Chúa Nhật XX – TN – B
Hãy đến… Cầm lấy mà ăn
Như chúng ta được biết, trước khi về trời, Đức Giê-su đã sai các môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Ngài nhắc nhở các môn đệ là phải: “dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.” (x.Mt 28, 20).
Xưa, các vị môn đệ, có phần chắc, là có dạy bảo nhiều điều “Thầy đã truyền” cho những người tín hữu của mình. Và, ngày nay, cũng có phần chắc là những vị kế tục các môn đệ, cũng đã và đang dạy bảo cho người tín hữu của mình rất nhiều điều Đức Giê-su đã truyền dạy.
Vâng, mọi việc “dạy bảo” vẫn luôn được tiếp diễn. Tuy nhiên, có bao giờ chúng ta hỏi… hỏi những-vị-kế-tục-các-môn-đệ ngày nay, gần gủi nhất là các linh mục, rằng: điều gì được các ngài “dạy bảo” nhiều nhất, thường xuyên nhất cho người tín hữu của mình?
Có lẽ, có lẽ không ít vị linh mục sẽ nói, điều mà tôi “dạy bảo” cho tín hữu của mình thường xuyên nhất, đó là: hãy siêng năng tham dự Bí Tích Thánh Thể. Đúng, đúng quá đi chứ!
Là Bí Tích Thánh Thể. Bởi, “Bí Tích Thánh Thể là chóp đỉnh và là nguồn mạch của đời sống Kitô hữu.” (nguồn: internet). Tham dự Bí Tích Thánh Thể chính là tham dự vào bàn tiệc “Mình và Máu Thánh Chúa Kitô.”
Đây là “một món quà kỳ diệu” mà Thiên Chúa đã ban cho con người, qua Đức Giê-su Ki-tô. Lm. Charles E.Miller đã có lời chia sẻ, như thế. Tại Ca-phác-na-um, hơn hai mươi thế kỷ trước, Đức Giê-su đã “mở” món quà này bằng một bài diễn từ “long trời lở đất”, gây ngạc nhiên tột độ cho mọi người.
**
Vâng, mở đầu bài diễn từ, Đức Giê-su có lời tuyên bố rằng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. (x.Ga 6, 51).
Ngạc nhiên không! Có chứ! Người Do Thái hồi ấy đã rất ngạc nhiên. Họ ngạc nhiên vì ”bánh từ trời xuống”, có đấy! Thế nhưng… nhưng là manna, một loại bánh mà “Tổ tiên họ đã ăn trong sa mạc”.
Còn hôm nay, người vừa tuyên bố là ông Giê-su người Na-da-rét… Làm sao ông ấy lại dám nói “tôi là bánh… từ trời xuống!” Khủng khiếp hơn nữa: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”
Thánh sử Gio-an cho biết, họ đã “tranh luận sôi nổi” về những gì Đức Giê-su tuyên bố.
Dẫu vậy, Đức Giêsu vẫn dõng dạc tuyên phán: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.” (x.Ga 6, 53-55).
Vai trò và sứ vụ của Đức Giêsu đến thế gian, là để cho thế gian “được sống muôn đời”. Đây là lời hứa đến từ trời cao, đến từ “Chúa Cha là Đấng hằng sống”.
Thế nên, hôm ấy, không ngại trước những nghi ngờ của đám đông dân chúng, Đức Giê-su tái khẳng định, rằng: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy.”
Kết thúc bài diễn từ, Đức Giê-su xác quyết: “Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” (Ga 6, 58).
***
Tất cả những điều (nêu trên) đã được Đức Giê-su “giảng dạy trong hội đường, ở Ca-phác-na-um” (x.Ga 6, 59).
Vâng, đó là những điều Đức Giê-su “giảng dạy”. Và, những điều giảng dạy này, đã được Ngài hiện thực hóa trong bữa tiệc Vượt Qua. Trong bữa ăn đó, “Đức Giê-su cầm lấy bánh dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra trao cho môn đệ và nói: Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy. Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu giao ước đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26, 26-28).
Lm Giuse Nguyễn Hữu An, trong bài viết ”Thánh Thể Là Trung Tâm Đời Sống Kitô Hữu”, cũng có lời chia sẻ rằng: “Vào đêm bị trao nộp trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã thiết lập hy tế Tạ Ơn. Ngài cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra trao cho các môn đệ và nói: Này là Mình Thầy, các con hãy cầm lấy mà ăn. Rồi Người cầm lấy chén rượu và nói: Này là Máu Thầy, các con hãy cầm lấy mà uống. (Mt 26, 26- 29; Lc, 22, 14-19).
Đây là hy tế của Giao Ước Mới được thiết lập bằng máu Đức Kitô như một biến cố vượt qua của Người trên thập giá: “Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22,20). Đức Giê-su ủy thác việc tưởng niệm biến cố này cho các Tông đồ, cũng như cho Hiền thê yêu quý của Người là Giáo hội: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19).
Tất cả mọi sự đều đã rõ. Thế nên, thiết nghĩ rằng, chúng ta không cần tranh luận (tranh cãi) gì nữa về những lời giảng dạy của Đức Giê-su tại Ca-phác-na-um, năm xưa. Bởi vì, “Đây là mầu nhiệm đức tin”.
Và, có lẽ chúng ta cũng không cần “bức xúc” về sự kiện trong những ngày vừa qua, có một “nhúm” người, dùng nghệ thuật báng bổ bữa tiệc cuối cùng, chúng ta thường gọi là “bữa tiệc ly”, một bữa tiệc mà Đức Giê-su đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể, là chính “Mình và Máu Thánh” của Ngài, để những ai “cầm lấy mà ăn” thì sẽ được “sự sống đời đời”.
Tại sao… tại sao chúng ta không cần “bức xúc”? Thưa, bởi những kẻ báng bổ đó chỉ là “những người hư mất… những kẻ không tin”. Thánh Phao-lô trình bày rõ ràng rằng: “Họ không tin, vì tên ác thần của đời này đã làm cho tâm trí họ ra mù quáng, khiến họ không thấy bừng sáng lên Tin Mừng nói về vinh quang của Đức Ki-tô, là hình ảnh của Thiên Chúa.” (II Cor 4, 4).
Chỉ có những kẻ tin, mới có thể nhìn thấy “vinh quang của Đức Ki-tô”. Còn chuyện báng bổ, nhạo báng đức tin Ki-tô Giáo ư! Không…không có gì mới mẻ. Thời thánh Phê-rô còn tại thế, báng bổ, nhạo báng Ki-tô giáo là chuyện “thường xảy ra ở huyện”.
Ngài Phê-rô gọi những kẻ này là những kẻ vô luân “sống theo những đam mê riêng của họ.” (II Pr 3, 3) Cuối cùng là gì? Thưa, tông đồ trưởng nói “chúng phải diệt vong”. Thế thôi!
Đối với những “drag-queen - người nam giả nữ” là những kẻ góp mặt trong “màn trình diễn tại lễ khai mạc Thế vận hội (Paris 2024), dùng một thứ nghệ thuật quái quỷ, nhại lại bức tranh ‘Bữa tối cuối cùng’ của Leonardo da Vinci”, thì cũng đừng… đừng vì thế mà “sợ và xao xuyến”, thánh Phê-rô có lời khuyên, như thế.
Ngài Phê-rô có lời tiếp rằng: “Đức Ki-tô là Đấng Thánh, hãy tôn thờ Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em… Hãy giữ lương tâm ngay thẳng, khiến những kẻ phỉ báng anh em vì anh em ăn ở ngay thẳng trong Đức Ki-tô, thì chính họ phải xấu hổ vì những điều họ nhạo báng…” (IPr 3, 15-17).
Mà thật vậy. Cả nước Pháp, có thể nói như thế, đang phải xấu hổ vì sự ngạo mạn của một nhúm người mà cụ Cao Bá Quát gọi là: “nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi”.
Vấn đề của chúng ta hôm nay, đó là hãy luôn sẵn sàng, sẵn-sàng-trả-lời cũng như sẵn-sàng-đáp-lời… lời mời gọi của Đức Giê-su, qua các vị linh mục, lời mời gọi rằng: “Đây là Mình Thầy – hãy cầm lấy mà ăn. Đây là Máu Thầy – hãy cầm lấy mà uống.”
Cầm-lấy-mà-ăn, chúng ta được hiệp thông với Chúa Kitô. “Nhờ việc rước Mình và Máu Chúa, chúng ta nên một với Người, được thông phần vào cuộc thương khó, cái chết và phục sinh của Người.” Vâng, đó không phải là do trí tưởng tượng của Giáo Hội đặt ra, mà là do Đức Giê-su đã tuyên phán: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6, 56).
Cầm-lấy-mà-ăn, khơi dậy trong chúng ta lòng bác ái đối với tha nhân. Thật vậy, tông đồ Phao-lô đã chẳng nói: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một tấm Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể”, đó sao! (x.1Cor 10, 16-17). Là-một-thân-thể thì có gì ngăn cản chúng ta “yêu người như chính mình ta vậy”!
Chính vì thế, đừng ngần ngại, “cầm lấy mà ăn” bởi nhờ đó, chúng ta sẽ được, được sống mãi trong tình yêu của Thiên Chúa. Đó, đó là điều Đức Giê-su đã phán hứa: “Kẻ ăn tôi… sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (x.Ga 6, …57).
Xưa, Thiên Chúa, qua môi miệng ông Sa-lô-môn, đã có lời mời gọi, rằng: ““Hãy đến mà ăn bánh của ta và uống rượu do ta pha chế. Đừng ngây thơ khờ dại nữa, và các con sẽ được sống, hãy bước đi trên con đường hiểu biết” (x.Cn 9, 5-6).
Và nay, trên Bàn Tiệc Thánh Thể, Đức Giê-su, qua các vị linh mục, Ngài đã-được-pha-chế-rồi, pha chế thành “Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô”. Thế nên, chúng ta, đừng chần chờ gì nữa, “Hãy đến… Cầm lấy mà ăn.”
Petrus.tran
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn