TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Ngày khai mở các cánh đồng truyền giáo

Thứ tư - 13/10/2021 04:06 | Tác giả bài viết: Đa Minh Trần Văn Tân, SJ |   749
Ngày 8.12.1993, chúng tôi cùng với một số anh chị em giáo lý viên, trong khi lắng nghe tiếng gọi lên đường, đã đồng tâm nhất trí lấy ngày 01.01.1994 làm ngày xuất phát, ra đi loan báo Tin Mừng.
Ngày khai mở các cánh đồng truyền giáo

Anh em Sơn Hòa vào Bù Đăng Srêy trong ngày khai mở các cánh đồng truyền giáo

Ngày 8.12.1993, chúng tôi cùng với một số anh chị em giáo lý viên, trong khi lắng nghe tiếng gọi lên đường, đã đồng tâm nhất trí lấy ngày 01.01.1994 làm ngày xuất phát, ra đi loan báo Tin Mừng.

Sáng ngày mồng 01.01, chúng tôi từ Phước Long qua, tới Sao Bọng rẽ theo đường vòng xuống xã Thống Nhất, trở lại Bù Đăng và ghé vào Bù Đăng Srêy, một làng sát bên đường, đông dân, đã 3 năm nay đi qua đi lại, nhiều lần nghe tiếng cồng chiêng, biết có cúng kiếng múa nhẩy trong đó mà chưa có cơ hội ghé thăm.

Vào tới cửa nhà ông Bec thì gặp anh Tin và anh Lưh đi ra. Đây là một trong những làng anh em Sơn Hòa được sai đến. Trước đó đã có anh Srơn xin vào đạo, nhưng hôm nay với những bước đi chính thức, mở đầu với nhà ông Bec là thôn trưởng, đôi bên tiếp nhận nhau, thôn trưởng sẵn sàng cùng với cả nhà tin theo, và đứng ra nhận trách nhiệm cho các sinh hoạt tiếp theo. Ngay buổi gặp gỡ đầu tiên đã có được 5 gia đình anh em bà con của thôn trưởng cũng xin vào đạo.

Thôn trưởng là một người có 3 vợ, ông đảm đang việc nhà và cũng giỏi việc xã hội, nay nhận trách nhiệm cho các sinh hoạt đạo của bà con thì thuận tiện biết bao, đặc biệt trong buổi đầu cần người đứng trụ để các sinh hoạt được yên ổn. Một người có khả năng điều khiển gia đình với 3 bà vợ và cả gần chục người con mà vẫn yên thấm trong ngoài thì đâu phải dạng vừa.

Ngay khi trở lại, ông đã dành riêng một căn nhà nhỏ làm nơi cho bà con cầu nguyện, sau dần kiếm đất dựng nhà nguyện. Tuy nhiên để chủ trì các giờ kinh và các sinh hoạt của cộng đoàn thì lại phải có các anh em sẽ qua những khóa giáo lý và cầu nguyện.

Những năm sau đó khi có dịp đi ngang, chúng tôi thường nghỉ lại qua đêm ở nhà thôn trưởng. Trong nhà tổng cộng 12 miệng ăn, ngày nào cũng đông vui. Hỏi tại sao 3 bà lúc nào cũng hòa thuận, đơn giản lắm, cách hành xử chung của các ông có nhiều vợ là hễ một bà gây chuyện thì ông gọi luôn cả 3 để phân giải, sau đó các bà phải bảo nhau mà sống. Con cái sinh ra trong một nhà đương nhiên là anh chị em với nhau, và con của bà này thì cũng được hai bà kia bồng ẵm, chứ không bao giờ có chuyện phân biệt con tôi con bà.

Nhóm anh em Sơn Hòa gồm có anh Nhơn, anh Tin, anh Mlư, anh Lưh và anh Men là 5 người đứng ra khai phá những luống cầy đầu tiên không chỉ sóc Bù Đăng Srey mà còn 2 làng kế cận là Bù Rach và Bù Ranh, cùng các làng thuộc 2 xã Đoàn Kết và Thống Nhất nữa, cả một vùng đất mênh mông của người Stiêng trong khi anh em Sơn Hòa lại là người thuộc sắc dân M.Nông. Thực ra việc khai phá cánh đồng không chỉ có 5 anh em trên đường, mà còn cả một nhóm các bạn trẻ đi theo sau, để giúp sinh hoạt giới trẻ và tập cho bà con đọc kinh cầu nguyện. Nhóm trẻ trong khi đến sinh hoạt tại làng mới, thì cũng mời bạn trẻ làng mới về làng mình giao lưu sinh hoạt, hai bên lui tới vui lắm.

Chúng ta thử cùng nhau nhìn lại quá trình hạt giống Tin Mừng được gieo trên mảnh đất Sơn Hòa, chuyện nghe qua ai cũng ngỡ ngàng trước sức mạnh của ân sủng Thiên Chúa.

Năm 1972, khi Y Krông từ Đăk Nông được sai về cánh đồng Bù Đăng thì ở Sơn Hòa mới có được 3 chàng trai trẻ là các anh Tin, anh Mlư, và anh Men tin theo; qua tới năm 1973, thêm Mẹ anh Tin cùng với chú bé Nhơn 7 tuổi, với ông nội và ông chú. Một tháng trước năm 1975, khi cuộc chiến trở nên khốc liệt thì bà con phải bồng bế nhau chạy lên Đak Nông lánh nạn, và thật may mắn cho các trẻ em trong làng có cơ hội theo học vỡ lòng với các nữ tu dòng Thánh Phaolô, một tháng đủ để cho các em, trong đó có bé Nhơn, học được một vài câu giáo lý, và mộ mến đạo qua bóng dáng dịu hiền của các nữ tu, để những năm sau đó càng thêm tuổi, thêm khôn lớn thì cũng thêm tin tưởng.

Sau những năm chiến tranh, về lại vùng đất xưa, giữa núi rừng mênh mông, bà con lo phát rừng, làm rẫy, dựng nhà, lập nghiệp trên đất của tổ tiên, vẫn giữ truyền thống và kỷ cương của cha ông, nhưng lại muốn rời bỏ tin kiêng cúng bái do mấy ông thầy cúng bao thời bầy ra tốn kém, làm cho cuộc sống thêm nặng nề. Ngặt một nỗi ngay tại Sơn Hòa không có thầy giảng giúp khơi dạy đức tin, chỉ có 3 chàng trai trẻ mới tin theo, mà cũng chỉ lõm bõm mấy câu kinh và giáo lý được Y Krông dạy vội. Thêm vào đó toàn bộ vùng này, từ Bù Đăng vòng xuống xã Thống Nhất, vô Bam Bo và cho tới tận Đak Nhau chỉ có một ngôi nhà thờ cũ nhưng không có linh mục.

Trước ước nguyện của bà con, 3 chàng trai trẻ đã đứng ra qui tụ và hướng dẫn, dạy cho bà con đọc những kinh quen thuộc, đồng thời cùng bà con chung tay dựng một ngôi nhà nguyện nhỏ để sớm hôm có nơi cho các thiếu nhi sinh hoạt và mọi người đọc kinh cầu nguyện. Còn cậu bé Nhơn cho tới năm 1980 mới được 14 tuổi, cưới vợ năm 20, và tới ngày được sai đi loan báo Tin Mừng, đầu năm 1994, thì anh cũng vừa tròn 30 tuổi, là người trẻ nhất và miệt mài nhất.

Khi chúng tôi đặt chân tới Sơn Hòa năm 1991, thì đời sống đạo đã đi vào nề nếp, các sinh hoạt nhịp nhàng, từ thanh niên tới thiếu nhi và người lớn. Đó là một giáo điểm hoàn toàn tự mình trưởng thành theo ngày tháng, cứ như hạt giống một khi được gieo xuống đất thì cứ vậy lớn lên, đất tự động sinh ra hoa màu (Mc 4,26), 4 anh em phụ trách lo sắp xếp mọi chuyện, trong khi vốn liếng giáo lý chẳng được bao nhiêu, đủ biết những con người nơi đây hiền lành mềm mại, đồng tâm nhất trí chung tay xây dựng họ đạo, sẵn một con tim luôn biết lắng nghe để Thiên Chúa có thể lên tiếng dạy dỗ từ sâu thẳm lòng họ.

Thật vậy, trên vùng đất của những con người với con tim đơn nghèo cùng với tấm thân nghèo thì nước Thiên Chúa là của họ. Một khi Thiên Chúa luôn dành cho họ chỗ đặc biệt trong cung lòng của Ngài thì nhiều chuyện lạ lùng xảy ra, một vùng đất đầy hoa trái từ các mối phúc. Nghèo khó và hiền lành, những tấm lòng hiền lành thì vùng đất họ sinh sống và làm việc trở thành đất để Thiên Chúa thực hiện những lời hứa của Ngài.

Người của Nước Thiên Chúa, trong vòng tay của Thiên Chúa, được Thiên Chúa ấp ủ thương yêu, cho dù cuộc sống có đói no gian khổ, mọi người vẫn an vui. Tìm đâu ra nơi nào ấm áp và tràn đầy niềm vui hơn chốn này, và vì thế chỉ với 4 anh lớn tuổi cùng với một chàng trai trẻ, biết bảo nhau dựa cậy vào bàn tay Chúa dẫn dắt, mà giữa bà con buôn làng luôn êm thắm: chẳng có chi phải tranh giành, làm gì có chuyện cãi vã. Cuộc sống ở đây tương tự Giáo Hội buổi sơ khai: mọi người chung sống với lòng đơn sơ vui vẻ. “Họ ca tụng Thiên Chúa và được mọi người thương mến, và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ. (Cv 2,46-47).

Cho tới khi chúng tôi được sai đến vùng này thì Sơn Hòa mới bắt đầu gửi anh em cho theo học các khóa đào tạo giáo lý viên. Tuy nhiên, mãi tới đầu năm 1994, khi anh em được sai đi loan báo Tin Mừng, thì vẫn chưa ai được lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo, vì vùng Bù Đăng vào cuối năm 1991 mới có linh mục mỗi tháng một lần từ Phước Bình qua đây dâng lễ. Mãi tới cuối năm 1994, một số anh chị em giáo lý viên đã qua các khóa đào tạo, mới được lãnh nhận bí tích rửa tội.

Qua tới năm 1996, giáo xứ Bù Đăng chính thức có cha xứ về chăm sóc đời sống đạo của bà con giáo dân, ngoài các nữ tu dòng Đức Bà Truyền giáo, còn có thêm hai cộng đoàn dòng Nữ Vương Hòa Bình và mến Thánh Giá Tân Việt, từ đó đều đặn hằng năm có hơn một ngàn người được dẫn về dòng suối thanh tẩy.

Sơn Hòa nay đã là một giáo họ, với 117 gia đình, 500 nhân danh, đang cùng nhau xây dựng nhà thờ mới để tương lai lên giáo xứ.

Còn Bù Đăng Srêy cũng đã có nhà thờ và nhà xứ, nhỏ thôi, mỗi sáng cha xứ Bù Đăng đều vào dâng lễ cho bà con, số giáo dân hiện nay cũng trên 70 gia đình, hằng ngày đi lễ khá đông, chúa nhật thì ngồi tràn ra ngoài.

Bà con sắc tộc, những con người đã quen nhìn cuộc sống với cặp mắt của lòng tin: “như thấy Đấng vô hình”. Từ cha ông qua bao thời cho đến con cháu hôm nay, Thiên Chúa trời đất vẫn là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, giữa núi rừng và sông suối cũng như giữa bà con buôn làng.

Vì thế khi nghe Lời Chúa trong Tin Mừng, thì trái tim họ dễ dàng chạm vào Lời sự sống.

Để ngang qua mọi cảnh đời, càng nhiều bấp bênh, càng thêm tin tưởng.

Và lời Thiên Chúa vẫn lan tràn.

Đa Minh Trần Văn Tân, SJ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây