”. Con người ta vẫn thế, dễ để cho miếng ăn vật chất quyết định về tính cách của mình. Quan niệm của người đời vẫn mang tính cách như thế: “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng nói lên điều đó: “Còn bạc còn tiền còn đệ tử, hết cơm hết rượu hết ông tôi”. Ngay trong tôn giáo, các tín hữu vẫn nói: có thực mới vực được đạo. Vật chất miếng ăn vẫn chiếm hàng đầu. Còn chúng ta thì sao?

Có thể chúng ta cũng bị yếu tố vật chất tác động mạnh mẽ: khi sung túc thì sốt sắng; khi túng thiếu thì nguội lạnh, thậm chí có người buông bỏ đời sống đức tin khi làm ăn thất bát, cầu xin mãi mà cũng chẳng thấy hơn gì. Cũng như dân Do Thái xưa, muốn quay về Ai Cập để tìm lại miếng ăn xưa, dù phải tiếp tục đem thân làm nô lệ. Đức Giêsu muốn nâng cao phẩm cách của con người nên đã đưa ra lời cảnh giác: “Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh”. 

Rất tiếc, người dân Galilê cũng lại nhớ đến chiếc bánh hôm qua trong sa mạc. Họ dừng lại ở phép lạ hóa bánh bên ngoài, không muốn tìm kiếm hay mơ ước những gì lớn lao hơn, chỉ xin cho được có bánh ăn mãi. Con người ngày nay trong điều kiện kinh tế tiến bộ vượt bực, nhưng có lẽ tâm trạng cũng không khác gì dân Do Thái xưa, chỉ muốn sống với những gì trước mắt. Người nghèo thì bị cuốn hút vào công việc làm ăn, để giải quyết vấn đề cơm áo gạo tiền hằng ngày. Người giàu thì chạy theo tiện nghi và thời trang. Đứng trước cuộc sống hiện đại, ta thấy nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao, tìm kiếm sự thỏa mãn ngày càng nhiều. Rốt cuộc, kẻ nghèo người giàu đều có nguy cơ trở nên nô lệ cho vật chất, không nhận ra phẩm giá cao cả của đời mình.

Văn hào Leon Tolstoi viết một tiểu thuyết ngắn với tựa đề: “Con người chúng ra sống bằng gì?” Tác giả nêu ra câu hỏi và trả lời ngay sau đó: “Con người chúng ta sống bằng tình yêu”. Có no thỏa bằng vật chất rồi cũng chết, chỉ có tình yêu mới làm cho ta sống mãi, vì “Thiên Chúa là tình yêu”. Cơm bánh không thể thỏa mãn cơn đói của một con người có tâm hồn linh thiêng. Con người còn đói nhiều thứ: đói được tôn trọng, được chấp nhận; đói niềm tin, đói hy vọng, đói được yêu thương, an bình và lẽ sống. Cho dù đã thỏa mãn mọi thứ trong cuộc đời này từ vật chất cho tới tinh thần, thì người ta vẫn cảm thấy thiếu hụt điều gì đó rất sâu xa, mà thiếu nó thì mọi cái khác đều trở thành dư thừa.

Chẳng lạ gì mà các bạn trẻ thành công và ngay cả những người đã thành đạt vẫn rơi vào thất vọng, cô đơn, chán chường, có khi tuyệt vọng, vì không tìm thấy ý nghĩa cho đời mình. Ý nghĩa hay khát vọng sâu xa nhất của con người là chính Thiên Chúa, là sự sống đời đời chứ không phải đứt đoạn với sự sống đời này. Thiên Chúa mới là cùng đích, là chóp đỉnh của mọi khát vọng, là suối nguồn hạnh phúc của đời sống con người. Đó cũng là kinh nghiệm của thánh Augustinô, luôn khắc khoải cho tới khi nào gặp được chính Chúa.

Mọi khát vọng no thỏa của con người cũng chỉ là biểu hiện sự khao khát Tuyệt Đối mà Thiên Chúa đã đặt trong lòng. Đức Giêsu khơi dậy sự khát vọng đó nơi tâm hồn con người. Ngài không cho dân chúng thứ manna ngày xưa, nhưng cho họ thứ bánh đích thực bởi trời, bánh ban sự sống đời đời như Lời Ngài công bố: “Chính tôi là bánh trường sinh, Ai đến với tôi sẽ không đói, ai tin vào tôi sẽ không khát bao giờ”. Chúng ta hãy đến với Chúa Giêsu, hãy tin tưởng tuyệt đối vào Ngài. Hãy để cho Lời Ngài và Mình Ngài nuôi dưỡng ta, thần hóa ta, để ta đạt tới chính Thiên Chúa, Đấng duy nhất lấp đầy khao khát vô biên của con người, mà ngoài Ngài ra, tất cả đều là hư không.

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Kinh nghiệm sống hằng ngày cho con thấy,
càng hưởng thụ con càng khao khát,
thỏa thích rồi nhưng lại cứ khát khao,
mọi thứ trần gian cho dù có đầy tràn,
cũng chẳng thể làm lòng con thỏa mãn.


Bao người đầy thế lực và tiền bạc,
nhưng chẳng tìm thấy được bình an,
cuối cùng rồi cũng đến lúc chán chê,
có khi còn phải gánh lấy những ê chề,
còn cơ may khi ai đó biết quay về,
để tìm cho đời mình một ý nghĩa.


Ý nghĩa của đời con là chính Chúa,
Đấng đã dựng nên con cho chính Ngài,
bởi vì mọi thứ khác sẽ tàn phai,
càng bám níu lại càng thêm hư hại,
chẳng lạ gì con khắc khoải khôn nguôi,
cho tới khi được yên hàn trong Chúa.


Nhìn vào tận thâm tâm con mới thấy,
trái tim người có khoảng trống mênh mông,
mà chỉ có Thiên Chúa mới lấp đầy,
nhưng thực tế chúng con vẫn u mê,
vẫn chạy theo những vinh hoa phù thế,
chưa dám sống cho những gì mình tin.


Xin cho chúng con sớm nhận ra,
chỉ có Chúa mới thật là tất cả,
là bánh ban sự sống đến muôn đời,
mà lòng con khao khát mãi khôn vơi.


Chúa cho con được diễm phúc cao vời,
được rước Chúa ngay trong từng thánh lễ,
xin cho lòng chúng con luôn say mến,
tìm mọi cách để được đến với Ngài. Amen.

Lm. Thái Nguyên

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây